Tuesday, July 25, 2017

Bạo lực gia tăng vì bức xúc và nghi ngờ trong xã hội

Thanh Trúc, RFA 2017-07-25  
Hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ con bị người dân vây bắt và đánh đập hôm 22/7/2017 ở Sóc Sơn, Hà Nội
 Hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ con bị người dân vây bắt và đánh đập hôm 22/7/2017 ở Sóc Sơn, Hà Nội  Citizen
Tự động vây bắt  rồi đánh đập những ai tình nghi bắt cóc trẻ con hay trộm chó, gây thương tích trầm trọng hoặc thậm chí đánh chết nạn nhân, là chuyện liên tiếp xảy ra trong xã hội Việt Nam thời gian qua.
Đây là những câu chuyện được báo chí trong nước đưa lên tin tức, thí dụ trường hợp một thanh niên đi ăn trộm chó ở miền Trung bị dân làng xúm vô đánh  tới chết hồi năm 2015.
Gần đây, dư luận lại xôn xao trước những tin như bắt người nhốt vào lồng vì nghi trộm chó, bắt và hành hung lầm người ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tại xã Hồng Lạc, tỉnh Hải Dương, do tình nghi bắt cóc trẻ em mà dân làng đã đập phá, đốt xe của người họ cho là có hành vi đáng ngờ.
Và mới đây nhất là vụ việc ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cũng do nghi ngờ có kẻ đi bắt cóc trẻ con mà người dân ở đây xúm nhau hành hung 2 phụ nữ đi bán tăm bông để gây quĩ từ thiện. Hậu quả là 2 phụ nữ không may này phải nhập viện vì bị đánh một cách dã man.
Bức xúc hay phẫn nộ trước những chuyện sai trái tiêu cực trong xã hội là thái độ đương nhiên, thế nhưng phải hiểu là dân thì không thể manh động và không có quyền đứng ra trừng phạt kẻ phạm tội thay cho pháp luật. Điểm đáng nói trong những câu chuyện vừa nêu là bạo lực xảy ra nhiều phần do nghi ngờ dẫn đến bắt oan và hành hung người vô tội. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, chẳng những phương hại đến tính mạng, sự an toàn, sức khỏe cũng như tài sản của người dân mà còn gây náo loạn và mất trật tự xã hội.
Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực  như vậy. - viên chức UBND tỉnh giấu tên
Một viên chức Ủy Ban Nhân Dân một tỉnh, không muốn tiết lộ danh tính, nói với đài Á Châu Tự Do như vậy qua điện thư, rằng:
Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực  như vậy”.
Thứ hai, vẫn theo lời viên chức này:
Bản chất người dân ở một đất nước phát triển như Việt Nam thì thường  có những mâu thuẫn nội tại trong chính các khối dân chúng. Khi  những mâu thuẫn nội tại như thế không được giải quyết một cách thấu đáo, và khi có chuyện này chuyện kia thì họ rất dễ tự họ thổi bùng lên cơn giận dữ, họ nhắm vào những người yếu thế, những người cô thế. Họ tự cho mình làm thay pháp luật, họ nghĩ họ làm đúng và họ có phần hả hê khi nghĩ rằng đó là cái xấu cái ác mà họ được góp phần trừng trị cái ác cái xấu đấy.
Và cũng thêm một phần nữa là nhiều khi họ, tức người dân, đã không tin tưởng vào pháp luật lắm, viên chức này khẳng định, vì thế họ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, xé chuyện nhỏ ra chuyện lớn để khích động xã hội và hãm hại người vô tội.
Để dân không tự xử thì pháp luật phải nghiêm là tựa đề một trong những bài liên quan trên các báo trong nước khi nói về những vụ dân tự động đánh người mà họ nghi ngờ trộm chó hay bắt cóc trẻ.
Bà Kim Hoa, dân oan bị vu cáo và thua kiện đến phải đi học luật để tự chống án cho mình, góp ý rằng người dân tự hành xử đánh người như vậy là phạm pháp:
Thí dụ như bắt chó trộm đi, giờ có đem tới công an thưa một lát cũng thả về, rồi chỗ mà  thay vì đưa tới công an để có biện pháp nào đó  răn đe để không tái phạm nữa thì người ta nói thế nào công an cũng thả vậy mình đánh chết cho rồi. Bây giờ bên đây có những việc to bằng trời lại không giải quyết gì hết, còn việc nhỏ xé ra to, do đó dân cứ nghĩ thôi thả “tao” làm trước vì báo chính quyền cũng không làm gì.
Theo tôi thì người dân không được quyền làm chuyện đó, nhưng thứ nhất do người ta không hiểu luật pháp, thứ nhì người ta thấy đem tới thì chính quyền cũng không xử lý đúng việc đúng tội. Người ta cảm thấy coi như là thôi để người ta giải quyết nhưng không hiểu rằng chuyện người ta làm là vi phạm luật, vi phạm đến tính mạng con người.
Để giải quyết hiện trạng này thì không chỉ dân mà trước hết là chính quyền phải nêu cao tinh thần thượng tôn luật pháp, bà Kim Hoa bày tỏ tiếp:
Kỷ cương không nghiêm thì sinh loạn, hôm rồi tôi có lên facebook tôi viết một câu là “quan bất minh thì thần dân tác loạn, hạ bất nghiêm thì xã tắc đảo điên” . Có nghĩa là từ trên mà không giải quyết được thì cuối cùng dân ở dưới này người ta xài theo kiểu luật rừng đó.
Phải thượng tôn pháp luật và phải tập trung giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của dân trong việc đối phó với  những chuyện tiêu cực là ý kiến của một nhà giáo yêu cầu không nêu tên đang sinh sống ở ở Hà Nội. Theo ông, chuyện dân ngang nhiên xúm vào đánh người tình nghi  trộm cắp hay bắt cóc trẻ là hiện tượng đáng lo ngại trong một xã hội  vốn dĩ hòa vi quí như Việt Nam:
Nó phản ánh sự mất lòng tin của người dân đối với nhau và đối với xã hội, phản ánh sự mất lòng tin của dân với pháp luật, phản ánh sự lên ngôi của bạo lực trong những con người bình thường nhất.
Đứng về góc độ vĩ mô của nhà nước quả thực trong một sớm một chiều không thể giải quyết được ngay. Biện pháp căn bản nhất, lâu dài nhất, đấy là sự giáo dục từ những đứa trẻ con đến những công dân của một đất nước về tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, đấy là sự kiện toàn của chính bộ máy nhà nước với bộ phận pháp luật gồm công an cảnh sát, là những người mà đáng ra dân có thể gởi gắm lòng tin cậy của họ nhưng nay đã bị thoái hóa và biến chất.
Hơn thế nữa, vị giáo viên này kết luận, phản ứng và ngăn chận hữu hiệp kịp thời cái ác cái xấu của công an nhân dân hay cảnh sát nhân dân là một điều  kiện tiên quyết để  những chuyện dân đánh chết người, dù là người có tội, không còn tái diễn và trở thành một tiền lệ vô thiên vô pháp trong xã hội Việt Nam.

