Sunday, July 24, 2016

Làm đường không cống thoát nước

 Khánh Nguyên-06:44 ngày 25 tháng 07 năm 2016
TP - Theo phản ánh của người dân phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, Cần Thơ), tình trạng nước ngập trên diện rộng, tràn lên cả mặt đường Quốc lộ 1A tại khu vực này xuất hiện từ nhiều tháng qua. Tại khu Yên Hạ (phường Thường Thạnh) nước ngập lênh láng mặc dù cả ngày trời nắng bốc mùi hôi thối.
Nguyên nhân tình trạng ngập nước, theo những người dân địa phương, là do việc xây dựng đường mới Hàng Gòn (thuộc phường Ba Láng) nằm cách khu vực Yên Hạ không xa. 
Con đường này được xây dựng cách đây chưa lâu với nền đường rất cao nhưng lại không có cống thoát nước. Sau khi đường làm xong, người dân ồ ạt bơm cát san lấp mặt bằng làm cao ngang mặt đường Hàng Gòn khiến nước mưa không thể thoát, trong khi diện tích chứa nước bị thu hẹp khiến nước ngập ngày một sâu và lan rộng, nhất là những khi trời mưa to.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Huấn – PGĐ BQL dự án quận Cái Răng thừa nhận tình trạng ngập úng ở khu vực phường Thường Thạnh diễn ra ở diện rộng. 
Ông cũng cho biết, từ năm 2014 quận đã có kế hoạch lắp đặt cống thoát nước khu vực này và đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt nhưng do thiếu nguồn vốn nên chưa thực hiện được. Hiện, BQL dự án của quận Cái Răng đang đấu thầu lắp đặt dự án công trình cống thoát nước hai bên tuyến đường.

Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt

Hoàng Dương-19:33 ngày 22 tháng 07 năm 2016 
TPO - Cứ mưa là sập nhà, là ngập lụt. Người dân Quảng Ninh bây giờ “sợ mưa còn hơn cả “sợ ma”. Chỉ với một vài trận mưa đầu mùa nhưng Quảng Ninh gần như đã bị “thất thủ”, nhìn đâu cũng thấy nước ngập, bùn tràn. Sau mỗi trận mưa lại có nhà sập, người chết.
Quốc lộ 18, đoạn phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả chìm trong biển nước sau cơn mưa 22/7.
Quốc lộ 18, đoạn phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả chìm trong biển nước sau cơn mưa 22/7.
Trận mưa kéo dài từ đêm 22/7 đến gần sáng nay, đã khiến một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt nghiêm trọng, một số đoạn đường trên quốc lộ 18 đoạn đi qua thành phố Cẩm Phả, giao thông bị ách tắc kéo dài, các phương tiện lưu thông qua đây phải “bơi” trong biển nước. 
Đặc biệt trận mưa còn khiến ngôi nhà của gia đình anh  Phạm Tiến Dũng tại Tổ 49, khu 5 phường Cao Thắng, TP Hạ Long bất ngờ bị sập đổ, toàn bộ tài sản bị vùi dưới đống đổ nát.
Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 1
Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 2
Ngôi nhà của gia đình anh  Phạm Tiến Dũng tại Tổ 49, khu 5 phường Cao Thắng, TP Hạ Long bất ngờ bị sập đổ, toàn bộ tài sản bị vùi dưới đống đổ nát.
Trước đó, trận mưa vào ngày 5/7, đã làm tê liệt hoàn toàn một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 205 điểm ngập lụt, làm 2 người thiệt mạng (1 người do sập nhà, 1 người do nước cuốn trôi xuống cống). Nhiều nhà dân bị đổ vách, nhiều gia đình nằm trong tình trạng nguy hiểm. Sau mưa lũ, các tuyến đường ngập trong bùn đất, từ trong nhà ra đến ngoài ngõ đâu đâu cũng thấy bùn. Không khi nào người dân lại kinh hãi với “mưa” đến vậy.
Không phải vùng trũng, cũng không phải khu vực ven sông suối, nhiều tuyến đường, khu phố chỉ cách bờ biển vài trăm mét, có điểm chỉ cách biển vài bước chân, ấy vậy mà cứ mưa là ngập lụt, ngập bùn, người dân lại phải lội bì bõm tát nước, xúc bùn sau mỗi cơn mưa. Nghịch lý này vẫn đang hiển nhiên xảy ra. 
“Mới mưa có nửa ngày nhưng nước đã tràn cả vào nhà, đồ đạc trong nhà cứ trôi lềnh bềnh. Lúc đầu xót của, cả gia đình hùng hục kê dọn nhưng nước lên quá nhanh nên chúng tôi trở tay không kịp. Vô lý thay là từ xưa đến nay khu vực nhà tôi đâu có bị ngập lụt, nhưng năm nay chỉ với cơn mưa đầu mùa mà đã ngập như thế này thì không biết có sống nổi qua mùa mưa không nữa?”,  Bà Nguyễn Thị Quang, một cư dân phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả buồn rầu nói.
Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 3
Do tránh lũ, ô tô bị đổ nhào bên đường.
Trên địa bàn thành phố Hạ Long có rất nhiều điểm ngập lụt, nhiều ngôi nhà đang trong tình trạng báo động có nguy cơ sạt lở. Một số đã được di dời, nhưng đa số người dân vẫn gồng mình chống chọi với mưa lũ.
 “Ở ngay trong chính nhà mình nhưng chúng tôi không biết chết lúc nào, nhà thì nứt toác, sân vườn thì sụt lún những hố sâu cả chục mét. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng răng rắc của tường nhà bị bẻ gãy, dân chúng tôi bây giờ sợ mưa hơn cả sợ ma” – Ông Phạm Ngọc Thành, trú tại tổ 54, khu 5, phường Hà Trung, TP Hạ Long nói.
Tại tổ 54, khu 5, phường Hà Trung, TP Hạ Long hiện có gần chục nhà dân đang chờ sập. Nhiều lần kiến nghị phường, thành phố và Công ty Than Hà Lầm để có biện pháp di dời, vì họ cho rằng: do công ty than đi hầm lò bên dưới đã lấy hết than nên gây sụt lún. Nhưng đã mấy năm nay không một ai trả lời hay có biện pháp xử lý. Người dân vẫn phải phó mặc tính mạng cho chính ngôi nhà của mình. Cũng trong trận mưa 5/7, bức tường của nhà bà Nguyễn Thị An cũng bị đổ sập, nhưng rất may không có thiệt hại về người.
Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 4
Khu vực Khu nhà chỉnh hình cũ (Bệnh viện đa khoa tỉnh) là một điểm nóng về sạt lở của TP Hạ Long
Ngay chính trên địa bàn thành phố Hạ Long, nơi được coi là thành phố có tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng thuộc vào dạng bậc nhất của tỉnh nhưng còn tồn tại khá nhiều điểm nó về ngập lụt và sạt lở. Nhiều tuyến đường cứ mưa là ngập, hàng trăm nhà dân nằm trong nguy cơ sạt lở cao. 
Khu vực Khu nhà chỉnh hình cũ (Bệnh viện đa khoa tỉnh) là một điểm nóng về sạt lở của TP Hạ Long. Một số hộ dân ở phường Cao Thắng, phường Hà Trung nằm trong nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp tháo dỡ hay di dời những hộ dân này. Mùa mưa đang đến, liệu có ai đảm bảo sẽ không còn ngập lụt, sập nhà chết người khi mưa xuống, liệu có ai đảm bảo sẽ không còn tang thương sau mỗi trận mưa?
Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 5
Những ngôi nhà cheo leo bên sườn đồi, trơ móng chờ đổ sập.Quảng Ninh: Người dân hoang mang vì cứ mưa là sập nhà, ngập lụt - ảnh 6
Những hố sụt lún sâu hàng chục mét, rộng hơn 5m đang đe dọa nuốt chửng nhà dân tại tổ 54, khu 5, phường Hà Trung, TP Hạ Long.
Vẫn còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2015 đã cướp đi 23 sinh mạng, làm thiệt hại gần 2 nghìn tỷ đồng. Nhiều tuyến đường bị ách tắc nghiêm trọng, khối lượng bùn đất khổng lồ đổ xuống vùi lấp nhiều nhà dân. Chưa bao giờ Quảng Ninh lại rơi vào tình trạng “khủng hoảng” trầm trọng đến như vậy. 
Thời gian gần đây, chỉ với mấy cơn mưa đầu mùa, Quảng Ninh lại “thất thủ” trước tình trạng ngập lụt kéo dài và có xu hướng gia tăng. Người dân đang “hoang mang” trên chính mảnh đất được cho là đáng sống này.

