Wednesday, March 15, 2017

Thủ tướng của tui ngu hết biết!

Tư nghèo (Danlambao) - Thủ tướng thì ngu, báo của phe địch thì đểu. Phe địch đây nói cho rõ là báo chí lề đảng nhưng là phe đồng chí nhưng không đồng bọn với thủ tướng. Tụi nó giựt tít chửi xéo chú Phỉnh dzậy nè: Thủ tướng: Đừng để gạo của quốc gia khác “nằm đầy kệ ở Việt Nam” (*)

Ai đời thủ tướng thân chinh tôm xuống nhà tép ở tận An Giang để chỉ đạo đám quần chúng vô sản bần cố nông dân như Tư nghèo tui đi tìm “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Giải pháp chưa mò ra hay chưa đọc hết bản tường trình hội nghị, chỉ mới liếc cái tít thôi là nắm chắc chăm phần chăm tinh thần chỉ đạo của thủ tướng: phải ráng mà bán cho hết gạo của tụi nước khác nghe. Còn gạo của Việt Nam ta thì... kệ cha nó.

Cái tít này cũng tiết lộ nhiều điều đó bà con.

Điều một là nông dân ta ruộng lúa... chạy đầy đường nhưng chú Phỉnh của đảng nhà mình cứ nhập gạo nước ngoài để đầy kệ.

Điều hai là gạo của chúng thì đầy kệ, bán không hết nhưng gạo của ta thì bị ông thần Hiệp hội lương thực Việt Nam không chịu đóng dấu xuất cảng. Giờ mới biết cái tên thiệt của hội này là Hiệp hội lương thực... nước ngoài. Chỉ thích nhập mà không thích xuất vì chắc là nhập được nhiều tiền cò bôi trơn hơn chăng? Mà đãnhập nhiều đến đầy kệ, bán không hết thì dẫn đến việc giết xuất là đúng rồi.

Điều ba là các quan chức tiết lộ rằng gạo Việt Nam là gạo dỏm, có đến 200 giống lúa mà toàn là đồ lộn giống như loài sản, không ổn định như tụi Thái, chỉ có 20 giống lúa.

Từ ba điều bốn chiện trên, xếp sòng của đảng tại An Giang là Vương Bình Thạnh đã rón rén mở miệng xin xỏ chú Phỉnh làm ơn mở lòng từ bi đại bác, "nâng mức hỗ trợ lúa nước cho nông dân từ 1 triệu đồng/ha lên 3 triệu đồng/ha; xóa bỏ thuế suất 5%VAT cho DN xuất khẩu..."

Nghe xin xỏ xong chú Phỉnh nghiêng đầu bên trái chê rằng gạo Việt Nam không có thương hiệu lớn, nghiêng đầu bên trái phán rằng đừng để gạo nước ngoại nằm đầy kệ tủ.

Thiệt là bó lúa chấm còm ông thủ tướng madze in DIỆT Nam!

16.04.2017



_________________________________

Công nhân Việt ở Đài Bắc biểu tình phản đối Formosa, đòi CSVN thả người tranh đấu cho môi trường

Công nhân Việt ở Đài Bắc biểu tình phản đối Formosa,  đòi CSVN thả người tranh đấu cho môi trường
ẢNh: Focus Taiwan
Các công nhân nhập cư Việt Nam, và các nhà hoạt động nhân quyền người Việt cũng như người Đài Loan đã biểu tình ở Đài Bắc hôm Thứ Tư 15/03, để yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa môi trường do nhà máy thép của công ty Formosa gây ra ở vùng biển miền Trung Việt Nam hồi năm ngoái.
Trong cuộc biểu tình có mặt linh mục Nguyễn Văn Hùng – người điều hành Văn Phòng Pháp Lý Hỗ Trợ Công Nhân và Cô Dâu Đài Loan. Người biểu tình tụ tập trước cửa Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam ở Đài Bắc, cầm những biểu ngữ viết bằng tiếng Anh: “Formosa get out of Vietnam”. Họ yêu cầu nhà cầm quyền ở Việt Nam giải thích số tiền 500 triệu Mỹ kim nhận được từ công ty Formosa Hà Tĩnh nay đã đi đâu.
Ông Chang Yu-yin, chủ tịch Hiệp Hội Luật Gia Môi Trường, nói rằng thảm họa đã xuất phát từ hành vi thiếu đạo đức của công ty Đài Loan, cũng như do sự cẩu thả về phía chính quyền Việt Nam. Ông chỉ trích Đài Loan vì xuất cảng kỹ nghệ ô nhiễm cao sang Việt Nam, cho rằng các kỹ nghệ đó đã làm Việt Nam thành một nơi chốn khó sinh sống hơn.
Nhiều người biểu tình cũng là nạn nhân của thảm họa môi trường. Họ hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho những người bị bắt giữ, như blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vì đã lên tiếng phản đối cách thức chính quyền giải quyết thảm họa. Trang mạng của đài truyền hình Focus Taiwan cho biết, một đại diện của Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam ở Đài Bắc hôm Thứ Tư 15/03 nhận được một kiến nghị của người biểu tình, nhưng không trả lời các yêu cầu trong đó.
Huy Lam / SBTN

