Sunday, March 19, 2017

'Cát tặc' làm đảo điên cuộc sống

TTO - Người dân ở một số tỉnh phía Bắc điêu đứng bởi “cát tặc” hoành hành trong khi cơ quan chức năng địa phương gần như bất lực trước vấn nạn này.
'Cát tặc' làm đảo điên cuộc sống
Từ chiều đến đêm 16-3 vẫn có hàng chục tàu hút, chở cát hoạt động trên sông Lô thuộc địa phận xã Tử Đà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) - Ảnh: QUANG THẾ
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ cho thấy trên các sông như sông Hồng, sông Đà, sông Lô... đều có các tàu hút cát trái phép hoạt động liên tục, gây ra những tai họa khôn lường cho người dân...
Sống không yên
Nhiều tháng trở lại đây, người dân sinh sống dọc tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện Vũ Thư, Hưng Hà của tỉnh Thái Bình phải đau xót chứng kiến hàng nghìn mét vuông “bờ xôi ruộng mật” ở ven sông “bốc hơi”, đồng thời luôn phải sống trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi tiếng ồn ầm ĩ từ các tàu hút cát.
Ngày 17-3, tại khu vực các xã Độc Lập, Minh Tân, thị trấn Hưng Nhân của huyện Hưng Hà, dù mưa tương đối lớn nhưng vẫn có đến hàng chục tàu hút cát cắm vòi dọc trên tuyến sông dài chỉ vài kilômet.
Tiếp cận khu cánh đồng bãi bên ngoài tuyến đê sông Hồng chạy dài khoảng 1,7km qua địa bàn xã Minh Tân, có tới hơn chục chiếc tàu hút cát đang thản nhiên hoạt động giữa ban ngày.
Ông Hứa Văn Lý - công an viên của xã Minh Tân - nói do có mưa nên mới ít hẳn đi, ngày thường có đến 30 - 35 tàu với sức chứa hàng trăm mét khối cát.
Chỉ hõm đất bồi dựng đứng mấy mét, ông Lý cho biết khoảng 2 năm trước vẫn còn bờ thoai thoải, người bên này sông với bên kia sông nói chuyện nghe rõ, giờ lòng sông bị sạt lở rộng đến hàng trăm mét.
Việc khai thác cát tràn lan khiến toàn bộ bãi sông (dài hơn 1km) sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt lở 5 - 10m, nhiều đoạn lở sâu vào 20 - 25m nên nhiều thửa đất của bà con biến mất trong thời gian ngắn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Minh Tân, tàu “cát tặc” hoạt động mạnh trong khoảng 4 tháng trở lại đây khiến hệ thống đê kè chắn lũ và ruộng của người dân bị thiệt hại nặng.
Để chống “cát tặc”, chính quyền xã phải huy động bà con nhân dân trong địa phương túc trực xua đuổi tàu hút cát ra khỏi khu vực sát mép sông.
“Giải pháp tạm thời của chúng tôi vẫn chỉ có thể dừng lại ở việc xua đuổi nhưng mỗi khi mình có mặt thì họ lại hút cát ở giữa sông, về lâu về dài thì vẫn gây tác hại không nhỏ” - ông Hùng nói thêm.
Tình trạng tàu khai thác lộng hành hoạt động rầm rộ đều được các địa phương làm tờ trình gửi lên cấp trên nhưng vẫn không mấy biến chuyển.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, phát hiện và xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, lực lượng giao thông thủy không đủ để kiểm soát hết toàn tuyến, “cát tặc” thì lại luôn tổ chức cảnh giới, thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là lập tức dừng hoạt động, ém mình chờ đợi.
'Cát tặc' làm đảo điên cuộc sống
Người dân xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải cử người canh gác để xua đuổi “cát tặc” - Ảnh: QUANG THẾ
“Cát tặc” hoành hành dưới chân thủy điện 
Hòa Bình
Tại Hòa Bình, cách chân thủy điện Hòa Bình khoảng 2 - 3km (thuộc khu vực các phường Tân Hòa, xã Trung Minh, TP Hòa Bình), có nhiều tàu hút cát hoạt động rầm rộ.
“Chúng hoạt động ở đây một thời gian rất dài, trước tết thì hút cát cả ngày lẫn đêm, mấy ngày nay chủ yếu hoạt động vào buổi tối” - một người dân có nhà nằm sát ngay bờ sông Đà (thuộc phường Tân Hòa) bức xúc cho hay.
Theo tìm hiểu, hiện chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến (20ha, tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara (75ha, tại xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn) khai thác cát hợp pháp trên sông Đà.
Ông Đặng Văn Khoa - phó trưởng phòng khoáng sản Sở Tài nguyên và môi trường Hòa Bình - thừa nhận khu vực phường Tân Hòa và xã Trung Minh nằm xa khu vực mỏ quy hoạch được phép khai thác.
Đại diện các công ty Sahara và Hùng Yến cũng đều khẳng định cả hai doanh nghiệp này không hề có tàu hút cát nào neo đậu hay hoạt động tại khu vực phường Tân Hòa và xã Trung Minh.
Cả ông Khoa lẫn đại diện hai doanh nghiệp đều cho rằng các tàu hút cát hoạt động ở khu vực này chắc chắn là khai thác trái phép.
Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh có nắm được hoạt động của các tàu khai thác cát trái phép không? Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Khoa ấp úng: “Các tàu hoạt động ở đây chắc không thường xuyên, hoạt động về đêm”.
Theo ông Khoa, từ thời điểm ông nhận nhiệm vụ công tác (tháng 5-2016) đến nay, ông có đi kiểm tra 4 lần nhưng không phát hiện được tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đà.