Dân căng lều phản đối công ty xả thải

RFA 2017-07-25  
Công ty TNHH Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương.
  Công ty TNHH Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương.  Photo courtesy of inres.vn
Tháng Hai vừa rồi Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có loan tin về việc người dân ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phàn nàn về công ty dệt may Pacific Crystal ở địa phương xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Tin chúng tôi mới nhận được cho biết hiện nay tình trạng này vẫn tiếp tục và người dân đã mắc lều trước cửa để phản đối công ty này hoạt động.

Dân căng lều phản đối

Bà Tân năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Cả cuộc đời bà gắn bó với vùng quê nghèo xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên bà nói với chúng tôi rằng quê hương nơi bà sinh ra và lớn lên ấy bây giờ không còn bình yên như trước nữa kể từ khi công ty Pacific Crystal kéo về dựng nhà xưởng ở địa phương gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống của bà con. Bà Tân cho biết cách đây hơn 3 tháng, hàng trăm người dân địa phương đã dựng lều trước cổng công ty này để phản đối:
Nhân dân dựng lều ở cổng công ty không cho nó làm nữa vì nó cứ xả thải ra, phạt hai lần rồi nhưng vẫn tiếp tục xả thải ra. Dân chặn ở cổng công ty không cho làm 3 tháng rưỡi rồi. Từ hôm nay (21/7), huyện nó đe dỡ lều của bọn cô. Nó về đọc trên loa là tháo gỡ lều để cho nhà máy hoạt động nhưng dân không nghe.
"Huyện nó đe dỡ lều của bọn cô. Nó về đọc trên loa là tháo gỡ lều để cho nhà máy hoạt động nhưng dân không nghe".
- Bà Tân
Hồi tháng Hai vừa rồi chúng tôi cũng đã nói chuyện với người dân xã Lai Vu và được họ cho biết là công ty Pacific Crystal xả thải gây ô nhiễm nặng nề con sông Rạng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các đại phương quanh con sông này. Ngoài ra người dân cũng phản ánh là khí thải từ công ty này làm bầu không khí lúc nào cũng nặng mùi khét rất khó chịu.
Một người dân khác ở Lai Vu là bà Nhị nói với chúng tôi rằng tình hình hiện tại không những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn trước:
Nước thối và các con vật như cá, cua, tôm ở đó đều chết, nổi lên. Không khí thì mùi nặng kinh lắm, cứ tầm tối tối mà ra đó thì thấy các cây cỏ ở trên mặt đê gần chỗ nhà máy cứ lăn tăn lăn tăn, nhìn như sóng! Kinh lắm!
Cả hai người dân chúng tôi được tiếp xúc đều nói rằng họ thấy chính quyền huyện và tỉnh không thực sự quan tâm giải quyết vấn đề cho người dân mà chỉ mong thuyết phục người dân cho công ty hoạt động lại. Ngoài ra, bà Nhị cho chúng tôi thêm thông tin như sau:
Ở tỉnh vẫn bảo là dân không được giữ chúng nó nữa, phải để cho chúng nó làm 50% công suất. Nhưng chúng cô bảo là người dân chúng tao ngu lắm không biết gì hết, chúng mày cứ bảo làm 50% nhưng hoạt động hết công suất thì chúng tao cũng không biết.
onhiemhaiduong
Đường ống xả thải của Công ty Pacific Crystal đang được xử lý khắc phục. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn

Những người địa phương này cũng bày tỏ bức xúc vì theo họ nguồn nước, không khí bị ô nhiễm khiến tỷ lệ ung thư đặc biệt là ung thư phổi của người dân ngày càng cao, một số gia đình có đến 3,4 người bị ung thư. Bà Nhị kể cho chúng tôi biết rằng trước đó công ty này từng thuê 3 người dân dọn bể hóa chất, trả công 2 triệu đồng/giờ. Sau khi vào bể để dọn, một người thấy quá chóng mặt nên bỏ về và hiện tại cơ thể còi cọc ốm yếu. Còn hai người ở lại dọn sạch bể thì hiện cả hai đều qua đời.
Trước đó báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương về kết quả phân tích mẫu nước xả thải của Công ty Pacific cho thấy có 5/10 thông số vượt quy chuẩn, trong đó có những thông số vượt đến hơn 30 lần.

Chưa xử lý được!

