Wednesday, September 21, 2016

Bà Cấn Thị Thêu bị kết án 20 tháng tù, gia đình bị công an dọa giết

Bà Cấn Thị Thêu được nhiều người biết đến là một nhà hoạt động vì các quyền đất đai và môi trường.
Bà Cấn Thị Thêu được nhiều người biết đến là một nhà hoạt động vì các quyền đất đai và môi trường.

An Tôn
VOA- 20.09.2016
Bà Cấn Thị Thêu, một nhà đấu tranh về đất đai, đã bị một tòa án ở Hà Nội kết án 20 tháng tù hôm 20/9.
Con trai bà Thêu, anh Trịnh Bá Phương, cho VOA biết tòa án của quận Đống Đa đã kết án bà về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Phiên tòa đã diễn ra sau khi nhà chức trách bắt giữ bà Thêu cách đây hơn 3 tháng khi bà cùng nhiều người khác đến các cơ quan công quyền đòi hỏi quyền lợi về đất đai một cách ôn hòa. Có nhiều người và hình ảnh chứng minh điều này.
Anh Trịnh Bá Phương đã phản ứng về bản án:
“Gia đình tôi phản đối bản án bất công này. Tòa án của quận Đống Đa kết án mẹ tôi dù chỉ một ngày cũng là oan sai, nhưng họ đã quy mức án rất nặng nề là 20 tháng tù giam. Trước phiên tòa tôi cũng có nhận định tôi cũng không bất ngờ nhiều vì bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là họ lấy bạo lực và nhà tù để trấn áp người dân, để cai trị người dân”.
Bà Cấn Thị Thêu và nhiều người dân ở Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cách đây 2 năm đã đấu tranh, phản đối việc nhà chức trách thu hồi đất của dân để giao cho một doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh bất động sản. Họ cho rằng qui trình thu hồi đất không đúng pháp luật, điều này sau đó đã được Thanh tra Chính phủ xác nhận.
Vì hoạt động đấu tranh của mình, bà Thêu và chồng đã bị bắt một lần vào cuối tháng 4/2014 và phải nhận án tù 15 tháng. Họ mới mãn án vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên toà xử bà Can Thị Thêu, 20/9/2016.
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên toà xử bà Can Thị Thêu, 20/9/2016.
Cho rằng việc bắt giữ và xét xử lần này là vô lý, bất công, gia đình bà và khoảng 100 người dân đã đến tòa án để biểu tình, đòi nhà chức trách xét xử công khai.
Tuy nhiên, anh Phương cho hay đoàn người đã bị công an chặn lại, sau đó nhiều người đã bị bắt về một đồn công an. Anh cho biết các nhân viên công an, an ninh đã đối xử thô bạo với người biểu tình. Anh cho biết thêm rằng tại đồn số 6 Quang Trung, gia đình anh đã bị dọa giết.
Anh nói:
“Khi vào trong đồn công an, họ lại tiếp tục thể hiện bản chất của chế độ công an trị. Họ đã đe dọa giết cả gia đình nhà tôi. Chính tai tôi nghe rằng họ đã nói rằng là chỉ một phút có thể cho đi đời luôn. Họ đe dọa giết cả nhà, ám sát cả gia đình. Trong đồn công an họ thể hiện rất là côn đồ”.
Tại phiên tòa, bào chữa cho bà Thêu là các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành, Lê Văn Luân và Hà Huy Sơn. Họ lâu nay vẫn thường bào chữa cho những người đấu tranh, các nhà hoạt động và những người yếu thế.
Trước phiên tòa, luật sư Đôn bày tỏ trên trang Facebook cá nhân là ông sẽ bào chữa cho bà Thêu “theo hướng vô tội” vì bà là “người phụ nữ đấu tranh vì quyền lợi của những người nông dân bị mất đất” và bà “không có bất kỳ hành vi gây rối nào”.
Nhưng thực tế là bà vẫn bị nhận án tù. Con trai bà, anh Phương, đánh giá cao nỗ lực của các luật sư song anh nói bản án dành cho mẹ anh là bản án do nhà chức trách định sẵn, thường gọi là “án bỏ túi” vì vậy các luật sư khó có thể xoay chuyển. Anh nói:
“Cả bốn luật sư rất nỗ lực bào chữa cho mẹ tôi theo hướng vô tội. Tuy nhiên cả bốn luật sư cũng đã không mang lại tự do cho mẹ tôi. Nguyên nhân, tính chất ở sâu bên trong là do cái án này là cái án bỏ túi. Phía nhà cầm quyền đã bất chấp dư luận, cũng như bất chấp các tiếng nói của luật sư, sự phản biện của luật sư, bất chấp sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền quốc tế”.
Về bản án mới tuyên đối với bà Thêu, nhà hoạt động vì dân chủ Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook cá nhân rằng chính quyền Việt Nam thời gian gần đây chỉ kết án những nhà hoạt động hoặc những người đấu tranh với thời gian tù giam từ 2 đến 5 năm để tránh “sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia văn minh” cũng như “sự kiên trì lên tiếng đòi trả tự do của cộng đồng đấu tranh trong nước”. Anh Dũng cho rằng chiến thuật mới của chính quyền có mục đích “vừa đủ để cách ly [những nhà hoạt động, những người đấu tranh] khỏi xã hội một thời gian, vừa đủ để phong trào đòi trả tự do không lớn mạnh, vừa đủ để quốc tế không cảm thấy quá ngột ngạt”.
Anh Trịnh Bá Phương cho VOA biết tới đây gia đình và những người ủng hộ bà Thêu sẽ tiếp tục biểu tình, đấu tranh ôn hòa, và vận động tiếng nói của các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội như Anh, Úc, Thụy Sĩ, Mỹ, cũng như của các tổ chức nhân quyền quốc tế để đòi trả tự do cho mẹ anh và những người đấu tranh khác.
Bên cạnh đó, anh Phương cho biết sẽ có một cuộc đấu tranh pháp lý để kiện “những người cướp đất” và “chính phủ Việt Nam” ra Tòa án Hình sự Quốc tế ICC về những bất công trong chính sách đất đai và các hành vi vi phạm nhân quyền.

Hậu Trịnh Xuân Thanh tung tăng tẩu thoát: Tổng bí thư Trọng bất ngờ ‘vào’ đảng ủy công an trung ương

Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lẫn Thủ tướng Chính phủ tham gia Đảng ủy Công an Trung ương. Ảnh TTXVN
Chỉ ít ngày sau khi xảy ra biến cố Trịnh Xuân Thanh ung dung tẩu thoát ngay trước mũi công an và biến Tổng bí thư Trọng thành trò hài hước trong dư luận xã hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã “được chỉ định” vào Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Báo chí nhà nước ghi nhận: đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng bí thư tham gia đảng ủy và Ban thường vụ đảng ủy Công an Trung ương.
Sự kiện được xem là rất đặc biệt này xảy ra vào ngày 21/9/2016 với lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 người; Ban thường vụ đảng ủy gồm 7 người, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy kể từ nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành “công an”, và lịch giao ban định kỳ của Tổng bí thư Trọng sẽ có thêm mục làm việc tại đảng ủy công an trung ương. Cũng kể từ nay, Đảng ủy công an trung ương sẽ phải giao ban định kỳ và họp dột xuất với sự “giám sát” của Tổng bí thư Trọng.
Duy có điều, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 lại không nói rõ vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng là gì trong Ban thường vụ Đảng ủy công an trung ương. Sự thể này là khác hoàn toàn với chức danh “được chỉ định” của ông Trọng là bí thư trong Quân ủy trung ương.
Vậy ông Tổng bí thư Trọng sẽ là cấp dưới hay cấp trên của Bộ trưởng công an Tô Lâm trong Ban thường vụ đảng ủy công an trung ương?
Vào ngày 4/5/2016, Bộ Chính trị đã công bố quyết định “phân công đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương”.
Sắp tới, nếu chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương được giữ nguyên cho ông Tô Lâm, ông Trọng sẽ phải chấp nhận giữ vai trò không đứng đầu trong Đảng ủy Công an Trung ương, và do đó bộ trưởng công an mới là người có quyền quyết định cuối cùng.
Còn nếu ông Nguyễn Phú Trọng “được chỉ định” vào chức danh Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Tô Lâm sẽ vô hình trung bị “cách chức”. Lúc này sẽ xảy ra một tình huống ngoạn mục: Bộ Công an cùng lúc có hai “bộ trưởng” - một bộ trưởng về chính quyền và một “chính ủy” chỉ đạo bộ trưởng.
Và nếu ông Trọng được cơ cấu là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, sẽ là lần đầu tiên một tổng bí thư vừa là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương lẫn Bí thư Quân ủy Trung ương, mà về thực chất chính là nhân vật “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” chứ không còn là chủ tịch nước làm chuyện này theo Hiến pháp.
Khi đó, ông Trần Đại Quang sẽ làm gì?
Cũng cần nhắc lại, vụ Trịnh Xuân Thanh tung tăng đào tẩu nhưng đến giờ chưa dò ra đã khiến bùng nổ nhiều dư luận về việc có một đường dây giúp cho Thanh trốn và Tổng bí thư Trọng không “nắm” được Bộ Công an lẫn Đảng ủy Công an Trung ương.
Còn bây giờ, xin chúc mừng ông Trọng đã cố “nắm” được Đảng ủy Công an Trung ương.
Chỉ có điều, chưa biết đây có phải là một nước cờ đủ sức tập quyền cho ông Trọng hay sẽ khiến mọi chuyện trở nên rối beng?
Lê Dung / SBTN

Khởi tố phó công an huyện tông chết người rồi bỏ trốn

Tối ngày 20/9/2016, ông Phạm Văn Hội, đại tá công an CSVN- trưởng phòng Tham mưu, kiêm phát ngôn nhân công an tỉnh Ninh Bình- cho biết cơ quan điều tra đã cho khởi tố ông Hoàng Đức Huân, phó công an huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vì tội đụng xe chết người rồi bỏ trốn.

Chiếc xe phó công an huyện Kim Sơn tông người rồi bỏ trốn. Ảnh: Người Lao Động
Từ những điều tra sơ khởi, vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 16/9/2016, đang chạy trên Quốc lộ 10, đoạn ngang qua xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, bà Bùi Thị Tú (44 tuổi, ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn) đã bị một chiếc xe Toyota Camry chạy cùng chiều đâm thẳng từ phía sau. Bà Tú đang từ nhà người thân trở về nhà. Bà là cô giáo của một trường tiểu học, con trai bà là thủ khoa trong kỳ thi vừa rồi.
Chiếc xe hơi chạy quá nhanh, hất văng bà Tú khiến bà này tử vong ngay tại chỗ. Chiếc xe máy của bà bị hư hại nặng.
Ngay sau khi gây tai nạn, thay vì đứng lại để giải quyết hậu quả, tài xế đã phóng xe trốn mất. Nhưng những người dân làm đồng tại đó đã kịp thời nhớ biển số xe liền đi báo công an. Bà Tú sau đó được người thân đưa về nhà để lo hậu sự.
Từ những tin báo của người dân, công an đã điều tra, người gây ra tai nạn chính là ông Hoàng Đức Huân (sinh năm 1978, ngụ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phó công an huyện Kim Sơn.
Tin tức từ công an lại nói rằng, sau khi gây tai nạn, ông Huân đã "hoảng loạn", nên đã chạy khỏi hiện trường. Sau đó, ông này chạy một mạch từ huyện Kim Sơn, lên thành phố Ninh Bình để "trình diện" tại cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Ninh Bình, mà không trình diện tại cơ quan công an huyện Kim Sơn.
Hiện ông Huân đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cho việc điều tra. Công an tỉnh cũng không cho biết ông này có bị bắt giam như người dân, hay được hưởng tại ngoại hầu tra.
Ngọc Quân/SBTN