Mưa lớn ở Đà Lạt, nhiều nhà ngập sâu một mét

Kim Anh-09:22 ngày 25 tháng 07 năm 2016
TPO - Trận mưa lớn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ trên diện rộng làm ngập nhiều khu dân cư và gây thiệt hại nhiều diện tích rau màu tại các khu vực.

Nước tràn ngập những nhà kính trồng rau hoa công nghệ cao

Nước tràn ngập những nhà kính trồng rau hoa công nghệ cao

Sáng 25/7, ban ngành chức năng thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) thống kê số liệu thiệt hại do trận mưa lớn gây ra để có phương án xử lý.
Trước đó vào chiều 24/7, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã xảy ra trận mưa lớn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ trên diện rộng làm ngập nhiều khu dân cư và gây thiệt hại nhiều diện tích rau màu tại các khu vực Trạng Trình, Mê Linh và Trương Văn Hoàn (phường 9), Nam Hồ (phường 11), làng hoa Thái Phiên (phường 12)… Ngoài ra, một số khu vực còn phải gánh chịu mưa đá cục bộ.
Tại khu vực đường Mê Linh - Trương Văn Hoàn, nhiều nhà dân bị ngập sâu gần một mét. Nước bùn kéo theo rác từ các con suối tràn vào nhà quá nhanh gây ngập và hư hỏng nhiều tài sản. Nhiều héc ta rau, hoa tại khu vực này cũng bị chìm sâu trong nước. Một số người dân sống ở khu vực này cho biết chưa bao giờ thấy nước dâng cao thế này.
Mưa lớn ở Đà Lạt, nhiều nhà ngập sâu một mét - ảnh 1
Nhiều vườn rau, hoa bị ngập sâu.
Mưa lớn ở Đà Lạt, nhiều nhà ngập sâu một mét - ảnh 2

Nước tràn vào khu dân cư

1000m2 rau xà lách của gia đình ông Lê Doãn Mẫn (tổ 4, phường 9) bị ngập sâu trong nước. “Những năm gần đây, cứ mưa liên tục khoảng hai giờ thì khu vực này ngập lụt. Đó là chưa kể lượng lớn rác gồm bao bì, phế phẩm nông nghiệp, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật… trôi vào khu dân cư gây ô nhiễm môi trường”, ông Mẫn cho biết.
Nhiều nhà vườn quanh khu vực tổ 4 cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Có nhà bị ngập vài sào rau màu sắp sửa thu hoạch, ước thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Lại xuất hiện clip CSGT đánh người ở TPHCM

Văn Minh-17:22 ngày 24 tháng 07 năm 2016 
TPO - Mới đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện một clip người dân quay lại cảnh CSGT đánh người ở TPHCM.
CSGT và người dân lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra vụ việc đánh người dân. Ảnh cắt từ clip.
CSGT và người dân lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra vụ việc đánh người dân. Ảnh cắt từ clip
Theo diễn biến đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, một CSGT đã dùng tay đánh tới tấp vào đầu, mặt người dân. Trước khi bị CSGT đánh, người này đã có những câu nói như yêu cầu CSGT trả lại giấy phép lấy xe.
Sau đó giữa hai bên có lời qua tiếng lại. Trong clip, người dân hỏi: “Tôi hỏi anh, tôi có lỗi gì?... Nói nhanh lên, tôi có lỗi gì?...”. Tuy nhiên CSGT vẫn không trả lời.
Một lúc sau, người dân đã với tay vào túi quần CSGT nhưng bị CSGT chặn lại. Người này tiếp tục lên tiếng thắc mắc hỏi bị lỗi gì mà CSGT yêu cầu dừng xe. Đợi một lúc không thấy CSGT trả lời, người này đã với tay vào túi quần CSGT đòi lại bằng lái thì bị đánh vào người tới tấp.
Sau khi đánh người nghi là vi phạm này, CSGT đã leo lên xe công vụ bỏ đi.
Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra trước cổng khu du lịch Suối Tiên (quận 9, TP HCM). Người xuất hiện trong clip là một CSGT của đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT ĐB- ĐS, Công an TPHCM).
Chiều 24/7, trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT ĐB – ĐS, Công an TPHCM cho biết vụ việc đang được xác minh, làm rõ và sẽ thông tin cho báo chí sau.

Ông Võ Kim Cự trao đổi về Formosa: 'Tôi rất buồn và đau

Lê Anh Đạt - Võ Minh Châu-'06:31 ngày 25 tháng 07 năm 2016 
TP - Từ những diễn biến mới liên quan việc xả thải của Formosa, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ làm việc với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa 14 (hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Cá chết dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (ảnh lớn). Ông Võ Kim Cự (ảnh nhỏ). Ảnh: AFP - Lê Anh Đạt.
Cá chết dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (ảnh lớn). Ông Võ Kim Cự (ảnh nhỏ). Ảnh: AFP - Lê Anh Đạt.

Khoảng 6h sáng Chủ nhật, 24/7 (sau một tuần kể từ ngày đặt lịch làm việc), ông Cự liên lạc lại với chúng tôi đồng ý gặp tại phòng làm việc (số 4 Dương Đình Nghệ, Hà Nội). Nội dung cuộc trao đổi gần 4 tiếng đồng hồ nhằm làm rõ những thông tin về Formosa và cá nhân ông Võ Kim Cự, những từ khóa mà bạn đọc cả nước đang quan tâm.
Chắc ông suy nghĩ kỹ về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói sẽ nhắc ông không nên né tránh báo chí?
Tôi lúc nào cũng sẵn sàng tiếp báo chí. Nhưng, một số anh em báo chí cũng cần lắng nghe, suy xét thấu đáo, đừng phiến diện, quy chụp và phán xét thái quá.
Vậy, sao những ngày qua ông không gặp báo chí, mặc dù các phóng viên rất muốn gặp ông để trao đổi?
Nói thật, tôi cũng định im lặng. Vì các báo cũng đã nêu hết rồi. Không hỏi tôi họ cũng nêu. Một số báo khai thác theo hướng cắt ghép, đưa tin chưa chính xác. Khi người ta đã nghĩ như vậy thì gặp cũng chẳng giải quyết gì, vì nói gì họ cũng viết theo ý mình. Hơn nữa, hôm tổ chức Đại hội Liên minh Hợp tác xã có báo còn thành lập cả nhóm “truy lùng” tôi (mặc dù khi đó tôi đang có việc lớn là lo đại hội), có phóng viên còn chạy theo quay video, có phóng viên nhắn tin đe dọa, chửi bới. Ứng xử như vậy là không nên!
Vậy, sao lần này ông quyết định gặp chúng tôi?
Sau khi nghĩ lại tôi thấy cần thiết phải trao đổi với báo chí, tránh để thông tin thiếu chính xác, một chiều về dự án, về cá nhân tôi xuất hiện trên các báo với tần suất ngày càng nhiều. Hơn nữa, trao đổi để sáng tỏ vấn đề cũng rất cần thiết vào lúc này.
Tôi muốn trao đổi thẳng thắn trên tờ báo chính thống.
70 năm cho Formosa đúng hay sai?
Chúng tôi cần xác minh thông tin đầy đủ từ chính ông về việc Formosa được cấp phép 70 năm. Có phải Hà Tĩnh tự ý cấp phép cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý?
Dư luận nghĩ thật đơn giản. Một dự án lớn như vậy sao Hà Tĩnh tự ý được.
Chuyện này không còn là dư luận nữa mà tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Thanh tra Chính phủ, đại diện Thanh tra Chính phủ khi trả lời báo chí cho rằng, Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa là chưa đúng, cần rút kinh nghiệm. Một số báo đã đề cập trách nhiệm của ông trong việc này. Ông nghĩ sao?
Trước đây, khi Formosa mới vào Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra định kỳ và kết luận cấp phép 70 năm là đúng luật.
Ông có thể chứng minh cụ thể hơn về việc Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là đúng luật?
Khi xin chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh nhận được ý kiến của nhiều bộ, ngành. Sau đó, ngày 4/3/2008 (tại văn bản số 323 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, các bộ: KH&ĐT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường), nêu rõ “Đồng ý chủ trương Tập đoàn Công nghiệp nặng Formosa Đài Loan lập Dự án đầu tư Nhà máy liên hiệp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh…”.
Ngày 30/1/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản (số 926 về việc công bố kết luận thanh tra) gửi Thanh tra Chính phủ, các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Văn bản nêu ý kiến của Chính phủ: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm trong giấy Chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án và kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên tiền thuê đất, thuê mặt nước mà Công ty Formosa đã nộp theo giấy phép đầu tư và hợp đồng thuê đất đã ký”.
Như vậy, là Chính phủ đã đồng ý.
Ngoài ra có căn cứ nào nữa không, thưa ông?
Theo Quy định tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm. Vì vậy, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh được ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 70 năm là phù hợp với quy định pháp luật.
Tôi nhấn mạnh thêm, thời điểm năm 2007, 2008, nước ta ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng cảng biển, luyện thép, sản xuất điện... Theo Quyết định 72 của Chính phủ, Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập và ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư (cho vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức cao nhất của quy định ưu đãi thời điểm ấy). Sau khi Formosa có đơn đăng ký vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc để tiến hành các thủ tục hồ sơ. Căn cứ Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Nghị định 108 về căn cứ ban hành quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư, sau khi có các văn bản của các bộ, ngành chức năng T.Ư và địa phương có liên quan, đồng thời được Chính phủ có văn bản lần thứ hai đồng ý, Khu kinh tế Vũng Áng mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Formosa. Như vậy, căn cứ Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ Quyết định 72, căn cứ Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan đầu tư trực tiếp nước ngoài lúc đó Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng mới chính thức cấp phép đầu tư.
Thêm một căn cứ nữa, theo Nghị định 36 và Luật Đầu tư quy định rõ, những dự án có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và có các tiêu chí như: đầu tư vào các ngành ưu tiên như cảng biển, luyện thép, điện và có quy mô trên 5.000 lao động trở lên sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Dự án Formosa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và được cấp chứng nhận đầu tư thời gian 70 năm.
Như vậy là không có chuyện Hà Tĩnh vượt rào cấp phép 70 năm cho Formosa sau đó mới tìm cách hợp lý hóa?
Đã có 2 lần kiểm tra sau khi Formosa được cấp phép. Các bộ, ngành cũng đã có ý kiến. Chính phủ đã họp hai lần và kết luận: Cấp phép 70 năm là phù hợp. Như tôi trình bày ở trên, với các quy định rõ ràng, sự tham gia có nhiều bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Hà Tĩnh có thể tự làm được không?!
Ông Võ Kim Cự trao đổi về Formosa: 'Tôi rất buồn và đau' - ảnh 1Ông Võ Kim Cự trao đổi với PV Tiền Phong ngày 24/7, tại Hà Nội. Ảnh: Võ Minh Châu.
Hai nỗi đau
Ông đánh giá thế nào về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa?
Báo cáo tác động môi trường là do Bộ Tài nguyên - Môi trường duyệt, Hà Tĩnh chỉ tham gia hội đồng như một thành viên có liên quan thôi.
Ông nghĩ sao khi Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống và sinh kế của người dân?
Nỗi đau này không của riêng ai. Có thể nói đó là nỗi đau của phía gây ra và người phải hứng chịu. Lãnh đạo Tập đoàn Formosa đã cúi đầu xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng là thể hiện nỗi đau của họ. Tôi rất buồn và đau. Xin chia sẻ với người dân miền Trung trong đó có quê hương tôi. Tôi chia sẻ với hai tư cách, một là người con quê hương, hai là lãnh đạo địa phương chủ trì đại dự án ấy.
Việc kêu gọi nhà đầu tư là để phát triển, vì mục tiêu chung. Nhưng nhà đầu tư đã làm không đúng các quy định, gây hậu quả. Nhờ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc sớm nên sự việc mới được giải quyết, kiểm soát. Ngay từ khi cá chết, nguyên nhân chưa công bố, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc hỗ trợ, động viên bà con. Cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới địa phương đã nỗ lực rất cao kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các sai phạm và đại diện Formosa đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ và nhân dân ta, hứa khắc phục và bồi thường 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp ổn định đời sống người dân, trong đó có việc lên phương án đền bù.
Formosa vẫn đổ thải lên bờ thời gian gần đây, ông có biết không?
Tôi có biết nhưng cái này lỗi một phần do các Cty ký kết với Formosa. Cần phải xử lý các đơn vị chôn lấp rác thải không đúng quy định. Mình không ký hợp đồng với Formosa đổ rác thải kiểu đó nữa.
Người dân đang lo lắng khi Formosa không có vùng chôn lấp, xử lý rác thải, ông nghĩ sao?
Formosa có vùng chôn lấp rác thải, nhưng đây là giai đoạn vận hành thử nên mới như vậy. Đây là giai đoạn chạy thử, chỉnh sửa công nghệ xem có phù hợp hay không. Thời gian qua có thể cách pha hóa chất chưa chuẩn trong xử lý chất thải nên mới thế. Nếu xử lý đúng như đánh giá tác động môi trường thì hậu quả sẽ không xảy ra.
Liệu có khả năng, Formosa chây lì trong khắc phục hoặc cố tình tái phạm?
Với họ, càng để lâu càng thiệt hại về nhiều mặt nên họ cũng muốn khắc phục nhanh. Họ phải thay đổi các mục tiêu, điều chỉnh công nghệ cho phù hợp. Nếu không khắc phục họ sẽ bị thiệt hại nặng nề. Họ phải tự cứu mình thôi. Nhưng chúng ta cũng đừng đối xử theo kiểu thiếu nhân tình thế thái, khi mời vào thì trải thảm đỏ, khi có sai phạm thì phủ nhận sạch trơn, khiến Formosa cũng như các nhà đầu tư khác hiểu sai, ảnh hưởng môi trường đầu tư của chúng ta.
Ông đánh giá thế nào về được mất khi đưa Formosa vào Việt Nam?
Khi chưa có Formosa thì đây là vùng đất bạc màu, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và các ngành khác. Có thể nói là vùng quê nghèo nhất nước. Nhưng, khi Formosa vào đầu tư dự án lớn thì hạ tầng cơ sở phát triển, từ giao thông, điện  nước đến cảng đều tốt. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào khen là tái định cư đàng hoàng nhất ở Việt Nam. Nhiều cựu Chủ tịch nước như Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang vào thăm đều khen ngợi. Các loại dịch vụ mở ra thu hút hàng ngàn lao động. Những cái tốt đó đã tạo thêm động lực để thúc đẩy phát triển, tái cấu trúc các ngành kinh tế. Tại đây cũng hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc việc làm cho hàng vạn người, đưa kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và khu vực phụ cận phát triển, tạo ra sự giao lưu hội nhập trên địa bàn.
Tất nhiên, bên cạnh đó cũng xảy ra nhiều điều đáng tiếc, đặc biệt là việc Formosa xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và sinh kế cũng như tâm lý người dân. Tôi rất băn khoăn vì việc này đã ảnh hưởng không chỉ Hà Tĩnh và cả các tỉnh lân cận. Tôi rất chia sẻ với hàng vạn người dân ở khu vực này.
Nếu Formosa thực hiện đúng cam kết thì sau này môi trường có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Nếu họ làm đúng cam kết, ta giám sát tốt thì sẽ không ảnh hưởng môi trường như thời gian vừa qua.
Ông Võ Kim Cự trao đổi về Formosa: 'Tôi rất buồn và đau' - ảnh 2Một góc khu tái định cư Formosa Hà Tĩnh.
Formosa - Võ Kim Cự
Nhắc đến Formosa người ta nghĩ ngay đến vai trò của ông. Ở đây có thể hiểu là vai trò (cũng là trách nhiệm) trong việc ông mời Formosa vào Việt Nam và gây ra hậu quả về môi trường?
Tôi chia sẻ và lo lắng trước việc bà con bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Đó là điều đáng tiếc, không ai muốn xảy ra. Chúng ta cần phải bình tĩnh, công bằng, việc nào ra việc đó. Tôi cũng như mọi công dân Việt Nam khi kêu gọi đầu tư theo chủ trương tốt đẹp của Nhà nước, với mục đích phát triển kinh tế, vì cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Các điều kiện, thủ tục đầu tư của chúng ta cả thế giới biết, công khai, rõ ràng, đâu phải làm lén lút. Đáp ứng đủ các yêu cầu thì các nhà đầu tư được chúng ta cấp phép, chào đón.
Về việc vì sao chọn Formosa, vì tập đoàn này đáp ứng được các yêu cầu của chúng ta. Thời gian đó, có Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và một số tập đoàn nữa cùng vào, nhưng khi đề nghị xây dựng cảng biển, luyện thép… (những lĩnh vực ưu tiên thời điểm đó) họ bỏ đi ngay.
Cái sai ở đây là sai của nhà đầu tư. Xả thải gây ô nhiễm môi trường, họ sai, họ nhận sai, hứa sửa sai và tìm cách khắc phục. Mình cho họ thời gian khắc phục. Nếu không khắc phục thì theo luật mà làm thôi.
Từ chuyện Formosa xả thải, theo ông, bài học nào cần rút
ra không?
Có nhiều bài học. Hiện nay chúng ta cần kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực môi trường để làm gương. Sắp tới, chúng ta tổ chức kêu gọi đầu tư, quản lý đầu tư trên tất cả lĩnh vực, đảm bảo không phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phải đảm bảo môi trường, đảm bảo an ninh, văn hóa; đảm bảo đồng bào ở những khu vực có dự án có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững.
Cảm ơn ông!
Khi phóng viên đặt vấn đề, có đại biểu Quốc hội cho rằng, Formosa là bài học đắt giá và cần phải xem xét dự án này nên dừng hay tiếp tục. Ông Cự cho rằng, đó là một ý kiến, một góc nhìn… Mọi việc không đơn giản thế đâu.

Đại diện Formosa có trao đổi với ông khi xảy ra sự cố môi trường không?

Có. Họ có trao đổi mấy lần. Tôi nói rõ, các ngài sai thì phải nhận, phải khắc phục. Còn cái nào bị hiểu nhầm thì các ngài phải giải thích lại cho đầy đủ, báo cáo Chính phủ và chịu trách nhiệm trước việc báo cáo của mình.

Nhân đạo quá, nhân đạo không chịu nổi!

LĐ - 170 ĐÀO TUẤN  6:37 AM, 23/07/2016
 Vụ việc tạm gọi là “14 lần vỡ ống nước sông Đà” đã có một kết cục nằm ngoài sự tưởng tượng của dư luận. Ảnh: Kienthuc
2 thiếu niên bị tuyên án tù vì cướp đồ ăn. 5 lãnh đạo Vinaconex được miễn xử lý hình sự. Đây là 2 vụ việc nổi trội nhất và cũng gây bức xúc nhất tuần qua.

Vụ “cướp đồ ăn” có nhiều tình tiết đáng nói: 2 thiếu niên phạm tội vào thời điểm đều chưa thành niên. Mục đích cướp giật “bánh mì” chỉ là để “chống đói”. Và vật bị cướp, theo giám định có giá trị... 45.000 đồng.

Tòa đã đúng ở lập luận: Tài sản dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít, dù định được giá trị hay thậm chí bé nhỏ đến không thể định giá (như vụ cướp mũ ở Hải Phòng) đều được pháp luật bảo vệ. Tòa cũng đúng ở việc xác định hành vi của các bị cáo cấu thành tội phạm.
Nhưng nói đó là “hành vi nguy hiểm cho xã hội” e rằng chưa khiến ngay cả những “người dưng” tâm phục khẩu phục.
Nhưng tuyên một án tù giam để nói chuyện “giáo dục” thì làm sao thuyết phục được rằng đó là một bản án nhân đạo, khoan hồng, thứ không chỉ rất cần mà còn là hiến định cho những trường hợp chưa thành niên phạm tội.
Trong khi đó, vụ việc tạm gọi là “14 lần vỡ ống nước sông Đà” đã có một kết cục nằm ngoài sự tưởng tượng của dư luận.
5 quan chức Vinaconex, được xác định rõ ràng là “thay đổi vật liệu tuyến ống, sử dụng composite sợi thủy tinh chưa được thẩm định”, “lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng”. Và hậu quả của những vi phạm là chỉ trong 3 năm, đường ống nước sông Đà đã vỡ liên tiếp 14 lần, phải dừng cấp nước hơn 340 giờ, gây ảnh hưởng đời sống của không ít hơn 177.000 hộ dân tại thủ đô. Nhưng đó chưa phải là cái mất lớn nhất. Cái mất lớn nhất phải là sự bức xúc, là việc mất mát niềm tin, hay thậm chí là định kiến, sự ác cảm đối với các công trình nhà nước.
Dân kêu là đúng! Nhân đạo quá, nhân đạo không chịu nổi!
Dân bức xúc cũng phải khi mà chỗ cần nhân đạo thì không nhân đạo, trong khi người cần trừng trị răn đe thì lại khoan hồng!
Bởi nhân đạo, khoan hồng trong một lĩnh vực, đối với những hành vi đang gây thiệt hại cực lớn về kinh tế và không ít phổ biến đang khiến lòng tin xã hội càng thêm lung lay.
Để người dân nhìn nhận chỉ nhân đạo, khoan hồng với quan chức cho dù hậu quả của hành vi mà họ gây ra nghiêm trọng đến mức nào, trong khi lại trừng phạt đến hà khắc với vị thành niên thấp cổ bé họng thì rõ ràng, đó là thất bại của những bản án và công tác tư pháp.

Đừng yêu nước theo phong trào

Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.
Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.

Hoàng Giang 
Theo VOA-24.07.2016 
Sau phán quyết nghiêng về Philippines tại tòa án La Haye ngày 12/07 vừa qua, hàng loạt các ngôi sao diễn viên, ca sĩ nổi tiếng tại Trung Quốc cùng đồng loạt đăng tải hình ảnh lá cờ tổ quốc và hùng hồn phản đối quyết định mà họ cho là “vô lý” trên. Tất cả đều cho rằng 80% diện tích biển Đông mà Trung Quốc “nhận vơ” thật sự thuộc về đất nước của họ. Trong số những người nổi tiếng đó, có rất nhiều thần tượng của giới trẻ Việt Nam, ví dụ như Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không trong bộ phimTây Du Ký đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ nước ta. Ngay lập tức, một phong trào tẩy chay người nổi tiếng Trung Quốc dấy lên trong thanh niên Việt.
Chưa hết, một số bộ phim Trung Quốc đang được chiếu tại các rạp trong nước cũng gặp nguy cơ không có người xem. Thực chất những phong trào như thế này tôi cho là vô thưởng, vô phạt. Nhìn lại, cách mà những người Trung Quốc kia đang phản ứng lại với kết quả của tòa án quốc tế về lãnh thổ biển Đông, nó cũng giống như cách giới trẻ nước ta đối mặt với mọi sự kiện lịch sử chính trị của đất nước mình từ trước tới nay. Nhắc lại, việc Trung Quốc đánh chiếm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các hải đảo nhỏ khác trên biển Đông đã diễn ra trong một thời gian dài, từ thế kỷ thứ 19. Trung Quốc đã từng tuyên bố có chủ quyền tại 2 quần đảo này vào năm 1883. Từ đó đến nay, cuộc tranh chấp (nóng và lạnh) về biển đảo đã kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa cần biết đến kết quả phán quyết của tòa án quốc tế, Trung Quốc đã sớm xây dựng khái niệm, hình ảnh tổ quốc trong mắt người dân của họ qua việc giáo dục. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc hiện nay tuy có vẻ mới mẻ, nhưng với người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, với những gì họ đã được giáo dục, thì phần lãnh thổ đó đã thuộc về đất nước họ từ hàng ngàn năm trước. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi đa số những người nổi tiếng đã lên tiếng phản đối quyết định của tòa án quốc tế như vậy.
Bây giờ, nhìn lại Việt Nam, nếu bây giờ chúng ta nói với người dân rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ thực chất là một cuộc nội chiến, hiệp định Geneve năm 1954 chia cắt Việt Nam thành 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau, với hậu quả là rất nhiều người dân miền Bắc rời bỏ quê hương vào miền Nam, thì chắc chắn đó sẽ là một trong những sự thật gây hoang mang. Và cái cách Việt Nam phản ứng với những cá nhân hay tổ chức “đi ngược lại chủ trương nhà nước” cũng không khác gì việc Trung Quốc vừa vĩnh viễn cấm các hoạt động nghệ thuật của diễn viên Châu Nhuận Phát, một người nổi tiếng hiếm hoi ủng hộ phán quyết ngày 12/07 của tòa án quốc tế về vấn đề biển Đông.
Chọn cách tẩy chay, xóa bỏ luồng thông tin trái chiều, cũng như trừng phạt những người có hành động hoặc ý nghĩ trái ý muốn của nhà nước chính là gốc rễ của tư tưởng cực đoan của chế độ cộng sản. Chưa đầy 10 năm trước, những phong trào mang theo biểu ngữ “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam” luôn luôn bị đàn áp, người biểu tình bị đánh đập dã man, rất nhiều người tiên phong đã bị xét xử và kết án trong những phiên tòa khép kín. Họ, những người yêu nước luôn cố gắng âm thầm và bền bỉ, cuối cùng cũng đã nhận được niềm vui trong những ngày tháng 7 này. Tôi biết cách các bạn trẻ đang phản ứng đều xuất phát từ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhưng hãy để tình yêu đó vượt xa hơn một phản ứng theo điều kiện, theo phong trào. Bởi vì có lẽ kẻ thù của đất nước ngày hôm nay là Bắc Kinh, nhưng kẻ thù của dân tộc theo từng thế hệ có thể đang ở giữa đất nước ta, hèn nhát ăn mòn, bán rẻ Tổ quốc từng ngày. Đừng để ngọn lửa yêu nước bùng lên với những phong trào rầm rộ hôm nay, nhưng lập tức vụt tắt vào ngày mai. Hãy giữ cho nó trường tồn, dù chỉ âm ỉ trong suy nghĩ, trong hành động, và truyền đi mãi trong lòng dân tộc.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lời kêu gọi biểu tình khắp nơi từ trong nước ra đến hải ngoại vào ngày Chủ Nhật 31 tháng 07 2016

Mạng Lưới Blogger Việt Nam vừa tung ra lời kêu gọi đấu tranh bảo vệ môi trường, truy tố thủ phạm, xét xử những cán bộ cộng sản có trách nhiệm trong vụ bao che cho Formosa, và chấm dứt hoạt động của Formosa tại Việt Nam.

Lời kêu gọi đã được truyền đi nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Để duy trì cuộc đấu tranh lâu dài và có hiệu quả, Mạng Lưới Blogger Việt Nam kêu gọi các tổ chức trong cũng như ngoài nước hãy gạt bỏ những khác biệt để ngồi lại cùng nhau đấu tranh qua hại giai đoạn: giai đoạn một là tổ chức các cuộc biểu tình rộng khắp, trải dài từ trong nước ra đến hải ngoại vào ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7 năm 2016Giai đoạn hai sẽ là các cuộc biểu tình tự phát ở khắp mọi nơi với các khẩu hiệu như “Cá Muốn Sống, Chúng Tôi Muốn Sống”. 
Sau đây là toàn văn của lời kêu gọi:
---
Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Hãy đồng lòng, đoàn kết đứng lên bảo vệ môi trường, đòi hỏi Formosa rời khỏi Việt Nam và truy tố những thành phần có trách nhiệm.

...Cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung không những chỉ là một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam. Trước cơn khủng hoảng này, nếu không dấn thân để cùng nhau góp phần giải quyết, chúng ta đang tự viết bản án tử cho đất nước thân yêu của chúng ta...

*
Thảm họa môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra đã tạo nên những hệ luỵ nghiêm trọng, ảnh hưởng tai hại lâu dài đến môi trường, sức khỏe, đời sống của người dân và kinh tế quốc gia mà trực tiếp nhất là ngư dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Quan trọng hơn, đời sống, truyền thống văn hóa - ngư nghiệp hàng trăm năm tạo dựng đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.
Tình trạng cá chết hàng loạt, biển bị nhiễm độc sẽ làm biển Đông của đất nước vắng bóng ngư dân và tạo thêm điều kiện cho Bắc Kinh đẩy mạnh âm mưu xâm lược bằng những sinh hoạt của người Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị bỏ trống.
Do đó cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung không những chỉ là một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam mà còn là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam.
Trước cơn khủng hoảng này, nếu không dấn thân để cùng nhau góp phần giải quyết, chúng ta đang tự viết bản án tử cho đất nước thân yêu của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nào giải trừ tai họa bằng những nỗ lực riêng lẻ, ngắn hạn, không đồng nhất, khó tạo được tác động thay đổi lớn.
Do đó, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) tha thiết kêu gọi:
1. Đặt Tổ quốc trên hết, hãy đồng hành cùng nhau:
Các tổ chức, đảng phái, đoàn thể, hội, nhóm chính trị, xã hội dân sự, những người hoạt động trong mọi lãnh vực Dân sinh, Nhân quyền, Dân chủ trong và ngoài nước, các bạn bè, anh chị em đã từng cùng nhau chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi của những ngày xuống đường bày tỏ lòng yêu nước... hãy cùng nhau gạt qua những khác biệt để cùng nắm tay nhau, đoàn kết, đồng lòng và đồng hành cùng nhau tranh đấu cho một mục tiêu chung: Đòi hỏi đảng và nhà nước Việt Nam phải giải quyết tận gốc những hệ luỵ tai hại do Formosa gây ra; truy tố thủ phạm, xét xử những cán bộ có trách nhiệm và chấm dứt hoạt động của Formosa tại Việt Nam.
2. Đừng giao phó trách nhiệm và vận mạng đất nước cho một nhóm thiểu số:
MLBVN tha thiết kêu gọi quý bác, cô, chú, quý tu sĩ, các thầy cô giáo kính mến, các bậc trí thức, các bạn trẻ sinh viên học sinh thân thương hãy góp một bàn tay, đồng hành với những công dân đã và đang tranh đấu vì chính vận mạng của đất nước để bảo vệ những giá trị Việt Nam, bảo vệ chính ngư dân và môi trường biển Việt Nam.
3. Hãy kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ:
Mỗi ngày, hóa chất độc hại vẫn luân lưu trên biển cả, mỗi người dân ở bốn tỉnh miền Trung vẫn nhìn về tương lai trong đen tối, và người thân của chúng ta vẫn đối diện với nguy cơ bị hủy diệt bởi môi trường, thức ăn bị ngộ độc.
Mỗi ngày, không những Formosa mà còn nhiều nhà máy khác vẫn đang thải hóa chất độc hại ra môi trường. Mỗi ngày, biển Đông bị bỏ trống, vắng bóng ngư dân. 
Do đó, từng ngày, từng giờ chúng ta phải không ngừng tranh đấu, không để mọi sự chìm vào quên lãng như số phận của những con cá chết.
Từ những điều mong mỏi trên, MLBVN xin phép được góp phần gợi ý cho những phương hướng hoạt động dựa vào 3 tinh thần trên: đoàn kết, tất cả cùng tham gia và kiên trì:
I. Tất cả cùng nhau khởi động và tiến hành một phong trào tranh đấu khôi phục và bảo vệ môi trường, chấm dứt những thảm họa tương tự trong tương lai bằng một cuộc biểu tình rộng khắp, trải dài từ trong nước ra đến hải ngoại vào ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7 năm 2016.
Đây là bước khởi đầu của chiến dịch với những đối tượng và mục tiêu sau:
1. Đối với Formosa:
a. Đòi hỏi phải giám định lại những thiệt hại đối với môi trường, đời sống người dân; phải được thực hiện bởi những chuyên gia thẩm định chuyên môn, độc lập để việc bồi thường được thực hiện công bằng, thỏa đáng;
b. Truy tố những cá nhân có trách nhiệm liên đới ra trước tòa án hình sự;
c. Chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam.
2. Đối với các quan chức trong chính phủ Việt Nam:
a. Đòi hỏi phải cách chức những nhân sự sau:
- Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường vì đã không có những quyết định ngay từ đầu để cảnh giác người dân về tình trạng hiểm nghèo do biển, cá bị nhiễm độc;
- Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lừa dối người dân về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết khi ông ta tuyên bố tảo nở hoa và thủy triều đỏ là thủ phạm;
- Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã mị dân bằng hệ thống truyền thông đưa tin, bài vở đánh lừa dư luận, cộng với hành động mời nhiều nhà báo đi ăn cá biển tại nhà hàng Hải Yến để "minh chứng" cho sự an toàn của thực phẩm và nước biển;
b. Đòi hỏi nhà nước phải minh bạch số lượng hóa chất độc hại đã bị Formosa thải ra biển; đồng thời công bố nguyên nhân thật sự dẫn đến tình trạng cá chết trên nhiều sông, hồ xảy ra ở khắp 3 miền đất nước sau khi thảm trạng cá chết tại Vũng Áng xảy ra.
c. Đòi hỏi phải công bố minh bạch nguyên nhân tử vong của người thợ lặn Lê Văn Ngày vào ngày 24/04/2016 sau khi lặn làm việc gần khu vực xả thải của nhà máy thép Formosa cũng như số phận của nhiều thợ lặn khác.
II. Tiếp nối bằng nhiều cuộc biểu tình và nhiều hoạt động đa dạng tự phát:
1. Đề nghị sử dụng và phổ biến khẩu hiệu: "Cá muốn sống, chúng tôi muốn sống" / "Fish want to live, to live we want" ở khắp mọi nơi, trên áo, trên mạng, trên đường phố để duy trì ngọn lửa của phong trào.
2. Mang nơ vàng trên ngực áo (nơ vàng cũng mang hình dạng của cá) để thể hiện tinh thần nhớ đến thảm họa cá chết, biển bị hủy diệt.
3. Thực hiện những cuộc thả tờ rơi bất ngờ, không công bố; tổ chức những lần xuống đường nhanh gọn, dưới nhiều hình thức đa dạng, bởi các nhóm nhỏ tại nhiều địa điểm khác nhau; tiến hành những cuộc trao tài liệu tóm tắt về tác hại môi trường cho sinh viên học sinh tại các trường đại học, cho đồng bào tại các phố chợ đông người.
4. Tổ chức những cuộc họp mặt liên kết giữa các hội, nhóm xã hội dân sự, nhân quyền, tôn giáo trong nước; các đảng phải, tổ chức, cộng đồng tại hải ngoại để cùng nhau hợp tác, lập ra những liên minh tranh đấu, biến tinh thần đoàn kết thành hiện thực.
5. Từ những nỗ lực liên kết, cùng nhau tổ chức những buổi hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về môi trường để nâng cao nhận thức của người dân về thảm họa Formosa.
6. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các NGO, tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, đặc biệt là Chương trình về Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho một dự án về môi trường, trong đó có một nghiên cứu về những tác hại môi trường mà tập đoàn Formosa đã gây ra tại nhiều nơi trên thế giới.
7. Kêu gọi và vận động những chuyên gia, trí thức Việt Nam trong và ngoài nước thành lập một tổ chức chuyên môn, độc lập về nghiên cứu môi trường tại Việt Nam.
8. Tổ chức những buổi ca nhạc tranh đấu với chủ đề về Biển và Thân phận Ngư Dân, thực hiện những kịch bản, những video clip, những chương trình nghệ thuật để vừa thể hiện tội ác của Formosa, vừa tạo sự tham gia của giới văn nghệ sĩ.
9. Tổ chức những cuộc đi thăm, trao đổi với đồng bào ngư dân miền Trung, thực hiện phóng sự để ngư dân cất tiếng nói đến toàn thế giới. Thực hiện những chương trình từ thiện để hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là các em nhỏ.
10. Tiếp tục gia tăng hoạt động truyền thông mạng cho chủ đề bảo vệ môi trường, vạch trần những sai trái của Formosa, những kẻ đứng đằng sau và những người đã tiếp tay cho Formosa để tạo nên một hệ thống sai trái và lộng hành.
Kính thưa quý vị, cô bác, các anh chị em và bạn bè quý mến,
Tất cả những gì trình bày ở trên chỉ là những gợi ý ban đầu, xuất phát từ mong mỏi tất cả chúng ta có thể cùng nhau ngồi lại, nắm tay nhau và cùng đứng lên biến những suy tư, thao thức thành hành động. 
Điều mong ước của MLBVN là được nhìn thấy các bạn tranh đấu cho nhân quyền, các anh chị bảo vệ cây xanh, các bác các chú trong các đảng phái, những văn nghệ sĩ, trí thức, và quan trọng hơn hết, rất nhiều, hàng ngàn, hàng chục ngàn những khuôn mặt rất mới sẽ nắm tay nhau làm nên một biểu tượng Diên Hồng cho phong trào tranh đấu khôi phục và bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư nghiệp, chủ quyền biển Đông và bảo đảm rằng con cháu chúng ta có được một cuộc sống an toàn, lành mạnh và tự do trong mọi lãnh vực.