Monday, March 7, 2016

Cuộc điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Châu Âu

Ỷ Lan, thông tín viên RFA 2016-03-07  
ba620
Bà Emily O’Reilly, Thanh tra Liên Âu. Photo by Ỷ Lan
Hôm 3 tháng 3 vừa qua, Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu đã nghe Bà Thanh tra Liên Âu (Ombudsman) điều trần về những sai phạm việc quản lý nhân quyền của Uỷ hội Châu Âu trong cuộc thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam.
Cách đây hai năm, đầu tháng 8 năm 2014, hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã nộp đơn kiện lên Thanh tra Liên Âu về việc Uỷ hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam trong cuộc thương thảo Mậu dịch và Đầu tư. Ngày 29 tháng 2 vừa qua, bà O’Reilly, Thanh tra Liên Âu, lên tiếng xác nhận các lý lẽ trong đơn kiện của hai tổ chức nhân quyền nói trên là chính xác, và tuyên án Uỷ hội Châu Âu mắc tội sai phạm việc quản lý nhân quyền.
Mặc dù Hiệp ước Tự do Mậu dịch (FTA) Liên Âu – Việt Nam kết thúc hồi tháng 12 vừa qua, nhưng hiệp ước chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn. Vì vậy, lời tuyên án của bà Thanh tra Liên Âu và cuộc điều trần của bà trước Quốc hội Châu Âu hôm thứ năm ngày 3 tháng 3 vừa qua, cùng sự lên tiếng đồng tình và sôi nổi của nhiều dân biểu đang đặt ra vấn đề bức thiết cho sự thay đổi chính sách nhân quyền chưa từng có của Uỷ hội Châu Âu. Xin mời quý thính giả theo dõi các phát biểu tại cuộc điều trần :
Trước hết là lời của Bà Emily O’Reilly, Thanh tra Liên Âu:
"Hai tuần trước đây, tôi đã kết thúc cuộc điều tra về đơn kiện liên quan tới bản hiệp ước. Thúc đẩy tôi làm cuộc điều tra đến từ đơn kiện đệ nạp vào tháng 8 năm 2014 của hai tổ chức phi chính phủ, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Các lời khiếu kiện của hai tổ chức không đi vào nội dung Hiệp ước Tự do Mậu dịch, mà đúng hơn, là việc Uỷ hội Châu Âu từ khước đặt vấn đề tác động nhân quyền trước khi vào bàn thương thảo chuyện mậu dịch.
Điều 21 của Hiệp ước Lisbon quy định việc hành xử của Liên Âu trên trường quốc tế “phải được hướng dẫn theo những nguyên tắc đặt ra từ lúc thành lập, là tìm kiếm và thăng tiến trong toàn thế giới : dân chủ, pháp quyền, nhân quyền phổ quát và không thể chia cắt cùng những tự do cơ bản, tôn trọng nhân phẩm, những nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết cũng như những nguyên tắc của Hiến chương LHQ và các công ước quốc tế”.
Theo quan điểm của tôi, sự từ khước tác động nhân quyền trước khi bắt đầu thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch của Uỷ hội Châu Âu là trái chống với tinh thần của Hiệp ước Lisbon (…) Điều này phản chiếu sự thất bại trong hành động nhất quán với những giá trị cao cả và những nguyên tắc mà Liên Âu đặt nền tảng. Đối với tôi, đây đã là sự “sai phạm việc quản lý nhân quyền”.
Bà Gaelle Dusepulchre, đại diện cho Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tiếp lời :
"Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nghĩ rằng, chẳng ai vừa lòng với Hiệp ước Tự do Mậu dịch theo văn bản đệ trình hôm nay. Điều ghi nhận giản dị, là chẳng có một ghi chú đặc biệt nào về nhân quyền, ngoại trừ trong lời mào đầu. Không có một cơ chế nào cho việc thu tập các khiếu kiện của nạn nhân. Đối với chúng tôi, như thế là quá thiếu sót. Thật thà mà nói, chúng tôi nhận xét rằng Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam và những hiệp ước khác theo kiểu ấy, rồi mặc dù đơn kiện trình lên Thanh tra Liên Âu được ghi nhận là có vấn đề, Liên Âu vẫn từ chối sửa đổi các quy định. Chúng tôi nhận định rằng, hành động của Uỷ hội Châu Âu đã làm phân xé luật pháp quốc tế."
Dân biểu Pier Antonio Panzeri, người nước Ý phát biểu :
"Sự từ chối đánh giá nhân quyền trước khi thương thảo Hiệp ước Mậu dịch với Việt Nam chứng tỏ sự tôn trọng nhân quyền không hiện hữu. Sự kiện này không chỉ là triệu chứng sai phạm việc quản lý nhân quyền, mà là sai lầm từ chính sách. Theo tôi, chúng ta cần xem xét lại phương cách Liên Âu tiếp cận để thương thảo các hiệp ước mậu dịch. Chúng ta chẳng còn ảo tưởng việc hiệp ước mậu dịch giúp đổi thay tình trạng nhân quyền trong một sớm một chiều. Nhưng các hiệp ước ký kết phải thực hiện việc cải tiến nhân quyền. Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu phải biểu tỏ thái độ trên vấn nạn này. Nếu chẳng có gì thay đổi qua tiến trình theo dõi cho tới nay, tôi tin rằng Quốc hội Châu Âu không thể nào phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam."
Dân biểu Petrus Austrevecius, người Lithuania, đưa lời đề nghị quyết liệt:
"Điều rất hiển nhiên, là tình hình Việt Nam còn xa với sự bình thường, chẳng lý tưởng chút nào. Khi nói tới nhân quyền thì Việt Nam không là tấm gương tốt. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý ở đây, tại Quốc hội Châu Âu này, rằng tất cả mọi cuộc thương thảo mậu dịch phải được sử dụng toàn triệt nhằm cải tiến nhân quyền tại quốc gia đệ tam. Chúng ta đã từ bỏ chính sách này chăng ? Không ! Nhưng nếu chúng ta chấp nhận các lý lẽ của Uỷ hội Châu Âu, thì chúng ta nên đóng cửa Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu đi cho rồi. Tôi xin kêu gọi quý vị Dân biểu, các bạn đồng viện của tôi ở đây, không chấp nhận tình trạng này. Phải mở lại cuộc thương thảo về Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam để sử dụng bất cứ công cụ nào mà chúng ta có trong tay để bảo đảm chính sách Liên Âu phục vụ và thăng tiến nhân quyền."
Bà Barbara Lochbihler, Cộng hoà Liên bang Đức, nhấn mạnh chính sách nhân quyền Liên Âu :
"Tôi nghĩ rằng sự từ chối của Uỷ hội Châu Âu trong việc đánh giá nhân quyền, mà bà Thanh tra Liên Âu gọi là sai phạm việc quản lý nhân quyền, là điều vô cùng trầm trọng. Đây là lần đầu tiên nhóm từ này được sử dụng. Và phản ứng của Uỷ hội Châu Âu cho thấy mục tiêu nhân quyền hoàn toàn bị xem thường. Tôi đồng ý với các bạn đồng viện Dân biểu Quốc hội Châu Âu của tôi, rằng việc này không thể cho qua, bởi vì đây không riêng chuyện Việt Nam mà thôi, mà Liên Âu đang thương thảo các hiệp ước mậu dịch với nhiều quốc gia khác nữa."
Trên đây chỉ là một số phát biểu trong cuộc thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Châu Âu, mà vì thời lượng đài không thể nêu lên hết. Kết thúc cuộc điều trần, bà Elena Valenciano, người Tây Ban Nha, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, nói:
"Đây là một đề tài hết sức quan trọng của chúng ta, vì nó mang tới một tiền lệ, một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Như quý vị đã thấy, mọi thành viên trong phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu thuộc tất cả các nhóm chính trị khác nhau đều biểu tỏ một quan điểm như nhau. Quý vị ở Uỷ hội Châu Âu đang phải đối diện với quan điểm hợp nhất trên chính sách nhân quyền của các lực lượng chính trị thuộc Quốc hội Châu Âu."
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét rằngp : “Quyết định của bà Thanh tra Liên Âu là một tiền lệ quan trọng mà Quốc hội Châu Âu phải sử dụng để thúc đẩy mạnh mẽ các bảo đảm nhân quyền trước khi ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Liên Âu cần nghiên cứu tác động nhân quyền như một đòi hỏi cần thiết, bắt buộc phải có, trước khi thương thảo Hiệp ước mậu dịch và đầu tư, để cho các quốc gia muốn có quan hệ mậu dịch với Liên Âu sẽ không thể nào hưởng các quyền lợi mậu dịch và đầu tư nếu vi phạm các quyền cơ bản của người công dân nước họ”.

