Wednesday, December 13, 2017

Chở ước mơ lên vùng cao cho học sinh nghèo Lào Cai

Các em học sinh ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, phải mang theo củi đi học để sưởi ấm trong mùa giá rét. (Hình: SGGP)
LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Ánh mắt sáng bừng, miệng cười hớn hở, các em học sinh nghèo ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, đón nhận những chiếc áo ấm trong niềm xúc động.
Đó là hình ảnh của một trong những lần trao quà của nhóm thiện nguyện Cánh Én Chở Ước Mơ trao tặng 1,840 chiếc áo ấm, mền, cùng các thiết bị, dụng cụ học tập đến toàn bộ giáo viên và học sinh ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Trời vào đông, rét 8 độ C, vậy mà hằng ngày học sinh nghèo nơi đây vẫn đi chân trần mang dép tổ ong chiếc lành chiếc rách, quần áo chỗ khô chỗ ướt, đi bộ cả chục cây số đường rừng núi để đến được trường học.
Những cơn mưa dầm từ nhiều ngày trước đó khiến con đường vào xã Sàng Ma Sáo lầy lội, trơn trượt, đầy “ổ gà, ổ voi.” Tuy nhiên, bằng tình thương và sự đồng cảm với những khó khăn, vất vả hằng ngày của các em nhỏ nghèo vùng cao này, các thành viên trong đoàn từ thiện đã mang những bao tải hàng hóa vượt qua con đường khúc khuỷu, những cây cầu vắt vẻo cheo leo, đưa đến trường để trao tận tay các em áo ấm đồng phục, áo sơ mi đồng phục, mền bông, gối bông, tập vở, sách giáo khoa, học cụ và nhu yếu phẩm.
Nói với báo SGGP, ông Khả Anh, đại diện nhóm Cánh Én Chở Ước Mơ, cho biết để duy trì hoạt động thiện nguyện hiệu quả, ngoài quỹ từ thiện Cánh Én của công ty thời trang xuất khẩu CAESA, là sự phối hợp cùng lúc của các nhóm từ thiện Gieo Mầm Hướng Thiện, Sen Hồng và nhóm hoạt động xã hội 1516.
“Mùa Đông ở Lào Cai khắc nghiệt lắm, có lúc nhiệt độ xuống chỉ vài độ, người lớn còn không chịu được, huống chi các em nhỏ. Vì thế, khi có thể mang đến một chút ấm áp và tình cảm chân thành sẻ chia tới các em, chúng tôi thực sự hạnh phúc,” ông Anh nói.
Ngoài việc tặng quà trên, Cánh Én Chở Ước Mơ còn lắp đặt và nâng cấp 20 hệ thống điện năng lượng mặt trời đến 20 điểm trường bản, thuộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn Sàng Ma Sáo, nhằm giúp thầy trò nơi đây có nguồn điện sinh hoạt.
“Khi đi khảo sát tiền trạm tại các điểm trường bản, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của các giáo viên quá khó khăn, thiếu thốn, không ánh sáng đèn điện, hằng đêm phải thắp nến hay đèn dầu. Vì vậy chúng tôi quyết định hỗ trợ lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời để mang ánh sáng nguồn điện đến với thầy trò nơi này,” ông Khả Anh cho biết. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment