Tuesday, February 2, 2016

Bà hỏa ‘ghé thăm’ cửa hàng buôn bán phụ tùng xe

 QUANG NAM - Thứ Ba, ngày 2/2/2016 - 13:07
(PLO)- Sáng 2-2, tại thị trấn Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xảy ra một vụ cháy lớn khiến nhiều người hoảng sợ. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ cháy là do chập điện và lửa bắt sang các vật liệu dễ cháy khác. 
Theo đó, khoảng 9 giờ 35 sáng cùng ngày, tại một cửa hàng buôn bán phụ tùng xe nằm gần ngã ba thị trấn Vĩnh Điện xảy ra một vụ cháy lớn khiến nhiều hoảng sợ.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện dẫn đến cháy. Các phụ tùng ở cửa hàng buôn bán vật liệu xe như lốp xe, xăng thơm rất dễ bốc cháy nên lửa lan rất nhanh. Khói tỏa mịt mù một khu vực rộng lớn.

Hiện trường vụ hỏa hoạn. Ảnh: Quang Nam. 
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC Quảng Nam đã nhanh chóng điều động phương tiện chữa cháy đến hiện trường để dập lửa. Đồng thời cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn tiến hành sơ tán người dân, cắt nguồn điện để tránh thiệt hại thêm về người và cháy lan sang khu vực bên cạnh. 
Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đã thiêu rụi nhiều tài sản của cửa hàng. Đến khoảng trưa cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
QUANG NAM

Việt Nam ớn lạnh, không hy vọng về một “mùa xuân Hà Nội”

Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
Không khí ngày hội không dành cho những nhà hoạt động xã hội chịu áp lực từ phía công an.
Sự rớt đài tàn nhẫn của nhà chính khách nổi bật và năng động nhất Việt Nam mang lại một vở tuồng kịch chính trị hiếm hoi trong những ngày gần đây.
Nhưng hoàn toàn không đem đến hy vọng về một chính phủ đại diện cho dân, hơn thế nữa, Đại hội Đảng Cộng sản còn là một thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm cho các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam.
Qua tường thuật này, blogger Đoan Trang, kể lại những gì cô đã trải qua, khi mà cả hệ thống đàn áp quan liêu khổng lồ của Việt Nam vào cuộc để ngăn chặn những kẻ không chịu tuân phục.
* * *
Vào những ngày mà đám lãnh đạo đảng mặc Âu phục, ngồi trong tiết trời lạnh giá của Hà Nội cho cuộc so găng chính trị quan trọng của họ, tôi đã kinh hãi chạy trốn trong đêm ở một nơi thuộc phần phía nam nhiệt đới của đất nước.
Nhảy lên xe máy, tôi lao nhanh xuống con đường nhỏ giữa những cánh đồng lúa, trong khi công an bao vây khách sạn tôi ở tại một thị trấn nhỏ gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi phải xuôi Nam để tránh khỏi áp lực ngày càng gay gắt ở Hà Nội, khi công an xiết chặt gọng kìm của họ trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản, cuộc đối đầu chính trị căng thẳng nhất mà bất kỳ ai trong chúng tôi đều nhớ.
Chả có tội gì nhưng tôi thường bị công an theo sát, có lẽ vì những bài blog mình viết, và vì có quan hệ với những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ.

NỖI SỢ HÃI VÀ SỰ HỖN LOẠN

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tháng khi vào giữa tháng 12, ngay khi “mùa chính trị” vừa bắt đầu, công an bắt giam một trong những người đối kháng nổi tiếng nhất Việt Nam - luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Tuần trước đó, anh đã bị những người giấu mặt đánh đập. Còn giờ đây, anh và một người trợ lý bị bắt và bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước.
Vụ bắt giữ gây ra tâm lý hỗn loạn và hoang mang trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến và làm tình hình tiếp tục tăm tối hơn. Công an canh chặt nhà của một số người hoạt động, phá cuộc họp của các nhà vận động môi trường và tổ chức một cuộc tập trận lớn để phô trương khả năng kiểm soát bạo động của mình.
Một người tổ chức cuộc họp nọ đã phải phóng xe trốn về nhà cô ở miền núi, do bị đe dọa từ những người công an bám theo mình.
Ở nơi khác, một nhà hoạt động bị tấn công trên đường phố bởi những nhân viên công an thường phục.
Tất nhiên, những câu chuyện như thế này không được đề cập trên hệ thống báo chí - truyền thông do nhà nước quản lý, và đại đa số mọi người sẽ hầu như không nhận thấy có sự thay đổi nào trong khí quyển.
Dân chúng dường như phần lớn chỉ quan tâm thảo luận về loạt phim truyền hình Ấn Độ dài vĩ đại, Cô dâu tám tuổi, đang được chiếu trên tivi, hơn là theo dõi diễn tiến cuộc đánh lộn của Đảng Cộng sản. Chẳng một ai để tâm đến những cuộc đàn áp bí mật các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động xã hội dân sự.
Chúng tôi bị gạt sang bên lề, hầu như không được ai nhìn đến, trong một hệ thống chính trị huy động tất cả các nguồn tài nguyên tuyệt vời để cô lập và chối bỏ không gian hoạt động dân sự.
Tất nhiên là có một số người quan tâm đến đại hội đảng, nhờ có các trang blog độc lập và tin tức rò rỉ từ các phe phái đối thủ của nhau. Nhiều người cũng có được cái nhìn sơ bộ ban đầu về những trận chiến ở cấp cao nhất của đảng.
Tôi nhớ lại các đại hội đảng trước đây khi mình còn bé. Nhiều ngày trước Đại hội, truyền hình quốc gia, VTV, nhồi sọ chúng tôi từng đêm với hàng chục bộ phim điện ảnh và tài liệu cách mạng, để "kỷ niệm sự kiện chính trị lớn của đảng và nhà nước ta”.
Bây giờ chả ai muốn nghe những thứ ấy nữa và thậm chí đảng cũng chả bận tâm làm việc ấy. Có những nhà tuyên giáo thực hiện các loại tuyên truyền lố bịch trên tivi, nhưng bằng cách nào đó thì Cô dâu tám tuổi vẫn được ưa thích hơn.