Công ước luật biển 82?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-03-07  
001_GR330911
Bản đồ đường đứt khúc 9 đọan do TQ áp đặt trên biển Đông  AFP
Trong khi tòa quốc tế La Haye chưa đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tự tiện đưa ra đường chín đoạn xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Manila, thì câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 vì bị phán quyết bất lợi hay không, Mặc Lâm phỏng vấn PGS-TS Hoàng Ngọc Giao, nguyên vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ.
Mặc Lâm: Thưa ông, Giáo sư Stefan Talmon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công pháp quốc tế thuộc đại học Bonn của Đức đã có bài viết được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng lại có nội dung rằng có thể Trung Quốc sẽ rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982 nếu đường 9 đoạn của họ bị phán quyết là vô giá trị. Ông nghĩ thế nào về việc này?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tờ Thời báo Hoàn cầu đăng ý kiến một học giả của viện nghiên cứu Công pháp quốc tế nói rằng nếu như phán quyết của trọng tài quốc tế La Haye lại có lợi cho yêu cầu của Philippines có nghĩa rằng việc Trung Quốc đưa ra yêu sách Biển Đông, gồm vùng chín đoạn, là vi phạm Công ước quốc tế về luật biển thì họ có thể rút ra khỏi Công ước quốc tế luật biển năm 82. Theo tôi hiểu tuy chưa phải là phát biểu chính thức của chính phủ Trung Quốc nhưng nó được phát ngôn từ học giả của một học viện nghiên cứu và lại được đăng trên tờ báo Hoàn Cầu ở Hong Kong, nó là tờ báo có thể nói là phát ngôn của chính phủ Trung Quốc thì ta có thể hiểu rằng đây là cái thông điệp từ phía chính phủ Trung Quốc dọa, hay có tính chất thăm dò công luận quốc tế nếu phán quyết này bất lợi với Trung Quốc thì họ sẽ rút khỏi Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.
Mặc Lâm: Việc rút tên ra như vậy nếu xảy ra thì trách nhiệm của Trung Quốc tới đâu và liệu họ có bị ràng buộc gì không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế thì việc tham gia ký kết các công ước quốc tế là tự nguyện và chấm dứt hay rút khỏi Công ước về luật biển năm 1982 nó cũng thuộc về quyền của Trung Quốc. Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển năm 1982.
Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế thì hiệu lực của luật pháp quốc tế nó thể hiện sự lợi ích của các quốc gia đan xen và phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Thế thì cái ý chí của Trung Quốc về mặt dưới góc độ chính trị pháp lý quốc tế là anh đã tham gia Công ước năm 82 nhưng bây giờ do phán quyết bất lợi mà anh rút ra thí chính cái uy tín chính trị và pháp lý của anh nó càng làm rõ hơn rằng Trung Quốc đang là một chủ thể vô trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, trong những cam kết quốc tế và chính vì thế cho nên cái mất của Trung Quốc rất lớn.
Trung Quốc mất uy tín về chính trị là một đối tác đáng tin cậy. Bởi vì anh tham gia cam kết luật chơi nhưng bây giờ có chuyện bất lợi không đáp ứng lợi ích của anh, không phù hợp với quy chuẩn của quốc tế thì anh từ bỏ nó. Anh rút khỏi cái cam kết quốc tế này thì hành vi đó sẽ bất lợi rất nhiều về mặt ngoại giao cũng như về mặt quan hệ uy tín và độ tin cậy của các quốc gia trên thế giới đối với Trung Quốc.
Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi Công ước luật biển năm 1982.
- GS-TS Hoàng Ngọc Giao
Ta có thể đặt ra câu hỏi đối với Công ước luật biển 82, anh hành xử một cách tùy tiện, anh tham gia đến khi có chuyện bất lợi thì anh không chấp nhận giải quyết thông qua con đường tài phán quốc tế và anh rút khỏi công ước thì các quốc gia khác sẽ đặt vấn đề là gì?
Trong các lĩnh vực cam kết về quốc tế, lĩnh vực thương mại, lĩnh vực môi trường liệu có độ tin cậy với Trung Quốc hay không? Có nên chơi với Trung Quốc hay không khi mà anh chơi rồi tự tiện chơi rồi rút ra khỏi cuộc chơi thế thì cái mất của Trung Quốc sẽ là uy tín và sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Không những Việt Nam mà kể cả những nước Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước trong tổ chức ASEAN, đấy là cái mất rất lớn của Trung Quốc.
Mặc Lâm: Khi rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 82 thì Trung Quốc có còn bị ràng buộc pháp lý một cách gián tiếp nào đó những gì họ đã đồng ý ký tên vào năm 1982 hay không?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Dù Trung Quốc có rút khỏi Công ước luật biển năm 1982 thì những giá trị pháp lý của những quy tắc quốc tế đối với việc phân định các vùng biển, quyền của các quốc gia đối với các vùng biển đã được thực hiện từ năm 1982 tới nay. Nó đã được tòa án công lý quốc tế áp dụng. Nó cũng đang được tòa án luật biển vận dụng thì những quy tắc đó không chỉ là những quy tắc công ước, mà nó còn là tập quán khác. Nó đã trở thành tập quán thông qua quan hệ quốc tế cho nên anh có rút khỏi đó thì luật chơi quốc tế nó vẫn là những quy tắc mang tính tập quán và các nước phải tuân thủ.
Mặc Lâm: Theo ông khi Trung Quốc đăng lại bài viết này thì ý của họ là gì? Mượn lời người khác nói lên ý định của mình hay chỉ là phép thử các nước trong khu vực?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi đối với Trung Quốc đây là phép thử. Trung Quốc luôn luôn “tung cầu đo gió”, kể cả ở Biển Đông cũng vậy. Họ dấn lên một tí xong rồi để xem phản ứng dư luận thế nào. Việc họ đưa ra thông điệp này cũng là cái trò “tung cầu đo gió”, chứ không phải nói như vậy thì họ sẽ làm như vậy đâu. Bời vì bây giờ chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố đâu? Họ cho một viện nghiên cứu và một ông giáo sư nào đó nói và đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu tung vào dư luận như vậy để xem phản ứng của quốc tế như thế nào, nhận định của các học giả quốc tế ra sao.
Chứ còn để đi đến quyết định thì họ đủ thông minh để hiểu rằng họ sẽ mất rất nhiều. Họ sẽ không còn là thành viên thẩm phán của luật biển quốc tế, không còn là thành viên của Ủy ban thềm lục địa quốc tế….nhưng mà đây chỉ là sân chơi về luật biển thôi còn các sân chơi khác, những đối tác của Trung Quốc, các quốc gia khác người ta phải xem lại có nên hợp tác với Trung Quốc không bởi vì anh hành xử tùy tiện, luật rừng thích thì anh chơi, không lợi thì anh rút. Đó là cái mất lớn.
Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối. Liệu Trung Quốc có cho rằng họ không tham gia vào Công ước luật biển năm 1982 thì họ không còn trách nhiệm nào nữa và muốn làm gì thì làm hay không? Lúc ấy vai trò của tòa án quốc tế là gì?
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao: Tòa án quốc tế vẫn có thể xem xét dựa trên nguyên tắc tập quán quốc tế. Những quy tắc trên biển mà luật biển quy định không những chỉ là quy tắc thành văn ở trong công ước mà nó đã và đang trở thành các quy phạm, tập quán quốc tế. Không nhất thiết là anh phải ký kết mà cả thế giới theo cách hành xử như vậy thì anh cũng phải theo cách hành xử như vậy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Phó giáo sư Hoàng Ngọc Giao.

