Friday, April 21, 2017

Nó anh hùng trong tôi

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Nó và tôi thân thiết như bóng với hình từ thuở nhỏ cho đến bây giờ và về sau. Chiều hôm qua nó đã đi vào lòng đất lạnh. Ngày hôm nay tôi viết về nó với tất cả tấm lòng tiếc thương dành cho người bạn thân trong đời.

Tôi gọi nó là Xiêm vì lúc tiểu học nó rất mê chơi cá Xiêm. Hai thằng chơi nhau rất thân nhưng khác nhau rất xa. Tôi thích đọc sách, nó thích mày mò sửa chữa máy móc. Nó thích đi đây đó, tôi biếng xê dịch. Nó thích giao du và có rất nhiều bạn. Tôi khép kín và ngại kết bạn mới.

Hai thằng cùng đi chung với nhau trên suốt đường đời từ nhỏ đến lớn và chúng tôi hầu như chẳng biết và chẳng màng đến thời thế và xã hội lúc bấy giờ. Sau khi học xong cao đẳng sư phạm, nó lên Đà Lạt học tiếp. Tôi ra Huế học sau khi ba tôi trải qua mười năm tù ở các trại cải tạo trên đất Bắc. Ra trường nó sửa máy, tôi dịch báo kiếm sống. Số tiền chúng tôi kiếm được chẳng nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho những lần gặp nhau bên tách cà phê hay ly bia. Ngồi bên nhau, chúng tôi nói nhiều chuyện nhưng hầu như không bao giờ nói chuyện chính trị. Không phải chúng tôi sợ nói chuyện chính trị mà vì đơn giản chúng tôi chẳng biết gì để nói. Thế hệ thời ấy của chúng tôi tưởng như sống trong cái hang kín mít nơi ánh sáng sự thật hầu như không bao giờ rọi đến.

Khi tôi rời Việt Nam và mê say hương lạ ở phương trời mới thì nó lại tiếp tục đi học lên và sửa chữa các thiết bị y tế để kiếm sống và cuối cùng dạy về thực hành thí nghiệm ở một đại học lớn ở Sài Gòn.

Tôi lập gia đình còn nó vẫn độc thân đến cuối đời. Mấy năm gần đây, qua người bạn chung, hai đứa liên lạc lại với nhau. Nhưng từ hai phương trời vào tuổi quá nửa đời người hai thằng mới nhận ra đôi bạn nối khố ngày nào giờ có điểm chung duy nhất là rất quan tâm đến sự sinh tồn của quê hương.

Nó nói nhờ thế giới mạng mà nó biết về hiệp ước Thành Đô, về Gạc Ma, về biển đảo, biên giới bị Trung Cộng lấn chiếm, về tình cảnh dân oan vân vân. Tôi không ngờ nó rất quan tâm đến tình hình quê hương và xã hội nơi phận người mỏng manh như lá cỏ dưới gót sắt độc tài. Nó thường nói nó muốn làm gì đấy cho quê hương. Từ đấy mỗi lần nói chuyện qua điện thoại chúng tôi thường nói hàng giờ về xã hội và chính trị ở Việt Nam. Giấc mơ chung của hai đứa là ngày nào đấy không xa ánh sáng tự do và dân chủ cuối cùng sẽ phá tan bóng tối độc tài và nô lệ phủ xuống quê hương. Nó không bao giờ nhắc chuyện nó thường xuống đường phản đối Trung Cộng.

Cho đến một hôm, tôi không tin vào mắt mình khi tôi nhìn thấy hình nó trên mạng trong một cuộc biểu tình vào tháng Năm 2014. Nó bị công an và dân phòng bắt và khiêng đi như con vật. Mắt tôi dán chặt vào màn hình và nước mắt như muốn ứa ra vì cảm phục. Nó là người yêu nước thầm lặng nhưng bền bỉ và can trường.



Tôi lo lắng cho nó nhưng liên lạc với nó hoài không được. Tôi bắt đầu coi lại hình ảnh tất cả các cuộc biểu tình trước đấy và tôi lại thấy chính nó - hình ảnh thằng bạn chí thân của mình trong phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

Nó đứng ở mép trái sau lưng người áo xanh dương đội mũ.

Nó đi cuối hàng trước người mặc áo xanh lá cây.

Nó đang nghỉ trưa ngoài tòa án ngồi gần người áo xanh đội mũ đang hút thuốc.

Tôi tìm hoài trên mạng về nó. Cuối cùng may mắn thay tôi đọc được lời nhận xét của anh Nguyễn Trí Dũng, con trai Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, về nó đại ý như sau:

- Bác áo vàng bị bắt ấy rất can đảm. Bác tuy ốm yếu như vậy nhưng bác thường xông vào cứu các đồng đội bị bắt. Mỗi lần đi biểu tình thấy bác ấy mình rất an tâm.

Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra.

Rồi cuối cùng tôi cũng đoán được tại sao công an bắt và khiêng bạn tôi như con vật giữa ban ngày như thế. Bởi vì bạn tôi đã xông vào cứu một người biểu tình không quen biết bị côn an đánh.



Về sau tôi mới gọi được cho nó. Nó kể khi nó trở lại lớp sau khi được thả ra các sinh viên trong lớp đồng loạt hoan hô nó. Và nó "nổi tiếng" nhờ các bức hình ấy. Nhưng ngay sau đấy nó bị công an địa phương hành cho lên bờ xuống ruộng. Mỗi tuần vào ngày Chủ Nhật nó phải lên đồn công an trình diện khai báo. Chị em nó ở quê gọi điện thoại vào khóc lóc nói công an ở địa phương đến nhà yêu cầu gia đình khuyên bảo nó không được biểu tình nữa. Sau vài tháng chịu không xiết, nó phải dọn đi nơi khác. Và nó kể cho tôi nghe nó từng tham gia nhiều cuộc biểu tình. Tôi nói với nó lời nhận xét về nó của Nguyễn Trí Dũng. Nó cười nói "có gì đâu mi."

Tôi viết bài và dịch bài mười năm không bằng nó xuống đường một lần. Lại càng không bằng một lần nó dám xâm mình cứu người bị bắt hay bị đánh.