TIẾNG GÕ CỬA LỚN

Tôi đã mong có được một dịp để nghỉ ngơi, thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt của Hà Nội, ở phương nam này, nơi đại hội, hội nghị và các cuộc họp của Trung ương Đảng như đang diễn ra ở một hành tinh nào khác.
Nhưng tôi đã lầm.
Có tiếng gõ cửa phòng rất to. Người quản lý khách sạn xuất hiện, nhìn tôi với bộ mặt cau có và lo lắng.
"Cô nên đi ngay” - ông nói. "Từ lúc cô đến, công an đã quấy rầy tất cả các khách sạn trong khu vực. Họ cho mọi người xem ảnh cô cùng với một công văn là họ đang tìm cô”.
Ông ta bảo rằng trông tôi không giống tội phạm, nên ông đã chối, bảo với công an là không có tôi ở đây. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng họ sắp quay lại để lục soát các phòng và tôi phải đi ngay lập tức.
Tôi nhanh chóng thu dọn đồ, cảm ơn viên quản lý - hơi ngạc nhiên với tính vô tư Nam Bộ của ông ta - và chạy ra đường.
Lúc đó là 10h tối. Trong cơn hoảng loạn, tôi bị chảy máu chân, và rồi không hiểu làm thế nào mà tôi cũng tìm được một nơi để ở tạm.
Hôm sau, qua bạn bè, tôi nghe nói tôi nên về Hà Nội ngay, ở đó công an có thể kiểm soát được tôi và do vậy họ sẽ thoải mái hơn. Dường như họ không muốn tôi “tung tăng” trong nước trong thời gian đại hội, ngay cả khi tôi chỉ muốn đi nghỉ.

HÀ NỘI BỊ KHÓA CHẶT

Tất nhiên, tôi không phải là người duy nhất. Bộ máy đàn áp ở Việt Nam rất lớn và luôn chơi trò mèo vờn chuột với giới bất đồng chính kiến để duy trì họ trong bất ổn và sợ hãi. Vài ngày trước khi đại hội bắt đầu, khoảng một chục nhà hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thình lình bị canh nhà.
Một số người khác phàn nàn về việc bị xét nhà đột ngột vào ban đêm để "kiểm tra nhân khẩu" - một thủ tục thường được công an sử dụng để tìm hiểu xem có bất kỳ "người lạ", hoặc khách, ở trong một ngôi nhà nào đó mà không đăng ký trước tại đồn công an địa phương.
Còn ở Hà Nội, công an dường như tự tin hơn, rằng họ đã kiểm soát được mọi thứ. Và do vậy, họ có xu hướng dựa vào công nghệ nhiều hơn: Điện thoại di động bị nghe trộm nhiệt tình, sóng điện thoại bị nhiễu.
Bị canh không cho ra khỏi cửa, Hoàng Dũng, một thành viên Phong trào Con Đường Việt Nam ở Sài Gòn, nằm nhà theo dõi Facebook - một nền tảng kỹ thuật mà bằng cách nào đó chính phủ không thể ngăn cấm, giờ đây là đường dẫn thông tin chính cho 35 triệu người sử dụng.
Blogger chính trị này bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà anh coi là một người đàn ông mạnh mẽ cam kết cải cách, bất chấp việc ông ta bị cáo buộc tham nhũng.

CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT

Nhưng Hoàng Dũng và nhiều người khác đã ủng hộ sai ngựa.
Trận đấu cuối cùng của Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội chẳng đi đến đâu, ông đã bị mất ghế không chỉ trong Bộ Chính trị, mà còn cả trong Ban Chấp hành Trung ương nữa.
Thật là thất bại nặng nề cho một nhân vật mãi gần đây còn được dự báo sẽ là tổng bí thư tiếp theo của đảng.
Đối thủ một mất một còn của ông Dũng, Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục bám được vị trí của mình, là người đứng đầu đảng thêm một nhiệm kỳ nữa, trong những gì được xem là một sự trở lại đáng chú ý đối với một tiến sĩ Mác-Lê 72 tuổi.
Xung đột giữa các phe phái khác nhau trong đảng vốn không phải chuyện mới lạ. Lúc nào cũng có tin đồn. Nhưng Đại hội này trông như một cuộc chiến đặc biệt khốc liệt giữa phe đảng và phe chính phủ, đại diện bởi ông đảng trưởng đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Với nội các gồm các nhà kỹ trị, ông Dũng được nhiều người xem là một người cộng sản "ủng hộ cải cách.” Con gái ông đã kết hôn với con trai của một cựu quan chức chế độ miền Nam Việt Nam, điều đó càng củng cố danh tiếng của ông ta như là một chính trị gia thân phương Tây.
Dân chúng thấy ông đẹp trai và có tài hùng biện, có thể nói chuyện không cần diễn văn chứ không phải ê a một bài viết đã chuẩn bị sẵn như những con ngựa tồi khác của đảng.

