Wednesday, August 19, 2015

Vụ đánh bom ở Bangkok “sặc mùi” khủng bố quốc tế

(Kiến Thức) - Giới chuyên gia an ninh cho rằng vụ đánh bom ở Bangkok “sặc  mùi” khủng bố quốc tế, không phù hợp với cung cách hoạt động của các nhóm ở Thái Lan.

Các nhóm này bao gồm phong trào ly khai Hồi giáo ở miền nam Thái Lan và phe "Áo đỏ" đối thủ của chính quyền quân sự hiện nay.

Vu danh bom o Bangkok “sac  mui” khung bo quoc te
Cảnh sát Thái Lan xác định và phát lệnh truy nã "kẻ đánh bom" là người đàn ông bị camera của CCTV chộp được tại hiện trường vụ đánh bom.

Phong trào ly khai Hồi giáo đã nổi dậy đánh nhau với chính quyền Thái Lan  từ nhiều thập kỷ, với việc xung đột gia tăng cường độ từ năm 2004.

Các nhóm phiến quân Hồi giáo chính như  Barisan Nasional Revolusi (BRN) cũng tấn công dân thường và thỉnh thoảng đánh bom các mục tiêu bên ngoài khu vực hoạt động, nhưng chưa bao giờ tấn công Bangkok và rất hiếm khi đánh bom qui mô lớn như vụ đánh bom ở Bangkok ngày 17/8.

Sáng 18/8, hôm qua, Tư lệnh quân đội Udomdej Sitabutr nói trên truyền hình rằng vụ đánh bom ở Bangkok "không phù hợp với các vụ  ở miền nam Thái Lan (và) loại bom được sử dụng cũng không giống với loại bom thường được sử dụng ở miền nam".

Ông Anthony Davis, một nhà phân tích an ninh của HIS Jane’s tại Bangkok, cho biết vụ đánh bom ở Bangkok không có “dấu vân tay” của phiến quân ly khai Hồi giáo ở miền nam Thái Lan. Ông nói thêm: “Xét về qui mô thương vong của vụ đánh bom ở Bangkok khó có thể qui trách nhiệm cho các nhóm ở Thái Lan vốn thường hay nhằm mục đích gửi thông điệp và tránh thương vong. Điều này dẫn chúng ta tới các nhóm khủng bố quốc tế”.

Do đền Erawan là nơi tụ tập thường xuyên của  khách du lịch đến từ Trung Quốc, cũng có suy đoán rằng vụ đánh bom ở Bangkok có thể  liên quan đến người Uighur, một thiểu số người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, vốn  đã cáo buộc Bắc Kinh đàn áp văn hóa và tôn giáo.

Tháng trước, Thái Lan trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, một động thái bị phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cực lực lên án.

Thế nhưng, một số nhà phân tích nói rằng mặc dù có những yếu tố bạo lực trong phong trào phản kháng của người Uighur, nhưng một cuộc tấn công quy mô  bên ngoài Trung Quốc như vụ đánh bom ở Bangkok ngày 17/8 vẫn là không bình thường.

Nhà phân tích Anthony Davis nói: "Tôi không nghĩ rằng những người Uighur có sự tinh tế và có nhiều kết nối (ở Bangkok) để gây ra vụ đánh bom khủng bố này".

Phát biểu qua điện thoại từ Mỹ, Tiến sĩ Zachary Abuza, một chuyên gia độc lập về các vấn đề chính trị-an ninh Đông Nam Á, cho biết: "Tôi không ủng hộ giải thiết về người Uighur”.

Tuy nhiên, trong khi đồng ý vụ đánh bom ở Bangkok không liên quan đến các phe phái chính trị Thái Lan, một nhà phân tích thứ ba –yêu cầu giấu tên – nói với báo The Straits Times: “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, trong đó bao gồm người Uighur, đã được tại Al-Qaeda đề cao trong nhiều năm qua. Người Uighur vừa rời  Trung Quốc khó có thể làm chuyện này (đánh bom ở Bangkok), những đối với những người Uigur khác, Thái Lan sẽ là một mục tiêu dễ tấn công”. Ông này lưu ý khía cạnh có nhiều công dân Trung Quốc là nạn nhân của vụ đánh bom ở Bangkok vừa qua.

Về giả thiết phe Áo đỏ gây ra vụ đánh bom Bangkok, Tiến sĩ  Zachary Abuza nói phe Áo đỏ “không bao giờ nhắm Bangkok bằng chất nổ cao và gây thương vong hàng loạt”. Ông nói: “Tôi không thể tưởng tượng việc họ (phe Áo đỏ) nhắm mục tiêu vào một địa điểm tôn giáo thường xuyên của người Thái”.

Về giả thiết đổ tội cho phiến quân ly khai ở miền nam Thái Lan, ông Tiến sĩ Zachary Abuza cho biết: "Mặc dù những người ly khai  miền nam trẻ rất thất vọng, nhưng họ chưa bao giờ tấn công Bangkok Và cảnh sát đã loại trừ khả năng này..."

Vu danh bom o Bangkok “sac  mui” khung bo quoc te-Hinh-2
Người ta không nên bỏ qua đặc điểm chủng tộc (giống người Caucasus hoặc Ả-rập) của người đàn ông  bị camera CCTV ghi hình.

Tiến sĩ Zachary nói thêm: "Có thể còn một loạt yếu tố khác mà chúng ta chưa xem xét. Người ta không nên bỏ qua đặc điểm chủng tộc của người đàn ông (mặc áo phông màu vàng) bị camera CCTV ghi hình. ISIS (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria) ở Malaysia và Indonesia đã vươn lên từ  đống tro tàn của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah, nhưng chúng ta không biết được sự vươn lên này đến mức độ nào”.

Một điểm mà các nhà phân tích đồng ý với nhau là người đàn ông đặt bom này  không hành động một mình. Ít nhất cũng phải có một nhóm khủng bố nhỏ tham gia vào việc chế tạo bom và lựa chọn các mục tiêu.

Tiến sĩ Abuza kết luận rằng vụ đánh bom ở Bangkok là một chiến dịch phức tạp tinh vi” và những kẻ tiến hành vụ này đã “suy nghĩ rất nhiều trong khâu lựa chọn mục tiêu”.
 12:00 19/08/2015
Minh Châu (Theo Straits Times)

Nhật Bản khoe dàn vũ khí "khủng" trong tập trận bắn đạn thật

Dân trí Các lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã huy động các khí tài hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, rocket, trực thăng... cho cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn thường niên dưới chân núi Phú Sĩ.


Nhật Bản khoe dàn vũ khí "khủng" trong tập trận bắn đạn thật

Cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn thường niên diễn ra dưới chân núi Phú Sĩ, tại bãi diễn tập Higashifuji ở Gotemba, cách thủ đô Tokyo khoảng 80 km.
 
 Cuộc tập trận có sự tham gia của 2.300 binh sĩ, 20 trực thăng, 80 xe tăng và xe bọc thép.
 
Một trực thăng vận tải hạng nặng CH-47J Chinook chuẩn bị hạ cánh trong một hoạt động diễn tập
 
Các xe tăng, xe bọc thép và trực thăng trong một màn diễn tập
 
Xe tăng Type-10 khai hỏa nhắm vào mục tiêu giả định
 
60 khẩu pháo đã được triển khai cho cuộc diễn tập
 
Màn bắn pháo sáng của các xe bọc thép Type-89 thuộc lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản
 
Cuộc tập trận năm nay diễn ra trong bối cảnh các nghị sĩ Nhật Bản đang thảo luận một dự luật nhằm mở rộng vai trò của quân đội Nhật ở nước ngoài
 
Địa điểm tập trận dưới chân núi Phú Sĩ nhìn từ xa


Các binh sĩ Nhật huấn luyện tại hiện trường
Một phương tiện quét mìn Type 92 bắn rocket gần một xe tăng bọc thép Type 74
 
Cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 18/8
 

Cuộc diễn tập bắn đạn thật cho phép công chúng tới xem

An Bình/Thứ Tư, 19/08/2015 - 11:23
Theo Telegraph, AP
Video: AFP


Trung Quốc: Vụ nổ nhà kho Thiên Tân phơi bày tham nhũng

Dân trí Con trai của một cựu cảnh sát trưởng Trung Quốc là một trong hai chủ sở hữu giấu mặt của nhà kho chứa hóa chất bị nổ tại Thiên Tân, khiến ít nhất 114 người chết. Người này đã dùng mối quan hệ để có được giấy phép dù nhà kho vi phạm tiêu chuẩn an toàn.


yang-dongliang-e46da

Ông Yang Dongliang - lãnh đạo Cơ quan an toàn lao động quốc gia Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng sau vụ nổ Thiên Tân (Ảnh: SCMP)

Thông tin được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 19/8. Theo đó, nhà kho chứa hóa chất bị nổ tại Thiên Tân thuộc đồng sở hữu của một cựu lãnh đạo công ty hóa chất quốc doanh và con trai cựu cảnh sát trưởng cảng Thiên Tân. Cả hai đều tranh thủ mối quan hệ của mình để có được giấy phép xây dựng kho hóa chất.
Bài báo đã củng cố thêm điều người dân Trung Quốc từ lâu vẫn ngầm hiểu, đó là lãnh đạo các công ty tư nhân có quen biết rộng với chính quyền thường tranh thủ các mối quen biết cá nhân để làm trái luật, đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng.
Bài viết hé mở mối quan hệ sở hữu mờ ám tại Ruihai International Logistics, công ty sở hữu nhà kho nêu trên, vốn đã gây đồn đoán rộng rãi về mối quan hệ cấp cao và khả năng ém nhẹm thông tin sau vụ nổ ngày 12/8. Hiện vẫn còn 65 người mất tích và 674 người phải nhập viện.
Hai chủ sở hữu giấu mặt được xác định là ông Yu Xuewei, cựu lãnh đạo tập đoàn Sinochem tại Thiên Tân và Dong Shexuan - con trai của cố cảnh sát trưởng cảng Thiên Tân. Đây là 2 trong số 10 quan chức công ty Ruihai bị bắt để phục vụ điều tra sau vụ nổ.
Dong khai nhận Yu đưa mình vào công ty năm 2012 vì những mối quan hệ của mình, và Dong có thể dễ dàng có được giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy cho hoạt động kinh doanh hóa chất.
“Tôi đã đem mọi vật liệu chuẩn bị cho kế hoạch nâng cấp, và giấy phép phòng cháy chữa cháy được cấp nhanh chóng”, Dong nói.
Chính nhờ có giấy phép phòng cháy chữa cháy này, công ty Ruihai mới nhanh chóng có được giấy phép xây dựng từ chính quyền địa phương, cho dù theo quy định nhà kho này đã vi phạm chuẩn về khoảng cách tối thiếu 1000m tới đường giao thông và khu dân cư.
“Chúng tôi đã căn cứ trên giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy”, Zhu Liming, một quan chức cơ quan quy hoạch địa phương khẳng định với Tân Hoa Xã.
Dong cho biết Ruihai còn vượt qua được một trở ngại khác mà tưởng như bất khả thi. Một công ty kiểm định an toàn từng khẳng định với Ruihai rằng không thể cấp báo cáo đánh giá đủ điều kiện do nhà kho này gần khu dân cư.
“Nhưng Yu Xuewei đã nói với tôi đừng lo, để việc đó cho ông ấy xử lý. Và ông ta đã đổi công ty kiểm định khác và có được báo cáo đủ điều kiện”, Dong nói.
Cả Yu và Dong đều không đứng tên chủ sở hữu nhà kho này. Thay vào đó, họ lần lượt để vợ và bạn học phổ thông nắm cổ phần tại Ruihai.
Điều tra lãnh đạo Cơ quan an toàn lao động quốc gia
Đến nay, ngoài lãnh đạo của Ruihai, cơ quan chức năng Trung Quốc còn bắt giam người đứng đầu Cơ quan an toàn lao động quốc gia.
Trong thông cáo được đăng tải ngày 18/9, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, đảng Cộng Sản Trung Quốc khẳng định ông Yang Dongliang bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật của đảng và luật pháp” – thuật ngữ ám chỉ tội tham nhũng.
Thông tin này theo tờ South China Morning Post khiến nhiều người bị sốc, bởi ông Yang là người đã chỉ đạo các nỗ lực cứu hộ tại Thiên Tân, và từng là phó thị trưởng thành phố này. Trong ngày thứ Hai, ông Yang vẫn còn dự cuộc họp của nhóm đặc trách cứu hộ do Hội đồng nhà nước thành lập.
Theo truyền thông Trung Quốc, giấy phép xử lý hóa chất độc hại tạm thời của Ruihai đã hết hạn tháng 10/2014, và mãi đến tháng 6 vừa qua công ty này mới xin giấy phép mới.
Dù vậy, cũng có tin cho rằng cuộc điều tra nhắm vào ông Yang, người từng là phó thị trưởng Thiên Tân suốt 12 năm, có khả năng không liên quan đến vụ nổ vừa qua. Ông Yang bị nghi làm thất thoát tài sản nhà nước tại Thiên Tân trong thời gian là lãnh đạo cơ quản quản lý tài sản nhà nước thành phố này.
Những thông tin trên được đưa ra giữa lúc người dân Thiên Tân đang ngày một lo ngại về những hóa chất độc hại tại hiện trường vụ nổ. Một số phóng viên và người dân cho biết da họ bị bỏng hỏa chất khi mưa trút xuống thành phố trong ngày hôm qua. Các chuyên gia đã cảnh báo người dân cần tránh tiếp xúc với nước mưa, do lo ngại có thể lẫn hóa chất nguy hiểm.
Thứ Tư, 19/08/2015 - 20:44
Thanh Tùng
Tổng hợp

