Friday, June 23, 2017

Mất mùa, thiếu đói thì… đã, còn trách nhiệm về giống Trung Quốc thì chưa

Lúa vụ Xuân ở Hà Tĩnh chỉ toàn bông lép. (Hình: Lao Động)
VIỆT NAM (NV) – Những thửa ruộng sử dụng giống lúa của Trung Quốc đều mất trắng. Người ta xem đó là lý do khiến Hà Tĩnh mất mùa lớn chưa từng thấy nhưng giới hữu trách chưa thừa nhận.
Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh chỉ nhìn nhận rằng, trong vụ lúa Xuân, nông dân tỉnh này mất trắng khoảng 100.000 tấn lúa, trị giá chừng 600 tỉ đồng nhưng từ chối kết luận nguyên nhân là do giống Trung Quốc và tất nhiên từ chối nhận trách nhiệm.
Theo tờ Lao Động, trong vụ Xuân năm nay, nông dân Hà Tĩnh gieo trồng 58.000 héc ta lúa. Kể từ tháng 2, khoảng 20.000 héc ta lúa có dấu hiệu bị bệnh đạo ôn. Trong số này có 18.000 héc ta dùng giống Thiên Ưu, phần còn lại dùng giống Nhị Ưu. Mới đây, khi đến kỳ thu hoạch lúa vụ Xuân, người ta xác định, gần như toàn bộ các thửa ruộng dùng giống Thiên Ưu 8 đều bị mất trắng.
Đạo ôn là một loại dịch do nấm gây ra trên lúa. Loại nấm này khiến lá mạ (lúa non) hoặc lá lúa đổi màu, biến dạng, quắt lại. Nếu đạo ôn xuất hiện ở cổ bông – nơi cây lúa phát nhánh, sinh bông thì hạt lúa sẽ bị lép. Vụ Xuân này, những thửa ruộng bị mất trắng ở Hà Tĩnh đều bị đạo ôn cổ bông. Đáng nói là đạo ôn lây lan rất nhanh và là ẩn họa cho những vụ sau.
Ông Vũ Văn Liết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bảo với phóng viên tờ Lao Động rằng, cả Thiên Ưu lẫn Nhị Ưu đều là giống lúa lai của Trung Quốc.
Từ 2015, Thiên Ưu – giống lúa khiến các thửa ruộng tại Hà Tĩnh mất trắng – đã được Chi cục Trồng trọt Hà Tĩnh xác định là giống mới ở tỉnh này. Năm ngoái, Chi cục Trồng trọt Hà Tĩnh xác định Thiên Ưu là “giống lúa chủ lực trong vụ Xuân 2017”.
Hồi trung tuần tháng 5, sau khi kiểm tra thực địa, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh từng nêu thắc mắc, tại sao các thửa ruộng sử dụng giống Thiên Ưu đều bị đạo ôn cổ bông còn một số thửa ruộng dùng những loại giống khác thì cây lúa trĩu hạt? Thắc mắc này mới được trả lời.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định, đạo ôn là do nấm, không phải do giống. Nếu phải xem tới giống thì chỉ xét tỉ lệ nảy mầm, độ sạch, độ ẩm… và các tiêu chí đó của giống Thiên Ưu đều đạt yêu cầu.
Ông Liết không đồng tình với lối lập luận vừa kể. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa cho rằng, khi nhập cảng và phổ biến một giống mới để trồng trên diện rộng thì Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phải ra quyết định về cơ cấu giống. Ông Liết tin rằng, giống Thiên Ưu mà nông dân dùng trong vụ Xuân 2017 này đã bị nhiễm đạo ôn. Trong trường hợp này, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm vì: (1) Đưa những giống bị nhiễm đạo ôn vào cơ cấu giống. (2) Chưa làm hết chức trách, không phát giác kịp để giúp dân phòng trừ, khiến nấm lan lên đến cổ bông. Tuy thừa nhận đạo ôn hoành hành dữ dội vì thời tiết thất thường nhưng ông Liết không tán thành kiểu lý giải “Trời phải chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, bảo với báo giới là sở này “chưa ngồi kiểm điểm trách nhiệm được vì đang lo xác định nguyên nhân, tập trung cho kịp vụ hè thu và lấy ý kiến các bộ, ngành”.
Các bộ, ngành chưa có ý kiến còn nông dân thì bảo với báo giới, năm nay, chắc chắn họ sẽ đói vì đã mất sạch mọi thứ. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment