Monday, June 29, 2015

'Để báo Bưu điện VN nhanh như điện'


Phát biểu của Cục trưởng Cục Báo chí ông Hoàng Hữu Lượng đại ý rằng "Bộ giữ lại báo Bưu điện Việt Nam cũng với hy vọng báo sẽ tạo được uy tín và danh tiếng như các tờ Washington Post, Bangkok Post" đã gây ra nhiều tranh luận.
Một số bạn đã nêu rằng báo nước ngoài có chữ 'Post' trong tên của chúng nhưng không liên quan gì đến ngành bưu điện.
Ở đây, tôi chỉ nói thêm hai ý, về nguồn gốc tư nhân của đa số các tờ báo nổi tiếng cũng có chữ 'Post' và về tham vọng quốc tế của báo chí Việt Nam đang bị trói lại bằng chính những thói quen của Nhà nước.
Nhưng cũng cần trở lại ngữ nghĩa từ 'Post' trong câu chuyện.
Lịch sử báo chí trên thế giới, theo Jim Bernhard trong cuốn sách kinh điển về ngành này, có thể truy nguyên tới tận thời La Mã khi Hoàng đế Julius Ceasar (thế kỷ 1 trước Công nguyên) lập ra 'Acta Diurna Populi Romani' (Nhật trình của người La Mã).
Đây là một thứ văn bản ghi chép lại các sự kiện của thành Rome và được gửi đến các tỉnh của đế chế, phục vụ quan chức và bạn đọc hàng ngày, cả quý tộc lẫn bình dân.
Từ đó, tên các báo chí châu Âu thường chỉ ngày: Journal, Giornale, Dziennik, Daily...hoặc chỉ thời gian, tính thời sự: Times, News, Currant, Chronicle...
Ngoài ra, các tiếng Pháp và Ý cũng đóng góp cho nghề báo tên 'Gazette' sau thành Gazeta ở một số tiếng Đông Âu.
Cũng có các báo mang tên Tribune, Citizen, Register, Observer, Mirror (Spiegel trong tiếng Đức) nhấn vào góc độ phục vụ công chúng, là diễn đàn, là điểm quan sát, là tấm gương phản ảnh các sự việc, sự kiện.
Một dạng tên khác liên quan đến quá trình vận chuyển báo qua bưu chính là Mail, Post.
Tờ Washington Post ra đời năm 1877 và ban đầu chủ yếu lưu hành tại khu vực hành chính Washington, D.C., sau này mới có uy tín trên cả nước và trên thế giới.
Ở Anh, tờ Daily Mail ra đời năm 1896 và ngay từ đầu đã nhắm tới giới bình dân với giá buổi sơ khai chỉ một nửa xu Anh (pence), bằng 1/2 giá tờ The Times tại London.
Một trong những tờ báo đầu tiên ở Đức có chữ Post là Berliner Morgenpost (1898) và từng có tiếng về các tin địa phương.
null
Washington Post dưới thời Ben Bradlee (phải) và Katharine Graham đã đăng bài trong vụ Watergate
Nhưng đúng như nhiều người đã nói, các tờ báo trên không có liên quan gì đến ngành bưu điện.
Đấy chỉ là cách đặt tên gắn liền với cách thức chuyển phát bưu kiện một thời, hoặc chỉ mang tính biểu tượng, hoặc hàm ý chuyển tin nhanh: Express, Messenger, Courrier, Dispatch.
Cùng sự thay đổi của công nghệ, báo chí chỉ còn gắn với tin tức, bất kể cách phát hành ra sao.
Lấy ví dụ gần đây, người ta còn muốn bỏ hẳn chữ 'paper' trong 'newspaper' vì báo không còn liên quan gì đến ngành in nữa mà chủ yếu xuất bản trên mạng, phục vụ bạn đọc trên các phương tiện di động.

