Thursday, March 23, 2017

'Hotgirl Xứ Thanh' và sự kiểm soát quyền lực của cộng sản

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-21/03/2017 
Ảnh chụp màn hình từ trang Đất Việt về bài viết "Bí thư Trịnh Văn Chiến lên tiếng vụ Trần Vũ Quỳnh Anh".
Ảnh chụp màn hình từ trang Đất Việt về bài viết "Bí thư Trịnh Văn Chiến lên tiếng vụ Trần Vũ Quỳnh Anh".
Từ chuyện một ‘hot girl’ xứ Thanh…
Một vài tuần nay, dư luận trong nước lại bàn tán xôn xao về câu chuyện liên quan đến bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hoá.
Cách đây sáu tháng, khi báo chí “lề dân” đăng tải những thông tin nhạy cảm rằng “hot girl” sở hữu nhiều tài sản khủng này là “bồ nhí” của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đã có con riêng với ông ta, cả Bí thư lẫn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đều công khai lên tiếng bác bỏ. Thậm chí, Tỉnh uỷ Thanh Hoá còn gửi công văn lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị xử lý những thông tin “sai sự thật” về Bí thư Tỉnh ủy trên “các blog, mạng xã hội phản động”.
Tuy nhiên lần này câu chuyện về bà Quỳnh Anh lại được chính báo chí “lề đảng” khơi mào. Một loạt tờ báo đã đưa tin về sự thăng tiến “quá thần tốc”, “chỉ có thần tiên mới làm được” của người đẹp xứ Thanh. Thiên hạ thì kháo nhau rằng việc “hot girl” Quỳnh Anh bị bêu danh trên báo chí chính thống là dấu hiệu cho thấy không chỉ Bí thư Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến bị tấn công, mà quan trọng hơn là thế lực nào đó hậu thuẫn cho ông ta ở trung ương.
…đến vấn đề quyền lực trong xã hội
Các nhân vật dính dáng đến câu chuyện bà Quỳnh Anh cùng có chung một đặc điểm: họ là những kẻ lạm dụng quyền lực mà hệ thống hiện hành đã trao cho họ theo cách này hay cách khác.
Quyền lực là vấn đề căn cốt nhất trong xã hội loài người, vì con người về bản chất là một sinh vật chính trị, như Aristotle đã nói cách nay hơn hai ngàn năm. Chính vì vậy, mức độ thành công của việc giải quyết vấn đề quyền lực trong xã hội quyết định mức độ phát triển của xã hội đó. Ở các quốc gia dân chủ, quyền lực không bị tập trung mà được phân tán trong xã hội. Không một người hay nhóm người nào được phép nắm giữ quyền lực tuyệt đối so với người khác hay nhóm người khác. Quyền lực nhà nước được kiểm soát nhờ định chế tam quyền phân lập và được giám sát bởi các quyền lực khác trong xã hội: báo chí, xã hội dân sự, giáo hội, đảng phái, v.v. Nhờ xử lý tốt vấn đề quyền lực, đặc biệt là việc kiểm soát quyền lực nhà nước, nên nhìn chung các nước dân chủ đều phát triển lành mạnh.
Ở các chính thể độc tài thì ngược lại. Quyền lực trong xã hội luôn bị thâu tóm vào trong tay một cá nhân hay một nhóm thiểu số, mà ở các quốc gia cộng sản là Đảng Cộng sản. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, chẳng hạn, thường trưng câu thần chú “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” để biện minh cho việc tập trung quyền lực vào tay mình, kể cả trong lĩnh vực… sinh đẻ.
Cuối thế kỷ 19, triết gia chính trị người Anh Lord Acton đã đúc kết: “Quyền lực dẫn đến tha hoá. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối.” Những gì diễn ra trong các xã hội cộng sản thế kỷ 20 đã chứng minh cho nhận định đó. Sự tha hoá của quyền lực tuyệt đối trong tay Đảng Cộng sản khiến các quốc gia cộng sản suy thoái toàn diện, xã hội rối ren và cuối cùng đi đến chỗ sụp đổ. Đó là những gì đã xẩy ra ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước kia, và đang diễn ra ở nhúm quốc gia cộng sản còn lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
…và cái gọi là ‘lồng cơ chế, pháp luật’ của ông Nguyễn Phú Trọng
Vụ lùm xùm Trần Vũ Quỳnh Anh – Trịnh Văn Chiến xẩy ra cùng thời điểm với vụ thông tin về những tài sản khủng của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị phơi bày trên báo chí nhà nước, hay việc một số quan chức cao cấp bị nêu đích danh trong vụ bê bối MobiFone mua AVG của anh em nhà Phạm Nhật Vũ - Phạm Nhật Vượng. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đang đến gần, vì thế không khó để nhận ra đây là những màn “so đấu” giữa các phe phái trong đảng trước thềm một hội nghị mà người ta dự đoán là sẽ chú trọng đến vấn đề nhân sự cấp cao.
Khi các quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Đảng Cộng sản và các quyền lực xã hội khác thì bị họ thao túng, khống chế hoặc vô hiệu hoá, việc quyền lực nhà nước bị lạm dụng là kết cục tất yếu. Dĩ nhiên, những kẻ lạm dụng quyền lực kia hầu như 100% là đảng viên cộng sản. Trong bối cảnh đó, sự đấu đá giữa các phe nhóm trong đảng, thể hiện qua các vụ lùm xùm vừa nêu, gần như là cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực trong tay họ.
Tuy nhiên, như chính TBT Nguyễn Phú Trọng từng hồn nhiên thừa nhận: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”, các cuộc “so găng” giữa các phe phái trên đấu trường chính trị nhiều lắm cũng chỉ dẫn đến kết cục “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Các “đấu sỹ” luôn quán triệt tinh thần “đánh chuột đừng để vỡ bình” mà người đứng đầu Đảng CSVN thường xuyên nhắc nhở. Nguyễn Việt Tiến bị mất chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhưng kẻ che chắn cho ông ta là Nông Đức Mạnh vẫn an vị trên chiếc ghế Tổng Bí thư. “Gã đầu bạc” Nguyễn Đức Kiên phải lãnh án 30 năm tù, nhưng “ông trùm” đứng sau lưng ông ta là “đồng chí X” vẫn bình an vô sự. Hà Văn Thắm bị bắt và đối mặt với bản án lên tới 30 năm tù nhưng quan thầy của anh ta là Nguyễn Sinh Hùng chỉ chịu rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội khi hết nhiệm kỳ. Trịnh Xuân Thanh bị truy nã rồi truy tố ra toà, nhưng trong số những kẻ đỡ đầu cho ông ta chỉ có Vũ Huy Hoàng là bị “cách” cái ‘chức danh’ “nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương” (!).
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội ngày 17/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von là để kiểm soát quyền lực thì phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”. Dưới chế độ XHCN “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, Đảng Cộng sản vừa là hiện thân của quyền lực vừa là hiện thân của pháp luật. Vì vậy, câu nói đó nếu không phải là trò lừa bịp thì cũng thể hiện sự hoang tưởng điển hình của quyền lực.
Với quyền lực gần như không bị kiểm soát, giới “công bộc” cộng sản sẵn sàng dẫm đạp lên thứ “pháp luật” do chính họ nặn ra để vơ vét của cải, mồ hôi xương máu của nhân dân. Và cho dù xung đột giữa các băng nhóm hành nghề cướp bóc là điều không tránh khỏi, họ cũng luôn nêu cao ý thức “giữ bình” để tiếp tục “sự nghiệp cao cả” của mình.
Nhiệm vụ của chúng ta, vì thế, là sử dụng ánh sáng của lương tri và trách nhiệm để soi rọi mọi góc khuất của các cuộc “tỷ thí” giữa các “đấu sỹ” trong cái “lồng” mà ngài Tổng Bí thư khả kính kia tưởng tượng ra, không phải là để ủng hộ phe này hay phe nọ, mà để giúp quần chúng nhân dân nhận ra bản chất buôn dân bán nước của họ, hầu góp phần thúc đẩy sự ruỗng mục của hệ thống cũng như quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong bộ máy.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chấm dứt 'chống lưng' nợ doanh nghiệp nhà nước?

