Wednesday, March 1, 2017

Bộ TN-MT: 'Nước Vũng Áng đỏ do tảo nở hoa'

Theo BBC-2 tháng 3 2017 

khu vực D cầu cảng dịch vụ cảng Sơn Dương (thuộc Công ty Công ty Formosa Hà Tĩnh) xuất hiện một dải nước màu đỏ dài khoảng 50m tấp vào chân bờ kè cảngBản quyền hình ảnhVIETNAMNET
Image captionNước đỏ tại khu vực D cầu cảng dịch vụ cảng Sơn Dương (thuộc Công ty Công ty Formosa Hà Tĩnh)
Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa đưa ra giải thích hiện tượng nước đỏ ở Cảng Vũng Áng và Cảng Sơn Dương 10 hôm trước là do hiện tượng "tảo nở hoa".
Ngày 17/2 mạng xã hội và các báo cho hay "tại khu vực D cầu cảng dịch vụ cảng Sơn Dương (thuộc Công ty Công ty Formosa Hà Tĩnh) xuất hiện một dải nước màu đỏ dài khoảng 50m tấp vào chân bờ kè cảng".
Một số báo sau đó giải thích đây là hiện tượng "mé nước" và cho rằng điều này hoàn toàn bình thường.
Tới sáng 18/2 hiện tượng này đã chấm dứt.
Trước đó, một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào ngày 19/1.
Thông tin nước ngả màu đỏ đã khiến người dân lo lắng, nhất là nơi đây có nhà máy của công ty Formosa từng bị buộc tội gây ô nhiễm môi trường.
Ủy ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh nhanh chóng giải thích dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng "là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải".
Cách giải thích này dường như chưa thuyết phục với nhiều người nói ô nhiễm hữu cơ ít khi có màu đỏ là màu chỉ dấu có ô xít sắt.
Tuy nhiên nay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả kiểm tra hiện tượng nước biển xuất hiện dải màu đỏ nói trên.
Theo báo cáo này, giới chức đã kiểm tra, lấy mẫu nước biển từ hiện trường để phân tích.
Báo Thanh Niên dẫn kết quả báo cáo nói tại Cảng Vũng Áng và Cảng Sơn Dương đã có "sự xuất hiện mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (còn được gọi với tên khác là Noctiluca miliaris), càng gần bờ và tại vị trí nước có màu đỏ thì mật độ tảo càng cao".
Báo cáo này kết luận: "Trong thời gian vừa qua, có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (sự nở hoa của nước hay còn gọi là thủy triều đỏ)".
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường trong một cuộc phỏng vấn trước đây với BBC cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ không vào thời kỳ này.
Nhiều dân địa phương nói "chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ như trên trong hàng chục năm nay".