Hãng Reuters ngày 21/7 vừa qua cũng trích thông tin trên website của chính quyền địa phương Hải Dương hồi tháng Hai năm nay rằng Pacific Crystal đã nộp phạt 672 triệu đồng, tương đương 30.000 đô la, từ tháng Mười Hai năm ngoái vì gây ô nhiễm nguồn nước với những hóa chất độc hại khiến nước có mùi rất gắt. Công ty này còn phải cam kết khắc phục hậu quả ô nhiễm môi sinh đã gây ra.
Tuy nhiên người dân nói với chúng tôi là họ muốn công ty phải đóng cửa chứ không chỉ bồi thường là xong.
RFA đã liên hệ với ông Bùi Đỗ Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Vu và được ông xác nhận tình trạng người dân căng lều chặn công nhân tới nhà máy làm việc và nói rằng hiện cơ quan chức năng đang cố gắng giải quyết vấn đề:
Để nhân dân giảm bớt bức xúc và có những biểu hiện thế này thế khác, hiện nay từ tỉnh, huyện đang họp bàn giải quyết chỗ nhân dân bức xúc như hiện nay.
Ông Đạt cũng nói với chúng tôi rằng tình trạng ô nhiễm tại địa phương do công ty Pacific Crystal xả thải là có thật:
Nói cho cùng thì cũng có những biểu hiện sự cố của nhà máy gây ra ô nhiễm thì đương nhiên phải là chủ thể của công ty. Bà con cũng phát hiện được và đã thông báo cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng đến bây giờ vẫn chưa xử lý được.
Về vấn đề bồi thường, Phó Chủ tịch xã Lai Vu chia sẻ những khó khăn như sau:
Thực ra mà nói thì đền bù phải có cụ thể về ông A, ông B, tài sản nọ kia. Nhưng đây nó lại là môi trường nước chung ở khu vực đó hoặc nó thải ra ngoài sông thôi chứ bây giờ không có chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm nên người ta không thể căn cứ vào đâu để bồi thường được. Người ta chỉ xử lý tội gây ô nhiễm môi trường với các cơ quan chức năng thôi chứ địa phương không có thẩm quyền xử lý đó.
"Bà con cũng phát hiện được và đã thông báo cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng đến bây giờ vẫn chưa xử lý được"
- Phó Chủ tịch xã Lai Vu 
Cũng trong bài báo loan đi hôm 21/7, Reuters cho biết đã liên hệ với giám đốc Eugene Cheng của công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal. Ông này cho biết công ty đã nộp phạt và đã nhận lãnh trách nhiệm khắc phục hậu quả nhưng vẫn không hiểu tại sao dân làng vẫn muốn công ty phải đóng cửa khi mà bà con họ hàng của họ vẫn đang làm việc cho công ty.
Đáp lại email của RFA hỏi về các giải pháp để thắt chặt nạn xả thải bừa bãi của các doanh nghiệp, Tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết:
Việc cần làm quan trong nhất là làm thế nào để có được những con người thực sự làm việc trong một thể chế lành mạnh hơn. Còn nói theo chủ trương chung thì là "cần phải xử phạt nghiêm minh và phạt nặng để ai muốn xả thải sẽ phải biết sợ để không dám xả thải nữa và phải nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế trong khuôn khổ bảo vệ môi trường"
Có thông tin Bộ Tài nguyên & Môi trường đã/đang phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm 100% việc giám sát tuân thủ về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và cán bộ địa phương đang than trời. Vậy thì chắc chỉ có trời mới biết làm thế nào!
Số liệu từ Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, Việt Nam công bố hồi tháng 6 cho thấy có 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém, và 100,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Pacific Crystal là công ty vốn nước ngoài có tổng đầu tư 180 triệu đô la, liên doanh giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Holdings với tập đoàn may mặc Crystal của Hong Kong, khởi sự hoạt động từ 2015 ở Hải Dương, chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho một số công ty hàng hiệu trên thế giới, trong đó có tập đoàn bán lẻ UNIQLO của Nhật.

Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận thanh tra đất

RFA 2017-07-25  
Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017.
 Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017.  AFP
Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 25/7 chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.
Đây là kết quả thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Một người dân Đồng Tâm không muốn nêu tên cho biết người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này:
Dân Đồng Tâm không đồng ý với kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội. Dân Đồng Tâm sẽ gặp trực tiếp Thanh tra Thành phố Hà Nội để đối thoại. Hiện tại đang yêu cầu họ đối thoại.
Kết luận thanh tra nói là dựa vào nguồn gốc đất theo Quyết định ngày 14-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định ngày 10-11-1981 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định ngày 20-10-2014 của UBND Thành phố.
Cũng theo bản kết luận, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng nhưng đã bộc lộ sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài. Cụ thể là việc tiếp tục để người dân sản xuất nông nghiệp khi hợp đồng canh tác đất hết hạn vào năm 2012.
Ngoài ra, các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân sinh sống trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép.
Thanh tra Thành phố đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quốc phòng rà soát, và quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn.
Ngoài ra, Thanh tra Thành phố cũng đề nghị có biện pháp thu hồi ngay những diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn.
Sau khi kết luận thanh tra được công bố, cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, là một trong 4 người dân Đồng Tâm bị Công an Hà Nội bắt hôm 15/4 với  cáo buộc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Tâm cho biết cụ và người dân Đồng Tâm không đồng tình với kết luận này.
Báo Dân Việt trích lời cụ Kình nói rằng cụ và nhiều người dân khác ở Đồng Tâm vẫn bảo lưu quan điểm đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha đã được cắm mốc giói rõ ràng, còn lại là đất nông nghiệp của người dân.
Cụ Kình cũng nói thêm là sau khi Hà Nội công bố dự thảo Kết luận thanh tra vào ngày 7/7 thì đến ngày 20.7 thành viên Tổ đồng thuận đã đến trực tiếp Thanh tra thành phố trao văn bản phản bác, đồng thời mong muốn xin một bản Dự thảo kết luận thanh tra nhưng Thanh tra Hà Nội cho biết “vì nguyên tắc nên không thể đáp ứng yêu cầu".
Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà thực tế là do tranh chấp đất đai.
Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.
Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.
Ngày 7 tháng 7, dự thảo kết luận thanh tra được đưa ra, sang đến ngày 20 tháng 7, người dân Đồng Tâm có văn bản yêu cầu thanh tra lại.