VOA Tiếng Việt-23/03/2017 
Vinashin là doanh nghiệp nhà nước làm thua lỗ 4.5 tỷ đô la.Vinashin là doanh nghiệp nhà nước làm thua lỗ 4.5 tỷ đô la.
Chính phủ Việt Nam vừa quyết định sẽ ngừng chống lưng các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước để giảm nợ công và tiệm cận hơn với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói với các đại biểu quốc hội Việt Nam điều lệ này được đưa vào trong dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công đã được trình lên Ủy ban thường vụ quốc hội xem xét hôm 21/3. Truyền thông trong nước dẫn lời bộ trưởng Dũng nói rằng chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ và chỉ những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh mới được coi là nợ công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những khoản nợ này đã làm cho nợ công của Việt Nam tăng cao. Bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%. Nhưng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 thừa nhận nợ công của Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền của tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.
"Trước đây vì Việt Nam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đấy."Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội
 Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc sửa đổi trong luật về nợ công sẽ giúp chính phủ minh bạch hóa và tạo ra cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. ​"Chính phủ Việt Nam đang có những thay đổi về mặt quản lý nhà nước để nó tiệp cận với những thỏa thuận mà chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế. Ví dụ như xem trong hiệp định TPP mà chính phủ Việt Nam đã ký với 11 đối tác trong đó thì Việt Nam cam kết minh bạch hóa quá trình quản trị doanh nghiệp nhà nước và không có những ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước thì việc chính phủ không bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước đã nằm trong lộ trình cam kết của Việt Nam."
Bộ trưởng Dũng nói nếu các công ty nhà nước không trả được nợ của chính họ thì phải tuyên bố phá sản. TuoiTreNews trích lời bộ trưởng nói “sẽ không có cái gọi là nợ của các công ty nhà nước trở thành nợ quốc gia”.
Trước đây Tập đoàn Công nghiệp Vinashin đã trở thành doanh nghiệp nhà nước có khoản nợ lớn nhất không trả được, 4.5 tỷ đô la và việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước này đã làm các nhà đầu tư vào Việt Nam lo lắng.
Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Khiêm được báo Doanh Nhân trích lời nói rằng thường có 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ trực tiếp bảo lãnh nợ doanh nghiệp và trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì những cơ quan đó phải có trách nhiệm trả nợ. Điều đó lý giải tại sao nợ bảo lãnh chính phủ hiện đang ở mức 10.2% GDP.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết ​"Trước đây vì Việt Nam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đấy."
Một chuyên gia kinh tế của trường đại học Texas không muốn được nêu tên đồng ý với nhận định đó. ​"Nhà nước đã ký vào trong hợp đồng cho vay đấy là tôi đứng ra bảo lãnh thì khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì nhà nước sẽ trở thành bên liên đới phải đứng ra trả nợ thì khoản nợ đấy sẽ chuyển thành nợ của nhà nước."
Theo các chuyên gia kinh tế này, việc không có chính phủ chống lưng sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thận trọng hơn trong việc tiếp cận vốn vay.
Tiến sĩ kinh tế của trường Đại học Texas cho VOA Việt Ngữ biết các doanh nghiệp nhà nước phải có hồ sơ vay và kế hoạch kinh doanh tốt mới có cơ hội. "​Người đi cho vay sẽ thận trọng hơn và vì thế khi cho vay họ sẽ phải tìm dự án chất lượng hơn để cho vay. Câu chuyện thẩm định các khoản vay sẽ diễn ra chặt chẽ hơn và ít doanh nghiệp nhà nước được vay hơn. Thế còn không bảo lãnh nữa hoặc có bảo lãnh thì có làm cho cá chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước họ có trách nhiệm hơn hay không thì tôi nghĩ là vẫn thế."
Chuyên gia kinh tế này nói rằng các doanh nghiệp nhà nước dù có được chính phủ bảo lãnh hay không thì nhiều những người đứng đầu các doanh nghiệp vẫn gặp những bê bối tham nhũng vì hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát còn chưa dẫn đến doanh nghiệp sẽ thua lỗ và phá sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảnh báo việc doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ nước ngoài khi không có nhà nước chống lưng sẽ làm cho xếp hạng tín nhiệm và độ tin cậy về tài chính của Việt Nam với các đối tác nước ngoài xuống thấp. Nhưng ông Kiên nói điều đó không phải là một mối lo vì việc đánh giá của các cơ quan nhà nước đi vay sẽ thực chất hơn trước đây khi các công ty này phải nỗ lực để được đánh giá cao về khả năng hoàn trả nợ và xếp hạng tài chính.
Người đứng đầu ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội đề xuất tại buổi họp hôm 21/3 tại Hà Nội, theo ghi nhận của báo chí trong nước, rằng chính phủ cần thắt chặt hơn việc giám sát đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro các doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ và đi đến phá sản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết dự thảo luật quản lý nợ công đang được quốc hội thảo luận và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào 1/7/2018.

Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nếu ai hỏi tôi rằng sau ngày 30 tháng 4, 1975 cái gì mà cộng sản không thể "giải phóng" được; cái gì vẫn âm thầm nhưng vũ bão giải phóng ngược lại tâm hồn khô khốc của người dân miền Bắc lẫn nhiều cán binh cộng sản; cái gì vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa văn minh và man rợ, giữa nhân ái và bạo tàn, giữa yêu thương và thù hận; cái gì đã kết nối tâm hồn của những nạn nhân cộng sản ở cả hai miền Nam Bắc... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.

Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam.
*

Tôi lớn lên theo những con đường đất đỏ bụi mù trời và cây reo buồn muôn thuở. Niềm say mê âm nhạc đơm mầm từ các anh lớn của Thiếu và Kha đoàn Hướng Đạo Việt Nam, trổ hoa theo những khúc hát vang vang của các anh giữa vùng trời Đạt Lý đang vào mùa cà phê hoa trắng nở: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..." Các bậc đàn anh như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang của Phượng Hoàng đã lót đường nhân ái cho đàn em nhỏ chúng tôi chập chững trở thành người, để biết ngước mặt nhìn đời và "cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên vành môi, hãy ngước mặt nhìn đời, nhìn tha nhân ta buông tiếng cười..."

Những đêm tối, giữa ngọn đồi nhiều đại thụ và cỏ tranh, bên nhau trong ánh lửa cao nguyên chập chờn, chúng tôi cảm nhận được niềm hãnh diện Việt Nam với bước chân của cha ông và bước chân sẽ đi tới của chính mình: "Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng. Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm. Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng chân tươi. Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời..." Và anh Nguyễn Đức Quang, người nhạc sĩ của thị xã đèo heo hút gió đã trở thành thần tượng của chúng tôi. Có những buổi chiều buông trong Rừng Lao Xao bạt ngàn, những đứa bé chúng tôi theo anh ngậm ngùi số phận "Xương sống ta đã oằn xuống, cuộc bon chen cứ đè lên. Người vay nợ áo cơm nào, thành nợ trăm năm còn thiếu. Một ngày một kiếp là bao. Một trăm năm mấy lúc ngọt ngào. Ôi biết đến bao giờ được nói tiếng an vui thật thà." Nhưng cũng từ anh đã gieo cho chúng tôi niềm lạc quan tuổi trẻ: "Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy như làn tên..." Và từ anh, chúng tôi hát cho nhau "Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi. Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới." Cô giáo Việt văn của tôi đã mắng yêu tôi - tụi em thuộc nhạc Nguyễn Đức Quang hơn thuộc thơ của Nguyễn Công Trứ!

Nguyễn Công Trứ. Đó là ngôi trường tuổi nhỏ có cây cổ thụ già, bóng mát của tuổi thơ tôi bây giờ đã chết. Tôi nhớ mãi những giờ cuối lớp tại trường, Cô Trâm cho cả lớp đồng ca những bài hát Bạch Đằng Giang, Việt Nam Việt Nam, Về Với Mẹ Cha... Đứa vỗ tay, đứa đập bàn, đứa dậm chân, chúng tôi nở buồng phổi vang vang lên: "Từ Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam. Quay về với xóm làng. Tiếng reo vui rộn trong lòng..." Nhìn lên lớp học lúc ấy, có những biểu ngữ thủ công nghệ mà cô dạy chúng tôi viết: Tổ quốc trên hết, Ngày nay học tập ngày sau giúp đời, Không thành công cũng thành Nhân... Nhưng đọng lại trong tôi theo năm tháng vẫn là những câu hát "Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người..."

Cô giáo của tôi đã ươm mầm Lạc Hồng vào tâm hồn của chúng tôi và cứ thế chúng tôi lớn lên theo dòng suối mát, theo tiếng sóng vỗ bờ, theo tiếng gọi lịch sử của âm nhạc Việt Nam, để trở thành những công dân Việt Nam yêu nước thương nòi và hãnh diện về hành trình dựng nước, giữ nước của Tổ tiên.
Trong cái nôi nhiều âm thanh êm đềm nhưng hùng tráng ấy, trừ những ngày tết Mậu Thân khi tiếng đạn pháo đì đùng từ xa dội về thành phố, cho đến lúc chui xuống gầm giường nghe tiếng AK47 và M16 bắn xối xả trước nhà vào ngày 10 tháng 3, 1975, tuổi thơ tôi được ru hời bởi dòng nhạc trữ tình của miền Nam để làm nên Những Ngày Xưa Thân Ái của chúng tôi.

Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai 
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em 
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù 
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em...

Các anh, những người anh miền Nam đã khoát áo chinh nhân lên đường đối diện với tử sinh, làm tròn lý tưởng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm, đã hy sinh cuộc đời các anh và để lại sau lưng các anh những ngày xưa thân ái cho đàn em chúng tôi. Nhờ vào các anh mà chúng tôi có những năm tháng an lành giữa một đất nước chiến tranh, triền miên khói lửa.

Lần đầu tiên, chiến tranh tưởng như đứng cạnh bên mình là khi chúng tôi xếp hàng cúi đầu đưa tiễn Thầy của chúng tôi, là chồng của cô giáo Việt Văn, một đại úy sĩ quan Dù đã vị quốc vong thân. Cô tôi, mồ côi từ nhỏ, một mình quạnh quẻ, mặc áo dài màu đen, tang trắng, đứng trước mộ huyệt của người chồng còn trẻ. Cô khóc và hát tặng Thầy lần cuối bản nhạc mà Thầy yêu thích lúc còn sống - "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau..."

Và tôi say mê Mùa Thu Chết từ dạo đó. Trong những cụm hoa thạch thảo đầy lãng mạn ấy có đau thương đẫm nước mắt của Cô tôi. Có hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ nắp quan tài của người Thầy Đại úy Sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù vào mùa Hè hầm hập gió Nồm năm ấy.

*

Từ những ngày xa xăm tuổi nhỏ, những người lính VNCH là thần tượng của chúng tôi. Tôi mơ được làm một người lính Dù bởi anh là loài chim quý, là cánh chim trùng khơi vạn lý, là người ra đi từ tổ ấm để không địa danh nào thiếu dấu chân anh, và cuối cùng anh bi hùng ở lại Charlie. Giữa những đau thương chia lìa của chiến tranh, những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh đã cho tôi biết thương yêu, kính trọng những người lính không chân dung nhưng rất gần trong lòng chúng tôi. Những"cánh dù ôm gió, một cánh dù ôm kín đời anh" cũng là những cánh dù ôm ấp lý tưởng đang thành hình trong tâm hồn tuổi nhỏ của chúng tôi.

Nhìn lại quãng thời gian binh lữa ấy, tôi nhận ra mình và các bạn cùng lứa không hề biết rõ Phạm Phú Quốc là ai, chỉ biết và say mê huyền sử của một người được"Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời. Đặt tên cho anh, anh là Quốc. Đặt tên cho anh, anh là Nước. Đặt tên cho Người. Đặt tình yêu Nước vào nôi", chỉ ước ao một ngày chúng tôi cũng được như anh, cũng sẽ là những "Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì!" Chúng tôi, nhiều đứa núi đồi, rừng rú, chưa bao giờ thấy biển nhưng thèm thuồng màu áo trắng và đại dương xanh thẳm, thuộc lòng câu hát"Tôi thức từng đêm, thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng. Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau. Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mà lòng thì chưa hề yêu ai".Chúng tôi cũng không tìm đọc tiểu sử, cuộc chiến đấu bi hùng của Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, cũng không biết địa danh Charlie nằm ở đâu, nhưng Đại tá Nguyễn Đình Bảo là biểu tượng anh hùng của chúng tôi để chúng tôi thuộc lòng khúc hát "Toumorong, Dakto, Krek, Snoul. Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu. Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình. Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành." Chúng tôi không biết "Phá" là gì, "Tam Giang" ở đâu, nhà thơ Tô Thùy Yên là ai, nhưng "Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận. Em ơi, em ơi..." đã thân thiết chiếm ngự tâm hồn để chúng tôi biết thương những người anh chiến trận đang nhớ người yêu, nhớ những người chị, cô giáo của chúng tôi ngày ngày lo âu, ngóng tin từ mặt trận xa xăm.

Trong cái nôi của những ngày xưa thân ái ấy, từ nơi khung trời đầy mộng mơ của mình chúng tôi chỉ biết đến nỗi niềm của các anh bằng những "Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, Đời lính quen yêu gian khổ quân hành". Giữa mùa xuân pháo đỏ rộn ràng con đường tuổi thơ thì chính âm nhạc nhắc cho những đứa bé chúng tôi biết đó cũng là "ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm, có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm". Giữa những sum vầy bình an bên cạnh mai vàng rực rỡ, thì ở xa xăm có những người con rưng rưng nhớ đến Mẹ già và gửi lời tha thiết "bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..." Âm nhạc Việt Nam đã gieo vào tâm hồn chúng tôi hình ảnh rất bình thường, rất người, nhưng lòng ái quốc và sự hy sinh của thế hệ đàn anh chúng tôi - những người lính VNCH - thì ngời sáng. Và chúng tôi biết yêu thương, khâm phục, muốn noi gương các anh là cũng từ đó.

*

Sau ngày Thầy hy sinh, chúng tôi gần gũi với Cô giáo Việt Văn của mình hơn. Nhiều đêm thứ bảy, tôi và các bạn ghé nhà thăm Cô. Đó là lúc chúng tôi đến với Một thời để yêu - Một thời để chết. Chúng tôi bắt đầu chạm ngõ tình yêu với những Vũng lầy của chúng ta, Con đường tình ta đi, Bây giờ tháng mấy, Ngày xưa Hoàng Thị, Tình đầu tình cuối, Em hiền như Ma Soeur, Trên đỉnh mùa đông, Trả lại em yêu... Đó là lúc Cô đọc thơ Chiều trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên cho chúng tôi nghe, giảng cho chúng tôi về tài nghệ "thần sầu" của Trần Thiện Thanh trong lời nhạc "anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ... ôi niềm nhớ........ đến bất tận. Em ơi... em ơi!..." khi diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, và sau đó chú Trần Thiện Thanh Toàn - em ruột của nhạc sĩ Nhật Trường ở Sài Gòn về thăm Cô, vừa đàn vừa hát. Những buổi tối này, mình tôi ở lại với Cô tới khuya. Cô đọc thơ và hát nhạc phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, chỉ cho tôi tính lãng đãng của lời nhạc Từ Công Phụng, khắc khoải của Lê Uyên Phương, mượt mà của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, sâu lắng của Vũ Thành An... Và qua âm nhạc, Cô kể tôi nghe chuyện tình của Cô và Thầy. Hai người đến với nhau khởi đi từ bản nhạc mà Cô hát khi Cô còn là nữ sinh Đệ Nhất và Thầy là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Bản nhạc ấy có những dòng như sau:

"Nhưng anh bây giờ anh ở đâu 
con ểnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ 
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời."

Thầy và cô tôi yêu nhau từ sau khúc hát Người Tình Không Chân Dung ấy và"người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này" cũng là định mệnh Thầy, của cuộc tình bi thương giữa một cô giáo trẻ và người lính VNCH.

Cô tôi sống một mình và qua đời vào năm 2010. Bạn cùng lớp của tôi là Phương lùn, vào một ngày cuối năm, từ Sài Gòn trở về Ban Mê Thuột, xách đờn đến trước mộ Cô và hát lại "Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo" để thay mặt những đứa học trò thơ ấu kính tặng hương hồn của Cô. Còn tôi, năm tháng trôi qua nhưng tôi biết rõ trong dòng máu luân lưu và nhịp đập của tim mình vẫn đầy tràn những thương yêu mà Cô đã gieo vào tôi bằng Âm Nhạc Miền Nam.

*

Một buổi tối chúng tôi ngồi hát với nhau. Các bạn từ Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Đà Nẵng, Sài Gòn... nhưng chỉ có mình tôi là sinh ra và lớn lên trước 1975. Các bạn tôi, hay đúng ra là những người em đang cùng đồng hành trên con đường đã chọn, đã thức suốt đêm hát cho nhau nghe. Rất tự nhiên, rất bình thường: toàn là những ca khúc của miền Nam thân yêu. 

Đêm hôm ấy, cả một quãng đời của những ngày xưa thân ái trong tôi sống lại. Sống lại từ giọng hát của những người em sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ độc tài. Các em hát cho tôi nghe về những người lính miền Nam mà các em chưa bao giờ gặp mặt "Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về...". Tôi hát cho các em mình về những ngày tháng mộng mơ trước "giải phóng" của những "Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ, bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi..." Các em tâm sự về cảm nhận đối với người lính VNCH qua những dòng nhạc êm đềm, đầy tình người giữa tàn khốc của chiến tranh: "Tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua đường phố;  tôi lại gặp anh, giờ đây nơi quán nhỏ,  tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ".. Tôi chia sẻ với các em về nỗi ngậm ngùi quá khứ: "Như phai nhạt mờ, đường xanh nho nhỏ, hôm nay tình cờ, đi lại đường xưa đường xưa. Cây xưa còn gầy, nằm phơi dáng đỏ, áo em ngày nọ, phai nhạt mây màu, âm vang thuở nào, bước nhỏ tìm nhau tìm nhau"... 

Đêm ấy, khi các bạn nói lên cảm nhận về những mượt mà, êm ả, nhân ái của Âm Nhạc Miền Nam, tôi đã tâm sự với các bạn rằng: Chỉ cần lắng nghe và hát lên những dòng nhạc ấy, các em sẽ hiểu thấu được những mất mát khủng khiếp của con người miền Nam. Những mất mát không chỉ là một cái nhà, một mảnh đất, mà là sự mất mát của cả một đời sống, một thế giới tâm hồn, một đổ vỡ không bao giờ hàn gắn lại được. Khi những mượt mà, nhân ái ấy đã bị thay thế bởi những "Bác cùng chúng cháu hành quân" và "Tiến về Sài Gòn" thì các em hiểu được tuổi thanh xuân và cuộc đời của những thế hệ miền Nam đã bị đánh cắp hay ăn cướp như thế nào.

*

Gần 42 năm trôi qua, Âm Nhạc Miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản. Dòng suối trong mát ấy cũng cuốn phăng mọi tuyên truyền xảo trá của chế độ về xã hội, con người miền Nam trước 1975 cũng như về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của những người lính VNCH và tình cảm trân quý, yêu thương của người dân miền Nam dành cho họ.

Gần 42 năm trôi qua, trong tuyệt vọng của những kẻ thật sự đã thua trận trong cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt Âm Nhạc Miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bản in bài hát, những CD được sao chép, bán buôn... Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của người dân Việt, bất kể Bắc - Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975. Bạo tàn và ngu dốt có thể đem Âm Nhạc Miền Nam vào những danh sách cấm đoán vô tri vô giác, nhưng không bao giờ đem được Âm Nhạc Miền Nam ra khỏi con người Việt Nam.

Ai giải phóng ai? Hãy hỏi Con Đường Xưa Em Đi và đốt đuốc đi tìm xem Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân đang nằm trong cống rãnh nào trên những con đường Việt Nam!!!


24.03.2017

Thủ tướng ca bài Chuyến Tàu Hoàng Hôn

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Treo bảng cấm ngặt “Con đường xưa em đi”cùng những bản “nhạc vàng” khác, Thủ tướng Phúc niểng đầu, bước lên sân khấu, hồ hởi phấn khởi độc ca bài Cờ Tờ Hờ Hờ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn.

Chuyến tàu hoàng hôn! Thủ tướng nhà ta vừa cấm vừa ca “nhạc ngụy”, chẳng những ca, mà còn ca một cách độc quyền? Làm sao lại có chuyện “đồng chí” đứng đầu chính phủ “ma-dze in” Cắt Mạng lại phản động một cách công khai đến như vậy?