Thiên Tân: Số tiền đòi bồi thường sẽ lớn

Theo BBC-19 tháng 8 2015


Số tiền đòi bảo hiểm sau vụ nổ chết người Thiên Tân có thể vượt xa ước tính chính thức, cơ quan xếp hạng Fitch cảnh báo.
Ít nhất 114 người thiệt mạng và khoảng 700 người bị thương trong vụ nổ hồi tuần trước.
Người dân đang đòi bồi thường thiệt hại và các công ty có tài sản bị hư hại khiến sản xuất bị đình trệ.
Hàng ngàn người phải sơ tán khỏi nhà sau khi người ta phát hiện ra hóa chất độc hại trong không khí sau các vụ nổ tại một trong 10 cảng có nhiều hoạt động nhất trên thế giới.
Dựa trên truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc, ngân hàng Credit Suisse ước tính thiệt hại có thể lên tới 1-1.5 tỉ USD.
Tuy nhiên Cơ quan xếp hạng Fitch cảnh báo số tiền có thể cao hơn nhiều.
"Số tiền đòi bồi thường từ các vụ nổ có khả năng làm suy yếu hoạt động tài chính của một số công ty trong khu vực và những công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn hứng chịu nguy cơ cao tại các khu vực bị ảnh hưởng", Fitch cho biết.
Các công ty bảo hiểm của Trung Quốc dự kiến sẽ chịu gánh nặng về chi phí bồi thường này.
Các cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn tới vụ nổ vẫn đang được tiến hành và thiệt hại vẫn đang trong quá trình được đánh giá.
Ngoài hư hại thực tế, nhiều nhà máy gần địa điểm nổ đã ngưng hoạt động dẫn tới mất doanh thu và có thể đòi bảo hiểm bồi thường.
Hãng chế tạo xe hơi Toyota của Nhật nói hơn nửa cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng cho tới qua ngày thứ Tư.
Công ty này nói họ đình chỉ cả ba dây chuyền sản xuất tại nhà máy của họ ở Thiên Tân nơi có thể xuất xường 530.000 xe mỗi năm.
Hãng này nói họ có thể sẽ phải đổi hướng các chuyến hàng sang Thượng Hải hặc Đại Liên để đối phó với các vấn đề hậu cần do thiệt hại ở Thiên Tân.
Hàng ngàn xe nhập khẩu của Volkswagen, Toyota, Hyundai và Renault đỗ gần nơi nổ bị phá hủy trong thảm họa này.
Các công ty điện tử như Panasonic, hãng về hậu cần Singamas Container Holdings và hãng chế tạo máy móc nông nghiệp của Hoa Kỳ là Deere & Co. cũng bị gián đoạn.

Ý kiến: Việt Minh nắm quyền do đâu?


‘Cách mạng tháng Tám’ năm 1945 vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận, bàn cãi, với nhiều diện giải, nhận định hoàn toàn trái ngược nhau về nhiều khía cạnh khác nhau của sự kiện này.
Một trong những điều gây tranh cãi là bản chất và nguyên nhân dẫn đến thành công của cuộc ‘cách mạng’ đưa Việt Minh lên nắm quyền lúc đó.
Giới lãnh đạo, quan chức cũng như sử học, báo chí chính thống ở Việt Nam thường tuyên truyền rằng đó là cuộc ‘tổng khởi nghĩa giành chính quyền’ được ‘chuẩn bị công phu’, ‘diễn ra nhịp nhàng trên cả nước’ và đã ‘thành công rực rỡ’, đưa Việt Nam ‘bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội’.
Họ còn cho rằng thắng lợi của cuộc cách mạng này ‘là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn và đầy sáng tạo’ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trái lại, một luồng ý kiến khác lại khẳng định chẳng có chuyện Việt Minh, một lực lượng do ĐCS lãnh đạo, ‘cướp’ hay ‘giành chính quyền’ gì – và càng không có chuyện họ phải ‘đánh đấm’ để ‘giành chính quyền’ – vì vào thời điểm đó có một ‘khoảng trống quyền lực’ và Việt Minh đã có mặt đúng lúc để lấp chỗ trống ấy.
Vậy thực chất cuộc ‘khởi nghĩa’ hay ‘Cách mạng tháng Tám’ ấy là gì và điều gì đã khiến Việt Minh lên nắm quyền và lập nên nước ‘Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’ lúc đó?