Không chỉ là phường chèo, mà còn là sân khấu hài

Nguyenhuuvinh03/08/2016 - 00:07  
Mới đây, phong trào tự ứng cử vào "Quốc hội Việt Nam" được nhiều người chú ý và cố súy. Điều này gây nhiều chú ý của dư luận xã hội. Nhiều người dân đồng tình và quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên, người dân sôi nổi hưởng ứng một công việc mà xưa nay họ cứ mặc cho đảng tự tung tự tác và biểu diễn trước bàn dân thiên hạ màn bầu cử "dân chủ đến thế là cùng".
Thế nhưng, khi một số người quyết định sử dụng quyền của mình được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam minh nhiên công nhận, thì lập tức dàn báo đảng vào cuộc tấn công bằng những đòn hạ cấp mà theo ngôn ngữ dân gian, thì đó là những đòn "đánh dưới thắt lưng'.
Dẫn đầu phong trào này, lại không ai khác, mà vẫn là kẻ xung phong đốt đền: Nguyễn Như Phong với tờ báo ngành dầu khí Petrotimes bằng bài viết: "Quốc hội không phải phường chèo".
Đọc qua bài báo, người ta không khỏi phải giật mình cho sự hèn hạ, bẩn thỉu của cái gọi là "báo chí cách mạng". Bởi từ lý luận đến câu văn... tất cả chỉ là những chuyện bới móc đời tư để công kích, để châm biếm nhưng lại rất... hài hước mà không đưa ra được bất cứ điều gì khả dĩ có trí tuệ để thuyết phục độc giả rằng việc tự ứng cử của Nguyễn Công Vượng và một số người khác được tờ báo nêu tên là trái pháp luật, là tội lỗi, là cần lên án!
Có những con vật bình đẳng hơn!
Trước hết, việc nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng tự ứng cử vào "Quốc hội" là việc hiển nhiên anh ta có quyền, thậm chí là có quyền bình đẳng như Nguyễn Phú Trọng hoặc Trần Đại Quang, Nguyễn Sinh Hùng... chẳng thiếu một ly, một lai nào trong tư cách công dân.
Thế nhưng, nếu như tờ báo của Nguyễn Như Phong không hề dám mở miệng hỏi nửa lời với Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Sinh Hùng xem với tư cách đại biểu "Quốc hội" rồi Chủ tịch "Quốc hội", trong vai trò Tổng bí thư đã làm được những gì sau bao năm ngồi mòn cái ghế ở đó? Các ông ấy đã làm được gì? Có ai cử ông ấy vào đó không, ngồi đó làm gì hay chỉ để qua ngày, đoạn tháng ngồi giữ cái ghế mà bất chấp việc ngồi ấy có đem lại lợi ích gì cho dân nước nhay không? Hay chỉ như Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ thẳng vào mặt Đảng mà rằng "Đảng giao thì tôi làm chứ không xin xỏ ai" nên không cần từ chức, dù cái làm đó là tham nhũng ngày càng nặng nề, pháp hoại nền kinh tế đến kiệt quệ?
Thì ngược lại, tờ báo này đã công kích đời tư của công dân ứng cử? Phải chăng, tờ báo của Nguyễn Như Phong muốn chứng minh câu chuyện trong Trại súc vật của George Orwell rằng "Mọi con vật đều bình đẳng nhưng có một số con bình đẳng hơn"?
Trong khi, một người đứng ra tự ứng cử đã cam kết một chương trình rõ ràng, hẳn hoi rằng "sẽ giúp làm tốt nhiều công việc như bảo tồn bảo tàng, chấn chỉnh văn hóa và giáo dục chỉ sau 1 năm đến 3 năm, hơn hẳn nhiều đại biểu Quốc hội hiện nay" (Trích bài báo), thì tờ báo này lấy để chế giễu và đánh phá? Phải chăng, chỉ khi nào những đại biểu, thậm chí Chủ tịch Quốc hội nhắm mắt làm ngơ trước quân xâm lược rằng thì là "Biển đông không có gì mới" khi mà quân giặc đang xâm chiếm bờ cõi, ngư dân đang ngày đêm bị giết trên biển. Còn việc làm tốt nhiều công việc, chấn chỉnh nền văn hóa... là chuyện đáng lên án?
Mà sự công kích cũng lạ đời. Tờ báo của Nguyễn Như Phong kể lên mặt báo tiểu sử của gia đình người nghệ sĩ này, rằng thì là bố và mẹ đều là đảng viên, đã học qua đại học và theo nghề diễn viên. Nghĩa là người có nòi giống từ đảng mà ra, có học hành, nhận thức hẳn hoi mà lại khẳng định rằng "Đảng, Nhà nước là xấu xa" là "hèn với giặc, ác với dân”, “dâng biển đảo cho giặc”… Thì  thiết nghĩ đảng, nhà nước phải xem lại mình. Bởi đây rõ ràng không phải lời của những con em thế lực thù địch hoặc không có nhận thức. Mà theo cách nói của Nguyễn Phú Trọng thì "Mình có thế nào, người ta mới nói thế'.
Hài nhất là đọc đoạn này: "Hỏi Vượng: Chỉ rõ xem Đảng dâng đảo, bán đảo ở chỗ nào, đảo nào thì không nói được, một kiến thức sơ đẳng về Trường Sa cũng không biết". Thực ra, không biết Nguyễn Như Phong đã hỏi Nguyễn Công Vượng lúc nào và ở đâu? Nhưng, tôi tin đó là sự bịa đặt, bởi nếu chỉ cần hỏi đưa trẻ con, nó cũng có thể giải thích Hoàng Sa hiện nay ở đâu và Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng là cái gì? Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc của cha ông để lại, dưới tay đảng thì nó thuộc về ai? Những hòn đảo ở Trường Sa như Gạc Ma nay thì ai quản lý. Đó là những kiến thức mà hình như Nguyễn Như Phong đã quên.
Duy có điều này, thì người đọc thấy được căn bệnh "suy bụng ta ra bụng người" của Nguyễn Như Phong là khá rõ. Rằng"Công Vượng ít được tham gia các chương trình lớn, các sân khấu tầm cỡ quốc gia... Và dường như để “bù” lại, mấy năm gần đây, Vượng liên tục gây sự chú ý của công luận bằng những phát ngôn và hành vi gây sốc, thậm chí phản cảm". Đọc đến đó, Công Vượng có hành động như vậy hay không thì chưa rõ, bởi đó mới chỉ là sự quy kết hậm hực của một bút nô. Nhưng người ta thấy rõ điều này: Cũng làm báo, nhưng khi không được nổi danh, được kính trọng bằng người khác, Nguyễn Như Phong đã không ngần ngại làm người lính xung kích, làm kẻ đốt đền, bất chấp sự thật và sẵn sàng bịa đặt, hại người. Phải chăng đó chính là để "bù" lại cho khả năng của mình? 