Cây Dân chủ khó mọc trên đất Á

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 2017-02-28  
Chỉ số Dân chủ năm 2106 của 167 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
 Chỉ số Dân chủ năm 2106 của 167 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.  Graphic of heritage.org
Theo báo cáo hàng năm lần thứ chín của hệ thống truyền thông kinh tế Economist Intelligence Unit thì Chỉ số Dân chủ năm 2106 của 167 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đã sút giảm.
Đáng chú ý trong phúc trình có uy tín này là khu vực Á Châu đầy thành tích kinh tế từ mấy thập niên đã đạt nhiều tiến bộ về dân chủ hóa trong 10 năm qua nhưng thật ra lại vẫn thua các khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ và cả Mỹ Châu La Tinh.
Chậm có dân chủ
Nguyên Lam: Thưa ông, hàng năm, hệ thống thông tin kinh tế của tạp chí The Economist và The Economist Intelligence Unit của Anh Quốc vẫn có một báo cáo về Chỉ số Dân chủ, gọi là Democracy Index. Năm nay, công trình nghiên cứu của họ về tình hình dân chủ trên thế giới đề cập đến sự nổi loạn của quần chúng chống lại thành phần chính trị ưu tú vì tách rời khỏi thực tế và chẳng quan tâm đến quyền lợi của người dân bình thường.
Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua, ông nói đến khủng hoảng niềm tin vào lãnh đạo là hiện tượng khá phổ biến tại nhiều nước trước những khó khăn kinh tế dồn dập cho nên người ta hiểu được tình trạng nổi loạn được báo cáo về Chỉ số Dân chủ năm 2016 nhấn mạnh. Nhưng xuyên qua báo cáo này, ta còn thấy ra một hiện tượng khác, là khu vực Á Châu được thế giới ngợi khen về thành tích kinh tế thật ra lại hiếm có dân chủ. Vì sao lại như vậy, tiết mục chuyên đề về kinh tế của chúng ta nên tìm hiểu cho quý thính giả. Ông nghĩ sao về hiện tượng khá bất thường này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là một thắc mắc chính đáng vì người ta cứ lầm tưởng rằng khi kinh tế phát triển thì mức sống khả quan hơn của nhiều người trong một quốc gia sẽ khiến xã hội thay đổi dần và sự hình thành của một tầng lớp trung lưu sẽ dẫn tới dân chủ như một diễn biến bình thường. Vì lầm tưởng như vậy, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy các nền kinh tế rồng cọp của Á Châu từ nhiều thập niên vừa qua lại chưa dẫn tới dân chủ.
Thế giới biết rằng chế độ cộng sản Trung Quốc và cả Việt Nam đều phá hoại dân chủ mà nhiều người vẫn lặng thinh vì truy tìm lợi nhuận ở nơi đó.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nói về bối cảnh thì phúc trình về dân chủ của hệ thống The Economist Intelligence Unit được công bố từ năm 2006, và bản phúc trình thứ chín vừa xuất hiện đã xếp loại 167 quốc gia hay lãnh thổ, tức là gần như toàn thể nhân loại, theo bốn nhóm, là 1/ dân chủ trọn vẹn; 2/ dân chủ bất toàn; 3/ chế độ lai tạp; 4/ chế độ độc tài. Họ khảo sát và xếp loại căn cứ trên năm tiêu chuẩn là 1/ thể thức bầu cử và đa nguyên; 2/ dân quyền; 3/ sự vận hành của chính quyền; 4/ việc tham gia chính trị; và 5/ văn hóa chính trị. Theo các tiêu chuẩn ấy thì không quốc gia Á Châu nào được ở trong nhóm của 19 nước có dân chủ trọn vẹn, có 13 nước thuộc nhóm “dân chủ bất toàn”, tám nước trong loại “chế độ lai tạp” chưa dân chủ và năm nước thuộc loại “độc tài”, là Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Afghanistan và Bắc Hàn. Thật ra Việt Nam nằm ở cuối sổ, hạng 131, nếu có hơn Trung Quốc hàng 136 thì vẫn thua Cam Bốt hay Miến Điện, là điều đáng buồn.
Nguyên Lam: Sau phần bối cảnh, trước khi chúng ta đi vào việc giải thích nguyên nhân, Nguyên Lam xin hỏi rằng Nhật Bản hay Nam Hàn và Đài Loan vẫn chưa được coi là dân chủ hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta có thể rộng lượng cho là trong 26 nước Á Châu có 21 nước ít nhiều có dân chủ, chứ sự thật thì Nhật Bản và Nam Hàn đã từ hạng có dân chủ trọn vẹn tuột xuống hạng dân chủ bất toàn từ năm 2015 và năm ngoái còn nằm dưới đó, bên cạnh Ấn Độ và Đài Loan. Trong khu vực này thì chỉ có Úc và New Zealand được coi là có dân chủ trọn vẹn, ngang hàng nhiều nước Tây Âu tiên tiến và đấy là nét đáng chú ý. Còn nhìn theo khuôn khổ thời gian thì từ mươi năm nay, Á Châu đã dân chủ hóa khá nhiều với chỉ số bình quân tăng từ 5,44 lên 5,74 nhưng thật ra vẫn còn thua Tây Âu, Bắc Mỹ và thậm chí cả Mỹ Châu La Tinh.
Vì sao?
Nguyên Lam: Bây giờ ta bước qua phần phân tích, thưa ông, tại sao các nước Á Châu nói chung đã đạt nhiều thành tựu kinh tế từ mấy chục năm qua mà vẫn chậm có dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi không nói về những thăng trầm ngắn hạn khiến tình hình dân chủ trong một nước có thể sa sút nên bị tuột hạng, như trường hợp Nhật Bản hay Nam Hàn từ hai năm qua hay cả trường hợp Hoa Kỳ cũng bị rơi vào loại “dân chủ có vấn đề” vì cuộc bầu cử năm ngoái, là điều chưa chắc mình đã đồng ý. Nhìn trong viễn cảnh dài thì câu hỏi nêu lên rất đáng được chúng ta suy ngẫm để quy vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Lấy hình tượng của thảo mộc học thì dân chủ là cái cây chứ không là nhánh cỏ, chóng mọc chóng tàn. Cây dân chủ tại Á Châu có rễ quá nông, trồng trên đất hiểm và gốc lại bị đánh nên khó trở thành loại cổ thụ đã thấy trong các khu vực Âu-Mỹ. Nhiều người duy ý chí cứ tưởng thành tựu kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ và viện dẫn trường hợp Nam Hàn hay Đài Loan đã tự chuyển hóa từ chế độ quân phiệt hay độc tài sang chế độ dân chủ. Điều ấy không đúng vì khi kinh tế mới chỉ khởi phát chứ chưa lên tới trình độ thịnh vượng thì lãnh đạo hai xứ này đã chủ động tiến hành dân chủ hóa, chấp nhận đa đảng và đối lập, rồi có khi còn thất cử. Tức là cải tổ chính trị phải đi trước cải cách kinh tế. Đã thế, sau khi có dân chủ thì các gốc dân chủ lại bị vùi dập vì tình trạng cấu kết và tham nhũng, là trường hợp đáng tiếc ngày nay của Nam Hàn. Nói lại cho gọn thì kinh tế có thể làm đất đai thêm phì nhiêu nhưng chẳng vì vậy mà dân chủ sẽ tự nhiên đâm chồi nẩy lộc. Còn lại, các chế độ dân chủ giả hiệu chỉ trồng cỏ trên mảnh đất độc tài để lừa gạt quốc tế nhẹ dạ, là trường hợp Trung Quốc nay đang lui về thời Mao.
Nguyên Lam: Nếu dùng lại ẩn dụ về thảo mộc của ông thì có những động lực gì giúp ích cho cây dân chủ? Chẳng hạn như sự hình thành của một tầng lớp trung lưu có mức sống khá giả hơn trước thì có trở thành phân bón cho cây dân chủ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi gọi đây là thảm kịch Á Châu. Vốn sống quá lâu trong bần cùng và chinh chiến nên khi kinh tế thăng tiến, giáo dục được nâng cấp và xã hội được đô thị hóa, giới trung lưu thành thị được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì ta có hai loại phản ứng. Thứ nhất là củng cố thành quả bằng cách bảo vệ hiện trạng chứ không muốn thay đổi thêm. Họ củng cố bằng cách thỏa hiệp và cấu kết với chế độ chứ không lưu tâm đến đa số lầm than còn lại. Hậu quả là ai ai cũng chỉ cố ngoi lên một vị trí cao hơn cho bản thân và gia đình mà lại e sợ thay đổi khi dân chủ tất nhiên đảo lộn trật tự cũ.
000_KD3DU-400.jpg
Một quầy bán sách báo ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 1 năm 2017.AFP photo
Vì vậy, các nước Á Châu có thể phát đạt hơn xưa nhưng cây dân chủ vẫn chưa bén rễ. Loại phản ứng thứ hai còn nguy hại hơn vậy. Thành phần trung lưu được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì tìm cách sống trong thế giới đó, vì sẽ được tự do, thăng tiến và cống hiến cho các nước đã thịnh vượng trong khi quê nhà vẫn chưa ra khỏi ách bần cùng hay nền dân chủ giả hiệu. Người ta đều thấy sự thành công của di dân gốc Á tại các nước Âu-Mỹ nhưng nên tự hỏi vì sao Á Châu lại chẳng thành công như vậy? Cho nên, giới trung lưu có là đại gia ở nhà hay tiểu tốt ở nước ngoài thì vẫn là “thảm kịch Á Châu”.
Nguyên Lam: Nếu sự hình thành của tầng lớp trung lưu ở thành thị không góp phần cho dân chủ như ông vừa nhận xét một cách bi quan thì khi cộng đồng quốc tế mà gây áp lực thì liệu rằng có thể giới hạn các thế lực muốn đánh bật cái rễ dân chủ non yếu tại Á Châu hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì đạo lý con người, người ta phải phê phán mọi vi phạm dân chủ, nhưng về thực tế kinh tế, thế giới biết rằng chế độ cộng sản Trung Quốc và cả Việt Nam đều phá hoại dân chủ mà nhiều người vẫn lặng thinh vì truy tìm lợi nhuận ở nơi đó. Nguy hại hơn thế, vì quyền lợi mà nhiều kẻ hướng dẫn dư luận Tây phương còn lý luận là nên thông cảm với nhu cầu ổn định của chế độ và thậm chí ngợi ca tổ chức chính trị của nhiều nước Á Châu là có nền độc tài sáng suốt và cần thiết cho kinh tế. Đã vậy Bắc Kinh còn có thể dùng đòn bẩy kinh tế lũng đoạn chính trường của nhiều nơi khác tại Á Châu, như Hong Kong, Cam Bốt, Lào, Thái, Miến Điện hay Philippines hoặc cả Đài Loan. Doanh gia hay báo chí quốc tế vào những nơi đó đều thấy ra bàn tay của Bắc Kinh mà vẫn nín thinh để còn hành nghề, còn làm ăn. Truyền thông chúng ta rất nên chú ý đến những điều ấy.
Nói lại cho gọn thì kinh tế có thể làm đất đai thêm phì nhiêu nhưng chẳng vì vậy mà dân chủ sẽ tự nhiên đâm chồi nẩy lộc.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Một thí dụ gần là Bắc Kinh có thể viện dẫn biến động chính trị trong cuộc bầu tử Tổng thống tại Hoa Kỳ để chứng minh rằng chế độ chính trị của họ ổn định và lành mạnh hơn của Mỹ. Một số bình luận gia Âu-Mỹ cũng lập luận như vậy khiến người dân các nước độc tài càng phân vân. Sự thật thì biến động chính trị vừa qua là phản ứng của dân Mỹ chống các phần tử ưu tú chính trị đã chẳng quan tâm gì tới đời sống của họ.
Rồi việc dân Mỹ có biểu tình theo phe này phe kia mà cảnh sát không đàn áp là một thể hiện dân chủ không thể có trong các nước độc tài. Dân chủ đòi hỏi trước hết tinh thần cởi mở là không ai được độc quyền chân lý mà sự thật có thể hiện hữu ở cả hai lề trái phải. Nếu có một lề thì không thể nào có con đường, trong khi chế độ độc tài chỉ cho lề phải tồn tại và đưa lề trái vào tù mà chẳng ai dám than!
Hy vọng gì cho dân chủ châu Á
Nguyên Lam: Nhiều người cũng cho rằng tiến bộ của khoa học kỹ thuật với sự xuất hiện của các phương tiện thông tin hiện đại như mạng Internet có thể cung cấp thông tin về xã hội cởi mở. Thưa ông, điều ấy có lợi cho tinh thần dân chủ tại Á Châu không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hệ thống Internet là thí dụ tiêu biểu của một con dao hai lưỡi. Nó có cung cấp thông tin nhưng vẫn bị chính quyền độc tài kiểm soát qua bức tường lửa, hoặc vận dụng để thanh lọc và điều hướng sự hiểu biết của giới trẻ, vốn là thành phần tiếp cận nhiều nhất với hình thái thông tin mới. Chế độ độc tài dùng Internet để truy tìm lý lịch và đàn áp, để tuyên truyền cho tính ưu việt của họ, để đưa giới trẻ vào những hưởng thụ vô hại cho nhà nước, hoặc nhằm đầu độc trí não của thanh niên về lịch sử gian trá của chế độ.
Chúng ta nên tỉnh táo nhìn vào mạng thông tin ấy như một đấu trường giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, chớ tưởng rằng nhờ có Internet mà tuổi trẻ sẽ đương nhiên đấu tranh cho dân chủ. Tai hại hơn vậy, là khi những người sống trong xã hội dân chủ lại dùng thông tin có đãi lọc và định hướng của chế độ độc tài mà phóng ngược về nhà thì chỉ gián tiếp xác nhận rằng chế độ có lý.
Nguyên Lam: Như ông vừa phân tích thì quả thật là cái cây dân chủ rất khó mọc trên mảnh đất Á Châu không chỉ vì yếu tố đất đai hay thổ nhưỡng mà còn vì cả khí hậu toàn cầu khi chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra trong các quốc gia Âu-Mỹ được coi là dân chủ nhất. Như vậy thì liệu Châu Á có hy vọng gì không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cứ hay nói ngược nên sẽ tiếp tục nói ngược! Trận đánh tại Hoa Kỳ giữa Tổng thống và báo chí là sự tuyệt vời của nền dân chủ. Hoa Kỳ có Hiến pháp trái ngược với nhiều nước, nhất là với Á Châu, khi thu hẹp quyền hạn của Chính quyền để mở rộng không gian sinh hoạt của người dân. Ngoài việc tam quyền phân lập, Hiến pháp Mỹ còn cho báo chí quyền phê phán chế độ như một nghề kinh doanh sau này được coi như Đệ tứ quyền. Phê phán đúng sai thì điều ấy ảnh hưởng đến doanh lợi chứ không thể có chế độ nhà nước nuôi báo chí như trong xứ độc tài!
Hiện nay, cả Tổng thống Donald Trump lẫn báo chí nói chung đều có mức tin cậy rất thấp của dư luận và hai phe đều hàng ngày tung đòn tấn công nhau để tranh thủ hậu thuẫn của mình, là cử tri hay độc giả khi tiến bộ kỹ thuật và cạnh tranh đang đánh sụt lợi nhuận của truyền thông cổ điển. Chính hiện tượng ấy mới làm bật sáng ra sự thật là chính quyền gian manh hay nhà báo nói láo. Có nơi nào trên toàn cõi Á Châu mà người dân được chứng kiến hiện tượng coi thường Tổng thống và Đệ tứ quyền như vậy không? Vì thế, ta nên theo dõi chuyện này với tinh thần cởi mở, là điều chưa có tại quá nhiều nước Á Châu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Tập đoàn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt là 'cận kề'

Theo phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng. (Ảnh minh hoạ)Theo phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng. (Ảnh minh hoạ)
Phạm Chí Dũng
Theo VOA-01/03/2017 
Tương lai phá sản của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước là rất cận kề, sau vài động thái mới nhất của Chính phủ và Bộ Tài chính liên quan đến quốc nạn nợ công.
Nợ công 210% GDP !
Trước tết Nguyên đán năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa dự thảo của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra công luận để lấy ý kiến rộng rãi. Có lẽ nội dung đáng chú ý nhất của bản dự thảo này là Bộ Tài chính - cơ quan chuyên sáng tạo ra các sắc thuế bổ đầu dân để vun vén cho ngân sách - đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Nhưng tại sao Luật về nợ công của Việt Nam lại như cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước?
Theo phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Trước đây vào năm 2011, ngay một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh đã phải thừa nhận nợ công đã lên đến 98% GDP.
Nhưng cũng vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “ấn định” chỉ vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 - lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%, còn Chính phủ bắt buộc phải ban hành nghị quyết về “thắt lưng buộc bụng” sau một thời gian dài “đầu tư liên tục, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ” như một triết lý cảnh báo của chuyên gia phương Tây đối với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.
Còn từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).
Vào thời điểm sát Đại hội XII cuối năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố “khuôn” nợ công quốc gia chỉ khoảng 59% GDP, để từ đó vẫn đưa ra những lời hô hào “còn dư địa để vay nước ngoài”, vẫn tiếp diễn những ca khúc về các dự án khổng lồ “đường sắt cao tốc Bắc Nam” với vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, “đường bộ cao tốc Bắc Nam” với giá trị ban đầu lên đến 10 tỷ USD, và cả nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với giá trị đầu tư phát sinh tuy chưa làm gì cả đã lên đến 20 tỷ USD…
Chỉ đến sau Đại hội XII, khi ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ “ngã ngựa”, không những bị loại khỏi Bộ Chính trị mà còn chẳng trụ nổi trong Ban Chấp hành trung ương đảng, làn sóng “mở miệng” của giới quan chức “còn đảng còn mình” mới thấp thoáng. Theo đó, tỷ lệ nợ công quốc gia dần được “điều chỉnh” nhích lên và gần đây nhất là đã “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP”.
‘Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần’
Trong thực tế, nợ công quốc gia lớn hơn nhiều so với các báo cáo vừa tô hồng vừa đậm vẻ dối trá.
Vào năm 2016, ông Lê Đăng Doanh, một trong những tiếng nói phản biện hiếm hoi của giới chuyên gia nhà nước, đã phải đưa ra vài phép tính tiểu học để tính toán rằng nợ công quốc gia trong thực tế đã đạt đến hàng trăm phần trăm GDP chứ không thể ít hơn. Cùng lúc, nhiều ý kiến khác đã yêu cầu Chính phủ phải điều chỉnh Luật về Nợ công và phải đưa những khoản vay nợ khổng lồ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào luật này.
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ: “Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần”.
Tuy thế, làm sao để Bộ Tài chính và chính phủ Việt Nam có đủ can đảm để “tính đủ”? Và cũng bởi làm thế nào để một chính phủ đang bị coi là “đổ vỏ” cho chính phủ trước phải “nai lưng” ra trả nợ cho những khoản nợ vay mà chính phủ trước đã bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước?
Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Còn sang thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước gần như đã bị Chính phủ đóng lại bởi số nợ công tăng vượt mặt. Theo tinh thần mới nhất mà Thủ tướng Phúc họp với ngành tài chính và các ngành khác, nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ vay nước ngoài thì sẽ phải tự phá sản chứ không thể trông đợi vào sự cứu giúp của Chính phủ.
“Phán quyết” mới nhất của Chính phủ là cơ quan này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài chỉ đúng 1 tỷ USD trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh 2,5 tỷ USD trong năm 2015 và 1,5 tỷ USD trong năm 2016.
Hẳn nhiên đây là tình thế tất yếu bởi ngân sách quốc gia hiện thời là cực kỳ eo hẹp, thu không đủ chi và hàng năm còn phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ USD.
Nếu phải lo cả “nợ riêng” của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ sẽ rất dễ chết chìm trong biển nợ công.
Đi đôi với thái độ kiên định không đưa nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ Tài chính còn “tố” rằng nợ công đã tăng đến 14,8 lần trong 15 năm qua. Thậm chí vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã lần đầu tiên phải dùng đến một cụm từ đặc biệt nhạy cảm chính trị mà trước đó không một cấp lãnh đạo nào dám sử dụng: “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Hẳn là thế, bội chi ngân sách phi mã đến 6,6% vào năm 2013 dưới thời Thủ tướng Dũng đã tạo nên dấu mốc kỷ lục cho toàn bộ một triều đại tàn phá đất nước đến suy kiệt. Ngay cả năm điều hành đầu tiên của Thủ tướng Phúc vẫn phải “chấp nhận” bội chi ngân sách ở con số ít nhất là 254 ngàn tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ bội chi 5,5% GDP, trong khi dư luận cho rằng thực tế bội chi còn cao hơn hẳn.
Sẽ phá sản và ‘bắt doanh nghiệp nhà nước’
Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Từ vài năm qua, đã xuất hiện một ít doanh nghiệp nhà nước bị phá sản, tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ khác hẳn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ “đồng hành” với tình trạng khốn khó của doanh nghiệp tư nhân.
Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.
Và sẽ ập đến cả một phong trào “bắt doanh nghiệp nhà nước”, đi đôi với chiến dịch “bắt ngân hàng” đã, đang và sẽ gây náo loạn…
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

