Thursday, June 2, 2016

Ấn Độ bán hỏa tiễn chống hạm cho Việt Nam

NEW DELHI, Ấn Độ (NV) - Các giới chức quốc phòng của Ấn Độ đã coi như quyết định xong về việc bán cho Việt Nam hỏa tiễn chống hạm Brahmos, một trong những thứ hỏa tiễn chống hạm nhanh nhất thế giới.

Hỏa tiễn chống hạm Brahmos của liên doanh Nga-Ấn đi diễn hành trong ngày quân lực Ấn Độ tại New Delhi. (Hình: Emmanuel Dunand/AFP/Getty Images)

Hỏa tiễn Brahmos được tổ hợp liên doanh Nga-Ấn phát triển dựa trên nền tảng hỏa tiễn P-800 Onyx của Nga, là một hỏa tiễn tốc độ siêu thanh (gấp ba lần vận tốc âm thanh), được mô tả là nguy hiểm nhất cho các chiến hạm địch thủ so với các võ khí cùng loại.

Ấn Độ có ý định xuất cảng nó từ ba năm qua nhưng gặp chống đối từ đối tác Nga trên mặt bản quyền trí thức. Nay vấn đề này đã được hai bên dàn xếp xong, theo tin hôm Thứ Tư 1 Tháng Sáu của công ty thông tin an ninh quốc phòng quốc tế IHS Jane's Defense.

Không chỉ Việt Nam, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác âu lo trước chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, những nước ngoài khu vực nhưng có quyền lợi chung như Nhật, Ấn, Hoa Kỳ đều bày tỏ quan tâm chung, có nhiều hành động khác nhau chống lại sự ngang ngược của Trung Quốc.

Việc bán hỏa tiễn chống hạm Brahmos cho Việt Nam, giúp Việt Nam tăng khả năng răn đe đối với Trung Quốc nằm trong chiều hướng này. Việt Nam đã thảo luận với Ấn về hỏa tiễn Brahmos mấy năm qua, nay dịch vụ đang tiến đến các bước cụ thể. Mới đây, Hoa Kỳ đã bãi bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam.
Theo bản tin của IHS Jane’s Defense, Ấn Độ có chương trình cung cấp cho Việt Nam nhiều trang bị quốc phòng mà hỏa tiễn chống hạm Brahmos chỉ là một, trong chiều hướng tăng sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước.

Theo nguồn tin vừa kể, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar dự trù đi Hà Nội trong đầu Tháng Sáu này cùng với một đoàn từ 15 đến 20 người thuộc các công ty sản xuất trang bị quốc phòng tư nhân cũng như quốc doanh.

“Đoàn đại biểu công nghệ quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam để (thảo luận) phối hợp phát triển và sản xuất nhiều loại trang bị quân sự khác nhau từ súng ngắn, hỏa tiễn và hệ thống trang bị hải quân cũng như sản xuất nhiều loại đạn dược,” viên chức kỹ nghệ quốc phòng Ấn cho tạp chí IHS Jane’s Defense hay như vậy.

Nổi bật trong số những thứ được hai bên thảo luận chi tiết sẽ là hỏa tiễn chống hạm Brahmos, tầm bắn 292km từng được Ấn đề nghị bán cho Việt Nam hai năm trước đây. Hỏa tiễn này điều khiển bằng radar, dài 8.4m nặng 3.9 tấn, có thể bắn từ trên bờ, chiến hạm, máy bay hay tàu ngầm, tùy theo phiên bản khác nhau.

Từ năm 2008, Ấn Độ đã từng cung cấp cho Việt Nam 5,000 đồ phụ tùng để Việt Nam sửa chữa tân trang tàu hộ tống Petya (mua của Nga) cũng như trợ giúp Việt Nam sửa chữa tân trang đội máy bay chiến đấu MiG-21 và xe tăng T-55. Ấn cũng giúp Việt Nam huấn luyện thủ thủ tàu ngầm và hai năm trước đã cam kết giúp Việt Nam $100 triệu tín dụng để mua một số tàu tuần do công ty Ấn đóng. (TN)

02-06-2016 5:26:31 PM 

Biển Đông: Hai năm, 4,000 tàu cá Việt Nam ‘gặp nạn’

HÀ NỘI (NV) - Một thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam cho hay, chỉ trong hai năm đã có 4,000 tàu cá Việt Nam “gặp nạn” trên Biển Đông và đây là nguyên nhân khiến 2,300 ngư dân Việt Nam thiệt mạng, bị thương hay mất tích.

Ngư dân đưa thi thể ông Trương Đình Bảy ngụ tại Bình Sơn, Quảng Ngãi ngư dân tàu QNg 95861 bị bắn chết tại Trường Sa hồi cuối Tháng Mười Một, 2015, lên bờ. (Hình: VOV)

Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Dù chính quyền Việt Nam thường xuyên hứa hẹn hỗ trợ, thậm chí khẳng định, ngư dân là lực lượng giữ vai trò tiên phong trên biển, song ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu có vũ trang của ngoại quốc bắt giữ, đâm chìm hay phá hỏng), hoặc thiên tai (gió bão), thì chủ tàu phá sản.

Trong một phóng sự được đặng hồi cuối tuần vừa qua, tờ Người Lao Động kể rằng, cả chủ tàu đánh cá KH 96640 lẫn chủ tàu đánh cá KH 95797 cùng ở Khánh Hòa đều đang kêu trời. Tàu KH 96640 bị một con tàu “không rõ quốc tịch” đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa và tàu KH 95797 bị một con tàu “không rõ quốc tịch” khác đâm chìm ở vùng biển Trường Sa. Hai chủ tàu cùng xin ngân hàng khoanh nợ (tạm ngưng thu cả vốn lẫn lãi) nhưng cùng bị từ chối. Họ phải vay nóng với lãi suất cao để trả tiền cho ngân hàng và giờ thì chìm trong nợ.

Những chủ tàu đánh cá bị các tàu đã được xác định là của Trung Quốc tấn công, đập phá, cưỡng đoạt ngư cụ cũng không thoát khỏi tình trạng vừa kể.

Theo một thống kê do chính quyền tỉnh Quảng Ngãi công bố thì trong năm 2015, riêng Quảng Ngãi đã có 100 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh này bị những con tàu “không rõ quốc tịch” tấn công, xua đuổi khi đang hành nghề ở những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù ngập trong nợ, các nạn nhân vẫn cố vay mượn, sửa chữa tàu, sắm lại ngư cụ, tiếp tục ra khơi vì không còn biết làm gì để sống.

Để sống, nhiều tàu đánh cá đành tránh xa ngư trường truyền thống để đến đánh cá ở những vùng biển khác và trở thành đối tượng cho các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei…) săn đuổi, bắt giữ do xâm nhập và đánh bắt trái phép.

Số tàu đánh cá và ngư dân Việt bị các quốc gia khác bắt giữ với cáo buộc xâm nhập và đánh bắt trái phép đang tăng rất nhanh. Đó là hậu quả của tình trạng Việt Nam mất biển.