Tuy nhiên, cả ông Khoa lẫn ông Lê Ngọc Minh, thành viên phòng thanh tra (Sở Tài nguyên và môi trường Hòa Bình), đều nói lực lượng chức năng của sở này chỉ đi kiểm tra ban ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Hải - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình - cho hay khi tiến hành thăm dò, đo đạc để xác định diện tích mặt nước mà doanh nghiệp được phép khai thác cát, khoáng sản, CSGT Hòa Bình không được xin ý kiến hay trực tiếp tham gia, nên rất khó để xác định được mốc giới giữa khu vực khai thác hợp pháp và bất hợp pháp.
Theo ông Hải, CSGT Hòa Bình có bố trí thêm các điểm chốt để thường xuyên kiểm tra các phương tiện tại khu vực người dân phản ảnh có biểu hiện khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên, chỉ xử phạt được các phương tiện vận chuyển như tàu, sà lan theo các sai phạm về đăng kiểm, đăng ký, lưu thông.
“Điều mấu chốt nhất là xử lý và đẩy đuổi tàu cuốc thì hiện nay vượt quá thẩm quyền của CSGT” - ông Hải phân trần.
Ông Hải còn xác nhận có chuyện khai thác cát trái phép vào ban đêm. “Nhưng mình chạy canô ra thì nó dừng hẳn, không có bằng chứng gì, chỉ xử phạt được một số sà lan chở cát” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, muốn giải quyết triệt để nạn “cát tặc” thì chỉ có cách đề xuất chính quyền ra văn bản trục xuất các tàu hút cát ra khỏi địa phận tỉnh Hòa Bình.
"Uất ức vì không làm gì được cát tặc"
Từ nhiều năm nay người dân sống ngoài đê sông Lô thuộc xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải cắt cử người để xua đuổi “cát tặc”. Nhưng hàng chục hecta hoa màu vẫn trôi xuống sông, nhà bị nứt toác bởi “cát tặc” vẫn hoành hành.
Chiều tối 16-3, trong mưa phùn sương mờ dày đặc khúc sông cạnh bãi bồi trồng ngô của người dân khu 9, 10, 11 (xã Bình Bộ), những chiếc tàu hút cát dài hàng chục mét vẫn thản nhiên hoạt động ầm ầm.
Nhận được tin báo, bà con ùa ra. Thấy bóng dáng người dân, những chiếc tàu lại nhanh chóng chuyển hướng chạy về địa phận huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Đưa chúng tôi ra xem diện tích đất canh tác ngô của gia đình mình, bà Cao Thị Hòa (50 tuổi, khu 10) sụt sùi nói khai thác cát ồ ạt khiến mấy sào đất ở bãi bồi của gia đình bà bị cuốn trôi theo dòng nước.
Không chỉ gia đình bà Hòa, hàng chục hộ dân ở khu 10 đều bị mất đất canh tác. Cách đó không xa là gia đình bà Lê Thị Cương (51 tuổi) cũng chịu cảnh tương tự.
Để chống lại nạn “cát tặc”, nhiều đêm bà giấu chồng con mang chăn ra giữa bãi bồi ngủ canh giữ đất. “Có nhiều hôm tôi bị chúng đe dọa, nhưng mình không còn cách nào khác là phải giữ đất. Còn đất thì mới có cái canh tác, mất đất rồi còn biết làm gì để sống đây...” - bà Cương than thở.
Vẫn chưa quên được những ngày cùng người dân trắng đêm canh tàu hút cát, ông Ngô Quang Minh (54 tuổi) kể: “Đêm tối mưa rét cứ thấy tàu vào gần bờ là bà con lại gọi nhau ra giữ đất. Nhiều lúc rất uất ức vì không thể làm gì được cát tặc” - ông Minh bức xúc.
Bà Lê Thị Tú Sơn (55 tuổi) nói không chỉ xua đuổi, cắt cử người cũng không giữ được đất, người dân dùng máy quay phim ghi lại các hoạt động của “cát tặc” để tố cáo lên cơ quan các cấp có thẩm quyền.
“Nếu mọi người sống trong tình cảnh của người dân thì mới hiểu hết được nỗi khổ của chúng tôi. Ban ngày đi làm nhưng tối đến phải thức giữ đất. Khoảng 7 năm nay - từ ngày có nhiều tàu đến khai thác cát - người dân ăn ngủ không ngon” - bà Sơn giãi bày.
Ông Lê Anh Văn, phó chủ tịch UBND xã Bình Bộ, cho biết năm 2010, một doanh nghiệp được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát làm khoảng 6ha diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi.
Chính quyền địa phương yêu cầu bồi thường cho người dân nhưng công ty biến mất. Sau một thời gian thì lại thấy Công ty TNHH vận tải Bạch Hạc được cấp phép nạo vét luồng lạch, khai thác cát tận thu.
Công ty này tiếp tục làm sạt lở đất trồng hoa màu nên bị dừng hoạt động vào hồi đầu năm 2014.
“Từ năm 2014 đến nay, lợi dụng địa phận giáp ranh giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc, những tàu cát công suất lớn cứ đến để hút trộm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tình hình an ninh trật tự.
Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể nói lượng lớn đất nông nghiệp bị cuốn trôi, nhà
 bị nứt, sụt lún là rất nhiều” - ông 
Văn nói.
Bộ trưởng Bộ Công an: công an địa phương tập trung chống "cát tặc"
Thượng tướng Tô Lâm - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an - vừa có chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ thông tin về việc chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa sau khi quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu công an một số địa phương tập trung đấu tranh, truy quét tội phạm trên lĩnh vực khai thác cát, đá sỏi trên địa bàn.Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an