Khoảng trống quyền lực

Quân Nhật vào Đông Dương tháng 9/1941
Thực ra ngay sau ‘Cách mạng tháng Tám’ đã có ‘một số người’ cho rằng những người Cộng sản hay Việt Minh không phải chiến đấu gì để ‘giành chính quyền’ mà chẳng qua vì may mắn nên ‘vớ được chính quyền’. Vì vậy, vào dịp kỷ niệm một năm ‘Cách mạng tháng Tám’, trong cuốn sách cùng tên, Trường Chinh, Tổng bí thư ĐCS Đông Dương lúc đó, đã lên án những người ấy và bác bỏ nhận định đó.
Tuy vậy, dù ông Trường Chinh chính thức lên tiếng bác bỏ, dựa vào những sự kiện diễn ra vào thời điểm ấy và các nhân chứng, sử liệu xác đáng khác, học giả, đặc biệt là giới nghiên cứu nước ngoài, đều kết luận rằng những người Cộng sản có thể dễ dàng lên nắm quyền hay tiến hành thành công, nhanh gọn ‘Cách mạng tháng Tám’ là vì có một khoảng trống quyền lực vào giữa và cuối tháng Tám năm 1945.
Với việc Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14/08, lực lượng Nhật chiếm đóng tại Việt Nam cũng như chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo hộ đã suy yếu và cũng không còn cơ sở đề tồn tại. Trong khi đó, mãi tới đầu tháng Chín, quân Đồng minh mới tới Việt Nam để giải giáp Nhật.
Như William J. Duiker ghi nhận trong Vietnam: Nation in Evolution, xuất bản năm 1983, chỉ trong vòng hai tuần – từ ngày 14/08 đến ngày 28/08, khi vua Bảo Đại thoái vị – miền Bắc và miền Trung đã gần như hoàn toàn nằm trong tay Việt Minh và chỉ ở miền Nam những người Cộng sản buộc phải chia sẻ quyền lực với những lực lượng, thành phần khác.
Theo học giả này đó là một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh gọn, hầu như không có đổ máu gì.
Theo nhà nghiên cứu Pháp Pierre Roussett, tác giả cuốn Communisme et Nationalisme Vietnamien, xuất bản năm 1978, thực ra Việt Minh là lực lượng được mang tới quyền lực, hơn là người đã giành được quyền lực.
Stein Tonnesson, người đã có nguyên một công trình nghiên cứu về ‘Cách mạng tháng Tám’, cũng nhận định rằng Việt Minh có thể dễ dàng lên nắm quyền, không phải mất xương máu gì, vì có khoảng trống quyền lực ở Việt Nam lúc đó.
Trong cuốn The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War, xuất bản năm 1991, Stein Tonnesson cho rằng lãnh đạo ĐCS không bao giờ nghĩ nhiệm vụ của họ sẽ nhẹ nhàng, đơn giản như thế. Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng và khác hẳn với những gì họ tính toán, chuẩn bị.
Ông nhắc lại người ta thường cho rằng ‘Cách mạng tháng Tám’ thành công là nhờ Hồ Chí Minh có một chiến lược tuyệt vời và Việt Minh đã xây dựng được một quân đội nhân dân. Nhưng thực tế, quân giải phóng và sự lãnh đạo của Việt Minh chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong cuộc cách mạng này.
Chẳng hạn, theo Stein Tonnesson, ông Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị quân đội để đánh Nhật và chắc ông cũng đã nuôi ước mơ dẫn binh lính của mình tiến về Hà Nội sau khi đã làm nên những chiến thắng lịch sử. Nhưng Hà Nội đã được lực lượng cách mạng địa phương chiếm một tuần trước khi những nhóm lính đầu tiên của ông về thành phố.
Hơn nữa, không một lãnh đạo cao cấp nào của Đảng Cộng sản có mặt khi những nhóm người trẻ tuổi cầm cờ Việt Minh giành chính quyền ở Việt Nam trong hai tuần đó.
Stein Tonnesson cũng chỉ ra rằng Việt Nam không phải là nơi duy nhất có các lãnh đạo quốc gia lên nắm quyền mà không phải đối đầu vũ lực vào thời điểm Nhật đầu hàng. Ở Indonesia, Sukano và Hatta đã tiến hành thương lượng với tư lệnh quân đội Nhật ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh. Hai nhà lãnh đạo này còn bay trở lại Jarkata trên một máy bay của Nhật và tuyên bố độc lập cho nước Cộng hòa Indonesia vào ngày 17/8 – hai ngày trước khi có cuộc nổi dậy ở Hà Nội.
Có thể để nhằm bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Minh may ‘vớ được chính quyền’ mà không phải chiến đấu gì, như Stein Tonnesson nhắc lại, cả trong cuốn ‘Cách mạng tháng Tám’ ra mắt năm 1946 và bài ‘Cách mạng hay đảo chính’ đăng trong Cờ giải phóng ngày 12/09/1945, ông Trường Chinh đã nhấn mạnh rằng trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám, máu đã đổ nhiều nơi.
Cũng vì nặng giáo điều, Trường Chinh lý luận một cuộc cách mạng thực sự phải có đổ máu và ông cảm thấy tiếc vì cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã không có thêm bạo lực.
Vẫn theo Stein Tonnesson, trong một chừng mực nào đó, để bù đắp cho việc thiếu đổ máu trong cuộc nổi dậy, lực lượng cách mạng đã giết một số người ‘phản bội’ sau đó. Ông cũng nhắc đến cuốn Vietnam 1945: The Quest for Power của David Marr, được xuất bản năm 1997, trong đó ước tính rằng nhiều ngàn người được cho là ‘kẻ thù của Cách mạng’ đã bị giết hoặc chết khi bị bắt giữ vào thời điểm giữa cuối tháng Tám và tháng Chín năm 1945.