EU ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước FTA

Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội, 20/9/2016.
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội, 20/9/2016.
Theo VOA-01/03/2017
Việt Nam đang chịu sức ép từ các nhà lập pháp châu Âu về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp Âu châu (EU) được phê chuẩn. Chính phủ cộng sản rất coi trọng thỏa thuận này sau khi hỏng một thỏa thuận lớn do Mỹ đứng đầu.
Các thành viên Nghị viện châu Âu hồi cuối tháng 2 bày tỏ quan ngại về Việt Nam khi Tiểu ban nhân quyền của họ đến thăm quốc gia Đông Nam Á. Tiểu ban khuyến nghị cần có thêm tranh luận ở Việt Nam về quyền chính trị cũng như tự do ngôn luận và tôn giáo.
Châu Âu quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam
Vị chủ tịch tiểu ban nói ở Hà Nội rằng nếu không đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của châu Âu về nhân quyền, việc phê chuẩn hiệp định thương mại sẽ khó khăn. Chính phủ Việt Nam chưa hồi đáp trực tiếp về phát biểu này.
Hiệp định được ký kết hồi tháng 12 năm 2015 và dự kiến có hiệu lực vào năm tới. Nhưng hiệp định phải đi qua Nghị viện châu Âu cũng như các cơ quan lập pháp của các nước thành viên. Khi các nhà lập pháp tại Bỉ xem xét hiệp định hồi tháng 1, một số người đã đặt câu hỏi về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Frederick Burke, luật sư của công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Họ có một việc rất khó khăn trước mắt là phải đi qua 27 quốc hội mới biết có được phê chuẩn gì không. Để được tất cả những nơi đó phê duyệt là cả một thách thức".
Châu Âu muốn tiếp cận người tiêu dùng Việt, còn Việt Nam tìm cách độc lập kinh tế khỏi Trung Quốc
Liên hiệp châu Âu muốn có thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có hơn với khoảng 93 triệu dân. Hiệp định này cũng nhắm đến một mục tiêu là cuối cùng sẽ có thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam muốn có thỏa thuận này, với tư cách là một quốc gia dựa vào xuất khẩu đang phát triển và mong muốn đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn là một đối thủ chính trị lâu đời.
TPP chết vào thời chính quyền ông Trump
Việt Nam từng là một thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về lý thuyết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiệp định đã “chết” sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra hồi tháng Giêng.
Thương mại EU-Việt Nam đạt khoảng 40,1 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam đánh giá Liên hiệp châu Âu, một thị trường có khoảng 500 triệu dân, là đối tác thương mại thứ 3 của mình sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tại Ủy ban Chứng khoán SSI tại Hà Nội, cho biết: "Nếu hiệp định được phê duyệt sớm, sẽ tốt hơn nhiều. Càng sớm càng tốt đối với Việt Nam".
Hiệp định tự do thương mại với châu Âu giúp cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam
Bà Phương nói: "Chắc sẽ không có vấn đề gì vì hiệp định đã được ký kết. Tôi nghĩ rằng mọi người kỳ vọng vào TPP nhiều nhất, nhưng vì TPP đã không được hiện thực hóa, FTA này sẽ có ích. Đối với các ngành như dệt may, chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu rất nhiều".
Thỏa thuận này sẽ cắt giảm hầu hết các loại thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm và mở cửa của Việt Nam cho các dịch vụ của châu Âu như y tế, đóng gói và tổ chức triển lãm.
Gần một năm trước chuyến thăm Việt Nam của tiểu ban nghị viện, tổ chức Pháp có tên Phong trào Thế giới vì Nhân quyền đã cáo buộc Liên hiệp châu Âu không tiến hành nghiên cứu về tác động đối với nhân quyền.
Có đòi hỏi mạnh mẽ về nhân quyền nhưng từ ngữ không quyết liệt bằng TPP
Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Mauro Petriccione cho biết trong một tuyên bố hồi năm ngoái là FTA giữa EU và Việt Nam bao gồm "các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ các quyền cơ bản của con người tại nơi làm việc, nhân quyền của họ trên bình diện rộng hơn, và môi trường".
Nhưng ông Burke nói từ ngữ trong hiệp định của châu Âu không quyết liệt bằng nội dung tương ứng trong TPP.
TPP đòi hỏi về những thay đổi trong luật lao động Việt Nam theo hướng có lợi cho công đoàn nhằm chấm dứt bóc lột lao động, và buộc ngành công nghiệp nặng trả tiền bồi thường nếu việc kiểm soát ô nhiễm kém cỏi gây ra tác động đến thương mại, kèm theo là những kẻ vi phạm phải đối mặt với mức thuế bổ sung.
Ông nói: "FTA EU đã không được soạn thảo rõ ràng như TPP. Bản thân từ ngữ không có ép buộc thực thi như TPP. Nó dựa nhiều hơn vào thiện chí và những người mong muốn thực hiện các việc".
Vi phạm nhân quyền tiếp tục ở Việt Nam
Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ nói chính quyền Việt Nam sách nhiễu và bỏ tù các blogger cũng như các nhà hoạt động chính trị. Họ nói công nhân không thể thành lập nghiệp đoàn riêng của họ, trong khi nông dân bị mất đất cho các dự án phát triển.
Về mặt chính thức, Việt Nam là nước vô thần. Theo nhóm đấu tranh nhân quyền Mỹ Open Doors, trong khoảng 8 triệu Kitô hữu ở Việt Nam, đôi khi có một số người bị bắt do nói lên đức tin của họ, bởi vì chính phủ coi tôn giáo của họ là "có liên hệ mật thiết với các thế lực ngoại bang".
Ông Carl Thayer, một học giả về Việt Nam và giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales ở Úc, nói để làm hài lòng các nhà lập pháp châu Âu, Việt Nam có thể sẽ thông qua một số luật hoặc thả một vài tù nhân lương tâm mà không thực hiện những thay đổi cơ bản.
Ông lưu ý rằng Hà Nội đã thay đổi về những gì họ được yêu cầu trước khi được tham gia TPP. Ông nói các nhà hoạt động nhân quyền có thể vẫn chỉ trích Việt Nam, nhưng các quan chức Mỹ đã hài lòng.
Ông nói: "Câu trả lời thật sự là Việt Nam sẽ cưỡng lại, nhưng thay vì lần lữa, giống như họ đã làm với Hoa Kỳ, họ đi đến một loại tạm ước".

