Tuesday, December 8, 2015

Việt Nam hy vọng thỏa thuận thương mại sẽ làm cán cân quan hệ nghiên về Mỹ và xa dần Trung cộng




Biểu tình phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam vào ngày 5.11.2015. EPA/STR (Str/EPA)


Hà Nội - Đan chặt bàn tay vào nhau, ông Lê Văn Cương, Thiếu tướng cộng sản về hưu trình bày chuyện Việt Nam đã quá phụ thuộc kinh tế vào hàng xóm khổng lồ Tàu cộng như thế nào. Sau đó, khi nói về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại do Hoa Kỳ dẫn đầu với hơn một chục nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương tham dự, bàn tay nắm chặc của ông đã trở nên thư giản hơn.

"TPP không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là một vấn đề chính trị và an ninh", ông Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an cho rằng nó TPP giúp nới lỏng vòng tay của Tàu đối với Việt Nam. "Nó có giá trị nhiều hơn 10 tàu ngầm mà Việt Nam mua."

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong đàm phán TPP, kết thúc vào tháng 10 sau tám năm thương thảo. Việt Nam muốn giảm thiểu sự lệ vào Trung cộng và tiến gần hơn với Hoa Kỳ - một nỗ lực chuyển hướng trước những khẳng định chủ quyền mạnh mẽ của Trung cộng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, những tác động chính trị trong nước có thể còn sâu rộng hơn với việc Việt Nam đồng ý chuyển đổi luật lệ về lao động, cho phép công nhân được thành lập công đoàn độc lập.

Tom Malinowski, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho rằng TPP gọi đó là "cơ hội một lần trong một đời" để lái quốc gia độc đảng cộng sản này sang con đường cải cách và cởi mở hơn.

"Việt Nam đã có những cam kết có khả năng vươn xa và biến đổi," ông nói. "Việc cho phép sự hình thành của các công đoàn độc lập sẽ phá vỡ độc quyền độc đảng về tổ chức xã hội."

Tổng thống Obama nói rằng TPP sẽ tạo nhiều công ăn việc làm và thị trường mới cho Mỹ đồng thời chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng tại Á châu. Giống như ông Cương, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton B. Carter đã so sánh theo lối hải quân: TPP quan trọng đối với ông "như là một hàng không mẫu hạm."

Tuy nhiên, tổng thống Obama sẽ phải đối diện với một trận chiến khó khăn để được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn TPP vào năm tới, khi mà những người phê bình hiệp ước này lo ngại là TPP có thể hạ thấp những tiêu chuẩn lao động của Mỹ và chuyển công ăn việc làm ra nước ngoài.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết TPP có thể gia tăng lượng xuất khẩu của Việt Nam 30% vào năm 2025 và tăng tổng sản phẩm trong nước hơn 10% cho một nền kinh tế vốn hiện đã tăng trưởng hơn 6% một năm. Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn và ngày càng tăng với đối tác thương mại lớn nhất hiện thời là Trung cộng; thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa cán cân thương mại. TPP cũng hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam trong khi Trung cộng sẽ hứng chịu những tổn thất vì sự hỗ trợ này. Tuy nhiên, nông dân sẽ phải đối mặt với sự gia tăng về cạnh tranh.

Ông Evan Medeiros, cố vấn hàng đầu về Á châu cho Tổng thống Obama và hiện là giám đốc điều hành Eurasia Group, công ty tư vấn kinh doanh quốc tế, phát biểu rằng: "TPP sẽ chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam, đó là lý do tại sao họ đang phải chặt bỏ một chân để được vào" 

Những nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam đã háo hức và bị thu hút bởi sự kết hợp của chi phí lao động rẻ và được miễn thuế nếu hàng hoá được nhập vào Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Trong tháng 11, Pou Chen, một công ty của Đài Loan chế tạo giày lớn nhất thế giới, công bố đã di chuyển nhiều hoạt động của công ty từ Tàu sang Việt Nam, một phần để tận dụng cơ hội có được bởi TPP.

Tuy nhiên, những kỳ vọng cao cũng cùng lúc gia tăng áp lực cho Obama trong việc có được sự chấp thuận của Quốc hội Hoa Kỳ.

"Thật là vô cùng quan trọng là chúng tôi phải hoàn tất phần việc của mình, sau khi đã đi đến mức này, đã bảo đảm được những cam kết mà phía Việt Nam đã đồng ý thực hiện, dù thành phần bảo thủ trong chính phủ Việt Nam đã rất miễn cưỡng" - ông Malinowski nói.

Ông nói thêm, nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội, "chúng ta trở lại từ đầu. Không có gì xảy ra về quyền lao động, và những lời nói của Hoa Kỳ sẽ không còn được coi là đáng tin cậy."

Theo thỏa thuận này, Việt Nam đã đồng ý cải cách doanh nghiệp nhà nước, áp dụng chặc chẽ hơn các tiêu chuẩn môi trường, cho phép mở rộng và tự do Internet, công nhân có quyền tự do lập hội và chấm dứt tình trạng lao động hết trẻ em, lao động cưỡng bức.

John Sifton, giám đốc chuyên trách Châu Á của Human Rights Watch, thừa nhận rằng TPP đã buộc Việt Nam có một "thay đổi lịch sử" về luật lao động, nhưng ông tỏ ra nghi ngờ về việc thực hiện của Việt Nam và sự chế tài của Mỹ.