Khát vọng độc lập

Ảnh chụp trưng bày tại triển lãm về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam
Nhưng cũng có nhiều yếu tố quan trọng khác khiến cuộc khởi nghĩa hay Cách mạng tháng Tám diễn ra nhanh gọn, không đổ máu và Việt Minh có thể dễ dàng lên nắm quyền lúc đó.
Trong The Communist Road to Power in Vietnam, xuất bản năm 1981 và tái bản năm 1996, William J. Duiker nhận định rằng bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có yếu tố thời cơ và thời cơ càng chín muồi, cách mạng càng dễ thành công nhanh gọn và Cách mạng tháng Tám không phải là ngoại lệ.
Ngoài có ‘khoảng trống quyền lực’, William J. Duiker nêu ra nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi khác để một cuộc khởi nghĩa hay cách mạng nổ ra ở Việt Nam lúc ấy và Việt Minh đã biết tận dụng những yếu tố, điều kiện đó.
Trong những yếu tố, điều kiện được William J. Duiker và nhiều học giả khác đưa ra có nạn đói 1944-45 ở các tỉnh Bắc Trung bộ và sự tê liệt, sụp đổ nhanh chóng của chính quyền cũ (từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị).
Theo Stein Tonnesson số người chết trong nạn đói đó được Việt Minh đưa ra vào năm 1945 cũng như được tuyên truyền những năm đó là hai triệu. Nhưng ông cho rằng con số đó bị cường điệu hóa và ước tính số người thiệt mạng khoảng từ 500 ngàn đến một triệu người. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng nạn đói là một thảm họa và nó có tác động chính trị rất lớn.
Cụ thể, nó làm người dân căm thù, tức giận (với chính sách đô hộ của Nhật hay sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim), cảm thấy tuyệt vọng và đòi hỏi phải có thay đổi. Chính điều này đã đặt nền móng để Cách mạng tháng Tám diễn ra và kết thúc thành công, nhanh gọn.
Mít tinh vận động ủng hộ việc phế truất vua Bảo Đại tại Sài Gòn năm 1955
Những vụ tấn công, cướp các kho thóc lúc đó cũng huấn luyện người dân trong các hoạt động tập thể, giúp họ biết tự nguyện tổ chức, phối hợp với nhau trong các cuộc xuống đường biểu tình (chẳng hạn như đòi vua Bảo Đại thoái vị hay thành lập một chính phủ mới do Việt Minh lãnh đạo) lúc ấy.
Một chi tiết khác mà giới nghiên cứu đều nêu ra là trong hai tuần ấy ở Hà Nội, Huế và nhiều thành phố lớn khác ở Việt Nam đã có nhiều cuộc biểu tình quy tụ hàng chục ngàn – thậm chí hàng trăm ngàn – người đủ mọi thành phần khác nhau trong xã hội và những cuộc biểu tình này đã góp phần quan trọng trong thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám.
Những cuộc tụ tập đông như vậy có thể dễ dàng diễn ra lúc đó là vì trong khoảng hơn bốn tháng nắm quyền, chính phủ Trần Trọng Kim (từ 17/04 đến 25/08) đã khuyến khích tự do ngôn luận và cổ vũ người dân tham gia vào các hoạt động chính trị. Theo Stein Tonnesson, đó là giai đoạn duy nhất trong thế kỷ 20 người dân Việt Nam gần như hoàn toàn được tự do ngôn luận.
Trong ‘The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945’ được đăng trong tạp chí Journal of Asian Studies năm 1986, Vũ Ngự Chiêu nhận định rằng khuyến khích sự tham gia chính trị của đám đông là một trong những đóng góp, thành công đáng chú ý của chính phủ Trần Trọng Kim.
Có thể nói không chỉ trong thế kỷ 20 mà ngay cả trong những năm đầu của thế kỷ 21 này, người dân Việt Nam vẫn không được tự do ngôn luận, hội họp, tụ tập biểu tình như dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim.
Một yếu tố quan trọng khác – nếu không muốn nói là yếu tố quyết định – khiến cuộc khởi nghĩa tháng Tám bùng nổ và thành công nhanh chóng là khát vọng độc lập, dân chủ, tự do của nhân dân Việt Nam.
Tóm lại, các điều kiện để tiến hành một cuộc cách mạng ở Việt Nam lúc đó (nhằm chấm dứt sự đô hộ của đế quốc, thực dân, kết thúc sự thống trị của chế độ phong kiến và thành lập một quốc gia độc lập, một nhà nước dân chủ, cộng hòa) đã chín muồi.
Theo William J. Duiker, tại những xã hội thuộc địa khác, những người có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, phi cộng sản là lực lượng đứng lên lấp chỗ trống quyền lực cũng như tận dụng những điều kiện chín muồi khác lúc đó để nắm quyền. Nhưng ở Việt Nam, phần vì chia rẽ, phần vì thiếu một đường lối rõ ràng, các phe phái, lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc, không cộng sản lúc ấy không thể làm những điều đó.
Nhưng một yếu tố khác khiến những người Cộng sản hay Việt Minh chiếm được cảm tình, giành được sự ủng hộ của nhiều người thuộc mọi giai tầng xã hội lúc ấy là họ biết tạo một hình ảnh cởi mở, tiến bộ. Đây cũng là một trong những lý do tại sao họ, chứ không phải một lực lượng nào khác lên nắm quyền lúc ấy.