Hỏi như vậy là chưa hiểu gì về con đường cắt mạng “rộng thênh thang tám thước” (1), chưa thông suốt tư tưởng hồ chí ao mông mênh. Đó là, cái gì bọn phản động không làm được, Đảng Bác làm được. Chẳng hạn như những chuyện:

- Được người ta nuôi Bác Đảng ăn ngập mặt, ở đầy nhà mới hôm trước, thế mà hôm sau Đảng Bác lôi đại ân nhân mình ra đấu tố, bắn bỏ... lại còn dám bịt râu giấu mặt đứng xem (2);

- Xúi tá điền đấu tố địa chủ, nói là để tá điền được chia ruộng đất lấy của địa chủ, nhưng sau đó Đảng Bác lại “quản lý” để hoặc làm của riêng, bán lại cho nhóm lợi ích trong nước, hay cho tài phiệt nước ngoài thuê bỏ túi;

- Đảng Bác hô hào “đánh cho Mỹ cút”, đến khi Mỹ cút rồi Đảng lại bỏ Đồng Rúp “ông” Liên Xô núp Đồng Đô “thằng” Mỹ,

- Đảng Bác kêu gào các cháu “sinh bắc tử nam”, láu ta láu táu, hy sinh xương máu, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”; đến khi Mỹ cút rồi, cháu ngoan của bác lại đòi “Đồng hành quân sự với Mỹ là mệnh lệnh của thơi đại” (3); và nói chi đâu xa, con cái thủ tướng Ma Dze nhà ta cũng đang nhờ công cha đi làm cắt mạng mà du học và sống cuộc sống xa hoa trên đất địch “Mỹ cút” (4); và khi “Ngụy nhào” rồi, tướng quân của bác còn tệ hại hơn giặc Tàu Ô thuở nào, nhào vô bợ sạch mọi thứ của “Ngụy”: “Nhà Ngụy ta ở, Vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai...”(5).

Nhưng “chuyến tàu hoàng hôn” Thủ tướng Ma Dze ca đây không phải là chuyến tàu “Đem yêu thương đi đến nơi nào cách đôi tình” của “Ngụy” Minh Kỳ & Hoài Linh mà là Chuyến tàu Vét cuối cùng.

Mấy chục năm qua Đảng ta sống được là nhờ tài chôm chĩa của dân- đấu tố - tịch thu - cào bằng - cưỡng chế - và vay mượn nước ngoài... nhưng nay nợ nần còn hơn chúa chỗm nhưng chẳng biết làm sao; chút hy vọng cuối cùng là kêu gọi “góp vốn trong dân, mằn vàng trong mấn (váy)”, nhưng dân nay đã kinh nghiệm có thừa với con lừa của Đảng.


Thế là cái khó ló cái khôn: Không gì quý hơn làm chuyến con tàu vét, nói văn hoa theo hơi hướng “nhạc vàng” là ca bài chuyến tàu hoàng hôn bằng

Cách ban hành cái gọi là “Nghị định 28/2017/NĐ-CP” trong đó có một số điều khoản như sau:

1. Phạt 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, nhân bản, phổ biến, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy...

2. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

3. Phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi bán, cho thuê, lưu hành hoặc tàng trữ bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

4. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Cứ dựa vào nhưng tiêu chuẩn trên đầy thì chẳng mấy chốc Đảng ta vơ đầy chuyến tàu vét. Chẳng những vô quán cà phê, nhà hàng, tiệm phở, quán karaokê, cửa bán băng đĩa nhạc … tha hồ vồ hốt; bước xuống đường gặp người ăn xin, anh bán rong, bé đánh giày, Đảng ta cũng hốt được 15- 20 triệu tiền Hồ trên đầu trên cổ mỗi “cháu bác” như chơi.



Chuyến tàu hoàng hôn, nhạc vàng của Ngụy “Còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn”. Chuyến Tàu Vét của Cắt Mạng không chừa ai, kể cả cái khố rách của kẻ ăn xin, anh bán rong, bé đánh giày, nhưng người chỉ còn biết tìm chút an ủi nơi những bài hát của mốt thời chưa bị Phỏng.

24.03.2017



___________________________________

Ghi chú:

1. Thơ Tố Hữu.

2. Đèn Cù / Trần Đỉnh.

3. Cù Huy Hà Vũ 


Làm ngơ sao đành!

Kim Nguyên (Danlambao) - Những sự kiện dồn dập gần đây xảy ra trên quê hương càng lúc càng đưa đất nước Việt Nam vào cảnh cùng cực. Dồn người dân Việt chìm sâu hơn vào vũng lầy bế tắc. Những ai còn tấm lòng với quê hương, còn suy tư đến vận mệnh của dân tộc, còn biết lo cho tiền đồ đất nước không thể ngồi yên được nữa.

Đất nước mình trải qua bốn ngàn năm lịch sử. Cũng có những lúc thăng trầm, người dân Việt cũng từng phải trải qua số phận nghiệt ngã dưới sự thống trị của ngoại bang. Nhưng chưa bao giờ người Việt Nam bị tước mất cả cái quyền làm chủ mảnh đất nơi cha ông mình hay chính mình đổ mồ hôi; nước mắt và cả máu để khai phá, vun bồi. Dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam hôm nay, ngay cả cái quyền nhỏ nhoi ấy cũng bị nhà nước cưỡng đoạt. 

Một ngàn năm bắc thuộc, gần trăm năm Tây thuộc dân tộc Việt Nam vẫn giữ được bản chất hiền hòa, truyền thống đạo đức, tinh thần nhân ái sẻ chia và tinh thần bất khuất không cúi đầu trước bất công, cường quyền. Thế mà chỉ với hơn 60 năm ở miền Bắc và hơn 40 năm toàn cõi Việt Nam sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa Cộng Sản. Hôm nay đây, trên quê hương thân yêu của chúng ta, những giá trị truyền thống tốt đẹp được vun bồi bởi bao nhiêu thế hệ cha ông đã bị hủy hoại một cách thảm thương: ngươi Việt Nam sẵn sàng lừa dối nhau, thậm chí đầu độc nhau chỉ vì lợi nhuận. Người ta sẵn sàng giết nhau chỉ vì một việc hết sức nhỏ nhoi. Quan hệ cha mẹ với con cái, thầy giáo và học trò hôm nay đã biến đổi theo chiều hướng đi xuống một cách thảm thương. Có thể nói rằng xã hội Việt Nam hôm không hề có chỗ đứng đàng hoàng, xứng đáng cho người lương thiện. Những ai dám đứng thẳng lưng, dám ngẩng cao đầu, những ai dám nói lên sự thật, phê phán sự dối trá luôn luôn là những người bị bạc đãi, bị trù dập tận tình hầu như ở tất cả mọi môi trường trên đất nước Việt Nam. Giới trẻ thì bị đầu độc có hệ thống bởi một nền giáo dục phi nhân bản, dậy cho con người sống ích kỷ, vô cảm với tha nhân, vô trách nhiệm với vận mệnh tổ quốc. Giới trẻ (và giới còn hơi trẻ) thích vui chơi, sống hời hợt, buông thả, thích vẻ xa hoa bề ngoài,... Tương lai nào cho Việt Nam với lớp trẻ đa số tiêm nhiễm những quan niệm sống như vậy?

Trong suốt lịch sử Việt chưa có một triều đại nào lại bán nước buôn dân trắng trợn như Cộng Sản Việt Nam hôm nay. Bọn họ bán nước buôn dân theo nghĩa đen: Họ bán biển đảo cho Tàu có văn tự hẳn hoi để đổi lấy súng đạn tàn sát anh em. Họ buôn dân qua việc xuất khẩu những công nhân. Giai cấp này bị chính “đại diện chân chính” của mình gởi ra nước ngoài để phải lao động cực nhọc bị bóc lột tàn tệ nơi xứ người. Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống xem ra chưa đáng là học trò của những thế hệ lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, từ thế hệ Hồ Chí Minh đến thế hệ Nguyễn Phú Trọng hôm nay.

Nhà nước Việt Nam thì đang nợ ngập đầu: Mỗi đứa trẻ ngay từ lúc sinh ra đã được nhà nước ưu ái “tặng” ngay con số hơn 1000 đô la tiền nợ (nếu tính hết cả những món nợ mờ ám thì con số còn cao hơn nữa, thậm chí có thể gấp đôi). Số tiền mà rất nhiều người dân nghèo Việt Nam trong suốt cả cuộc đời lam lũ không bao giờ có thể có được. Và nếu cứ thế này thì người dân Việt Nam thế hệ hôm nay cùng với nhiều thế hệ kế tiếp sẽ phải oằn lưng trả nợ để cho tập đoàn Cộng Sản Việt Nam và nhiều thế hệ hậu duệ hưởng cuộc sống giàu sang. 

Đất nước hôm nay nhìn đâu cũng thấy thảm trạng: từ môi trường bị hủy hoại tận tình do sự tiếp tay của tập đoàn cầm quyền với những quan chức chỉ biết vơ vét, hưởng thụ, bất chấp mọi hậu quả thảm thương mà cả nước phải gánh chịu qua nhiều thế hệ: Sông Cửu Long, dòng sông được ví như dòng sữa mang lại nguồn sống dồi dào cho những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở đồng bằng Nam Phần. Dòng sữa ấy đang cạn kiệt, đe dọa sự sống còn của vựa lúa từng nuôi sống cả nước. Con sông Đồng Nai hiền hòa và những cánh đồng, vườn tược của miền Đông Nam phần cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt là quả bom bùn đỏ không lồ treo lơ lửng trên cao Nguyên Trung phần đang đe dọa sự sống của cả một dẫy đồng bằng ven biển. Con sông Hồng đang bị đe dọa đem ra “làm thịt”. Còn biết bao con sông, cánh rừng từ Nam chí Bắc đã và đang bị khai tử để phục vụ cho nhu cầu không đáy của bọn quan tham?

Ngư dân Việt Nam tội nghiệp đang bi bọn cướp biển Trung Cộng, với sự làm ngơ đồng lõa của Cộng Sản Việt Nam, bứng khỏi ngư trường truyền thống, ngư trường đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Đến nỗi những ngư dân Việt khốn khổ kia phải chạy sang đánh cá nơi ngư trường của các nước lân bang để bị bắt bớ, tù đày, tàu đánh cá thì bị tịch thu, phá hủy. Trách nhiệm bảo vệ dân lành thuộc về ai? Những kẻ hàng ngày nhận bổng lộc từ tiền thuế của dân đã chẳng bảo vệ dân mà đang dồn người dân Việt vào đường cùng!

Dân Việt Nam đang chết dần chết mòn trên chính quê hương của mình bởi sự đầu độc, phá hoại tinh vi, có lớp lang, có hệ thống của kẻ thù phương bắc, được tiếp tay bởi chính những người mang dòng máu Việt Nam do chúng đào tạo. Được cài cắm để làm tay sai cho ngoại bang, hủy hoại quê hương...

Người dân nước mình đang phải hàng ngày sống với những nghịch lý. Nghịch lý đến độ khó tin đối với những người được sinh ra, lớn lên nơi những quốc gia tôn trọng con người:

Có người dân xứ tự do nào tưởng tượng được việc chính những người cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ người dân trước sự bạo hành của bọn côn đồ khi cởi bộ đồng phục ra liền biến thành những tay côn đồ đánh đập người dân tàn bạo hơn cả bọn côn đồ thật sự.

Có người dân xứ tự do nào tưởng tượng được hình ảnh nạn nhân bị mất công ăn việc làm, mất cả môi trường sống, bị bần cùng hóa bởi thảm họa môi trường nhưng bị chính quyền đối xử bất công. Khi đi kiện đòi hỏi chân lý lại bị chính những người làm nhiệm vụ bảo quốc an dân đánh đập dã man.

Có nước nào trên thế giới này mà những người mẹ khi lên tiếng bảo vệ cho lũ con mình trước nạn ấu dâm lại bị đánh đập dã man, trong khi chính những tên quỷ râu xanh đội lớp người ấy được bao che bởi những người cầm quyền như ở Việt Nam?

Có nơi nào trên thế giới này người dân bày tỏ lòng yêu nước chống bọn ngoại xâm lại bì đàn áp, đánh đập dã man bởi chính những người cầm quyền cùng chủng tộc như chuyện đang xảy ra ở Việt Nam?

*

Có bao giờ người Việt Nam bị các dân tộc khác xem rẻ rúng như thế này chưa? con gái Việt Nam đứng xếp hàng cho người ta chọn như những món hàng. Công nhân Việt Nam đem bán sức lao động ở các xứ ngày trước họ chẳng hơn gì mình. Lao nô xứ Việt phải làm công việc nặng nhọc mà người bản xứ chê không làm. Bị xem thường, bị bóc lột tàn tệ không biết phải kêu cứu cùng ai khi mà những người đại diện của họ nơi các sứ quán ngoảnh mặt làm ngơ trước lời kêu cứu của đồng bào mình.

Người dân khổ sở trên đất nước Việt Nam đang phải oằn lưng đóng thuế để nuôi hai bộ máy cồng kềnh trong bộ máy nhà nước song song với bộ mày đảng từ trung ương tới địa phương bao gồm những đảng viên Cộng Sản Việt Nam, những kẻ bám vào đảng chỉ để hưởng những bổng lộc từ xương máu dân lành. Họ là những con ký sinh trùng gớm ghiếc đang ký sinh trên thân thể còm cõi của mẹ Việt Nam. Khi người dân kiệt quệ không còn khả năng đóng góp thì họ bán tới tài nguyên, bán luôn đất nước để tiếp tục sinh tồn. Cộng Sản Việt Nam đang làm điều đó trước sự vô cảm của nhiều người trong chúng ta. 