Không khí ‘tiền đại hội 12’ đang trở lại…

Không khí ‘tiền đại hội 12’ đang trở lại…
Trịnh Văn Chiến (bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, trái) với người cùng họ Trịnh Văn Quyết. Ảnh Tin Tức Hàng Ngày
Có tin dư luận cho rằng Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền bị “hoãn”, thay vì đã diễn ra. Chưa biết khi nào hội nghị này mới được tổ chức, nhưng “hy vọng là hoãn không lâu”.
Việc một hội nghị trung ương bị hoãn là hiếm xảy ra trong nội bộ đảng. Một trường hợp hiếm hoi mà hội nghị trung ương 10 đã bị hoãn đến gần 2 tháng là vào thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khi đó có hai diễn biến chính trị chủ yếu làm sôi trào công luận. Một là vụ ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng ban Nội chính trung ương – bị ung thư và phải điều trị tận Hoa Kỳ, sau đó là tin đồn về ông Thanh đã chết và thi thể được đưa về Việt Nam. Và hai là cuộc chạy đua trong đảng khi tổ chức “thăm dò uy tín trong Bộ Chính trị”, với kết quả ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu bảng tổng sắp.
Còn vào lần này, cũng có thể đang có một cuộc chạy đua nào đó…
Trong khi đó, lại bùng nổ trận thư hùng giữa một số lực lượng trong đảng từ cấp trung ương xuống cấp địa phương: vụ Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương có liên quan đến 800 tỷ đồng “mất tích” của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PetroVietnam), vụ cha con Trầm Bê đứng trước nguy cơ bị “hồi tố”, vụ MobiFone được “xới” lại, rồi đến các vụ việc quyết chiến trong giới quan chức ở Thanh Hóa và Đà Nẵng…
Những mâu thuẫn mang tính xung đột nặng nề trên đã phát ra tín hiệu về Hội nghị trung ương 5 không chỉ thuần túy là “tập trung tái cơ cấu kinh tế” như một số thông tin được dạo đầu, mà có lẽ đặc biệt chú trọng vào vấn đề nhân sự, thậm chí “nhân sự cấp cao”.
Vụ việc đang trở nên tung tóe liên quan đến “cặp bài trùng” Trịnh Văn Chiến (bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa) với người cùng họ Trịnh là Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị của một tập đoàn FLC – xứng đáng là tiêu điểm dư luận. Thậm chí đã mở ra cả một mặt trận của truyền thông nhà nước theo hướng “đánh” ông Chiến. Từ vụ việc này, không ít dư luận nhận định về một chiến dịch của một lực lượng chính trị nào đó muốn triệt “dây Thanh Hóa”, vốn đã tồn tại từ lâu trong đảng.
Trong lúc đó, thủ phủ miền Trung là Đà Nẵng lại đậm dấu ấn quyền lực của một số nhân vật cao cấp. Mối xung đột từ tiềm ẩn nay chuyển sang lộ diện, giữa Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ. Dường như là một đặc trưng cho “dây miền Trung” và “một rừng không thể hai cọp”.
Tình tiết mới nhất thuộc về vụ MobiFone. Nếu trước đây đã xuất hiện một số đơn thư tố cáo vụ việc này liên quan mật thiết đến anh em ông Phạm Nhật Vũ – Phạm Nhật Vượng và “gia đình đồng chí Ba X”, thì nay còn đề cập đến một số quan chức cao cấp khác.
Chưa kể một clip bất ngờ rò rỉ trên mạng xã hội về cuộc nói chuyện của Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị công an nhân dân, Bộ Công an. Câu hỏi đặt ra là vì sao cuộc nói chuyện này diễn ra từ cuối tháng 10/2016, nhưng đến bây giờ mới được tung ra? Ngẫu nhiên hay nhằm ý đồ gì? Và ai, hoặc thế lực nào là tác giả của hành động tung clip này lên mạng?
Lê Dung / SBTN

Cảnh cáo đã thành sự thật: hai dự án bauxite lỗ nghìn tỉ

Cảnh cáo đã thành sự thật: hai dự án bauxite lỗ nghìn tỉ
Ảnh: Đất Việt
Lời cảnh cáo của các chuyên gia về sự thua lỗ gần như chắc chắn của các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã trở thành sự thật.
Cuộc thanh tra mới nhất cho thấy Tổ hợp Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng ở Tân Rai thua lỗ 3,696 tỉ đồng, tương đương hơn 164 triệu Mỹ kim, sau 3 năm hoạt động. Còn Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ bị đội vốn lên gấp 5 lần.
Trong dự án Tân Rai, tính từ tháng 10 năm 2013 đến hết tháng 9 năm 2016, lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2,520 tỉ đồng, còn lại là lỗ do chênh lệch tỉ giá.
Tổng kinh phí cho dự án Tân Rai vào năm 2006 là hơn 7,787 tỉ đồng. Sau 4 lần điều chỉnh, tổng kinh phí cho dự án này đã tăng lên tới hơn 15,414 tỉ đồng, gần gấp đôi con số ban đầu. Tiến độ thực hiện cũng chậm 4 năm.
Tuy nhiên, cuộc thanh tra đánh giá trong năm 2017, dự án Tân Rai sẽ hết lỗ sau thời gian “lỗ kế hoạch” là 4 năm. Với dự án Nhân Cơ, tổng kinh phí đã tăng từ 3,285 tỉ đồng năm 2007 lên tới 16,821 tỉ đồng năm 2014 sau 2 lần điều chỉnh tăng công suất lên hơn gấp đôi.
Truyền thông trong nước đưa tin về cuộc thanh tra tại hai dự án bauxite Tây Nguyên hôm Thứ Ba 14/03, nhắc lại rằng sự thua lỗ và hiệu quả kinh tế kém cỏi của các dự bán này đã được các chuyên gia cảnh cáo từ trước. Một số nhân sĩ, cựu giới chức và cựu tướng lãnh của chế độ thì đã nhiều lần cảnh cáo về các mối hiểm họa quốc phòng và môi trường.
Huy Lam / SBTN