"Quốc hội" không chỉ là phường chèo, mà còn là sân khấu hài
Tờ báo đặt khẳng định "Quốc hội không phải là phường chèo", thiết nghĩ là chưa chính xác. Lẽ ra cần phải nói: Không chỉ là phường chèo, mà thậm chí còn là sân khấu hài mới chuẩn.
Sở dĩ, đặt chữ "Quốc hội" trong ngoặc kép, chỉ vì nghĩa của từ Quốc hội trong thể chế cộng sản không còn đúng nghĩa của nó. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên 1946 đã viết "Điều thứ 22: Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà".
Vậy nhưng, chính Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: "Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đứng sau nghị quyết của đảng". Vậy có nghĩa là trên cái "cơ quan có quyền cao nhất" lại còn một cơ quan quyền lực cao hơn?
Đến mức, muốn sửa đổi Hiến Pháp, phải chờ Nghị quyết của Đại hội đảng(?). Và, các vai diễn trong cái "cơ quan quyền lực cao nhất nước" này, cứ vẫn đóng trọn vai diễn hết năm này qua tháng khác.
Chỉ nói về nghĩa đen của những từ ngữ trên và trong thực tế, thì có lẽ so sánh với một gánh hát không khác gì nhiều.
Nhắc đến nghệ thuật chèo, trước hết phải nói đến nghệ thuật sử dụng lời văn. Ở "Quốc hội" Việt Nam, nói về trình độ sử dụng lời văn, thì Chèo còn phải gọi bằng... cụ tổ.
Hãy nghe vài câu nói của những đại biểu Quốc hội là những người có chức quyền hẳn hoi:
- Bộ Trưởng Quốc phòng: “Thưa các quý vị! Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.. Và Bộ trưởng chỉ lo: " “Không phong tướng, anh em tâm tư”. Khi giặc Tàu đã vào tận thềm nhà, ông vẫn nói: "Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc".
“..tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn”. Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
“QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” - Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch "Quốc hội".
“đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”- Nguyễn Phú Trọng.
“người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”. - Nguyễn Phú Trọng.
"Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi...". - Nguyễn Đức Đam nói khi Tàu đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam khoan dầu. Thậm chí ông còn đưa ra quan niệm: “nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh”.
-  “Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đường Trường Chinh có cong, nhưng là ‘cong mềm mại...”. - Dương Đức Tuấn, PGĐ Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội.
Nghe những lời nói đó, thì quả là ngôn ngữ Chèo chưa ăn thua gì so với diễn đàn "Quốc hội" Việt Nam.
Trong nghệ thuật Chèo ngoài sử dụng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả, thường có hai loại vai chính: Vai chín (thường để miêu tả những người tốt, người có tài) và Vai lệch (đại diện cho những con người độc ác, xấu xa hoặc không theo đúng chuẩn mực đạo đức).
Ở "Quốc hội" Việt Nam thì các "vai chín" đếm trên đầu ngón tay, là vô cùng hiếm hoi. Nhưng các "vai lệch" thì nhan nhản.
Ở đó, người ta thấy vai sư kêu gọi "xây dựng Quân đội ta mạnh như quân đội Bắc Hàn", hoặc “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết” để thanh minh và đồng tình với việc án oan sai nhan nhản.
Ở đó, người ta thấy một Chủ tịch "Quốc hội" nói rằng: "Cứ vi phạm mà kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc".
Ở đó, người ta cũng nghe ông Chủ tích Quốc hội khẳng định rằng: "Đến 2013, Vinashin sẽ có lãi". Để rồi sau đó không lâu, Vinashin sụp đổ.
Ở đó, người ta nghe Bộ trưởng Tài Chính khuyên người dân: "Nếu có tiền tôi cũng mua chứng khoán". Để rồi sau đó, chứng khoán xuống dốc không phanh.
Ở đó, người ta thấy ông sư giải thích về Kinh tế thị trường định hướng như sau: "Bản chất thị trường không phải là xấu mà là tốt. Đặc biệt chúng ta định hướng vào đấy nữa thì càng tốt" - Thích Thanh Quyết.
Thậm chí, nghe ông Bộ trưởng Bộ giáo dục nói những câu như: "Đã học kém thì không thể có đạo đức tốt được". Rồi thì “Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”... 
Thì "Quốc hội" quả là không chỉ là hề chèo, mà còn là trại tâm thần.
Không phải ngẫu nhiên, mà một đại biểu quốc hội đã phải đề nghị"Đừng để người tâm thần ứng cử quốc hội".

Như ở trên đã nói, khi mà "Cơ quan quyền lực cao nhất nước" phải cúi đầu chấp nhận đứng dưới một "cơ quan không quyền lực cao hơn" là đảng CSVN, thì tự cái "Quốc hội" ấy đã là một sân khấu hài.
Rồi ở cái "Quốc hội" ấy, nếu nghe ông nghị Đỗ Văn Đương phát biểu những câu như: "Không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực. Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn”. Rồi thì "Phạm nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa”. Hay "Bán dâm là một nghề phi pháp, mua dâm thì không...", hoặc "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”.
Cũng như ông nghị Hoàng Hữu Phước với câu nói để đời về việc ban hành luật biểu tình là ô danh, và đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”
Thì điều đó chứng tỏ rằng "Quốc hội" còn là một sân khấu hài vĩ đại, thưa anh Nguyễn Như Phong.
Hà Nội, ngày 8/3/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Kỷ luật 15 cán bộ lâm nghiệp vì rừng bị rút ruột

Theo Thanh Niên -06:56 AM - 08/03/2016
Sở NN-PTNT Gia Lai ngày 7.3 ra quyết định kỷ luật 15 cán bộ lâm nghiệp do “sai phạm trong công tác bảo vệ rừng và vận chuyển lâm sản trái phép”.
Kỷ luật 15 cán bộ lâm nghiệp vì rừng bị rút ruột

Ảnh minh họa.

Theo đó, ông Nguyễn Đình Sơn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, H.Krông Pa bị giáng chức; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó ban, bị kỷ luật cảnh cáo; ông Bùi Đức Việt, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Pa bị phê bình rút kinh nghiệm, nghiêm túc kiểm điểm về công tác được giao, điều chuyển công tác về Chi cục Kiểm lâm Gia Lai; kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm đối với ông Trương Thanh Hà, Hạt phó Hạt kiểm lâm Krông Pa và 4 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn; khiển trách 1 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. Những cán bộ còn lại bị kỷ luật với hình thức khiển trách, cảnh cáo.
Trung tuần tháng 12.2015, Hạt kiểm lâm H.Krông Pa bắt giữ xe tải BS 78K-2466 chở gần 10 m3 gỗ với các chủng loại như hương, gáo vàng, sao cát đang lưu thông trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Đình Sơn khai số gỗ trên là của ông nhưng qua kiểm tra chỉ có hơn 4,5 m3 gỗ là đúng theo giấy tờ, còn lại không đúng chủng loại.
Trước đó, trên địa bàn thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai nói riêng và H.Krông Pa nói chung xảy ra 22 vụ phá rừng, tổng diện tích thiệt hại gần 18 ha. Dư luận nghi ngờ có lực lượng chức năng tiếp tay cho hoạt động vi phạm này.
Trần Hiếu

Hàng trăm cảnh sát Thanh Hóa được huy động đến hội trường đối thoại với dân


(VTC News) - Hàng trăm chiến sỹ cơ động, cảnh sát giao thông, an ninh trật tự đã được điều động đến Hội trường đối thoại với ngư dân.

Sáng nay (7/3), chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối thoại trực tiếp với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn, những người bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương", thị xã Sầm Sơn.

Cuộc đối thoại bắt đầu lúc 8h30, tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên Thị xã Sầm Sơn. Ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chủ trì. 

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm chiến sỹ cảnh sát giao thông, cơ động, an ninh trật tự được điều động đến Hội trường và các con đường rẽ vào hội trường để đảm bảo công tác an ninh. Các phương tiện xe máy, ôtô không được rẽ vào đường đi vào hội trường.

Khoảng 8 giờ sáng, bà con ngư dân có mặt chật kín hội trường để mong nhận được một lời giải đáp thấu tình đạt lý, đảm bảo cuộc sống mưu sinh. 

Trước khi cuộc đối thoại diễn ra, ông  Trịnh Văn Chiến đã đến nơi bà con ngư dân ngồi để hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ rất thân thiện. Ông Chiến cũng nói với bà con "hôm nay có vấn đề gì vướng mắc cứ mạnh dạn trao đổi".

Một số hình ảnh bên lề cuộc đối thoại do PV VTC News ghi lại:

Lực lượng công an trước cổng Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên Thị xã Sầm Sơn
Lực lượng công an trước cổng Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên Thị xã Sầm Sơn 
Cảnh sát giao thông chốt chặn đường vào hội trường, không cho xe máy và <a href='http://vtc.vn/oto-xe-may.31.0.html' >ô tô</a> đi vào
Cảnh sát giao thông chốt chặn đường vào hội trường, không cho xe máy và ô tô đi vào gây ách tắc
 
Xe tuần tra di động trên đường
Xe tuần tra di động trên đường 
 
Công an bảo vệ quanh hàng rào hội trường, không để xâm nhập từ bên ngoài vào
Công an bảo vệ phía trong hàng rào hội trường, không để xâm nhập từ bên ngoài vào 
Bảo vệ phía ngoài
Bảo vệ phía ngoài 
Lực lượng cảnh sát cơ động túc trực ngay phía ngoài hội trường đối thoại
Lực lượng cảnh sát cơ động túc trực ngay phía ngoài hội trường đối thoại 
Từ rất sớm, người dân đến để mong được đối thoại với lãnh đạo tỉnh, nhằm giải quyết vướng mắc
Từ rất sớm, người dân đến để mong được đối thoại với lãnh đạo tỉnh, nhằm giải quyết vướng mắc 
Hàng ngàn người dân mong chờ câu trả hợp lòng dân của Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa
Hàng ngàn người dân mong chờ câu trả hợp lòng dân của Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa 
Ông Trịnh Văn Chiến  - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trao đổi trước buổi đối thoại, thân thiện với ngư dân
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trao đổi trước buổi đối thoại, thân thiện với ngư dân 
Thứ Hai, 07/03/2016 10:18AMHồng Thắng

Công an bị dân 'tố' nhận hối lộ, 'vác' tiền đến… xin tha

VietnamNet-08/03/2016 02:16
Đình chỉ 3 công an để xác minh
Một nhóm cán bộ công an huyện đã bị người dân ghi âm, quay clip các cuộc nói chuyện gợi ý việc chung chi và nhận tiền để ‘chạy’ tại ngoại cho các nghi can trong một vụ đánh bạc. Khi biết bị lộ, một cán bộ công an huyện đã “vác” tiền đến nhà người tố cáo xin tha.
Tất cả các hành vi này đã bị người tố cáo làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, yêu cầu khởi tố điều tra đối với các cán bộ công an về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ.
Chiều 7/3, nguồn tin từ một lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết Công an tỉnh Đắk Nông đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ đang công tác tại công an huyện để xác minh, điều tra về hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ theo đơn tố cáo có danh của một công dân.
Ba cán bộ công an bị tạm đình chỉ công tác là thiếu tá Y.N. (Đội CSĐT tội phạm về TTXH và ma túy Công an huyện Đắk Mil), trung úy L.T.B. (trinh sát hình sự), trung úy T.T.H. (cán bộ điều tra). Cả 3 đều là cán bộ đang công tác tại Công an huyện Đắk Mil.
Cong an bi dan 'to' nhan hoi lo, 'vac' tien den… xin tha - Anh 1
Cảnh được cho là trung úy B. nhận tiền. Ảnh cắt từ clip
Một nguồn tin khác từ Công an huyện Đắk Mil cũng cho biết, lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil đã yêu cầu ba cán bộ nói trên viết bản trường trình về vụ việc.
Người gửi đơn tố cáo 3 cán bộ công an trên là ông T.M.L. (trú xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk). Ông L. đã gửi đơn tố cáo kèm các bằng chứng là file ghi âm, clip quay, ghi lại các cán bộ công an này có hành vi gọi điện thoại cho người thân các nghi can trọng một vụ án đánh bạc xảy ra tại địa phương vào tháng 1/2016 gợi ý chung chi chạy tại ngoại.
Trong số này các bằng chứng, có clip thể hiện rõ việc 1 cán bộ công an (là trung úy L.T.B.) đứng ra nhận 60 triệu đồng từ người thân các nghi can và clip ông B. “thú tội” khi biết bị lộ.
Cũng theo tố cáo của ông L., khi biết bị “bóc mẽ”, trung úy B. còn nhiều lần gọi điện xin gặp để “trao đổi và nhờ ông cứu giúp”. Tuy nhiên, ông L. đều từ chối.
Ông L. còn tố cáo thêm, khi bị từ chối, ông B. tiếp tục nhắn tin xin xỏ, nhắc đến việc đưa số tiền 500 triệu đồng để xin ông không tố cáo. Tất cả tin nhắn ông L. đều lưu lại làm bằng chứng gửi đến cơ quan chức năng.
Bị gài bẫy?
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV đã liên hệ với ông Y.N. và được ông này trả lời: “Không rõ sự việc. Các anh cứ liên hệ làm việc với lãnh đạo”.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với ông L.T.B, ông này cho rằng: “Đơn tố cáo không đúng sự thật. Đây là thằng bạn học cấp 3 xin tôi lo tại ngoại hộ. Khi đưa giấy tờ cho tôi, nó quay phim lại. 3 ngày sau xin không được, tôi đã trả lại tiền cho nó”.
Về tin nhắn gửi ông L. đề nghị đưa 500 triệu để xin không tố cáo, ông B. phân bua: “Tin nhắn đó không phải tôi nhắn. Số điện thoại đúng là số của tôi, nhưng mà khi đó ông L. mượn máy của tôi và tự nhắn luôn. Khi đó tôi ngồi ở bàn cà phê cùng ông, ông nói máy anh hết pin, rồi tự cầm máy của tôi nhắn sang số của ông nói là gửi cho anh 500 triệu. Ông L. bố láo vậy đó”.
Cong an bi dan 'to' nhan hoi lo, 'vac' tien den… xin tha - Anh 2
Tin nhắn được cho là từ số điện thoại của ông B. nhắn cho ông L. để xin ông này bỏ qua và gợi ý chung 500 triệu - ảnh chụp tin nhắn do ông L. cung cấp
Trao đổi với một lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil, vị này cho biết: “Theo xác minh ban đầu của công an huyện thì sự việc không hoàn toàn như đơn tố cáo của ông L. Ở đây, người môi giới tên A. là bạn học của trung úy B. nên có nhờ vả giúp đỡ. Khi trung úy B. nói sự việc với thiếu tá Y.N thì anh N. đã thẳng thắn từ chối, do vụ án sắp được đưa ra xét xử. Còn việc trung úy B. đưa tiền cho ông L. xin ông này bỏ qua và nhắn tin là bị gài bẫy”.
“Theo nguyên tắc, khi có nội dung tố cáo thì cần xác minh, làm rõ để đảm bảo tính khách quan. Quan điểm của lãnh đạo công an tỉnh và công an huyện, nếu có sai phạm thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc, không bao che” – lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil khẳng định.
Cách chức, điều chuyển công tác 1 trong 3 người
Hiện thiếu tá Y.N đã bị cách chức đội phó, điều về làm chiến sỹ tại Công an thị trấn Đắk Mil. “Việc điều chuyển do liên quan đến một vụ việc khác, chứ không phải do dính tố cáo nhận hối lộ của công dân” – nguồn tin cho hay và khẳng định: “Trong quá trình công tác, làm việc không tốt, không đạt yêu cầu thì phải luân chuyển”.
Trùng Dương