Có nguồn tin cho rằng theo một thỏa thuận ngầm đã được ký kết ở Thành Đô năm 1990 giữa đại diện 2 đảng Cộng Sản Việt và Tàu, Việt Nam sẽ sát nhập vào nước Tàu vào năm 2020 sắp tới. Độ chính xác của nguồn tin này vẫn còn là dấu hỏi. Nhưng theo thiển ý người viết thì cần gì phải đợi tới năm 2020. Người Tàu từ lâu đã hành động như chốn không người trên đất nước Việt Nam: Họ thiết lập những căn cứ bất khả xâm phạm trên những yếu điểm của đất nước. Tuyệt đối cấm chỉ người Việt Nam bén mảng đến, dù đó là người của cơ quan công quyền Việt Nam. Họ đang cầm trong tay sinh mệnh của dân Việt bằng những quả bom bùn, bằng những nhà máy sẵn sàng phóng ra chất độc hủy hoại đất nước, con người Việt Nam. Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào họ mọi mặt, từ nguyên liệu đến việc xuất cảng, nhập cảng… Họ lập những khu phố Tàu. Họ thực hiện các công trình lớn nhỏ trên khắp Việt Nam. Bất cứ ai nói lên tiếng nói chống Tàu thì có “người của họ” đứng ra lo liệu việc trấn áp... Vậy thì nhập vào nước Tàu hay để nguyên hiện trạng có khác gì nhau bao nhiêu? Khi sát nhập Việt Nam họ còn gặp phải những trở ngại pháp lý, ngoại giao, phải đối đầu với sự chống đối chính đáng từ dân tộc Việt Nam, dân tộc mả tổ tiên của nước Tàu đã nhiều lần được học những bài học thấm thía khi manh tâm xâm chiếm nước ta. Bởi vậy, Trung Cộng đâu cần phải chờ đến năm 2020 mà việc Hán hóa Việt Nam đã thực hiện từ lâu và đang tiền triển theo hướng họ muốn!

Chúng ta nỡ nào làm ngơ trước sự tồn vong của đất nước? Xin đừng ngoảnh mặt làm ngơ, đừng làm kẻ bàng quang, xem như đó là chuyện thiên hạ, không hề liên quan đến mình. Người trong nước hay hải ngoại đều có thể góp phần. Những người đang may mắn sống ở những đất nước tự do, được nói, được hành động, được suy nghĩ tự do. Xin đừng quên những người đang bị bịt miệng, trói tay. Hãy nói giùm họ, hãy hành động trong khả năng của mình. Đừng xuôi tay chấp nhận số phận nghiệt ngã đang từng ngày đổ xuống quê hương Việt Nam yêu dấu. Sẽ không ai thay chúng ta để giành lại sinh lộ cho dân tộc trước hiểm họa diệt vong trước mắt.

Brussels, đầu mùa xuân 2017

Đảng CSVN có thể tự diễn biến thành dân chủ hay không?

"Cộng sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó" - Boris Yeltsin

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Ông Thein Sein, một cựu tướng lãnh, đã nhậm chức Tổng Thống Miến Điện vào tháng 3 năm 2011, sau cuộc bầu cử đầu tiên của nước này trong 20 năm vào tháng 11 năm 2010. Kể từ đó, ông đã thực hiện một tiến trình cải cách ở Myanma, sau hơn 20 năm bị “cai trị” bởi một nhà cầm quyền quân phiệt độc đoán mà ông từng là một thành viên chính. Ông đã cam kết với Đại hội đồng LHQ ở New York vào năm 2012, cho biết Myanmar (Miến Điện) đang trên con đường cải cách dân chủ và hứa sẽ không quay trở lại. Chuyến thăm của ông đến Mỹ là lần đầu tiên bởi một nhà lãnh đạo Miến Điện trong 46 năm. 

Cuối cùng dân Miến Điện đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng dân chủ. Diễn tiến dân chủ này không khỏi gợi lên một chút ghen tức và hy vọng cho nhiều người Việt Nam, chừng nào Việt Nam mới thấy ánh sáng dân chủ từ đó đến nay, 2017?

Câu hỏi được đặt ra là, Đảng CSVN có thể tự diễn biến từ cơ chế chuyên chính vô sản thành dân chủ như Miến Điện hay không?

Mọi người con Việt đều hiểu dân chủ là gì và ao ước dân chủ, nhưng tới thế kỷ 21 này mà con dân Việt vẫn chưa được phép có dân chủ! 

Thật đáng buồn! 

Cản ngại to lớn cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam mà ai cũng biết (ngay cả hơn 3 triệu đảng viên đảng CSVN cũng biết) chính là chế độ CSVN. Và điều này đã trở thành sự đồng thuận toàn dân, ngay cả người đảng viên “hạng bét” cũng hiểu mà không dám hở miệng mà thôi!

Nhưng vấn đề còn khúc mắc là ở chỗ làm cách nào “giải quyết” chế độ CSVN. 

Đề tài này đã gợi hứng ra nhiều ý kiến trong giới bình luận chính trị nhằm tập trung truy tìm phương cách xóa bỏ chế độ CSVN. 

Như vậy, phương cách giải quyết là gì?

Qua các bài viết chính trị phổ biến, có thể phân loại ra hai phương cách thường được hướng tới và cổ xúy là:

(1) Khuyến khích thay đổi từ từ hay còn gọi là tự diễn biến;

(2) Xóa bỏ hoàn toàn bằng một cuộc cách mạng toàn dân.

Nhìn chung dư luận về công cuộc đấu tranh hiện tại có thể nhận ra rằng quan điểm khuyến khích thay đổi đang là mục tiêu “đàng sau” nhiều thảo luận chính trị trong mấy năm gần đây qua các buổi hội luận, họp báo, “hội nghị bàn tròn” của nhiều nhóm, đảng phái chính trị, hoặc cá nhân v.v…

I. Quan điểm khuyến khích thay đổi từ từ

Theo quan điểm trên đây, chế độ CSVN có uy lực rất lớn và bao trùm mọi ngõ ngách xã hội Việt Nam, ĐCSVN đã có một kinh nghiệm cai trị đất nước và chiến thắng hai trận chiến lớn. Ngày nay, cho dù với chính sách mở cửa kinh tế tạo kẽ hở cho tư tưởng dân chủ và kinh tế thị trường du nhập vào Việt Nam, nhưng bộ máy an ninh cũng đã được chuyển đổi để thích ứng với tình thế mới và vẫn bảo vệ được vị thế cai trị độc đoán và sắt máu của họBộ máy công an sẵn sàng giết chết từ trong trứng nước bất cứ hình thức tổ chức phản kháng hay mầm mống phản kháng nào. An ninh CS đã chứng tỏ rất hiệu quả trong công tác đàn áp với kết quả là một cuộc biểu tình khoảng vài trăm người cũng khó lòng bộc phát. Vì thế áp dụng phương pháp đối đầu bằng một lực lượng đối kháng sẽ khó có thể thực hiện được vì vấn đề tổ chức rất khó khăn. 

- Thay vào đó bằng phương pháp kích thích, gây mâu thuẫn nội bộ đối phươngđể chính đảng viên ĐCSVBV đứng lên thực hiện thay đổi. Phương pháp này chính yếu dựa vào lý lẽ "gậy ông đập lưng ông", dùng chính CS đánh CS. 