BẮT GIAM CÁC BLOGGER

Tuy nhiên, ông Dũng cũng là người cầm đầu các hoạt động của một nhà nước công an. Trong hai nhiệm kỳ của ông, công an được hưởng quyền lực rất lớn.
Nhiều blogger nổi tiếng hay các nhà hoạt động dân chủ đã bị bỏ tù. Một số ý kiến cho rằng những người đó đã bị nhắm làm mục tiêu vì họ chống sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Huy Đức, một nhà báo nổi tiếng ở miền Nam, nói với tôi rằng lý do chung là vì tất cả họ đã chống lại thủ tướng và khiến ông tức giận.
Chắc chắn, tham vọng củng cố quyền lực của ông Dũng là một bí mật công khai.
Trụ được sau các vụ bê bối vì quản lý kinh tế yếu kém một vài năm trước đây, ông ta đã xuất hiện như một lực lượng chống lại nhà macxit giáo điều Nguyễn Phú Trọng. Dũng càng đạt được nhiều ảnh hưởng, càng nhiều blogger bị bắt giữ.
Chiến thắng toàn diện của Trọng khiến mọi người hoàn toàn bất ngờ. Ông ta đã im lặng và bình thản trong hậu trường, không phản ứng với những đòn tấn công mình từ các blogger và đối thủ chính trị. Ông hoàn toàn phớt lờ tất cả những lời lăng mạ, nói xấu mình.

MỘT BẤT NGỜ ĐƯỢC CHÀO ĐÓN?

Rất ít ai biết rằng đằng sau hậu trường, ông Trọng đã cẩn thận tính toán các bước đi của mình và biết chính xác khi nào và làm thế nào để tấn công – những đặc điểm cần thiết của các nhà lãnh đạo cộng sản thành công.
Hay là ông ta chỉ may mắn mà thôi? Bởi vì, với tất cả các trò rò rỉ và đồn đoán, chính trị của đảng cộng sản là một thứ phức tạp và tù mù.
Cũng có thể là Trọng người khôn ngoan, nhưng không mấy ai dám tin rằng với một phong cách cổ hủ, khư khư bám chặt vào chủ nghĩa Mác-Lênin như thế, liệu ông có thể trở nên một nhà cải cách và ủng hộ dân chủ hơn?
Do vậy, thật chẳng có nhiều hy vọng về một sự cởi mở đột ngột nào đó.
Nhưng ai mà biết được? Nguyễn Phú Trọng đã im lặng quá lâu và chờ đợi thời cơ của mình trước khi gây ngạc nhiên cho tất cả chúng ta. Còn bây giờ, khi đã củng cố được quyền lực, có lẽ ông ta sẽ gây ngạc nhiên một lần nữa. Đó mới thật là một bất ngờ rất đáng được đón nhận.
02/02/2016

‘Đi qua vô hại’: Cụm từ lạ của giới ngoại giao Việt Nam

"Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lên tiếng vào ngày 31/1/2016 về hành động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong "chiến dịch tự do hàng hải" (FONOP) của Hoa Kỳ.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ thời “đu dây” giữa Trung cộng và Mỹ, giới cầm quyền Hà Nội mới có được một tuyên bố “minh bạch” đến thế, cho dù tất cả mới chỉ trên phương diện phát ngôn.
Vào cuối tháng Mười năm ngoái, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam: "tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông" và "kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định" ở Biển Đông. 
Từ lâu, cách phát ngôn nước đôi của “người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam” đã khiến hơn 80% người dân Việt không thích Trung cộng trở nên phát ngấy. Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng “cho nó lành” trước Trung cộng. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung cộng xâm phạm Biển Đông và giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam quá bận lòng. Đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ chính trị hay nghị quyết nào của Quốc hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung cộng.
Vì thế, tuyên bố “đi qua vô hại” của Việt Nam mới đây đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Tuyên bố này được phát ra chỉ vài ngày sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc và một đặc sứ Trung cộng là Tống Đào đã đến Hà Nội để “làm công tác tư tưởng”.
Cần nhắc lại, Luật biển của Việt Nam quy định: "Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam". Do vậy, Việt Nam không thể không lên tiếng phản ứng trước các sự kiện liên quan tới chủ quyền ở khu vực này.
Có thể vào lần này, giới ngoại giao Việt Nam đã “vận dụng” nội dung “không gây hại” để làm cơ sở cho thông báo của mình.
Tuy nhiên, chắc chắn phía Trung cộng, trong lúc phản ứng mạnh mẽ với tàu quân sự Mỹ, sẽ rất bực bội vì tuyên bố có chút xa rời “mười sáu chữ vàng” của Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là vì sao mới chỉ sau chuyến công du của đặc sứ Trung cộng, giới lãnh đạo Việt Nam lại tỏ ra “can đảm” lạ thường đến thế?
Phải chăng đây chỉ là một động tác mị dân để cho thấy dàn lãnh đạo vừa cũ vừa mới trong Bộ chính trị không đến nỗi quá “thân Trung” như dư luận đánh giá?
Hay đã xuất hiện ra một mối nguy hiểm nào đó từ phía Trung cộng mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn?
Với tuyên bố “đi qua vô hại”, liệu Việt Nam có bắt đầu dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình?
Gần đây, Việt Nam đã bắt đầu tham gia tập trận của khối đồng minh Mỹ ở khu vực Đông nam Á với vai trò quan sát viên.
02/01/2016 - 18:58
Lê Dung / SBTN

