Wednesday, November 25, 2015

Làm theo lời bác Hồ dạy, cháu ngoan bị đi tù

 Em Nguyễn Mai Trung Tuấn trước tòa. Ảnh báo Nhân dân
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi vừa bị tòa án Long An tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù giam và bồi thường cho đầy tớ nhân dân 42 triệu 600 ngàn đồng, vì tội đã làm theo lời bác Hồ dạy.

Như mọi trẻ em miền Bắc sau 1954 và trẻ em miền Nam sau ngày bị phỏng hai hòn 1975, Tuấn đến trường với cái khăn quàng Đỏ xiết chặt cổ, ngồi chăm chú nghe thầy cô nổ về chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng vô địch muôn năm, về chế độ thực dân phong kiến ác ôn bóc lột nhân dân ta cực kỳ dã man, nhất là đồng bào Miền Nam dưới thời Mỹ Ngụy không có cơm ăn, không có muối... uống khiến đồng bào ruột thịt phải cắn hạt gạo làm hai, hạt muối làm ba, gửi vào cứu đói, cứu khát; Miền Nam trình độ khoa học kỹ thuật thấp kém đến nỗi không làm được hầm xí hai ngăn như Miền Bắc sau hai mươi năm xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa.

Học về Tư tưởng Hồ Chí Minh, cháu ngoan Nguyễn Mai Trung Tuấn thấm nhuần “lời bác” dạy, “con giun xéo lắm cũng quằn, huống hồ con người”, nên chi "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh".

Ở đâu có áp bức...”, cháu ngoan Trung Tuấn hồ hởi phấn khởi tự nhủ, cảnh đàn áp, bóc lột, nếu còn là ở các nước tư bản như Miền Nam trước kia, chứ VN ta bây giờ đã sạch bóng quân thù, nhân dân đứng lên làm ông chủ bà chủ thì đố thằng cán bộ, à quên, thằng đầy tớ nhân dân nào dám ngo ngoe hó hé bóc lột... ông bà chủ.

Thế mà “Ngày vui” trên sách vở qua mau quá với cháu Tuấn. Trong sách, sạch bóng quân thù, nhưng ngoài đường lù lù một đống quân đàn áp, bóc lột còn gớm ghiếc, khủng khiếp hơn quân thù.

Ngày xưa còn “quân thù”, nhưng ruộng vườn nhà em không bị ai dòm ngó, nếu có ai đó muốn mua, thì phải được chủ nhân đồng ý bán hay không, kể cả đối với nhà cầm quyền.

Ngày nay quân đàn áp, bóc lột chúng ở đâu ra mà lộng hành như chốn không người. Nói chốn không người cũng không đúng, mà phải nói là chỗ có người nhà nước của chúng bao che.

Ruộng đất của gia đình cháu Tuấn khi không bị chúng đến đòi bán, lại bắt bán với giá rẻ mạt. Đương nhiên là ông bà chủ không thể làm theo đòi hỏi của đám “đầy tớ”. Thế là chúng kéo quân đến đàn áp để "mua" bằng được, với giá bồi thường là 300 ngàn/Mét vuông trong khi khu liền kề bán được 25 Triệu/Mét vuông (*)

Bị áp bức rành rành. Em gái Tuấn kể lại sau bản án: “Họ uy hiếp, đánh đập gia đình rất dã man. Anh Hai thấy họ bắt mẹ và đập đầu xuống đường nên anh Hai, với tư cách người con phải cứu mẹ. Hành động mà anh Hai tạt acid ông công an là để cứu mẹ thôi.” (*)

Đang khi thân cô thế cô, trước hàng trăm “đầy tớ” trang bị khí giái đầy mình, cháu ngoan Nguyễn mai Trung Tuấn, bèn làm theo lời bác dạy, “Ở đâu có áp bức ở, đó có đấu tranh”.

Giá như em Nguyễn Mai Trung Tuấn đừng làm theo lời Bác dạy, cứ để yên cho bọn đầy tớ nhân dân áp bức ông bà chủ là gia đình em, thì đứa cháu ngoan bác Hồ còn ở tuổi vị thành niên đâu phải vào tù ngồi những 4 năm 6 tháng.

25/11/2015


_______________________________________

Ghi chú:

Một bộ máy hành chính cửa quyền, hà hiếp dân

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Người này nhận xét mặt người kia kênh kiệu là một nhận xét nhẹ nhàng, một sự việc quá bình thường và nhỏ nhặt. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta còn bảo nhau một cách giận dữ hoặc thân ái, bỡn cợt là mặt mo, mặt thớt, mặt giặc, mặt chó, mặt l., những thứ mặt gớm ghiếc, thô tục và xấu xa hơn mặt kênh kiệu nhiều. Nhưng không ai kiện ai, không việc gì phải theo dõi, điều tra, xử lí một nhận xét về nhau như vậy. Không có luật nào đưa nhận xét nhẹ nhàng vô hại đó vào hành vị tội phạm. Cũng không có qui định hành chính nào cấm công dân nhận xét xấu về nhau, cấm công chức nhận xét không tốt về cán bộ.