Khô hạn, lòi ra hơn 1,000 công trình cấp nước 'dỏm'

GIA LAI (NV) - Trong khi người dân phải vét từng giọt nước suối để dùng thì hơn 1,000 công trình nước sinh hoạt ở các tỉnh Tây Nguyên hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang do bị rút ruột khi xây dựng.

Theo tin Người Lao Ðộng, ngày 6 tháng 3, 2016, từ năm 1999 đến 2012, tỉnh Gia Lai đầu tư xây 1,742 “công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để phục vụ người dân.” Ðến năm 2013, ủy ban tỉnh kiểm tra thì phát hiện 783 công trình xuống cấp hoặc không hoạt động.

Người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, phải lấy nước ở khe suối về sinh hoạt mỗi ngày. (Hình: Người Lao Ðộng)

Trong đó, 73 công trình do Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Vệ Sinh Môi Trường tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư; 710 công trình do huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Ðặc biệt, có nơi như huyện Krông Pa, có 59 công trình thì 24 công trình đã không hoạt động.

Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Vệ Sinh Môi Trường Nông Thôn tỉnh Gia Lai khẳng định, các công trình này sau khi xây dựng xong đều có biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, khi phát hiện hư hỏng, các địa phương không báo để có biện pháp khắc phục. Trung tâm chỉ thừa nhận là thiếu kiểm tra thường xuyên các công trình do thiếu,... cán bộ.

Còn tại tỉnh Ðắk Nông, trong tổng số 230 công trình nước sinh hoạt tập trung thì có hơn 50% hư hỏng, ngừng hoạt động.

Tương tự, báo Người Lao Ðộng dẫn tin từ Sở Nông Nghiệp Ðắk Lắk cho biết, tỉnh này có 107 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 345 tỷ đồng nhưng chỉ có 25 công trình đem lại hiệu quả, 42 công trình đã ngừng hoạt động.

Cụ thể, ông Y Tuyên Niê, phó Phòng Dân Tộc huyện Krông Búk cho hay, tại xã Ea Sin, trong nhiều năm qua, hơn 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu phải lội bộ gùi từng gùi nước suối cách xa hơn 2 cây số, trong khi công trình nước sinh hoạt 1.7 tỷ đồng do ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư nằm ngay khu dân cư lại “đắp chiếu.”

Cùng cảnh ngộ, tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, một công trình nước sinh hoạt có tổng vốn đầu tư lên đến trên 7 tỷ đồng đưa vào sử dụng cuối năm 2009, nay cũng không sử dụng được, hàng trăm gia đình không có nước sạch.
Theo Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Môi Trường Nông Thôn tỉnh Ðắk Lắk, công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư, không còn hoạt động nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Krông Năng, Buôn Ðôn, Cư M'Gar, Krông Pắk.

Chưa hết, tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều công trình nước ở các xã Hòa Xuân, Hòa Phú, Hòa Khánh... cũng đã ngừng hoạt động nhiều năm nay, mà theo ông Võ Hồng Hải, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Xuân thì “do các công trình này thường xuyên hư hỏng, không có tiền sửa chữa đành phải đóng cửa.”

Ông Phạm Phú Bổn, giám đốc Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Môi Trường Nông Thôn tỉnh Ðắk Lắk, thừa nhận: “Các công trình không phát huy hiệu quả do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu cán bộ quản lý và vận hành,... nhưng điều đáng nói nhất là nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp nhanh chóng và ngừng hoạt động do lựa chọn nhà thầu, địa điểm và phương án thiết kế không phù hợp, quản lý quá lỏng lẻo...” (TrN)

03-07-2016 2:12:08 PM

Xôn xao nghi vấn vụ bắt sới bạc cực lớn ở Quảng Ninh

QUẢNG NINH (NV) - Dư luận đang “dậy sóng” vụ công an tỉnh này bắt sới bạc tổ chức chuyên nghiệp cực lớn tại thị xã Ðông Triều, với hàng trăm người tham gia nhưng công bố số tiền “cực thấp.”

Truyền thông Việt Nam loan tin, khoảng 13 giờ 30 chiều 5 tháng 3, 2016, hàng trăm công an tỉnh Quảng Ninh đã ngụy trang, dùng một đoàn xe lửa đến gần vị trí sới bạc ở xã Hoàng Quế, rồi phối hợp với cảnh sát cơ động, công an địa phương ập vào sới bạc đang “sát phạt” nhau bằng trò xóc đĩa.

Gần 200 người bị công an bắt quả tang và tạm giữ khi triệt phá sới bạc “khủng.” (Hình: Tuổi Trẻ)

Tại hiện trường, cơ quan công an đã bắt giữ 176 người đến từ nhiều tỉnh thành từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương... Tang vật thu giữ gồm một bộ bát đĩa, 4 quân bài, 49 xe hơi, 25 xe máy nhưng số tiền mặt chỉ có 28.7 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội và các phản hồi của nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam, dư luận đang xôn xao cho rằng, vụ bắt sới bạc này cò nhiều khuất tất.