Nhiều tàu Trung Cộng neo đậu trái phép quanh bãi ngầm Ba Kè

Những ngày gần Tết, nhiều tàu Trung Cộng neo đậu tại khu vực thềm lục địa phía Nam Việt Nam, đặc biệt là khu vực bãi ngầm Ba Kè, Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến lực lượng tuần duyên Việt Nam phải xua đuổi nhiều lần.
Những chiếc tàu này thuộc dạng tàu bọc sắt, mũi vát nhọn, trên boong có nhiều giàn đèn và nhất là 2 bên mạn, đều nhô ra giàn cào khổng lồ như những bộ xương. Theo báo chí trong nước đưa tin những tàu Trung Cộng này không thấy lưới đánh cá trên boong như những tàu đánh cá thông thường, thay vào đó là một số vật thể giống xuồng cao tốc, được che chắn bằng bạt màu xám. Ngư dân Nguyễn Văn Hiền cho biết là tàu cá mà chẳng khi nào thấy buông lưới. Các xuồng câu thì chạy tốc độ rất nhanh, như xuồng cao tốc và người đi câu, hình như chỉ dùng dây để đo độ sâu. Từ tháng 12 năm 2015 cho đến nay, mặc dù khu vực thềm lục địa phía Nam liên tục có sóng to gió lớn, nhưng số lượng tàu cá Trung Cộng neo đậu lâu ngày ở khu vực bãi Bà Kè luôn duy trì ở mức từ 12 đến 15 chiếc và hầu hết các tàu này không đánh bắt, mà chỉ có động tác giống như thăm dò luồng lạch, độ sâu và khiêu khích.
Ông Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cảnh báo rằng Trung Cộng có ý định hạ đặt giàn khoan, đóng quân xen kẽ với Việt Nam trên một số khu vực bãi cạn thềm lục địa phía Nam.
Ba Kè là khu vực biển hoạt động hết sức phức tạp, Trung Cộng thường xuyên sử dựng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Hoạt động của họ tập trung nhiều vào các tháng sóng yên, biển lặng.
02/02/2016 - 06:19
Thanh Lan / SBTN

Quan nuốt trộm của người nghèo bị mắc cổ, nhả ra là 'êm'

NGHỆ AN (NV) Lạm dụng quyền hạn, ăn cắp của người nghèo là một dạng tham nhũng tuy hết sức bất nhân nhưng vẫn rất phổ biến tại Việt Nam vì nếu bị lộ, cứ nhả ra là... êm.

Chẳng phải chỉ trước đây mới thế mà ngay bây giờ cũng vậy. Trong vài ngày qua, tại Việt Nam có hai vụ tương tự, một ở miền Bắc, một ở miền Nam.


Một bữa ăn của người bị bệnh tâm thần ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Nghệ An. (Hình: Lan Dam)

Nhiều người chưng hửng khi công an tỉnh Nghệ An loan báo tạm đình chỉ điều tra vụ tham nhũng xảy ra ở Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Nghệ An, vì ông Nguyễn Xuân Phú, giám đốc cơ quan này bị... ốm.

Vụ tham nhũng vừa kể khiến công chúng Việt Nam quan tâm vì tất cả nạn nhân đều là người già, người tàn tật, hoặc bị tâm thần, không nơi nương tựa.

Tháng 9 năm ngoái, dư luận Việt Nam chấn động khi một phụ nữ tốt bụng, thỉnh thoảng đến thăm và tặng quà cho những người bất hạnh đang được chăm sóc tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Nghệ An, quay và đưa lên Internet một video clip cho thấy đa số đói lả bởi không đủ ăn, thậm chí ở truồng vì không đủ quần áo để mặc.
Vài tháng sau, Sở Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Nghệ An mới tổ chức thanh tra và xác nhận, ngoài việc ăn chặn tiền mua thực phẩm, quần áo, vật dụng, quà tặng của những người bất hạnh, ban giám đốc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Nghệ An còn kê khống nhiều thứ chi phí để lấy 780 triệu đồng. Tuy nhiên khi thanh tra Sở Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Nghệ An chuyển hồ sơ cho công an tỉnh Nghệ An để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự thì đột nhiên ông Phú bị... tai biến, phải vào bệnh viện điều trị.