Xiêm ơi, tau viết bài này một ngày sau khi mi an nghỉ dưới lòng đất quê hương. Đáng lẽ mi không nên ngủ sớm như vậy mà hãy thức dậy đi tiếp với tao và muôn người khác vì đường đấu tranh còn dài và khó. Nhưng thôi mi hãy an lòng ngủ đi sau khi làm tròn bổn phận đối với quê hương. Dù sao đối với tao mi không chết, mi anh hùng trong tau, Xiêm ơi!

22.04.2017

Vì sao cộng sản tổ chức những vụ cưỡng chế trước thềm hội nghị?

Hải Âu (Danlambao) - Hội nghị trung ương khóa V của đảng cộng sản dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5/2017. Thông thường trước những kỳ đại hội hay hội nghị trung ương của đảng cộng sản, nhà cầm quyền luôn siết chặt tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội để chuẩn bị cho sự kiện được xem là quan trọng trong quá trình cai trị của nhà cầm quyền. Những vấn đề gây xáo trộn xã hội, những vụ việc có tầm ảnh hưởng gây tổn hại đến kỳ đại hội, hội nghị thường luôn được nhà cầm quyền hoặc dàn xếp cho ổn thỏa, hoặc tìm cách bưng bít thông tin, thậm trí tổ chức trấn áp nhằm kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên thời điểm hiện tại mặc dù sắp diễn ra hội nghị trung ương khóa V, đảng cộng sản đang gặp phải những vấn đề, những vụ việc gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội. Liên tiếp trong những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ đụng độ nghiêm trọng giữa người dân và tập đoàn cai trị.

Trước tiên phải kể đến vụ việc hàng ngàn người dân Lộc Hà bao vây UBND huyện vào ngày 3/4/2017. Nguyên nhân là an ninh của huyện Lộc Hà đã tấn công một số bạn trẻ trong nhóm “Truyền thông Formosa” tại khu vực Giáo xứ Trung Nghĩa. Người dân phẫn nộ trước hành động ngang ngược của mật vụ đã dùng gạch, đá, dao và cả súng tấn công người dân trong đêm 2/4/2017. Ngay sáng hôm sau hàng ngàn người đã kéo đến UBND huyện để phản đối nhà cầm quyền dùng bạo lực tấn công người dân.

Tiếp đến ngày 15/4, người dân xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức đã bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động khi cưỡng chế đất của dân một cách sai trái để giao cho tập đoàn viễn thông Viettel làm ăn. Người dân cho rằng nhà cầm quyền cố tình cắm mốc xác định đất thuộc diện quốc phòng lấn sang phần đất nông nghiệp của người dân trong xã. Sau nhiều lần khiếu kiện bất thành, người dân buộc phải chống đối lực lượng cưỡng chế và bắt giữ một số tay sai của nhà cầm quyền. Cho đến nay tình hình giữa người dân và nhà cầm quyền vẫn căng thẳng, chưa có hướng giải quyết. Việc đứng lên phản kháng để bảo vệ đất và bắt giữ quân cướp đất cộng sản đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Sang ngày 18/4/2017, trong khi tình hình Mỹ Đức vẫn đang căng thẳng, UBND tỉnh Lai Châu đã ra quyết định tiến hành cưỡng chế 4 hộ dân đang cư ngụ tại phường Đông Phong. Truyền thông lề đảng loan tin cho rằng 4 hộ gia đình trên lấn chiếm hơn 60 mét vuông đất của một gia đình hàng xóm và chiếm gần 1000 mét vuông đất công thuộc dự án đã thu hồi. Trong vụ cưỡng chế này nhà cầm quyền đã sử dụng đến vòi rồng để tiến hành biện pháp cưỡng chế. 11 người dân đã bị bắt giữ với cáo buộc chống người thi hành công vụ.

Hành vi cưỡng chế đất đai tiếp tục xảy ra trong ngày 20/4/2017 tại thôn Vọng Đông thuộc xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng 1000 công an, lực lượng chức năng cùng chó nghiệp vụ đã tiến hành cưỡng chế thu hồi 14 mẫu đất của người dân tại đây. Những hình ảnh và video clip cho thấy đã có xô xát xảy ra, nhiều người dân quay phim, chụp hình đã bị lực lượng cưỡng chế bắt giữ. Một người già đã bị ngất và gãy tay do ngăn cản cảnh sát cơ động bắt bớ người trong vụ cưỡng chế. Trước đó người dân đã đem nhiều quan tài ra khu đất nhằm truyền tải thông điệp sẵn sàng chết nếu nhà cầm quyền tổ chức cưỡng chế đất. Nguyên nhân dẫn đến vụ cưỡng chế là do người dân không chấp nhận mức giá đền bù rẻ mạt (21000 đồng/m2) mà nhà cầm quyền đưa ra.

Việc nhà cầm quyền liên tục cưỡng chế đất đai của dân bằng vũ lực đang gây căm phẫn trong dư luận. Điều đáng nói là những sự việc trên xảy ra trước thềm hội nghị trung ương V của đảng cộng sản. Đây là những chuyện mà nhà cầm quyền không muốn xảy ra trước, trong và sau những sự kiện quan trọng của đảng cộng sản. Xét trên một góc độ nào đó thì những sự việc này ít nhiều gây ảnh hưởng đến uy tín của thành phần chóp bu trong đảng. Phải chăng đang có những âm mưu, những thủ đoạn, những kế sách cố tình gây chấn động dư luận của một số lãnh đạo cao cấp trong hệ thống đảng trị. Rõ ràng những vụ cưỡng chế trên hoàn toàn có thể thực hiện sau khi kỳ hội nghị trung ương của đảng. Nhưng có lẽ một số quan chức cộng sản muốn lợi dụng sự bất mãn của người dân qua những sai trái tại một số địa phương để tìm cách hạ uy tín đối thủ trong việc tranh giành, củng cố vị thế. Một giả thiết nữa được cho rằng một số thành phần trong hệ thống đảng đang bị “suy thoái tư tưởng” và có những dấu hiệu “tự chuyển biến”.

Bên cạnh những vụ cưỡng chế bằng vũ lực nhằm thu hút dư luận mà nhà cầm quyền liên tiếp gây ra là những cuộc đấu đá đang diễn ra trong nội bộ đảng. Phe cánh trong hệ thống đảng cố tình lợi dụng những vụ việc gây bức xúc dư luận nhằm đánh phá đối thủ.

Nguyễn Xuân Phúc vẫn tìm cách ngăn chặn và ra sức hạn chế những vụ biểu tình của người dân liên quan đến thảm họa Formosa. Một số quan chức của cộng sản bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm và cách chức với cáo buộc đã gián tiếp để xảy ra thảm họa biển. Điều này vô hình chung đã tạo nên một thế lực âm thầm chống lại thủ tướng vì khi những quyết định được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Formosa đều dính dáng đến Nguyễn Xuân Phúc trước đó. Đáng kể đến còn có vụ xây dựng biệt thự trái phép tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đang gây ra những hoài nghi liên quan đến chức vụ thủ tướng của ông Phúc.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang đang là mối lo lớn nhất dẫn đến bất an cho Nguyễn Phú Trọng cùng tay chân trong phe cánh của mình. Hàng loạt quan chức đang nắm giữ quyền lực tại những công ty, tập đoàn lớn như Vũ Quang Hải của Sabeco bị thôi chức tổng giám đốc, đến vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, Hồ Thị Kim Thoa bị thanh tra tài sản. Tiếp nữa là vụ xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng mặc dù đã về hưu nhưng vẫn bị cách chức và khai trừ đảng. Điều này cho thấy sự lúng túng trong việc quản lý nhân sự đảng, bộc lộ những tử huyệt của Nguyễn Phú Trọng trong giai đoạn chuẩn bị diễn ra hội nghị trung ương đảng cộng sản. Uy tín và vị thế của Nguyễn Phú Trọng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ sau khi tái đắc cử chức đảng trưởng đảng cộng sản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang được xem là đối trọng cho chức vụ đảng trưởng kiêm chủ tịch nắm quyền tại Việt Nam. Có lẽ vì thế mà những lệnh ngầm đã được ban ra cho thuộc hạ của mình phải hết sức khéo léo trong khi xử lý vụ việc tại Mỹ Đức. Từ câu chuyện đang diễn ra tại huyện Mỹ Đức có thể đưa ra nhận định phía công an mà Bộ trưởng Tô Lâm cũng như chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung tỏ ra không mấy thiện chí giải quyết. Bởi đó là việc thuộc thẩm quyền của quân đội và chẳng mấy ích lợi khi đứng ra chịu trận trước sự căm phẫn của người dân. Nói thế không có nghĩa Trần Đại Quang không có đối thủ cạnh tranh vì tình trạng đàn áp người dân vẫn diễn ra trên cả nước với nhiều mức độ trong những vụ việc khác nhau. Lẽ ra trong thời điểm này, hình ảnh công an, cảnh sát cơ động dùng vũ lực đàn áp người dân không được phép xảy ra. Tuy nhiên sự việc đó vẫn diễn ra và đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Như vậy trong phe cánh của Trần Đại Quang chắc chắn có nội gián được chống lưng bởi thế lực hùng mạnh khác để gây sức ép lên chủ tịch nước trong thời điểm sắp diễn ra hội nghị.

Hạ tầng nhân sự phía dưới những chóp bu trong đảng cũng đang có những ẩu đả, điển hình như vụ việc bản kê khai tài sản của Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Đà Nẵng bỗng dưng bị lộ. Hoặc như việc nhà cầm quyền thành phố Ban Mê Thuột ra quyết định buộc tháo dỡ biệt thự xây dựng trái phép của Phó ban nội chính Đăk Lăk. Hay như vụ choảng nhau của hai cán bộ sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum dẫn đến đổ máu cùng những lời hăm dọa giết hại nhau...

Những diễn biến từ những cuộc cưỡng chế cộng với những lùm xùm trong giới chức cầm quyền đã đang diễn ra ngay trước thềm hội nghị trung ương V khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng sự phân hóa đang thật sự diễn ra trong nội bộ đảng? Phải chăng có một thế lực cấp tiến muốn thay đổi thể chế hoặc ít ra cũng “trong sạch” hơn so với thời điểm hiện tại?

Dẫu cho cộng sản có triệt hạ nhau để tranh giành quyền lực trước những sự kiện quan trọng của đảng cầm quyền thì bản chất của chúng sẽ không bao giờ thay đổi. Những cuộc đấu đá ấy chỉ càng làm cho người dân thêm phần khốn khổ khi trở thành con cờ chính trị bị điều khiển bởi bàn tay của những kẻ tàn ác với nhân dân nhưng hèn hạ trước ngoại bang Trung cộng. Để rồi sau khi sắp xếp lại hệ thống nhân sự trong cộng sản đảng thì thành phần nhân sự mới lên nắm quyền vẫn chỉ là những hại nước hại dân.

22.04.2017

Nguyễn Đức Chung vừa hèn, vừa láo, vừa nham hiểm

Người Quan Sát (Danlambao) - Đường đường là chủ tịch Hà thành, từng là thiếu tướng giám đốc côn an Hà Nội vậy mà Nguyễn Đức Chung đã lạnh cẳng, không dám mò xuống Đồng Tâm để gặp dân. Thay vào đó, Chung chui vào trụ sở huyện Mỹ Đức để trò chuyện với các đồng chí cường hào ác bá địa phương và các phóng viên báo chí lề đảng.

Trong vụ thân chinh từ thành về huyện này có sự tham gia của mọi thành phần thuộc các bộ phận đình đám như Ban Dân nguyện, thường vụ cuốc hội, Thanh tra Chính phủ, Cục Điều tra Hình sự, Bộ Công an... nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng một người dân nào.

Trong buổi họp giữa các đồng bọn phe ta, Nguyễn Đức Chung cho biết "đến thời điểm này bà con xã Đồng Tâm chưa tới đối thoại nhưng ông tiếp tục sẵn sàng đợi bà con tới đối thoại." (1)

Đấy đúng là phong cách lãnh tụ cộng sản. Chủ nhân đất nước muốn gặp đầy tớ nhân dân thì phải tới gặp đầy tớ mà đối thoại. Còn đầy tớ chỉ gặp nhân dân trong bối cảnh dùi cui, khiên chắn vừa đánh vừa cướp đất của dân.