Người Dân bảo mặt quan là kênh kiệu lại càng bình thường. Vì bộ máy công quyền chỉ là công bộc của Dân. Một xã hội lành mạnh, tử tế, một bộ máy công quyền biết thân biết phận thì phải biết rằng ngôi thứ cao nhất trong xã hội thuộc về Nhân Dân, quyền lực cao nhất trong xã hội cũng thuộc về Nhân Dân. Người Dân là chủ đích thực của đất nước, của xã hội. Những quan chức chỉ là những công bộc của Dân, những người làm thuê cho Dân. Chủ bảo công bộc là kênh kiệu thì công bộc phải giật mình lo lắng xin gặp chủ hỏi cho biết vì sao chủ lại có nhận xét như vậy để sửa mình.

Suốt hơn chục năm trời, từ khi ông họ Nông quê miền rừng Na Rì, Bắc Cạn trở thành đảng trưởng đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, ngân sách nghèo của đất nước phải đổ hết hàng trăm ngàn tỉ đồng này đến hàng trăm ngàn tỉ đồng khác tiền thuế của Dân để đảng của các ông rầm rộ tổ chức cho đảng viên, cán bộ của đảng học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh vẫn thường dạy các ông bà đảng viên rằng cán bộ là đày tớ của Dân. Chủ bảo đày tớ làm chủ tịch tỉnh có bộ mặt kênh kiệu thì có gì quá đáng mà cả bộ máy công quyền hằm hè xúm lại đè người Dân ra phạt vạ, phạt người Dân viết status facebook bảo mặt quan kênh kiệu và người Dân tán thành với status đó, mỗi người 5 triệu đồng, số tiền lớn hơn cả tháng lương của họ. Cả bộ máy chính quyền hành xử với Dân như vậy thì việc các ông, các bà học tập đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là giả dối, lừa bịp, thì hết hàng trăm ngàn tỉ đồng này đến hàng trăm ngàn tỉ đồng khác đổ ra cho các ông, các bà học tập chỉ là đổ xuống sông, xuống biển!

Khi cả xã hội ồn ào lên tiếng phản ứng về cách hành xử vô lối của công bộc với chủ, kẻ công bộc phải rút lại việc phạt dùng quyền uy lấn át lẽ phải, lấn át tình người, cả vú lấp miệng em nhưng công bộc vẫn ngạo mạn, xấc xược dùng ngôn từ ban ơn, tha thứ để nói về cái sự bỏ hình phạt vô lối. Một ông quan đầu tỉnh, ở tầm cao nhất tỉnh không một chút lòng với Dân, không một chút hiếu để với Dân, bị lút, bị chìm mất mặt, mất phần người và mất quá nhiều thời gian tâm trí vào một việc cỏn con không đáng có mà còn dám cao giọng nói với báo chí về cái tâm, cái tầm của ông, đủ thấy nhận thức của ông, sự hiểu biết của ông, nhân cách của ông và liêm sỉ của ông!

Người Dân chỉ có một câu nhẹ nhàng động chạm đến quan, cả bộ máy hành chính được vận hành, mang sức mạnh của quyền lực Dân trao để sừng sộ, nạt nộ, trừng trị Dân là điển hình của bộ máy cửa quyền xa Dân, không một chút thân thiện với Dân, càng xa vời, trái ngược với cái slogan “Chính quyền của Dân, vì Dân, do Dân” mà nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn hùng hồn nhắc đến mọi lúc, mọi nơi. Chiếc ghế quyền lực của quan chỉ phụ thuộc vào đảng, do đảng ban phát, không do lá phiếu của người Dân quyết định, quan mới coi thường Dân đến thế.

Dân nhận xét mặt quan đầu tỉnh kênh kiệu là việc dân sự thường tình, cỏn con mà cơ quan công an lặng lẽ, bí mật theo dõi suốt tháng này qua tháng khác, mà cơ quan tỉnh ủy đầy quyền uy, mà ủy ban nhân dân tỉnh bộn bề công việc to tát cùng các sở, các ngành đông đúc họp lên, họp xuống, lập ban nọ, bệ kia điều tra, xử lí. Đó là năng lực, là tầm của một bộ máy chỉ nhìn thấy, chỉ nhạy cảm, xăng xái với những việc nhỏ nhặt, vụn vặt, vớ vẩn, coi cái nhỏ nhặt, vớ vẩn là to tát, nghiêm trọng, không đủ năng lực, không đủ tầm làm những việc đáng phải làm. Nhạy cảm, xăng xái với việc nhỏ nhặt, vớ vẩn đến mức phòng Giáo dục, nơi lo việc học, dạy chữ, dạy làm người cho thế hệ trẻ, lại không biết đến giá trị nhân văn, không biết đến quyền con người, quyền tự do ngôn luận, hấp tấp ra một văn bản lố bịch cấm nhân viên like, share trên facebook. . . 

Người Dân bảo mặt quan kênh kiệu không làm mất uy tín quan. Sự việc đó chỉ như cái test trắc nghiệm con người quan. Quả nhiên cái test đã có nghiệm. Chính việc quan đầu tỉnh huy động cả bộ máy hành chính dưới quyền trừng trị, hà hiếp người Dân mới làm quan mất uy tín nghiêm trọng. Vì sự việc đó bộc lộ đầy đủ cái tâm nhỏ nhen, hẹp hòi và cái tầm thấp kém của quan.