Nhiều người ủng hộ

Vua Bảo Đại
Trong cuốn Britain in Vietnam – Prelude to Disaster, 1945-6, xuất bản 2007, Peter Neville cho rằng nhân vật trung tâm trong những biến cố tháng Tám năm 1945 là Hoàng đế Bảo Đại. Theo học giả này, việc vua Bảo Đại thoái vị đã mở đường cho một nhóm người thuộc nhiều thành phần, đảng phái, khuynh hướng khác nhau lập nên ‘Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa’. Ông cũng cho rằng nếu vua Bảo Đại không từ ngôi, Việt Minh không thể lên nắm quyền.
Rất khó để đánh giá một nhận định như vậy. Nhưng có thể nói việc vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị, ‘sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi cá nhân’ vì ‘sự đoàn kết’ quốc gia, dân tộc trong thời điểm lịch sử ấy, và làm Cố vấn tối cao cho chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó chứng tỏ ông cũng ủng hộ Việt Minh và chính phủ lâm thời do Việt Minh lãnh đạo.
Chuyện nhiều người thuộc các đảng phái chính trị khác – hay thậm chí có người không thuộc một đảng phái nào – tham gia chính phủ lâm thời do Việt Minh lãnh đạo lúc ấy cũng chứng tỏ các đảng phái, giới trí thức lúc ấy cũng ủng hộ Việt Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945
Một thành viên trong chính phủ lâm thời ấy là ông Nguyễn Mạnh Hà, một người Công giáo, nắm giữ chức Bộ trưởng Kinh tế. Theo Peter Neville, Hồ Chí Minh bổ nhiệm ông vì muốn có sự ủng hộ của những người Công giáo. Ở miền Bắc lúc ấy có khoảng một triệu người Công giáo (chiếm khoảng 10% dân số lúc đó). Tác giả này cũng cho biết, trong số những người tụ tập tại Quảng trường Ba Đình để nghe ông Hồ Chí Minh đọc ‘Tuyên ngôn độc lập’ ngày 02/09/1945 cũng có rất đông người Công giáo.
Trong Hồ Chí Minh’s Independece Declaration, một chương trong cuốn Essays into Vietnamese Past, xuất bản năm 1995, David G. Marr còn cho biết ngày 02/09/1945 lại rơi vào ngày Chủ nhật và cũng là ngày Giáo hội Công giáo kính các Thánh tử đạo Việt Nam nên Nhà thờ Chính tòa cũng như nhiều nhà thờ khác ở Hà Nội chật kín người tham dự thánh lễ.
Và sau thánh lễ, để biểu hiện sự ủng hộ với chính phủ mới, các vị chủ chăn đã dẫn con chiên mình về Quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Việc nhân dân, đủ mọi tầng lớp, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội lúc đó đồng loạt xuống đường làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám, giành sự ủng hộ cho Việt Minh và chính phủ lâm thời lúc đó cũng không có gì là khó hiểu. Ý tưởng, nguyện vọng, mục đích xây dựng một nước ‘Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa’ – trong đó mọi người ‘có quyền bình đẳng’ về quyền lợi, ‘quyền được sống’, ‘quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’ – mà những người Cộng sản hay Việt Minh lúc đó khởi xướng, theo đuổi hoàn toàn đáp ứng được mong đợi, khát vọng của người dân.
Tuyên truyền rằng ‘Cách mạng tháng Tám’ thành công là nhờ vào việc chủ nghĩa ‘Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam’ là giả dối, nếu không muốn nói là lố bịch.
Tuyên ngôn độc lập ông Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9 không đề cập đến gì ‘Cách mạng tháng 10’ của Nga năm 1917 hay ‘chủ nghĩa ‘Mác-Lênin’. Trái lại, Bản Tuyên ngôn ấy được mở đầu bằng việc trích dẫn ‘Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ’ và ‘Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791’.
Hồ Chí Minh ký một tài liệu trong chuyến thăm chính thức Pháp ngày 3/7/1946


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc từ Anh.

Nhập siêu với Trung Quốc tăng mạnh

Theo BBC-19 tháng 8 2015


Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Giới chuyên gia cảnh báo việc phá giá đồng nội tệ không phải là giải pháp về dài hạn cho tình trạng thâm hụt thương mại.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, được báo VnExpress dẫn lại, cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt gần 28,4 tỷ đôla, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 9 tỷ đôla, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên tới 19,4 tỷ đôla, cao hơn con số 14,9 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái, báo cáo cho biết.
Giá trị hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, báo cáo nói thêm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 2% trong nửa đầu năm nay.
Ngày 19/8, cơ quan này tiếp tục phá giá VND thêm 1%, bất chấp cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay.
Biên độ tỷ giá VND so với đồng đôla cũng được nới rộng từ 1% lên 3% trong tuần qua.
Việt Nam đang đứng trước áp lực hạ giá đồng nội tệ để giữ tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hơn 4% vào tuần trước.

Không phải giải pháp dài hạn

Trả lời BBC ngày 19/8, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói tình trạng nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề "không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và không thể chỉ bằng đối sách phá giá".
"Nó là câu chuyện tổng thể hơn", ông nói.
"Bằng việc phá giá VND, Việt Nam đã giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất định từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ."
"Đây cũng là bước đi phù hợp dần với một tỷ giá linh hoạt hơn trong quá trình hội nhập của Việt Nam."
"Nhưng để giải quyết vấn đề thâm hụt thì phải nhìn câu chuyện này trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng như quan hệ giữa hai nước trong phạm vi toàn cầu. Đây là mạng lưới sản xuất được chi phối bởi rất nhiều tập đoàn lớn".
"Thứ hai nó là vấn đề liên quan đến cơ cấu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thứ ba là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam".
"Việt Nam một mặt vẫn phải tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá để hấp thụ theo chiều hướng có lợi các cú sốc từ bên ngoài, nhưng mặt khác vẫn phải kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô."
Trước đó, một số ý kiến từ các chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo động thái phá giá VND sẽ làm tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.
"Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn", Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 13/8.
"Nhưng hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc".
"Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường".
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
"Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa," ông nói.
"12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.

Mại dâm là tệ nạn hay giải pháp?