Nguyễn Đức Chung còn có một nhận định rất ngu là việc người dân Đồng Tâm lập rào, dựng vật cản trên đường vào làng sẽ gây nguy hiểm cho chính người dân, nhất là các cháu nhỏ!

Nguy hiểm gì cho người dân khi chính họ là những người dựng lên? Và các cháu nhỏ cũng không biết tránh các chướng ngại vật. Nguyễn Đức Chung không nói ra những cũng tự biết đây không phải là "chướng ngại vật" mà là hàng rào phòng thủ của dân làng đối với đám cường hào ác bá của Chung.


Nhưng tên Chung con, từng là trùm côn an Hà Nội lại láo lếu rằng: “Tôi nắm được là chính bà con ở Đồng Tâm cũng rất lo lắng về việc dựng rào, vật cản. Bà con nên tin chúng tôi vì từ ngày 15 đến 17-4, bà con đã nhận thức ra việc làm của mình mà cụ thể đã thả 18 cán bộ, chiến sĩ. Vì thế, bà con cần sớm dẹp bỏ toàn bộ vật cản trên đường vào làng và sớm thả nốt cán bộ, chiến sĩ. Chiến sĩ đi làm nhiệm vụ chỉ có bảo vệ dân chẳng ai đi đàn áp dân. Thực tế, số cán bộ, chiến sĩ này cũng là từ nhân dân mà ra, thậm chí có họ hàng với người dân Đồng Tâm.”

Phải nói rằng việc thả 18 tên côn đồ cướp đất là một hành động có tính toán của người dân trong trận chiến đối đầu với các quan tham. Nguyễn Đức Chung đã gian manh xem đó là "sự nhận thức việc làm (sai trái) của người dân. Nếu "bà con đã nhận thức ra việc làm của mình" thì tại sao "chướng ngại vật" hay hàng rào phòng thủ vẫn còn đó; tại sao người dân vẫn còn giữ 20 côn an, côn đồ của Chung?

Trong buổi họp này Nguyễn Đức Chung lại sử dụng lại trò côn an quen thuộc trước đây của hắn. Đó là "gửi đến bà con Đồng Tâm là gần đây có một số đối tượng mà ngay trong xã cũng có 143 người từng có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy hay mắc HIV. Vì vậy, đề nghị đại diện xã Đồng Tâm về tuyên truyền bà con giải thích và giám sát số con em mình không có những việc làm gây ảnh hưởng chung."

Đây là thủ đoạn dọn đường để sẽ vu khống cho mọi hành động bảo vệ đất đai của người dân là do thành phần có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy hay mắc HIV chủ mưu và kích động.

Sau cùng Chung con cam kết: "Những thông tin vào giải cứu con tin là không đúng, chúng tôi đã cam kết với bà con không có hành động nào và bà con hãy tin chúng tôi."

Không có hành động nào!? Một cựu tướng côn an, một chủ tịch thành phố mà cam kết "không có hành động" nào đối với đàn em đang bị dân bắt giam thì đúng là tình đồng chí còn thua tình của những con rận!

21.04.2017



________________________________

Chú thích:


Luật pháp cộng sản như con tự do vậy

Hạ Trắng (Danlambao) - Chiều ngày 20/4/2017, VKSND Hà Nội đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức-HN). Sở dĩ VKSND Hà Nội ra quyết định này vì 4 ngày trước đó, Cơ quan CSĐT (CAHN) đã có công văn đề nghị hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Lê Đình Kình vì “ông Kình đã khai báo về hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ”.

Xin được nhắc lại, ngày 30/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội”. Cái gọi là “vụ án gây rối trật tự công công” thực tế là trò bắt người mà nhà cầm quyền áp dụng nhiều năm nay để cướp đất đai, tài sản của người dân lương thiện.

Báo chí “lề đảng” diễn giải rằng: “Ngày 15/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra, làm rõ”.

“Biện pháp ngăn chặn” ấy được thực hiện bằng cách người của chính quyền đến “mời” cụ Kình và một số người dân Đồng Tâm đi phân định ranh giới diện tích đất thuộc quyền sở hữu của người dân cho cán bộ xem. Sau đó cán bộ, công an, mật vụ đã bất ngờ vật ngã cụ Kình xuống đất khiến cụ bị gãy xương, tống cụ lên xe chở đi. Một số người đi cùng cũng bị đánh trọng thương. Lừa lọc để bắt một công dân đã 82 tuổi bằng vũ lực, không có lệnh bắt, không thông báo cho người thân là một việc làm man rợ và vi phạm pháp luật do chính người cộng sản đề ra. Thể hiện bản chất mafia của nhà cầm quyền.

Đương nhiên, những chi tiết quan hại dân này đã bị giấu nhẹm, không hề được Cơ quan điều tra cũng như các nhà báo lưng cong nhắc đến (ngu gì mà nhắc). Sự việc này đã dẫn đến cuộc phản kháng chưa từng có của người dân Đồng Tâm nhằm ủng hộ người thủ lĩnh tinh thần là cụ Kình, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ mảnh đất sinh nhai đến cùng, cho dù phải đối mặt với hiểm nguy thậm chí cái chết.

Những diễn biến trong suốt một tuần qua tại Đồng Tâm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong nước. Trong bài bình luận ngắn này, chỉ xin nêu ra sự vô lý, vô pháp, sự tráo trở của nhà cầm quyền cộng sản trong chiêu bài “luật pháp”.

Cụ Kình đã phạm tội gì để mà “khai báo”. Không thấy bọn bồi bút tường thuật tỉ mỉ, chỉ khơi khơi nói cụ “khai báo” trong khi cụ là người bị hại. Kẻ cần phải bị bắt, cần bị trừng trị và khai báo chính là bọn cướp đất, bọn dùng tài sản của người khác để bán trục lợi và bon bắt người không đúng luật mới cần phải khai báo. Đương nhiên, bọn bồi bút chuyên xuyên tạc sự thật cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ.

Một chi tiết quan trọng không kém là khi chưa có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ điều tra với bị can thì không thể tùy tiện ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ người. Bỗng thấy luật pháp của cộng sản chẳng khác gì con tự do.

