Friday, November 27, 2015

Tốn nghìn tỷ lấp kênh rồi lại đào

Huy Thịnh-06:42 ngày 28 tháng 11 năm 2015
TP - TPHCM sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để đào lại kênh Hàng Bàng (quận 6) mà thành phố lấp hơn 15 năm trước với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Nhà thầu đang nạo vét, khôi phục lại kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên. Ảnh: LTNhà thầu đang nạo vét, khôi phục lại kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên. Ảnh: LT
Hơn 15 năm trước, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, TPHCM đã chi gần 1.000 tỷ đồng để cải tạo, thực chất là cho lấp kênh Hàng Bàng (quận 6), thay thế bằng tuyến cống hộp khiến toàn bộ lưu vực này, đặc biệt là khu vực bùng binh Cây Gõ trở thành rốn lũ mỗi khi mưa xuống. Để giải quyết tình trạng ngập úng, UBND TPHCM đã cho triển khai gói thầu K dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) đào lại kênh Hàng Bàng với kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ném nghìn tỷ lấp kênh rạch
Chiều 27/11, công trường thi công gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng, đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên (quận 6) đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và được rào chắn lại để thi công. Bốn chiếc xe cẩu hì hục múc lên từng gàu đất đen pha lẫn bùn nhão để khôi phục lại con rạch bị lấp. Các công nhân hối hả đóng cừ tràm, cừ sắt để chống sạt lở.
Theo ông Hoàng Nhựt Hải, chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), đơn vị thi công phải nạo vét 24.000m3 bùn, đất, rác trước đây là nền nhà của người dân lấp kênh.
Theo đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, kênh Hàng Bàng nối từ kênh Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) với chiều dài khoảng 1.400 m. Hiện nay, ở hai đầu con kênh chỉ còn đoạn mương hở rộng khoảng 2-3m thu nước thải từ khu dân cư. Riêng khúc giữa, đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài hơn 600m đã bị lấp hoàn toàn để đặt cống hộp từ năm 1999 - 2000.
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND quận 6 (đề nghị không nêu tên) cho biết, cuối những năm 1990, đoạn kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài khoảng 600 m bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Dòng chảy bị thu hẹp, nước đặc quánh không thoát được. Chính quyền địa phương và các sở ngành chức năng đề xuất giải pháp lấp kênh và thay bằng cống hộp với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Khi ấy, ông đề xuất nạo vét rạch khơi thông dòng chảy nhưng không được lắng nghe vì nhiều người lo nạo vét xong con kênh sẽ tiếp tục bị xả rác, ô nhiễm trở lại. Biện pháp ngăn chặn xả rác tốt nhất là lấp kênh làm cống.
Năm 2000, kênh Hàng Bàng bị lấp, trở thành con hẻm tráng xi măng. Người dân hai bên cơi nới, xây công trình phụ, lấn chiếm dần nên con hẻm chỉ còn rộng khoảng 3 m, trở thành mặt sau của hai dãy phố. Nhiều người còn tận dụng con hẻm làm nơi nấu ăn, phơi quần áo,...
Không chỉ kênh Hàng Bàng, con rạch Lương Bèo nối từ Cty Pouyen (Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) đến kênh Tân Hoá cũng chịu chung số phận. Việc san lấp rạch vô tội vạ không chỉ làm mất mỹ quan mà kể từ năm 2000, quận 6 trở thành một trong những nơi ngập nặng nhất TPHCM, trong đó khu vực bùng binh Cây Gõ bị ngập sâu, suốt 15 năm qua chưa xoá được dù đã nạo vét, khơi thông kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Moi lên, mất thêm hàng nghìn ty
Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết, con kênh sẽ được đào rộng 11 m như trước đây. Hai bên bờ sẽ trồng cây xanh. Trước mắt, các nhà thầu thi công khôi phục đoạn đầu và đoạn cuối kênh Hàng Bàng dài 390m với tổng kinh phí 300 tỷ đồng, trong đó 280 tỷ đồng để bồi thường giải tỏa 160 hộ dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng, việc khôi phục kênh Hàng Bàng là nhằm cải tạo cảnh quan, khôi phục chức năng điều tiết và tăng khả năng thu gom nước từ các khu vực thấp ra kênh Hàng Bàng, giảm tải cho kênh Tân Hóa - Lò Gốm, góp phần giảm ngập cho địa bàn ba quận 5, 6, 11.
Dự kiến trong năm 2016, các nhà thầu sẽ hoàn thành đoạn từ kênh Lò Gốm đến đường Bình Tiên và đoạn từ đường Vạn Tượng đến đại lộ Võ Văn Kiệt - kênh Tàu Hủ. Cả 2 đoạn được đào sâu từ 4 - 6 m.
Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết thêm, để đào lại kênh Hàng Bàng, TPHCM sẽ phải giải toả trắng hơn 3.000 căn nhà đang xây cất trên và trong phạm vi con kênh với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng (chưa kể chi phí xây lắp).
Theo TS Phạm Sanh, việc đào lại hơn 600m kênh Hàng Bàng đã được lắp cống để tăng khả năng thoát nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị ở hai bên dòng kênh là chuyện phải làm. Việc lấp rạch đặt cống hộp là phương án bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để cải thiện môi trường của khu vực thì mới nghĩ đến bởi tiết diện cống hộp không bao giờ bằng tiết diện kênh hở nên lượng nước thoát qua cống hộp bao giờ cũng hạn chế hơn. Ngoài ra, cống hộp chỉ có chức năng thoát nước, không thể trữ được nước, cũng không có chức năng thẩm thấu để cung cấp nước ngầm cho đất.
“Việc cải tạo mương có thể tốn nhiều tiền của nhưng đổi lại bảo đảm được lưu lượng thoát nước, đô thị không bị ngập, thuận với tự nhiên. Đây là bài học đắt giá cho lối tư duy đơn giản theo kiểu thấy ô nhiễm thì lấp kênh, đặt cống, làm đường” – TS Phạm Sanh nói. 
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học quản lý và công nghệ TPHCM cho rằng nếu quản lý tốt, việc nạo vét, chỉnh trang kênh Hàng Bàng sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc lấp đi, rồi đào lại như hiện nay.
“Sau kênh Hàng Bàng, nhà nước cần khơi thông lại nhiều tuyến kênh khác đã bị lấn chiếm, bồi lấp. Nếu chưa có kinh phí đầu tư thì cần quản lý chặt, không để xảy ra bài học đau xót như trường hợp kênh Hàng Bàng” – TS Phúc nói.
Nhiều kênh rạch chờ lấp
Theo thông tin từ Trung tâm chống ngập, cơ quan chức năng đang đề xuất lấp nhiều kênh rạch để làm cống hộp như kênh Hiệp Tân (quận Tân Phú), rạch Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), rạch Xuyên Tâm (Gò Vấp, Bình Thạnh)…

Công đoàn độc lập hiệu quả hơn công đoàn nhà nước

SÀI GÒN (NV) - Cho đến nay đã có hai tập đoàn lớn là Adidas và Puma đề nghị công ty Yupoong Vietnam tạm ngưng cho 1,900 công nhân nghỉ việc. Điều đó hỗ trợ cho uy tín của công đoàn độc lập.
Công nhân Yupoong Vietnam biểu tình, đòi điều tra việc công ty này cho gần 2,000 công nhân nghỉ việc. (Hình: Lao Động)

Yupoong Việt Nam là một công ty tọa lạc trong khu công nghiệp Loteco Long Bình, trên địa phận thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Công ty này chuyên gia công cho các tập đoàn đa quốc gia như: Adidas, Puma, Nike,...

Tối 21 tháng 9, xưởng số 1 của Yupoong Việt Nam phát hỏa và bị lửa thiêu rụi. Đến ngày 7 tháng 11, Yupoong Việt Nam tuyên bố sẽ cho khoảng 1,900 công nhân nghỉ việc vì phải tạm ngưng hoạt động trong cả năm để hoàn tất những thủ tục liên quan đến nhận bồi thường từ bảo hiểm, xây dựng lại nhà xưởng, lắp đặt lại các trang bị, thiết bị,...

Cũng theo thông báo vừa kể, mỗi công nhân trong số 1,900 công nhân bị cho nghỉ việc sẽ được trả đầy đủ các khoản lương, phụ cấp,... mà công ty còn thiếu và được Yupoong Vietnam hỗ trợ thêm một tháng lương cơ bản.
Từ đại diện công đoàn của chính quyền ở Yupoong Vietnam đến đại diện công đoàn của khu công nghiệp Loteco Long Bình đều “nhất trí” với kế hoạch của Yupoong Vietnam. Những đại diện công nhân này bảo rằng, họ đã “xin ý kiến” của Ban Quản Lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, theo đó, công nhân nên tự viết đơn xin nghỉ việc để nhận thêm một số phúc lợi khác theo hình thức “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng” giữa hai bên. Điều đó tốt hơn là để Yupoong Vietnam cho nghỉ việc theo hình thức “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” vì buộc phải thu hẹp sản xuất do hỏa hoạn,...

Tuy nhiên công nhân Yupoong Vietnam không chấp nhận. Họ nêu ra hàng loạt nghi vấn về vụ hỏa hoạn hồi tháng 9: Khi lửa bùng lên thì không có ai chịu chữa cháy. Cứu hỏa đến nơi chỉ nhìn chứ không xịt nước dập lửa với lý do không có nước. Thậm chí nhiều công nhân còn cáo buộc, Yupoong Vietnam đã cố tình phóng hỏa để không phải “nuôi” những công nhân đã gắn bó với công y này một vài thập niên vì tuyển công nhân mới thì chi phí sẽ rẻ hơn.

Những công nhân khác thắc mắc, tại sao chỉ có xưởng 1 bị cháy mà công nhân của xưởng 2 cũng bị cho thôi việc? Tại sao muốn hưởng thêm một tháng lương cơ bản thì phải viết “Đơn xin thôi việc” và lý do xin thôi việc không được ghi là vì công ty bị hỏa hoạn?

Đại diện công đoàn nhà nước không những không hỗ trợ công nhân tìm câu trả lời thỏa đáng mà còn giúp biện bạch thay Yupoong Vietnam. Chẳng hạn, cháy xưởng 1 nhưng công nhân của xưởng 2 cũng bị cho nghỉ vì hỏa hoạn đã làm máy móc hư hết, không thể tạo ra “thành phẩm” tại xưởng 2 vì công đoạn sản xuất và thiết bị hoàn toàn khác biệt...

Đến lúc này thì những người vận động thành lập công đoàn độc lập - tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân không chịu sự quản lý và hướng dẫn của chính quyền xuất hiện. Họ đến với 1,900 côn nhân đang biểu tình để tư vấn.

Ngày 22 tháng 11, công an của “chính quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo” đã bắt bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức - những người từng bị phạt tù vì vận động cho công đoàn độc lập. Cả hai cùng bị đánh đập tàn bạo. Vụ bắt giữ và đánh đập hai người này trở thành một sự kiến đáng chú ý khác bên cạnh sự kiện Yupoong Vietnam cho 1,900 công nhân nghỉ việc và công nhân biểu tình hành tuần để phản đối.

Các chuyên gia quốc tế về nhân quyền và lao động nhập cuộc. Adidas và Puma đã chính thức đề nghị Yupoong Việt Nam tạm ngưng cho 1,900 công nhân nghỉ việc để họ tự điều tra. Yupoong nói chung và Yupoong Vietnam nói riêng, ra đời và tồn tại, phát triển được là nhờ hợp đồng từ những tập đoàn đa quốc gia này.

Trả lời BBC, bà Silvia Raccagni của Adidas xác nhận, các nhóm hoạt động cho quyền của người lao động đã yêu cầu Adidas và các tập đoàn đa quốc gia khác có quan hệ với Yupoong điều tra về tính hợp pháp của đợt cắt giảm lao động tại nhà máy Yupoong ở Đồng Nai. (G.Đ)
11-27-2015 3:51:59 PM 

Vây’ trụ sở huyện ủy vì nghi tòa xử khuất tất

NGHỆ AN (NV) - Cho rằng có khuất tất nên tòa tuyên án bị cáo quá nhẹ, người nhà nạn nhân đã kéo nhau ra trước trụ sở huyện ủy Hưng Nguyên la hét phản đối.
Người nhà nạn nhân “vây” trụ sở huyện ủy Hưng Nguyên. (Hình: Thanh Niên)

Truyền thông Việt Nam loan tin, sáng 27 tháng 11, 2015, tòa án huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bà Đặng Thị Thuấn (33 tuổi), ngụ thành phố Vinh, 24 tháng tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.”

Theo tin Thanh Niên, ngay khi chủ tọa kết thúc phần tuyên án, gia đình ông Phạm Văn Tuấn (40 tuổi), huyện Hưng Nguyên, nạn nhân bị tông chết khi đang dừng chờ đèn đỏ đã phản đối kịch liệt. Người nhà ông Tuấn đeo khăn tang, tập trung trước cổng trụ sở huyện ủy Hưng Nguyên, đề nghị lãnh đạo huyện này giải quyết thỏa đáng vì họ cho rằng bản án mà tòa Hưng Nguyên vừa tuyên là chưa thỏa đáng, có khuất tất, buộc công an phải tăng cường lực lượng để “ổn định tình hình.”

Theo cáo trạng, tối 18 tháng 3, tại quốc lộ 1A, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, bà Thuấn lái xe hơi 7 chỗ đã phóng nhanh vượt ẩu đâm trực diện vào xe tải nhỏ do ông Tuấn cầm lái đang dừng chờ đèn xanh phía trước. Cú đâm làm ông Tuấn chết trên đường đi cấp cứu và ông Nguyễn Văn Thu ngồi trên xe của ông Tuấn bị thương.

Tại phiên tòa, bà Thuấn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, theo phía gia đình nạn nhân thì bị cáo không thành khẩn khai báo, không thống nhất lời khai báo, lời khai các nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mâu thuẫn.


Luật Sư Nguyễn Thị Minh Châu, người bào chữa cho gia đình ông Tuấn cho rằng, có nhiều điểm mà tòa cần làm rõ trong vụ án như: Quá trình điều tra, cơ quan điều tra không kiểm tra nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn; biên bản hiện trường không chỉ ra vị trí đi của từng xe trước thời điểm xảy ra va chạm để làm rõ những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng của bị cáo qua hành vi cố tình vượt đèn đỏ; quyết định xử lý vật chứng trong khi vụ án đang trong quá trình điều tra... là trái luật. (Tr.N)
11-27-2015 4:05:07 PM

Môn Sử-đừng đi từ sai lầm này sang sai lầm khác

Song Chi11/26/2015 - 22:32  
Những ngày qua, dư luận từ báo chí trong nước cho tới báo chí người Việt ở nước ngoài, các trang blog, trang mạng xã hội…đều có những bài viết, ý kiến tranh luận khá gay gắt xung quanh việc Bộ Giáo dục-Đào tạo có ý định tích hợp Lịch sử với Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc ở bậc trung học phổ thông. Những ý kiến cố bênh vực cái gọi là đổi mới môn lịch sử cũng có, chủ yếu từ những người thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo và những người đã soạn thảo chương trình, nhưng những ý kiến chỉ trích, không đồng thuận càng nhiều gấp bội.
Trong bài “Tích hợp môn lịch sử: Bộ GD-ĐT bị chỉ trích dữ dội”, Báo Người Lao Động viết:
“Việc cắt ghép, tích hợp môn lịch sử là hết sức tùy tiện, chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều chuyên gia và giáo viên lịch sử khẳng định không thể dạy được môn lịch sử kiểu tích hợp như vậy.
Những bức xúc của các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên lịch sử bị dồn nén bấy lâu đã được “trút” ra tại hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11 ở Hà Nội. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều, căng thẳng đến mức PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo trung ương, phải thốt lên: “Tôi từng điều hành nhiều hội thảo nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này”…”

Một câu hỏi rất cũ: Vì sao học sinh không thích học môn Sử?
Thực tế ai đã từng học hoặc có con, em đi học dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” VN đều biết một sự thật là từ nhiều năm nay, môn Sử đã trở thành một môn học khô khan, chán ngán đối với các em học sinh từ tiểu học cho tới trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tại sao vậy? Đó là do chủ trương, quan niệm dạy môn Sử dưới cái nhìn/ lăng kính của đảng và nhà nước cộng sản VN; dạy Sử với tính chất tuyên truyền một chiều, không tôn trọng sự thật, tôn trọng tính khoa học của bộ môn lịch sử, thậm chí bóp méo, cắt xén, che dấu sự thật; dạy Sử với tâm thế đặt nặng tính chính trị lên trên tất cả. Từ nội dung, cách soạn thảo chương trình, quan điểm nhìn nhận đánh giá mọi sự việc trong lịch sử, cho tới cách dạy, cách học, cách kiểm tra…
Đó là chưa kể việc coi nhẹ lịch sử nước nhà, lịch sử của dân tộc, chỉ coi trọng lịch sử đảng cộng sản nên trong chương trình suốt những năm học từ trung học cơ sở cho tới trung học phổ thông, lịch sử đảng cộng sản VN chiếm phần lớn chương trình, trong khi lẽ ra phải là ngược lại, vì sự tồn tại của đảng cộng sản VN cho tới nay chỉ mới mấy mươi năm trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nội dung thì khô khan toàn những con số, số liệu ngày tháng, trận đánh, lúc nào cũng là ta thắng địch thua…khó tiếp thu, khó nhớ. Dạy thì nhồi nhét không cho phép học sinh được tranh luận, tranh cãi. Học theo kiểu học vẹt để trả bài, để đi thi, thi xong thì cũng vừa “chữ thầy trả hết cho thầy”.
Đó là chưa kể phần lịch sử loài người từ thời ăn lông ở lỗ xa xưa thì có học, nhưng lịch sử thế giới cận đại và đương đại với biết bao nhiêu biến cố, sự kiện, trong đó có những sự kiện ảnh hưởng tới lịch sử đất nước VN, thì không được học bao nhiêu. Cho nên học sinh VN khi học xong bậc trung học gần như mù tịt về lịch sử thế giới.
Bản thân người viết bài này khi còn đi học ở bậc tiểu học rất thích môn quốc sử dưới thời VNCH vì những câu chuyện hấp dẫn mà hào hùng về lịch sử VN. Từ chuyện Bà Triệu tức Triệu Ẩu, Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh giặc với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”; Hai Bà Trưng chống quân Hán “trả thù nhà đền nợ nước”; Trần Quốc Toản bóp nát trái cam vì giận không được dự hội nghị Bình Than của Vua Trần để bàn kế chống quân Nguyên, về sau khởi nghĩa dưới lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân"; danh tướng Trần Bình Trọng với câu nói khẳng khái khi rơi vào tay giặc Nguyên “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”; Lê Lợi mười năm nằm gai nếm mật đánh quân Minh; Nguyễn Trãi, một nhà quân sư lớn, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn của VN và nỗi oan ngút trời vụ án Lệ Chi Viên; Trần Hưng Đạo tức Hưng Đạo Vương, nhà chính trị, Tư lệnh tối cao của Việt Nam thời nhà Trần, 3 lần đẩy lùi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ và về sau là quân Mông-Nguyên ở thế kỷ 13; danh tướng Lý Thường Kiệt có công lớn trong việc đánh bại quân nhà Tống vào thế kỷ thứ XI, người được cho là đã viết ra bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ("Nam Quốc Sơn Hà") v.v và v.v…
Có thể nói lịch sử VN suốt mấy ngàn năm là lịch sử viết bằng máu của một dân tộc thường xuyên phải đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và trước kia, thời nào chúng ta cũng có những anh hùng, những nhân cách lớn để con cháu đời sau mãi mãi tự hào.
Từ khi lên cấp hai, tức năm 1975, người viết bài này bắt đầu đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN, sau đó nhiều năm lại là phụ huynh học sinh có con theo học trung học ở VN, nên rất hiểu vì sao môn Sử không được phần lớn học sinh VN bây giờ yêu thích. Mà không chỉ riêng môn Sử, các bộ môn khoa học xã hội như Địa lý, Ngữ Văn cũng bị các em chán ghét bởi cũng nặng tính chính trị, tuyên truyền. Từ khi chia ban ở bậc trung học phổ thông thì ban C (Văn, Sử, Địa) luôn luôn có số lượng học sinh đăng ký học ít nhất, dù ở một số trường, nhà trường đã có những biện pháp ưu ái riêng cho học sinh theo học ban này. Khi đăng ký thi đại học thì những ngành thuộc Ban C hay những ngành khoa học xã hội cũng rất ít thí sinh so với những ngành như Y, Dược, Kinh Tế, Ngoại thương, Ngoại ngữ…Một phần vì những ngành này dễ kiếm việc, lương cao hơn.
Còn nhớ trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011, có hàng ngàn điểm 0 môn Lịch Sử. Nhưng khi trả lời báo chí, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận lại cho rằng việc này là bình thường. (“Hàng ngàn điểm 0 là bình thường”, báo Tuổi Trẻ). Theo ông Luận:
“Cuộc sống hiện đại ngày hôm nay với những đòi hỏi thay đổi cũng là một nguyên nhân khiến môn lịch sử trở nên kém hấp dẫn đối với người học. Khi mà khoa học lịch sử có tiếng nói ít trong cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác.
Điều này không chỉ có ở VN, cũng không chỉ ở châu Á. Đó là câu chuyện của thời đại và của cả thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ; do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.”
 (“Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử”, Thanh Niên).
Từ kỳ thi đó đến nay tình hình học và dạy môn Sử vẫn không có gì khá hơn. Mới đây nhất trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vào tháng 7.2015 khi môn Sử là môn tự chọn, không bắt buộc, tình hình ra sao?: “Những điểm trường chỉ có một thí sinh thi môn Sử” (VNExpress), “66 cán bộ, nhân viên phục vụ 1 thí sinh làm bài thi môn Lịch sử” (Dân trí), “Sáng nay hàng loạt điểm thi đóng cửa không có thí sinh thi Sử “ (kênh 14)…
Và nếu gõ google cụm từ “vì sao học sinh chán học môn lịch sử” sẽ cho ra hàng loạt bài viết về vấn đề này.
Trở lại câu trả lời của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận năm nào rằng việc môn sử không hấp dẫn học sinh như các môn khác không chỉ ở VN, không chỉ ở châu Á mà là “câu chuyện của thời đại”. Không biết ông Bộ trưởng và các quan chức, những người soạn thảo chương trình giáo khoa ở VN đã có bao giờ bỏ công đi tìm hiểu tình hình dạy và học môn Sử bậc phổ thông ở các nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến bao giờ chưa? Nếu có chắc ông không dám “phán” như vậy.
Sự thật là ở các nước tự do dân chủ, có nền giáo dục được đánh giá tốt, các bộ môn khoa học xã hội nhân văn nói chung và môn Sử nói riêng vẫn rất được học sinh yêu thích, say mê học. Con gái tôi khi theo học chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate Diploma Programme) tại Na Uy, đã tỏ ra rất hào hứng, thích thú với các môn khoa học xã hội trong đó có môn Sử, và nói rằng đến bây giờ mới được học Sử thế giới một cách đàng hoàng, tử tế, từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, các chế độ phát xít, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN ở các nước Đông Âu cũ….cho tới những sự kiện gần đây của thế giới. Các sự kiện được trình bày một cách logic, khoa học, trong chương trình có vài cuốn sách khác nhau với những góc nhìn, quan điểm khác nhau, ngoài ra, học sinh được khuyến khích tìm đọc thêm nhiều sách bên ngoài, được quyền hoài nghi, được đặt mọi câu hỏi không tránh né, tranh luận, thuyết trình v.v…Môn Sử vì thế trở nên rất hấp dẫn.
Và ở các nước, sách giáo khoa cập nhật rất nhanh với tình hình thực tế. Vụ khủng bố kép do kẻ cực hữu Anders Behring Breivik gây ra vào ngày 22.7.2011 đã được đưa vào chương trình giáo dục ở Na Uy chỉ sau đó một thời gian là một ví dụ.
Còn ở VN, bao nhiêu năm qua rồi nhưng cái nhìn lạc hậu về các triều đình nhà Nguyễn cho tới cuộc chiến tranh VN vẫn giữ nguyên không đổi, còn những cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, 1984, 1988, cuộc chiến Hoàng Sa, Trường Sa, cả chủ quyền của VN đối với những hòn đảo này, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Khơ-me Đỏ cho tới tình hình thế giới, tình hình biển Đông hiện nay…đều chưa được cập nhật đầy đủ. Chả bù cho Trung Cộng ra sức tuyên truyền, giáo dục cho người dân nước họ và cả thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở vùng biển Đông thì VN, ngược lại, hết sức chậm chạp từ giáo dục cho tới tuyên truyền vận động bên ngoài.
Cho nên vấn đề không phải là đổi mới môn Sử theo kiểu tích hợp môn Sử với hai bộ môn còn khô khan hơn nữa là Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc, làm như thế chỉ càng khiến môn Sử bị coi nhẹ hơn, nặng tính tuyên truyền, tính chính trị hơn và học sinh càng chán hơn. Mà là thay đổi nội dung, quan điểm, cách đánh giá sự kiện, cách dạy, cách học. Nhưng như thế thì phải bảo đảm sự thật lịch sử, mà đó lại là điều tối kỵ với đảng và nhà nước cộng sản VN vì lịch sử đối với họ là nhào nặn, dối trá, ngu dân.
Vì sao nhiều ý kiến phản đối?
Không phải vô cớ mà nhiểu người giận dữ, quan ngại trước dự thảo chương trình tích hợp môn Sử của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Từ sự thất bại của bộ môn Sử lâu nay khiến người ta càng thêm lo ngại trước việc tích hợp theo kiểu này. Thứ hai, sự thiếu lòng tin vào Bộ Giáo dục-Đào tạo và những cái gọi là cải cách, đổi mới chương trình như từ trước đến nay. Và cuối cùng, quan trọng nhất, xuất phát từ hoàn cảnh, tình thế của đất nước hiện tại. VN đã và luôn luôn đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc mọi mặt vào Trung Quốc, bị Trung Quốc không chế, xâm lăng từ văn hóa chính trị cho tới độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải. Giữa lúc này người VN, ngay từ thế hệ trẻ càng cần phải được hun đúc tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ đất nước, phẩm chất công dân…hơn bao giờ hết, và không có bộ môn nào làm tốt điều này hơn môn Sử. Thậm chí, có những ý kiến gay gắt đến mức còn cho rằng những ai nghĩ ra hoặc ủng hộ dự án đổi mới môn Sử theo kiểu này là có tội với tổ tiên, là tiếp tay cho âm mưu làm cho giới trẻ quên mất lịch sử nước nhà để dễ bề bị Hán hóa v.v…
Mà cũng đúng. Nếu chúng ta nhìn thấy phần đông giới trẻ VN hiện nay thiếu hụt kiến thức về lịch sử nước nhà, thờ ơ với chính trị, với vận mệnh đất nước ra sao. Và không chỉ giới trẻ. Ngay một số quan chức cán bộ hay những người gọi là có ăn có học, có bằng cấp còn phát biểu những câu hết sức vô cảm về đất nước, vô cảm trước những gì Trung Cộng đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành với VN. Đó là hậu quả nhãn tiền của cách dạy Sử sai lầm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN. Và bây giờ thì họ định dấn tới thêm một bước sai lầm nữa khi âm mưu làm nhẹ hơn và chính trị hóa hơn nữa môn Sử, sai lầm lần này hậu quả sẽ càng khó mà lường hết được!

Cháy 20 container chở phốt pho tại cảng ở Hải Phòng

 Hải Phong - Thứ Sáu, ngày 27/11/2015 - 18:29
(PLO)- Khoảng 16 giờ chiều 27-11, khoảng 20 container chứa phốt pho đã bị cháy trong cảng Nam Hải (thuộc TP Hải Phòng).
Thông tin ban đầu cho biết tàu Contship ACE chở khoảng 20 container chứa phốt pho vừa mới cập cảng, đang tiến hành dỡ hàng thì cần cẩu đã va chạm với container. Do phốt pho là chất dễ cháy và dễ lan tỏa nên vụ cháy lan nhanh.
Ngay sau khi có thông tin về vụ cháy, lực lượng PCCC của Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã huy động bốn xe cứu hỏa có mặt để làm công tác cứu hỏa. Tuy nhiên, vì phốt pho là loại hóa chất cháy và có độ lan tỏa cao nên đến 18 giờ ngày 27-11 việc dập lửa vẫn chưa hoàn thành.

 

 

 
Một số đối tượng lạ mặt xưng là bảo vệ của cảng Nam Hải đã ngăn cản PV tác nghiệp ở khu vực hiện trường. Các đối tượng này còn thu máy ảnh và xóa ảnh và đe dọa PV.
Lô hàng trên khoảng 20 container chứa phốt pho, là hàng xuất đi của một công ty phía Nam, qua hãng vận chuyển Zim. Theo nguồn tin riêng, khoảng 18h, lãnh đạo Cảng Nam Hải đã xuất hiện và giải quyết sự cố.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là quá trình bốc hàng từ cảng lên tàu xảy ra va đập thủng vỏ container; vỏ container chọc thủng thùng phốt pho, đồng thời tạo ma sát gây cháy.

 

 

 
 Hải Phong

Khánh Hoà: Thêm người bị bắt vì bày tỏ quan điểm trên Facebook

 Thông điệp trên facebook Nguyễn Hữu Quốc Duy kêu gọi trả tự do cho em họ mình là Nguyễn Hữu Thiên An.
CTV Danlambao - Nguồn tin gửi đến Dân Làm Báo cho hay, cơ quan công an tỉnh Khánh Hoà vừa tiến hành bắt giam anh Nguyễn Hữu Quốc Duy (1985), thường trú Cam Ranh (Khánh Hoà) với cáo buộc “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật”. 

Được biết, Nguyễn Hữu Quốc Duy là anh họ của Nguyễn Hữu Thiên An (1995) - người ủng hộ phong trào Zoombie vừa bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt giữ và hồi cuối tháng 8/2015 đến nay chưa có tin tức. 

Vào lúc 8h sáng ngày 27/11/2015, có ba công an đến nhà mời anh Duy đến trụ sở công an Cam Ranh để nhận lại giấy tờ,  điện thoại và vật dụng cá nhân đã bị tạm giữ trong lần làm việc liên quan đến vụ việc Thiên An bị bắt giữ. 

Tuy nhiên, khi mẹ của anh Duy vừa rời khỏi nhà thì có hơn 10 người, đi trên 3 xe hơi đã ập vào nhà, quay phim và đọc lệnh khám xét.

Công an đã tiến hành thu giữ một laptop cá nhân của Duy tại nhà. 

Một công an đã thông báo miệng với gia đình rằng anh Duy bị bắt vì “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật vì tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88”.

Hiện nay, anh Nguyễn Hữu Quốc Duy đã bị đưa về công an tỉnh Khánh Hoà, trụ sở số 80 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.

Người thân và gia đình anh không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc bắt giữ người ngoài lệnh miệng.

Vụ việc sẽ tiếp tục được cập nhật trên Danlambao ngay khi có thông tin mới nhất.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Tạ ơn Giải Phóng

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Nếu người Mỹ biết tạ ơn Trời, tạ ơn Người Da Đỏ đã cứu mạng họ, thì mình đây cũng phải biết tạ ơn Giải Phóng đã đưa mình thoát khỏi cảnh khố rách áo ôm.

Mình là một bác sĩ quân y của Bộ đội cụ Hồ. Trước khi đi B, tức đi giải phóng Miền Nam, mà chú Lê Duẩn nói huỵch toẹt ra, là “Ta đánh Miền Nam là đánh cho ông Liên Xô, đánh cho ông Trung Quốc”, mình được bố mẹ cho cái địa chỉ gia đình ông cậu ri cư hồi 54, đang ở Tân Định, Sài Gòn, và dặn nếu sống sót và vào được trong đó, mình phải tìm đến và giúp đỡ gia đình ông cậu lâu nay bị Mỹ Ngụy kìm kẹp, đói khổ cực kỳ, lất lây chờ Cách Mạng vào giải phóng, bằng không là cả nhà ông cậu không qua khỏi con trăng Tháng Tư 75 này.

Mình hồ hởi phấn khởi lên đường “Đi ta đi giải phóng Miền Nam”. Sau khi hiệp định Paris ký, mình biết tỏng địch sẽ thua ta sẽ thắng, vì bọn Mỹ nó rút quân thật, ngưng chi viện cho Miền Nam thật, còn phe ta ký là ký vậy chứ các nước anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc có ngu mới thi hành hiệp định, càng giúp đỡ nhiều hơn trước.

Hồ hởi phấn khởi đến nỗi khi dừng quân, đêm khuya đang nằm ngủ trên võng, mình quên phéng mất bọn biệt kích Ngụy đang tìm dấu vết quân ta để gọi máy bay oanh tạc, mình nhảy dậy rống thật to giữa rừng núi Trường Sơn Tây:

“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước.
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước.
Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời.
.......................................................................”

Vào đến Quảng Bình là quân mình chuyển hướng sang đất Lào rồi Kam Pu Chia. Ngày đó hai nước anh em láng giềng này, cũng chung số phận như Miền Nam là đang bị địch tạm chiếm, tức là sống dưới sự kìm kẹp của Mỹ Ngụy. Đúng là đi một ngày đàng, học một tràng khôn, nhờ đi dài dài giải phóng Miền Nam mà mình gặp được dân ở hai nước này, được thấy cái lạ là họ ăn mặc đủ màu sắc, xe ôtô con, ôtô lớn nhộn nhịp, không như Miền Bắc mình chỉ một màu nâu xám xịt, xe cộ, ngoại từ quân xa, chỉ có toàn xe đạp, và nhiều cái lạ khác ngoài Bắc mình không có.

Rồi đến khi vào Nam, mình thấy thôn quê ở răng mà lạ rứa, đèn điện sáng trưng, nhà nào cũng có đài, Radio TV, toàn xe máy, họa hoằn mới gặp cái xe đạp. Mình hỏi đồng chí chính ủy đơn vị sao tình hình cụ thể trong Nam không giống như sách vở mình học tập trước khi đi B, thì được trả lời đây là phồn vinh giả tạo. Mình tỉnh ra, ngoài Bắc có nghèo khổ đấy, nhưng là cái khổ nghèo thật sự.

Thế là đúng như mình tiên đoán, chỉ có 55 ngày đêm Cách mạng đã đại thắng mùa xuân, Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cám ơn Bác Đảng, mình theo đoàn quân giải phóng Sài Gòn, nên mùng Hai Tháng Năm là mình được phép 48 giờ để đi tìm nhà ông cậu. Nhà ông cậu ở trong hẻm Thoại Ngọc Hầu, Tân Định (nay mình nhớ mang máng là vậy). Mình vào đúng ngõ đúng nhà như lời mẹ dặn. Đương nhiên mình phải tự giới thiệu ông cậu bà thím mới nhận ra đứa cháu lạ ăn mặc chẳng giống ai (đối với họ): đầu nón cối, vai xắc cốt, chân dép râu.

Trên đường đến nhà ông cậu, mình mở cờ trong bụng, đoan chắc khi gặp được thằng cháu ruột ngoài Bắc vào và nó lại vừa hoàn thành sứ mạng cao cả giải phóng đồng bào Miền Nam, thế nào cả nhà cũng hồ hỡi phấn khởi vồ lấy mình cám ơn rối rít. Nhưng mình bị chưng hửng ngay. Cả nhà buồn như đang có đám tang.

Ông cậu nói anh G. con hai ngày này nằm một nơi không ăn không uống. Về sau mình mới biết người anh họ mình bị “phỏng hai hòn”. Anh ấy là một Đại úy Thiết Giáp Ngụy, năm 1972 anh bị quân GP bắt ở mặt trận Tân Cảnh, Kontum, đang khi chỉ huy một chi đoàn chiến xa M.41 (thuộc Thiết đoàn 14 Kỵ Binh) chống lại Cách Mạng, vì quá bất ngờ trước vũ khí chống tăng AT.3 do Nga viện trợ lần đầu xuất hiện ở chiến trường Việt Nam. Sau Hiệp định Paris anh được trao trả tù binh. Về Nam, bất chấp lời quản giáo, anh lại tiếp tục chống phá Cách mạng cho đến khi có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, mới chịu bỏ lại chiến xa ở Ngã Bảy Chợ Lớn, trưa Ngày 30 Tháng Tư, 75.

Bây giờ nhờ đi giải phóng, vào Nam, so sánh hai miền, mình mới hiểu tại sao người anh họ mình lại “ngoan cố” như vậy; ngoan cố đến nỗi, khi giữ Miền Nam không được, anh ấy phẫn uất lắm. Hèn chi ngày ấy mình thấy hai mắt anh đỏ hoe. Gặp mình mà rơi vào trường hợp anh ấy, mắt mình chắc đui luôn.

Trở lại ngày gặp gia đình ông cậu, mà sau này ca dao tục ngữ gọi là, “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”. Mà sau khi nhận họ, mình được nhận hàng thật. Ông cậu sắm cho mình từ cái bàn chải, hộp kem đánh răng đến đồng ồ, đài rađiô, là những thứ ngoài ấy nằm mơ cũng không thấy.

Thế rồi 48 giờ phép qua đi thật mau, mình chẳng muốn về lại đơn vị chút nàọ, mình ước chi được ở mãi trong nhà ông cậu Ngụy. Nhưng biết sao hơn, mình chỉ biết nói với gia đình ông cậu:

Có vào đây con mới biết đồng bào ngoài Bắc quá khổ!" Mình là bác sĩ mà khổ vậy huống chi là dân thường.

Mình nói câu ấy, mà cóc ngán người bạn đồng đội của anh G là bên thua cuộc vừa đến ghé thăm anh nghe được.

Vắn tắt, mình được như hôm nay cũng là nhờ giải phóng được Miền Nam. Nói đúng hơn: mình được Miền Nam giải phóng cho khỏi cảnh khố rách áo ôm...

Rõ ràng là như vậy rồi chứ còn gì nữa... nên có ngu mới không biết Tạ Ơn Giải Phóng.

27/11/2015

Lại “tư tưởng Hồ Chí Minh” khiến đảng thành điên nặng!

Nguyễn Việt Nữ (Danlambao) - Ngày xưa người ta nói “Bác Hồ chết đúng giờ trùng, để cho con cháu nửa khùng nửa điên!” Nhưng ông Hồ chết ngày 2 tháng 9 năm 1969, chiến tranh Việt Nam còn khốc liệt, hai bên Nam Bắc chưa phân thắng bại. Thành thử con cháu Việt Nam có “nửa khùng nửa điên!” còn có thể bào chữa là do nhiều nguyên nhân trong chiến tranh.

Nhưng từ năm 1975 miền Bắc thành “Bên thắng cuộc” vì chiếm miền Nam, thống nhất đất nước, đã có hòa bình được 40 năm mà Tứ trụ triều đình XHCN Việt Nam có 4 Cháu ngoan bác Hồ là “Sang, Trọng, Hùng, Dũng” vừa cử hành đại lễ mừng chiến thắng 40 năm ngày 2-9-2015 rất “hoành tráng”.


Trong tứ trụ triều đình có Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng dân gọi là Trọng Lú. Bây giờ đã có bằng chứng lịch sử do chính Việt Nam XHCN cho biết lý do tại sao con cháu bác Hồ chẳng những nửa khùng nửa điên rồi hóa thành ngu Lú và hiện thành Điên nặng nữa.

Xin tóm tắt trong vài câu thơ dễ nhớ:

Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Đã Thống nhất, hòa bình, độc lập 40 năm (1975—2015)
Mà toàn Đảng, toàn dân vẫn phải học tập
tích cực
“Tư tưởng Hồ Chí Minh”
Nên bị nhiễu loạn thần kinh
Được Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh
Đem vào trường học… “Bệnh viện tâm thần”
Để càng tích cực suốt đời học lập
Tư tưởng Hồ Chí Minh Về Học Tập Suốt Đời!” (Nguyên văn của Đảng)

Hèn chi toàn thể Đảng viên, cả Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đều trở thành lú lẫn, thành khùng, thành điên tất cả!! Đến đổi Công An Cộng sản đánh người dân Yêu nước để bán nước!!

Đây, tang chứng lịch sử (Xin nhắc lại cho thế hệ trẻ nhớ khi nhìn hình: TP HCM trước năm 1975 là thủ đô Sài Gòn của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, quốc kỳ nền Vàng ba sọc đỏ. Năm 1975 miền Bắc chiếm miền Nam, thành “Bên thắng cuộc”, đổi màu cờ thành nền đỏ sao vàng như treo trên nóc “Bệnh viện tâm thần”, Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh trong ảnh).

Viết nhân ngày Lễ Tạ ơn của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, để Tạ ơn những gì hạnh phúc ta có và cả Tạ ơn những bất hạnh ta không có là: bị Đảng CSVN bỏ vào Bệnh viện Tâm Thần để tích cực Học Tập “Tư tưởng Hồ Chí Minh Suốt Đời!”

Thanksgiving Day 26/11/2015

Nạn đập chó trộm, cướp chó lại bùng phát ở Nghệ An

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
Theo RFA-2015-11-27  
Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra
Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra Hai đối tượng cùng tang vật tại cơ quan điều tra  Nghean24h.vn
Người đập chó vì tiền, người đập người vì chó, câu chuyện này đã trở thành đề tài tương đối cũ ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Vấn nạn đập trộm chó, cướp chó vì tiền và người dân đập chết kẻ trộm chó để bảo vệ chó của họ cũng như xả cơn tức giận đã là hiện tượng xã hội suốt vài năm nay. Hiện tại, nạn trộm chó ở Nghệ An đang bùng phát và chuyện này dự cảm những cái chết oan khiên sắp tới!
Trộm chó và cướp chó có vũ khí
Bà Mai, một cư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, chia sẻ về chuyện trộm chó, cướp chó: “Nó nhiều hình thức lắm, nó câu, nó thả bả, nó dùng đầu cá tẩm thuốc, chó ăn vào là nằm lăn ra ngay, nó bắt. Rồi nó đập, bắt bằng vợt cũng có. Nó có cả một quân đoàn đi bắt chó, mỗi đêm nó bắt cả tạ chó. Nó có quân đoàn năm sáu thằng đi bắt. Ở Nghệ An có chuyện dân bắt, đập chết người đốt xe nhiều rồi nên tụi nó khôn, đi nhiều thằng. Mình mà đi một đến hai người không bắt được tụi nó đâu. Nó có cả súng tự chế và roi điện. Mình mà một hai người rượt nó là nó quay lại đập chết chứ không giỡn chơi!”.
Theo bà Mai, hiện tại, nạn trộm chó đã tạm lắng xuống nhưng nạn cướp chó lại tăng cao. Những thanh niên không còn trộm chó theo kiểu chờ chó ra đường chạy chơi thì đập, ném bả hoặc lén lút ném bả độc vào sân nhà người ta vào đêm khuya, chờ chó dính bả thì trèo tường vào mang đi như trước… Mà hiện tại, đập chó công khai trước mặt chủ vẫn là trò phổ thông nhất.
Bà Mai cho rằng xã hội đã thật sự đảo lộn khi mà con chó vốn dĩ là vật nuôi thân thiết của con người, vật hỗ trợ an ninh cho con người từ bấy lâu nay thì bây giờ, chó trở thành đối tượng nhắm đến của kè trộm, kẻ cướp và con người phải ngày đêm canh gác cho chó. Có thể nói là kẻ cướp chó đã lộng hành như chốn không người. Đây là vấn đề an ninh xã hội, nó thể hiện sự yếu kém của công an địa phương cũng như những kẽ hở khổng lồ của pháp luật.
Bà Mai cho rằng chuyện trộm chó đánh người nuôi chó bị thương và nhiều làng có chó bị mất trộm đã đánh chết kẻ trộm chó rồi đốt xác, đốt xe là một chuyện động trời. Nhưng vẫn chưa có điều khoản nào qui định cụ thể để giảm tình trạng này cũng như không chó một chiến dịch đàng hoàng từ phía ngành an ninh để triệt tiêu những đường dây cướp chó, tiêu thụ chó trên đất nước này.
Bà Mai bức xúc nói rằng đây là sự thiếu trách nhiệm và cố tình bỏ lơ của chính quyền địa phương và cả chính quyền trung ương. Bởi khi đã có sự việc chết người thì bắt buộc chính quyền trung ương cũng phải có sách lược để chấn chỉnh. Với bà, chuyện chấn chỉnh quá đơn giản. Thứ nhất, tất cả các cửa khẩu đều phải có kiểm kê bài bản, không cho vận chuyển chó qua cửa khẩu nếu không có đầy đủ hồ sơ và chứng nhận của cơ quan chức năng.
Về phía địa phương, phải quản lý những điểm thu mua chó một cách nghiêm túc. Ví dụ như cấp những biên lai hoặc hợp đồng mua bán cho người buôn chó và đại lý phân phối chó lấy thịt để người bán chó và đại lý chó đảm bảo qui trình thỏa thuận mua bán cũng như xác minh nguồn gốc chó trong đại lý của họ.
Vì đây không đơn giả là chuyện mua bán một con vật lấy thịt mà liên quan đến an ninh xã hội, vấn đề nhân tâm và đạo đức xã hội cũng như vấn đề bảo vệ động vật, bảo vệ thú cưng, tài sản vô giá của các gia đình trong xã hội nên không thể dựa trên định giá mua bán của một ký lô thịt chó để xem xét vấn đề và liệt vào chuyện mua bán thuần túy.
Chính vì cách quản lý lỏng lẻo của ngành thuế, ngành thị trường và ngành an ninh ở các địa phương mà hiện tại, đa số chó trong các đại lý phân phối là chó có nguồn gốc bất minh, được mua với giá rẻ bèo từ những kẻ trộm chó, cướp chó.
Và cũng chính vì nguồn lợi nhuận quá cao và quá dễ dãi của việc trộm chó mà kẻ trộm chó đã không ngần ngại mua sắm, trang bị công cụ, vũ khí để đi cướp chó. Roi điện, súng hoa cải, thuốc mê hạng nặng là những thứ mà bất kỳ kẻ cướp chó nào cũng có trang bị. Khi bị phát hiện, kẻ cướp chó có thể quay sang đánh đập, hành hung người nuôi chó. Chính vì không có qui định rõ ràng, cụ thể và luôn xếp việc trộm, cướp chó vào diện vi phạm hành chính rồi phạt qua loa mà kẻ trộm chó, cướp chó có cơ hội lộng hành.
Những cái chết oan uổng
Ông Hiển, cư dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An chia sẻ: “Nói chung là có sự xuống cấp đạo đức, do sự cộng hưởng của đám đông. Nói chung là xã hội xuống cấp quá nặng, do cả đói khổ, cùng đường mà người ta đi bắt trộm chó nữa. Cùng đường ở đây nên hiểu là sự cùng đường về lý trí và công việc kiếm cơm. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là lực lượng bảo vệ an ninh cho nhân dân đang làm gì, ở đâu mà để kẻ trộm, kẻ cướp lộng hành như vậy?!”.
Theo ông hiển, vấn đề an ninh quá lỏng lẻo, luật pháp quá nhiều kẽ hở và không nghiêm minh, một phần nào đó những nhân viên an ninh của địa phương đã thả lỏng hoặc tiếp tay cho kẻ gian là nguyên nhân của nhiều cái chết oan uổng của kẻ trộm chó, cướp chó trong thời gian gần đây.
Vì chưa bao giờ có một cuộc kiểm tra nghiêm túc các đại lý tiêu thụ chó nên kẻ trộm, kẻ cướp xem các đại lý này là chỗ tiêu thụ chó từ việc trộm, cướp tốt nhất. Và với mức lãi cao ngất, các đại lý này không ngần ngại thu mua chó của dân trộm, cướp với giá rẻ để tập trung thành từng xe tải đưa ra Bắc, đưa sang Trung Quốc. Để được làm ăn suông sẻ, các đại lý này chỉ cần chung chi cho công an khu vực, công an phường, xã thì trong trường hợp trong đường dây của họ có kẻ bị bắt đưa lên công an cũng chỉ bị phạt rất nhẹ, phạt hành chính, viết kiểm điểm.
Chính vì lối làm việc tắc trách của nhân viên an ninh mà người dân cảm thấy bị tổn thương, họ đã hành xử theo cách của họ. Hơn nữa, kẻ trộm chó, cướp chó luôn trang bị vũ khí như dùi cui, roi điện, dao lê, mã tấu, thậm chí súng hoa cải để hành hung người dân khi bị phát hiện. Điều này dẫn tới hệ quả là người dân nổi giận và luôn tự vệ một cách thái quá dẫn tới đánh chết kẻ trộm chó. Trong đó có không ít những người từng bị mất chó và bị kẻ cướp chó hành hung, họ sẵn sàng dùng hết sức bình sinh để đập kẻ trộm chó, cướp chó, dẫn đến chết người. Và không dừng ở đó, sự căm phẫn tập thể có thể dẫn đến những hành vi man rợ như đốt xác kẻ trộm chó, đốt xe, bắt kẻ trộm chó đeo chó trên người và đánh tập thể cho đến chết…
Theo ông Hiển, mọi hành vi man rợ chỉ diễn ra khi con người không còn tôn trọng pháp luật và pháp luật cũng không có gì để người dân tôn trọng. Hay nói cách khác là với một hệ thống pháp luật phi lý và lỏng lẻo cộng với hệ thống hành pháp lủng củng, đồi bại sẽ dẫn đến hậu quả là người dân sẵn sàng dùng bạo lực để chống lại bạo lực và cái xấu. Điều này sẽ dẫn đến một xã hội đầy bạo lực.
Ông Hiển chua chát đưa ra kết luận là những con chó có thể cắn nhau đến rách da rách thịt vì giành nhau cục xương nhưng con người còn ghê gớm hơn nhiều khi họ sẵn sàng giết nhau vì con chó. Hay nói cách khác, luật xử thế của con người với nhau còn tệ hơn luật của chó đối với nhau. Điều này chỉ có những những nước quá lạc hậu và tăm tối!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/outbursting-dog-catch-in-nghean-11252015094017.html/11252015-outbursting-dog-catch-in-nghean.mp3

Bảo vệ Quyền Trẻ em: kết án nặng hơn người lớn

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-11-27  
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù- Người tù dân oan trẻ tuổi nhất Việt Nam
 Em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù- Người tù dân oan trẻ tuổi nhất Việt Nam -Danlambao
Khác với sự thương cảm và phẫn nộ của mạng xã hội, báo chí thuộc hệ thống chính thức đưa tin khá đơn giản về vụ thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi bị một tòa án huyện ở Long An hôm 24/11/2015 kết án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù vì tạt a xít chống cán bộ cưỡng chế đất. Bố mẹ em Tuấn dù cũng đang ngồi tù sẽ phải thay em bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng cho ông  Nguyễn Văn Thủy Trưởng công an xã bị phỏng.
Phán quyết quá nặng cho thiếu niên
Các báo Pháp Luật Thành phố Online, Người Lao Động Online khi đưa tin vụ xử án hiếm có này, đã bỏ qua các chi tiết quan trọng mà Luật sư Nguyễn Văn Miếng thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM trình bày trước tòa để bảo vệ em Nguyễn Mai Trung Tuấn.
Nhận định về vấn đề thực thi công lý mà giới luật gia cho rằng rất thiếu sót trong vụ xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn, LS Trần Thu Nam hiện sống và làm việc ở Hà Nội cho rằng, trẻ em vị thành niên mà đưa ra một án nặng như thế sẽ có nhiều tác động đến tâm lý của trẻ em, tác động đến dư luận xã hội, đề ra một vấn đề là tại sao một đứa trẻ như thế lại phải chịu một mức án rất là cao…nguyên nhân lý do làm sao mà một đứa trẻ thực hiện hành vi, có phạm tội hay không phạm tội thì phải chứng minh.
Tuy không trực tiếp tham gia hồ sơ vụ án của em Tuấn nhưng LS Trần Thu Nam qua trao đổi với  LS Nguyễn Văn Miếng người bào chữa cho em Tuấn, ghi nhận rằng trong quá trình bào chữa cho em Tuấn đã có nhiều vấn đề, như đề nghị triệu tập người giám định đến phiên tòa nhưng không được đáp ứng. cũng như một số thủ tục khác không được đầy đủ. Cho nên việc ra một phán quyết với một đưa trẻ như thế thì cần phải xem xét. LS Trần Thu Nam nhấn mạnh:
Việt Nam tham gia Công ước về quyền của trẻ em, thế thì việc bảo vệ ở đây đã được đặt ra hay chưa mà tại sao lại đưa ra một phán quyết nặng như vậy. Có nhất thiết phải phán quyết nặng đến thế không vì nó làm ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, ảnh hưởng tới tự do cũng như học tập
LS Trần Thu Nam
“ Việt Nam tham gia Công ước về quyền của trẻ em, thế thì việc bảo vệ ở đây đã được đặt ra hay chưa mà tại sao lại đưa ra một phán quyết nặng như vậy. Có nhất thiết phải phán quyết nặng đến thế không vì nó làm ảnh hưởng tới tương lai của đứa trẻ, ảnh hưởng tới tự do cũng như học tập, tất cả những vấn đề đó chúng ta cần phải cân nhắc cho kỹ .”
Đây là lần đầu tiên một trẻ vị thành niên ở Việt Nam bị kết án nặng hơn cha mẹ mình 1 năm, khi gia đình này chống đối đoàn cưỡng chế đất bằng bom xăng và a xít vào ngày 14/4/2015. Bản án ngày 24/11 dành cho em Tuấn là án sơ thẩm khi em ra tòa một mình về tội cố ý gây thương tích. Ngày 25/11/2015 Tòa án Tỉnh Long An xử chung thẩm đã y án bà Mai Thị Kim Hương mẹ em Tuấn bị 3 năm 6 tháng tù và ông Nguyễn Trung Can bị 3 năm tù. Hai ông bà ở trong số 12 người đã bị bắt và ra tòa sơ thẩm ngày 15 và 16/9/2015 vừa qua. Lúc đầu em Nguyễn Mai Trung Tuấn được nhà ngoại bảo lãnh cho về nhà. Tuy vậy Tuấn sau này đã bị bắt ở Bình Thuận theo lệnh truy nã và ra tòa Thạnh Hóa Long An hôm 24/11/2015.
Đền bù đất đai theo kiểu ăn cướp
Câu chuyện của em Nguyễn Mai Trung Tuấn và 12 người khác trong vụ chống đối cưỡng chế đất xảy ra ngày 14/4/2015 ở Thị trấn Thạnh Hóa Long An là câu chuyện chung của hàng chục ngàn dân oan mất đất ở Việt Nam. TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ, nhận định:
Gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương – Nguyễn Trung Can cùng hai con là Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Mai Thảo Vy bên căn lều tạm bợ
Gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương – Nguyễn Trung Can cùng hai con là Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Mai Thảo Vy bên căn lềutạm bợ
“ Gốc của vấn đề nằm ở Hiến pháp, quyền sở hữu đất đai là thuộc toàn dân có nghĩa là thuộc nhà nước mà không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Một khi thuộc về toàn dân thuộc về nhà nước cũng có nghĩa thuộc về những tập đoàn những nhóm lợi ích hiện nay. Những nhóm lợi ích kinh tế lại móc xích với nhóm lợi ích chính trị và hai bên cùng ra chính sách để đền bù với giá rẻ mạt và sau đó bán ra thị trường với giá cao ngất có thể lên tới hàng chục lần hàng trăm lần. Tình hình Việt Nam cũng như ở Trung Quốc là đền bù đất đai rẻ mạt và gần như là cướp đất không của người dân.”
Báo chí chính thức cho biết vụ chống cưỡng chế ở Thạnh Hóa Long An là chống lại dự án giải tỏa đất để làm đê bao chống lũ. Gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn, từng giải thích là chống cưỡng chế vì tiền đền bù quá thấp chỉ 300.000 đồng/m2 trong khi chính quyền bán đất tái định cư ở khu vực liền kề với giá 25 triệu/m2. TS Phạm Chí Dũng nhận định về trường hợp này:
“ Theo tôi biết thì đối với bất kỳ loại đất nào và sử dụng cho mục đích gì thì nguyên tắc cũng phải là ngang giá thị trường khi đền bù. Chứ không thể lạm dụng lợi dụng chuyện các công trình công ích mà có thể đền bù thấp được. Cho nên việc này tôi cho là chính quyền địa phương ở Long An, cũng giống như chính quyền nhiều địa phương khác lợi dụng chính sách làm dự án công ích để đền bù với giá rất thấp. Nhưng mà cũng có rất nhiều trường hợp là những dự án công ích sau khi bị đền bù với giá thấp thì bị xẻ ra một phần làm công ích thôi. Có thể 60%-70% làm công ích trong khi đó sử dụng diện tích còn lại 30% tới 40% làm đất kinh doanh mà đất kinh doanh bán không hề rẻ một chút nào, có thể ngay ngày hôm sau người ta đến mua với giá cao hơn gấp 10 lần hoặc 20 lần như vậy. Thành thử ở đây là một sự lạm dụng và lợi dụng.”
Những nhóm lợi ích kinh tế lại móc xích với nhóm lợi ích chính trị và hai bên cùng ra chính sách để đền bù với giá rẻ mạt và sau đó bán ra thị trường với giá cao ngất có thể lên tới hàng chục lần hàng trăm lần. Tình hình Việt Nam cũng như ở Trung Quốc là đền bù đất đai rẻ mạt và gần như là cướp đất không của người dân
TS Phạm Chí Dũng
Trở lại tình tiết vụ cưỡng chế ngày 14/4/2015, Pháp Luật Thành Phố Online dẫn hồ sơ cáo trạng mô tả là vào ngày 14/4/2015 khi đoàn cưỡng chế tiến vào khu vực ba gia đình bị cưỡng chế gồm các hộ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Thị Nhanh và Nguyễn Trung Tài ở thị trấn Thạnh Hóa Long An thì bị các gia đình này phản kháng chống đối, hất a xít vào cán bộ. Các báo cũng nói tới việc ném bom xăng nhưng không có một chi tiết nào mô tả việc này. Em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị cáo buộc đã hất ca a xít làm bị thương ông Nguyễn Văn Thủy trưởng công an xã, tỷ lệ thương tích giám định là 35%.
Ngay sau khi tòa án huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An tuyên án sơ thẩm thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù, em Nguyễn Mai Thảo Vy em gái của Tuấn đã phát biểu với Đài ACTD:
“ Cháu thấy bản án bất công đối với anh cháu, tại vì hành vi của anh cháu là hành vi bảo vệ gia đình, tự vệ. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.”
Theo thông tin ghi nhận, nếu gia đình em Nguyễn Mai Trung Tuấn quyết định ủy nhiệm luật sư kháng cáo trong hạn định 15 ngày kể từ ngày 24/11/2015, thì có hy vọng những lập luận của luật sư bào chữa được tòa trên tức Tòa án Nhân dân Tỉnh Long An lưu ý. Trong trường hợp này em Tuấn là người chưa thành niên. Thông thường chỉ chịu một nửa án phạt người lớn.
Trên các mạng xã hội, giới luật gia cũng đề cập tới vấn đề, nếu tòa xác định hành vi hất ca a xít của em Tuấn là không cố ý thì em không chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu tỷ lệ thương tích của Trưởng công an xã Nguyễn Văn Thủy được giám định là 30% thay vì 35% thì Tuấn cũng thoát tội. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 24/11/2015, Tòa đã bác yêu cầu của LS Nguyễn Văn Miếng xin triệu tập hai nhân viên giám định pháp y liên quan tới bản giám định.