Thursday, December 15, 2016

Biểu tình phản đối nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc ở Đà Nẵng gây ô nhiễm

Báo chí trong nước đưa tin người dân Đà Nẵng kéo đến chặn xe, bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm.
Báo chí trong nước đưa tin người dân Đà Nẵng kéo đến chặn xe, bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm.
Theo VOA-15.12.2016
Truyền thông Việt Nam cho hay sáng hôm qua, 14/12, vì bức xúc trước việc nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm nghiêm trọng, người dân Đà Nẵng đã kéo đến bao vây trước cổng nhằm gây sức ép, yêu cầu lãnh đạo nhà máy thép phải đối thoại và có biện pháp xử lý môi trường.
Hàng trăm người dân đã bao vây trước cổng Công ty Cổ phần Thép Dana Ý ở quận Liên Chiểu và Công ty Cổ phần Thép Dana Úc ở huyện Hòa Vang phản đối hai nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Không có tin việc chính quyền cản trở hay đánh đập người biểu tình nhưng “có đưa nhân viên xuống để đảm bảo trật tự.”
Báo VNExpress trích lời ông Mai Xuân Thọ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, nói rằng Công ty CP Thép Dana Úc và Công ty CP Thép Dana Ý trong quá trình sản xuất đã xả khói bụi, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, và Công ty Dana Úc còn chôn nhiều tấn xỉ sắt, thép ra khuôn viên nằm sát khu dân cư khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. Người dân không chỉ gánh chịu mùi hôi, sống trong bụi bặm, mắc hàng loạt bệnh, trong đó có ung thư, mà hoa màu của dân cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo báo chí trong nước, trước đó người dân đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền Đà Nẵng, yêu cầu thành lập tổ giám sát cộng đồng để kiểm tra hoạt động sản xuất của công ty trong đó có chính quyền sở tại và người dân địa phương tham gia.
Cuộc biểu tình tiếp diễn trong ngày thứ Năm 15/12, khi người dân Hòa Liên đã mang theo bạt che tạm, mì ăn liền và bao vây cổng hai nhà máy này để phản ứng vì ô nhiễm.
Chiều ngày thứ Năm 15/12, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý đối thoại với người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và đại diện hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc nằm ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Ông Minh đã yêu cầu cả hai nhà máy dừng hoạt động để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và cảnh báo người dân không nên bao vây nhà máy.
Cũng theo truyền thông trong nước, khi giải thích nguyên nhân nhà máy thép xả khói bụi ra môi trường thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý cho rằng "do lỗi chập điện".
Phản ứng của chính quyền Đà Nẵng, dù không thể mang lại môi trường trong lành ngay tức thì, cũng cho thấy sự thận trọng và lo sợ của lãnh đạo Việt Nam khi bất kỳ nơi nào có biểu tình hay tụ tập đông người. Cuộc biểu tình diễn ra giữa lúc mối quan ngại về sự cố ô nhiễm môi trường bị quy cho hệ thống xả thải của nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh tiếp tục tăng cao.
Sau sự cố ô nhiễm môi trường Formosa, Việt Nam buộc phải xem xét lại khi đưa vào quy hoạch các dự án sản xuất thép. Hồi đầu tuần, Bộ Công Thương không còn để tên Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là chủ đầu tư một dự án ở tỉnh Ninh Thuận trong bản dự thảo thứ nhì về quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025.
Nguồn: Lao Động, Báo Đà Nẵng, Báo Tài nguyên và Môi trường

Cần trân trọng tấm lòng của đồng bào hải ngoại


Từ khoảng 100 nghìn người vào năm 1970, đến nay, con số người Việt ở nước ngoài đã lên tới khoảng 4 triệu, trong đó  gần một nửa định cư ở Mỹ. Khác với người Việt sống ở khu vực  khác, sự có mặt của người Việt ở Mỹ (hay Canada, Úc) là do tỵ nạn cộng sản. Trong cuộc trốn chạy này, có hàng trăm nghìn người bỏ mạng trên đường đi vì nhiều lý do. Nhưng thôi, không nhắc đến chuyện đau lòng này nữa.
Người Việt tỵ nan trước khi rời quê hương, đất nước họ sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sang Mỹ họ lại được hưởng nền dân chủ Mỹ, chịu ảnh hưởng bởi các giá trị Mỹ. Vì vậy, họ giàu chất nhân bản hơn. Họ mang trong lòng một mối hận khôn nguôi nhưng vẫn đau đáu nghĩ về quê hương đất nước. Họ thương anh em, họ mạc đã đành nhưng thương cả những người cùng khổ khác, đặc biệt là họ quan tâm đến những người là nạn nhân của chế độ như tù nhân lương tâm, dân oan, thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Hàng năm, số tiền của người Việt ở hải ngoại gửi về chiếm khoảng 8% GDP. Năm 2011 con số đó là 9 tỷ Mỹ kim, trong đó, phần lớn số kiều hối này đến từ Mỹ.
Không chỉ thế, họ quan tâm cả đến những nạn nhân của thiên tai, lũ lụt,  những hoàn cảnh vất vưởng… Gần đây nhất, riêng Chương trình gây quỹ ủng hộ nạn nhân của lũ lụt miền Trung do Đài SBTN phối hợp với BEĐCT Foundation tổ chức vào ngày Chủ nhật, 23 tháng 10 năm 2016, tính đến 3 tháng 12 năm 2016 đã tiếp nhận 620 nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, đồng bào còn gửi thông qua các hội nhóm xã hội dân sự khác. 
Điều đó không có nghĩa là kiếm tiền ở Mỹ dễ dàng. Có khác chăng là giá trị ngày công của họ cao hơn. Họ phải lao động cật lực, ngoài giờ làm việc chính còn phải lao động kiếm thêm, sinh hoạt cũng đơn giản, chắt chiu từng đồng gửi về nước. Cường độ lao động của họ khác hẳn với lối làm việc nhởn nhơ, bớt xén thời gian (lãn công) như ở Việt Nam.
Một facebooker ở Mỹ chia sẻ: “Đó là những đồng tiền đầy mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi chịu khó chịu thương để đi làm. Chúng tôi tranh thủ từng phút từng giờ, không có thời gian rảnh rổi để cà phê…. Nhiều khi cũng quên ăn sáng hay quên ăn khuya luôn”
Facebooker khác cho biết: “Chúng tôi đã bớt ăn, bớt tiêu, làm thêm giờ, thêm công việc, thậm chí còn lượm lặt thêm cả ve chai gom góp từng đồng để gửi về với mong muốn từ tận sâu đáy lòng là giúp cho bà con đỡ đói khổ, được phần nào hay phần ấy”.
Với sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại, nhiều người đã đỡ đi một phần khó khăn. Một số học bổng được tài trợ cho các cháu học sinh trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều gia đình tù nhân lương tâm được hỗ trợ một phần thăm nuôi. Nhiều dân oan được tiếp sức trong hành trình đi đòi công lý.
Tiếc rằng, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của đồng bào Hải ngoại nhiều khi không được trân trọng. Việc phân phối thiên lệch đã gây ra nỗi nghi ngờ trong dân oan. Nhiều người được giúp đỡ không cần biết từ đâu tới, không cần biết trước khi đến tay mình thất thoát bao nhiêu. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng ăn chặn tiền của dân oan, tiêu xài xa hoa đã xuất hiện và bị phanh phui, dù mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Con số đưa ra làm người ta sửng sốt, không thể tin được số tiền bị bớt xén lại lớn đến thế.
Đáng trách thay, một số người lại ra sức bao biện cho việc này, rằng chúng tôi chỉ cần biết đồng tiền đến tay là bao nhiêu, không cần biết ai đã ăn chặn, thậm chí mất đi 30, 50%, chúng tôi vẫn chấp nhận. Có dân oan còn chỉ trích những người vạch mặt “nhà từ thiện” kia bằng những lời lẽ cay độc.
Lại có người lo, rồi đây, ai giúp đỡ chúng tôi. Thực ra, các nhà hảo tâm chỉ cảnh giác hơn đối với những đầu mối không đáng tin cậy chứ không có ý ngừng giúp bà con khó khăn trong nước vì họ còn nhiều địa chỉ có thể nhờ cậy. Có điều họ sẽ thận trọng hơn trong việc “chọn mặt gửi vàng” để không lâm vào tình cảnh “gửi trứng cho ác”.
Điều chưa đến mức lo ngại là nhà “từ thiện” bị phanh phui như vừa nhắc tới mới chỉ là một vì đây là trường hợp quá đặc biệt, còn dân oan có quan điểm trên cũng chỉ một vài. Hôm 12/12 vừa rồi, chúng tôi đến đến Dương Nội gặp nhiều dân oan 3 miền được mời tới. Tiếp xúc với bà con dân oan khá nhiều, thấy họ nhận thức rất đúng mực. Họ nói đã bao năm chúng tôi đi khiếu kiện, lúc không có tiền giúp đỡ chúng tôi vẫn đòi công lý. Nếu có sụ giúp đỡ chúng tôi thì sẽ tốt hơn nhưng chúng tôi không ỷ lại.
Mặc dù số kêu ca, chỉ trích dù không phải là phổ biến nhưng cũng làm đau lòng đồng bào hải ngoại vốn nặng tình với quê hương, đất nước.
Facebooker trên chia sẻ tiếp: Chúng tôi cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, thậm chí còn đáng thương hơn nhiều so với người quốc nội, vì trốn chạy cộng sản mà bỏ cả quê hương, bỏ cả cha mẹ, bạn bè... để xa xứ”.
Liệu có ai thấy lòng quặn thắt lại khi đọc đến câu thậm chí còn đáng thương hơn nhiều so với người quốc nội”. Điều này quá đúng. Mỗi khi nhìn vào cuộc sống của họ hiện nay, cần nghĩ đến những gì họ phải đánh đổi, những tổn thất đau đớn mà họ đã trải qua còn ám ảnh đến tận bây giờ.
Mất mát là thế nhưng điều gì khiến họ vẫn nghĩ đến những người ở quốc nội:
Chúng tôi làm là vì tiếng nói lương tâm, vì con người với con người, và vì chúng tôi vẫn còn mang trong người dòng máu Việt”.
Khi dân oan nói trên kêu rằng, “chính các vị đã giết dân oan chúng tôi lần nữa để chúng tôi hết đường sống”, một nhà hảo tâm khác ở hải ngoại nhắn gửi:
“Chúng tôi cũng còn có gia đình riêng, còn có thân nhân bên Việt Nam nữa. Nhưng chúng tôi vẫn không quên quý vị. Chúng tôi cố gắng chia sẻ nỗi thương đau cùng quý vị”.
“Chúng tôi đã nghĩ đến quý vị, nhưng ngược lại, quý vị có nghĩ về chúng tôi không? Mà cũng không cần quý vị nghĩ về chúng tôi, chỉ cần quý vị hãy cố gắng yêu thương nhau, đùm bọc nhau vượt qua những khó khăn để tranh đấu giành lại những gì đã mất. Quý vị cũng phải biết rằng, đừng bao giờ để bất cứ một kẻ tiểu nhân nào, lợi dụng danh nghĩa của quý vị để trục lợi bản thân”.
“Cách tốt nhất, quý vị hãy tự vươn lên bằng chính sức lực của mình. Tôi hiểu điều đó rất khó. Nhưng không ai giúp chúng ta bằng chính bản thân mình cả”.
Cần hiểu rằng, đấy là những lời nhắn gửi tới số rất ít không thấu hiểu cho đồng bào ở hải ngoại chứ không phải là với dân oan nói chung.
Những đồng tiền thấm mồ hôi và nước mắt của những người xa xứ, luôn đau đáu nghĩ về quê hương đất nước, về đồng bào của mình còn đau khổ cần phải trân trọng, phải được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Những người nhận trách nhiệm phân phối hoặc chuyển đến những địa chỉ mà bà con hải ngoại nhờ cậy, đừng coi đó là của trên trời rơi xuống mà bớt xén dùng cho nhu cầu ăn tiêu hoang phí của bản thân. Những người nhận được sự giúp đỡ cũng cần biết những đồng tiền ấy từ đâu mà ra, chứ không phải là “ơn Đảng và Nhà nước” như nhiều trường hợp đã nhầm.
15/12/2016
Nguyễn Tường Thụy

2016 – năm đại hạn của giới chủ ngân hàng Việt Nam

2016 – năm đại hạn của giới chủ ngân hàng Việt Nam
(20 cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng bị bắt trong năm nay. Ảnh: cafef.vn)
2016 tiếp tục là một năm đại hạn dành cho giới chủ ngân hàng ở Việt Nam. Vào tháng Chạp, ông Trần Phương Bình – nguyên tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) – bị cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an bắt giam và khởi tố vì làm thất thoát 2,000 tỷ đồng.
Trước ông Trần Phương Bình, hai thành viên cũ trong Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa bị cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra, về các hành vi vi phạm pháp luật vào ngày 30/1/2016.
Đến đầu tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam và khởi tố bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Giữa tháng 3/2016, đến lượt ông Phạm Quyết Thắng nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị khởi tố bị can bởi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định đối với ông Thắng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án gây thất thoát 5,500 tỷ đồng.
Ngược thời gian về những năm trước, có thể nhận ra làn sóng bắt bớ giới lãnh đạo ngân hàng đã khởi động từ năm 2012. Nếu cả một nhân vật quá quyền thế như Bầu Kiên ở ngân hàng ACB mà còn không “binh” được đường thoát, khó có nhà ngân hàng nào dám bảo đảm được số mệnh trót lọt cho mình trong thời buổi đầy nhiễu nhương tống tiễn này.
Đến năm 2014 đã xảy ra hai vụ lớn là vụ bắt Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây Dựng và vụ bắt Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương. Cho tới nay, vụ Phạm Công Danh đã đưa ra xét xử, còn vụ Hà Văn Thắm đang sắp xử.
Nếu vài năm trước, bầu không khí được mô tả là “nín thở,” thì năm nay, cũng không khí ấy đang bị xem là “nghẹt thở.” “Người giàu phải khóc” đang ứng với cơ sự điên đảo thời nay. Những người giàu của ngân hàng – giới mà từ lâu đã bị cả báo chí nhà nước xỏ xiên là “cá mập” bởi thói đời ngồi mát ăn bát vàng nhưng lại “thắt cổ” doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng bắt đầu bị xem là “nghề nguy hiểm.”
Như lời thì thầm của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên bàn nhậu, không rớ vào thì thôi chứ đã rớ thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh vi luật ấy mà nâng quan điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái”. Cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những lãnh đạo cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau… Khi ấy thì chỉ có chết!
Lê Dung / SBTN

Bán ngân hàng: Phía sau vẻ tự hào của thủ tướng Phúc

Bán ngân hàng: Phía sau vẻ tự hào của thủ tướng Phúc
Ảnh: Dân Trí
Lần đầu tiên kể từ khi chấp nhiệm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tự hào khi phát ra một tuyên bố về việc “bán ngân hàng”.
Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam, cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng) của Việt Nam. Và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam, trong xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một phát biểu có vẻ bất ngờ trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016 vào tháng 12/2016.
Những thông tin ngoài lề cho biết Thủ tướng Phúc muốn bán không chỉ 1 ngân hàng, mà cả 3 ngân hàng trong nước – những địa chỉ đã bị Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá 0 đồng vào các năm 2015 và 2016, bao gồm Ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và Dầu Khí Toàn cầu.
Vì sao Chính phủ lại quyết định “nhả” ngân hàng trong nước cho nước ngoài vào thời điểm này?
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như bước chân vào vòng phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18,000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12,000 tỷ đồng. Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu hiện có của ba ngân hàng trên là hơn 20,000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng là chỉ khoảng 10,000 tỷ đồng.
Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt, và một ngân hàng thương mại cổ phần khác là Đông Á mà vào năm 2015 đã bị Ngân hàng nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt…
Chính phủ không “nhả” cũng không được. Trong thực tế, một số ngân hàng chỉ còn là những cái xác vật vờ đi lại…
Không thể khác, lý do chính mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016. Đó là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. Nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này hẳn phải lên đến ít nhất 600 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng dường như Thủ tướng Phúc đã chẳng nhìn ra được một thực tế phũ phàng, mà Ngân Hàng Nhà Nước đã khoe khoang từ năm 2014 về “các tổ chức nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu của Việt Nam”: cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng hồi âm chính thức.
Không quan chức Việt nào dám chắc chắn là ADB sẽ thẳng tay “ôm” các ngân hàng chỉ còn là xác của Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Ông Trump nói gì với Thủ tướng Việt Nam?

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Viễn Đông Theo VOA-15.12.2016 
Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ mới cho biết đã nhận điện thoại của Thủ tướng Việt Nam, sau khi tin cho hay ông Phúc nói với ông Trump rằng Hà Nội “coi trọng quan hệ với Mỹ”.
Văn phòng của người sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng Giêng cho hay rằng ông đã “nhận lời chúc mừng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc” tối hôm 14/12.
Thông cáo viết tiếp: “Tổng thống đắc cử và Thủ tướng [Việt Nam] đã thảo luận nhiều mối quan tâm chung và đồng ý cùng nhau tiếp tục củng cố quan hệ giữa hai quốc gia”.
Tuyên bố của phe ông Trump không nói rõ “mối quan tâm chung” đó là gì, nhưng hai vấn đề được báo chí Việt Nam đề cập nhiều thời gian qua là “số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP và tranh chấp biển Đông.
Về phía Hà Nội, một bản tin ngắn trên trang web của chính phủ trong nước cho biết rằng ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.
“Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước và khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ”, bản tin viết tiếp.
VGP News cho biết rằng “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới”.
Ít lâu sau khi ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, và trở thành tổng thống đắc cử Mỹ tháng trước, ông Phúc nói rằng "Mỹ đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam cũng chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP".
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng.
Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Việt Nam vẫn theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định chính sách đối với Việt Nam.
Ông nói:
“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”.
Kể từ khi giành chiến thắng bất ngờ tháng trước, tin cho hay, ông Trump đã nhận điện thoại và trao đổi với hàng chục lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản và Đài Loan.
Ít lâu sau khi trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống đắc cử Mỹ đã lên Twitter để gián tiếp chỉ trích các hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, dẫn tới nhiều chỉ trích của báo chí quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Phúc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức vào năm sau.

Câu chuyện hàng không và đường sắt ở Việt Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cao Huy Huân Theo VOA-14.12.2016 
Báo chí Việt Nam đưa tin tại cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tuần trước, đã có ý kiến của lãnh đạo ngành giao thông vận tải cho rằng, các hãng hàng không đang “vét hết khách của đường sắt”. Và một yêu cầu được đưa ra: “Cục Hàng không phải siết lại việc tăng chuyến bay trong dịp Tết”. Điều này đang làm dấy lên cuộc tranh luận: Nên đầu tư phát triển ngành hàng không hay đầu tư cho ngành đường sắt? Cuộc tranh luận này cho thấy hạn chế trong việc cạnh tranh theo kiểu phân khúc thị trường trong nội bộ ngành giao thông ở Việt Nam do có sự can dự mạnh từ bàn tay của nhà nước.
Không nên bẻ cong thị trường
Hiện nay các ngành lớn trong thị trường như hàng không hay đường sắt vẫn nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước. Ngành hàng không tuy đã có tư nhân tham gia kinh doanh, nhưng các hãng lớn trong thị trường hiện nay vẫn do nhà nước chủ quản. Trong khi đó, với năng lực tài chính và khả năng kinh doanh tốt, một số hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam đang cho thấy sự phát triển vượt trội. Ở góc độ thị trường đó là một tín hiệu đáng mừng.
Hiện tượng các hãng hàng không đang “vét hết khách của đường sắt”, nếu đúng như phản ánh, theo tôi cũng là câu chuyện hết sức bình thường. Xin nhớ rằng đầu tư cho ngành hàng không khó khăn không thua kém ngành đường sắt; và để phát triển được lại càng là vấn đề không đơn giản. Đã không ít doanh nghiệp hàng không đầu tư rồi trắng tay vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh từ những đối thủ trong ngành lẫn ngoài ngành. Vậy tại sao khi họ ăn nên làm ra thì lại tìm cách “siết họ lại”? Đề xuất “Cục Hàng không phải siết lại việc tăng chuyến bay trong dịp Tết” theo tôi là không thuyết phục, nếu như các hãng hàng không không vi phạm pháp luật hay làm sai các quy định gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng, hoặc thực hiện các biện pháp kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không, rằng nếu cơ quan quản lý ra lệnh hạn chế không cho các hãng hàng không tăng chuyến vượt quá mức trần hiện tại 42 chuyến/giờ ở sân bay Tân Sơn Nhất thì không thể đáp ứng nhu cầu thị trường được. Nghĩa là nhà nước đang bẻ cong thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu cùng (bên cầu) lẫn lợi ích doanh nghiệp hàng không (bên cung). Điều này càng rõ ràng khi theo dự báo tới đây phải tăng lên 50 chuyến/giờ, rồi lên tiếp 55 chuyến/giờ thì may ra mới tạm đủ cho nhu cầu thị trường. Tất nhiên việc đó cần có sự đồng bộ với nhiều hạng mục công trình hay cơ sở hạ tầng.
Và đi ngược xu hướng thế giới
Nhìn rộng ra câu chuyện cạnh tranh giữa hàng không và đường sắt, chúng ta sẽ thấy các nước phát triển và có nền kinh tế thị trường đều không còn áp dụng kiểu siết chặt hay trói tay hàng không để chia sẻ lợi ích cho đường sắt hay đường bộ. Hàng không, với các ưu điểm giá rẻ, vận chuyển nhanh đang chiếm ưu thế ngay tại các quốc gia có hệ thống đường sắt xuyên tỉnh, xuyên quốc gia phát triển mạnh như khối châu Âu, Nhật Bản hay thậm chí tại Mỹ. Tại đây, người dân đi đường sắt chủ yếu trong phạm vi gần (nội thành phố, nội bang) và rất nhiều người có xu hướng đi hàng không giữa các vùng cách nhau trên dưới 1.000 km.
Ở một số ít quốc gia như Nhật Bản, hệ thống đường sắt có khả năng cạnh tranh với hàng không vì tốc độ cao, vận chuyển êm và thoải mái, dịch vụ khách hàng và hậu mãi tốt. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được nỗ lực vươn lên của các hãng hàng không giá rẻ. Trong khi đó ở Việt Nam, muốn đi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng đường sắt phải mất ngoài 30 tiếng, trong khi đi máy bay chỉ mất trên dưới 3 giờ đồng hồ. Hệ thống đường sắt Việt Nam tuy có nâng cấp và có tàu đạt chất lượng dịch vụ tốt, nhưng quả thật so với hàng không, các tiêu chí thời gian, an toàn, dịch vụ... thì hàng không đang vượt xa so với đường sắt. Vậy thì hà cớ gì phải ép người dân chọn đường sắt mà không phải là máy bay?
Muốn trả lời cuộc tranh luận “đầu tư đường sắt hay hàng không” phải xem mục đích vận chuyển và định hướng phát triển kinh tế. Ưu điểm của hàng không là chở người trong khi ưu điểm của đường sắt là vận tải hàng hóa. Trong bối cảnh hiện nay, thiếu vốn và nhân lực, thì phát triển đường sắt cao tốc để cạnh tranh với hàng không là điều rất khó khăn. Thế nên cần lưu ý đến đầu tư các tuyến đường sắt ngắn (chở người) và các tuyến đường sắt xa (chở hàng). Trong khi đó hàng không, với dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng, nên được tạo điều kiện để phát triển chứ không phải trói buộc lại để chia sẻ lợi ích với đường sắt.
Phát triển giao thông là phát triển mạch máu của quốc gia. Mạch máu này đồ sộ, dày đặc và chắc chắn bàn tay nhà nước không thể nào nắm xuể. Về lâu dài, phải xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân vào ngành đường sắt lẫn hàng không. Khi đó, ai khôn ngoan, đầu tư đúng chỗ, đi đúng định hướng thị trường thì sẽ phát triển còn ngược lại sẽ tiêu vong. Một thị trường giao thông có động lực cạnh tranh sẽ tốt hơn một thị trường mà nhà nước trở thành nơi phân phối nguồn cầu để các doanh nghiệp “sướng thì im, khổ thì la”.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tự do biểu đạt hay khiêu khích?

Hùng Cửu Long sau khi bị đuổi khỏi thương xá Phước Lộc Thọ và được cảnh sát bảo vệ. (Ảnh: Facebook Nguyen Van Ly)
Hùng Cửu Long sau khi bị đuổi khỏi thương xá Phước Lộc Thọ và được cảnh sát bảo vệ. (Ảnh: Facebook Nguyen Van Ly)
Bùi Văn Phú Theo VOA-14.12.2016 
Cuối tháng 11 vừa qua, người Việt ở Quận Cam, California, xôn xao về việc một du khách từ Việt Nam qua Mỹ có ý định mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng đến trước thương xá Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa thuộc thành phố Westminster, là trung tâm của người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ.
Người định làm chuyện đó là Lê Đình Hùng, được biết đến với hai tên khác là Hùng Cửu Long và Mr. Áo Dài.
Tuy nhiên, khi ông Hùng xuất hiện tại bãi đậu xe của thương xá Phước Lộc Thọ, theo những phim ảnh được chính ông ta và những người phản đối ghi nhận và đưa lên mạng, lúc đó ông không mặc áo dài đỏ với ngôi sao vàng trước ngực, mà mặc áo dài gấm màu vàng, bên ngoài khoác áo măng-tô màu đen, trên cổ quàng một khăn dài màu đỏ với những vạch ca-rô đen. Tuyệt nhiên không có sao vàng.
Khi vụ việc xảy ra đã có những thông tin trên mạng nói ông Hùng đem cờ đỏ đến Little Saigon. Nhưng thật ra khi xuất hiện trước thương xá ông ta không mặc áo dài đỏ với sao vàng, như ông đã mặc trong khi đi thăm nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Hùng Cửu Long là chủ một cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quí ở Việt Nam. Ông từng ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không thành công. Ông ta cho biết vì quan tâm đến hòa hợp hòa giải dân tộc chưa có từ khi chiến tranh chấm dứt hơn 40 năm trước nên ông muốn tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của người Việt hải ngoại về vấn đề này.
Có lẽ ông Hùng là người lập dị khi muốn làm chuyện này ngay tại Little Saigon, vì chuyện hòa hợp hòa giải quan trọng hơn cả là với người dân trong nước vì họ đã mong đợi từ hơn 40 năm nay.
Ở Mỹ chỉ có hơn một triệu người Việt, một cộng đồng mà đa số là những người đã sinh sống qua thời Việt Nam Cộng hòa. Còn trên đất nước Việt Nam, hiện có vài chục triệu người từng là công dân hay là con cháu của công dân nước Việt Nam Cộng hòa đã hiện hữu trong 20 năm, mà sau ngày 30/4/1975 nhiều người đã bị đọa đày trong những trại học tập cải tạo, những vùng kinh tế mới chỉ vì họ ở bên kia chiến tuyến với Hà Nội và gia đình họ đã bị phân biệt đối xử.
Điều nhà nước Việt Nam cần làm là hòa giải với những nạn nhân của chế độ cộng sản còn đang sống trên quê hương của mình. Còn người Việt hải ngoại ở xa xôi, đa số cũng đã hội nhập vào đời sống mới, có muốn hòa hợp và hòa giải với Hà Nội cũng chẳng được quyền lợi gì nhiều, chưa kể nhiều người còn có khác biệt chính kiến với nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Hùng Cửu Long sang Mỹ, đi nhiều nơi với chiếc áo dài in hình cờ đỏ sao vàng và ông đã quay phim, chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc, trước Đài tưởng niệm Abraham Lincoln ở Thủ đô Washington, tại đập Hoover ở tiểu bang Nevada, trước một tiệm sơn móng tay trong một thương xá ở miền Đông Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Ông hãnh diện đưa những hình ảnh đó lên trang Facebook của mình.
Ở những nơi đó ông Hùng phô diễn mà không gặp vấn đề gì với lá cờ đỏ sao vàng trên mình.
Qua Facebook ông ta báo tin là vào lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 20/11 ông sẽ mặc chiếc áo dài đỏ với sao vàng đến Quận Cam.
Thông báo này đã gây sóng gió trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon. Nhiều người phản đối Hùng Cửu Long đã chờ ông ta ở trước thương xá Phước Lộc Thọ. Nhưng khi ông xuất hiện, trễ chừng một tiếng đồng hồ, ông không mặc áo dài đỏ với sao vàng.
Tuy nhiên ông vẫn bị la ó phản đối, mắng chửi và có xô xát nhẹ. An ninh của thương xá đã mời ông ra khỏi bãi đậu xe và cuối cùng cảnh sát thành phố Westminster đã đến để bảo vệ an ninh cho ông trước sự phẫn nộ của nhiều người.
Việc phản đối sự hiện diện của Hùng Cửu Long lại làm nổi lên tranh luận về quyền tự do biểu đạt tại Hoa Kỳ.
Toàn văn Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Toàn văn Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tu chính án Số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do phát biểu, tự do báo chí và tự do hội họp một cách ôn hòa của người dân, cũng như tự do tôn giáo và quyền khiếu kiện.
Quyền tự do phát biểu và hội họp ở đây được bảo vệ là ở những nơi công cộng, thuộc về nhà nước. Còn tại những nơi thuộc về tư nhân, người biểu tình không được phép đến đó muốn nói gì cũng được vì nếu chủ nhân không đồng ý có thể đuổi đi.
Nói chung, nhà nước bảo đảm quyền tự do phát biểu của người dân trong không gian công cộng, ở những chỗ thuộc về thành phố, tiểu bang hay liên bang.
Nếu bạn đọc xem những khúc phim ghi lại lúc ông Hùng xuất hiện, bị nhiều người xúm vào sỉ vả, sau đó được an ninh đưa ra khỏi bãi đậu xe của thương xá, vì thuộc về chủ nhân thương xá. Ra đến lề đường Bolsa, thuộc về thành phố, thì ông được cảnh sát Westminster bảo vệ.
Trường hợp của Hùng Cửu Long, như đã thấy, ông ta bị la ó, chửi bới và có người đã xô đẩy khiến ông bị sây sát nhẹ, như ông khai với cảnh sát. Trong tình huống như thế, cảnh sát có nhiệm vụ phải bảo vệ cho bất cứ một cá nhân nào, khi an ninh bản thân của người đó bị đe dọa.
Nếu ông Hùng có mặc áo có hình cờ đỏ sao vàng, chắc chắn cảnh sát sẽ không bắt ông cởi áo ra vì cảnh sát không thể cấm cản một người muốn phát biểu quan điểm. Nhiệm vụ của cảnh sát là bảo đảm an ninh cho ông ta.
Tuy nhiên, nếu ông Hùng có quyền tự do biểu đạt thì những người khác cũng có quyền đó và nếu họ la ó, phản đối ông thì cũng là chuyện bình thường. Nếu có ai bạo động, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quyền tự do biểu đạt là quan trọng trong đời sống Mỹ. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Quyền tự do biểu đạt là quan trọng trong đời sống Mỹ. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngay cả tổng thống hay lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều khi đến một nơi nào đó và gặp người biểu tình, cả bênh lẫn chống với biểu ngữ, với những tiếng hoan hô, đả đảo rất ồn ào, thì cảnh sát cũng chỉ làm rào cản giữa hai phía để phòng ngừa xung đột, chứ không hề ngăn cản những lời phát biểu hay la ó của đám đông.
Năm 1999, cách thương xá Phước Lộc Thọ vài khu phố, chủ tiệm HiTek Video là Trần Trường đã đem hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng treo trong tiệm và đã gây phản ứng mãnh liệt từ cộng đồng người Việt ở đây qua nhiều cuộc biểu tình phản đối kéo dài 53 ngày đêm, có lúc lên đến hàng vạn người tham gia, và cũng đã có xô xát trước cửa tiệm với Trần Trường.
Các tổ chức bảo vệ dân quyền bênh vực cho quyền tự do biểu đạt của Trần Trường trước tòa và một vị chánh án đã thừa nhận việc làm của ông ta được Hiến pháp bảo vệ.
Nhưng rồi chủ nhân khu thương mại hủy bỏ hợp đồng thuê mướn cơ sở của Trần Trường vì hành động của ông đã gây bất an, làm cản trở việc buôn bán tại khu vực. Nhà chức trách khám tiệm và còn tìm ra những bằng chứng ông ta sang băng lậu.
Hết hợp đồng thuê mướn, các biểu tượng cộng sản trong tiệm bị dẹp bỏ. Thế là vụ việc được giải quyết.
Diễn biến của sự kiện này được ghi lại trong phim tài liệu Saigon, USA do Lindsey Jang và Robert C. Winn thực hiện năm 2003 và đã được chiếu trên hệ thống truyền hình PBS của Mỹ.
Trong phim, nhiều người Việt cho rằng hành động của Trần Trường khi đem cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh treo giữa Little Saigon là hành động mang tính khiêu khích. Nhà văn Andrew Lâm so sánh việc làm đó như đem hình Hitler vào nơi có đông người Do Thái sinh sống hay đem hình Fidel Castro đến Little Havana.
Sau vụ Trần Trường, nhiều nơi tại Hoa Kỳ người Việt đã vận động các dân cử từ cấp tiểu bang, xuống đến quận hạt, thành phố đưa ra những nghị quyết chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt tự do.
Nhiều thành phố như Westminster, Garden Grove, Santa Ana, San Jose còn có những nghị quyết đòi hỏi những ai đón tiếp các phái đoàn cộng sản Việt Nam phải thông báo cho thành phố biết trước hai tuần để có đủ thời giờ và nhân lực chuẩn bị giữ an ninh và đối phó với người biểu tình.
Các quan chức nhà nước Việt Nam như Bí thư Lê Thanh Hải, các Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về người Việt ở nước ngoài là Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Thanh Sơn, Vũ Hồng Nam đến California cũng chỉ tiếp xúc với một số doanh nhân tại các cơ sở thương mại hay nhà riêng của họ.
Năm 2007 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến California đã chọn một khách sạn tại thành phố Dana Point ở cực nam của Quận Cam, khá xa trung tâm Little Saigon, để gặp gỡ người Việt, nhưng bên ngoài vẫn có hàng nghìn người biểu tình phản đối.​
Thành phố Chicago trước đây có McCormick Freedom Museum là nơi trưng bày những sự kiện và tài liệu về Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Thành phố Chicago trước đây có McCormick Freedom Museum là nơi trưng bày những sự kiện và tài liệu về Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hùng Cửu Long đến Mỹ, mang cờ đỏ đi nhiều nơi không bị khó khăn hay phản đối, nhưng khi đến Little Saigon gặp sự cố nên có ý kiến cho rằng ông không được tự do biểu đạt ở đó.
Xin kể lại câu chuyện vui sau đây được loan truyền trong giới sinh viên Đại học Berkeley vào những năm đầu thập niên 1980.
Một sinh viên Mỹ và một sinh viên Nga ngồi nói chuyện với nhau về quyền tự do biểu tình và phát biểu chính kiến ở nước mình.
Sinh viên Mỹ nói ở Hoa Kỳ người dân được quyền chống chính phủ mà không sợ bị cảnh sát bắt. Bằng chứng là thường có người biểu tình trước Tòa Bạch Ốc la lớn “Đả đảo Reagan” mà cảnh sát đứng đó không bắt giam ai hết.
Đến lượt mình, anh sinh viên Nga kể rằng ở nước anh cũng tự do như thế thôi. Nhiều người đứng trước Điện Cẩm Linh ở Quảng trường Đỏ la lớn “Đả đảo Reagan” mà cảnh sát cũng đâu có bắt ai bỏ tù.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nhân quyền Việt Nam ảm đạm

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-12-15  
Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch trả lời phỏng vấn phóng viên Việt Hà tại RFA ngày 14/12/2016.
 Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch trả lời phỏng vấn phóng viên Việt Hà tại RFA ngày 14/12/2016.  AFP photo
Tổ chức Human Rights Watch quan sát mọi diễn tiến về nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Vào ngày 14 tháng 12 vừa qua, ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này dành cho Đài RFA cuộc nói chuyện cập nhật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Nhận định đầu tiên mà ông này đưa ra là tình hình đó sau một số thăng trầm nay có thể đánh giá là ảm đạm.
Nguyên nhân được ông này nhận định là chừng nào còn một nhà nước do một đảng lãnh đạo thì chừng đó tại Việt Nam vẫn còn tình trạng vi phạm nhân quyền. HRW không thấy có dấu hiệu nào về một cuộc bầu cử tự do sắp tới vốn là điều mà cần phải có ở mọi nước để có một chính phủ có tính chính danh. Rất nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam là không chính danh; tại Việt Nam không có một nền báo chí tự do, không có hệ thống tòa án độc lập, không có bất cứ một định chế nào cần thiết để đảm bảo cho một xã hội tôn trọng quyền tự do, chứ đừng nói gì đến dân chủ ở Việt Nam.
Tiếp đến ông nêu ra điều mà theo ông chính phủ Hà Nội sợ không nới lỏng hạn chế trong tự do biểu đạt là vì họ vẫn lo nếu mọi người lên tiếng và có tổ chức thì đó là mối đe dọa cho chính quyền. Họ tin là đảng cộng sản là đảng có tính chính danh duy nhất của đất nước và họ hoàn toàn chống lại đa nguyên. Họ không muốn có chính trị đa đảng vì họ sợ là nếu có những đảng phái độc lập thì đảng cộng sản sẽ thua. Họ không có dũng cảm để tham gia vào một cuộc bầu cử tự do với các đảng phái độc lập khác.
Tại sao lãnh đạo nước ngoài lại quan tâm đến quyền của người dân nước bạn hơn chính lãnh đạo của nước bạn?
- Ông Brad Adams 
Quan theo dõi, ông Brad Adams chỉ ra một biện pháp mới mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng đối với  những người dân công khai lên tiếng đấu tranh hiện nay:
Cho nên họ bắt đầu sử dụng những kẻ mà chúng tôi gọi là côn đồ để đánh đập những người dám lên tiếng chống chính quyền. Đối với cộng đồng các  nhà hoạt động xã hội, đây là điều đáng lo sợ vì nếu có một ai đó mặc đồng phục cảnh sát tiến về phía họ thì ít nhất nếu có gì xảy ra họ có thể kiện nhưng một ai đó tiến về phía bạn mà lại mặc quần áo thường dân thì bạn không biết được người đó làm cho ai. Trong rất nhiều trường hợp, những người này đã đánh đập các nhà hoạt động trong khi công an chỉ đứng nhìn. Điều này tạo ra một tình trạng vô pháp luật.”
Bản thân ông Brad Adams tỏ ra ngạc nhiên khi những nước ngoài như Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu… lại quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam hơn là nhà cầm quyền Hà Nội đối với người dân trong nước của họ.
“Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam cần phải đối xử với công dân của mình tốt hơn nếu không thì chúng tôi không ký hiệp định này với các ông. Tại sao lãnh đạo nước ngoài lại quan tâm đến quyền của người dân nước bạn hơn chính lãnh đạo của nước bạn?”
Giám đốc Phân ban Châu Á của Human Rights Watch thú nhận nếu ông là một người Việt Nam  thì sẽ cảm thấy bị xúc phạm; bởi lẽ chính phủ phải quan tâm đến quyền của người dân chứ sao lại phải lãnh đạo nước ngoài nêu ra vấn đề nhân quyền của dân chúng đất Việt.

Dân vận khéo là gì?

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-12-15  
Ông Nguyễn Khắc Mai
 Ông Nguyễn Khắc Mai  Courtesy of giaoduc.net
Trung ương giải thích “Dân vận khéo” là gì:
“Dân vận khéo là một cụm từ trong một bài báo của Hồ Chí Minh, viết vào năm 1049, đầu đề là dân vận. Trong đó ông có kết luận rằng dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Mà dân vận kém thì cái gì cũng kém. Bây giờ họ đưa cái dân vận khéo để thành ra một tiêu ngữ để mà vận động.”
Ông giải thích một cách chi tiết là những cán bộ cộng sản khi đi đến một vùng nào đó thì sống chung với dân, thuyết phục người dân ủng hộ mình, và những người cộng sản đã thành công trong việc này vào thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Những người cộng sản đã lợi dụng được tình cảm yêu nước, yêu dân tộc của dân, cho nên thời kỳ kháng chiến họ dựa được vào dân, sống trên chiến khu dựa được vào dân. Họ làm được cái việc ấy, làm cho dân người ta có cảm tình với kháng chiến. Thậm chí nhân dân ở những nơi đô thị như chổ chúng tôi từng sống, người ta cũng hướng về kháng chiến, hướng về chiến khu, bởi lúc bấy giờ họ nêu được chính nghĩa là đánh Pháp để giành độc lập.”
Những người cộng sản đã lợi dụng được tình cảm yêu nước, yêu dân tộc của dân, cho nên thời kỳ kháng chiến họ dựa được vào dân, sống trên chiến khu dựa được vào dân.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Anh Lê Long (tên đã được thay đổi) hiện sống ở Sài Gòn, và là học sinh vào những năm trước 1975, trong thời chiến tranh Việt Nam, nhận xét rằng chính sách “Dân vận” của những người cộng sản, vào thời đó mang tên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, cũng thành công ở miền Nam Việt Nam:
Hồi xưa người ta có dân vận tiểu thương, ngoài chợ, có người của Mặt trận len lỏi vô, rồi học sinh vận, sinh viên vận, rồi trí thức vận. Cái lý do mà cộng sản miền Nam thành công là tại vì người miền Nam đánh đồng Việt Minh với Việt cộng. Ba tôi cũng là thanh niên tiền phong thời Việt Minh. Anh tôi làm quận trưởng ở những vùng như Cờ Đỏ, Phong Dinh, Ô Môn, tôi xuống đó chơi, nói chuyện với cả những ông lính như là dân vệ, địa phương quân, người ta không có thích cộng sản, nhưng người ta không có lập trường rõ ràng.
Đó là vào thời kỳ đảng cộng sản Việt Nam tiến hành hai cuộc chiến tranh. Theo ông Nguyễn Khắc Mai thì chuyện “Dân vận” của họ hiện nay chỉ thuần túy là tuyên truyền, vì những quyền thực sự của dân như quyền sở hữu đất đai, quyền bầu cử, quyền lập hội, người dân đều không có.
Ông Nguyễn Khắc Mai làm việc ở cơ quan Dân vận của đảng cộng sản từ những năm 1960, cho đến 1998. Theo ông thì trước đây người đứng đầu cơ quan này chỉ là một Ủy viên trung ương đảng, nhưng nay đảng cộng sản cũng ý thức được vấn đề phải chỉnh phục tình cảm của dân chúng, nên đã cắt cử một người là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan có quyền hành cao nhất đất nước để đứng đầu ban “Dân vận.” Người đứng đầu cơ quan này hiện nay là bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ chính trị.
Dân vận hiện nay phải là gì?
Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng một trong những vấn đề quan trọng để có thể thực hiện “dân vận” tốt hiện nay là phát triển xã hội dân sự, nhưng trong giới lãnh đạo Việt Nam có một luồng ý kiến chống đối việc này. Ông tiếp lời:
Hiện nay người ta rất sợ xã hội dân sự. Nhiều lần tôi phê phán ban lãnh đạo ở đấy (Ban dân vận) thì người ta bảo rằng tại vì Ban bí thư và Bộ chính trị cấm không cho nói về dân sự, và cũng cấm không cho nghiên cứu về xã hội dân sự.”
Ông Nguyễn Khác Mai cho biết trong cơ cấu làm việc của đảng cộng sản Việt Nam, Ban dân vận không phụ thuộc vào Ban tuyên giáo trung ương của Đảng, nhưng theo thông lệ là làm những gì mà Ban tuyên giáo đưa ra.
Trong bản tin của Thông tấn xã nhà nước Việt Nam loan tải ngày 13 tháng 12, có viết rằng Ban dân vận và Hội nhà báo Việt Nam phối hợp định hướng thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, cung cấp thông tin về tình hình nhân dân, nhất là những vấn đề mới phát sinh trong các tầng lớp nhân dân.
Dân vận hiện nay là vấn đề dân chủ hóa, là vấn đề đề cao, tôn trọng quyền của dân. Dân quyền, Nhân quyền.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Nhà báo Trương Duy Nhất, từng bị bỏ tù vì nêu những quan điểm riêng trên các trang blog của mình nhận xét về câu chuyện “Dân vận khéo” trong bản tin của Thông tấn xã Việt Nam:
“Họ dùng cái từ dân vận khéo, dân vận khéo là gì? Đó là bảo với báo chí là làm thế nào để định hướng dân những cái chuyện nhạy cảm, những chuyện về dân chủ, về nhân quyền thế này thế nọ. Cái từ khéo theo tôi hiểu là người ta hướng các cơ quan truyền thông theo cái kiểu đó.”
Đó là một hướng làm việc của báo chí mà ông Nguyễn Khắc Mai cho là đáng lẽ ra phải ngược lại, tức là phải có báo chí tự do. Ông nói rằng các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay không dám đề cập đến những vấn đề mà dân chúng quan tâm, gắn liền với cuộc sống của họ như là thảm họa môi trường Vũng Áng, chuyện đền bù đất đai, chuyện chống Trung Quốc gây hấn ở biển Đông. Và như thế, theo lời ông Nguyễn Khắc Mai, những việc làm của Ban dân vận hiện nay chỉ mang tính hình thức, và ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn giữa lý thuyết và việc làm. Ông nói tiếp:
Dân vận hiện nay là vấn đề dân chủ hóa, là vấn đề đề cao, tôn trọng quyền của dân. Dân quyền, Nhân quyền. Nhưng mà đây là lý tưởng, và cái hiện thực thì người ta chưa bao giờ làm được như vậy. Đảng cộng sản chưa bao giờ làm được như vậy.”
Ông cũng trích lời nhà cải cách Phan Chu Trinh, mà ông Hồ Chí Minh từng lặp lại rằng nếu có độc lập mà dân không có hạnh phúc thì độc lập đó không có nghĩa gì.

Quân đội “tự diễn biến” thì Đảng tiêu vong

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-12-15  
Quân đội Việt Nam tiếp đón Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 9 năm 2016.
 Quân đội Việt Nam tiếp đón Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 9 năm 2016.  AFP photo
Tại Hội nghị quân chính toàn quân 2016 tổ chức hôm 13/12/2016 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi quân đội tuyệt đối kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Như thế lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ phải tiếp tục trung thành với Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ai muốn kiểm soát quân đội?
Tháng 7 năm 2015, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ một vế Đảng với phát biểu chính thức tại Đại hội toàn quân ở Hà Nội, là quân đội phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp. Lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng được dư luận chú ý vì cho rằng ông bớt giáo điều.
Hơn 17 tháng sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của quân đội: “Dù bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn trung thành với Tổ Quốc với Đảng, với nhân dân.”
Trên thực tế người lính nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có câu kinh nhật tụng “Trung với Đảng hiếu với dân” và dù là ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng thì cũng chỉ là sử dụng cách nói khác nhau. Hơn nữa Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng  độc quyền lãnh đạo đất nước.
Tôi nghĩ là điều này cũng tự nhiên thôi, vì một đảng cầm quyền mà họ xây dựng nên quân đội, lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng đó.
- Ông Lê Kế Lâm
Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định:
“Hiến pháp quy định quân đội phải trung thành với Tổ quốc với Nhân dân. Nhưng khi mà đảng cầm quyền người ta lãnh đạo, thì vì Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng nên lực lượng vũ trang hiện nay cho nên họ yêu cầu quân đội phải trung thành với Tổ quốc là trên hết và sau đó họ yêu cầu phải trung thành với Đảng. Tôi nghĩ là điều này cũng tự nhiên thôi, vì một đảng cầm quyền mà họ xây dựng nên quân đội, thế thì họ lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng đó.”
Từ khi internet là công cụ thông tin khó kiểm duyệt, sự bùng nổ của mạng xã hội ở Việt Nam đã làm cho giới trẻ và người dân bình thường thấy rằng, trên thế giới chỉ còn lại vài nước cộng sản quy định quân đội phải trung thành với một đảng chính trị, tức là Đảng cộng sản độc quyền cai trị. Trong khi phần còn lại của thế giới tự do, cách dùng từ có thể khác biệt nhưng đại để lời thề của người lính là trung hành và bảo vệ tổ quốc.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Khóa 10 hiện sống và làm việc ở Hà Nội, trên thực tế có sự khác biệt giữa các quốc gia và thể chế chính trị liên quan tới câu hỏi lực lượng vũ trang trung thành với ai. Ông nói:
“Nếu mà nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước thì có vấn đề ấy thật. Bởi vì ngay cả trong những qui định có tính chất pháp luật thì quân đội là tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên trung thành với Đảng là cách ở Việt Nam nghe cũng quen rồi và cũng bình thường.”
Tiến tới thiên đường mù
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa và quân đội Việt Nam phải trung thành với Đảng Cộng sản để đi tới cái đích, mà ông từng nói, đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã hiện thực. Tại Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016 tổ chức ở Bộ Quốc phòng Thủ đô Hà Nội, ông Tổng Bí thư cũng kêu gọi quân đội triệt để chống suy thoái, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa.
000_H88L9-400.jpg
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh (phải) tại Đà Nẵng hôm 18/10/2016. AFP photo
Ba hôm trước, ngày 9/12/2016 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12, ông Tổng Bí thư nhìn nhận Đảng hiện lâm vào tình trạng suy thoái, vận mệnh Đảng và chế độ cầm quyền liên quan tới kết quả của chiến dịch chống tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12  cung cấp cẩm nang chính trị 27 điểm để nhận diện hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên. Nhưng quan trọng nhất là hiện tượng cổ vũ dân chủ đa nguyên đa đảng, xóa bỏ xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng xem là tự diễn biến, tự chuyển hóa đối với  hoạt động sử dụng truyền thông xã hội để bêu xấu giới chức Đảng, hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cũng như văn học và nghệ thuật.
Nhấn mạnh tới vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm từ Saigon nhận định:
"Tự diễn biến trong quân đội nếu như xảy ra thì rất nguy hiểm. Ý chính của ông Tổng Bí thư nói trong Hội nghị Quân chính Trung ương chủ ý nhắc nhở ngay cả trong quân đội cũng phải đề phòng tự diễn biến. Thế còn diễn biến thì rất rộng và cũng rất phức tạp…”
Quân đội là một bộ phận của nhân dân, trong nền kinh tế quốc dân nói chung của Việt Nam vừa qua tồn tại những mặt tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực.
- Ông Lê Kế Lâm
Tất nhiên trong Hội nghị Quân chính ngày 13/12/2016, ông Nguyễn Phú Trọng không quên chỉ đạo quân đội phải chủ động, không để bị bất ngờ về chính trị trong mọi tình huống. Mặc dù quân đội Việt Nam cũng có đặc quyền về đất đai và được phép làm kinh tế với những Tổng Công ty rất lớn. Tuy vậy chỉ có mạng xã hội mới dám đề cập tới quân đội như là một nhóm lợi ích, báo chí dòng chính khá nhẹ nhàng khi mô tả phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng không thể mở rộng vì sân golf do quân đội làm chủ.
Chuẩn Đô đốc hồi hưu Lê Kế Lâm nhận định:
"Quân đội là một bộ phận của nhân dân, trong nền kinh tế quốc dân nói chung của Việt Nam vừa qua tồn tại những mặt tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực. Trong những tiêu cực đó, đáng lo nhất là nạn tham nhũng, hối lộ rồi đến lãng phí. Quân đội cũng là một bộ phận nằm trong chính thể chung, nằm trong khuôn khổ chung của cả nước. Quân đội làm kinh tế có nhiều cái tốt, tích cực nhưng có thể không thể tránh khỏi những tiêu cực, sai sót. Vì thế ông Tổng Bí thư có nói quân đội phải luôn luôn kiềm chế, tự khắc phục không để xảy ra lợi ích nhóm và những sai sót trong khi làm kinh tế. Còn có hay không thì hiện nay Nhà nước và Đảng cũng chưa thanh tra lực lượng vũ trang làm kinh tế…”
Trong phát biểu tại Hội nghị Quân chính 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ quân đội về điều gọi là tiếp tục xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Sắp xếp, điều chỉnh tổ chức quân đội, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, quân phong quân kỷ. Đặc biệt đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, sắp xếp lại doanh nghiệp làm kinh tế, quản lý đất đai, quản lý tài sản và quản lý tài chính.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương tất nhiên muốn kiểm soát được sự trung thành của quân đội. Giới phản biện cho rằng, một nhà lý luận chủ nghĩa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã nghiên cứu trường hợp Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản, sụp đổ vào cuối năm 1991. Lúc đó chính những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, lực lượng trung thành với Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết, đã quay mũi súng trở thành lực lượng khai tử chế độ.     

Đô đốc Harry Harris: Hoa Kỳ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông

CTV Danlambao - Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương, trong một bài diễn văn tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Úc vào ngày 14.12 đã tuyên bố như vậy nếu Trung cộng vẫn tiếp tục quá đà trong việc tiếm nhận chủ quyền tại biển Đông.

"Hoa Kỳ sẽ không cho phép một vùng đang được chia sẻ chung lại bị đóng cửa đơn phương, cho dù nhiều căn cứ nhân tạo đã được (Trung cộng) xây dựng tại biển Đông đi nữa". Ông Harris đã nói.

Vào đầu năm nay, Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng những phán quyết của tòa án trọng tài ở The Hague trong đó tòa đã vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng tại vùng biển giao thương chiến lược này.

Những phát biểu của Đô đốc Harry Harris đã làm cho Bắc Kinh thêm điên tiết sau khi đã giận dữ vì cú điện đàm giữa tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Đài Loan - bà Thái Anh Văn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ để cho phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao là Geng Shuang phát biểu rằng tình hình ở Biển Đông là hiện ổn định nhờ sự nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực và Trung quốc hy vọng Hoa Kỳ thực thi lời hứa không đứng về phe nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông...

Trong cái gọi là "Biển Đông ổn định" của Bắc Kinh, Hoa Kỳ ước tính rằng trong vòng 3 năm qua, Bắc Kinh đã xây dựng thêm 1.300 ha đất với 7 đảo nhân tạo bao gồm phi đạo, bến cảng, chỗ đậu máy bay và các phương tiện thông tin.

Trước sự bành trướng và ý đồ khống chế khu vực biển Đông của Bắc Kinh, vị tự lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng cam kết của Mỹ đối với khu vực này sẽ tiếp tục sau khi Donald J. Trump trở thành tổng thống và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phản đối việc mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn:


Thủ tướng Madzê in Vờ Nờ điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump

Năm xích lô (Danlambao) - Năm tui tưởng mình thức sớm nên mắt có vấn đề khi đọc tựa đoạn tin trên của một tờ lề đảng nên vội coi các trang khác đều giật tin này làm tui choáng voáng mặt mày. Đỡ phải đi khám mắt nhưng chắc phải đi khám tổng quát vì nếu ông Phúc gặp trực tiếp Tổng thống Hoa kỳ thì tạm tin vì có thể dùng động từ "to quơ" như kịch câm để diễn đạt, điện đàm thì ngài ma dzê nói tiếng gì với ông Trump? À hén, biết đâu ông Trump nói được tiếng Việt?

Theo tiểu sử đảng thì ngài Xờ Phờ có hai bằng ngoại ngữ, Anh và Nga đều loại B nhưng hỡi ơi, tiếng Anh thì ông đọc làm bà con ngơ ngẩn, tiếng Việt thì cờ lờ mờ vờ cũng làm mọi người ngẩn ngơ vì chẳng hiểu ông ta đang nói gì?! 

Tiếng Việt mà ông nói dân Việt còn không hiểu trong khi ông là tưởng thú chớ nào đơn giản như đang giỡn. Theo Năm tui, ông Phúc điện đàm với ông Trump chắc mỏi tay, mòn gối lắm chớ chẳng chơi.

Nếu ngài tưởng thú ráng học thuộc lòng vài ba câu tiếng Anh với đại ý chúc mừng thì cũng được đi. Không, ngài còn trao đổi "phương hướng và biện pháp thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư VN-Mỹ thời gian tới" nữa mới đáng ngại. Năm tui nghĩ, cho là ngài Ma dzê thông thạo Anh ngữ đi nữa thì có lẽ ông Trump quỡn lắm mới có nhiều thời gian để trao đổi với nhà thông thái Xờ Phờ qua điện thoại.

Không hiểu sau cuộc điên đàng này phía Trung cộng (TC) có phản đối vì chính sách "một Trung quốc (TQ)" như vụ bà Thái Anh Văn? Ở đây xin mở ngoặc đi ngoài lề một chút. Ông tưởng thú này có thói copy, dân nhà quê như mình nói là bắt chước. Ông Obama lúc thăm Việt Nam với đoàn xe rầm rộ thì Xờ Phờ cũng sao lại nhưng vào phố cổ Hội An. Bà Thái Anh Văn của Đài Loan điện đàm với ông Trump thì Xờ Phờ cũng phải điện chớ. Hổng chừng bữa nào bắt chước ông Duterte của Phi Luật Tân, biết đâu được vì ông Phúc này thích chơi nổi lấy tiếng... ngờ u. 

Trở lại đề tài, sao lại nêu chính sách "một TQ" vào đây? Xin thưa, Hoàng Sa họ đã chiếm rồi, quần đảo Trường sa thì đang thâu tóm dần, Ải Nam Quan, thác Bản Giốc,... rồi mật ước Thành Đô nữa, vậy TQ có quyền lên tiếng về "một TQ" hay không? Chính ông Dương Khiết Trì đã từng nói đảng CSVN là đứa con hoang đàng, đã là con thì dĩ nhiên TC là cha mẹ, chung một nhà rồi còn nghi ngờ gì nữa?

Chúng ta có thể khẳng định một điều là nhà cầm quyền CSVN luôn trung thành với TC, đã là con thì có thể gả vợ cưới chồng nhưng không có chuyện lăng nhăng khi cha mẹ chưa cho phép dẫu anh Mẽo có thơm tho, đẹp trai, cao ráo, con nhà giàu học giỏi cỡ nào vì "chính sách nhất quán" của đảng theo cách nói bình dân học vụ là không gia nhập băng nhóm hoặc tụ tập chốn đông người vì qua đó cha mẹ TC sẽ ghép vào tội gây rối trật tự công cộng thì chết. Đảng chủ trương là giải quyết song phương nên ngoài tình cha con với TC, còn là tình anh em vợ chồng, quan hệ này khá phức tạp và nhạy cảm, bà con đừng cho là loạn luân à nha mà phải nói là đa phong cách. TC có lấn lướt kiểu gia trưởng thì em Cờ Sờ Vờ Nờ luôn khiêm tốn thỏ thẻ thủ thỉ phều phào "phản đối, phản đối" yếu như thiếu ớt đấy sao.

Túm lại là một tin sét đánh vì một vị nguyên thủ quốc gia Ngờ Xờ Phờ có thể điếm đàng, xin lỗi bị lịu, điện đàm trực tiếp với một vị nguyên thủ tuy là từng bị ta đánh cho Liên xô và Trung quốc nhưng là đế quốc hùng mạnh trên thế giới cũng là niềm vinh hạnh cho những ai chưa học ngoại ngữ hãy cố gắng lên. Ma dzê còn làm được thì bà con dư sức qua cầu Tân Thuận.

15.12.2016