Hồi đầu năm nay, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau công bố một thống kê, theo đó, từ 2010 đến 2015, riêng Cà Mau có 248 tàu đánh cá và 2,269 ngư dân bị “nước ngoài bắt giữ.” Trong đó có một tàu bị bắn chìm, 187 tàu bị tịch thu, 9 tàu bị tịch thu ngư cụ. Chỉ mới có 51 tàu và 481 ngư dân được thả. Thống kê này cho biết, nếu tính theo quốc gia thì có 159 tàu và 1,753 ngư dân bị Thái Lan bắt giữ. 35 tàu và 358 ngư dân bị Malaysia bắt giữ. 18 tàu bị Campuchia bắt giữ,...
Thống kê vừa kể là những số liệu liên quan đến tàu đánh cá và ngư dân Cà Mau bị “nước ngoài bắt giữ.” Nếu tính số lượng tàu đánh cá và ngư dân các tỉnh khác bị “nước ngoài bắt giữ” thì con số chắc chắn sẽ gây choáng nhưng không có cơ quan hữu trách nào của Việt Nam làm chuyện đó. 

Dựa trên thông tin do một số quốc gia khác công bố, người ta biết rằng, riêng năm ngoái, Indonesia đã bắt giữ 59 tàu đánh cá và 659 ngư dân Việt Nam vì xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia. Con số ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ tăng gấp ba lần so với năm 2014.

Trước đó, Malaysia cảnh báo, Việt Nam là quốc gia có nhiều tàu đánh cá xâm phạm lãnh hải Malaysia nhất. Từ 2010 đến 2015, Malaysia đã bắt giữ 273 tàu đánh cá ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Malaysia và 252 trên 273 tàu đánh cá này là của Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam thường im lặng, không xác nhận đúng-sai trong tất cả các vụ tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam bị “nước ngoài bắt giữ,” trừ vụ hải cảnh Thái Lan xả súng vào các tàu đánh cá của Việt Nam ở vịnh Thại Lan hồi tháng chin năm 2015, khiến một ngư dân chết, hai trọng thương.

Đa số các tàu đánh cá của Việt Nam bị “nước ngoài bắt giữ” đều bị tịch thu, chỉ có một số rất ít được trả lại nhưng chủ tàu phải đóng tiền phạt rất nặng. Để dằn mặt ngư dân ngoại quốc, có những quốc gia như Indonesia đã tổ chức phá hủy hàng trăm tàu đánh cá xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia. Khoảng hai phần ba số tàu đánh cá bị Indonesia phá hủy là tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. 

Dù các quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện nhiều đợt phóng thích những ngư dân ngoại quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải của họ song người ta ước đoán vẫn còn nhiều ngàn ngư dân Việt Nam đang bị các lân bang giam giữ. Trong đó có những người đã bị giam giữ hơn hai năm. Có những ngư dân là thuyền trưởng hoặc thợ máy chính bị phạt tù tới bốn năm.

Giờ thì chính quyền Việt Nam tiếp tục tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn về việc “hỗ trợ ngư dân bám biển,” kể cả “thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực để hỗ trợ ngư dân.” Trong năm năm bừa qua, những hội thảo, hội nghị kiểu này đã được tổ chức hàng trăm lần nhưng tình hình chỉ tồi hơn so với trước.

Đó dường như và sẽ là điều tất nhiên khi một chính quyền bỏ biển, mặc kệ ngư dân tự xoay. (G.Đ)

02-06-2016 3:56:54 PM 

Tiền giả vẫn ồ ạt chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam

QUẢNG NAM (NV) - Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bảy người “tàng trữ và tiêu thụ tiền giả.” Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam tiếp tục hướng dẫn cách phân biệt các tờ bạc là “thật hay giả.”

Tiền giả được trộn với tiền thật rồi cột thành bó để phát tán trong vụ án mới bị phát giác ở Quảng Nam. (Hình: Công an Quảng Nam)
Nhiều năm nay, tiền giả vẫn là vấn nạn dai dẳng đối với an ninh kinh tế của Việt Nam.

Vụ án mới nhất liên quan đến tiền giả xảy ra tại tỉnh Quảng Nam. Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố bốn người đàn ông và ba người phụ nữ vì “tàng trữ và lưu hành tiền giả,” loại có mệnh giá 200,000 đồng.

Cả bảy người vừa kể cư ngụ tại nhiều tỉnh ở miền Bắc Việt Nam như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nghệ An. Họ mang tiền giả vào Quảng Nam rồi chia nhau tiêu thụ bằng cách dùng nó mua hàng có giá trị thấp để nhận tiền thối lại là tiền thật hoặc đặt mua các lô hàng với số lượng lớn, khi thanh toán thì trộn tiền giả vào các bó tiền thật, rồi bán lại các lô hàng với giá rẻ để nhanh chóng gom tiền thật về.

Giống như hàng trăm vụ án liên quan đến tiền giả khác tại Việt Nam, toàn bộ 200 triệu đồng tiền giả trong vụ án này đều được mua từ Trung Quốc. Cũng cần nhắc lại là hồi 2002, Quảng Nam từng bắt được một công dân Trung Quốc tổ chức tiêu thụ số tiền giả trị giá đến 1.4 tỉ đồng. Dẫu có một người bị phạt tử hình, hai người bị phạt tù chung thân nhưng không ăn thua. Tiền giả từ Trung Quốc vẫn cứ ố ạt chảy vào Việt Nam.

Hồi Tháng Ba vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết lượng tiền giả mà hệ thống ngân hàng và ngân khố quốc gia thu giữ trong năm 2015 tiếp tục tăng, nếu so với năm 2013 thì tăng khoảng 23% và khuynh hướng đó có dấu hiệu mạnh mẽ hơn từ giữa năm 2015 đến nay. Nếu so với năm 2013, lượng tiền giả mà hệ thống ngân hàng và ngân khố quốc gia thu giữ trong năm 2015 tăng khoảng 23%.

Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì các nhân viên ngân hàng, ngân khố có thể dễ dàng phát giác tiền giả khi kiểm tra những yếu tố bảo an trên tờ bạc (hình chìm, mực đổi màu,…). Song vì đa số công chúng không đủ hiểu biết về các đặc điểm bảo an của tờ bạc nên vẫn dễ nhận nhầm tiền giả. Cơ quan này khuyến cáo công chúng nên dành thời gian tìm hiểu về cách nhận biết các đặc điểm bảo an trên tờ bạc, kiểm tra kỹ những tờ bạc mà họ nhận từ các giao dịch hàng ngày.

Có một thực tế mà Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tránh đề cập, đó là trước nay, toàn bộ tiền giả mà công an Việt Nam thu giữ từ các vụ mua bán, vận chuyển, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tiền giả đe dọa an ninh kinh tế nên quốc gia nào cũng xem việc sản xuất, mua bán, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả là trọng tội. Chống tiền giả thường là một nỗ lực có tính cách quốc tế. Riêng với Việt Nam - nơi mà tất cả các vụ phạm tội liên quan đến tiền giả đều đã xác định được xuất xứ là từ Trung Quốc thì lại chưa bao giờ thấy yêu cầu Trung Quốc phối hợp ngăn chặn dòng tiền giả và xử lý từ gốc. Có thể cả chính quyền Việt Nam lẫn công an Việt Nam đều biết nguyên nhân vì sao và kết quả sẽ thế nào. (G.Đ)

02-06-2016 4:11:47 PM 

Nổ lớn trên đảo Phú Quý, nhà sập, nhiều người bị thương

BÌNH THUẬN (NV) - Một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà ngư dân ở huyện đảo Phú Quý làm năm người bị thương nặng và hàng chục căn nhà bị hư hỏng, nghi do tàng trữ thuốc nổ để đánh cá.

Nhiều ngôi nhà bị hư hại sau vụ nổ. (Hình: Thanh Niên)
Báo Thanh Niên dẫn tin, chiều 2 Tháng Sáu, ông Phạm Thật, phó giám đốc công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đã có báo cáo nhanh gửi chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh xung quanh việc chỉ đạo điều tra vụ nổ trên đảo Phú Quý và cũng đã cử tổ cán bộ giỏi ra đảo Phú Quý phối hợp với công an huyện đảo này khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ nổ.

Vụ nổ xảy ra khoảng 7 giờ 30 tối ngày 1 Tháng Sáu, tại nhà ông Nguyễn Văn Bé (34 tuổi) ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, khi ông này và hàng xóm đang nhậu.

Hiện trường vụ nổ cách bệnh viện của đảo chừng sáu cây số, khiến 51 căn nhà bị sập một phần hoặc bị vỡ kính, bay mái tôn. Ngoài năm người phải cấp cứu do bị thương nặng, số người bị thương nhẹ, chưa cần đến sự can thiệp của y tế lên đến hàng chục người.

Nói với phóng viên Thanh Niên từ đảo Phú Quý, ông Lê Hồng Lợi, phó bí thư thường trực huyện Phú Quý, cho biết ông Bé hiện bị bỏng khá nặng. Vợ ông Bé bị thương nhiều nơi trên cơ thể, sức khỏe không tốt. Riêng các nạn nhân khác đang nằm viện chỉ bị thương nhẹ. Lực lượng chức năng đang phong tỏa hiện trường, điều tra vụ việc. (Tr.N)

 02-06-2016 4:46:55 PM 

Vũ khí biến đổi gien...

Mai Tú Ân-03-06-2016
Theo tin nước ngoài thì các nhà khoa học ở Braxin đã chế ra một loại vũ khí biến đổi gien rất công hiệu để tiêu diệt đến tận cùng loài muỗi, đặc biệt là loài muỗi gây bệnh sốt rét ở vùng đầm lầy Amazon.


Đây là phương pháp tiêu diệt muỗi theo hệ thống di truyền. Họ đã cấy những gien đặc biệt đã được biến đổi trong phòng thí nghiệm vào trong hệ thống ADN của những con muỗi đực khỏe mạnh rồi thả chúng bay vào tự nhiên. Những con muỗi đực này hoàn toàn bình thường, vẫn ăn, ngủ và cặp kè với hàng ngàn con muỗi cái khác. Các con muỗi cái đó vẫn thụ tinh bình thường với con muỗi đực bị biến đổi gien và vẫn sướng như thường. Rồi chúng có thai và sinh sản ra hàng triệu con ấu trùng muỗi khác (con cung quăng)...

Những chú cung quăng này đông như quân Nguyên và lớn mạnh không ngừng. Chẳng bao lâu chúng đã trở thành những con muỗi trưởng thành và bắt đầu đi hút máu người. Chúng vẫn sinh hoạt bình thường như cha ông chúng như ăn, uống, ngủ , nghỉ và yêu đương. Nhưng...

Ở mọi thứ trên đời đều có chữ Nhưng, hơn nữa chữ Nhưng đây lại do các nhà khoa học Braxin cấy vào và chỉ phát tác vào thế hệ thứ hai của loài muỗi đực mà thôi. Những con muỗi đực đó chỉ yêu chay thôi, chứ không thể yêu như bình thường được. Vì mỗi lần hăng máu lên để cố gắng yêu thật,chúng lấy súng ra thì tức thời gãy mất súng. Súng rời khỏi bệ lăn lông lốc, thành thử chưa ra đến chợ súng đã không còn.

Đó là gien biến đổi đã phát huy khả năng phá đám tình dục của loài muỗi. Tất cả những con muỗi thế hệ thứ hai đó đều sống bình thường cho đến khi trăm tuổi, nhưng tất cả chúng đều buồn buồn, ngơ ngác với vẻ bề ngoài hai thì, xăng pha nhớt. Và khi chúng chết đi thì loài muỗi nguy hiểm này cũng đã diệt vong.

Nhưng cũng theo các nhà khoa học trên thì người ta có thể chế ra gien biến đổi của những người CS. Họ cấy những gien đã được biến đổi vào những anh CS đực, rồi cho các anh ấy xuất chuồng sang VN sống. Giống như loài muỗi độc xứ Braxin, các anh CS này vẫn sống bình thường, yêu đương với các chị CS. Họ giao phối bình thường, các chị vẫn sướng và mang thai. Rồi đẻ và nuôi các em bé nhà nòi CS lớn lên. Bọn CS con này, cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày nên lớn nhanh như thổi. Nhưng cũng giống như loài muỗi biến đổi gien, chúng làm gì cũng được nhưng không được giao phối, cấm tuyệt đối việc giao phối vì sợ gãy súng. Nên ta sẽ thấy trong xã hội CS lúc ấy chỉ còn là những khuôn mặt hãm tài, bế tắc và không có lối thoát của những anh CS vừa đi vừa ngơ ngơ giữ súng cho đến chết. Và chế độ CS đã diệt vong...

Nhưng cũng lại các nhà báo quốc tế nói trên bình luận rằng, chỉ vài năm nữa thôi thì không diệt CS cũng vong, làm gì phải tốn thời gian như rứa....

Trung Quốc đang thao túng ASEAN ?

 Theo RFI - 02-06-2016 12:08 
media
Kỳ họp thượng đỉnh Asean-Trung Quốc năm 2010. REUTERS/Na Son Nguyen/Pool 
Ở Hà Nội, ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ không được đón tiếp nồng hậu như là Obama ! Trung Quốc, quốc gia đã biết cách tập hợp xung quanh mình các nước trong khối ASEAN trên lĩnh vực kinh tế, nhưng kể từ nay lại chia rẽ họ trên vấn đề Biển Đông. Trên đây là những nhận định của ông Jean-Raphael Charponnière, chủ tịch Trung Tâm Châu Á, tại Pháp trong bài viết đề tựa “Trung Quốc tập hợp Và chia rẽ ASEAN”, đăng trên trang mạng Asialyst.com.
Về mặt dân số, mười nước thành viên của ASEAN chỉ bằng có một nửa số dân của Trung Quốc (khoảng 600 triệu người). Tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN chỉ bằng 1/5 GDP của Trung Quốc. Về sản xuất, Trung Quốc từ năm 2010 có nền công nghiệp chế biến đứng đầu thế giới và mức sản xuất - tính theo giá trị gia tăng - cao gấp 7 lần so với cả vùng Đông Nam Á.
Quan trọng hơn nữa, cách biệt về tổng mức đầu tư tư bản cố định giữa các nước ĐNA với Trung Quốc càng bị đào sâu : từ 1-4 lần trong giai đoạn 2005-2009, thì nay là từ 1-8 kể từ năm 2010. Cuối cùng Trung Quốc đầu tư trong nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn so với các nước ĐNA đến 10 lần.
Nỗi ám ảnh về “thuyết đô mi nô”
Ngược dòng lịch sử, ASEAN ra đời trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vào lúc bấy giờ, chính phủ các nước Đông Nam Á lo sợ là một sự thất bại của Hoa Kỳ sẽ làm bùng phát dòng người Việt Nam và đồng minh Trung Quốc của họ đổ vào toàn khu vực.
Một sự xâm lược mà theo cách gọi là “thuyết đô mi nô” đã ám ảnh tâm trí mọi người. Đến mức theo một lời ví dí dỏm lúc ấy, các vụ kẹt xe nổi tiếng ở Bankok có lẽ là cách phòng thủ tốt nhất chống lại “bộ đội”, những người lính của quân đội Việt Nam. Mối đe dọa này đã buộc lãnh đạo các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan quyết định thành lập ASEAN vào tháng 7/1967.
Thế nhưng trái với những gì “thuyết đô mi nô” thông báo, sự kiện Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975 đã không gây ra một cơn thủy triều nào. Mối đe dọa Trung Quốc cũng bị xóa nhòa và các ưu tiên của ASEAN đã tiến triển từ hướng chính trị chuyển sang kinh tế. Đặt ưu tiên cho việc hội nhập toàn vùng, các lãnh đạo đã đưa ra rất nhiều chương trình, mà không ít trong số này đã thất bại.
Ví dụ điển hình là chương trình thúc đẩy “thỏa thuận ưu đãi thuế quan” (accords commerciaux préférentiels). Mỗi quốc gia sẽ phải chuẩn bị một danh mục các sản phẩm của các nước thành viên khác trong khối có thể được miễn thuế nhập khẩu.
Ngập ngừng trước những biện pháp tự do hóa rụt rè đó, các nước trong khối đã lách thỏa thuận này bằng cách dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho những sản phẩm ít được trao đổi nhất ! Ví dụ, Indonesia – một đảo quốc nhiệt đới, đã hủy mức thuế quan cho việc nhập khẩu mặt hàng « xe gạt tuyết » ! Chính vì thế mà xuất nhập khẩu trong chương trình PTA này chỉ chiếm có 3% tổng trao đổi thương mại của cả khối ASEAN.
Hợp nhất để cạnh tranh với Trung Quốc
Bất chấp các thất bại của nhiều dự án, lãnh đạo các nước trong khối ASEAN đã ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch, Asean Free Trade Agreement (AFTA) năm 1992. Một cam kết được giới quan sát tiếp nhận với một thái độ ngờ vực. Nhưng ngoài sự mong đợi, ASEAN đã thực thi thỏa thuận. Một sự thành công mà người ta có thể gián tiếp cho rằng đó là nhờ vào Trung Quốc.
Tại sao vậy ? Trên thực tế, không như vẻ bề ngoài cho thấy, mục tiêu của AFTA không nhằm thúc đẩy hội nhập toàn vùng mà là để đối phó với việc Trung Quốc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (IDE). Bởi vì, dù là có mở cửa đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng các nước ASEAN e ngại bị lép vế so với Trung Quốc.
Thêm vào đó là bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ : sự ra đời của một Thị Trường Lớn tại Châu Âu và Thỏa thuận Trao đổi Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Nỗi e ngại này đã thúc đẩy ASEAN thành lập một thị trường chung để thu hút đầu tư.
Hơn nữa, trong bối cảnh giảm thuế quan trên toàn thế giới, các nước này đã dỡ bỏ những hàng rào thuế quan, từng gây cản trở cho các trao đổi giữa các nước ASEAN. Tuy không cản trở được Trung Quốc thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn khối ASEAN, nhưng thỏa thuận tự do mậu dịch AFTA cũng đã góp phần cải thiện sức hấp dẫn của Hiệp hội. Từ năm 2014, ASEAN đã thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp hơn là Trung Quốc.
Khủng hoảng tài chính châu Á, cơ hội cho Trung Quốc chiếm lòng tin ASEAN
Thế rồi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên 1990. Các quốc gia ASEAN bị rúng động do cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ quyết định thả nổi đồng baht Thái Lan vào tháng 7/1997. Đồng tiền Thái giảm giá mạnh đã khơi ngòi các cuộc tấn công nhắm vào những đồng tiền khác được neo vào đô la Mỹ. Do các giải pháp can thiệp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đôi khi không phù hợp, đã không hồi phục được niềm tin, các nước ĐNA đã trải qua một kỳ khủng hoảng mà có lẽ sẽ còn trầm trọng hơn nếu như Trung Quốc lại hạ giá đồng tiền để cho xuất khẩu của họ có sức cạnh tranh hơn so với ASEAN.
Bằng cách duy trì giá trị đồng nhân dân tệ bám theo đô la và không tiến hành phá giá tiền tệ để nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu, Bắc Kinh đã có một thái độ có trách nhiệm, một thái độ đã làm thay đổi cách nhìn của ASEAN đối với Trung Quốc. Yên tâm bởi thái độ của Trung Quốc trong suốt cuộc khủng hoảng châu Á, ASEAN đã đánh giá cao những sáng kiến được đề ra sau đó.
Dựa theo một đề nghị của Nhật Bản, Trung Quốc đã thảo luận các khả năng thực hiện "Hoán đổi tài chính - Swap" giữa các ngân hàng trung ương. Tiếp đến Bắc Kinh đề nghị một thỏa thuận tự do mậu dịch đi kèm với các chương trình « vụ mùa sớm - Early Harvest », gây ra một dòng nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc. Vài năm sau đó, khi tiến hành một kế hoạch hỗ trợ phục hồi kinh tế để chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu, chính quyền Bắc Kinh đã hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng này đối với ASEAN.
Sau tập hợp là chia rẽ ?
Sau khi đã góp phần xiết chặt các mối liên hệ kinh tế giữa các nước ASEAN, Trung Quốc đã chia rẽ giữa các nước này do chính thái độ của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông và bản đồ « đường lưỡi bò chín đoạn » liên quan đến các yêu sách về lãnh thổ. Lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, lãnh đạo các nước thành viên đã không có được một lập trường chung trong hồ sơ này.
ASEAN cũng bị chia rẽ về quan hệ với Hoa Kỳ và về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, một thỏa thuận – được ví như là anh em sinh đôi của Hiệp định quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương TAFTA giữa Mỹ và châu Âu – đề xuất một sự hội nhập sâu hơn theo các chuẩn mực của Hoa Kỳ.
TPP đã được Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam ký kết. Trong trường hợp Hoa Kỳ phê chuẩn TPP, Philippines và Thái Lan cũng có thể xin gia nhập. Tuy nhiên, ít có khả năng là thỏa thuận này giúp nâng cao vị trí của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong ngoại thương của ASEAN. Nếu như Quốc Hội Mỹ không phê chuẩn TPP thì con đường cho Trung Quốc đi vào ASEAN sẽ còn rộng thênh thang hơn.

Trung Quốc thực sự muốn lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông ?

Thụy My 
Theo RFI- 02-06-2016 16:05 
media
Đảo Đá Chữ Thập- Fiery Cross Reef- Trường Sa. Ảnh vệ tinh của Viện CSIS chụp được ngày 03/09/2015 Reuters 
Sáng hôm qua 01/06/2016, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể chuẩn bị loan báo lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nguồn tin ẩn danh này nói rằng tuyên bố trên nhằm đáp trả « các hành động khiêu khích » của quân đội Mỹ trong khu vực, ý nói việc Hoa Kỳ cho tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại hải phận và không phận quốc tế.
Bài báo trên được đăng tải vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm tại Biển Đông. Trung Quốc, các quốc gia đòi hỏi chủ quyền và các nhà quan sát, kể cả Hoa Kỳ đều đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về vụ kiện của Philippines, dự kiến sẽ được tuyên trong mùa hè này. Bên cạnh đó, các quan chức cao cấp Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp gặp gỡ tại cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược lần thứ tám. Các nhà ngoại giao quốc tế và nhà phân tích cuối tuần này cũng sẽ họp tại Singapore, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri La, diễn đàn an ninh khu vực.
Hơn nữa, các động thái của Mỹ và Trung Quốc trong tháng vừa rồi ở vùng biển này thực sự căng thẳng. Vào đầu tháng, chiến hạm USS William P.Lawrence đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ; đây là lần thứ ba Hoa Kỳ thực hiện quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Sau đó, một phi cơ trinh sát EP-3 Aries bị hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngăn chận « một cách nguy hiểm » - sự cố đầu tiên loại này kể từ hai năm qua. Cuối cùng, nguồn tin của SCMP đe dọa thành lập ADIZ trên Biển Đông, và báo chí Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ « tăng cường áp lực » lên Hoa Kỳ về vấn đề biển đảo.
Các nhà quan sát lâu nay vẫn tranh luận về khả năng Trung Quốc có thể tiến đến việc tuyên bố lập ADIZ tại Biển Đông, sau khi đã lập tại Biển Hoa Đông tháng 11/2013. Trong hai năm gần đây, tình hình đã căng thẳng hẳn lên khi Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo tại các thực thể ở Trường Sa đang tranh chấp với các nước khác trong khu vực, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, kể cả Đài Loan. Khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ tại Biển Hoa Đông, giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng đã rất căng thẳng.
Theo The Diplomat, có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng ADIZ Trung Quốc trên Biển Đông. Vùng nhận dạng phòng không đòi hỏi cơ sở hạ tầng rộng lớn để có thể thực thi. Trước đây Trung Quốc đã thường xuyên đối mặt với những khó khăn khi áp đặt ADIZ trên Biển Hoa Đông. Còn tại Biển Đông, Bắc Kinh đã cho xây hai đường băng tại Trường Sa, trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi (Subi Reefs), bổ sung vào phi đạo đã có trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm được của Việt Nam năm 1974. Các chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm đã tiến hành tập trận. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhận định, các phi đạo này có thể tiếp đón bất kỳ loại máy bay nào của quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện công tác tình báo, giám sát qua việc lắp đặt các hệ thống radar tầm xa hiện đại ; và mới đây còn tiến đến việc sử dụng máy bay không người lái trên Biển Đông.
Nếu thế mạnh về phương tiện có thể khiến người ta suy đoán sắp tới sẽ có một ADIZ Trung Quốc trên vùng biển này, thì cũng có ba lý do khác, theo The Diplomat, chủ yếu về chính trị và luật pháp, để tin rằng Bắc Kinh sẽ không viện đến vùng nhận dạng phòng không.
Trước tiên, Trung Quốc tỏ ra nhập nhằng về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, và huy động mọi phương cách để mở rộng những thực thể đang chiếm đóng. Chính đường lưỡi bò 9 đoạn mơ hồ này đang được tòa án La Haye xem xét. Việc đơn phương tuyên bố ADIZ mà không có cơ quan quốc tế nào công nhận, sẽ khiến Bắc Kinh được yêu cầu vạch rõ các giới hạn trên không, cũng sẽ phản ánh thực tế yêu sách về vùng biển phía dưới. Chẳng hạn, liệu Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ bao trùm lên toàn bộ đường 9 đoạn hay chỉ một phần ? Và nếu thế thì tại sao ? Hiện nay Bắc Kinh tránh đề cập đến tính chất của yêu sách, mà chỉ nhấn mạnh một loạt giải thích rối rắm về lịch sử cho việc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. ADIZ sẽ làm hỏng yêu sách này (cho dù không chính thức lập ADIZ thì Bắc Kinh cũng đã ngăn trở Mỹ thực hiện tự do hàng không).
Như thế thì mục đích của thông tin trên SCMP là gì ? The Diplomat cho rằng, có thể nguồn tin từ quân đội Trung Quốc chỉ muốn ngăn chận việc Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra Biển Đông – hoạt động mà theo Bắc Kinh là nhằm « quân sự hóa » vùng biển tranh chấp. Cả Washington và Bắc Kinh đều đã chơi trò răn đe lẫn nhau để ngăn chận trước hành vi của đối phương.
Về phía Mỹ thì rất đơn giản : Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận một ADIZ Trung Quốc trên Biển Đông ! Phát biểu ít lâu sau khi Bắc Kinh lập ADIZ Hoa Đông, ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh điều này, và cảnh cáo Trung Quốc không nên hành động tương tự tại Biển Đông.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại để ngỏ vấn đề. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ lập « vào đúng thời điểm, sau khi hoàn tất các chuẩn bị cần thiết ». Và đầu năm 2014, trả lời câu hỏi về khả năng lập ADIZ Biển Đông của báo Asahi, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc « có quyền bảo vệ an ninh quốc gia », nhưng sau đó ít lâu đã nói thêm là «Trung Quốc không cảm thấy mối đe dọa nào về an ninh từ các nước ASEAN, và lạc quan về quan hệ với các láng giềng tại Biển Đông ».
The Diplomat cho rằng về tính hữu ích của ADIZ Biển Đông, Trung Quốc phải cân nhắc giữa cái được và cái mất. Cái giá phải trả là gì ? Đó là lại thêm tai tiếng (và có thể còn nặng nề hơn nếu thua vụ kiện Philippines), và chi phí hậu cần to lớn khi phải thực thi trên vùng trời nhộn nhịp của Biển Đông.
Còn lợi ích ? ADIZ là một dạng « cảnh báo sớm ». Hoa Kỳ là nước đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không đầu tiên trên thế giới, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị Liên Xô tấn công bất ngờ. Với ưu thế quân sự của Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là trên không, khó thể hình dung việc Bắc Kinh lập ADIZ để đối phó với một vụ tấn công đột xuất từ phía « Không quân siêu mạnh » của một nước ASEAN nào đó.
Theo The Diplomat, cũng giống như ADIZ Hoa Đông, đây chỉ là động thái mang tính chính trị, hỗ trợ cho việc kiểm soát lãnh thổ bất hợp pháp. Bắc Kinh hy vọng các nước đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông sẽ tuân theo các quy định do mình đặt ra. Nếu phán quyết sắp tới có lợi cho Philippines, khả năng rất lớn là ADIZ Biển Đông sẽ không được tôn trọng.
Như đã nói ở trên, bài báo của SCMP được đưa ra đúng vào thời điểm Mỹ-Trung sẽ bàn bạc – công khai và riêng tư – tại Đối thoại Kinh tế Chiến lược và tại Shangri-la 2016 ở Singapore. Nếu Trung Quốc thực sự muốn áp đặt ADIZ Biển Đông, thì đã tính toán sẵn và sẽ chỉ làm công việc loan báo trong dịp này. Còn nếu tuyên bố trễ hơn, có thể vào mùa hè hay cuối năm nay, thì các bên cũng đã cảnh giác. Và nếu loan báo không bao giờ được đưa ra, có thể mọi người sẽ tập trung vào vấn đề quan trọng hơn : đó là làm giảm căng thẳng tại Biển Đông.

Tuyệt thực hay không tuyệt thực...

Mai Tú Ân-03-06-2016
Việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực là việc của anh, và chúng tôi ủng hộ anh là việc của chúng tôi. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ anh trên cơ sở hành động cực đoan, phí phạm mạng sống như vậy. Vì cuộc sống vốn rất quí giá đối với ai đang có nó, và đối với Trần Huỳnh Duy Thức lại càng quí giá hơn. Bởi anh đang mang trên mình một sứ mạng cao cả không phải cho riêng mình, cũng như anh đang lầm lũi một mình đi trên một con đường gian nan diệu vợi để đến với cái đích mà thành quả cũng không phải chỉ cho riêng mình. 


Chúng ta không ở cùng tình trạng với anh nên không thể đánh giá vội vàng những việc anh làm. Tuyệt thực, xét theo nghĩa đen thông thường sẽ chỉ dẫn đến một cái chết chắc chắn cho kẻ cực đoan thực hiện nó. Nó sẽ gây nên tiếng vang rất lớn và làm rúng động tất cả những bên liên quan. Điều đó là rõ ràng. Nhưng liệu chính quyền, mà điển hình là các quan chức ở nơi giam giữ người tuyệt thực đó có để nó xảy ra không ? Chắc chắn là không rồi, bởi hệ lụy xấu của cái chết vì tuyệt thực sẽ kéo dài gây phiền phức không nhỏ cho họ, nên bằng mọi giá họ không để cho điều đó xảy ra.

Theo các tài liệu nước ngoài thì ngăn cản tuyệt thực đến chết của ai đó là một điều dễ dàng với những người thực thi pháp luật. Đầu tiên họ sẽ dùng lời lẽ thiệt hơn, phân tích sự tốt xấu của việc tuyệt thực cho đối tượng. Liên tục, bền bỉ và huy động mọi lực lượng, kể cả gia đình vợ con người tuyệt thực. Việc tuyệt thực của đối tượng càng kéo dài thì họ lại càng đẩy mạnh công việc tuyên truyền chống tuyệt thực, kể cả các việc như đưa các đồ ăn hấp dẫn vào bày trước mặt nạn nhân đang đói lả. Nhưng nếu tất cả các việc trên đều không thành trước sự cương quyết của người tuyệt thực thì họ sẽ dùng các biện pháp mạnh. Nhiều người xúm vào cưỡng chế, đè nạn nhân lúc này đang rất yếu vì đã bỏ ăn lâu ngày, rồi nhồi nhét thức ăn vào mồm nạn nhân một cách rất ư là bạo lực. Giống như người Pháp nhồi thức ăn cho ngỗng, vỗ béo chúng hết tầm để sau này lấy gan ngỗng, là một món ăn đặc sản vậy.

Không ai có thể cưỡng lại việc nhồi nhét ngoài ý muốn này được. Và cứ vài ngày một lần việc bơm nhét thức ăn này lại diễn ra một lần. Ngoài ra còn có sự trợ giúp của thuốc bổ, tăng lực….mà bác sĩ sẽ chính cho nạn nhân, đem lại sự sống, sức khỏe cho nạn nhân ngoài ý muốn của họ. Đại loại đó là các phương pháp chống tuyệt thực mà các nhà tù trên thế giới thường làm với những kẻ nào muốn tuyệt thực. Do vậy việc tuyệt thực đến chết là không khả thi, không thể thực hiện được. Và ta sẽ không thấy ai chết trong tù vì tuyệt thực cả.

Trở lại với câu chuyện tuyệt thực hiện nay của Trần Huỳnh Duy Thức thì tất cả chúng ta lấy làm mừng khi biết được rằng, anh sẽ không thể chết được dù có cương quyết đến đâu đi nữa. Đó là điều đáng mừng và chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục tuyệt thực có thời hạn của anh.

Nhưng sẽ có những người không đồng ý và cho rằng vậy thì tuyệt thực để làm gì, để đánh bóng tên tuổi hay gây nên sự ầm ĩ ? Xin thưa rằng, mỗi người đấu tranh dân chủ đều có con đường đi riêng, không hẳn ai cũng giống ai. Tùy theo môi trường, hoàn cảnh mà họ đề ra chiến lược đấu tranh của riêng họ một cách tốt nhất có thể.

Chuyện tuyệt thực để phản đối, hay yêu cầu nhà cầm quyền một điều gì đó là một phương pháp đấu tranh bất bạo động rất hiệu quả, mang lại tiếng vang rất lớn trong cộng đồng ủng hộ cũng như mang lại nỗi lo sợ hiển nhiên đến cho những người cầm quyền. Việc tuyệt thực có thời hạn mà Trần Huỳnh Duy Thức đang làm sẽ không vô ích. Nó sẽ là tiếng chuông thức tỉnh, là tiếng kêu gọi đấu tranh gửi đến cho tất cả chúng ta. Và với Trần Huỳnh Duy Thức thì việc anh tuyệt thực có thời hạn như hiện nay là điều đáng làm và nên làm.

Trần Huỳnh Duy Thức, chúng tôi luôn ủng hộ anh.

Đắk Lắk kiến nghị dừng thủy điện Đrăng Phôk

RFA 2016-06-02  
images1532977_a2.jpg
 Nơi dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đrang Phôk trong vườn quốc gia Yok Đôn Photo courtesy of baomoitruong
Chính quyền tỉnh Dak Lak đề nghị dừng dự án thủy điện Đrăng Phôk trong vùng trung tâm vườn quốc gia Yok Đôn.
Ông Bùi Hồng Quí, chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Dak Lak cho biết ủy ban nhân dân đã gởi báo cáo lên chính phủ và Bộ Tài Nguyên Môi Trường để kiến nghị không tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk. Tuy nhiên vẫn theo lời ông, vì dự án đang trong quá trình đánh giá tác động môi trường nên việc dừng hay không là do quyết định của thẩm quyền các bộ ngành ở trung ương.
Được biết trước đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn từng đề nghị chính phủ nên xem xét việc dừng thực hiện chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của Vườn Quốc Gia Yok Đôn để xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk.
Lý do Bộ Nông Nghiệp đưa ra là việc vận hành nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã, thí dụ những con voi có thể bỏ đi nơi khác.
Ngoài ra, việc xây đập còn làm chuyển đổi giòng chảy và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đặc biệt các loài thủy sinh.
Dự án nhà máy thủy điện Đrăng Phôk theo dự kiến sẽ có công suất 26MW với tổng đầu tư 850 tỷ do công ty đầu tư xây dựng TECCO đảm trách.

Cá chết, dân khổ vì cán bộ lè phè, đảng vô cảm

GNsP (02.06.2016) – Chủ tịch Hội nghề cá: “Ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế chưa thể đi đánh cá ven biển, các hộ nuôi cũng dậm chân tại chỗ.”

Số cá mu với tổng số lượng hơn 30 tấn của bà con ngư dân tại giáo xứ Đông Yên-Hà Tĩnh đang bị phân rữa do nhà cầm quyền địa phương không hỗ trợ thu mua, như lời ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vào chiều ngày 01.05.2016 trong cuộc họp với các cán bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Thảm trạng cá và các sinh vật dưới biển và trong sông chết do chất độc thải ra từ các nhà máy đã xẩy ra ở Việt Nam từ nhiều năm qua, nổi cộm nhất là vụ Nhà máy Vedan bột ngọt Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã ô nhiễm sông Thị Vải năm 2008.
Cho đến khi có nghi vấn tập trung vào Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) là thủ phạm gây ra cái chết oan khiên cho cá và các sinh vật biển khác từ đầu tháng 4/2016, người dân Việt Nam đã bị hòanh hành trong nhiều năm bởi tệ nạn thực phẩm và trái cây nhiễm độc nhập nội từ Trung Quốc. Tệ nạn ô nhiễm môi sinh làm hại sức khỏe người dân, đây đó ít nhiều có bàn tay của người Trung Hoa nói riêng và con buôn bất chính người Việt nói chung cũng đã được các nhà Khoa học và báo chí nêu lên nhưng Chính quyền vẫn không ngăn chận được.
Trách nhiệm ấy phải đổ lên đầu ai trong guồng máy cai trị “nói nhiều làm ít” của Việt Nam là điều chưa ai tìm được câu trả lời.
Chỉ có điều rõ ràng không tránh được là trách nhiệm cao nhất phải buộc vào cổ tứ trụ triều đình gồm Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước trước kia là Trương Tấn Sang và bây giờ là Trần Đại Quang. Tiếp đến, trước kia là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bây giờ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau cùng là trách nhiệm của Thủ tướng, trước là Nguyễn Tấn Dũng và bây giờ là của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Nếu bảo lãnh đạo đã chỉ thị cho cấp thừa hành giải quyết vụ cá chết theo chức năng của mình thì ai có bổn phận phải trả lời câu hỏi: Tại sao sau 8 năm xẩy ra vụ Vedan ô nhiễm sông Thị Vải, đảng và nhà nước vẫn để cho các nhà máy tự do xả thải chất độc làm chết ngư sản tại:
–  Sông Chà Và trong địa hạt Bà Rịa, Vũng Tầu Ngày 25/09/2015.
–  Báo chí Việt Nam đưa tin có 20 luật sư của 12 tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá lồng bè đã kiện 14 doanh nghiệp xả thải, làm cá chết hàng loạt trong năm 2015.
-Sau đó lại xẩy ra vụ hàng loạt cá nuôi bè trên sông chết ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 08/01/2016 . Người dân địa phương xác quyết cá chết từ nguồn nước của nhánh sông Cái, nơi có hàng chục cống xả từ các công ty đổ xuống sông. Ông nhà nước giải thích lung tung.
Theo VietNamNet thì các cơ quan chức năng: “Ghi nhận sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều đã làm hạn chế sự khuyếch tán oxy trong nước, dẫn đến hiện tượng suy giảm hàm lượng oxy (DO).
Kết quả, phân tích cho thấy hàm lượng (DO) oxy hòa tan trong nước vào đầu tháng 1 vừa qua dao động từ khoảng 1,51mg/l-1,92 mg/l (quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt phù hợp với mục tiêu bảo tồn động vật thủy sinh là 4 mg/l) nên hàm lượng DO không đạt chất lượng. Vào thời điểm cuối năm 2015, hàm lượng DO ở đây suy giảm xuống mức khoảng 2 mg/l (tháng 12/2014 trung bình là 2,6mg/l; tháng 12.2015 trung bình là 2,3mg/l).”
Báo này cho biết cách lý giải của Đồng Nai lại khác: “Theo quan điểm của Sở TN-MT Đồng Nai, cá bè được người dân nuôi với mật độ quá dày, khoảng cách giữa các bè quá chật nên ảnh hưởng đến không gian sống của cá. Đồng thời chế độ ăn uống, kỹ thuật nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm tự nhiên chứ không theo một chế độ nhất định. (báo ViệtNamNet 08/01/2016).”
Nạn nhân của môi trường là người dân thì nói thẳng là do nhà nuớc để cho các nhà máy xả thả tự do nên dân lãnh đủ.
SAU FORMOSA
Đầu tháng 5/2016, sau ngày xẩy ra vụ cá chết từ Vũng Áng (Hà Tĩnh), tại cửa sông Lạch Bạng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa lại xẩy ra vụ cá chết trên sông Bưởi.
– Đến sáng ngày 4/5/2016, người dân nuôi cá lồng ở thị trấn Thuận An đã gom hơn 4 tạ cá chết để cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.
Phóng viên báo Lao Động ghi nhận:  hộ nuôi có cá chết ít nhất vài kg, nhiều nhất gần 1 tạ cá gồm các loại như: cá vẩu, cá chẽm từ 0,2 -1,2kg nuôi vùng nươc lợ trong phá Tam Giang, cạnh cửa biển Thuận An, phía bờ Nam.
Báo này viết: “Trước đó một ngày, hơn 1 tấn cá nuôi lồng của 23 hộ dân thôn này bị chết đã được đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết. Người dân địa phương cho hay đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng cạnh cửa biển Thuận An bị chết trên diện rộng.
Ở phía Bắc cửa Thuận An thuộc xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt cũng đã diễn ra. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận tình trạng cá trên vùng biển thị trấn Thuận An, Hải Dương và xã Phú Hải nổi lờ đờ, chết dạt vào bờ biển với số lượng ít.”
Không thấy có báo cáo hay dân kêu có nạn xả thải chất độc trong khu vực, do đó ai cũng tin do nguồn nước thải theo chất độc từ Formosa đem vào.
Nhưng ngay từ những ngày cuối tháng 4/2016, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV-Voice of Vietnam) đã đưa tin: “Theo kết luận của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, vào thời điểm xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong khu vực của tỉnh, tại vùng cá chết, nước biển nhiễm kim loại nặng.
Theo thông tin này, sau khi tiến hành phân tích 9 mẫu nước và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, gần cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc; vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định các thông số về tổng hàm lượng Nitơ tính theo amoni, hàm lượng kim loại nặng Crôm vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và chất lượng nước mặt.”
VOV viết tiếp: “Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định: nguyên nhân cá biển, cá nuôi bị chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên địa bàn.
Kết quả quan trắc vào buổi sáng cho thấy hàm lượng sắt trong nước biển ở bãi tắm Xuân Hải và Thạch Hải của Hà Tĩnh đều vượt ngưỡng cho phép.
Tại bãi tắm Xuân Hải, hàm lượng sắt (Fe) sáng 8.5 là 0,7 mg/l, vượt quy chuẩn Việt Nam 0,2 mg/l; còn bãi tắm Thạch Hải vượt 0,3 mg/l. Các chỉ số khác như pH, Mn, DO các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo lời chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn thì: “Sắt không phải chất độc nên không ảnh hưởng đến việc tắm hay bất kỳ hoạt động trên biển nào của con người. Tuy nhiên, trước khi sắt bị hòa tan trong nước thì ở một nơi nào đã thải ra kim loại này với nồng độ lớn, lúc đó nó sẽ làm giảm ôxy đột ngột trong môi trường biển và độ pH cũng giảm xuống, khiến đời sống động thực vật thủy sinh bị ảnh hưởng.”
Cho đến nay, cuộc điều tra tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc đã bước qua tháng thứ 3 mà kết qủa thử nghiệm tại sao cá chết vẫn chưa được công bố cho dân an tâm.
Hàng triệu con người từ Thanh Hóa vào tận Bình Thuận đã không có công ăn việc làm khiến cuộc sống kinh tế khó khăn. Dân chài lần đầu tiên phải phơi lưới lâu ngày để nhìn biển âu sầu, bãi trống quạnh hiu. Đã ai biết có bao nhiêu vạn dân làng muối, làm nước mắm phải bỏ cuộc sống do cha ông truyền lại?
Một vùng đất ven biển miền Trung đã nghèo và xơ xác lại cơ cực hơn bao giơ hết trước nạn đói rình rập đêm ngày và con trẻ không còn tương lai từ ngày cá tôm vắng bóng.
VÔ CẢM ĐẾN THẾ LÀ CÙNG
Thế mà, những cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ dân như Mặt trận Tổ Quốc, Quốc hội và Tổng Liên đòan Lao động Việt Nam lại có thể tiếp tục cúi đầu ngoảnh mặt ngậm miệng.
Duy nhất chỉ có Hội nghề cá đề nghị sớm công bố thông tin cá chết hàng loạt.
Hội nghề cá Việt Nam vừa có công văn đề nghị Chính phủ và bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc miền Trung.
Theo Hội nghề cá, càng kéo dài tiến độ xác định nguyên nhân thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ bị pha loãng dần. Các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.” (báo ViệtnamExpress, 27/05/2016)
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá, đến nay ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế chưa thể đi đánh cá ven biển, các hộ nuôi cũng dậm chân tại chỗ.
ĂN VÀO SẼ CHẾT
Nguy hiểm hơn, theo báo điện tử của các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (Tin mừng cho Người nghèo) thì đã có người chết và có người bị nhiễm độc khó cứu sống sau khi ăn tép và mực biển.
Bái báo đề ngày 30/5/2016 viết: “ Ngày 28.05.2016 bà Nguyễn Thị Liên, người xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã bị rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi ăn tép biển. Bệnh viện đã lắc đầu từ chối tiếp nhận và khuyên gia đình đưa về “lo cho bà” vì bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và cho biết bà bị suy thận cấp, viêm gan cấp, viêm mạc đường hô hấp và toàn bộ tim gan, ngũ tạng và các bộ phận đã bị nhiễm độc nặng nên “khó bề cứu chữa”. Hiện tại bà Liên đang mê man, môi miệng bị sưng tấy, có khi co giật và nôn mửa rất nhiều.
Ông Ngô Văn Linh nói khi phát hiện bà Liên bị ngộ độc, thì đưa ra bệnh viện để cữu chữa. “chúng tôi đưa ra trạm xã, y tá đã sơ cứu, chuyền nước. Y tá bảo nếu bị ngộ độc bình thường thì khi nôn mửa xong là sẽ đỡ, nhưng đây không phải là nhiễm độc thông thường.”
Gia đình đã đưa xuống bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nghệ An để khám chữa. Bác sĩ tỉnh đã siêu âm, xét nghiệm và lấy thuốc cho bà uống. Các chỉ số sức khỏe đều ở mức nguy hiểm.
Ông Linh cho biết đã thực hiện tất cả các phương pháp sàng lọc, từ siêu âm, xét nghiệm, thử huyết học và chụp XQuang cũng như chuyền nước và uống thuốc theo chỉ thị của bác sĩ nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm.
Trước sự xuống cấp trầm trọng của bà Liên, ông Ngô Văn Linh đã quyết đưa bà ra bệnh viện tuyến trung ương. Nhưng bác sĩ bảo “nếu có thể thay máu và các bộ phận nhiễm độc ngay thì hãy đưa, còn nếu không thì đưa đi cũng chỉ để cho thỏa mãn thôi.”
Ông Ngô Văn Linh cho biết nguyên nhân là do “bà Liên đi chợ mua tép biển (tiếng địa phương là Khuyếc) về nấu canh với cà chua của nhà làm và ăn thì sau đó bị ngộ độc và nôn tháo nôn mửa từ đó.”
Ông Ngô Văn Hợp người cùng xóm với gia đình bà Liên đến thăm bà trên giường bệnh nói: chúng tôi yêu cầu các “người có chức có quyền” giải quyết vụ việc và trả lại cho người dân quyền sống trong môi trường trong sạch vì bây giờ mạng sống của người dân đang bị đe dọa.
Người dân cũng cho biết, bên xóm 1 cũng thuộc xã Nghi Phương, cả hai vợ chồng anh Luyến mua cá và mực biển về ăn và cũng bị trúng độc. Khi đang đưa ra Hà Nội điều trị thì anh Luyến tử vong trên đường, còn chị vợ thì nay cũng đã bị bệnh viện trả về.”
Trước nguy cơ đến mạng sống của dân như thế này mà các cơ quan nhà nước và địa phương cứ nhởn nhơ đứng ngoài, không ai đề xướng thử nghiệm xem nguyên nhân nhiễm độc từ đâu?
Thái độ vô cảm của những viên chức đảng có máu lạnh cũng đã thấy khi họ không thử nghiệm xác thợ lặn Lê Văn Ngày, người đã chết ngày 24/04/2016, sau khi khi ông thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc KCN Formosa – Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) ?
Báo chí Việt Nam tường thuật: “Sau nhiều lần lặn biển, thấy trong người khó thở, mệt mỏi nên chiều 24-4, ông Ngày xin phép nghỉ, ở ký túc xá của công ty. Đến chiều cùng ngày, ông Ngày có biểu hiện trẹo hàm, tức ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội và khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình thì ông tử vong. Cái chết của ông Ngày làm gia đình hết sức bất ngờ, không hiểu lý do vì sao.”
Tuy báo chí Việt Nam xác định “Hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4 tại khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên – Huế (15/4), Quảng Trị (16/4) và kéo dài đến 4/5” nhưng không ai có thể bào đảm từ đây trở đi sẽ không còn cá chết và nước biển sẽ an tòan.
Vì hiểm họa môi trường có thể kéo dài mấy chục năm, hoặc mãi mãi nên càng im hơi lặng tiếng lâu bao nhiêu thì càng khổ cho dân và hại nước bấy nhiêu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ tiếp tục hứa sẽ minh bạch trắng đen nhưng vẫn chưa thấy tăm cá nơi nào.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc được báo chí trích lời nói: “Chúng tôi biết người dân đang mong đợi nguyên nhân cá chết, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Nhưng không có chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường ém thông tin vụ việc có thông tin đến đâu chúng tôi sẽ thông báo đến đó. Mỗi phát ngôn đưa ra cần có chứng cứ khoa học cụ thể.”
Trước đây ít lâu, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng hồ hởi báo cáo: “Đã đủ cơ sở khẳng định có câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận.”
Ông nói: “Bộ đang nỗ lực cùng Hội đồng chuyên gia khoa học công nghệ và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất báo cáo Thủ tướng và nhân dân.”
Trước lập luận “câu giờ” của hai viên chức này, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Khải chỉ trích: “Cho đến thời điểm hiện tại, đã nhiều ngày trôi quan, cơ quan chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về độc tố gây chết cá.”
Về việc này, đơn vị có thẩm quyền quá chậm chạp trong việc lấy mẫu thử nghiệm, công bố thông tin.
Tiến sỹ Khải, người nổi tiếng với biệt Danh “ông gìa Ozone” vì đã có nhiều đóng góp khoa học giúp dân trong nhiều năm, đã đưa ra lời phê bình của ông trong cuộc phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam ngày 24/04/2016.
Ông nói: “Tôi cho rằng, nếu lấy được mẫu xét nghiệm, chỉ trong một ngày có thể kết luận được ngay. Để khách quan và chính xác hơn, cơ quan có thẩm quyền nên đề nghị các nhà khoa học vào cuộc làm rõ sự việc”.
Để xúc tiến việc giúp dân, Tiến sỹ Khải đã chính thức yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho ông đầy đủ thông tin và nguyên nhân gây ra nạn cá chết để ông xem có thế đóng góp thêm gì chăng. Tuy nhiên, phía Nhà nước đã vô cảm như bao giờ vẫn thế.
Thái độ của đảng và nhà nước CSVN trong vụ cá chết và điều tra kỹ năng bảo vệ môi trường của Formosa càng ngày càng có nhiều khuất tất.
Ngay cả việc cứu trợ dân vùng bị nạn cũng rất hạn chế và cầm chừng như không muốn phát động to lên sợ gây hại cho quyền lợi của đảng.
Cho đến nay chỉ thấy có Giáo hội Công giáo và các Tổ chức Tôn giáo ngoài quốc doanh đã công khai vận động quyên góp trong và ngoài nước để tiếp cứu đồng bào miền Trung.
Tuyệt nhiên không thấy các Tôn giáo của Nhà nước trong Mặt trận Tổ quốc nhúc nhích gì.
Hay là họ và nhóm “tứ trụ triều đình Trọng-Quang-Ngân-Phúc” đã mắc phải chứng bệnh nhậy cảm từ Phương Bắc nên chưa ai dám tách khỏi cái bóng của người Trung Hoa ?
Phạm Trần
(06/016)