TIẾN THẮNG - LÂM HOÀI - QUANG THẾ -

Việt Nam không có được một trường trong 300 đại học tốt nhất Châu Á

Việt Nam không có được một trường trong 300 đại học tốt nhất Châu Á
Ảnh: Dân Việt
Tạp chí Times Higher Education vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Châu Á năm 2017. Mặc dù danh sách này năm nay được mở rộng từ 200 trường lên tới 300 trường, và có tới 24 quốc gia được khảo sát, nhưng Việt Nam không có một trường nào lọt vào danh sách.
Nhật Bản đứng đầu với 69 đại học thuộc hàng tốt nhất Châu Á, Trung Cộng đứng thứ hai với 54 đại học, và Ấn Độ đứng thứ ba với 33 đại học. Trong nhóm 20 đại học hàng đầu Châu Á, tất cả đều ở các nước Đông Á. Trong đó Trung Cộng có 6 đại học, Nam Hàn và Hong Kong có 5 đại học, Nhật Bản và Singapore có 2 đại học.
Năm 2017, Đại Học Quốc Gia Singapore, gọi tắt là NUS, vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất Châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp trường NUS giữ vị trí này. Hai trường đại học Trung Cộng là Đại Học Bắc Kinh và Đại Học Thanh Hoa chiếm các vị trí thứ 2 và thứ 3.
Sự việc danh sách của Times Higher Education được mở rộng từ 200 trường đại học lên tới 300 trường cho thấy một số nước Châu Á đang gia tăng đầu tư cho ngành giáo dục bậc cao. Báo Đất Việt chỉ ra một nghịch lý đối với ngành giáo dục Việt Nam. Đó là Việt Nam đang có hơn 24,000 tiến sĩ và 101,000 thạc sĩ, nhiều nhất Đông Nam Á. Nhưng đội ngũ khoa bảng khổng lồ đó chỉ làm ra được 13,172 ấn phẩm khoa học trong 15 năm qua, chưa bằng 1 phần 5 số ấn phẩm khoa học của riêng trường Đại Học Tokyo.
Huy Lam / SBTN