Chẳng có mấy người được hệ thống tư pháp Việt Nam “đối xử nhân đạo” như thế. Ví dụ năm 2009, do thất thế trong chuyện đấu đá với ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành Ủy Ðà Nẵng, ông Trần Văn Thanh - Thiếu tướng, chánh thanh tra Bộ Công An bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy ông Trần Văn Thanh cũng bị tai biến, bệnh viện của Bộ Công An có văn bản xác nhận, tòa án thành phố Ðà Nẵng vẫn ra lệnh phải đưa ông Thanh tới tòa và viên tướng này được đưa đến tòa bằng xe cấp cứu. Tuy tận mắt chứng kiến ông ta đang phải dùng máy trợ thở, khắp người dây nhợ chằng chịt nhưng tòa chỉ tuyên bố tạm hoãn xử sau khi bác sĩ do tòa triệu tập, xác nhận, đương sự đang trong tình trạng nguy kịch đến sức khỏe!

Vụ lạm dụng quyền hạn, ăn cắp của người nghèo ở Nghệ An tuy đã “tạm đình chỉ điều tra” nhưng dù sao hệ thống tư pháp cũng có dịch chuyển một chút (khởi tố) chứ ở Sài Gòn thì không.

Bà Dương Thị Bạch Diệp, tổng giám đốc công ty Diệp Bạch Dương vừa tố cáo, chính quyền phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn không chịu... nhận 50 triệu mà bà đóng góp để ủng hộ “Quỹ Khuyến Học” và “Quỹ Vì Người Nghèo.” Người ta tin rằng đó vừa là một hình thức trả đũa bà Diệp, vừa nhằm bảo vệ ông Võ Quốc Hưng, phó chủ tịch phường Bến Nghé.

Giữa năm ngoái, ông Hưng tìm gặp bà Diệp đề nghị bà ủng hộ hai quỹ vừa kể. Bà Diệp hứa sẽ đóng góp 100 triệu đồng và đã đưa trước cho ông Hưng 50 triệu đồng. Sau đó, bà Diệp phát giác ông Hưng không đưa 50 triệu đồng này vào các quỹ mà bà muốn đóng góp.

Khi bà Diệp tố cáo, đòi điều tra thì ông Hưng nhờ nhân viên trả lại cho bà 20 triệu. Bởi bà Diệp đòi phải trả đủ, ông Hưng mời bà Diệp đến phường, ký biên nhận, nhận 30 triệu mà bà đã “bỏ lại.” Bà Diệp nhận tiền nhưng dứt khoát không chịu ký biên nhận vì theo bà, bà tự nguyện góp tiền cho các quỹ giúp người nghèo chứ không “bỏ lại tiền” để hối lộ ông Hưng. Khi bà Diệp trực tiếp nộp 50 triệu mà bà vừa đòi lại được từ ông Hưng thì chính quyền phường Bến Nghé không chịu thu.

Tuy chuyện trở thành hết sức ồn ào nhưng vài tháng nay, hình như cả chính quyền quận 1, chính quyền thành phố Sài Gòn lẫn công an đều chưa... nghe. Ông Hưng vẫn đang chỉ đạo, điều hình bộ máy công quyền ở phường Bến Nghé!

Năm ngoái, tuy một viên phó thủ tướng của Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Nam kiểm tra và báo cáo vụ chính quyền huyện Quế Sơn dùng công quỹ mua 1,250 con gà con để cấp cho những gia đình nghèo cư trú tại xã Quế An, sau đó, thay vì giao số gà đã mua cho người nghèo, bí thư, chủ tịch và các viên chức xã Quế An đã chia nhau nuôi giùm toàn bộ 1,250 con gà đó, song cuối cùng, các viên chức ăn cắp của người nghèo chỉ trả lại gà, tự kiểm, rồi... thôi.

Cũng năm ngoái, sau khi trả lại 12 con dê đã chiếm đoạt của người nghèo, ông Ðỗ Minh Quý vẫn tiếp tục được đảng tín nhiệm nên tiếp tục làm bí thư huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. 12 con dê này vốn được cấp cho ba gia đình nghèo nhất xã Thạch Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, nhằm tạo ra sinh kế, giúp họ thoát đói, bớt nghèo nhưng do Trung Tâm Khuyến Nông của huyện Thạch Thành “nhầm lẫn” nên chúng được đưa thẳng vào trang trại của ông Quý! (G.Ð)