Bộ Thông Tin CSVN đang làm hại các công ty quảng cáo trên Facebook, Youtube

Bộ Thông Tin CSVN đang làm hại các công ty quảng cáo trên Facebook, Youtube
Trong chiến dịch săn lùng video phản kháng chế độ mới đây, Bộ Thông Tin Và Truyền Thông CSVN đưa ra lời đe dọa khiến nhiều công ty hoạt động trong nước rút quảng cáo khỏi YouTube và Facebook. Giới chuyên gia về quảng cáo cảnh cáo chính sách này có thể đang làm hại các công ty Việt Nam.
Từ tháng trước, Bộ Thông Tin Cộng Sản Việt Nam bắt đầu chiến thuật mới là đe dọa chế tài các mạng xã hội nước ngoài cho phép xuất hiện những video gây bất lợi cho chế độ hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhưng đe dọa chế tài cũng áp dụng cho cả các công ty Việt Nam có những mẫu quảng cáo xuất hiện một cách tự động khi người xem đang xem những video vừa kể. Một số công ty lớn nhất của Việt Nam như Vinamilk và Vietnam Airlines đã phải ngưng quảng cáo trên YouTube vì sợ bị phạt.
Hãng tin Reuters hôm Thứ Tư 15/03 cho hay thêm, một số công ty toàn cầu như Unilever và Samsung cũng bị cảnh cáo vì quảng cáo của họ xuất hiện một cách tự động trong các video bị cấm. Procter & Gamble và Yamaha Motor, hai công ty có sản phẩm được nhiều người Việt Nam sử dụng, cũng có những mẫu quảng cáo xuất hiện một cách tự động trong hầu hết các video liên quan đến Việt Nam.
Reuters dẫn lời ông Nguyễn Khoa Hồng Thanh, giám đốc hoạt động của công ty tiếp thị Isobar Vietnam, nói rằng nếu không có YouTube hoặc Facebook thì các kế hoạch truyền thông và kinh doanh của các công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Theo ông Thanh, YouTube và Facebook chiếm 2/3 thị trường truyền thông kỹ thuật số ở Việt Nam.
Các quốc gia Tây phương và các tổ chức nhân quyền từng chỉ trích kịch liệt Nghị định 72 của CSVN về truyền thông xã hội. Theo đó, nhà cầm quyền cộng sản sẽ cấm chỉ mọi thông tin được cho chống chính quyền, đe dọa an ninh quốc gia hoặc phá hoại đoàn kết dân tộc. Nhưng chiến thuật như một sự tự cấm vận thương mại của Bộ Thông Tin CSVN mới đây phải khiến cho quốc tế thêm ngỡ ngàng về mức độ bảo thủ của chế độ này.
Huy Lam / SBTN

Thủy sản Cam Ranh chết hàng loạt, nghi do nước thải nhà máy đường

Thủy sản Cam Ranh chết hàng loạt, nghi do nước thải nhà máy đường
Người dân kiểm tra thủy sản chết trên đầm Thủy Triều (Ảnh: người dân cung cấp)
Thủy sản nuôi và tự nhiên trên đầm Thủy Triều thuộc huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang chết hàng loạt, nghi do nước thải từ nhà máy đường.
Sau khi phát hiện cá chết nhiều, người dân trong khu vực này còn kéo nhau vớt về làm thức ăn cho heo.
Ông Nguyễn Khả Trọng – Trưởng thôn Suối Cam cho biết: “Hiện tượng cá chết trong đầm bắt đầu xuất hiện từ sáng 13-3. Cá lớn, cá nhỏ đều chết trắng, đặc biệt nhiều loại cá ở tầng đáy như: hồng, chai, bống, chình biển, thậm chí cua và ghẹ cũng chết”.
Ông Trần Văn Thông (thôn Suối Cam), người chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng cá chết hàng loạt mấy ngày qua, kể: “Đã nhiều năm gắn bó với khu vực này, chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như vậy. Hôm nào tôi cũng đi biển và phát hiện cá chết lác đác khoảng 2 ngày nay, nhưng rộ nhất là ngày 13-3. Thấy cá chết, nhiều người dân trong xã kéo nhau ra vớt về làm thức ăn cho heo. Riêng tôi vớt được hơn 1 tạ cá dạt vào bờ”.
Ông Nguyễn Công Bằng (thôn Tân Quý) cũng cho biết: “Sáng qua, tôi ra đầm thì thấy cá chết dạt vào trắng bờ. Tôi chạy về lấy thùng ra vớt được hơn 1 tạ chủ yếu là cá dìa, con nào mới chết thì để ăn, còn lại đem bán cho người ta làm thức ăn cho heo. Sau đó, nhiều người khác cũng ra đây vớt cá chết, có người vớt được vài tạ”.
Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Suối Cam) bần thần nói: “16 vạn con tôm thẻ chân trắng thả nuôi được gần 2 tháng và 60 vạn con ốc hương thả nuôi được hơn 7 tháng của gia đình tôi đều chết sạch trong 2 ngày nay, ước thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng”. Ông Phúc cho biết thêm, tối 12-3, ông mở ống cống đưa nước từ đầm Thủy Triều vào ao đìa. Được hơn 10 phút, ra kiểm tra thì thấy nước ngoài đầm vào có màu đen, bốc mùi hôi. Khoảng 30 phút sau, tôm trong đìa nổi lờ đờ và bắt đầu chết. Đến sáng 14-3, ông ra kiểm tra thì toàn bộ 2 đìa tôm và 1 đìa ốc hương chết sạch. Nghi ngờ nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm là do Nhà máy Đường Khánh Hòa xả thải nên ông đã báo cho chính quyền xã, huyện, công an môi trường xuống kiểm tra, lấy mẫu nước.
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn – Phó Trưởng Trạm Khuyến Nông Lâm Ngư Nghiệp huyện Cam Lâm- những ao đìa nuôi trồng thủy sản thay nước vào ngày 12 và 13-3 vừa qua bị thiệt hại khoảng 70%. Phần còn lại nhiều khả năng sẽ chết hết trong vài ngày tới.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