Tỉnh Phú Yên bị ngập lụt vì ba bợm nhậu say xỉn mở cửa đập xả lũ

Tỉnh Phú Yên bị ngập lụt vì ba bợm nhậu say xỉn mở cửa đập xả lũ
Ảnh: Thời Báo today
Sau khi bị ngập lụt nhiều đợt trong năm qua vì mưa bão cùng với các hồ chứa nước xả lũ, một số xã ở tỉnh Phú Yên bất ngờ chịu đựng một đợt ngập lụt hồi đầu tuần vừa qua, khi ba bợm nhậu đột nhập trạm vận hành hồ chứa nước mở cửa đập xả lũ.
Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, hôm Thứ Bảy 18/07 cho biết họ đang điều tra vụ ba thanh niên nhậu say rồi mở cửa đập của hồ chứa nước Suối Vực, gây ngập lụt cho ba xã Sơn Nguyên, Suối Bạc và Sơn Hà ở hạ lưu. Nhà chức trách cho biết, từ đêm 14 tháng 3 đến sáng 15 tháng 3, hơn 2 triệu mét khối nước đã tuôn tràn từ hồ chứa nước xuống vùng đồng bằng, gây nhiều thiệt hại cho cây trồng, hoa màu và cuốn trôi nhiều tài sản.
Theo tin tức sơ khởi từ cuộc điều tra, nhóm thủ phạm gồm ba thanh niên người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Vào lúc có hành động để lại hậu quả tai hại trong đêm 14 tháng 3, cả ba người đều đã uống rượu say đến mức không còn kiểm soát được hành vi của chính mình. Họ đi vào trạm vận hành hồ chứa nước Suối Vực, phá khóa, đập phá nhiều đồ đạc trong trạm rồi bật cầu dao điện và mở cửa tràn số 1 của hồ chứa nước. Theo giới chức huyện Sơn Hòa, cơn lũ hoàn toàn do người làm ra đã cuốn trôi 15 tấn mía đã thu hoạch, ba xe bò, một chiếc ghe, 18 máy bơm điện và làm sạt lở hoặc cuốn trôi khoảng 4.4 héc ta hoa màu.
Huy Lam / SBTN

Những người lính VNCH vẫn mãi là Mùa Xuân

Paulus Lê Sơn (Danlambao) Tôi bị thúc bách rất ghê gớm bằng những hình ảnh cuộc sống thực tế của các TPB VNCH, vì thế tôi quyết định đẩy mình đi đến với các gia đình Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH), tôi như thấy mình như một người lính ra chiến trận. Mùa Xuân đến cho lòng người phơi phới.

Tôi xác nhận rằng, chẳng bao giờ là đủ khi đến với những con người đang lê dần về bên kia thế giới. Họ đã một thời oai phong, tài tử lãng mạn trên chiến trường, trong cuộc sống hằng ngày. Thời thế lại đẩy đưa họ chìm vào những nỗi đau không kể siết và không ai thấu hiểu nỗi.

Tôi cùng một người bạn rong ruổi trên chiếc xe gắn máy đi khắp miền Sài Gòn và phụ cận, xuống tận miền Đông để tìm gặp các TPB. Người ta nói có đi thì mới đến, có đến thì mới biết được, có biết thì mới hiểu, đã hiểu rồi thì càng thêm yêu mến, cảm thông.

Chúng tôi cùng cười với niềm vui của họ và nước mắt tự trào ra lăn dài trên má với những câu chuyện đời của các TPB. Họ từng có một gia đình ấm áp, hạnh phúc, những người con tuyệt vời, họ từng là những lính trận gan góc, trí tuệ những cũng đầy nhân văn.