Trung Cộng chính thức đòi Việt Nam ngưng khoan dầu trong vùng tranh chấp ở Biển Đông

Trung Cộng chính thức đòi Việt Nam ngưng khoan dầu trong vùng tranh chấp ở Biển Đông
Một khoan dầu trên biển Đông. (Ảnh: Dân Trí)
Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hôm Thứ Ba hối thúc việc ngưng khoan dầu trong một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nơi công ty Repsol của Tây Ban Nha đang hoạt động chung với Việt Nam.
Việc khoan dầu bắt đầu hồi giữa tháng 6 ở lô 136-03 của Việt Nam, được cấp phép cho Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Repsol của Tây Ban Nha và công ty xây dựng Mubadala của Các Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Lô này nằm bên trong đường 9 đoạn đứt khúc, còn gọi là “đường lưỡi bò”, đánh dấu một khu vực rộng lớn mà Trung Cộng đòi chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Cộng nói rằng địa điểm khoan dầu khí vừa kể nằm chồng lên những lô dầu khí của Trung Cộng. Khi được hỏi có phải Trung Cộng đã làm áp lực để Việt Nam hay công ty Tây Ban Nha ngưng khoan dầu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Lục Khảng không trả lời thẳng mà nói rằng Trung Cộng có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Trường Sa, mà Trung Cộng gọi là quần đảo Nam Sa.
Hôm Thứ Hai, BBC dẫn một nguồn tin trong ngành dầu khí Châu Á cho biết Repsol đã được lệnh phải rời khỏi khu vực. Tin này đã được một nguồn ngoại giao của Cộng Sản Việt Nam xác nhận.
Theo nguồn tin trong ngành dầu khí, giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng, Trung Cộng đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Tường Thắng / SBTN

Bị xử 9 năm tù, bà Trần Thị Nga hát vang bài Trả Lại Cho Dân trước tòa

Bị xử 9 năm tù, bà Trần Thị Nga hát vang bài Trả Lại Cho Dân trước tòa
Bà Trần Thị Nga trước phiên sơ thẩm ngày 25/07/2017.
Trong một phiên xét xử tuy nói là “công khai” nhưng được canh gác chặt chẽ để ngăn công chúng vào xem, tòa án tỉnh Hà Nam hôm Thứ Ba 25/07 tuyên cho bà Trần Thị Nga, tức nhà hoạt động Thúy Nga, bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự của chế độ cộng sản.
Phiên toà được xét xử với thông báo là “công khai”, nhưng thực chất là xử kín. Ngay cả chồng bà Nga là ông Lương Dân Lý và hai đứa con nhỏ dưới 5 tuổi cầm bông hồng đến Tòa án, nhưng cũng không được vào tham dự phiên tòa xét xử.
Được biết, trong phần nói lời sau cùng trước toà, bà Trần Thị Nga đã hát vang hai bài hát: “Trả Lại Cho Dân” và “Anh Là Ai”, thể hiện sự bất khuất trước bạo quyền CSVN.
Trong phần tranh luận và biện hộ tại phiên toà, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng quá trình tố tụng vụ án hình sự đối với bà Nga không đúng với trình tự của pháp luật, những chứng cứ mà phía Viện kiểm sát đưa ra không được kiểm định
Theo luật sư Sơn, bà Nga không thừa nhận mình phạm tội trước toà. Dĩ nhiên, lời bào chữa của luật sư Sơn là vô nghĩa, vì bản án đã được viết trước.
Trong khi phiên tòa đang xảy ra, nhà cầm quyền tỉnh Hà Nam đã điều động các lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, xe đặc chủng và cả xe phá sóng điện thoại di động đến chốt chặn các ngả đường vào khu vực toà án. Nhiều nhà bạn bè những người mến bà Nga đến trước trụ sở toà án tỉnh Hà Nam nhưng bị công an ngăn cản không cho vào tham dự phiên toà,
Trên các trang mạng xã hội đang chia sẻ một đoạn video dài 5 giây cho thấy hai tên côn an trẻ tuổi đấm thẳng tay vào mặt người đàn ông lớn tuổi đến trước toà án, yêu cầu được tham dự phiên tòa “công khai”, và ủng hộ bà Trần Thị Nga.
Những người có mặt tại hiện trường cho biết, hai tên này chính là công an mặc thường phục để trấn áp người dân.
Bên trong toà án là một phiên tòa với bản án đã định sẵn. Bên ngoài là côn an đàn áp người, ngăn chận cả người thân của bà Trần Thị Nga vào tham dự phiên tòa.
Bộ mặt công lý của CSVN trong 40 năm qua không có mấy thay đổi.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Ném bom xăng vào hội trường Thành Ủy Vũng Tàu

Ông Nguyễn Song Phượng và các loại hung khí mang theo người. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
BÀ RỊA-VŨNG TÀU (NV) – Mang theo mã tấu, trái nổ tự chế, bom xăng, một ông đã bất ngờ chọi bom xăng vào hội trường Thành ủy Vũng Tàu, rồi cầm mã tấu cố thủ.
Sáng 25 Tháng Bảy, công an Vũng Tàu bắt giữ ông Nguyễn Song Phượng (31 tuổi, ngụ phường 9, thành phố Vũng Tàu) do dùng bom xăng và dao tự chế tấn công vào hội trường Thành Ủy Vũng Tàu.
Theo báo Tuổi Trẻ, vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bảo vệ hội trường và người đi đường chứng kiến cảnh một ông bày trái cây, thắp hương trước cổng hội trường… Khi bảo vệ hội trường đến đuổi, người này đã cầm chai thủy tinh có chứa xăng đuổi theo bảo vệ chạy vào hội trường và ném chai này vào cửa chính vào hội trường, gây hư hại.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, bảo vệ báo cho công an phường 3 ở gần đến. Khi công an, bảo vệ có ý định giữ lại thì người này ném chai thủy tinh trong có đựng xăng, một quả nổ tự chế, dùng dao tấn công lại.
Ngay sau đó, công an có mặt nhưng ông này dùng dao chống trả, hô hoán ai vào sẽ chém, và dùng trái nổ tự chế ném về phía công an.
Các lực lượng chức năng lao vào khống chế thì bị chống trả quyết liệt. Sau khi khống chế được ông này, và kiểm tra, ông này âm tính với ma túy nhưng có biểu hiện không bình thường. Trên người ông Phượng cũng có nhiều đồ, vũ khí tương tự các trò chơi trong game.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Hà, trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Vũng Tàu, cho biết vào cuối 2016, ông Phượng có đi khám bệnh tâm thần tại Sài Gòn và xác định có trầm cảm trung bình.
Ông cho hay, người này nghiện game từ nhỏ, qua xác minh, hành vi của ông Phượng không liên quan đến an ninh quốc gia và chỉ là bộc phát chứ không ai kích động, xúi giục.
Tối 25 Tháng Bảy, một lãnh đạo công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, ông Phượng trước đây làm ở một công ty trong ngành dầu khí và bị sa thải. (Tr.N)