Vụ Đồng Tâm rồi sẽ phải kết thúc. Cộng sản với bản chất tráo trở, vô liêm sỉ, man rợ và tàn ác chắc chắn sẽ dùng vũ lực để đàn áp người dân hầu dập tắt cuộc phản kháng này. Vấn đề là thời gian. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cho thấy cộng sản đang hoang mang và ngày càng phải đối mặt với nhiều cuộc phản kháng bất ngờ của người dân. Có lẽ nào, Đồng Tâm sẽ trở thành mô hình cho dân oan cả nước trong cuộc chiến giữ đất không nhỉ? Rõ ràng, cộng sản Việt Nam đang trên đà suy yếu. Tương lai đang chờ dân Việt.

21/4/2017

Đúng là viện kiểm sát... hại nhân dân!

Bạn đọc Danlambao - Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình, một cu già tại Đồng Tâm đã cùng với người dân đứng lên chống lại cường hào ác bá Hà Nội, Viettel và côn an cướp đất của dân lành. Theo cái viện sát hại nhân dân này thì quyết định hủy bỏ tạm giam ông cụ 82 tuổi này là vị cụ đã "khai báo về hành vi phạm tội" của cụ.

Trong trò láo khoét này Viện sát hại nhân dân không (dám) nêu rõ cụ Lê Đình Kình đã khai phạm tội gì, lại còn tỏ vẻ khoan hồng khi nói cụ được thả cũng do"nhân thân chưa có tiền án tiền sự" (*).

Do đó Viện sát hại nhân dân Hà Nội đã yêu cầu Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội và Trại tạm giam Công an TP thực hiện quyết định về việc hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với ông Kình theo đúng quy định.

Có lẽ đây cũng là 1 trường hợp hiếm hoi khi Viện kiểm sát nhân dân can thiệp vào chuyện của côn đồ. Biết bao nhiêu người đã và đang bị côn an bắt tạm giam, gia hạn tạm giam mút mùa tới cả gần 2 năm mà có thấy viện nào xía cặp mắt kiểm sát vào đâu.

Rõ ràng là tập đoàn quan tham và côn đồ lỡ leo lên lưng cọp nên bây giờ ráng bò xuống đất sao cho không... bị hèn.

Hèn có bớt chưa thì không biết nhưng láo lếu thì lại quá rõ ràng.

21.04.2017



_________________________________

Côn an lại giở giọng côn đồ

CTV Danlambao - Sự việc xảy ra ở Đồng Tâm xuất phát từ việc nhà cầm quyền cưỡng chế đất của dân. Chỉ có 2 "đối tượng" đang làm nóng vùng thôn quê nhỏ bé này. Đó là người dân bị cướp đất và phía cầm quyền. Không ai khác. Thế nhưng, tuyên giáo côn an lại giở giọng ngậm máu phun người rằng: Xã Đồng Tâm không để kẻ xấu "khuấy nước đục thả câu".

Ngay từ đầu, khi người dân đứng lên bảo vệ đất, bắt giữ 38 côn an thì kẻ xấu nào vào đó để "khuấy nước đục thả câu"?

Bài báo của "An ninh Thủ đô" đã viết:

"Đối tượng cơ hội, núp dưới cái gọi là chiêu bài “đứng về phía nhân dân”, “đấu tranh cho dân chủ” đang sử dụng nhiều thủ đoạn, cũng như chúng từng dùng nhiều lần trước, để kiếm lợi nhiều hơn từ tình hình phức tạp ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Càng khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, bọn chúng càng được lợi, càng có dịp để nhảy bổ vào đánh bóng hình ảnh cá nhân, tuyên truyền nói xấu chế độ, gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Để thực hiện đến cùng âm mưu thâm độc, chúng đã và sẽ không từ một thủ đoạn xấu xa nào, gây phân tâm trong nội bộ nhân dân địa phương, cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành vi lệch chuẩn, dẫn tới vi phạm pháp luật. Các đối tượng cơ hội nhân danh “đứng về phía nhân dân”, “đấu tranh cho dân chủ” cũng từng dùng thủ đoạn đó ở nơi này, nơi khác, khi người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, thông tin chưa đầy đủ và mâu thuẫn đang nảy sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo."

Vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm đã tạo sự quan tâm của nhiều thành phần trong xã hội. Đó là tinh thần hỗ trợ, đùm bọc trong nghĩa đồng bào thay vì vô cảm với nhau. Chỉ có những tên cộng sản mới nhìn thái độ của người dân đối với nhau là "núp dưới chiêu bài", "kiếm lợi", "thủ đoạn"...

Khi chế độ làm điều sai trái thì người dân lên tiếng. Đúng đó là nói xấu vì chế độ nó xấu. Chế độ có ưu việt thì hãy mở diễn đàn công khai mà tranh luận, đối thoại thay vì chụp mũ người dân không đồng tình với những hành vi của mình.

Những người dân không phải ở Đồng Tâm đã đứng về phía nhân dân chứ không nhân danh gì cả, đã đấu tranh cho dân chủ chứ không phải núp sau chiêu bài nào hết!

Đám tuyên giáo côn an này viết tiếp:

"Song giọng lưỡi hằn học của một số ít đối tượng vô lương ấy không lừa được tất thảy mọi người, nhất là những người có lương tâm và hiểu biết. Không ai còn lạ gì cái cách mà bọn chúng cố khoét sâu vào những yếu kém trong công tác quản lý ở địa phương, vào những hành vi tiêu cực vốn chỉ của một số cá nhân nhưng lại quy kết, chụp mũ, suy diễn cho chính quyền các cấp, cốt sao chúng tạo ra mâu thuẫn lớn hơn, phức tạp hơn."

Những người dân lên tiếng phản ảnh bản chất sai trái trong việc làm của nhà cầm quyền chính là làm theo tiếng gọi của lương tâm và hiểu biết. Mọi nhận định để là sáng tỏ "những yếu kém trong công tác quản lý ở địa phương, vào những hành vi tiêu cực". Những nhận định này đúng là không chỉ nhắm vào "một số cá nhân" và người dân sẵn sàng quy kết cho chính quyền các cấp vì hệ thống chính trị tại Việt Nam là một hệ thống độc tài toàn trị.