Chờ khách tại một công viên ở Hà Nội
Tôi lớn lên ở vùng nông thôn, từ thủa nhỏ đã chứng kiến cảnh ngộ của nhiều gia đình đông con, trong khi người chồng còn tráng kiện dẻo dai thì người vợ lại sớm gầy gò già nua héo quắt.
Năm ngoái một người ông gần nhà lên mổ nội soi ở bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, bệnh của ông liên quan gì đó đến đường tiết niệu. Thương và buồn cho ông mà không dám nói ra, một trong những nguyên nhân gây bệnh cho ông là tình trạng không được thỏa mãn tình dục kéo dài.
Giống như nhiều người có tuổi khác mà tôi biết, họ đều có nhu cầu tình dục và khát khao những cô gái trẻ, nhưng vì nhiều lý do họ đã không thể. Mặc dù người già nhu cầu tình dục giảm sút không như người trẻ, nhưng với đời sống an nhàn nhiều dinh dưỡng hiện nay thì người ngoài 70 tuổi vẫn có khả năng và nhu cầu tình dục.
Bi kịch là khi người vợ do nhàm chán hoặc đã không còn khả năng đáp ứng khiến người chồng sống trong chịu đựng. Với quãng đời còn dài phía trước, nếu cứ nín nhịn kìm nén để giữ yên ấm thì đó quả là một cuộc sống buồn tẻ, dễ cáu giận và âm ủ bệnh tật.
Để vui sống và giữ gìn sức khỏe thì tìm kiếm thỏa mãn sinh lý là nhu cầu chính đáng, ai làm điều đó là người khôn ngoan, thể hiện sự tự chủ mạnh mẽ và có ý thức chăm lo đời sống sức khỏe cá nhân. Nhưng nó lại dễ bị quy là sa đọa về đạo đức lối sống.
Theo khoa học thì mức độ khát vọng tình dục có nguyên nhân từ cấu tạo thể trạng sinh học trong mỗi người, việc thỏa mãn nhu cầu sẽ giúp bộ máy cơ thể vận hành đúng công suất nhịp độ chức năng, đó là cách để đảm bảo cho bất kỳ bộ máy nào được bền lâu.
Chướng ngại còn lại là những thành kiến về đạo đức, tuy nhiên đây cũng không phải là thành trì kiên cố khó phá mà thực ra cũng dễ bị xô đổ bởi thông tin kiến thức. Kiến thức khi được lưu chuyển sẽ giúp giảm bớt những quan niệm khe khắt, tạo lập thái độ cởi mở khoan dung về vấn đề tình dục.
Ngày nay chúng ta cần cổ vũ lối sống lành mạnh cho người già, theo đó cần có lối thoát cho nhu cầu sinh lý chứ không nên cổ súy cho lối sống khắc khổ chịu đựng, che giấu những khát khao thầm kín để rồi suy kiệt về sức khỏe, tinh thần.

Thực trạng mại dâm

Theo bài báo ‘63 tỉnh báo cáo mại dâm: Đồ Sơn, Quất Lâm không có?’ trên báo Đất Việt, các cơ quan quản lý cho biết tính đến cuối năm 2014 cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Theo nhận định của bài báo thì trên thực tế thì số lượng người bán dâm còn cao hơn nhiều có thể lên đến 30 nghìn.
Bài báo cho biết theo số liệu từ Bộ công an, đã tổ chức triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt hơn 47 ngàn đối tượng (không rõ tính trong khoảng thời gian nào?).
Con số trên cho thấy số lượng người bán dâm và những người liên quan đến nó như môi giới hay chứa chấp là rất lớn, và đó mới chỉ là số liệu thống kê những vụ việc đã xử lý, còn những trường hợp chưa xử lý chắc chắn còn cao hơn nữa.
Những người này đều là công dân sống trong cộng đồng xã hội, việc chúng ta nhìn nhận và đối xử với họ như thế nào sẽ dẫn tới mức độ ý thức trách nhiệm trong công việc họ làm.
Với số lượng đông đảo có khả năng gây ảnh hưởng lớn, tùy vào vai trò được xác định trong cộng đồng họ có thể thúc đẩy hoặc là nguồn tiêu hao các nguồn lực và khiến kéo lùi bước tiến xã hội.
Vậy lâu nay cộng đồng nhìn nhận và đối xử về vấn đề mại dâm như thế nào? Hãy nhìn vào thực trạng hoạt động của họ thì biết. Mặc cho số liệu về mại dâm là rất lớn, trên thực tế chắc chắn đã diễn ra tình trạng giới chức ngó lơ để cho nhiều trường hợp hoạt động.
Vì nếu muốn xử lý tất cả những trường hợp sai phạm thì có thể xử lý liên tục hàng loạt ở các khu du lịch nghỉ mát, mà nhiều nơi đã trở thành những tụ điểm công khai mọi người biết tiếng như bãi biển Quất Lâm ở Nam Định, bãi biển Đồ Sơn ở Hải Phòng và nhiều nơi khác.
Việc quy kết hành vi môi giới và chứa mại dâm là tội phạm trong khi thực tế có nơi, có lúc lại dung túng không xử lý làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật, hoặc tạo môi trường phi pháp cho tình trạng bảo kê kiếm chác trên cơ thể chị em.

Bộ luật hình sự

Khi sống trong cộng đồng chúng ta đồng thời bị ràng buộc bởi những chuẩn mực đạo đức và bị điều chỉnh bởi khuôn khổ luật pháp. Đôi khi thành kiến đạo đức hẹp hòi làm cho đời sống cá nhân khắc khổ (ví như trong vấn đề tình dục), khi đó pháp luật có thể bổ khuyết giúp bớt đi sự nghiệt ngã bằng những quy định thông thoáng của luật (ví như nới lỏng cho tình trạng mại dâm).
Bộ luật hình sự hiện đang được rà soát sửa đổi, văn bản dự thảo đang được trình ra lấy ý kiến nhân dân, mọi tội danh trong Bộ luật hình sự hiện đang trong trạng thái sẵn sàng được đặt ra luận bàn hiệu chỉnh.
Tôi cho rằng cần bỏ đi tội môi giới và tội chứa mại dâm, thay vì xử lý hình sự những đối tượng này thì nên thông qua họ mà thực hiện các hoạt động phối hợp, giúp kiểm soát quản lý hoạt động mại dâm, giữ trật tự và ngăn ngừa bệnh tật.
Việc bỏ hai tội danh này thực ra chỉ là sự xác nhận cái thực tế đã diễn ra (vì lâu nay đã dung túng cho tồn tại).
Không chỉ thế, nhìn theo cách khác đó còn là quyết sách khôn ngoan theo chủ nghĩa dân túy, tìm cách lấy lòng dân chúng trong tình cảnh chính quyền giảm sút uy tín tìm cách góp nhặt sự ủng hộ.