‘Con tàu đắm’ kéo chìm ngân sách Việt Nam


Phạm Chí Dũng 
Theo Người Việt-15-03-2017
Một chiếc tàu biển cũ nát của Vinashin. (Hình: Getty Images)
Tương lai của nền ngân sách độc đảng sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với “con tàu đắm” Vinashin hiện hồn cách đây một con giáp.
Xác chết chưa chôn
Vinashin (Tập Ðoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam) thực ra đã “chết” từ rất lâu rồi, nhưng cứ như một “tục lệ,” vài ba năm một lần giới quản lý tài chính lại “ai điếu” với cái xác chưa thể chôn này.
Vào thời gian sắp diễn ra kỳ họp Quốc Hội mới vào cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63.2 nghìn tỷ đồng.
Không “tố” sao được! Chẳng lẽ ông Phúc lại chịu đưa đầu “chết thế” cho những kẻ còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Vào thời thủ trưởng cũ của ông Phúc là Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2.5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.
Cho đến tận giờ này…
Ðến giờ này, lấy đâu ra số tiền hơn sáu chục ngàn tỷ để trả nợ thay cho Vinashin, trong lúc ngân sách còn “phải chạy ăn từng bữa” – theo cách ví von còn chút liêm sỉ của một chuyên gia nhà nước?
Quả là chưa có một đời thủ tướng cộng sản nào phải “đổ vỏ” ghê gớm như thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ riêng trong khu vực các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà con số nợ vay đã lên đến 237 tỷ đôla, các đời chính phủ đã bảo lãnh đến 21 tỷ đôla, để chính phủ còn đang tồn tại phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền vào thời buổi “không biết đào đâu ra” này.
Vậy chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm gì đó để “đóng cửa bảo nhau”?
Thuật ướp xác
Không thể rút ngân sách để “bù đắp khó khăn” cho Vinashin, vào năm 2005, chính phủ Việt Nam đã tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7.125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Về sau này, một chuyên gia tài chính là ông Bùi Kiến Thành đã phải nói rằng việc chính phủ giao toàn bộ 750 triệu đôla vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là “lỗi cực kỳ lớn.”
Do chẳng ai thấy cần phải chuộc lỗi, đến năm 2010, số dư nợ của Vinashin đã lên đến 86 ngàn tỷ đồng và trở nên “vô phương cứu chữa.”
Cũng vào năm 2010, chính phủ Việt Nam lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6.75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin.” Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Vào năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam lại xoay sở phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Ðây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên khốc liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng.”
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu đặc biệt ra quốc tế.” Nhưng đến lúc này, mọi thứ chỉ còn là ảo mộng. Giữa năm 2016, kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Còn bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.”
“Sám hối”
Từ quý 4 năm 2016, thần sắc và phát ngôn của ông Phúc đã khác với gương mặt hớn hở khi nhận lẵng hoa từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Trầm tư và có vẻ co thủ hơn, có lẽ Thủ Tướng Phúc bắt đầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” và thận trọng xử lý những gì thuộc về dĩ vãng.
Sau hai cảnh báo có hơi hướng “sám hối” – “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào cuối năm 2016, đến đầu năm 2017 chính phủ của ông Phúc bắt đầu có vài động thái “làm chuồng sau khi mất bò”: Năm 2017, chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Thông tin trên được phát ra bởi Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính đối ngoại (Bộ Tài Chính). Cơ quan này giải thích rằng hạn mức quá khiêm tốn như thế là để không tăng thêm gánh nặng nợ công.
Như vậy, hạn mức bảo lãnh vay năm 2017 sẽ giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2.5 tỉ đôla và 2016 là 1.5 tỉ đôla), và giảm rất mạnh so với mức 6.6 tỷ đôla của năm 2014.
Cùng lúc và như một hiệu lệnh, giới quan chức từ cao xuống thấp trong chính phủ đồng loạt tuyên bố sẽ không chấp nhận đưa nợ vay của các doanh nghiệp vào nợ công quốc gia. Những doanh nghiệp nào không thể trả nợ thì phải phá sản.
Ðó là hậu quả không cách nào tránh khỏi của những năm trước, khi nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan để đầu tư trái ngành đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm, thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Kết cục, có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc?
Tình thế đã bí lắm rồi.
Nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam phải lên đến 210% GDP chứ không còn “đã sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như một báo cáo mới đây của chính phủ.
Còn nếu phải “ôm” núi nợ đến 237 tỷ đôla của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà chiếm đến 120% GDP hiện thời, chính phủ của ông Phúc chỉ còn nước từ chức toàn diện.
Cho dù đã không ai chịu từ chức vào năm 2015, khi thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải trả nợ đến 20 tỷ đôla. Còn vào năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng là Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam phải trả 12 tỷ đôla.
Chưa có thông tin chính thức về trả nợ năm 2017, nhưng nhiều khả năng Việt Nam cũng phải trả cho các chủ nợ khoảng một chục tỷ đôla…
Nhưng Vinashin lại không phải là “con tàu đắm” duy nhất trong một nền ngân sách đang ruỗng mục với tốc độ ngang ngửa lạm phát thực tế. Nếu trước đây xã hội đã phải phát sốt với hiện tượng tập đoàn kinh tế nhà nước ăn theo kiểu “đào tận gốc trốc tận rễ” như Vinashin và Vinalines, thì từ năm 2012 đến nay các vụ án quốc gia đã chuyển dần sang giới ngân hàng – xây dựng, đại dương, dầu khí toàn cầu – với vụ án nào cũng thất thoát đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng lại là tử huyệt của nền tài chính. Những Vinashin và Vinalines tuy thất thoát và nợ lớn nhưng sẽ không dễ khiến thị trường tín dụng chao đảo đổ bể và gây hoảng loạn xã hội như khối ngân hàng thương mại.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc, bạn sẽ phải “kiến tạo và hành động” ra sao để cứu vãn ngân sách quốc gia khỏi chìm sâu dưới đáy đại dương?