Đối với người dân Đồng Tâm, bài báo viết:

"Dù vẫn lên án những khuyết điểm, yếu kém, buông lỏng quản lý của địa phương, nhưng bà con Đồng Tâm lúc này cần bình tĩnh phân biệt đúng - sai, hiểu ra lẽ phải, nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, truyền thống quê hương bản quán, làm gương cho lớp trẻ, để không bị rơi vào bẫy lôi kéo và kích động. Đã có nhiều tiếng nói chỉ thẳng ra âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch, để người dân nói chung tỉnh táo hiểu rõ bản chất sự việc hơn, cùng đồng thuận tháo gỡ những phức tạp đang diễn ra ở Đồng Tâm, nhất định không làm phức tạp thêm tình hình."

Chính vì những "những khuyết điểm, yếu kém, buông lỏng quản lý của địa phương" mà người dân Đồng Tâm vừa lên án. Chính vì "tình làng nghĩa xóm", vì "biết phân biệt đúng - sai", vì "truyền thống quê hương bản quán, làm gương cho lớp trẻ" mà người dân Đồng Tâm đã sát vai nhau đứng lên đấu tranh chống lại cường hào ác bá và quân cướp đất. Thế lực phản động nào chực sẵn ở Đồng Tâm để có âm mưu thủ đoạn bắt giữ những kẻ đàn áp dân? Người dân nào ngu muội không hiểu rõ bản chất sự việc khi họ là những nạn nhân trực tiếp, tại chỗ?

Côn an còn đem Hồ Chí Minh ra giảng rằng:

"Chính quyền và nhân dân ở cùng một phía

Dân là gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, trong đó một khía cạnh rất quan trọng là lắng nghe dân, đảm bảo quyền làm chủ của dân. Và để làm được điều ấy, không gì ngoài việc phải đảm bảo bộ máy chính quyền thực sự “dĩ công vi thượng”, đảm bảo pháp luật được tôn trọng và ở vị trí tối cao."

Hãy nhìn hình ảnh một bên là người dân Đồng Tâm một bên là hình ảnh của những kẻ cai trị với chiên chắn, gậy gộc và chó săn để xem có phải "Chính quyền và nhân dân ở cùng một phía" hay không? Ai là kẻ đã lập ra guồng máy chính trị độc tôn, độc đảng, độc tài đối chọi hẳn với một thể chế dân chủ nếu không là Hồ Chí Minh? " Lợi ích chính đáng của nhân dân, trong đó một khía cạnh rất quan trọng là lắng nghe dân, đảm bảo quyền làm chủ của dân" nào khi đất của dân thì cưỡng chế để các quan chức Hà Nội và tập đoàn quân đội chỉ biết bám bờ là Viettel núp dưới danh nghĩa dự án quốc phòng nhưng thực tế là kinh doanh làm giàu?

Thông thường những bài báo của tuyên giáo đảng không đáng để đọc, phân tích, nhưng đôi khi cần phải vạch trần để thấy rõ những âm mưu của chúng đang từng bước được làm thành bài bản. Bài viết của "an ninh thủ đô" làm lộ rõ "đường đi nước bước" của tập đoàn cai trị nếu chúng ta nhớ đến phát biểu của Nguyễn Đức Chung vào ngày 20-4, tại trụ sở Huyện ủy huyện Mỹ Đức"gửi đến bà con Đồng Tâm là gần đây có một số đối tượng mà ngay trong xã cũng có 143 người từng có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy hay mắc HIV. Vì vậy, đề nghị đại diện xã Đồng Tâm về tuyên truyền bà con giải thích và giám sát số con em mình không có những việc làm gây ảnh hưởng chung."

Chúng sẽ biến những người dân chất phác đang bảo vệ đất tại Đồng Tâm trở thành những "thế lực thù địch" từng có tiền án, tiền sự, nghiện hút ma túy hay mắc HIV!

22.04.2017

Bộ trưởng y tế CSVN: ung thư chết nhiều không phải do thực phẩm bẩn

Bộ trưởng y tế CSVN: ung thư chết nhiều không phải do thực phẩm bẩn
Ảnh: trinhduocvien.vn
Bất chấp những con số thống kê đáng báo động của một đoàn giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, Bộ trưởng Y Tế CSVN Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng: “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do an toàn thực phẩm”.
Truyền thông trong nước dẫn lời bà Kim Tiến tại cuộc họp của ủy ban thường vụ quốc hội cộng sản Việt Nam hôm Thứ Năm 20/04. Trước đó trong phần trình bày của mình, ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường, cho biết đoàn giám sát của quốc hội về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã làm việc với 21 tỉnh trên cả 3 miền, sau đó làm việc với 3 bộ Y Tế, Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn và Công Thương. Theo đoàn giám sát, cả nước Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 có hơn 1,000 vụ ngộ độc với khoảng 30,400 nạn nhân. Trong đó có hơn 25,600 người phải nhập viện và 164 người đã tử vong. Ông Dũng cũng cho biết, mỗi năm có khoảng 70,000 người chết vì ung thư, và có hơn 200,000 trường hợp ung thư mới được khám phá ra. Ông Dũng nói rằng trong đó có những trường hợp mà nguyên nhân là do thực phẩm không an toàn. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm rau quả tươi cho thấy tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt giới hạn hợp pháp là gần 8.5%. Trong số hơn 54,700 gia đình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra, có hơn 9,000 vụ vi phạm.
Huy Lam / SBTN