Chăm lo sức khỏe người già

Tôi cho rằng sức khỏe của người già có liên quan chặt chẽ tới việc có được thỏa mãn tình dục hay không. Như tôi hiểu thì ở phương Tây người già sống thọ và sống khỏe vì họ có niềm vui thú tuổi già, họ không gặp nhiều khó khăn để thỏa mãn sinh lý như ở Việt Nam.
Đừng tưởng rằng người già ít nhu cầu nên vấn đề đáp ứng tình dục cho họ không phải vấn đề quan trọng cho xã hội, hãy hình dung với số lượng người già trên cả nước ở mỗi thời điểm lên tới hàng triệu thì sẽ thấy lượng ‘nhu cầu’ sẽ không còn là nhỏ nữa. Và việc đáp ứng lượng nhu cầu này ra sao sẽ đem lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tôi cho rằng sự nín nhịn chịu đựng và không được thỏa mãn về tình dục có liên quan đến căn bệnh tim mạch và huyết áp của người trung tuổi và cao tuổi ở Việt Nam.
Theo bài báo ‘Bệnh tim mạch chiếm ¼ số người chết ở Việt Nam’ trên báo điện tử Vietnamnet thì tại Việt Nam, cứ 3 người trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong tại Việt Nam.
Số người chết do bệnh tim và đột qụy nhiều hơn cả ung thư, lao, sốt rét và HIV cộng lại.
Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và theo tôi cần nghiêm túc nghiên cứu đánh giá về mối quan hệ giữa việc không được thỏa mãn về tình dục với căn bệnh tim mạch và huyết áp, từ đó tìm ra giải pháp cho căn bệnh tử thần này.
Quay lại vấn đề mại dâm thì thấy, người già muốn được sống lâu và sống vui, trong khi họ có tiền thì tại sao lại ngăn cấm họ tìm một cô gái trẻ?
Về phía những cô gái, họ đã tự nguyện lựa chọn công việc để có thu nhập thì tại sao lại không để họ chăm sóc sức khỏe cho người già? Xã hội nên có cái nhìn khai phóng về vấn đề này.

Giữ gìn trật tự xã hội

Vấn đề mại dâm không chỉ giúp cho người già mà còn giúp tháo gỡ các vấn nạn xã hội do người trẻ gây ra. Lâu nay nhiều người đã cảnh báo về tình trạng bạo lực ở lứa tuổi thanh niên, đây hẳn có một phần nguyên nhân từ sự thiếu vắng tình dục.
Chúng ta biết rằng ở lứa tuổi thanh niên, khi không quan hệ tình dục thì con người dễ ở vào trạng thái kích động ưa bạo lực. Cứ để ý sẽ thấy những thanh niên có quan hệ tình dục thường có tính cách thuần hơn.
Thanh niên có nhu cầu tình dục là điều rất rõ ràng, trong khi không phải mọi thanh niên đều có bạn tình và cũng không thể bắt chúng chịu nhịn cho tới khi có vợ. Chúng ta nên cho chúng một lối thoát để thỏa mãn.
Những cô gái bán dâm tự nguyện lựa chọn nghề nghiệp sẽ biết cách giúp thỏa mãn mà vẫn giữ được an toàn khỏe mạnh cho cả hai, từ đó giúp giảm tránh những hành vi tội phạm bột phát do sự thiếu vắng thỏa mãn tình dục gây ra.
Khoan dung cho vấn đề mại dâm tức là giúp giảm bớt mức độ mặc cảm tội lỗi khi mua dâm, điều này tạo ra lối thoát cho những bức bối về tình dục, giúp giảm tránh tội phạm hiếp dâm.
Như thế, chính quyền cần nhìn ra các vấn đề xã hội và tìm giải pháp đúng đắn để tháo gỡ, nếu khác đi thì sẽ khiến xã hội chậm phát triển. Vấn đề mại dâm hãy nhìn thấy nó như là giải pháp thay vì nhìn nó như một tệ nạn.
Tất nhiên đây là vấn đề dễ gây tranh cãi, vì thật khó tưởng tượng các bà vợ lại đồng tình cho người chồng tìm kiếm thỏa mãn tình dục bên ngoài.
Nhưng xét cho cùng thì phi hình sự mại dâm không phải là cổ súy cho lối sống trụy lạc, mà nó chỉ không ngăn cản tìm kiếm thỏa mãn về tình dục. Theo thời gian từ những thay đổi của luật pháp sẽ dẫn đến thay đổi trong việc làm thói quen, sẽ phát sinh ra những bàn luận, nâng cao và thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã trải qua những giai đoạn tranh cãi về vấn đề mại dâm, song sớm hay muộn các xã hội đều dần khoan dung cởi mở cho vấn đề tình dục và dần chấp nhận mại dâm như một hoạt động hợp pháp trong xã hội.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đang bị coi là mất dân chủ, đời sống ngột ngạt bí bách thiếu tự do, khi đó phi hình sự mại dâm sẽ giúp tăng hàm lượng tự do dân chủ trong đời sống xã hội.
Việc này nếu làm cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lực chính trị của lãnh đạo chính quyền. Ngược lại sẽ nhận được sự ngầm thuận từ người dân và sự tán dương từ cộng đồng quốc tế vốn soi xét từng động thái dân chủ của giới chức trong nước.

Bài phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, luật sư sống và làm việc ở Hà Nội.