02-02-2016 1:55:28 PM 

Chợ truyền thống ở Việt Nam mai này ra sao?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2016-02-02  
000_Hkg10167505
Một chợ chồm hổm ở Hà Nội hôm 30/5/2015  AFP phot
Các chợ truyền thống ở Việt Nam không chỉ là nơi buôn bán mua sắm đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt, đặc biệt trong dịp lễ lạc cuối năm.
Do cấu trúc làng xã và văn hóa cộng đồng của người Việt mà các phiên chợ được hình thành đã rất lâu đời. Với nhu cầu trao đổi hàng hóa và chỉ cần có kẻ mua người bán thì các chợ chồm hổm xuất hiện ở đầu làng, bến nước hay ngã ba đường cái từ nhiều thế kỷ trước.
“Đi chợ” dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Dẫu qua bao thăng trầm theo thời cuộc nhưng những hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ như Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế, Bến Thành ở Sài Gòn hay chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ vẫn không thay đổi mấy và luôn đọng lại trong ký ức của mỗi người dù chỉ một lần duy nhất dạo qua các chợ này trong đời.
Mặc dù trong xu hướng tiêu dùng hiện đại, Việt Nam ngày càng có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng; tuy nhiên các chợ truyền thống vẫn đóng vai trò chính yếu trong hoạt động mua sắm buôn bán của người dân. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương tính đến cuối năm 2010, cả nước có trên 8500 chợ lớn nhỏ. Và, Quyết định số 03/2008/QĐ-BCT của Bộ Tài Chính phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được ban hành hồi cuối năm 2007, đã làm thay đổi sinh hoạt của nhiều chợ truyền thống có tên trong báo cáo vừa nêu.
Một trong những vụ việc điển hình là thông tin liên quan đến chợ Tân Hiệp ở Biên Hòa-Đồng Nai. Từ đầu năm 2007, Tỉnh Ủy Đồng Nai ra quyết định xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp. Đến cuối năm 2008, hàng trăm tiểu thương phải di dời sang chợ tạm 3 năm và chờ được sắp xếp kinh doanh ở khu vực tầng trệt và tầng 1 sau khi trung tâm thương mại xây xong. Thế nhưng kể từ tháng 6 năm 2011 cho đến tháng 7 năm 2015, toàn bộ tiểu thương chợ Tân Hiệp phải tập trung 42 lần để phản ánh tình trạng Tỉnh ủy Đồng Nai không thực hiện đúng cam kết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương. Bà Hiền, một tiểu thương chợ Tân Hiệp, nói với Đài ACTD:
“Cuối cùng bị nhét phía sau, ở trong góc nên tiểu thương không đồng thuận, họ không lấy, không còn chổ cho chợ truyền thống. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 2015 họp với Thanht ra Chính phủ với phương án đưa ra Tỉnh phải xây chợ mới chỗ khác nữa nhưng bà con không chịu vì chỗ mới đấy sát đường rầy (xe lửa), là một; với hai nữa, nếu bắt buộc phải nhận thì quyết định phải có chữ ký của Thủ tướng thì tiểu thương mới chịu nhưng Thanh tra không trình ra được và Thanh tra chuyển qua cho Tỉnh phải trình mà Tỉnh 3 năm về trước đã cam kết nhưng quay về đã không còn chợ. Vậy làm sao nghe theo Tỉnh và Thành phố được? Báo chí trong nước thì có báo Thanh tra Chính phủ, báo Thanh Niên, báo Pháp Luật có đăng. Nói chung, tự họ đăng tiểu thương đồng ý nhưng thực tế tiểu thương có ai đồng ý ký đâu?”
000_Hkg10146958-400
Hàng trang trí trong nhà ngày Tết bày bán dọc các chợ nhỏ ở Hà Nội. AFP photo
Trong khi đó, tại Nha Trang, tiểu thương ở chợ Đầm đã 4 lần bãi thị trong năm qua để phản đối việc chính quyền quyết định phá bỏ chợ cũ làm đài phun nước và xây chợ Đầm mới ở khu vực sát bên. Các tiểu thương và người dân Nha Trang-Khánh Hòa nêu lên lý do đây là ngôi chợ tròn duy nhất của Việt Nam, một di tích văn hóa, là địa điểm du lịch mua sắm đồng thời là nơi mưu sinh của phần lớn dân chúng địa phương thì cớ sao lại đập bỏ khi chợ còn kiên cố? Họ đặt ra câu hỏi với chính quyền các cấp có phải đó là sự lãng phí ngân sách và tiền của dân hay không?
Những tháng cuối năm 2015, hình ảnh tiểu thương ở các chợ truyền thống từ Nam ra Bắc phản đối dẹp bỏ chợ cũ và bị ép di dời qua chợ mới được loan tải dồn dập trên các kênh truyền thông chính thống lẫn các trang mạng xã hội. Tiểu thương của khoảng một ngàn hộ kinh doanh tại chợ Phú Hậu, chợ đầu mối nông sản lớn nhất Thừa Thiên-Huế hồi đầu tháng 12 tập trung trước cổng UBND Tỉnh, tay cầm biểu ngữ “Hãy cứu dân nghèo” được ghi trên thùng xốp, thùng carton. Các tiểu thương này chia sẻ:
“Mấy người đầu tư, họ lấy tiền lô quá cao. Một lô mà cả trăm triệu, có lô 180 triệu, lô 120 triệu…Tiền nhiều quá, không cách chi đóng nổi”.
Xung đột với tiểu thương
Quyết định hồi cuối năm 2013 về dự án chợ và trung tâm thương mại xây dựng trên khu đất bãi giữ xe, là nơi luân chuyển hàng của tiểu thương chợ Nành ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã tạo nên sự xung đột giữa chủ đầu tư và tiểu thương ở chợ vải đầu mối này. Hẳn nhiều người còn nhớ những ngày cuối tháng 12, sự xung đột lên đến đỉnh điểm khi hàng ngàn học sinh phổ thông nghỉ học cùng phụ huynh tụ tập trước UBND Xã để phản đối quyết định của chính quyền địa phương. Một tiểu thương chợ Ninh Hiệp lên tiếng trong đợt bãi thị vừa qua:
“Thời kỳ này là thời kỳ Tết, bà con buôn bán rất nhiều hàng mà như thế này là rất ảnh hưởng đến việc buôn bán của bà con, miếng cơm manh áo của 17 nghìn nhân dân Ninh Hiệp”.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, các tiểu thương chợ Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cũng đang trong tình trạng kêu cứu bị ép di dời qua chợ mới xây. Câu trả lời chung của tất cả tiểu thương các chợ truyền thống mà Đài RFA liên lạc đều cho rằng họ bức xúc vì đề án quy hoạch chợ chẳng mang lại lợi ích nào mà còn làm khổ cho dân vì:
“Chính quyền móc nối với chủ đầu tư thầu chợ nên họ quy hoạch không tốt cho dân mà chỉ tốt cho túi tiền của họ thôi.”
Qua những diễn biến phản kháng của tiểu thương khắp nơi trong năm 2015 làm dấy lên câu hỏi rằng quyết định của Bộ Tài Chính quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ ở VN có thể dẫn đến sự triệt tiêu các ngôi chợ truyền thống hay không? Trong khi câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp từ các cơ quan chức năng thì nét sinh hoạt “đi chợ Tết” cổ truyền những ngày giáp Tết Bính Thân ngoài âm thanh hỗn tạp sinh động của các buổi chợ cuối năm còn có những tiếng la ó giằng co giữa tiểu thương với những người làm công tác đặt biển báo cấm vào các khu chợ cũ.
“Công an để đó…Người ta mua bán ở đây mà mấy ông chận là chận làm sao?...Không cho vô…Quá đáng!...Đồng lòng với nhau mới được, đồng lòng biểu tình”.
Và những âm thanh, hình ảnh đó khiến nhiều người liên tưởng đến số phận các chợ truyền thống mai này sẽ ra sao?