Người dân Phú Quốc kháng cự, ném bom xăng chống 100 công an cưỡng chế đất

Người dân Phú Quốc kháng cự, ném bom xăng chống 100 công an cưỡng chế đất
Tình hình người dân chống lại lệnh cưỡng chế đất của chính quyền CSVN đang lan rộng khắp cả nước.
Thông tin lan truyền trên mạng cho thấy ông Lê Văn Bé, 43 tuổi ở xã Gành Dầu đã dùng đá, vật cứng cùng các chai thủy tinh chứa xăng tẩm lửa để chống trả lại lực lượng thu hồi đất của ông ở ven biển Bãi Dài vào sáng 20.04.2017.
Nguyên nhân được xác định là do bất bình về sự không công bằng trong đền bù khi nhà ông Bé chỉ nhận được một khoản tiền ít hơn so với các hộ dân khác. Diện tích đất thu hồi là thuộc khu trang trại nuôi chó xoáy nổi tiếng Phú Quốc có thâm niên lâu năm. Do vậy ông Bé đề nghị nhà cầm quyền trả cho ông 500 triệu cho tương xứng thiệt hại.
“Vợ chồng tôi gầy dựng sự nghiệp, ở ổn định trên 20 năm nhưng chỉ được hỗ trợ 300 triệu. Đối với đất bị thu hồi cũng chỉ được hỗ trợ 60% giá trị”, vợ ông Bé ấm ức chia sẻ.
Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gành Dầu- bà Lê Thị Hằng- cho biết mục đích cưỡng chế đất là phục vụ dự án bãi tắm công cộng. Bà Hằng cũng cho hay khu đất này được tiền đền bù thấp hơn một hộ dân khác 200 triệu Đồng là do diện tích đất trại của ông nhỏ hơn.  Nếu bồi thường cho ông ở mức 500 triệu, thì các nhà dân khác sẽ phản ứng và kiện nhà cầm quyền.
Gần đây ở Việt Nam nổi lên các vụ việc liên quan đến quyền sở hữu đất. Trong tuần này nhiều nơi khắp Việt Nam dậy sóng vì thu hồi cưỡng chế không bảo đảm quyền lợi dân. Trong cuộc họp ngày 17.04.2017, trưởng ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu trước Quốc Hội rằng 70% đơn khiếu nại lên quốc hội đều liên quan đến các vấn đề về đất đai.  Bà Hải cho biết mỗi tuần Ban Dân Nguyện nhận được khoảng 500 đơn, trong đó số lượng khiếu nại việc cưỡng chế, trưng thu mặt bằng, đền bù đất đai chiếm 70%. Quá trình giám sát cho thấy nhiều bất cập, có tình trạng né tránh  tiếp dân, không nghiêm túc trong việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại ở địa phương, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự  ngay tại địa phương đó.
Theo Linh Mục Lê Ngọc Thanh: “Nguyên nhân cốt lõi của những xung đột gần đây, đều bắt nguồn từ chính sách sai lầm về tư hữu…”. Nhà cầm quyền vin cớ rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân để  lấy đất của dân, rồi bán lại cho các doanh nghiệp “sân sau” của mình, làm giàu bất chính.  Người dân nay đã hiểu biết hơn về âm mưu này. Chính sự lạm quyền và cách giải quyết mang tính áp đặt bạo lực, đã đẩy người dân vào thế đối đầu và ngày càng có thêm nhiều dân oan mất đất.
Bộ phim tài liệu trên Youtube Nỗi Đau Mất Đất đã chỉ ra rất rõ tình trạng bất công của các vụ cưỡng chế đất này.

Quốc Hiếu/SBTN

Cả làng làm bún ở Khánh Hòa ô nhiễm nặng

Khu vực bàu Gáo ô nhiễm nặng. (Hình: Báo Thanh Niên)
KHÁNH HÒA (NV) – Hàng trăm gia đình ở thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa buộc phải sống chung với ô nhiễm nhiều năm qua do một làng chuyên làm bún tại địa phương đua nhau xả chất thải ra môi trường.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên ngày 20 Tháng Tư, nhiều cơ sở sản xuất bún có đường ống xả chất thải thẳng ra đường đi, nước chảy lênh láng trên mặt đường, lâu ngày tạo thành những đám bùn sình lầy, choán cả lối đi. Khu vực ô nhiễm nhất là ở bàu Gáo. Tại đây, nước thải chảy về, đóng váng do ứ đọng lưu cữu, um tùm cỏ dại, muỗi bu đầy, bốc mùi hôi thối nồng nặc
Ông Võ Ngọc Danh, tức giận nói: “Việc xả nước thải gây ra nhiều phiền toái và nỗi lo bệnh tật cho người dân. Hằng ngày, chúng tôi hít phải không khí ô nhiễm nên nhiều người bị viêm mũi, viêm xoang rất nặng.”
Tương tự, ông Huỳnh Ðỡ gay gắt: “Thối không thể chịu nổi, làm sao mà sống đây. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn phản ảnh lên các cấp, ngành để có hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.”
Bà Diệp Thị Mỹ Duyên, phó chủ tịch thị trấn Diên Khánh thừa nhận, thôn Phú Lộc Ðông 2 có 13 hộ sản xuất bún theo kiểu truyền thống, trong đó có nhiều hộ xả thải thẳng ra môi trường. Tuy nhiên, địa phương mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở nên có biện pháp khắc phục để bảo đảm môi trường; tổ chức phun thuốc khử độc khử trùng tại các khu vực ô nhiễm.
Trong khi đó, ông Võ Thành Nhân, trưởng phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Diên Khánh chỉ nói suông: “Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì sẽ có hướng xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ vi phạm hoặc buộc tạm ngừng kinh doanh.” (Tr.N)