"Thỏa thuận này có vẻ tốt trên giấy, nhưng những gì sẽ xảy ra nếu nhà nước Việt Nam thay đổi luật, nhưng vẫn tiếp tục cho phép các công đoàn bị nghiền nát bởi công ty và nhà nước?" Ông John Sifton đã hỏi. Ông nói rằng, đối với những hiệp ước thương mại trong quá khứ, chính phủ Hoa Kỳ đã có một "hồ sơ tồi tệ" trong việc thực thi các thỏa thuận về quyền lao động.

Các quan chức Mỹ lại cho rằng TPP có nhiều tiêu chuẩn mạnh hơn, được cho vào trong hiệp ước một cách cụ thể và việc cắt giảm thuế quan chỉ được áp dụng sau khi Việt Nam thực hiện những thay đổi vào những trong năm tới.

Tại Việt Nam, những người hoạt động đã có những ý kiến khác biệt về thỏa thuận TPP. Có người gọi nó là "một điểm vào rất tốt" cho một phong trào xã hội dân sự non trẻ phát triển, nhưng những người khác lại hoài nghi về việc nhà nước sẽ tôn trọng lời hứa, đặc biệt là khi hai nhà hoạt động lao động hàng đầu vẫn còn ở trong tù và công an vẫn không bị kết án khi đánh đập những người hoạt động khác.

Chỉ mới tháng trước, người hoạt động về lao động Đỗ Thị Minh Hạnh, 30 tuổi, cho biết cô đã bị bắt giữ và bị công an đánh đập dã man sau khi cô tiếp xúc với các công nhân bị đuổi việc ở miền nam Việt Nam. Cô đã bị bỏ tù từ năm 2010 đến 2014 và nói rằng cô đã bị đánh đập bởi cai ngục và tù nhân.

Cô cho biết cô đón nhận những cam kết được thực hiện theo các thỏa thuận thương mại. "TPP sẽ mở ra một chân trời mới chưa từng có trong quá khứ cho công nhân và những người hoạt động về lao động, nhưng thực tế là công an bắt tôi, đánh tôi, và đe dọa những người lao động đã phàn nàn về công ty của họ - đã làm tôi lo ngại".

Các quan chức Việt và Mỹ cho biết các đàm phán về TPP cũng đã dẫn đến những tranh luận trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói rằng: "Như chúng tôi đã cam kết với họ trong tiến trình này, chúng tôi sẽ liên tục quay trở lại và nói với họ, "đây là những gì chúng tôi tìm kiếm trong TPP ở trong các lãnh vực khác nhau này; các ông có chắc những điều này là dành cho các ông?". "Họ sẽ trở về thảo luận nội bộ và sau đó trở lại với chúng tôi và nói, "Đây là phương hướng mà chúng tôi muốn cho đất nước của chúng tôi".

Cuối cùng, các quan chức cho biết, các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản đã đoàn kết đằng sau hiệp ước này.

"Chúng tôi tin tưởng đây là điều đúng đắn cho Việt Nam để làm, bất chấp những thách thức rất lớn", ông Nguyễn Bá Hồng, tổng giám đốc của Vụ Châu Mỹ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. "Mặc dù các cuộc tranh luận, bất chấp ý kiến ​​khác nhau, chúng tôi quyết tâm lái thuyền này đến đại dương."

Những người hoài nghi thì cho rằng những kỳ vọng tương tự - như cải cách kinh tế dẫn tới sự cởi mở hơn về chính trị đi kèm - áp dụng cho Trung cộng khi Trung cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 đã không bao giờ xảy ra.

Nhưng ở Việt Nam, các chuyên gia như Trần Việt Thái, Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, nói rằng nước ông đã chọn một "100 phần trăm con đường khác" từ láng giềng phương bắc.

Trung Quốc, ông nói, đang thúc đẩy cải cách theo kiểu từ trên xuống, dùng "bàn tay hữu hình" của sức mạnh Đảng Cộng sản để "làm sạch ngôi nhà."

Người Việt Nam, ông nói, "muốn sử dụng bàn tay vô hình của thị trường để dọn dẹp nhà cửa."



Chưa trả nợ, không được chết!

Nguyễn Văn Tuấn - Bà có một cái tên rất ư là hiền lành: Nguyễn Thị Lê. Bà quê ở xã Hương Phong, Hiệp Hoà, Bắc Giang. Bà là người bị tàn tật hồi còn nhỏ, và thuộc hộ nghèo. Bà mới qua đời vào đầu tháng 11 năm nay. Nhưng chính quyền địa phương… không cho bà chết. Họ không chịu làm giấy chứng tử cho bà.

Lí do chính quyền địa phương không kí giấy chứng tử là vì bà còn nợ (1). Số tiền nợ là 1.7 triệu đồng (tức khoảng 85 USD). Bà nợ thuế đất nông nghiệp, nợ tiền đóng góp an ninh quốc phòng, nợ tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, quĩ bảo trợ trẻ em, nợ quĩ đền ơn đáp nghĩa, nợ quĩ khuyến học, nợ quĩ hội xuân, v.v. Nên nhớ là bà Lê thuộc diện hộ nghèo của xã, nên bà lấy tiền đâu mà đóng cho mấy cái quĩ đó.

Nhưng chính quyền địa phương thì cứ như là cái máy. Họ nhất định không cho phát loa thông báo cái chết của bà, không cho mượn xe tang, không làm giấy chứng tử. Thật khó tưởng tượng nơi nào mà chính quyền hành xử với người dân như thế. Hi vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt, không đại diện cho hệ thống nhà Nước hiện nay. Người mình có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng cái chính quyền này đã mất cái đạo đức đó quá lâu rồi, nên họ hành xử như là một cái bộ máy Mác Lê Mao? Nếu đúng thế thì đây là một chứng từ về sự tàn phá truyền thống dân tộc của cái hệ tư tưởng Mác Lê Mao.

Đọc về cái chết của bà Nguyễn Thị Lê và những thứ thuế, phí mà bà còn “nợ” làm tôi nhớ đến lời lên án chế độ thực dân pháp của ông Hồ Chí Minh. Trong bản cáo trạng thực dân Pháp ông viết hơn 70 năm trước có những câu như “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân […] Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu […] Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng […] Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng” (2). Ôi, những lời cáo trạng hùng hồn này sao mà hợp thời thế!

Tôi đoán rằng nếu ai đó hỏi cái chính quyền xã Hương Phong tại sao họ hành xử như thế với bà Lê, chắc chắn họ sẽ trả lời: làm đúng qui định, theo đúng qui trình. Họ có thể rất tự hào vì đã làm đúng qui định, và thế là được tưởng thưởng. Nhưng đó là câu nói đầu môi, câu nói thời thượng của các quan chức Nhà nước ngày nay. Đó cũng là một cách biện minh cho những hành động bất chính, những hành vi tàn nhẫn, những quyết định vô cảm, và sự bất tài của họ. Đó cũng là câu nói cho thấy họ là cái máy, chứ không phải con người (bởi con người thì phải có tình cảm).

Đọc bài này làm tôi nhớ đến chuyện ở Úc. Dạo đó, Nhà nước chuyển sang hệ thống quản lí bằng điện toán, nên tất cả giấy đòi nợ, trợ cấp xã hội, v.v. đều do máy tính làm. Đến ngày thì máy tính in ra hàng triệu thư và gửi đến cho đương sự. Dĩ nhiên, hệ thống này rất hiệu quả vì giảm nhân viên và tiết kiệm ngân sách. Nhưng có một vụ mà báo chí làm ồn ào, là giấy đòi nợ được gửi cho bà cụ mới qua đời. Số tiền mà thư đòi nợ là … 1.5 đôla! Thế là gia đình của bà cụ lên đài truyền hình nói về sự vô cảm của Nhà nước, của cái xã hội mà họ gọi là “máy”. Sự việc ồn ào đến độ bà bộ trưởng Bộ An sinh xã hội phải đứng ra xin lỗi.

Nếu chính quyền xã Hương Phong và vị Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh xã hội muốn chứng tỏ họ văn minh và có đạo đức, họ nên chính thức xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lê.

Nguyễn Văn Tuấn

====



Tại sao Di chúc Bác Hồ như mèo mửa*

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Lâu nay, cứ mỗi khi phải nhìn thấy hình chụp Di chúc của bác Hồ là Cu Tèo cực kỳ bức xúc, hỏi tại sao bác Hồ lại có thể viết mèo mửa đến độ như rứa.

Phải thú thực, khi bị đọc lần đầu tiên Di chúc của Bác, Tèo không tài nào tin đó là chữ là văn, là phong cách Hồ Chí Minh. Dốt nát như cu Tèo này hay những con cu tương cận thì không nói làm gì, đàng này Bác là... doanh nhân thế giới, nhà văn kiêm nhà thơ chưa từng có trong lịch sử văn chương thi phú, hát chèo, hát bội, ả đào, cải lương, ka-ra-ô-kê... của VN với 4000 năm văn hiến; nghĩ rằng đây là do luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địt, của bọn phản động chuyên chọc phá tổ quất, nhưng dụi mắt nhìn kỹ, rõ ràng đây là báo chính thống số một của đảng ta (chứ không phải đảng thằng tây nào). Rồi khi khẳng định đó là báo lề Đảng, Tèo vẫn không tin, cho là nhà báo ghi lầm ghi lộn tên chính chủ (của di chúc): thay vì in đúng, là của Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, vì chỉ có bọn tổng thống Ngụy mới... ngu như thế. Phải đợi cho đến khi Di chúc bác được in tới in lui nhiều lần, vẫn trên báo đảng, báo nhà nước, báo chính phủ, Tèo mới tin đó là của cha già DT.


Khổ là càng tin đó là hình chụp di chúc thực sự của Bác, Tèo lại càng bức xúc chịu không thấu, đến nỗi không thiết tha gì đến chuyện cơm, kể cả phở, khiến chủ nhà hàng thấy mình bị ế ẩm, phải tự động mang đến tận cu này mời mọc, “mại dzô”, nhưng cu vẫn lắc đầu ngoai ngoải, “em chả, em chả”.

Thà nhịn cơm nhịn phở, nhưng không thể nhìn sự nghiệp bác Hồ sống mãi trong quần chúng nhân dân trong đó có cu này sụp đổ theo cái di chúc mèo mửa kia. Tèo đi tìm gặp bác để hỏi cho ra lẽ nguồn cơn nông nỗi. 