Người Việt ở Biển Hồ không có Tết Hòa Ái, phóng viên

RFA -2016-02-02 
000_SAHK990531562680
 Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh AFP photo
Hồi trung tuần tháng 10 năm 2015, khoảng 1500 hộ dân ở Biển Hồ bị di dời, trong đó chiếm đa số là các gia đình gốc Việt. Lần di dời này gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng người Việt ra sao? Và, họ đón Tết Bính Thân như thế nào, Hòa Ái phỏng vấn Mục sư Trần Đình Ái, hiện ông đang mục vụ ở Campuchia, để nghe chia sẻ về đời sống của những người Việt ở hồ Tonlé Sap.
Hòa Ái: Xin chào Mục sư Trần Đình Ái. Cảm ơn Mục sư dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay. Có lẽ trước hết, nhờ Mục sư cho biết sau khi các hộ gia đình người Việt ở Biển Hồ bị chính quyền địa phương di dời, Mục sư ghi nhận cuộc sống của họ bị thay đổi ra sao, thưa Mục sư?
Mục sư Trần Đình Ái: Thưa tôi là người sống và làm việc ở Campuchia rất nhiều năm, có thể nói rằng với đồng bào VN sống trên dòng sông Mekong và sống Tonlé Sap thì họ luôn luôn gặp khó khăn trong vấn đề di dời và lần di dời vừa thực hiện trong năm vừa qua có thể là lần lớn nhất từ trước tới nay, đưa họ đến khu vực hết sức khó khăn, ví dụ đặc biệt như khu Kampong Chhnang mà người VN gọi là vũng Chhnang. Khi họ bị di dời thì bị đưa vào khoảng hơn 4 cây số với chỗ cũ. Và khi đến chỗ mới thì hoàn toàn không có tiện nghi để sống, ví dụ không có điện nước, chợ búa, trường học gì cả, ngoại trừ một trường học của người Tin Lành là họ cùng di dời chung với đồng bào vô đó để dạy cho các cháu nên các cháu mới có chỗ học hành. Cho nên sự di dời làm cho đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ cụ thể, 3 tuần tước đây, có một gia đình VN ở trong xóm biển, một bà cụ rất già chèo xuồng nhỏ để đi lưới cá thì trên đó có một thằng cháu nội khoảng hơn 3 tuổi gần 4 tuổi. Hôm đó, gió rất lớn và xuồng của bà bị lật. Bà già bơi được nhưng không kịp chụp đứa cháu nội nên cháu bé bị trôi mất. Hàng xóm đều lặn kiếm nhưng nước chảy rất xiết, không thể nào tìm được cháu bé.
Ngay lúc đó thì những người đồng cốt, bói khoa tới kêu bà bỏ tiền mua lễ cúng thì mới tìm xác được. Tuy nhiên bà già nghèo quá không có tiền cúng lễ. Khi nghe tin thì hội thánh đến thăm. Và sáng hôm sau, gia đình chào xuồng ra khu vực đó, vị Mục sư cầu nguyện hồi lâu thì Chúa cho xác cháu bé nổi lên ngay chỗ bị chìm hôm qua nên vớt được xác.
Nhưng gia đình nói khổ quá, không có tiền mua hòm, đâu có đất chôn. Hội lo mua hòm và lo nghĩa địa chôn. Quả thật, chúng tôi đã liệm rất chu đáo, đã mướn xe mang đến nghĩa địa chôn rất trang trọng.
Nói chung đồng bào rất khổ sở và hội thánh ở đó giúp được tí nào hay tí đó chứ số đồng bào mình đông và cái khổ thì cả đời.
Hòa Ái: Qua sự khó khăn Mục sư vừa chia sẻ, Mục sư có nghe được nhu cầu cụ thể cần thiết nhất cho cuộc sống hiện tại của họ là gì, không ạ?
Mục sư Trần Đình Ái: Nói chung cần thì họ cần đủ mọi thứ cả. Điều ước ao duy nhất của đồng bào mình ở đó, họ nói thế này: Chúng tôi ước mong chính quyền ở đây cho chúng tôi một chỗ ở ổn định và thừa nhận chúng tôi là những thường trú nhân thì chúng tôi mới có thể an cư để lạc nghiệp được. Đó là nhu cầu lớn nhất của họ, có được chỗ ở ổn định và được thừa nhận tư cách thường trú nhân để khỏi bị làm khó dễ, bị đuổi rày đây mai đó.
000_SAHK990603565840-400
Một bé gái Việt Nam đi hái rau muống gần sông Tonle Sap, Phnom Penh. AFP photo
Hòa Ái: Lần di dời hồi tháng 10 năm 2015 được cho là lần di dời lớn nhất đối với cộng đồng người Việt ở đây và đã làm thay đổi cuộc sống của họ rất nhiều. Vậy năm nay, theo Mục sư, các hộ gia đình này có điều kiện đón Tết truyền thống hay không?
Mục sư Trần Đình Ái: Thật ra thì nói tội nghiệp cho đồng bào mình bên đó! Mỗi năm có những tết như Tết Trung thu, Tết Âm lịch (Tết ta), Tết Dương lịch (Tết tây), rồi Tết Té nước của người Campuchia nhưng hầu hết đồng VN ở đó không biết tết là gì cả bởi vì họ chỉ đầu tắt mặt tối làm sao để kiếm đủ một ngày 2 bữa ăn cho nên họ không quan tâm đến tết gì cả. Hồi đó tới giờ họ vẫn khổ như vậy rồi. Nói chung hoàn cảnh của đồng bào VN sống bên đó thì các ông đi câu hoặc đi mua đồ ve chai, các cháu đi lượm ve chai. Nếu sống trên Biển Hồ thì ngoài việc đi mua bán thì đi xin ăn là chính.
Hoàn cảnh của người Việt mình rất khổ sở. Đối với họ ngày tết thì không có gì quan trọng lắm. Thậm chí mình hỏi các em thiếu nhi ở đó là người Việt hay người Campuchia thì có em trả lời là “người Việt” nhưng hỏi “nước Việt ở đâu” thì các cháu cũng không biết. Có nhiều em không hề biết ngày sinh nhật.
Chúng tôi mở trường dạy, mỗi tháng chúng tôi tổ chức sinh nhật 1 lần cho tất cả các em nhưng các em không bao giờ biết ngày sinh nhật vì các cháu sinh ra không có khai sinh, không có giấy tờ. Vì vậy đối với người Việt bên đó thì ngày nào cũng như ngày đó, mỗi ngày đều là những ngày khó khăn, vất vả.
Hòa Ái: Xin thưa, Hòa Ái cũng muốn hỏi thăm, Mục sư và những người đồng sự của mình có dự định đến thăm hỏi các gia đình người Việt nhân dịp Tết này hay không?
Mục sư Trần Đình Ái: Chúng tôi vẫn làm như vậy. Hằng năm vào những ngày như ngày Trung thu, ngày Tết tây, ngày Noel và ngày Tết ta để chúng tôi tổ chức một chương trình ca nhạc, mời cộng đồng đến và cho họ ăn uống, cho quà. Ví dụ năm nay chúng tôi đang chuẩn bị một số phần quà, mỗi gia đình nhận 10 kg gạo, nước tương, nước mắm, mì gói, cá hộp. Đó là theo đề nghị của những tín đồ địa phương biết gia đình nào thì mời đến để dự chương trình vui xuân và tặng quà cho họ. Vì người Việt bên đó đông lắm nên chúng tôi chỉ làm trong phạm vi từng làng nhỏ thôi.
Hòa Ái: Xin cảm ơn chia sẻ của Mục sư với quý khán thính giả những thông tin mới nhất về đời sống của cộng đồng người Việt ở Biển Hồ. Nguyện cầu Mục sư được dồi dào sức khỏe trong năm mới để tiếp tục công việc mục vụ của mình ở Campuchia.
Mục sư Trần Đình Ái: Nhân đây, tôi chân thành cảm ơn cô Hòa Ái và các nhân viên trong đài ACTD. Tôi cũng gởi lời chào đến tất cả các vị khán thính giả lời chúc xuân an lành. Và nếu quý vị muốn giúp đỡ gì đồng bào VN bên Campuchia thì có thể liên lạc với cô Hòa Ái vì cô có số điện thoại của các mục sư địa phương bên đó. Cầu mong quý vị có một mùa xuân an lành và nhớ đến đồng bào của mình đang gặp cảnh khó khăn tại Campuchia.