Trung Quốc bồi đắp nối liền hai đảo nhỏ ở Hoàng Sa

Hình của tổ chức Digital Globe chụp Tháng Ba năm 2016 cho thấy Trung Quốc ngang nhiên mở rộng nạo vét và đổ cát xuống Đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Hình: Digital Globe)
HONGKONG (NV) – Trung Quốc bắt đầu trở lại việc bồi đắp mở rộng cũng như nối liền hai đảo nhỏ ở phía bắc của quần đảo Hoàng Sa vốn trước đây bị bão phá hủy, theo không ảnh của tổ chức Planet Labs.
Giới tùy viên quân sự của nhiều nước trong khu vực tin rằng vụ việc cho thấy Bắc Kinh cương quyết xây dựng, bồi đắp và mở rộng một hệ thống đảo nhỏ và bãi đá ngầm từ Trường Sa đến Hoàng Sa thành những chuỗi cơ sở quân sự quy mô trong mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.
Bề ngoài thì Bắc Kinh rêu rao khu vực Biển Đông ít lâu nay ổn định trong khi vẫn liên tục hoạt động trang bị cho những đảo hoang và bãi đá ngầm nay là các căn cứ với những loại võ khí tối tân nhất.
Theo Reuters, không ảnh của một tổ chức có tên Planet Labs chụp các ngày 15/2/2017 và ngày 6 Tháng Ba 2017 có các sự khác biệt từ các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đảo Bắc gồm cả san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự.
Các không ảnh do tổ chức Planet Labs cung cấp gần đây phối họp với tin tức hồi Tháng Giêng năm nay báo động hành động mới của Trung Quốc xây dựng mở rộng các căn cứ quân sự trên đảo Cây, một đảo này nằm cách đảo Bắc khoảng 2 hải lí (3.7 km) về hướng tây tây bắc.
Các ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 2 và tháng 3 năm ngoái cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động để xây dựng một cây cầu cát dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Trung ở phía nam. Tuy nhiên, hình do vệ tinh chụp sau khi 2 trận bão lớn quét qua khu vực hồi tháng 10 cùng năm cho thấy, gần như toàn bộ dải cát hẹp này đã bị thổi đi. Nay thì họ đã bồi đắp trở lại và những dấu hiệu đang diễn ra báo hiệu họ muốn hoàn thành phần kiên cố căn bản trước khi mùa bão bắt đầu.
“Quần đảo Hoàng Sa sẽ rất cần thiết cho bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc khi muốn khống chế Biển Đông.” Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc được thuật lời nhận xét trên bản tin của Reuters. “Chúng ta có thể thấy họ quyết chí quân sự hóa vùng biển này) bất kể lời nói (tuyên truyền dối trá) nào của họ nói với mọi người, cho dù họ sẽ làm nó từng ít một.”
Trong khi dư luận chú ý nhiều đến các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và biến những nơi này thành những căn cứ khổng lồ trên biển ở Trường Sa, nhưng quần đảo Hoàng Sa là cái trụ cột cho Trung Quốc hiện diện trên Biển Đông. Nơi đây, họ đã đặt bản doanh của Bộ tư lệnh quân sự “Tam sa” trên đảo Phú Lâm. Họ cũng đã từng mang hai giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 tới đây. Đảo còn có hai cảng biển và phi trường mới được kéo dài thêm từ phần đất mới được bồi đắp, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, radar, vệ tinh viễn thông, internet, ngân hàng, bưu điện, nhà máy tiêu hủy rácv.v…. Ước lượng trên dưới một sư đoàn đang có mặt trên đảo này.
Đảo Bắc, Đảo Trung và cả đảo Cây tất cả ở phóa bắc và tây bắc tạo thành một vòng cung các cồn cát và đá ngầm bảo vệ cho đảo Phú Lâm.
Tuy Bắc Kinh không ngừng xây dựng các căn cứ cũng như trang bị chúng thành những cơ sở quân sự khổng lồ trên biển, trái với những cam kết của Bắc Kinh với ASEAN khi ký bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC) 15 năm trước, họ luôn luôn làm ngược lại với những lời chống chế “có quyền làm bất cứ gì trên lãnh thổ của họ” dù đó là lãnh thổ đi cướp.
Hôm 15 Tháng Ba 2017, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh nhân quốc hội của chế độ vừa chấm dứt khóa họp rằng Trung Quốc hy vọng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy đàm phán cho xong một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC) giữa các nước tranh chấp.
Một viên chức chính phủ Hoa Kỳ không được Reuters nêu tên nói rằng không ngạc nhiên về việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động ở đảo Bắc của quần đảo Hoàng Sa dù ông chưa có tin tức chính thức.
‘Nó nằm trong loạt những việc họ đang làm (trên Biển Đông) cho nên họ chẳng tính làm gì khác ở đó ngoài chuyện quân sự hóa cái đảo khi san ủi mặt đất,’ viên chức ẩn danh nói.
Người ta mới chỉ thấy Hà Nội phản đối việc Bắc Kinh tổ chức du lịch đến quần đảo Hoàng Sa. Nếu có chăng cũng lập lại những lời với nội dung tuyên bố sẵn « Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa » .
Cùng ngày 15 Tháng Ba, Reuters đưa bản tin về việc Trung Quốc xây dựng quân sự trên đảo Bắc ở Hoàng Sa, Tân Hoa Xã loan tin bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn tiếp tư lệnh hải quân Việt Nam chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam.
Tân Hoa Xã kể rằng ông Thường Vạn Toàn nói “hai quốc gia cùng một hệ thống chính trị giống nhau và cùng theo đuổi đường lối phát triển tương tự nhau. Hai quốc gia cùng một cộng đồng chiến lược cùng chung định mệnh”.
Ông ta nói quân đội Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để thi hành các sự đồng thuận đã đạt được giữa các lãnh tụ cấp cao của hai nước. Ông Thường Vạn Toàn nói vậy trong khi các hành động của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa thì ngược lại. Bộ Ngoại Giao CSVN khi đưa ra các lời phản đối Bắc Kinh cũng đều tố cáo Bắc Kinh làm ngược các sự đồng thuận “cấp cao” đó.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã nói rằng ông Phạm Hoài Nam nói “Quân đội Việt Nam và đặc biệt là Hải quân Việt Nam sẵn sàng hợp tác với quân đội Trung Quốc để củng cố mối quan hệ đồng chí hữu hảo và đóng góp cho mối quan hệ giữa nhà nước và nhà nước, quân đội với quân đội”. (TN)

Lâm tặc phá rừng suốt 3 năm, chính quyền ‘không biết’

Lâm tặc đốn gỗ, rọc thành từng phách để vận chuyển ra ngoài. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
QUẢNG NAM (NV) – Việc phá rừng ở huyện Bắc Trà My diễn ra trong một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng địa phương lại bảo không hay biết.
Sáng 15 Tháng Ba, ông Phan Tuấn, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Quảng Nam cho biết, chi cục đã cử lực lượng vào hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Bắc Trà My “để xác minh thông tin phá rừng ở đây từ tin báo chí.”
Trước đó, ngày 14 Tháng Ba, nhận được tố cáo của người dân, phóng viên Người Lao Ðộng đã đến hiện trường những vụ phá rừng nghiêm trọng ở xã Trà Sơn và Trà Giác, huyện Bắc Trà My.
Tại khu rừng ở xã Trà Sơn, nhiều cây gỗ có đường kính từ 40-60 cm, dài 1.5-2 mét bị lâm tặc xẻ thành khúc, tập kết hai bên đường. Trong khu vực này còn có hai điểm tập kết gỗ được lâm tặc lấy lá cây rừng phủ lên để ngụy trang.
Tiếp tục men theo con đường mòn vào sâu trong rừng, hàng chục cây gỗ lớn, trong đó có nhiều cây 2 người ôm không xuể, bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang, chỉ còn lại bìa gỗ và nhánh cây. Dấu vết của những lần vận chuyển gỗ còn rất mới. Nhiều khúc gỗ đã được xẻ nằm ngổn ngang tại hiện trường, chưa kịp chuyển đi.
Theo người dân nơi đây, tình trạng phá rừng ở xã Trà Sơn đã ngang nhiên diễn ra gần 3 năm qua. Tại những cuộc họp, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết.
Rời xã Trà Sơn, men theo vệt kéo gỗ còn in trên đất luồn sâu vào cánh rừng già theo hướng lên xã Trà Giác, có cả một đại công xưởng xẻ gỗ giữa rừng ở đỉnh núi Chóp Nón.
Tại đây, hàng chục gốc cổ thụ 3-4 người ôm chỉ còn trơ gốc, thân đã bị xẻ thành nhiều khúc gỗ to. Phần lớn gỗ đã được chuyển đi nhưng nhiều thân cây vẫn còn nguyên, chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi. Dấu vết để lại từ những lán trại quanh khu vực này còn mới nguyên. Những cây bị hạ toàn loại gỗ có giá trị cao.
Nhiều người dân nơi đây cho biết, họ được một người đàn ông thuê vận chuyển gỗ từ rừng ra nơi tập kết, giá mỗi chuyến từ 350,000-400,000 đồng. “Cứ 3-4 ngày, họ thuê một chuyến. Mỗi chuyến cả đi lẫn về mất chừng 1 ngày,” một người dân nói.
Thế nhưng, khi thông tin về tình trạng phá rừng ở xã Trà Sơn, ông Nguyễn Nhuần, phó chủ tịch huyện Bắc Trà My cho hay, khi kiểm tra xã chỉ thấy “có 4 cây gỗ bị chặt hạ.” Song, khi phóng viên Người Lao Ðộng đưa ra nhiều hình ảnh bằng chứng thực tế thì ông Nhuần và các cán bộ kiểm lâm cho hay “sẽ điều tra.”