Đồng Tâm: Dân phóng thích thêm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Một người dân xã Đồng Tâm đang xem lại “Bản tường trình” của Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức (phải) trước khi bàn giao ông này cho phía chính quyền. (Hình: VnExpress)
VIỆT NAM (NV) – Đó là diễn biến mới nhất tính đến chiều 21 Tháng Tư, sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội, hứa sẽ đến tận nơi “đối thoại” với dân chúng.
Theo VnExpress, sáu ngày sau khi bị dân chúng xã Đồng Tâm cầm giữ, ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức đã được phóng thích vì bị viêm xương, đau lồng ngực, cần đến bệnh viện.
Báo điện tử này tường thuật, trước khi rời khỏi xã Đồng Tâm, ông Cảnh đã dùng loa, đọc một “Bản tường trình” với dân chúng. Ông Cảnh giải thích, Huyện ủy Mỹ Đức chỉ đạo ông đến xã Đồng Tâm vận động dân chúng bình tĩnh và bị cầm giữ cùng với cảnh sát cơ động, công an địa phương suốt từ đó chiều 15 đến chiều 21 Tháng Tư. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức “thay mặt anh em, cảm ơn bà con”. Bày tỏ hy vọng “bà con hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế”. Hứa hẹn “các cấp chính quyền sẽ giải quyết, nguyện vọng của người dân sẽ được đáp ứng, chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh dân”.
Tờ Thanh Niên cho biết, ông Cảnh được phóng thích sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, hứa với một cụ ông – đại diện cho dân Đồng Tâm là ông ta sẽ đến tận nơi để đối thoại với dân.
Trước đó, ông Chung từ Hà Nội đến Mỹ Đức, báo chí Việt Nam cho biết, ông Chung đến Mỹ Đức và “vời” dân chúng tới hội trường trong trụ sở của huyện này để đối thoại nhưng không ai chịu đến. Cũng vì vậy, ông Chung đã “đối thoại” với những viên chức cấp xã và cấp huyện. Kết thúc buổi “đối thoại” giữa các viên chức với nhau, ông Chung đưa ra hai cam kết: (1) Sẽ tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý – sử dụng đất đai tại Đồng Tâm. (2) Tạm ngưng thi công “dự án quốc phòng” tại Đồng Tâm. (3) Sẽ sớm “đối thoại” trực tiếp với dân Đồng Tâm.
Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng kêu gọi dân chúng Đồng Tâm phóng thích 20 con tin còn lại, dọn dẹp các chướng ngại vật trên những con đường dẫn vào xã này. Theo nhiều tờ báo của chính quyền Việt Nam thì dân chúng xã Đồng Tâm đã “dọn dẹp hội trường” để có chỗ đối thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Trong ngày 21 Tháng Tư, nhiều tờ báo của chính quyền Việt Nam loan báo, Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội đã hủy bỏ “quyết định tạm giữ” cụ Lê Đình Kình – người được xem là “linh hồn” trong cuộc đối đầu giữa dân chúng xã Đồng Tâm với hệ thống công quyền để bảo vệ đất của họ.
Ngày 15 tháng 4, cụ Kình được mời tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bị bắt cùng với bốn người khác. Lúc đầu, chính quyền Việt Nam loan báo, việc bắt cụ Kình và bốn người khác là do cả năm đã bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng”. Hôm 18 tháng 4, hệ thống tư pháp Việt Nam đã “thay đổi biện pháp ngăn chặn” đối với bốn người dân bị bắt cùng với cụ Kình, sau khi dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15/38 con tin. Riêng cụ Kình thì sức khỏe chưa hồi phục (phải mổ cấp cứu bởi cổ xương đùi gãy khi bị công an quật ngã, vứt lên xe) nên không trong đợt phóng thích này.
Có một điểm mà nhiều người không chú ý là việc “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) đối với bốn người dân bị bắt cùng với cụ Kình hay hủy “quyết định tạm giữ” đối với cụ Kình không đồng nghĩa với việc xác định cả năm vô tội. Họ vẫn là bị can trong một vụ án hình sự, sẽ bị điều tra trog tương lai.
Ngày 18 Tháng Tư, một viên tướng là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từng khẳng định “sẽ nghiêm trị những kẻ cầm đầu”. Ngày 20 tháng 4, tại một cuộc họp báo theo định kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố với báo chí quốc tế rằng, Việt Nam sẽ giải quyết vụ Đồng Tâm “theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.
Đó là lý do khiến người ta tin rằng, cuộc “đối thoại” mà Chủ tịch thành phố Hà Nội mong muốn nhằm chấm dứt tình trạng dân chúng xã Đồng Tâm rào làng tử thủ và phóng thích toàn bộ con tin sẽ là khởi đầu cho một tiến trình khác: Tiến trình của một vụ bắt bớ – phạt tù hàng loạt. (G.Đ)

Hà Nội ‘đánh gió’ 2 quan chức cao cấp của đảng

Ông Võ Kim Cự tham dự hội chợ nông sản của Liên minh hợp tác xã tại Hà Nội ngày 18/4/2017. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI 21-4 (NV) – Đảng CSVN “kỷ luật cách chức” đã mất của bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh và “cảnh cáo” ông cựu bộ trưởng Tài nguyên Môi trường về vụ nhà máy luyện thép Formosa xả chất thải độc hại ra biển.
Hệ thống báo đài của chế độ Hà Nội đồng loạt loan tin chính ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chủ tọa phiên họp vào các ngày 18 và 21/4/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, rồi đưa ra hình thức “kỷ luật cảnh cáo” đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên bộ trưởng Tài nguyên Môi trường.
Đồng thời “kỷ luật cách chức” các chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự, bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Cùng bị “kỷ luật” trong vụ này, “kỷ luật cách chức” Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với hai ông nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường là Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai. Tức cũng là “cách” cái chức không còn giữ.
Ông Võ Kim Cự, theo bản tin TTXVN viết thì “đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định…; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án.”
Tuy phạm tội “cố ý làm trái” có nêu rõ ràng trong luật hinh sự của chế độ nhưng ông Võ Kim Cự lại chỉ bị lột mất các chức vụ ông ta không còn giữ nữa. Từ Tháng Mười 2015, ông được đẩy sang làm bí thư, chủ tịch đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời là “đại biểu Quốc hội” đơn vị Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Điều 165 Luật Hình sự CSVN phạt tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có thể bị phạt tù tới 20 năm ngoài chuyện bị tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.
Điều 285 phạt “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi “thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng” bị phạt tù tới 12 năm.
Luật lệ thì như thế nhưng các ông Nguyễn Minh Quang, Võ Kim Cự và hai ông thứ trưởng chỉ bị “cảnh cáo” hay “cách chức” những chức vụ không còn giữ, giống như đánh vào không khí. Vụ “kỷ luật” này cũng giống như “kỷ luật cách chức” đối với nguyên bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hối cuối năm ngoái khi ông ta đã nghỉ hưu.
Cho tới nay, biển miền Trung đã thật sự an toàn chưa, không ai biết chắc chắn vì không có các cuộc nghiên cứu quy mô và đầy đủ. Chỉ thấy nhà cầm quyền tuyên truyền là đã “an toàn” nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy cá chết dạt vào bờ. Trong khi đó, dân chúng nhiều nơi vẫn tiếp tục biểu tình đòi duổi công ty Formosa “cút khỏi Việt Nam” và đòi bồi thường thỏa đáng. (T.N)