Thấy gì từ việc nhà báo chất vấn tài sản quan chức?

Cao Huy Huân 
Theo VOA-01/03/2017 
Gần đây dân cư mạng tranh cãi về một công văn được cho là của báo Đời Sống và Pháp Luật gửi cho ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu được tiếp xúc với ông Hải để làm rõ “nghi vấn” mà tờ báo này gọi là “chiếc điện thoại Vertu hạng sang” và “chiếc đồng hồ cũng hạng sang” của ông Hải trong một bức ảnh đăng trên báo khi ông này đang tiến hành chiến dịch “dọn vỉa hè, dành đường lại cho người đi bộ”. Ở đây, không bàn về chuyện ông Hải có “vấn đề” với những món tài sản của ông ấy hay không mà chỉ nói về cách chất vấn quan chức của báo Pháp luật và Đời Sống cũng như gợi ý về những biện pháp hành xử trong bối cảnh chỉ số minh bạch tại Việt Nam còn rất thấp trên bảng xếp hạng thế giới.
Trước hết, phải thừa nhận rằng việc người dân thắc mắc về tài sản quý của quan chức là điều chính đáng, và quan chức bắt buộc phải giải trình về tài sản đó. Tuy nhiên công văn của báo Pháp luật và Đời sống không nằm trong trường hợp này. Việc lạm dụng danh xưng “bạn đọc” để truy vấn quan chức là điều không chuẩn mực. Điều này sẽ không nghiêm trọng nếu phía tờ báo có thể chỉ ra một căn cứ để làm nền tảng đòi tiếp xúc và yêu cầu ông Hải giải trình về tài sản, điều mà chắc chắn ông ấy phải làm theo quy định của luật pháp Việt Nam hàng năm (dù bảng kê khai đó có đúng hay chưa). Đằng này phía báo chỉ dùng cụm từ “điện thoại Vertu hạng sang” hay “đồng hồ hạng sang” thì xét về luật pháp, nó không chỉ ra một nghi vấn nào cụ thể và nặng ký, đủ để người ta tin rằng cần phải xét hỏi ông Hải để truy nguồn. Mặc khác, khi muốn biết nguồn gốc tài sản quan chức phải có mục đích rõ ràng, ví dụ để bầu cử, bầu tín nhiệm, kiểm tra công tác làm cán bộ, điều tra tham nhũng. Công văn của báo cũng không chỉ ra một vấn đề nào cụ thể, ngoài việc “bạn đọc thắc mắc”. Ngoài ra, giả sử công văn này là chính đáng thì nó cũng được gửi đi “sai địa chỉ”. Người có thẩm quyền kiểm tra và công khai (trong một phạm vi nhất định) tài sản quan chức là đơn vị quản lý quan chức và thanh tra đơn vị quản lý quan chức được quy định tại Thông tư số 8 năm 2013 về minh bạch tài sản công chức. Nếu báo muốn làm rõ thứ mà báo gọi là “nghi vấn”, và ngay cả khi nghi vấn đó là có lý, thì phải gửi cơ quan có thẩm quyền. Việc gửi đến ông Hải, tất nhiên không vi phạm pháp luật, nhưng ông Hải có quyền không trả lời vì đó là một hành vi truy xét thông tin cá nhân không chính đáng, dù ông Hải là quan chức lãnh đạo.
Thứ hai, tôi thấy trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng tờ báo này làm đúng, rằng dân thắc mắc thì quan phải giải đáp. Tuy nhiên tôi cho rằng điều đó xuất phát từ định kiến với quan chức Việt Nam nói chung (trong đó có ông Hải) vì những vụ bê bối trong lịch sử và mức độ minh bạch hiện tại, chứ không có ai chỉ rõ các cơ sở về luật. Dù đa phần ý kiến đang tấn công ông Hải có xuất phát từ thành kiến hay không, thì việc ứng xử với trường hợp này cần phải có tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi ông Hải và cơ quan của ông cần lên tiếng giải đáp thắc mắc hay quan tâm của dư luận. Tất nhiên khác với việc kê khai nguồn gốc tài sản (mang tính cá nhân), cần lên tiếng khẳng định quan điểm trước sự nghi ngờ của báo Pháp luật và Đời sống. Ngoài ra, cần có những cơ quan giám sát có uy tín khác lên tiếng để chứng minh rằng tài sản của ông Hải đã được kê khai theo đúng luật quy định. Việc công khai nguồn gốc trong một phạm vi nhất định, bao gồm một số cơ quan giám sát đại diện của dân, sẽ là biện pháp hữu hiệu để trấn an lòng dân.
Như vậy, từ vụ nhà báo đòi truy xét tài sản của quan chức ở Việt Nam, có hai vấn đề cần được cải thiện dù muốn hay không. Thứ nhất là vai trò, chức năng, quyền hạn của bên thứ ba (báo chí, người dân) trong việc giám sát tài sản quan chức cần được làm rõ để mọi người cùng nắm. Không chỉ nghĩ đúng, mà phải làm đúng chứ không làm theo kiểu thiếu chuyên nghiệp như báo Pháp luật và Đời sống. Thứ hai là cần phải gia tăng tính minh bạch, triệt tiêu mạnh nạn tham nhũng để tăng sự đồng thuận trong lòng dân. Để dân không hoang mang khi thấy quan chức đeo một chiếc đồng hồ xịn, dùng một chiếc điện thoại sang trọng, dẫu rằng đó là tài sản chính đáng của họ làm ra bằng cách này hay cách khác.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chòm sao sáng dẫn đường phong trào Dân chủ

Bùi Tín
Theo VOA-28/02/2017 
Trong bài ''Ước nguyện thiêng liêng đầu năm'' tôi nói lên mong ước của khá nhiều người trong và ngoài nước quan tâm đến tình hình chính trị đất nước ta, đó là từ phong trào Dân chủ với hơn 30 tổ chức xã hội dân sự, với hàng vạn thành viên năng động, sẽ sớm xuất hiện một số người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lập nên một tổ chức chính trị để tập họp thêm lực lượng và hướng dẫn cuộc đấu tranh một cách chặt chẽ có hiệu quả.
Tình hình hiện đã chín muồi cho sự xuất hiện một tổ chức như thế. Vì nếu chúng ta chỉ đấu tranh bằng những nhóm nhỏ phân tán ở các địa phương, lực lượng sẽ mỏng và yếu, dễ bị đàn áp, đe dọa, khó gây nên thanh thế, hiệu quả. Chúng ta không thể chỉ cầu mong trong đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sẽ xuất hiện một nhóm hay một vài nhân vật như Yelsin và Gorbachev ở Liên Xô trong những năm 1990-1991, phải bị động chờ đợi ở người khác. Để chủ động, một nhóm trí thức tinh hoa có tầm nhìn chiến lược, am hiểu về khoa học tổ chức, có uy tín xã hội, công tâm trong sáng, yêu nước thật lòng, rất nên sớm xuất hiện- như Mahatma Gandhi, Nelson Mandela ở Ấn Độ và Nam Phi; như Vaclav Havel và Lech Walesa ở Tiệp Khắc và Ba Lan; như bà Aung San Syu Kyi ở Miến Điện; bà Thái Anh Văn ở Đài Loan; hoặc như anh thanh niên sinh viên Hoàng Chí Phong ở Hồng Kông - đứng ra chung sức xây dựng tổ chức để cùng toàn dân làm nên lịch sử.
Đứng riêng, mỗi con người chỉ là một hạt cát yếu ớt bị động, đứng chung trong một tổ chức mỗi người sẽ là một thành viên của tập thể, tổ chức càng rộng lớn, có uy tín cao, có thanh thế lớn trong xã hội, mỗi con người sẽ là một phần của ngàn vạn sức lực mũi nhọn có sức mạnh vô biên. Trong tổ chức rộng lớn, các thành viên sẽ tạo nên một vầng sao sáng chói có thể dẫn đường chỉ lối cho các cuộc đấu tranh quyết liệt và tất thắng của đông đảo quần chúng thức tỉnh theo mình.
Tôi rất hiểu là anh chị em ta trong phong trào Dân chủ đều không có lợi ích phe nhóm cá nhân, ích kỷ, không mảy may tham quyền lực địa vị, nhiều người sống tự trọng, giản dị khiêm tốn, không muốn đứng ra lãnh đạo người khác, như phần lớn các quan chức cộng sản hiện nay đã bị hư hỏng vì ham mê chức quyền và danh lợi.
Do đó tôi khẩn khoản mong các anh chị có khả năng và trình độ lãnh đạo hãy mạnh dạn vượt lên sự e ngại khiêm tốn để tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, khó khăn và vẻ vang lúc này, cùng nhau liên lạc, trao đổi, chung lòng chung sức tạo nên một hoặc vài tổ chức chính trị nòng cốt, bao gồm rộng rãi các thành phần dân tộc, nam, nữ, nghề nghiệp, tôn giáo, tuổi tác, địa phương - kể cả các đảng viên đoàn viên cộng sản cũ đã thức tỉnh, sẵn sàng đọ sức cạnh tranh công khai với đảng CSVN, lấy các cuộc bầu cử, thăm dò dư luận làm trọng tài, như trong mọi nước dân chủ trưởng thành.
Sự ra đời của tổ chức chính trị mới này là hợp hiến, do đó là hợp pháp, bởi vì đảng CSVN đã cố tình trì hoãn việc pháp luật hóa những quy định của Hiến pháp để cướp riêng chính quyền cho mình, không chia sẻ cho ai khác. Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự chậm trễ quá lâu và khiếm khuyết nghiêm trọng này.
Để tạo thêm thuận lợi cho việc hình thành một hoặc vài tổ chức mới, tôi xin được phép mời gọi các anh chị em tôi từng quen biết hoặc từng hiểu biết ít nhiều và kể tên dưới đây, để nói lên niềm tin cậy của một người tự do ở xa đã đoạn tuyệt với đảng Cộng sản và gia nhập phong trào Dân chủ hơn 20 năm nay, coi như lời tha thiết kêu gọi các bạn hành động để sớm cho ra mắt một tổ chức mà tình thế đòi hỏi và nhân dân mỏi mắt mong chờ.
Sau đây tôi chỉ xin nêu tên một số vị và các bạn tiêu biểu mà tôi tín nhiệm và ân cần mời ra nhận lãnh trách nhiệm xây dựng tổ chức dân chủ nói trên, vì nếu kể tên hết thì danh sách sẽ quá dài: Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, các anh Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Tương Lai, Nguyễn Khắc Mai, Lê Công Định, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Hoàng Tụy, Hoàng Xuân Phú, Phạm Đình Trọng, Phạm Quế Dương, Bùi Minh Quốc, Trần Quốc Thuận, Vũ Mạnh Hùng, các bạn Lê Chí Quang, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Vi Đức Hồi, các cô Bùi Minh Hằng, Nguyễn Nguyên Bình, Đỗ Thúy Hằng, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Hậu, Cấn Thị Thêu, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hồ Thị Bích Khương, Vũ Kim Hạnh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Thị Kim Chi, Đoan Trang, Trang Hạ, các bạn Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Tô Hải, Trần Mạnh Hảo, các Linh mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Hữu Giải, Đại đức Thích Quảng Độ, Đại diện Phật giáo Hoà Hảo Lê Quang Hiển, các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trần Tiến Đức, Lê Anh Hùng...
Mong rằng lời kêu gọi tâm huyết này của một nhà báo đã có 45 năm vô duyên ''bị'' là đảng viên cộng sản, hơn 50 năm tuổi nghề viết, 27 năm là nhà báo tự do, 91 năm tròn tuổi đời đầy phiêu bạt trắc trở, chỉ có một ước vọng thiêng liêng lúc này là các vị và các bạn vừa nêu tên được lương tâm mách bảo, tự giác nhận lãnh trách nhiệm cứu dân cứu nước, vẫy gọi nhau, nối vòng tay lớn, truyền cho nhau niềm tin, đấu tranh chống mọi biểu hiện bảo thủ giáo điều, lập nên một tổ chức dân chủ trẻ và khỏe làm trụ cột cho sức mạnh vô địch của toàn dân khi thức tỉnh. Tổ chức dân chủ văn minh này sẽ lặng lẽ từ bỏ 16 chữ vàng ô uế, bỏ sang một bên cái chủ nghĩa Mác Lê đã bốc mùi thối rữa.
Đó là một tổ chức của chính mình, của tư duy Việt, truyền thống Việt, túi khôn Việt, lập trường cứng cỏi mà phương pháp uyển chuyển rất Việt, tinh khôn dân dã Việt gắn cùng minh triết cao siêu Việt. Đây sẽ là một tập thể rất đông đảo, rất kỷ luật, vừa đa dạng vừa thống nhất, thống nhất trong đa dạng, sẽ có thể huy động hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu nhân dân xuống đường một lúc khi cần để làm nên lịch sử.
Đứng riêng mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát bị người ta dẫm lên. Đứng chung trong một tổ chức như vừa mô tả, chúng ta sẽ là hàng vạn, hàng triệu ngôi sao, thành những chòm sao hiệu triệu soi đường trên một bầu trời Việt Nam rực sáng, để đạt đến một nước Việt Nam độc lập trọn vẹn, dân chủ đầy đủ, phát triển mạnh mẽ, hài hòa giữa thời đại văn minh. Được vậy là chúng ta không bị động, dựa dẫm ai, sẽ được cả thế giới văn minh quý trọng ủng hộ nhiệt tình.
Con gà Đinh Dậu đã gáy sáng, mời bà con ta tỉnh giấc, tự nhủ lòng mình, nên chung sức, kết đoàn, hành động, đấu tranh cho đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta bước vào một mùa Xuân đẹp nhất.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Từ chuyện "giải phóng vỉa hè" của Đoàn Ngọc Hải đến bản chất cáo lừa của cộng sản và tâm thức hồ hỡi của một số người bị cai trị