Chưa hết, ông Nhuần khẳng định, ở khu vực núi Chóp Nón chỉ có khai thác khoáng sản trái phép chứ không có phá rừng. Tuy nhiên, khi xem những hình ảnh vừa chụp, ông Nhuần giả ngơ gọi điện thoại cho cấp dưới “yêu cầu đến hiện trường kiểm tra.” (Tr.N)

Bị ép dời bến, cả trăm nhà xe quyết đối đầu Sở Giao Thông Hà Nội

Các xe khách phản đối việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến của TP Hà Nội. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI (NV) – Gần 100 doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh phía Bắc từ khi không được vào bến xe Mỹ Ðình đón khách, mỗi tháng một nhà xe lỗ hàng chục triệu đồng, buộc họ phải tập trung phản đối, dọa kiện Sở Giao Thông Hà Nội.
Báo Tuổi Trẻ loan tin, ngày 15 Tháng Ba, gần 100 doanh nghiệp, nhà xe tiếp tục có mặt tại Sở Giao Thông Hà Nội để kiến nghị việc điều chuyển luồng tuyến.
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp vận tải thuộc các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa cho biết, họ sẽ khởi kiện nếu như Sở Giao Thông Hà Nội không thực hiện đúng luật. Trong 10 ngày tới, các doanh nghiệp sẽ thống kê thiệt hại, sau đó gửi kiến nghị nếu Sở Giao Thông và các cơ quan chức năng không giải quyết hợp lý thì họ sẽ khởi kiện.
Ðại diện doanh nghiệp Thuận Phát, tỉnh Nam Ðịnh cho biết, sau gần 3 tháng điều chuyển, ngoài việc không có khách, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ.
Bị ép dời bến, cả trăm nhà xe quyết đối đầu Sở Giao Thông Hà Nội
Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội đối thoại với đại diện nhà xe nhưng bất thành. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Một chủ doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hóa dẫn chứng: “Một xe giường nằm giá khoảng 3 tỉ đồng. Nếu đi từ Thanh Hóa ra bến Nước Ngầm và ngược lại mà mỗi ngày chỉ 6-7 khách thì lỗ ít nhất 2.5 triệu đồng. Tính ra một tháng lỗ 75 triệu. Chúng tôi lấy gì ra bù lỗ? Có khách thì mới có tiền để trả lãi, trả gốc. Cho nên không còn con đường nào khác là phải đến đây kêu cứu, yêu cầu thực hiện đúng Luật Doanh Nghiệp.”
Nhiều doanh nghiệp đề nghị Sở Giao Thông Hà Nội cho được trở lại bến xe Mỹ Ðình, có lộ trình rồi sau đó mới điều chuyển hoặc về bến có điều kiện tốt hơn để đỡ gây thiệt hại.
Tuy nhiên, ông Hà Huy Quang, phó giám đốc Sở Giao Thông Hà Nội thách thức: “Nếu chúng tôi làm gì khuất tất hoặc sai thì các doanh nghiệp, nhà xe cứ làm đơn…”
Ông Quang thừa nhận, bến xe Nước Ngầm ít khách hơn so với bến Mỹ Ðình. Tuy nhiên, về ý kiến của doanh nghiệp xin được quay trở lại bến Mỹ Ðình hoặc điều chuyển về bến có điều kiện tốt hơn thì sở phải phúc trình lên cấp trên giải quyết.(Tr.N)

Phòng khám Trung Quốc ‘hù, vẽ’ lấy tiền bệnh nhân, chính quyền ‘bó tay’