Để rồi, sau năm 1975, với cái được gọi là Giải Phóng Miền Nam của chế độ cộng sản đã đẩy hàng ngàn người lính VNCH lâm vào cảnh bi đát, đơn côi và nghèo khổ.

Ông Đỗ Sáng trước đây là thuộc binh chủng Nhảy dù (mũ đỏ), hiện đang sống đơn độc tại một phòng trọ ở Sài Gòn nói về gia cảnh của ông mới thấy hết được nỗi đau mà ông đang phải chịu đựng.

Ông kể, trước kia nhà ông ở Quận 4 Sài Gòn, cũng thuộc thành phần khá giả của đất Sài Thành khi xưa, ông có một vợ và hai con. Thế mà sau năm 1975, ông rơi vào cảnh thất thế giống như VNCH và cộng sản đối xử vô cùng bạc đãi. Vợ ông bệnh tật, các con ông cũng mang nhiều bệnh hoạn, không được sự quan tâm của xã hội, nên phải bán nhà ở Quân 4 để chữa trị bệnh cho vợ, con. Nhưng rồi vợ con cũng rời bỏ ông mà về bên kia thế giới.

Ông sống đìu hiu, cô quạnh trong một phòng trọ cũ kỹ hun hút nơi hẻm sâu vỏn vẹn chưa đến 10 mét vuông với cuộc sống mưu sinh hàng ngày bằng nghề xe ôm. Nhưng chúng tôi nhận thấy, tinh thần người lính của ông Sáng không bao giờ tàn lụi và mất đi trước những “bảo vật” đời lính của ông được nâng niu và trân trọng khi ông đem ra “khoe” cho chúng tôi được biết.

Về miền Đông, khu vực Bình Dương, Bình Phước, chúng tôi khá bất ngờ vì càng đi mới càng biết rõ trên đất nước này, nhiều vùng và nhiều tỉnh thành Việt Nam còn có rất đông đảo những người lính VNCH đang sống.

Và, chúng tôi cảm nhận rằng họ đang phải sống “nép mình” do cái chế độ cái xã hội hiện tại áp đặt lên họ. Chúng tôi tiếp cận họ với lòng chân thành và tình yêu mến, họ cảm nhận được điều đó nên đã cởi lòng và chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả niềm cảm xúc của họ như dồn nén bấy lâu.

Đứng trước di ảnh của một TPB mới qua đời khoảng 1 năm về trước, người phụ nữ là em gái của TPB nói với chúng tôi “ông không có vợ con, đời lính tráng tung hoàng khắp nơi, về rồi ở vậy, đến lúc mất đi thì có tôi là người nhang khói cho ông ấy thôi”.

Tại Bến Cát, Bình Dương, chúng tôi may mắn được gặp một nhóm các TPB đã tề tựu đầy đủ, có bác thì bị mù, bác bị cụt chân, bác thì bị điếc, bác thì không còn khả năng điều khiển bản thân, họ đón tiếp chúng tôi rất ân cần, chu đáo.

Câu chuyện được chia sẻ qua lại, mỗi người một chiến tích, chúng tôi như hòa vào trong một không khí của tình đồng đội chiến hữu dù ở hai bậc thế hệ khác nhau. Họ vẫn tin tưởng vào một mùa Xuân mới đang tới gần cho dân tộc Việt Nam.

Các bác TPB cũng bước sang tuổi chiều tà, như ngọn đèn leo lét không biết tắt lúc nào. Chúng tôi đi đến nơi nào cũng đều nghe những tin buồn về bác nào đó mới qua đời. Tự trong đầu nghĩ liệu mươi năm sau có còn TPB Việt Nam Cộng Hòa nữa không? Chúng tôi lại càng thấy cái chế độ cộng sản này bất nhân vô cùng vô tận vì 42 năm qua vẫn một thái độ thù địch, hèn hạ, bỉ ổi đối với người lính VNCH.






Chia tay các bác TPB, trong tâm thức những người trẻ như chúng tôi như hiện hữu sức sống mãnh liệt, tinh thần của các TPB như những chồi non mơn mởn vươn lên giữa Mùa Xuân xanh biếc đầy hy vọng.

19.03.2017