Trên báo Tuổi Trẻ, bạn đọc Tòng Sơn mỉa mai: “Bắt 176 người mà thu chỉ được gần 29 triệu đồng, chắc chỉ có 6 người chơi còn 170 người đứng nhìn.”

Còn bạn đọc Xuân Hải nhận xét: “176 người đi đánh bạc mà có 28.7 triệu đồng thì thật là vô lý. Ðây là hình thức làm nhẹ tội cho bọn này đây.”

Trên Facebook, người có tên Lê Duy viết: “Tôi có thằng bạn làm công an, hôm bữa ngồi nhậu nó bảo công an sướng nhất là đánh án liên quan đến cờ bạc, bởi khi xông vào sới bạc thì đa số con bạc sẽ bỏ của chạy lấy người. Còn người bị bắt thì sẽ cố gắng khai làm sao để tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc luôn dưới 2 triệu đồng để khỏi ở tù. Số tiền thực tế so với khai nhận luôn chênh lệch rất lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Phần dư đó thuộc về ai thì chắc cũng không khó đoán... Ði xe hơi đến cờ bạc mà mỗi người có chưa tới 200,000 đồng, chỉ có bọn tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ mới tin những gì báo viết. Vụ này tôi đoán cả tiền dư ở sới bạc, cả tiền chạy chọt này nọ thì ‘ai đó’ chắc chắn kiếm không dưới chục tỷ đồng...”

Ðể hiểu rõ hơn về vấn đề này, chiều 7 tháng 3, phóng viên báo Bưu Ðiện Việt Nam đặt câu hỏi với ông Ðỗ Văn Lực, giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh, thì ông này nói: “Có thông tin trên cổng công an tỉnh Quảng Ninh” rồi tắt máy.

Tiếp tục đặt câu hỏi thắc mắc dư luận về việc tại sao có 176 người liên quan đến sới bạc mà cơ quan cảnh sát điều tra chỉ thu được gần 30 triệu đồng. trong khi phải dùng một đoàn tàu để hóa trang tiếp cận?, ông Hồ Sĩ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, Bộ Công An không nhận xét gì mà giới thiệu phóng viên nên hỏi công an tỉnh Quảng Ninh.

Tin cho biết, trước sức ép của dư luận, chiều ngày 7 tháng 3, ông Thái Hồng Công, phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh đã biện minh: “Số tiền hơn 28 triệu đồng là tiền công an thu ngay trên chiếu bạc, còn tiền các đối tượng cầm theo nhưng không đặt, họ có thể cầm trên tay hoặc cất trên người?!,” ông Công nói. (Tr.N)

03-07-2016 2:08:02 PM 

Trung Quốc trắng trợn nói hoạt động đánh bắt là bằng chứng về quyền hàng hải

Dân trí Một quan chức chính phủ Trung Quốc ngày 7/3 trắng trợn tuyên bố, các ngư dân nước này hoạt động ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy quyền và lợi ích của hàng hải của Bắc Kinh. Tuyên bố này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc dùng tàu cá làm lực lượng bành trướng chủ quyền ở Biển Đông.


Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)
Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)
Tuyên bố trên được Bí thư tỉnh Hải Nam Luo Baoming đưa ra ngày 7/3 trong kỳ họp thường kỳ của quốc hội Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh.
“Nếu có thể nói rằng chúng tôi muốn bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông thì các ngư dân là bằng chứng cho quyền và lợi ích của chúng tôi”, ông Luo nói khi trả lời một câu hỏi của Reuters.
Giới chức tại Hải Nam đã khuyến khích ngư dân tới các khu vực tranh chấp và chính phủ trợ cấp cho họ để thực hiện các chuyến đi tới các vùng biển xa bờ.
Trong những năm gần đây, các ngư dân Trung Quốc đã liều lĩnh tiến sâu vào các vùng biển gần Đông Nam Á để tìm kiếm các ngư trường mới khi các nguồn tài nguyên gần bờ ngày càng cạn kiệt.
Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang dùng các tàu cá thuộc sở hữu tư nhân và tàu đánh bắt thương mại để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Chúng tôi khuyến khích các ngư dân đi xa và hỗ trợ họ vì họ cần cá để sống”, ông Luo nói, cho biết thêm rằng chính phủ hỗ trợ tài chính cũng như nhiên liệu cho họ.
Trung Quốc từ lâu đã bị “tố” sử dụng tàu cá để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Ngoài ra, tàu cá còn là phương tiện thu thập thông tin tình báo, một cách thức tiện lợi mà không tốn kém.
Khi được hỏi về các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang thực hiện vào các hoạt động cải tạo phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa, một quan chức khu vực đã liệt kê các hoạt động như xây dựng bãi neo đậu tàu thuyền, phát triển cơ sở hạ tầng và cải tạo chống xói mòn và các thảm họa thiên nhiên khác.
Tuy nhiên, Xiao Jie, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, không tiết lộ chính xác các hoạt động đang diễn ra tại đó.
Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào năm 2012 để quản lý trái phép cá quần đảo ở Biển Đông.
Trung Quốc còn đang phát triển trái phép cơ sở hạ tầng cho internet không dây trên 15 trong số các đảo và bãi đá, các quan chức Hải Nam cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Trung Quốc cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ trong những tháng gần đây vì các hoạt động cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thứ Hai, 07/03/2016 - 22:19
An Bình

Gia Lai :Thiếu tá công an mang súng vào trường học đánh học sinh và bảo vệ

Dân trí Chỉ vì chuyện xích mích của con gái mình với bạn học cùng lớp, ông Khiêm đã mang theo súng ngắn vào trường đánh bị thương bạn học của con gái và bảo vệ, rồi chửi bới giáo viên trong trường.

Sáng ngày 7/3, bà Nguyễn Thị Hồng - hiệu trưởng trường THCS Quang Trung - nơi xảy ra vụ việc đã cho biết: Sự việc trên ngoài tầm kiểm soát và xử lý của nhà trường nên nhà trường đã có báo cáo và tường trình gửi lên Phòng Giáo dục và UBND huyện.
Về phía 2 em học sinh liên quan đến vụ việc (Nguyễn Ngọc Quang và Trần Lê Hạnh Lan) thì em Quang đã nghỉ học vào các buổi sau khi xảy ra vụ việc cho đến hôm qua. Riêng ngày hôm nay (7.3), không biết em Quang có đi học không vì em học buổi chiều. Em Quang có học lực khá, hạnh kiểm tốt; em Lan học lực trung bình, hạnh kiểm tốt”, bà Hồng cho biết thêm.
Nguyên sự việc xảy ra vào ngày 2/3, tại Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, Đức Cơ, Gia Lai) được xác định như sau:
Vào lúc 16h30 ngày 2/3, anh Nguyễn Đức Nam (SN 1985, làm bảo vệ) đang làm việc tại Trường THCS Quang Trung thấy một số học sinh đứng ngoài cổng trường nhốn nháo nên chạy ra xem. Lúc này anh Nam thấy ông Trần Vũ Khiêm (cấp bậc Thiếu tá, Trưởng Công an xã Ia Dơk, Đức Cơ) là bố em học sinh Trần Lê Hạnh Lan (lớp 8b) đang nhờ một số học sinh vào lớp 8b kêu em Nguyễn Ngọc Quang ra gặp.
Anh Nam lại hỏi ông Khiêm thì ông Khiêm nói kêu Quang ra để đập. Nhận thấy chuyện không ổn nên anh Nam vào lớp 8b hỏi tình hình và gặp Ban giám hiệu nhà trường báo cáo sự việc. Anh Quang gặp cô Lê Thị Hoài Hương (Hiệu phó nhà trường), lúc này cô Hương đang dạy môn Toán lớp 8b và trao đổi sự việc.
Ngay thời điểm này, ông Khiêm từ cổng trường chạy vào hô lớn “thằng Quang đâu rồi, tau phải đánh mày”, rồi đi vào lớp học. Thấy vậy, anh Nam tới mời ông Khiêm vào văn phòng để giải quyết thì ông Khiêm không chịu nên anh Nam và cô Hương tới ngăn ông Khiêm. Ông Khiêm vẫn không chịu và chửi tục “Đ.M chúng mày, muốn chết à”. Ông Khiêm liền lấy khẩu súng ngắn trong người ra, dùng báng súng đánh mạnh vào đầu anh Nam khiến anh Nam bị chảy máu đầu, choáng váng, khụy xuống đất và không biết gì nữa.

Anh Nam, bảo vệ nhà trường kể lại sự việc
Anh Nam, bảo vệ nhà trường kể lại sự việc
“Lúc đó, anh Khiêm móc trong túi quần ra một khẩu súng lục và dí vào mặt tôi văng tục, chửi bới tôi và nói “tao giết mày” vừa nói anh vừa đập vào đầu tôi. Tôi bị thương ở đầu khâu 5 mũi. Tôi chưa biết lúc nào đi làm lại vì phải chờ cho sức khỏe hồi phục. Anh Khiêm cũng tới nhà tôi xin lỗi vài lần và đền bù tiền thuốc cho tôi. Còn vụ việc như thế nào, tôi đang đợi cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết”, anh Nam cho biết.
Đánh anh Nam xong, ông Khiêm liền chửi cô Hương “Đ.M mày, mày là giáo viên chủ nhiệm mà như thế à”. Thấy ông Khiêm hung hãn, cô Hương sợ hãi nên liền chạy lên phòng để lấy điện thoại. Khi cô Hương vừa ra đến sân thì gặp cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường .
Lúc này, ông Khiêm xông vào lớp 8b tìm Quang “trả thù” cho con. Khi ông Khiêm cầm súng vào lớp, khiến các em học sinh sợ hãi bỏ chạy tán loạn ra khỏi lớp. Còn em Quang thì bị ông Khiêm dí súng vào mặt đe dọa, dùng báng súng đập vào đầu 3-4 cái và dùng tay đánh vào mặt Quang.

Trường THCS Quang Trung- nơi xảy ra vụ náo loạn an ninh học đường
Trường THCS Quang Trung- nơi xảy ra vụ náo loạn an ninh học đường
“Lúc đó em rất sợ, chỉ biết đứng để chú đánh, còn các bạn sợ hãi chạy hết ra ngoài. Giờ em không ghét bạn Lan vì đây là do bố bạn ấy làm chứ không phải bạn ấy”, Quang cho biết.
Sau đó, ông Khiêm được bà Hồng mời lên phòng làm việc. “Hết tiết học, đồng chí Hồng gọi tôi lên để liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp 8b, lúc này đồng chí Khiêm lại chửi tôi “Đ.M mày, mày là giáo viên chủ nhiệm mà thế à. Tao ném cho mày cái ly. Cầm ly lên định ném nhưng đồng chí Hồng ngăn cản nên thôi”, cô Hương tường trình lại vụ việc.
Nguyên nhân của sự việc trên được xác định, trong tiết học môn Giáo dục công dân chiều ngày 29/1, thấy Lan ngồi bàn kề dưới xì xào nên Quang (làm lớp trưởng) quay xuống nói Lan “im mồm đi”. Lan liền dùng tay đánh vào tay Quang. Quang quay lại đánh vào vai Lan. Lúc này giáo viên đang dạy là cô Nguyễn Thanh Quyên (cũng là GV chủ nhiệm) gọi Quang lên trình bày vụ việc.
“Trong lúc tôi đang nói với Quang thì thấy em Lan ngước lên và tôi quan sát Lan không có biểu hiện đau đớn nghiêm trọng, Lan còn bật cười khi em Hải ngồi bên nói câu gì đó tôi không nghe rõ”, nội dung tường Trình của cô Quyên cho biết. Và sau đó, em Quang bị phạt đứng tại chỗ cho đến hết tiết học.
Khi trao đổi thêm về vụ việc, ông Rơ Lan Pêu, Chủ tịch UBND xã Ia Dơk cho biết, ông Khiêm là công an chính quy của Công an huyện Đức Cơ, cấp bậc thiếu tá, ông Khiêm được tăng cường về làm Trưởng Công an xã được 2 năm nay. Ông Pêu không hề biết về sự việc ông Khiêm dùng súng hành hung, gây náo loạn học đường. Ông không biết ông Khiêm có đi làm mấy ngày nay không, riêng hôm thứ 6 tuần trước ông Khiêm điện thoại xin nghỉ để đi đo quân phục.
Sau đó, ông Pêu gọi ông Lê Văn Hồng - Phó Trưởng Công an xã lên trao đổi với chúng tôi, ông Hồng cho biết, ông trực ngày thứ Năm (Ngày 3/3 - PV) thì thấy ông Khiêm có mặt đến 9h30 cùng ngày rồi nói đi cơ sở. Ngày thứ Sáu, ông Hồng nghỉ ở nhà tưới cà phê nên không biết ông Khiêm có đi làm không; Sáng thứ Hai (ngày 7/3 - PV) ông Khiêm không tới cơ quan vì mắc họp giao ban trên công an huyện.
Sau đó, ông Hồng cho số điện thoại của một người phụ nữ để chúng tôi liên lạc với ông Khiêm. Ông này khẳng định chắc chắn đây là số điện thoại của ông Khiêm.
Một lãnh đạo xã Ia Dơk cho chúng tôi biết, từ ngày 3/3 đến giờ, ông không hề thấy ông Khiêm đi làm và cũng không biết ông này có xin phép nghỉ không.
Ông Lê Đức Đạo, Trưởng Công an huyện Đức Cơ cho biết, ông đã biết sự việc trên và đã cho kiểm điểm ông Khiêm rồi.
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Huỳnh Cân - Chánh văn phòng UBND huyện Đức Cơ cho biết: Cuối giờ chiều ngày 4/7, UBND huyện mới nhận được báo cáo và tường trình vụ việc của Trường THCS Quang Trung. Sáng nay (ngày 7/3 - PV) huyện đang soạn thảo nội dung công văn để giao cho Trưởng Công an huyện xử lý vụ việc theo quy định. Và do ông Khiêm có sử dụng súng trong vụ việc nên cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi, tính chất để có thể giao cho công an huyện hay công an tỉnh vào cuộc.
Vụ việc sẽ được điều tra trong vòng 1-2 tuần, khi có kết quả, UBND huyện sẽ có thông tin cho báo chí.
Thứ Ba, 08/03/2016 - 05:00
Thiên Thư