Nổ trên bầu trời Ninh Thuận khiến nhiều nhà dân bị hư hại

Cửa sổ Nhà ông Nguyễn Văn Bình bị thủng một lỗ, bức tường trong phòng cũng bị vỡ một lỗ lớn, các cửa kính đều vỡ. (Hình: Báo điện tử Zing)
NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Nhiều nhà dân ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, bị hư hỏng nặng sau tiếng gầm rú của máy bay đi qua kèm theo tiếng nổ long trời.
Ông Lê Ðức Hùng, chủ tịch phường Bảo An, cho biết khoảng 9 giờ 30 phút sáng 25 Tháng Bảy, một loạt tiếng nổ long trời phát ra ở cự ly rất gần khi máy bay bay ngang gầm rú trên bầu trời khu phố 1, phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
“Ðến chiều cùng ngày, phường đã thống kê có chín gia đình bị thiệt hại do vụ nổ gây ra. Vụ nổ còn làm cháu Phạm Nguyễn Lâm Vy (8 tuổi) đang chơi trong nhà bị sây sát nhẹ,” ông Hùng nói với báo điện tử Zing.
Nói với báo Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Kim Xuyến cho biết bà đang đẩy xe cát trộn hồ xây nhà thì nghe tiếng máy bay từ hướng Nam, sau lưng bà kèm tiếng nổ đùng đùng và tiếng rào rào trên cành cây. “Lúc nhìn lên, tôi thấy thân cây xoài bị mảnh vỡ làm tróc một mảng lớn,” bà kể.
Nhà bà Ðặng Thị Quýt (55 tuổi) cách đó 2 mét cũng bị mảnh vỡ đâm thủng một lỗ lớn ở sau bếp. Bà cho biết, nhiều vật dụng trong căn bếp cũng bị thủng, hư hỏng. Bà cho hay đang nằm võng thì nghe tiếng nổ rồi khói bụi mù mịt. Bà bị mảnh vỡ tường bắn trúng chân bị thương nhẹ.
Bà Châu Thị Xuân kể, bà đang ngồi phía sau cùng mấy con nhỏ. Lúc này nghe tiếng máy bay bay qua kèm theo sau đó là nghe nhiều tiếng nổ. Bà nhìn vô nhà thấy bụi tường bay mịt mù. Chạy vô thấy mái tôn thủng nhiều lỗ lớn, tường bị thủng một lỗ to kèm nhiều vết nứt.
Hai căn nhà khác cũng bị thủng tường là nhà ông Nguyễn Văn Bình và bà Ðặng Thị Diệu, trong đó nhà ông Bình bị thủng tường ngay cửa phòng.
Tại hiện trường, người dân thu được nhiều mảnh sắt nghi vỏ đạn. (Hình: Báo điện tử Zing)
Ông Nguyễn Văn Bình (60 tuổi) cho biết đang ở ngoài vườn thì tiếng máy bay và tiếng nổ. Ông chạy vào nhà kiểm tra thì thấy cửa sổ bị thủng một lỗ như vết đạn bắn từ hướng Tây. “Nghe tiếng nổ, tôi chạy vào nhà kiểm tra thì thấy cửa sổ phía Tây bị thủng một lỗ, bức tường trong phòng cũng bị vỡ một lỗ lớn, các cửa kính đều vỡ,” ông kể với báo điện tử Zing.
Ðối diện nhà ông Bình, nhà ông Lê Văn Sang (54 tuổi) cũng bị vỡ tường từ phía ngoài. “Ðang nấu cơm trong nhà thì nghe nổ ầm rồi gạch cát phủ cả lên đầu. Hoảng sợ, tôi bồng đứa con nhỏ bỏ chạy ra ngoài,” anh Thanh (con trai ông Sang) kể lại. Mái tôn mới của nhà ông Sang bị thủng nhiều lỗ sau vụ nổ, gạch cát rơi đầy sàn nhà.
“Sau tiếng máy bay là hai tiếng nổ như tiếng bắn pháo bông rồi thấy nhà hàng xóm bỏ chạy khỏi nhà,” một người dân kể lại.
Cách những căn nhà bị hư hỏng nêu trên khoảng 200 mét, một thửa ruộng cũng bị tiếng nổ tạo thành nhiều hố với đường kính khoảng 1 mét. Tại hiện trường người dân thu được nhiều mảnh sắt nghi vỏ đạn.
Theo báo Tuổi Trẻ, chiều cùng ngày, nguồn tin từ Trung Ðoàn Không Quân C937, thuộc phi trường Thành Sơn, Phan Rang, xác nhận “máy bay huấn luyện của đơn vị gặp sự cố kỹ thuật gây thiệt hại nhà cho các gia đình…”
Nguồn tin này cũng cho biết C937 đã mời các gia đình về ủy ban phường Bảo An nhận tiền bồi thường thiệt hại nhà cửa do vụ nổ gây ra, với số tiền mỗi nhà từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tùy mức độ hư hỏng nhiều hay ít.
Cũng trong chiều 25 Tháng Bảy, Trung Ðoàn Không Quân 937 đã cử cán bộ chuyên môn đến hiện trường thửa ruộng – nơi nhiều chỗ với đường kính khoảng 1 mét bị ảnh hưởng vụ nổ sáng cùng ngày – để tìm các mảnh vỡ. (Tr.N)

Buồn vào hồn không tên

S. T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn… đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

*

Có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:

– Tiến hả?
– Dạ…
– Vũ Đức Nghiêm đây…
– Dạ…
– Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
– Dạ… cũng được!

 Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (1930- 2017)

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi… ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.

Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

- Hình như là nhạc Vũ Đức Nghiêm… Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
- Em nói nghe cái gì?
- Anh thử nghe nhạc coi…
- Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:

- Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng… sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến:

- Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
- Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và… ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi hai mươi - dù trong hay ngoài nước - còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”

Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách... là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta... thế là mình lấy 1 đồng về… như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”

Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam: 

“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hoà’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình. Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn - trên báo Pháp Luật, phát hành từ trong nước:

“Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức… Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau…

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường… bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ…”

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn… đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!

26/7/2017


Bỏ đảng vì e tội "cõng rắn"!

Hà Sĩ Phu (Danlambao) - Một cụ già 92 tuổi từ Hà Nội vào Đà Lạt du lịch, tìm đến thăm tôi. Ông cụ 92 tuổi này là đảng viên (có lẽ cũng từ tiền khởi nghĩa) nói đã tự ý bỏ đảng (không tuyên bố) từ lâu, từ lúc ông cụ giật mình nhận ra mình đang ởtrong đảng của một “thần tượng” cứu nước mà vô tình hóa ra… “Cõng rắn cắn gà nhà”, hoặc ít ra cũng là “rước rắn vào nhà”, thì không có lý do gì một người VN yêu nước biết trọng danh dự lại còn ở trong đảng của ông ấy nữa! (Chứng tỏ từ lâu đã có những đảng viên nhận thức được như vậy). Lời tâm sự mộc mạc của ông cụ tuy không phải điều phát hiện gì mới mẻ, vì nhiều người đã biết, nhưng gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi thường được nghe một số đảng viên bỏ đảng vì thấy đảng bây giờ thoái hóa không còn trung thành với HCM, chứ bỏ đảng vì nghi ngờ tác dụng cứu nước của chính ngọn cờ HCM thì quả thực còn hiếm.

Nghĩ kỹ mà xem, người đảng viên già này có lý.

Trước hết phải hệ thống lại quá trình cố thủ của CSVN trước cơn bão táp sụp đổ của CS toàn thế giới và làn sóng dân chủ hóa đất nước. 


- Đầu tiên, thấy Mác-Lê đã bị thế giới bóc trần tính ảo tưởng, phi lý, phi dân chủ và phản tiến hóa, đảng ta giảm nhẹ dần Mác-Lê để rút về với “Bác Hồ”. Nhân vật vĩ đại ắt phải có tư tưởng vĩ đại, nhưng cái pháo đài “tư tưởng HCM” không vững vì chính HCM đã nói “Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê, các vị Stalin, Mao Trạch Đông đã viết hết cả rồi”, và thực tế tất cả giáo lý của HCM không có gì ngoài những quan điểm Chuyên chính Vô sản đã được “Khổng- Mạnh hóa và Nông dân hóa” (dễ hiểu thôi, vì Nho giáo và Nông dân chính là mảnh đất lý tưởng để gieo rắc chủ nghĩa Mác-Lê). 

- Sau đó chống chế rằng HCM có tư tưởng chứ, đó là “Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội”, nhưng rồi cái đuôi “chủ nghĩa xã hội” cũng chẳng vững chắc gì, bèn tô đậm thêm cho HCM chẳng những ưu việt về tư tưởng mà cả về “đạo đức, phong cách”, nhưng “đạo đức và phong cách” của HCM cũng không ít chuyện rắc rối. 

- Chừng ấy thành trì đều lung lay, nên những đảng viên thức thời nhất đã bỏ phắt cái đuôi Mác-Lê để cứu HCM và cũng để cứu mình khỏi chết chùm với con tàu CS thế giới, nên lập luận “HCM chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải người Cộng sản, chỉ dùng CS làm phương tiện!!!". Đã rút về một HCM lại thu gọn về một “chủ nghĩa yêu nước”, bỏ tuốt tuột những yếu tố cộng sản, tư tưởng, với đạo đức vẫn thường gây rắc rối, thì sự cố thủ trong lô-cốt ấy tưởng vững như bàn thạch, vì cụ Hồ giương cao cờ đánh giặc cứu nước, giành độc lập cho dân tộc thì ai còn cãi được? 

Nhưng không, ác hại là bọn giặc Tàu xâm lược không để cho cái lô-cốt ấy được yên. Chúng phải khai triển cái chương trình bành trướng đã hoạch định từ lúc ông Hồ còn sống, chúng cứ lấn từng bước, ngoạm từng mảng như tằm ăn dâu, miếng ngoạm nào cũng nhân danh “tình hữu nghị mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây đắp, đó là tài sản vô giá của hai dân tộc”! Thế là câu chuyện “cõng rắn”ngày càng vỡ lở.

(Nói rõ thêm: Thế là những gì trong trang sử quá khứ phải được lật ra xem lại. Là người Việt Nam đích thực không ai có thể quên một nghìn năm Bắc thuộc do kẻ thù phương Bắc gây ra, các chế độ của Trung quốc có thể thay đổi nhưng dã tâm ấy thì xuyên suốt không hề phai nhạt. Vậy thì một người Việt Nam yêu nước có thể quên điều ấy hay không? Nếu còn nhớ mối nguy truyền kiếp là Tàu thì sao lại lập một chương trình cứu nước xuất phát từ Tàu, lấy căn cứ địa là Tàu, đi lính cho Tàu, lấy vợ Tàu, nhận viện trợ toàn diện của Tàu, nhận cố vấn Tàu, ốm đau chỉ sang Tàu chữa bệnh, khi ngồi với các lãnh tụ Tàu thì bộc lộ sự vui sướng hơn ngồi với những người ruột thịt…?.

Tóm lại một câu: Dù với động cơ muốn cứu nước chăng nữa nhưng những chuỗi ứng xử như thế dứt khoát mở đường cho Trung Cộng xâm nhập vào Việt Nam, trải thảm đỏ cho con chó sói đàng hoàng đặt cả 4 chân vào căn nhà Việt Nam. Gọi thế là “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi giày mả tổ” chắc không có gì quá đáng. Những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc ngày xưa mang danh phản quốc cũng chưa thực hiện được một phần trăm công việc giúp Tàu xâm nhập Việt Nam đến thế. Mục đích tốt nhưng cách đi sai lầm nên gây hiệu quả ngược. Kích thích dã tâm bành trướng của Trung Cộng còn vô tình làm ảnh hưởng xấu đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước nữa.) 

Có thể giải thích rằng HCM đã bị cái ảo tưởng “thế giới đại đồng” của CS che mắt nên không nhìn ra kẻ thù, tưởng rằng Tàu CS là anh em trong gia đình XHCN thì khác hẳn Tàu phong kiến. Nếu thế thì ý thức CS đã chiếm lĩnh cả tâm hồn HCM, khiến HCM quên cả chiến lược giữ nước của tổ tiên trước kẻ thù phương Bắc, sao lại bảo HCM chỉ yêu nước chứ thực sự không phải người CS? Và dù bị ý thức CS che mắt nên mới mắc sai lầm thì hậu quả tai hại sẽ mất nước trước hết vẫn đặt lên vai người dẫn đường, sau đó là do “tầm” của cả dân tộc nói chung, không phải riêng một người hay một số người, đến khi nhận ra thì cái giá phải trả quá lớn. 

Có thể bảo đó là sự hạn chế của lịch sử chăng? Sự cố lịch sử nào cũng do con người tiến hành, đều là sự hội tụ của những yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng muốn chủ quan là yếu tố năng động có thể hành động tốt hơn thì phải tìm ra ưu điểm-khuyết điểm chủ quan, tìm đúng nguyên nhân thành công và thất bại để rút ra bài học cho những việc sắp tới. 

Một hiện tượng thường gặp, trước một quá khứ đã được đánh giá là sai lầm, người ta thường chốt lại một câu “bây giờ biết thế là sai nhưng lúc ấy tôi chọn con đường ấy là đúng, là tất yếu, nếu lịch sử lặp lại tôi vẫn đi con đường đó, vì đó là điều kiện khách quan của Lịch sử, là sự hạn chế của Lịch sử”. Thằng Lịch sử luôn được lôi ra làm Lê Lai cứu chúa, nhưng xin hỏi: Lúc ấy đã xuất hiện nhiều con đường, đã có người khác, nơi khác chọn con đường khác và họ đã thành công kia mà? Sự chọn sai đường là do chủ quan mình có sai lầm về nhận thức hoặc tâm lý, là do trình độ. Đổ lỗi cho khách quan chẳng qua là để nhận sự sáng suốt về cho mình kiểu tự hào AQ. Tự cho mình là “sáng suốt” như vậy thì tất yếu sẽ tiếp tục đi từ “sáng suốt sai lầm” này đến những “sáng suốt sai lầm” khác mà thôi, sự hạn chế vẫn cứ do Lịch sử chứ không phải do trình độ. Dù là trình độ chung của dân tộc, hay một vài dân tộc, của dân trí, không phải của một cá nhân riêng lẻ, cũng phải tự phê phán mới mong thoát khỏi nạn lạc hậu triền miên của một đất nước được suy tôn là bậc “không chịu phát triển”!

Nay trở lại quá khứ để xem xét, với nhận thức toàn cầu hôm nay, rõ ràng việc chọn con đường Cộng sản để cứu nước và phát triển đất nước là sai lầm. Đi sai quy luật, phản khoa học nên xã hội không phát triển được đã đành, nhưng phải mượn sức mạnh của Liên xô, nhất là Trung quốc để cứu nước mới là sai lầm tai hại hơn, vì như Phan Châu Trinh đã nói mà Nguyễn Ái Quốc không chịu nghe lời: “Lực mình yếu mà muốn dùng bạo lực tất phải nhờ vả người khác, thế thì “thảng như cái phương pháp của ông Phan (Phan Bội Châu) mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”. (thư PCT gửi Nguyễn Ái Quốc-).

Tàu muốn cưỡi lên lưng Việt Nam một lần nữa do tận dụng cơ hội VN đã thành đứa em nhỏ mắc nợ trong “đại gia đình CS” và do những ràng buộc của cá nhân HCM như trên đã nói. Kế hoạch bành trướng kiểu “tằm ăn dâu” của Trung Cộng cứ bám chặt vào “tình hữu nghị Việt-Trung quý báu mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây đắp”, đó là “tài sản quý báu của nhân dân hai nước”. Cứ trương cái “tình hữu nghị, tài sản quý báu” giả tạo mà nuốt dần, nuốt hết tài sản thật của người ta. Tàu xưa nay vẫn thâm, Tàu Cộng Sản lại càng thâm hơn bao giờ hết.Dựa vào “Bác Hồ” để bàn kế Thoát Trung là trúng kế của địch, là mở cửa thành cho Bành trướng tiến vào. Vì thế “muốn Thoát Trung phải Thoát Cộng, muốn Thoát Cộng phải Thoát Hồ”, triết lý cuối cùng của sự nghiệp Thoát Trung là như vậy, nhưng bước đi cụ thể thì không thể cứng nhắc mà phải từng bước phối hợp linh hoạt giữa 3 cuộc “Thoát” nói trên. Người đảng viên Cộng sản còn yêu nước cũng phải thoát khỏi “cái gông CS” mới cứu được nước, tất nhiên Thoát Cộng là thoát trong tư tưởng, trong ý thức (và điều này dễ dàng kiểm chứng) chứ không ở chỗ có tuyên bố Thoát Cộng hay không.

Phương pháp, cách đi cụ thể thì có nhiều, mỗi người có thể tận dụng thế mạnh của mình để góp phần xứng đáng, nhưng nhận thức thì phải hiểu tận cùng bản chất, không nên mơ hồ duy cảm hay tự biện hộ.

Trong cơn thoái trào Cộng Sản, để tự vệ người CS Việt Nam thường trút bỏ Mác-Lê trụ lại với HCM, trong HCM thì trút bỏ chất CS giữ lại chất yêu nước như nơi cố thủ cuối cùng. Nhưng câu chuyện nhỏ của người đảng viên già bỏ đảng khiến tôi thấy rõ nơi cố thủ cuối cùng đó chính là nơi dễ đổ nhất, yên tâm bám vào chút “hào quang le lói” đó khác nào bám vào sợi chỉ mành trước cơn giông bão của tri thức thời đại và nguy cơ Bắc thuộc mới.

Tôi không phải đảng viên Cộng sản, nhưng vẫn luôn được các đảng viên Cộng sản chia sẻ tâm sự, từ Nguyễn Hộ, Trần Độ…đến Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hiếu Đằng…và vô số đảng viên đang sống hôm nay, trong đó có những đảng viên bỏ đảng như người đảng viên 92 tuổi vẫn lặn lội vào Đà Lạt thăm tôi như nói trên. Vì thế chuyện bỏ đảng hay ở lại trong đảng để đấu tranh tuy không phải việc của tôi, nhưng đã chung nhau một gánh nặng nước non thì cũng xin phép chia sẻ lại đôi lời bàn góp, nhân được sự thổ lộ chí tình của một đảng viên già bỏ đảng.

Hãy từ bỏ những điểm tựa sai lầm chỉ gây sự phân ly, để cùng nhau kết lại cứu nước khỏi tình trạng “quốc gia không chịu phát triển” và thảm họa Bắc thuộc mới mỗi lúc một tới gần!

25-7-2017

Nguyễn Xuân Phúc đầu hàng Formosa


Giặc Tàu o ép nước ta, 
Xuân Phúc lại... Phọt Mu Sa cho Tàu!

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Vào sáng sớm ngày 24/07/2017, trong khi Bắc Bộ Phủ treo cờ trắng, đầu hàng và rút đầu ra khỏi Bãi Tư Chính, ra lệnh cho công ty Repsol ngưng khoan dầu khí theo chỉ thị của quan thầy Bắc Kinh, thì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm gì?

Nguyễn Xuân Phúc đã thân chinh đến tận sào huyệt của Formosa để tham gia vào cuốn phim cá tung tăng bơi lội trong hồ nước thải Formosa và làm tiếp thị cho công ty sản xuất chất thải của Trung Nam Hải.

Formosa, công ty vỏ Đài Loan nhưng ruột Tàu cộng. Toàn bộ hệ thống luyện cốc ướt và thanh lọc chất thải là do Tập đoàn MCC của Tàu cộng xây dựng, quản lý và điều hành. Sự có mặt của Nguyễn Xuân Phúc tại Formosa ngay trong lúc Tàu cộng áp lực Việt Nam ngưng khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền VN là một biểu lộ thần phục Bắc Kinh trắng trợn nhất.

Cả một phái đoàn hùng hậu gồm Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tài-Môi Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh và các lãnh đạo văn phòng chính phủ phải có mặt tại Formosa cho thấy đây là một cuộc đầu hàng thứ hai, bên cạnh Bãi Tư Chính, đối với sự thống trị toàn diện của Bắc Kinh tại Việt Nam - từ trong đất liền ra đến biển đảo.

Sự có mặt tại Hà Tĩnh của toàn bộ sậu nêu trên cũng là một thông điệp của tập đoàn phá hoại đất nước gửi đến dân tộc Việt Nam: Việc Formosa tiếp tục hoạt động là chủ trương và chính sách của đảng.

Tại sào huyệt của những tên sát biển, Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia vào màn lừa đảo bằng việc đóng vai chứng kiến những con cá tung tăng bơi lội trong một hồ nước lấy từ khu thanh lọc nước thải. Tên gọi của cuốn phim quảng cáo bịp bợm này là: Nếu cá sống khỏe mới được phép thải ra môi trường!

(Ảnh: Bảo Anh)

Cũng trong chuyến đi này, Nguyễn Xuân Phúc và đồng bọn đã đến kiểm tra quá trình vận hành của lò cao và xưởng luyện thép. Tập đoàn bán nước, hại dân, hủy diệt môi trường này cố tình lờ đi báo cáo "Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1" của chính Bộ Tài Môi vào tháng 4/2017 - trong đó lỗi duy nhất và cũng là nguyên nhân dẫn đến biến cố tàn sát môi trường biển 4 tỉnh miền Trung - "dập cốc ướt thay vì dập cốc khô" vẫn còn nguyên vẹn, chưa và không khắc phục.

(Ảnh: Bảo Anh)

Tức là Nguyễn Xuân Phúc đã đồng lõa với Formosa, vẫn để Formosa vi phạm lỗi duy nhất - tiếp tục hoạt động theo phương thức dập cốc ướt là phương thức tạo ra một lượng chất thải khổng lồ.

Việc dựng màn kịch cá bơi an toàn trong hồ nước thải đã lọc là âm mưu bao che cho tiến trình tai hại này vẫn được tiếp tục.

Nhìn lại biến cố Formosa hủy hoại môi trường, đến nay chúng ta có thể đoan chắc rằng đó không phải là một "tai nạn" mà là một hành vi cố tình của Tàu cộng xả thải ra biển trong âm mưu tàn phá môi trường biển Việt Nam.

Mời các bạn đọc lại những bài sau đây để thấy Formosa chỉ là một trong những pháo đài vũ khí sinh hóa mà Tàu Cộng đang dựng căn cứ tại Việt Nam:





Từ đó, rõ ràng hành vi đến tận Formosa của Nguyễn Xuân Phúc là một hành vi tiếp tay cho giặc trong âm mưu hủy hoại môi trường Việt Nam.

Trong cùng một ngày 24/07/2017, Từ Bãi Tu Chính cho đến Formosa Hà Tĩnh, từ Nguyễn Phú Trọng đến Nguyễn Xuân Phúc, tập đoàn hèn với giặc ác với dân tại Ba Đình thi đua treo cờ trắng đầu hàng và thần phục Bắc Kinh.

25.07.2017