Cơ quan trách nhiệm kiểm tra phòng khám của bác sĩ Trung Quốc. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
SÀI GÒN (NV) – “Vẽ bệnh”, hù dọa bệnh nặng, quảng cáo thổi phồng chuyên môn để moi tiền các bệnh nhân là những sai phạm chính của các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc.
Trong cuộc làm việc với đại diện các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề ngày 14 Tháng Ba, Thanh tra Sở Y tế Sài Gòn cho biết, thời gian qua Sở Y tế nhận được nhiều phản ánh liên quan đến phòng khám đa khoa Trung Quốc (PKTQ).
Trong đó, nhiều bệnh nhân cho rằng, PKTQ “vẽ bệnh” để thu tiền. Họ cho biết khi đến những phòng khám khác thì chỉ mắc một bệnh nhưng khi đến PKTQ thì “phán” nhiều bệnh.
“Thành phố này có khoảng 13,000 cơ sở y tế hoạt động, trong đó có 16 PKTQ với 40 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp khám, chữa bệnh. Năm 2016 tổng mức xử phạt vi phạm hành chính là khoảng 10 tỉ đồng, riêng 16 PKTQ đã bị phạt hơn 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy mức độ vi phạm khám chữa bệnh của các PKTQ rất nhiều”, ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế Sài Gòn cho biết.
Ông Trạng dẫn chứng: “Trước khi điều trị, PKTQ nói bệnh nhân chỉ mắc bệnh A. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, PKTQ nói bệnh nhân mắc thêm bệnh B, bệnh C… cần phải chữa. Điều này cho thấy PKTQ không minh bạch với người bệnh. Chưa hết, người bệnh còn cho rằng PKTQ cố tình hù để bệnh nhân phải trả thêm tiền”.
“PKTQ lấy giá cao cũng là vấn đề cốt lõi mà người bệnh phản ánh. Tại các cơ sở y tế khác, người bệnh có thể bỏ ra trăm triệu nhưng không hề thắc mắc bởi mọi chi phí điều trị được thống kê rõ ràng. Trong khi đó, PKTQ không minh bạch, rõ ràng chi phí điều trị”, ông Trạng nói thêm.
Theo ông Trạng, thông dịch sai, quảng cáo “nổ”, hù dọa tình trạng bệnh nặng, dẫn đến nhiều bệnh nhân khiếu nại. “Bệnh nhân nhiễm trùng tiểu hoặc viêm nhiễm thì nói là bệnh lậu, bệnh xã hội. Giống như nói bệnh nhân sống bừa bãi bị lây nhiễm qua đường tình dục. Thậm chí, bác sĩ nói bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng người phiên dịch lại nói mắc bệnh… ác tính. Điều này khiến người bệnh nghĩ bị ung thư”, ông Trạng dẫn chứng.
Trả lời câu hỏi: Vì sao không thể giải quyết dứt điểm các sai phạm ở PKTQ, liệu có sự bao che, ông Trạng cho rằng, trong quá trình hoạt động thì không thể không xảy ra những sai phạm “Đến thời điểm này Sở Y tế chưa phát hiện bất kỳ trường hợp bao che cho các PKTQ”, ông Trạng biện minh.
Liên quan đến PKTQ, truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 13 giờ ngày 14 Tháng Ba, sản phụ Trần Thị Thu Thủy (29 tuổi), ở Quảng Ninh, đang mang thai 21 tuần tuổi, bị chết não sau khi được ông Trịnh Túc Vinh, bác sĩ người Trung Quốc khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa 168 quận Thanh Trì, Hà Nội đã chết sau một thời gian điều trị Cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội vẫn chưa tìm được ông Vinh. (Tr.N)

Quảng Bình: Bắt 2 thanh tra giao thông nhận tiền bảo kê xe tải

Cán bộ thanh tra giao thông ở Quảng Bình đang "làm nhiệm vụ". (Hình: Báo VNExpress)
QUẢNG BÌNH (NV) – Bốn người trong tổ thanh tra giao thông Quảng Bình bị đình chỉ công tác, trong đó hai người bị công an bắt giữ vì nghi nhận tiền bảo kê xe quá tải.
Truyền thông Việt Nam dẫn tin, ngày 15 Tháng Ba, ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Giao thông Quảng Bình xác nhận, cơ quan này đã đình chỉ công tác 4 cán bộ thanh tra giao thông để “làm rõ một số sai phạm trong thi hành công vụ”.
“Vụ việc đang được công an điều tra nên chúng tôi chưa thể khẳng định những cán bộ này có nhận tiền bảo kê xe quá tải hay không”, ông Cường nói và từ chối cung cấp danh tính cấp dưới cho báo điện tử VNExpress.
Trong khi đó, ông Trần Quang Hiếu, trưởng công an huyện Tuyên Hóa cho hay, 2 trong 4 cán bộ thanh tra đang bị bắt giữ.
Tin cho hay, ngày 9 Tháng Ba, khi được phân công làm nhiệm vụ tại tuyến quốc lộ 12A, huyện Tuyên Hóa, 4 cán bộ thanh tra trên đã ăn tiền bảo kê để xe quá khổ, quá tải chạy qua, công an huyện đã vây bắt quả tang. (Tr.N)