Gặp Bác? Bác chết từ mấy chục năm làm sao mà gặp được? Hỏi như vậy là không biết gì về lịch sử đảng (Hèn chi đảng đang doạ bỏ môn Sử trong chương trình giáo dục). “Bác là kết tinh của hồn thiêng sông núi”, lại chết vào ngày linh tháng linh là quốc khánh nước CHXHCNCC, nên linh lắm thiêng lắm; Bác không linh, Đảng đã không rinh vào chùa ngồi cạnh Phật, có khi còn ngồi trước Phật, cho các cháu cầu nguyện, xin gì được nấy. Xin Mỹ bỏ cấm vận, được Mỹ bỏ cấm vận; xin vào WTO, được vào WTO; xin Ngụy cho làm sui gia, được làm sui gia với Ngụy; Xin vào TPP, đang chờ Quốc Hội Mỹ kíu xét... 

Thế là Tèo lên Quốc Doanh Tự, tức chùa sư nhà nước trụ trì khấn vái xin bác giải đáp nan đề di chúc mèo mửa. Không may gần ngày lễ lớn, chùa đầy cháu ngoan. Bác bận bận quá chừng. Bác nói chưa trả lời ngay được, về nhà rồi đêm nay ngủ, bác về giải ảo cho.

Đúng là danh bất hư truyền, Bác linh thiệt. Đêm qua em lại mơ thấy bác. Bác nói:

Các chú ấy xạo đấy. Bác chết bảy đời tám hoánh rồi, còn đâu sống tới Thập niên 60 của Thế kỷ trước mà di với chúc. Tèo cứ so sánh nét chữ của bác trong Đơn bác gửi chính quyền Pháp xin học Trường Bảo Hộ, với nét chữ trong cái gọi là “Di chúc Hồ Chí Minh” thì thấy. Còn về ý tứ, trong bản di chúc thì quá sức là tầm thường, thế mà những câu cú rất là giản đơn cũng bị bôi ga,ch lung tung, xóa lên xoá xuống, sửa tới sử lui; hay chỉ nhìn vào mấy chữ “thì”, dấu phết, thêm bớt, sửa sai sai sửa cũng đủ hiểu đó hoàn toàn không phải là của tác giả “Bản án Chế độ Thực dân”. 

Bác nói tới đó rồi biến mất. Hình như Bác linh thiêng, biết trước ý Tèo định hỏi thêm Bác về điều người ta cho rằng, tác giả “Bản án Chế độ Thực dân” cũng không phải là Hồ Chí Minh nốt.

Tự nhiên trước mặt Tèo xuất hiện không phải một đống, mà cả tỷ đống mèo mửa. 




Đã tỏ tường chưa?

Lê Dủ Chân (Danlambao) - Từ lâu nay, bành trướng Bắc Kinh đã luôn hung hăng xâm lấn Việt Nam. Ngoài biển thì chúng chiếm các đảo Hoàng Sa, Gạc Ma, một phần Trường Sa, vẽ ra đường lưỡi bò chiếm trọn cả Biển Đông, đánh, bắt, cướp, giết ngư dân Việt. Trên đất liền thì chúng vượt biên giới tấn công, cướp của, giết người, phá tan hoang làng mạc, chiếm đất đai, đồi núi của 6 tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, đảng và nhà nước CSVN vẫn cứ một lòng đời đời nhớ ơn Trung Quốc, vẫn cứ một lòng 16 chữ vàng 4 tốt, đồng chí anh em, núi liền núi sông liền sông, tình hữu nghị Việt-Trung muôn đời bền vững... Chóp bu Ba Đình vẫn "trải thảm đỏ đón đầu sỏ xâm lăng" để sau đó lãnh đạo Tàu cộng phán cho một câu như "đổ cứt trên đầu bầy sâu thái thú": Biển Nam Trung Hoa là của người Trung Quốc kể từ thời cổ đại...

Tại sao đảng và nhà nước CSVN lại có thái độ ngược đời, hèn hạ như vậy? Đó là câu hỏi mà trên 90 triệu người Việt Nam (không là đảng viên đảng cộng sản) qua thực tế, dưới ánh sáng mặt trời, dưới sự đưa đường chỉ lối của Internet đã có câu trả lời. Nhưng riêng đảng và nhà nước cộng sản thì vẫn mặt trơ mày tráo, ngậm miệng ăn tiền, hể ai động đến "nỗi lòng mùa thu chết" - mùa thu cách mạng tháng 8 - của đảng thì đảng dùng ngay côn an, côn đồ xã hội chủ nghĩa, còng số 8, nhà tù trấn áp, bịt miệng ngay.

Nhưng - lại cũng chữ nhưng quái ác - hoàng thiên hữu nhãn, thiện ác đối đầu chung hữu báo, hồn thiêng sông núi, anh linh của anh hùng liệt sĩ đã xui khiến vào sáng ngày 08/12/2015 tại Hà Nội trong khi tiếp xúc với dân, đảng trưởng đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, mỹ danh là Trọng Lú, bất thần hết lú buột miệng tiết lộ với dân rằng:

“Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hòa bình để phát triển. Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không!?” (1)

Hỡi các đảng viên, dự bị đảng viên, cảm tình viên, dư luận viên... đảng cộng sản, câu trên là do Nguyễn Phú Trọng, đương kim đảng trưởng đảng cộng sản nói chứ không phải do tôi hoặc một người vô danh tiểu tốt hay do "bọn phản động" nói đâu nghe, có giá trị tuyệt đối (đối với người cọng sản) đấy.

Qua câu nói này, đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã khai báo rõ ràng trước toàn dân Việt Nam rằng:

Ta, đảng cộng sản Việt Nam để cho Trung Quốc chiếm các đảo Hoàng Sa, Gạc Ma, một phần Trường Sa, Biển Đông cũng như núi Lão Sơn, ải Nam Quan, thác Bản Giốc... là để có được cái đại hội đảng cộng sản ngày hôm nay (sẽ được tổ chức trong tháng 1/2016). Có ai thắc mắc gì không?

09/12/2015




Tại sao ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư?

Việt Hà, phóng viên RFA 2015-12-07 
044_B61162926-620
 Thịt tươi bày bán tại một cửa hàng -AFP photo
Một số các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy có mối liên quan giữa việc ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn với nguy cơ bệnh ung thư. Mặc dù vẫn còn có nhiều tranh cãi xung quanh những kết luận này nhưng những thông tin về các nghiên cứu  cũng khiến không ít người thích ăn thịt phải lo ngại. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên bỏ thịt đỏ, thịt chế biến sẵn khỏi khẩu phần ăn hay không? Hay chỉ giảm lượng thịt tiêu thụ? Việc chế biến thịt có ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ bị bệnh ung thư ở người?
Kết luận của WHO
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp thịt đỏ và thịt chế biến sẵn vào danh sách những thực phẩm có thể gây bệnh ung thư. Kết luận này được đưa ra dựa vào nhiều nghiên cứu thời gian qua trên thế giới về mối liên quan giữa thịt đỏ và thịt chế biến sẵn với bệnh ung thư. Dựa vào các kết quả nghiên cứu này, nhóm làm việc gồm 22 chuyên gia đến 10 từ nước đã đưa ra kết luận về mối liên quan giữa bệnh ung thư và thịt đỏ, thịt chế biến sẵn. Các bệnh ung thư phổ biến là ung thư ruột già, tụy và tuyến tiền liệt.
Theo báo cáo mới của WHO, thịt đỏ được xếp vào nhóm các chất gây ung thư mức hai, ít nghiêm trọng hơn so với thịt chế biến sẵn được xếp vào mức 1. Các chuyên gia của WHO kết luận rằng cứ mỗi 50 g khẩu phần thịt chế biến sẵn được ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột già lên 18%. Nguy cơ này tăng lên 17% với mỗi 100 gram thịt đỏ được một người ăn mỗi ngày.
Chế độ ăn mà muối mặn quá, nitrad nó vào người nó thành chất nitroxamin thì là một chất gây ung thư. Nó không mang chất đó nhưng nó phối hợp trong người.
- Bs Nguyễn Chấn Hùng
Bác sĩ Kurt Straif thuộc Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO cho biết với mỗi cá nhân, nguy cơ bị bệnh ung thư ruột già do ăn thịt chế biến sẵn là không cao, nhưng nguy cơ này sẽ tăng lên khi lượng thịt ăn vào tăng thêm. Do đó, theo ông, ảnh hưởng của ung thư trở thành quan trọng cho sức khỏe cộng đồng.
WHO trích dẫn ước tính của Dự án về gánh nặng bệnh tật toàn cầu gần đây cho thấy chế độ ăn có nhiều thịt đỏ có thể là nguyên nhân của 50,000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm, con số này là 34,000 ca đối với thịt chế biến sẵn.
Nói về ảnh hưởng của thịt chế biến sẵn đối với các bệnh ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết.
Những cái xúc xích, hamburger thì người ta giải thích là người ta phải dùng muối nhiều vì phải muối, giống như mình khô mắm vì để dành được lâu. Nếu ăn chế độ mặn như thế thì lâu không tốt. Đối với ung thư thì dễ gây ung thư bao tử, ung thư ruột, cái cơ chế nó khác chứ không phải là chất gây ung thư. Chế độ ăn mà muối mặn quá, nitrad nó vào người nó thành chất nitroxamin thì là một chất gây ung thư. Nó không mang chất đó nhưng nó phối hợp trong người.
Những kết luận mới đây về thịt đỏ và thịt chế biến sẵn và mối nguy của bệnh ung thư do WHO đưa ra được căn cứ vào hơn 800 nghiên cứu tìm hiểu về mối liên quan giữa khoảng 10 bệnh ung thư với việc ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn ở nhiều nước trên thế giới, với các chế độ ăn đa dạng. Các bằng chứng được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đến từ các nghiên cứu kết hợp được thực hiện trong suốt 20 năm qua.
Theo WHO, thịt đỏ bao gồm thịt bò, lợn, cừu, ngựa và thịt dê. Thị chế biến sẵn là những loại thịt đã được biến đổi qua quá trình muối, chế biến, lên men, hun khói để tạo thêm hương vị. Các loại thịt chế biến sẵn phổ biến bao gồm xúc xích, ham, thịt đóng hộp.
Văn bản của WHO giải thích việc xếp thịt đỏ vào nhóm gây ung thư mức hai dựa vào những bằng chứng còn  hạn chế. Điều này có nghĩa là vẫn còn cần thêm những nghiên cứu bổ xung khác để xác định cụ thể mối liên quan giữa ung thư và việc ăn thịt đỏ.
Trong khi đó việc xếp thịt chế biến sẵn vào các nhóm gây ung thư ở mức một được WHO xác định là dựa trên những bằng chứng đầy đủ. Thịt chế biến sẵn dù được xếp vào nhóm 1 cùng với thuốc lá nhưng theo WHO thì thịt chế biến sẵn không thể được coi là nguy hiểm tương đương như thuốc lá. Việc xếp hạng này chỉ chứng tỏ sự chắc chắn trong những bằng chứng mà các nhà khoa học có được về mối liên quan giữa việc ăn thịt chế biến sẵn và ung thư.
Cách chế biến thịt và bệnh ung thư
Việc chế biến thịt cũng có ảnh hưởng nhất định với bệnh ung thư. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ung thư Anderson, thuộc trường đại học Texas cho thấy, thịt rán ở nhiệt độ cao hoặc thịt nướng trực tiếp trên lửa cũng tạo ra những chất có thể gây ung thư thận.
035_pbu262045_05-400
Sản phẩm thịt chế biến sẵn được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc hôm 20/4/2015. AFP photo
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu dựa vào chế độ ăn của hơn 600 bệnh nhân của trung tâm Anderson, những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thận và chế độ ăn của gần 700 người khỏe mạnh trong cộng đồng. Kết quả cho thấy nguy cơ bị bệnh ung thư thận ở người tăng cao khi ăn những loại thịt được chế biến có tạo ra các chất gây đột biến.
Giải thích về mối liên quan có thể giữa bệnh ung thư thận và thịt được chế biến ở nhiệt độ cao, tiến sĩ Stephanie Melkonian, người đứng đầu nghiên cứu cho biết:
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy cách mà chúng ta chế biến thịt cũng làm sản sinh ra những chất gây ung thư…. Đây là những chất sinh ra khi thịt được chế biến ở nhiệt độ cao, trực tiếp trên lửa và có vết bén cháy. Khi chúng ta nghĩ về thận thì chúng ta biết là thận có nhiệm vụ lọc những độc tố khỏi cơ thể. Khi chúng ta cứ ăn những chất gây ung thư như vậy thì thận sẽ phải tiếp xúc thường xuyên với các chất gây ung thư. Vì vậy việc cơ thể bị tiếp xúc thường xuyên với các chất gây ung thư làm tăng nguy cơ ung thư thận.
Cụ thể, kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân bị ung thư thận ăn nhiều thịt đỏ và thịt trắng hơn so với những người khỏe mạnh khác. Bác sĩ Xifeng Wu, người tham gia nghiên cứu cho biết kết quả của nghiên cứu cho thấy cách thức chế biến thịt cũng là một nhân tố quan trọng liên quan đến việc gia tăng nguy cơ bị ung thư thận dù đó là thịt đỏ hay thịt trắng.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy cách mà chúng ta chế biến thịt cũng làm sản sinh ra những chất gây ung thư….
- TS Stephanie Melkonian
Tuy nhiên nghiên cứu không chỉ ra cụ thể thường những người bị bệnh ung thư thận ăn số lượng thịt chế biến ở nhiệt độ cao là bao nhiêu. Tiến sĩ Melkonian giải thích:
Nghiên cứu này chỉ nhìn vào chế độ ăn có thịt chung mà không đi vào con số cụ thể. Nhưng thông điệp từ kết quả của nghiên cứu này cũng giống như những khuyến cáo từ hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ là hạn chế ăn thịt đỏ, thịt qua xử lý công nghiệp, thịt nướng, rán cháy. Thay vào đó mọi người nên tập trung nhiều hơn vào đồ ăn có nhiều rau quả, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh để ngăn ngừa bệnh ung thư.
Hướng dẫn mới của Hiêp hội ung thư Hoa Kỳ về chế độ ăn và hoạt động thể chất để ngăn ngừa bệnh ung thư khuyến cao người lớn nên hạn chế ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ăn ít nhất 2 cup rưỡi các loại rau quả tươi mỗi ngày (tương đương 591 gram). Ngoài ra việc năng tập thể dục cũng làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư.
Khuyến cáo mới của WHO cũng không đưa ra con số cụ thể về lượng thịt đỏ, thịt chế biến sẵn mà một người nên ăn mỗi ngày là bao nhiêu. WHO cũng không khuyến cáo mọi người nên tránh ăn những loại thịt này hoàn toàn. Bác sĩ Christopher Wild, Giám đốc IARC, nói rằng mặc dù những kết luận mới của WHO củng cố những khuyến cáo từ lâu nay về việc hạn chế ăn thịt, nhưng thịt đỏ vẫn có những giá trị về dinh dưỡng nhất định. Vì vậy, theo ông, những kết quả của nghiên cứu mới có tầm quan trọng đối với các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc đánh giá những nguy cơ nhằm cân bằng giữa những mối nguy và những lợi ích của thịt đỏ và thịt chế biến sẵn để đưa ra những khuyến cáo về chế độ ăn hợp lý cho mọi người.

Ẩn sau biệt phủ xây dựng trái phép, thách thức pháp luật là ai?

Theo Người đưa tin-08.12.2015 | 16:40 PM

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng vừa ra thông báo hoãn thi hành dỡ bỏ biệt phủ Hải Vân của đại gia vàng Ngô Văn Quang, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Dư luận băn khoăn, liệu pháp luật có được nghiêm minh?


Nghị quyết của HĐND rồi lời hứa của đại gia vàng Ngô Văn Quang đều khẳng định sẽ xóa bỏ biệt phủ trăm tỷ chậm nhất vào ngày 30/11. Nhưng nay, chính lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng lại ra thông báo hoãn thi hành số phận biệt phủ trên, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Dư luận băn khoăn, liệu pháp luật có được nghiêm minh?

Hứa suông để trấn an dư luận?

Theo tin tức trước đó, tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 24 diễn ra vào ngày 24/9, khi bàn đến biệt phủ xây dựng trái phép của đại gia vàng Ngô Văn Quang, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo quận, ông Quang cam kết trong tháng 10, đầu tháng 11, sẽ tiến hành tháo dỡ và chắc chắn thực hiện trước ngày 30/11. Không chỉ vậy, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Liên Chiểu, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, mọi người dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Ẩn sau biệt phủ xây dựng trái phép, thách thức pháp luật là ai? - Ảnh 1

Biệt phủ xây dựng trái phép của đại gia vàng.

Trong khi người dân đang chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật thì ngày 28/11, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký ban hành văn bản khiến người dân bất ngờ và không khỏi thất vọng. Nội dung văn bản nêu rõ: "UBND TP thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo gỡ cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ”.

Nội dung công văn của ông Tuấn khiến nhiều cử tri băn khoăn. Cử tri Trịnh Văn Thanh cho biết: “Sự việc này cần phải xử lý nghiêm minh. Sai thì phải phá bỏ, không thể trưng thu, trưng dụng, dễ phát sinh tiêu cực sau này”.

Có hay không “tiền hậu bất nhất”?

Để làm rõ vụ việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng – người ký ban hành Nghị quyết của HĐND buộc ông Ngô Văn Quang phải tháo dỡ xây dựng biệt phủ trái phép. Ông Thọ nhấn mạnh: “Với tư cách Chủ tịch HĐND TP, tôi khẳng định trước sau như một, hoàn không có chuyện "tiền hậu bất nhất" về Nghị quyết của HĐND TP đã ban hành”. Ông Thọ khẳng định: “Nghị quyết đã và đang có hiệu lực. Dù trước đây tôi làm Bí thư TP nay làm Chủ tịch HĐND và mai làm công dân đi nữa vẫn giữ kỷ cương phép nước”. Thường trực HĐND và cá nhân ông không chỉ đạo việc dừng tháo dỡ. Quan điểm là giữ đúng kỷ cương phép nước.

Cũng liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ĐBQH Huỳnh Nghĩa – Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng nhấn mạnh: “Nghị quyết của HĐND TP đã rõ ràng là buộc tháo dỡ, đến giờ phút này, Chính phủ hay UBTVQH không có ý kiến gì. Làm hết trăm tỉ hay bao nhiêu tỉ không biết, nhưng nếu anh vi phạm pháp luật, vi phạm quy hoạch, vi phạm vùng cấm thì không thể nào cho tồn tại được”.

Trong một diễn biến mới nhất, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng cho biết: “Phải nhanh chóng tháo dỡ biệt phủ của ông Quang để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Do đó, ngày 4/12, tôi chỉ đạo UBND TP và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Nghị quyết HĐND TP về việc tháo dỡ biệt thự do ông Quang xây dựng trái phép ở chân núi Hải Vân”.

Bên cạnh đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, ngày 7/12 sẽ mời chủ nhân ngôi “biệt thự Hải Vân” là ông Ngô Văn Quang lên làm việc để yêu cầu tự tháo dỡ và thông báo để ông có 10 ngày chuẩn bị tháo dỡ. Nếu như sau đó ông Quang không tự tháo dỡ, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế. Vụ việc chắc chắn được xử lý trước ngày 4/2/2016.

Không có chuyện Thanh tra Chính phủ can thiệp
Chiều ngày 3/12, trao đổi với PV, ông Huỳnh Nghĩa – Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho biết: “Hôm nay, tôi vừa nhận được điện thoại của một Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói rằng, vụ này (dừng tháo dỡ biệt phủ-PV) không liên quan gì đến TTCP, TTCP sẽ có văn bản hỏa tốc gửi cho Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Rõ ràng TTCP vào đây không liên quan đến Nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng, do đó không có chuyện TTCP can thiệp". PV cũng tiếp cận được văn bản của TTCP khẳng định, vụ việc của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Đà Nẵng.

Quang Huy – Bắc Kỳ

Đại hội Đảng CSVN diễn ra 'tháng 1/2016'

Theo BBC-8 giờ trước 

Image copyrightGetty
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết dự kiến Đại hội toàn quốc 12 của Đảng Cộng sản sẽ diễn ra trong tháng 1/2016.
Ông Trọng nói tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 8/12 ở Hà Nội, theo tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhắc lại dự kiến đại hội Đảng sẽ tổ chức trong tháng 1/2016.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản nói công tác nhân sự còn “rất khó khăn” tuy vẫn đang được làm “bài bản, chặt chẽ”.
Ông Trọng được dẫn lời nói cán bộ phải trung thành tuyệt đối với nhân dân, đất nước, phải bảo vệ cho được chế độ.
Về việc chọn lựa lãnh đạo mới, ông Trọng nói khi chọn cán bộ là phải có đức, có tài, nhưng chữ đức phải là gốc.
“Người dân bức xúc nhất là sự suy thoái của một bộ phận trong Đảng, mà không cẩn thận thì sẽ gây phá hoại từ trong ra, chứ không phải từ bên ngoài đâu. Cốt yếu là từng cơ sở Đảng phải vững chắc, Đảng phải trong sạch.”
“Vậy nên băn khoăn của các cô, các bác rất đúng, mà Trung ương Đảng cũng rất lo việc đó.”
Ông Trọng cũng bình luận về tranh chấp Biển Đông:
“Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.”
“Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không?”
“Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý, đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai.”

Hà Nội Mới: 'Lãnh đạo trẻ trọng trách lớn'

Theo BBC-8 tháng 12 2015 

Image copyrightOther
Image captionÔng Nguyễn Đức Chung nay là Chủ tịch Hà Nội
Trang báo Hà Nội Mới vừa có bài ca ngợi một thế hệ lãnh đạo trẻ được tín nhiệm trao trọng trách lớn như ví dụ 'hạt giống đỏ' thời kháng chiến.
Bài của tác giả Cù Xuân Cường trên trang hanoimoi.com hôm 7/12 nêu ra ví dụ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vừa lên làm Chủ tịch Hà Nội:
"Việc một vị tướng trẻ, được đào tạo bài bản, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, có nhiều chiến công được bầu giữ cương vị người đứng đầu UBND thành phố với sự tín nhiệm cao là sự kiện thu hút sự quan tâm của không chỉ người Hà Nội…"
Bài xác nhận đây là một hiện tượng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố:
"Một thế hệ cán bộ lãnh đạo mới đã được hình thành: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị… "
"Sau nhiều năm, một thế hệ cán bộ trẻ đã được tín nhiệm giao phó những trọng trách lớn."
Tác giả cũng xác nhận đây là một chủ trương của lãnh đạo Việt Nam:
"Tín hiệu này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc lựa chọn những người trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực thực tế tham gia bộ máy lãnh đạo đã thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống."
"Sự tín nhiệm cao sự ủng hộ của người dân là động lực và cũng là áp lực. Nhưng áp lực ở nhiều điểm nhìn cũng là động lực để khẳng định năng lực tư duy, năng lực lãnh đạo."

Lý do lịch sử

Image copyrightAFP
Image captionBáo VN nhắc lại thời kỳ cử 'hạt giống đỏ' đi học ở Liên Xô, Trung Quốc
Theo tác giả, đây là sự tiếp nối truyền thống gieo 'hạt giống đỏ' có từ thời chiến tranh:
"Sau ngày hòa bình trở lại với miền Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn 'hạt giống đỏ' là những quần chúng ưu tú, con em miền Nam, con em các vị lãnh đạo đang nắm giữ vận mệnh của đất nước gửi đi Liên Xô (cũ), Trung Quốc… học tập."
"Những 'hạt giống đỏ' được đào tạo bài bản trong môi trường khắc nghiệt và đều đã trưởng thành. Họ có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, trên mọi lĩnh vực của đời sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc."
"Nhiều người đã trở thành nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, nhà khoa học…"
Có vẻ như tác giả nêu ra luận điểm khác với một ý kiến đã đăng cũng tại Việt Nam, trên tờ Tiền Phong hồi tháng 10 vừa qua.
Trong bài về cùng đề tài hôm 16/10, một cây bút khác là Trí Quân nêu ra câu chuyện 'hạt giống đỏ' giai đoạn chiến tranh:
"Giới trí thức nhiều người còn lưu truyền câu chuyện năm 1954, Việt Nam gửi 100 “hạt giống đỏ” từ 6 đến 16 tuổi sang Liên Xô đào tạo. Đó phần lớn là con của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những nhà quân sự tài ba, nhà khoa học lừng danh..."
"Họ được chọn lựa kỹ càng về phẩm chất đạo đức lẫn các chỉ số về trí tuệ, tài năng, với mục đích đào tạo thành những nhà quản lý, lãnh đạo đất nước trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình"
"Thế nhưng chỉ vài người trong số ấy thành công trên con đường chính trị."
"Còn lại hầu hết dành cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, y học, kinh tế, văn hóa-nghệ thuật, quân sự…, và sau này đều là những tên tuổi nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành."
Bài trên Tiền Phong nói rõ hơn:
"Cách nhau hơn 60 năm, những thế hệ 'hạt giống đỏ' hẳn có nhiều điểm không còn tương đồng. Xã hội hiện đại thời hội nhập thế giới, nền kinh tế thị trường, cùng các mối quan hệ xã hội phức tạp, nhóm lợi ích đan xen khiến nhãn quan con người không còn giản đơn như trước."
"Tất nhiên, dư luận cũng sòng phẳng và khắt khe hơn với những vị trí lãnh đạo, nhất là khi họ còn trẻ và có xuất thân hoàn toàn khác số đông."
Trong khi đó, Hà Nội Mới nhấn mạnh rằng sự thăng tiến của các 'hạt giống đỏ' là điều đã được "Đảng tín nhiệm" và 'nhân dân hy vọng" như ví dụ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung mà tờ báo nêu trong phần kết của bài.