- Một lợi điểm khác là cố gắng thực hiện khai thác tối đa lãnh vực truyền thông, tuyên truyền để trong nước và hải ngoại có đầy đủ điều kiện trao đổi trong-ngoài. Công tác này ngày càng thuận lợi với phương tiện mạng lưới toàn cầu ngày càng phổ biến do có nhiều người trong nước truy cập. Những lãnh vực tuyên truyền chánh yếu bao gồm:

1. Phô bày, chỉ trích những sai trái, hành động sắt máu của chế độ CSVN;

2. Cổ động dân chủ, nhân quyền để nhiều người Việt Nam trong nước hiểu rõ thêm và phổ biến ngược ra hải ngoại và quốc tế những tin tức “phản dân chủ” của CSVN;

3. Khuyến khích những thành phần của chế độ còn nhứt điểm lương tâm quay trở về với Tổ Quốc, Dân Tộc;

4. Khơi dậy tinh thần dân tộc chống tham nhũng, chống Tàu cộng.

Từ đó, hy vọng, với áp lực từ mọi phía, thành phần chóp bu của ĐCSVN sẽ phản tỉnh và lèo lái ĐCSVN từ bỏ chủ thuyết độc tài đảng trị và chấp nhận tự do chính trị, mở đường cho một Việt Nam dân chủ.

II. Quan điểm khuyến khích thay đổi là không tưởng

Quan điểm khuyến khích rõ ràng là một phương cách dễ dàng để tạo thay đổi cho Việt Nam, nhưng dễ dàng chưa hẳn là một chọn lựa khôn ngoan.

Vì sao? 

- ĐCSVN có thể tự thay đổi để trở thành một đảng chấp nhận dân chủ hay không? Xét về mặt lịch sử, trên thế giới, chưa hề có đảng cộng sản nào trên thế giới tự thay đổi thành một đảng dân chủ. Kinh nghiệm ở các nước Đông Âu và Liên Xô, mọi ĐCS đều bị các cuộc cách mạng lật đổ. Vì thế sự kiện ĐCS tự thay đổi là chuyện chưa từng có tiền lệ.

ĐCSVN không có khả năng thay đổi. Cơ cấu vận hành của ĐCSVN dựa theo ĐCS Liên Xô, không dung thứ cho bất cứ sự phản đối nào liên quan tới quyền thống trị tuyệt đối của đảng, hay bất cứ cá nhân nào đứng trên sự sống còn của đảng. Thỉnh thoảng có những tiếng nói đảng viên phê phán nhau nhưng tất cả đều có giới hạn, ngay cả những đảng viên về hưu hay đã rời khỏi chức vụ cũng chỉ giới hạn sự phản đối dưới quy luật xin-cho.

· Sự tự diễn biến của các đảng viên là điều ĐCS lo sợ đã bị hiểu lầm theo lối tự diễn biến thành dân chủ. Thực ra sự tự diễn biến của đảng viên mà ĐCSVN lo sợ là vấn đề tham nhũng và tha hóa của đảng viên. Đảng viên tha hóa sẽ không chú tâm vào việc bảo vệ đảng, chỉ lo tranh giành quyền lợi, gây chia rẽ nội bộ làm cho ĐCS suy yếu và mất chính nghĩa. 

Thực chất là ĐCSVN không tiềm ẩn yếu tố gây nên tự diễn biến thành dân chủ vì nếu có đảng viên nào ý thức được tội ác cũng như sự sai trái của ĐCS thì đã tự gạt mình ra ngoài đảng và sẽ phải rút lui như trường hợp ông Tô Hải, Lê Hiếu Đằng (nhằm thành lập đảng Dân chủ Đối lập trước khi chết) và một số đảng viên gọi là... “phản tỉnh” khác. 

Điển hình hơn cả, một ông trí thức miền Nam “đã từng góp công chống Mỹ cứu nước” tên Tiêu Dao Bảo Cự đến nước này mà vẫn nói chuyện...“Từ kiến nghị, tuyên cáo đến biểu tình và vai trò của trí thức Việt Nam”. Vẫn là một luận điệu xin-cho.

Một người tự trọng, có lương tâm thì không thể ở trong ĐCS và như thế, danh hiệu “đảng viên CS cảnh tỉnh” hay “đảng viên CS tiến bộ” chỉ là chuyện thần thoại, hay được gán do những người còn “ngây thơ” (naïve) trong lý luận chính trị thực tế ở Việt Nam, nhất là một số người ở hải ngoại.

· Trông chờ, đặt niềm tin vào sự tự diễn biến thành dân chủ của ĐCS là bị nhiễmchiêu bài xin-cho mà ĐCSVN muốn mọi người dân Việt Nam thấm nhuần. Bất cứ điều gì cũng phải do ĐCSVN ban cho và người dân muốn có thì phải van xin, ngay cả những giá trị đứng trên hết là nhân quyền. 

Một khi mang tâm thức này là bị lọt vào cái bẫy của sự xin-cho. 

Một khi nhân quyền của người dân được ĐCS ban cho thì họ có thể lấy lại bất cứ lúc nào, không có gì bảo đảm nhân quyền được nhà cầm quyền tôn trọng. 

Duy nhất là chỉ khi nào nhân quyền do người dân tranh đấu đoạt được và đặt dưới sự giám sát của người dân thì nhân quyền lúc đó mới được bảo đảm.

Cổ động sự thay đổi từ từ cũng là đi cùng đường và tiếp tay cho ĐCSVN lấy lại chính nghĩa. Hiện nay ĐCSVN và TC đang muốn “cải cách” để tồn tại. Một hình ảnh rõ nét nhất là chúng ta hãy xem tất cả các diễn văn của Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền bính cho tới nay (từ 2012 trở đi), Mác hay Mao đã không được nhắc tới mà tinh thần dân tộc, đôi khi tinh thần dân tộc cực đoan được cổ võ trong một số tình huống căng thẳng ngoài Biển Đông. 

Đây là dấu hiệu về “cải cách” và có lẽ sẽ bắt đầu bằng việc ban phát cho người dân vài cuộc bầu cử tự do ở lãnh vực làng xã như đã được thực hành ở vài nơi hay vài nhân quyền có giới hạn (một xã ở Quảng Châu năm 2015). Nhưng dĩ nhiên mọi chuyện phải nằm trong vòng kiểm soát của đảng cộng sản. Đây chính là chiêu bài ‘tự diễn biến’ để tồn tại. Hình thức “cải cách” này tựa như con chó và sợi dây thắt cổ. Sợi dây có thể được nới dần để con chó có khoảng di động rộng hơn nhưng dây thòng lọng quấn cổ vẫn còn đó, và dĩ nhiên, người chủ CS có thể siết chặt sợi dây bất cứ lúc nào. 

Đó là nhân quyền xin-cho!

Thay Lời kết

Qua các lý luận trên đây, ắt hẳn chúng ta cũng thấy rõ là: Xóa bỏ cơ chế chuyên chính vô sản và Đảng CSVN bằng một cuộc cách mạng toàn dân là giải pháp duy nhất mà thôi.

Công cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài toàn trị CSVN còn có rất nhiều cạm bẫy vì ĐCSVN sẽ không bao giờ ngồi chờ bị lật đổ mà sẽ tìm mọi cách mỵ dân để nắm chặt chiếc ghế thống trị, ngay cả việc áp dụng những biện pháp tàn độc từ thời Trung cổ vẫn không từ. 

Vì vậy căn bản tư tưởng đấu tranh chống độc tài CS phải dứt khoát đoạn tuyệt với bất kỳ hứa hẹn tốt đẹp nào của ĐCSVN.

Hơn 70 năm qua, đã quá đủ rồi Bà Con ơi!

Đây là cuộc đối đầu và ĐCSVN phải bị loại bỏ hoàn toàn mới có thể có được một Việt Nam dân chủ, tự do.

24.03.2017