Clip tổng hợp bởi Nhật Phong (Danlambao)
Nguồn từ các clip của Tuổi trẻ online, VNExpress.

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Khi một tập đoàn cầm quyền đã vô trách nhiệm hay là đồng phạm trong một thời gian dài đối với những vấn nạn của xã hội thì người dân than oán và phải sống với "lũ". Nhưng khi cũng chính tập đoàn này bắt đầu có một động thái như-thể-là đáp ứng với một nguyện vọng nào đó của quần chúng thì nhiều người đã vỗ tay hoan hô, phấn khởi. Đó là tâm thức nô lệ, chẳng khác gì bao năm đói rét được kẻ cai trị quăng cho một miếng bánh mì và một tấm chăn mỏng manh nhưng nhiều màu sắc.

Tâm thức này phản ảnh rõ rệt qua hiện tượng "giải phóng vỉa hè" của Đoàn Ngọc Hải.

Vỉa hè bị "chiếm đóng" chỉ là một vấn đề tương đối nhỏ trong một xã hội. Cộng lại tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ thì chúng ta cần có một tập thể để giải quyết. Tập thể đó là nhà nước. Do đó, giải quyết những vấn nạn xã hội là trách nhiệm đương nhiêncủa bất kỳ chính phủ nào.

Khi nói chu toàn trách nhiệm là đương nhiên có nghĩa đây chỉ là yêu cầu căn bản được đặt ra cho chức năng của chính phủ. Nhưng chu toàn trách nhiệm đó như thế nào, có hiệu quả hay không mới quan trọng hơn. Đây mới chính là lý do dẫn đến nhu cầu người dân bỏ phiếu chọn lựa những ứng cử viên có khả năng nhất để chu toàn tốt nhất những "trách nhiệm đương nhiên" của guồng máy chính phủ.

Do đó:

1. "Giải phóng vỉa hè" là "trách nhiệm đương nhiên" của Đoàn Ngọc Hải hay của một thành viên chính phủ có trách nhiệm đối với chuyện này. Thi hành "trách nhiệm đương nhiên" ấy không có gì để phải hoan hô, ca ngợi. Nó phải được xem là "job" của một nhân viên giống như "job" của một kỹ sư trong nhà máy, một y tá trong bệnh viện. Đây là công việc phải chu toàn bởi một người lãnh lương bằng tiền thuế của dân. Trong trường hợp của Đoàn Ngọc Hải nói riêng và đảng/nhà nước cộng sản nói chung, họ đã không chu toàn trách nhiệm này trong mấy chục năm qua - không chỉ với chuyện vỉa hè mà trăm ngàn trách nhiệm khác.

2. Đoàn Ngọc Hải có xứng đáng ngồi ở vị trí một cán bộ trong chính quyền không nằm ở chỗ thực hiện những công việc "đương nhiên" của guồng máy mà tùy thuộc vào việc thực hiện trách nhiệm này như thế nào, kết quả ra sao. Đó là những tiêu chuẩn, thước đo để người dân bầu một người vào vị trí cầm quyền.

Trong chiến dịch "giải phóng vỉa hè" của Đoàn Ngọc Hải, chúng ta thấy:

- Đoàn Ngọc Hải thực hiện "trách nhiệm đương nhiên" này bằng một thái độ, cung cách của một tên cường hào ác bá, một ông trời con, một cán bộ nhà nước lộng quyền.

- Đoàn Ngọc Hải có thái độ kẻ trên, miệt thị đối với người dân. Mọi công dân, ngay cả khi họ được xem là vi phạm pháp luật, đều phải được tôn trọng bởi nhân viên nhà nước - đang lãnh tiền thuế để phục vụ người dân. Ngay cả cung cách của Đoàn Ngọc Hải đối với những nhân viên nhà nước dưới quyền cũng không khác gì hành vi của một tên du đãng đàn anh đối đàn em.

- Trong tiến trình giải quyết vấn nạn vỉa hè bị chiếm cứ, Đoàn Ngọc Hải đã tự cho mình đứng trên pháp luật. Ông ta đã không lập biên bản vi phạm, không có quyết định xử phạt bằng văn bản. Theo đúng luật, ông ta không có quyền cưỡng chế, đập phá những tài sản của người dân cũng như của cơ quan nhà nước, trước khi những cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện những yêu cầu của văn bản vi phạm. Bên cạnh đó, ông Đoàn Ngọc Hải không có tư cách pháp nhân của một quan tòa để tuyên án người dân vi phạm. Mọi vi phạm của công dân phải qua tiến trình và thủ tục tố tụng là điều tra, truy tố, xét xử.