Những cơ quan quyền uy đầy mình, những quan chức quyền lớn, chức trọng, lương cao, bổng hậu để làm những việc lớn lao. Nếu biết nhìn ra việc, có năng lực làm những việc lớn lao đáng làm thì không còn thời gian, tâm trí vào những việc nhỏ nhặt, vớ vẩn. Cả bộ máy hành chính nhà nước địa phương được huy động cấp tập, rầm rộ trừng trị một người Dân chỉ vì người Dân bảo mặt quan kênh kiệu. Đó là bộ máy hành chính cửa quyền, chỉ quen hà hiếp Dân. Bộ máy hành chinh nhà nước đó đang cản trở sự phát triển của đất nước, cản trở tiến trình đi tới dân chủ hóa của Nhân Dân trong thời đại văn minh.

25/11/2015

Đạo đức lãnh tụ & tình dục Nhân dân

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Đảng ta là đạo đức, là văn minh - Hồ Chí Minh

Chừng ba mươi năm trước, tôi may mắn đọc được bài viết rất công phu của nhà văn Trùng Dương - “Phan Khôi: Ngọn Hải Đăng Giữa Vùng Biển Động.” Trước đó, tôi chỉ nghe danh ông là người mở đường cho phong trào thơ mới ở Việt Nam:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng .

...

Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.


Nhờ chị Trùng Dương, tôi mới biết được thêm Phan Khôi từng được mệnh danh là một Ngự Sử Văn Đàn. Ông đã có những đóng góp lớn lao cho làng báo Việt, vào giai đoạn sơ khai. Gần đây, qua biên khảo (Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932) của Linh Mục Thanh Lãng, tôi lại được dịp xem qua quan niệm về nữ quyền vô cùng phóng khoáng (và rất cách mạng) của ông: 

“Trong phụ nữ ta có nhiều người chồng chết, ở trong cảnh ngộ rất đáng thương, buồn rầu đủ mọi trăm thứ, vậy mà nói đến truyện cải giá, sợ mang tiếng, nhất định không thì thôi. Có người bóp bụng cắn răng cũng giữ được trót đời; nhưng có người khôn ba năm dại một giờ, thì ra mang cái xấu lại còn hơn cải giá. Lại thường thấy bà góa nào có máu mặt thì bọn điêu thoa trong làng trong họ lập mưu mà vu hãm cho, để mong đoạt lấy gia tài. Những sự đó đều là chịu ảnh hưởng của cái luật cấm cải giá mà ra; vậy thì nó chỉ làm hại cho phong hóa thì có chớ có bổ ích gì đâu? Bởi vậy ta nên phế trừ cái luật ấy đi; từ rày về sau, trong óc chúng ta, cả đàn bà và đàn ông Việt Nam đừng có cái quan niệm ấy nữa.” (Phụ Nữ Tân Văn số 95,13-8-1931). 

Nguồn ảnh: vuisongmoingay

“Cái luật cải giá” khắt khe của thời phong kiến tại Việt Nam - tiếc thay - đã không bị “phế trừ” mà còn trở nên khắt khe hơn, sau khi cuộc cách mạng vô sản thành công ở xứ sở này: 

Ả Định mới hai mươi hai tuổi đã có ba đứa con, nhưng trông còn son lắm. Da trắng, má lúc nào cũng ửng hồng, ngực phây phây như cái thúng. Anh mất, ả nghĩ mình là người của Đoàn thể nên rất giữ gìn. Hơn nữa, gia đình ả có công với cách mạng từ lâu. Bác Hoe Chu, bố chồng, tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1927. Chồng của ả vào Đảng từ khi còn bóng tối. Về làm dâu, ả được bố chồng và chồng giác ngộ, cũng trở thành đảng viên… Không may giữa đường đứt gánh tương tư. Giữ nếp nhà, ả mặc áo sổ gấu, đội nón không vành. Nhưng sức lực càng ngày càng căng ra... Tuy thế, ả vẫn tránh tất cả các trường hợp đàn ông cợt nhả khi gặp riêng trên đường làng… Rồi đến một hôm, trong cuộc họp, anh Cu Kình liếc mắt nhìn ả, ả quay mặt đi. Cứ quay mặt mãi cũng không tránh được cái vòng vây tình ái của anh Cu Kình. Đôi má của ả càng ngày càng đỏ au như con gái dậy thì khiến anh mê như điếu đổ. Anh đón gặp ả trên đường làng, gặp ngoài đồng, gặp ban ngày, gặp ban đêm. Rồi hai người hò hẹn nhau. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Và ả có thai sau bảy năm giữ gìn. Đảng ủy triệu tập ả lên trụ sở...

Khi nêu vấn đề khai trừ ả Định, có người gợi ý “chiếu cố quá trình tham gia cách mạng của gia đình”. Nhưng đồng chí bí thư diễn giải một cách kiên quyết: “Tội quan hệ tình ái bất chính là tội rất nặng. Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng ta phải thật trong sạch. Đảng viên đi trước làng nước theo sau... (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới Đáy Ao. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Văn Hóa & Truyền Thông Võ Thị, 2007. Bản điện tử do talawas chủ nhật thực hiện).

Cách “diễn giải” của “đồng chí bí thư” về “quan hệ tình ái” , xem ra, có vẻ hơi xa (rời) với cuộc sống của “làng nước.” Sau những lũy tre xanh, người dân Việt vẫn cứ sinh hoạt theo nhịp thở, nhịp tim, và tiếng lòng của họ (thay vì theo ý Đảng) bất kể là vào thời bình hay thời chiến: 

Những năm 1965- 1975 nhà mình sơ tán ở làng Đông. Nhớ nhiều người nhưng nhớ nhất anh Đa.

Bây giờ kể chuyện anh Đa thôi, vì anh này hay nhất trong kí ức của mình về cái làng này.

Anh Đa lùn, đen, xấu. Anh Diệu nói cái mặt thằng Đa chành bành giống cái l. trâu.

Anh Đa sống với mẹ già, sau mẹ chết anh ở một mình. Nhà nghèo quá, 24, 25 tuổi rồi hỏi cô nào cũng bị chê.

Anh con liệt sĩ, lại con một, khỏi đi bộ đội. Con trai trong làng ai lớn đều đi bộ đội hết, còn lại dăm ba anh tuổi như anh thôi, chỉ có anh là chưa vợ. Mẹ anh khóc lên khóc xuống, anh vẫn chẳng quan tâm đến chuyện vợ con. Cho đến khi mẹ anh chết anh vẫn độc thân. Mình hỏi anh sao anh không lấy vợ. Anh nói tao để vậy để đàn bà nó thèm...

Anh chỉ làm hai việc: đi đập lúa thuê và nơm cá bán lấy tiền. Cứ mùa lúa là anh đi đập lúa cho các gia đình có chồng con đi bộ đội, một đêm đập lúa được trả vài lon gạo. Thế cũng đủ sống, lại được tiếng giúp đỡ gia đình bộ đội...

Một đêm mình đi thăm túm lươn, hôm đó được nhiều, hơn chục con, mừng lắm hí hửng xách oi về thì gặp anh Đa đi từ nhà chị Thơm ra. Mình hỏi anh đi đâu, anh nói không.

Minh thấy anh mặc cái áo bộ đội dài gần đến gối (anh lùn mà). Nghi nghi, mình kéo vạt áo anh lên, chim cò phơi ra cả, hóa ra anh không mặc quần. Mình ngạc nhiên nói sao vào nhà người ta lại không mặc quần, anh cười phì một tiếng rồi bỏ đi.

Nguồn ảnh minh họa: trannhuong

Nhà chị Thơm một mẹ một con, chồng đi bộ đội, thằng cu con chị mới hơn 4 tuổi. Mình nghi lắm. Mình lẻn theo anh Đa.

Anh Đa lại vào nhà chị Hà. Chị Hà có chồng hy sinh, vừa báo tử năm ngoái. Chị vẫn say sưa sinh hoạt đoàn, biến đau thương thành hành động cách mạng, hăng hái phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu v.v... Bà con làng xóm khen lắm, vẫn nói với con gái con dâu: đó, sang nhà con Hà mà coi.

Mình vào sau hồi nhà chị Hà Tối quá không thấy gì, chỉ nghe chị kêu hệt như mèo kêu. Mình chặn anh Đa ở cổng nhà chị Hà nói em biết rồi nha. Anh Đa túm cổ áo mình nói mày nói tao giết.

Về sau, lần nào đi nơm anh vừa nơm suất của anh, vừa nơm suất của mình. Mạ mình toàn khen thằng Lập dạo này nơm cá giỏi. Hi hi.

Làng Đông có chừng 4-5 trăm nóc nhà, hơn 1 trăm nóc là nhà hoặc là vợ bộ đội hoặc là vợ liệt sĩ. Không biết anh Đa chui vào bao nhiêu nhà trong số 100 nóc nhà ấy, chỉ biết suốt cuộc chiến tranh 1965-1975, tối nào cứ đến 3-4 giờ sáng anh Đa lại mặc cái áo bộ đội dài đến đầu gối, không thèm mặc quần, đi hết nhà này đến nhà kia, 5 giờ sáng thì về.

Mình hỏi sao anh không mặc quần. Anh nói mặc mần chi, cởi vô cởi ra mệt.(“Anh Cu Đa” - Nguyễn Quang Lập).

Một anh trai làng “lùn, đen, xấu” và “mặt chành bành giống cái l. trâu” mà còn “bận” đến cỡ đó thì anh Ba Duẩn (“ngọn đèn cháy sáng 200 nến”, soi khắp Bắc/Nam) làm sao mà rảnh rang cho được:

Tháng 7-1986 Duẩn chết, dân đứng hai bên đường đếm mấy bà tổng góa. Chúng khẩu đồng từ bảo nhau cái bà tre trẻ mặc áo dài đen dắt đứa con be bé kia đứt đuôi là vợ tư! Ấy, chưa kể những bà bị gạt xuống nữa chứ. Cho lên cả thì khéo phải một hai xe nữa...

Ngày ấy nếu blogger nhiều như ba chục năm sau thì trên mạng cử là lũ lụt lời bình về sức mạnh tính dục của Lê Duẩn. 

Rõ ràng là có nỗi sự riêng tư thầm kín của thân thích ông, sau cái chết của ông, vị hoàng đế đỏ từng làm run sợ và đau khổ biết bao con người. (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Những vị “hoàng đế đỏ” kế tiếp (Đỗ Mười, Lê Khả, Nông Đức Mạnh) cũng đều là những nhân vật mà sinh hoạt tình dục của họ khiến cư dân mạng phải tốn không ít thời giờ. Điều may mắn là đất nước bước vào “thời mở cửa” (chả còn phải giấu diếm gì, và muốn dấu cũng không thể được) nên không có tình nhân nào bị biến thành nạn nhân - bị xe tông bể sọ - như bà Nông Thị Xuân ngày trước nữa.

Ảnh: vietnamnet

Cũng từ thời đổi mới, quan niệm về sinh hoạt tình dục của toàn dân rất nới (và rất mới) - theo thông tin của tờ Việt Báo: “Việt Nam Tỷ lệ nạo phá thai cao hàng đầu thế giới.

Tờ Vietnamnet thì đưa ra một con số khiêm tốn và nhẹ nhàng hơn, chút xíu:“Hiện Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới.”

Tại sao Việt Nam lại đứng đầu thế giới, hay toàn khu vực về tỷ lệ nạo/phá thai như thế? Tôi trộm nghĩ thế này, đúng sai xin được công luận quan tâm để vấn đề thêm được tỏ tường: chắc tại ở những quốc gia khác không có một vị lãnh tụ đạo đức như Hồ Chí Minh nên dân chúng không phải học tập và làm theo tấm gương của Bác.

25/12/2015

Bị chê 'kênh kiệu', chủ tịch An Giang huy động 16 cơ quan 'đánh' 3 người dân

Organized repression

Nguyễn Văn Tuấn - Hôm nọ, đọc tin tức thấy ông chủ tịch tỉnh An Giang tuyên bố rằng cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để xử lí vụ cô giáo viết nhận xét “kênh kiệu”. Lúc đó, tôi không hiểu câu “hệ thống chính trị” là gì, nhưng hôm nay thì tôi đã hiểu. Theo báo Lao Động, ông chủ tịch đã huy động MƯỜI SÁU cơ quan xúm vào “đánh” 3 người dân dám chê ông là “kênh kiệu”. Thật kinh khủng!
Mười sáu cơ quan tham gia là:

· Đầu tiên, phải kể đến Phòng Tham mưu Công an tỉnh An Giang (PV11).

· Cơ quan thứ 2 vào cuộc là Đảng ủy khối Dân chính đảng.

· Cơ quan thứ 3 là Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83). 

· Cơ quan thứ 4 là Sở Thông tin truyền thông tỉnh An Giang. 

· Thứ 5 là Trường THPT Long Xuyên.

· Cơ quan thứ 6 là UBND thành phố Châu Đốc - ra Công văn về việc sử dụng mạng xã hội.

· Cơ quan thứ 7 là Phòng GDĐT thành phố Châu Đốc - Công văn nghiêm cấm “like”, “share” trên facebook. Công văn này đến tất cả các trường học trực thuộc phòng để thực hiện.

· Cơ quan thứ 8 là Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối, làm việc với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc và có biên bản ngày 11.9 “ông Phúc thừa nhận sai phạm”.

· Cơ quan thứ 9 là Sở GDĐT. Đối với cơ quan này, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở GDĐT phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở GDĐT cùng xử lý cô Lê Thị Thùy Trang.

· Cơ quan thứ 10 là Sở Công thương, Thường trực Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo Đảng ủy Sở Công thương phối hợp cùng Ban Giám đốc Sở Công thương cùng bà Phan Thị Kim Nga.

· Cơ quan thứ 11 là Đảng ủy khối doanh nghiệp.

· Cơ quan thứ 12 là Công ty Điện lực An Giang. Theo đó, Đảng ủy khối Dân chính đảng chỉ đạo 2 đơn vị này cùng phối hợp xử lý ông Phúc.

· Cơ quan thứ 13 là Văn phòng UBND tỉnh.

· Cơ quan thứ 14 là Cổng thông tin điện tử tỉnh

· Cơ quan thứ 15 là Báo An Giang được lệnh phải nhanh chóng đăng tải kết quả xử lý 3 cán bộ lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian sớm nhất.

· Cơ quan thứ 16, là kho bạc. Hiện ông Phúc đã nộp phạt tại kho bạc. Còn cô giáo Lê Thị Thùy Trang do hoàn cảnh khó khăn nên chưa có tiền nộp.

Không biết có nơi nào trên thế giới mà chính quyền dùng cả bộ máy để… đánh dân. Phải nói chính xác là trấn áp thì đúng hơn. Chắc chỉ có ở Việt Nam, hay cụ thể hơn là chỉ có ở An Giang. Cái kiểu huy động cả bộ máy để trấn áp một cá nhân như thế thể hiện một sự lạm dụng quyền lực rõ ràng nhất. Cái này tiếng Anh gọi là “organized repression”, tức đàn áp có tổ chức. Thật ra, vụ việc cũng là một phát biểu rõ ràng rằng nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan Nhà nước không phải là phục vụ dân, mà là bảo vệ chính quyền và bảo vệ giai cấp cai trị.

Đó cũng là lời giải thích tại sao VN vẫn còn nghèo, vì bộ máy chính quyền chẳng những cồng kềnh, mà còn bị sử dụng một cách bừa bãi. Về mặt cá nhân, sự huy động đó còn chứng tỏ cái hèn của một con người có quyền chức.

Nguyễn Văn Tuấn
Facebook 
(1) http://laodong.com.vn/xa-hoi/vu-bi-phat-vi-noi-xau-lanh-dao-tinh-an-giang-che-mot-cau-16-co-quan-cung-vao-cuoc-399665.bld

Học giả Trung Quốc bị cô lập tại hội thảo Biển Đông ở Việt Nam?

Ảnh do CSIS phân tích cho thấy những công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh do CSIS phân tích cho thấy những công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị coi là “ngụy biện” và “chọi nhau” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về biển Đông ở Việt Nam, với sự tham gia của các học giả có uy tín trên thế giới, mới kết thúc ở thành phố Vũng Tàu hôm qua (24/11).

Cuộc hội thảo kéo dài hai ngày với chủ đề “Biển Đông – hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao cùng với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông phối hợp tổ chức.
Tin cho hay, hàng chục học giả nước ngoài đến từ nhiều nước đã tham gia sự kiện quốc tế này.
Ông Trần Đức Long, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết hội thảo năm nay có nhiều người tham dự hơn vì những diễn biến dồn dập ở biển Đông.
Ông nói:
“Bộ Ngoại giao và Hội Luật gia phối hợp để làm rõ những yếu tố liên quan đến biển Đông. Năm nào cũng thế, nó là truyền thống rồi. Nhưng năm nay là năm cũng khá đặc biệt bởi vì trong thời điểm này, Trung Quốc lại lấn chiếm bồi đắp thêm [các đảo nhân tạo]”.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng “năm 2015, biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn”, đe dọa tới tuyến đường biển huyết mạch và kế sinh nhai của hàng triệu ngư dân.
Ban tổ chức cho hay, có nhiều vấn đề lớn như việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, quan hệ giữa các nước lớn ở biển Đông, luật pháp quốc tế cũng như triển vọng tương lai ở biển Đông đã được mang ra thảo luận.
Ngoài các chuyên gia tới từ Hoa Kỳ, Philippines và Australia, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có mặt tại diễn đàn.
Tuy nhiên, tin cho hay, quan điểm về biển Đông của các học giả tới từ quốc gia láng giềng phương bắc của Việt Nam “đều bị phản bác”.
Truyền thông trong nước không kiêng dè trong việc chỉ trích các chuyên gia Trung Quốc với những hàng tít như: “Học giả Trung Quốc ngụy biện” hay “Học giả Trung Quốc lại xuyên tạc về biển Đông”.
Mình lấy tiếng nói chung của các học giả trên toàn thế giới để minh chứng cho cái việc là thực hiện của Trung Quốc có những điều chưa phù hợp đối với luật pháp quốc tế rồi những cam kết như Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, DOC.

Tòa án VN làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 Gửi cho BBC từ Hà Nội 24 tháng 11 2015 

Image copyrightOther
Báo chí trong nước đang đưa tin về vụ việc vi phạm xảy ra tại công trình xây dựng số 8B phố Lê Trực, Hà Nội.
Thông tin mới đây cho biết phía chủ đầu tư có đề xuất hiến tặng cho nhà nước phần không gian xây dựng vượt quá so với giấy phép, thay vì phải phá bỏ đi mà chi phí phá dỡ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua 23.11, người được giao phụ trách Đảng bộ thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã cho biết (theo bài trên báo Tiền phong) rằng không chấp nhận đề xuất hiến phần xây dựng vi phạm cho nhà nước.

Tòa án ở đâu?

Trong sự việc này, thiệt hại nhãn tiền cho phía chủ đầu tư, thực ra cũng là tổn hại cho kinh tế xã hội, đó là tốn kém không biết bao nhiêu tiền của trong việc xây dựng phần vượt quá để rồi phải đập bỏ đi.
Đây là ví dụ cho thấy tổn hại của hệ quả luật pháp không nghiêm đối với nền kinh tế là không hề nhỏ.
Qua để ý theo dõi thì thấy mặc dù có rất nhiều tin bài về vụ tòa nhà 8B Lê Trực nhưng không hề có tin bài nào nhắc đến Tòa án như là thiết chế có khả năng giải quyết vụ việc đem lại công bằng cho chủ đầu tư.
Đây thực sự là điều đáng phải quan tâm suy nghĩ.
Image copyrightGetty
Vì tòa án vốn dĩ là thiết chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp, vậy tại sao trong vụ việc này, với phần tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ đầu tư không tìm đến tòa án để được bênh vực bảo vệ?
Phải chăng người ta đã hoàn toàn không hy vọng gì ở khả năng của tòa án? Hoặc cũng có thể hành vi sai phạm đã quá rõ ràng, cho nên chủ đầu tư đã hoàn toàn cam chịu chấp nhận mà không khiếu nại hay khởi kiện đến tòa án.
Nếu điều này là đúng thì tại sao ngay từ ban đầu chủ đầu tư lại chủ quan vi phạm pháp luật ngang nhiên như vậy?
Và lâu nay cỗ máy tư pháp đã vận hành như thế nào mà góp phần tạo nên sự mất nhận thức vào pháp luật nghiêm minh như thế?

Tư pháp yếu cản trở kinh tế

Lâu nay để tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều người chỉ nghĩ đến các khoản tiền vốn đầu tư, như đầu tư ODA, đầu tư FDI hay các khoản vốn vay trái phiếu Chính phủ, vay Ngân hàng quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư trong nước.
Image copyrightBBC World Service
Đã có sự ít quan tâm hơn trong việc tìm kiếm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách khơi dậy sức dân, khai phá tiềm lực trong nhân dân, kêu gọi người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoặc là cũng có chủ trương muốn vậy nhưng không biết làm cách nào để thúc người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thay vì cất giữ trong nhà.
Một điều quan trọng cần được hiểu là trong thời đại ngày nay nguy cơ xâm hại tới tài sản của người dân và doanh nghiệp không phải là từ giặc giã chiến tranh, mà nguy cơ đến từ sự vi phạm cam kết của chính những bạn hàng đối tác.
Do vậy để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, cần phải minh chứng cho họ thấy được là quyền lợi hợp pháp và tài sản của họ sẽ được bảo vệ nhanh chóng hiệu quả, và điều này chính là muốn nói đến vai trò trách nhiệm của nền tư pháp.
Nền tư pháp phải đủ mạnh, đủ hiệu quả để đảm bảo tài sản của các bên được bênh vực bảo vệ thay vì bị giải quyết dây dưa kéo dài hoặc bỏ mặc.
Trong nền tư pháp thì Tòa án là thiết chế trung tâm, Tòa án cần trở thành nơi mà mọi người tìm đến để cậy nhờ bảo vệ, thay vì là thứ người ta ngao ngán chẳng thèm nghĩ đến. Một khi tòa án không chứng minh được khả năng đảm bảo công bằng nó sẽ triệt tiêu đi động lực cố gắng trong mỗi người.
Khi đó tiền vàng sẽ nằm im trong két sắt gia đình thay vì được đưa vào lưu thông, theo đó nguồn vốn đầu tư của xã hội sẽ bị vơi cạn. Mà tiền trong dân thì nhiều ít không biết thế nào nhưng có lẽ cũng không ít hơn bao nhiêu so với các khoản vay quốc tế.
Cho nên để tìm đường hướng phát triển kinh tế, thay vì chỉ chú tâm kiếm tìm các khoản vốn đầu tư nước ngoài, thì hãy quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, để khơi dậy và khai phá tiềm lực trong nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi các quy định thủ tục hành chính đầu tư kinh doanh như lâu nay vẫn được nhắc đến, mà nó còn đòi hỏi ở cả môi trường tư pháp hiệu quả nghiêm minh.

Tư pháp tốt thúc đẩy kinh doanh

Nền tư pháp hiện tại còn nhiều yếu kém và chưa được coi trọng, một trong những nguyên nhân là nhiều người còn chưa nhìn ra vai trò tác dụng của nó trong việc khuyết khích thúc đẩy hay là kìm hãm phát triển nền kinh tế.
Image captionLS Ngô Ngọc Trai: "Kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả"
Sau mấy chục năm hội nhập kinh tế, nhiều người đã thống nhất nhận thức rằng một nền kinh tế thị trường phải đi đôi với một hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng (đây là điều mà các chuyên gia tư vấn quốc tế vẫn thường nói đến). Và thực tế là ở Việt Nam lâu nay người ta cũng đã quan tâm đến khâu làm luật của Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện các vấn đề pháp luật đầu tư kinh doanh.
Song nhiều người vẫn chưa nhận ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả.
Vì dù cho các quy định thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đã rõ ràng minh bạch, nhưng người ta vẫn chưa yên tâm bỏ tiền ra nếu vẫn còn những lo ngại rằng những tranh chấp vướng mắc trong quá trình làm ăn sẽ không được xử lý nhanh chóng chính xác.
Tức là lâu nay nhiều người mới chỉ chú trọng các vấn đề đầu vào như các vấn đề tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, khai thông vướng mắc cho thành lập doanh nghiệp, trong khi lại chưa coi trọng các vấn đề về sau.
Ví như thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện nhanh gọn mau chóng, trong khi thủ tục phá sản doanh nghiệp thì vẫn nhiêu khê phức tạp rối rắm (và trở thành điểm tắc nghẽn).
Hoặc sau khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư rồi thì lại không lo giúp đỡ xử lý giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong quá trình kinh doanh (bằng việc để tồn tại một nền tư pháp còn thiếu tính năng hiệu quả).

Quyền và nghĩa vụ pháp lý

Điều này tạo ra sự mắc nghẽn của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mà khơi thông nó chính là vai trò tác dụng của nền tư pháp.
Nhiều người không nhận ra sự tồn tại và tính quan trọng của sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Tôi cho rằng sự lưu thông của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý quan trọng chẳng kém gì sự lưu thông dòng chảy tài chính tiền tệ trong môi trường kinh tế.
Image copyrightGetty
Một khi dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý bị tắc nghẽn do khâu tư pháp yếu kém, nó sẽ cản trở sự minh bạch rõ ràng về tài sản và quyền lợi, cản trở tính năng hữu dụng của các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế.
Tư pháp yếu kém cũng biểu hiện ở chỗ thời gian giải quyết các vụ án thường bị kéo dài. Và khi phán quyết đã có rồi thì khâu thi hành án cũng tồn tại những nhiêu khê khiến nó trở thành điểm nghẽn trong việc phân định tài sản, khiến cho tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, từ đó chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế (xem lại bài Tòa án Việt Nam gây tác hại cho nền kinh tế).
Cho nên một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một nền tư pháp mạnh.
Khi nền tư pháp yếu, không chứng tỏ được luật pháp nghiêm minh, sẽ tạo ra môi trường pháp lý mơ hồ khiến người dân và doanh nghiệp nhận thức phán đoán sai về các tín hiệu, dẫn đến các suy tính quyết định sai lầm, ví như vụ việc sai phạm diễn ra ở công trình đầu tư số 8B phố Lê Trực nêu trên.
Để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế cần thúc đẩy nâng cao tính năng hiệu quả của nền tư pháp, để tư pháp trở thành điểm đột phá cho phát triển kinh tế, thay vì là điểm tắc nghẽn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế như hiện nay.
Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công chính, quận Đống Đa, Hà Nội.

Bỏ yêu cầu tuyển lao động 'biết tiếng TQ'

Theo BBC-9 giờ trước 

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionYêu cầu tuyển dụng 'lao động biết tiếng Trung' tại Đà Nẵng gây tranh cãi
Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP Đà Nẵng xác nhận đã yêu cầu nhà thầu vụ '300 lao động Trung Quốc' bỏ yêu cầu 'biết tiếng Hoa' gây tranh cãi.
Từ một tuần nay, dư luận xôn xao trước thông tin Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng cho phép công ty Sichuan Huashi Việt Nam (có công ty mẹ tại Trung Quốc) đưa 300 lao động từ tỉnh Tứ Xuyên qua Đà Nẵng xây khách sạn JW Marriott (ở vị trí đối diện sân bay Nước Mặn). Dự án này do công ty Sliver Shores (có lãnh đạo là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư.
Hôm 25/11, trả lời phỏng vấn của BBC, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho hay: "Chúng tôi đã đề nghị nhà thầu bỏ yêu cầu tuyển lao động biết tiếng Trung và họ đã chấp nhận. Nhưng việc này không phải vì áp lực dư luận".
Việc tuyển lao động trên tinh thần là tuyển lao động địa phương trước, nếu không đạt yêu cầu mới nhận người Trung Quốc".
Ông An giải thích: "Đợt tuyển này nhắm vào 'lao động kỹ thuật', tức là những người được đào tạo ngành nghề ít nhất một năm hoặc có kinh nghiệm làm việc 5 năm, chứ không phải 'lao động phổ thông'.
Ông từ chối nói thêm về việc nhà thầu viện cớ người lao động nghỉ việc trong dịp Trung thu vừa rồi khiến dự án khách sạn này chậm thi công nên họ phải tuyển người Trung Quốc.

'Chưa cấp phép trường hợp nào'

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng phát đi thông cáo nói ‘kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố’ trong lúc công luận vẫn xôn xao chuyện cho phép 300 lao động Trung Quốc vào làm việc.
Hôm 25/11, thông cáo của Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng đăng tải trên website của Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Đà Nẵng nêu: “Ngày 8/10/2015, Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng "giao cho Sở Lao động chủ trì, phối hợp với các đơn vị trên tinh thần tạo điều kiện cho công ty Sichuan Huashi Việt Nam; đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".
Ngày 15/10, công ty Sichuan Huashi cam kết: "Nếu lao động địa phương không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đề nghị cơ quan chức năng cho phép sử dụng lao động người nước ngoài để trợ giúp hoàn thành công trình khách sạn JW Marriott của công ty Silver Shores.
Đến nay, Sở Lao động đang triển khai quy trình giải quyết đề xuất của công ty Sichuan Huashi theo đúng quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP và thực tế chưa cấp phép trường hợp nào”.
Thông cáo này nhấn mạnh: “Việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của công ty Sichuan Huashi chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký.
Việc cấp phép cho lao động nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc) chỉ thực hiện đối với các vị trí việc làm theo đăng ký không có lao động là người trong nước đảm nhận sau tuyển dụng.
Mỗi đợt tuyển dụng không được tuyển quá số lượng lao động đã đăng ký, lao động của đợt tuyển dụng tiếp theo chỉ được xem xét sau khi toàn bộ số lao động của đợt trước đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.
Các cơ quan chức năng của thành phố khẳng định đang kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập cảnh lao động và việc chấp hành pháp luật của lao động nước ngoài làm việc tại Đà Nẵng”.

'Quyết định quá vội'

Hôm 19/11, ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được báo trong nước dẫn lời: "Tôi cũng mới nghe thông tin... chưa có ai báo cáo cho tôi cả. Nhưng tôi thấy vội vàng quá. Cứ từ từ chứ mắc chi vội vàng cho phép đưa 300 người từ Trung Quốc qua? Vội quá! Đến nỗi gì mà mình không có lao động cơ chứ!"
Người đứng đầu Thành ủy ngỏ ý trách: "Những việc như thế này hết sức nhạy cảm, phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Mà đây đang là thời điểm hết sức nhạy cảm nữa. Làm vội vội vàng vàng như vậy khiến dư luận người ta nói!"
Bình luận của ông cho thấy có sự khập khiễng trong phối hợp giữa lãnh đạo Đảng và chính quyền: "Lẽ ra họ phải trao đổi với tôi một tiếng vì việc này liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng chứ có phải chuyện đùa đâu".
Ông Nguyễn Xuân Anh kết luận: "Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp FDI vào đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn tạo điều kiện hết mức có thể họ làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".
"Tuy nhiên về vấn đề lao động, nói chung chứ không chỉ là lao động Trung Quốc, thì phải xem xét kỹ trên địa bàn có đáp ứng được hay không. Nếu đáp ứng được thì không việc gì cho phép đưa lao động nước ngoài vào mà phải ưu tiên số một giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ."
Khách sạn JW Marriott và một số công trình khác được nói là đang xây dựng gấp để phục vụ hội nghị thượng đỉnh Apec năm 2017.