- Đoàn Ngọc Hải không có quyền xâm phạm tài sản của tư nhân lẫn tài sản công cộng khi tự ý ra lệnh đập phá. Sau tiến trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu bị tòa kết án là vi phạm thì chính những người phạm tội phải chịu trách nhiệm về việc tháo gỡ, về chi phí thực hiện. Hành động của Đoàn Ngọc Hải còn dẫn đến hệ luỵ là tiền thuế của người dân lại bị dùng vào việc sửa sang những thiệt hại công cộng mà ông cùng đồng bọn của ông đã tự tung tự tác phá.

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện của tên cường hào ác bá đi giải phóng vỉa hè Hồ Chí Minh chúng ta thấy gì?

Chúng ta thấy:

- Thủ phạm chính của mọi vấn nạn xảy ra trên đất nước là tập đoàn cai trị cộng sản. Một vấn nạn nhỏ là vỉa hè bị chiếm đóng và chỉ có thể tồn tại trong mấy chục năm là vì có sự thông đồng, ăn chia, nộp tiền cho quan chức. Tuy nhiên, khi có nhu cầu mị dân và để lấy lòng, lấy tiếng, chỉ cần một tên quan đứng ra làm cái trách nhiệm vốn phải làm ngay từ đầu, và làm theo kiểu côn đồ, chà đạp luật pháp... một số người dân bị trị xem như đủ để mà hài lòng, hả hê và hoan hô.

- Việc sẵn sàng chấp nhận và tung hê những quan chức nhà nước đang thể hiện việc phải chu toàn những "trách nhiệm đương nhiên" của một công nhân viên nhà nước mà không cần biết chúng làm với thái độ ra sao, có tuân thủ luật pháp hay không, tôn trọng hay khinh miệt người dân, hiệu quả ra sao... cho thấy nhận thức về một chính quyền đúng nghĩa là một con số 0 trong nhiều người.

Đoàn Ngọc Hải, tên quan giải phóng vỉa hè ngày hôm nay là phiên bản mị dân của Hồ Chí Minh. Ngày xưa, đánh đúng vào khát vọng độc lập của quần chúng, Hồ Chí Minh đã núp bóng chủ nghĩa dân tộc, che giấu bản chất cộng sản để lợi dụng cướp chính quyền. Mục tiêu giải phóng dân tộc và mục tiêu giải phóng vỉa hè tuy khác nhau ở mức lớn nhỏ, vẫn là những mục tiêu tốt đẹp những nó được thực hiện bởi những tên lừa đảo, thủ đoạn, tàn ác.

Hãy xem clip Đoàn Ngọc Hải sau đây. Hắn có khác gì những tên cường hào ác bá cộng sản thời cải cách ruộng đất?

Clip tổng hợp bởi Nhật Phong (Danlambao)
Nguồn từ các clip của Tuổi trẻ online, VNExpress.

Bản chất của cộng sản trước sau vẫn như một: đưa ra những mục tiêu, bề ngoài tốt đẹp, đánh vào một khát vọng của quần chúng để mị dân. Bản chất thật của chúng, của những tên tự xưng là đại diện cho giai cấp vô sản, tận tụy phục vụ nhân dân lại một lần nữa lộ hàng và hiện rõ trên người của Đoàn Ngọc Hải: cái đồng hồ Patek Philipe và cái phôn Vertu trị giá cả trăm ngàn đô la.

02.03.2017

Chống xâm lược bằng mồm

CTV Danlambao - Bắc Kinh đã kiểm soát được những vùng chủ quyền của Việt Nam, đã tạo sự hiện diện bằng hoạt động cụ thể, đã từng bước đạt thế "chính danh" bằng thông báo chính thức - mới nhất là thông báo với lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong vòng 3,5 tháng. Ngược lại, người dân Việt Nam không biết rõ cụ thể tình hình chủ quyền của đất nước đã mất mát như thế nào! Và khả năng bảo vệ tổ quốc của đảng và nhà nước CSVN chỉ nằm ở mức phản đối bằng mồm.

*

Vào ngày 27/02/2017 Bộ Nông nghiệp của Tàu cộng đã ra thông báo với lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 1/5/2017 đến 16/8/2017. Khu vực Tàu cộng cấm đánh bắt thủy sản có cả Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển chung quanh quần đảo Hoàng Sa - thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chúng ta thấy gì từ lệnh cấm này và thái độ của nhà cầm quyền CSVN?

Lệnh cấm này nằm trong kế hoạch dài hạn:

1. Biến vùng biển của Việt Nam thành vùng tranh chấp chủ quyền.

2. Biến vùng tranh chấp chủ quyền thành nơi có những hoạt động của Tàu cộng.

3. Biến nơi có những hoạt động của Tàu cộng chính thức thành chủ quyền của chúng.

Thông báo của Bộ Nông nghiệp Tàu cộng cho thấy Bắc Kinh đã hoàn tất xong bước 2 và đăng bắt đầu bước vào bước 3. Thông báo này cho thấy Bắc Kinh đang chính thức đương nhiên xem lãnh hải của Việt Nam là của chúng và chúng  đang có những hoạt động ngư nghiệp - đánh bắt hoặc ngừng nghĩ - rất bình thường trên vùng biển này.

Trước sự việc này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tuyên bố:

“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ Quy chế này của phía Trung Quốc”(1).


“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982” (2).

Chỉ có thế!

Lê Hải Bình và Bộ Ngoại giao lẫn hệ thống nhà nước CSVN, cũng như mọi lần, không hề đưa ra một phương án gì trong trường hợp Bắc Kinh vẫn duy trì lệnh cấm hoạt động trên vùng lãnh hải của Việt Nam.

Lê Hải Bình và toàn bộ báo chí lề đảng cũng không dám công bố nguyên văn thông báo của Bộ Nông nghiệp Tàu cộng và vạch rõ những gì trong đó là vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Nhà nước CHXHCNVN vốn tự xưng là "độc lập" vẫn không có một thông báo chính thức nào đối với ngư dân Việt Nam:

- Ngư dân VN có tiếp tục ra biển đánh cá ở những vùng thuộc chủ quyền VN nhưng bị Tàu cộng thông báo cấm?

- Nếu ngư dân VN ra biển thì có được bảo vệ bởi các lực lượng hải quân và cảnh sát biển của VN?

- Tình trạng hoạt động của ngư dân VN tại những vùng này trong thời gian qua ra sao? Có hoạt động hay trên thực tế đã không còn được bén mảng đến những khu vực đã bị hải quân Tàu cộng chiếm đóng và kiểm soát?

Tóm lại, Bắc Kinh đã kiểm soát được những vùng chủ quyền của Việt Nam, đã tạo sự hiện diện bằng hoạt động cụ thể, đã từng bước đạt thế "chính danh" bằng thông báo chính thức. Ngược lại, người dân Việt Nam không biết rõ cụ thể tình hình chủ quyền của đất nước đã mất mát như thế nào và khả năng bảo vệ tổ quốc của đảng và nhà nước CSVN chỉ nằm ở mức phản đối bằng mồm.

02.02.2017



________________________________