Tham vọng và thực tế

Phát biểu của Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng xét cho cùng không sai về ngôn từ dù không còn chính xác vào thời điểm này.
Tuy thế, ta cũng nên ghi nhận ông đã thừa nhận uy tín của hai tờ báo nước ngoài, ở Mỹ và ở Thái Lan, cho thấy Việt Nam luôn có tham vọng để báo chí vươn lên một đẳng cấp cao hơn.
Nhưng để làm được điều đó thì giải pháp trên thế giới lại là để báo chí tách ra khỏi nhà nước.
Không chỉ hai tờ Washington Post và Bangkok Post mà tất cả các báo lớn trên thế giới đều do tư nhân lập ra.
Washington Post dưới thời của ông Ben Bradlee làm chủ đã nổi tiếng với các phóng sự về vụ Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Còn tại châu Á, tờ Bangkok Post, được lập ra năm 1946, tuy muộn hơn nhiều báo tiếng Việt và tiếng Pháp thời Đông Dương thuộc Pháp, nhưng cũng là của chủ tư nhân, hai ông Alexander MacDonald và Prasit Lulitanond.
Bên Hong Kong, tờ South China Morning Post (tiếng Trung là 'Nanhua Zaobao - báo buổi sáng, không hề có nghĩa bưu điện), cũng do hai nhà đầu tư Anh và Trung Hoa lập ra năm 1903.
Nhìn chung, trên thế giới, nhà nước cùng lắm chỉ nắm ngành phát thanh truyền hình, còn các tờ báo đều do công ty tư hoặc tập đoàn truyền thông làm chủ.
Báo là một doanh nghiệp nên cũng xuất hiện tại các thị trường chứng khoán để gọi vốn và chỉ hoạt động theo luật là đủ.
Trong khi đó, ở Việt Nam chính quyền không cho báo tư nhân ra đời nhưng lại duy trì tình trạng bất bình đẳng: các 'siêu bộ' nắm các 'siêu báo', và tiếp tục định hướng cho báo chí.
Nếu như Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng mong báo Bưu điện Việt Nam sẽ "tạo được uy tín và danh tiếng" như báo nước ngoài, thì Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lại nói:
"Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc Báo Bưu điện Việt Nam, Infonet tiếp tục phát triển. Rất mong các đồng chí luôn giữ đúng tôn chỉ mục đích, đặc biệt, tờ Bưu điện Việt Nam phải chuyên về bưu điện."
null
Mạng Internet khiến báo không còn liên quan nhiều đến giấy in như xưa
Đây quả là 'mission impossible' vì nếu chỉ "chuyên về bưu điện" và giữ vai trò đưa tin về hoạt động của một ngành nghề thì hỏi làm sao tờ báo có thể vươn ra thế giới được?
Như đã nói ở trên, tờ báo nào cũng muốn đến với bạn đọc nhanh nhất, và ước vọng 'nhanh như điện tín' thể hiện trong tên của nhiều tờ báo.
Báo Bưu điện Việt Nam có làm nổi như Washington Post năm 1971 để 'hạ bệ một tổng thống' hay không?
Báo chí cũng còn cần có chính kiến và viễn kiến, như tờ Bangkok Post ghi rõ đây là 'Cửa sổ cho thế giới nhìn vào Thái Lan' (The World's Window into Thailand).
Các tờ báo Việt Nam hiện thiếu hẳn một viễn kiến tương tự và điều này không phải vì Việt Nam không có nhà báo giỏi hay vì thiếu vốn kinh doanh ngành báo chí, truyền thông.
Hiển nhiên để cho tư nhân làm báo không phải là giải pháp hoàn hảo gì nhưng ít ra là xu hướng tự nhiên, chủ báo, nhà đầu tư phải làm cho tốt để tồn tại, nếu phá sản cũng là chuyện bình thường.

Còn hiện nay, chừng nào báo chí vẫn tiếp tục phải đóng vai trò 'báo bộ, báo ngành' thì tham vọng để báo chí Việt Nam có uy tín và danh tiếng quốc tế có lẽ chỉ vẫn ở quanh quẩn trong 'vùng mơ tưởng' (dreamland) mà thôi.

Lãnh đạo phong trào sinh viên Hoàng Chi Phong bị hành hung

Theo RFI-Thanh Hà
Ngày 29-06-2015 16:13
media

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) bị hành hung tối hôm 28/06/2015 - REUTERS /Tyrone Siu

Hoàng Chi Phong, gương mặt hàng đầu phong trào sinh viên Hồng Kông đấu tranh vì dân chủ bị hành hung tối ngày Chủ Nhật 28/06/2015. Kể từ cuộc xuống đường đòi quyền tự do bầu chọn lãnh đạo, nhiều nhà dân chủ Hồng Kông cũng bị tấn công.

Bản tin của AFP cho biết, Hoàng Chi Phong, 18 tuổi, và bạn gái đã bị đả thương vào tối hôm qua khi vừa rời khỏi một rạp xi-nê gần khu thương mại Mong Kok. Đây là nơi, phong trào dân chủ Hồng Kông chiếm đóng vào mùa thu năm ngoái để đòi được bầu cử tự do.

Theo các nhân chứng, Hoàng Chi Phong bị thương ở mặt. Cảnh sát Hồng Kông xác nhận lãnh đạo phong trào sinh viên họ Hoàng bị thương ở mắt và mũi. Thủ phạm là một thanh niên khoảng 20 tuổi.

Bản thân Hoàng Chi Phong trên mạng xã hội cá nhân lên án vụ anh bị hành hung : « Các nhà dân chủ Hồng Kông có nguy cơ bị tấn công bất kỳ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ bị sách nhiễu khi đi biểu tình. Đó là điều khiến tôi lo ngại. Không chỉ quyền tự do bầu cử mà cả các quyền tự do cơ bản và hệ thống pháp lý bị vi phạm ».

Hồi tháng 9/2014, trong nhiều tuần lễ, phe dân chủ chiếm đóng đường phố đòi được bầu ra lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Lãnh đạo số một Hồng Kông hiện nay là người do Bắc Kinh chỉ định. Nghị viện Hồng Kông vừa bác bỏ dự luật bầu cử do Trung Quốc áp đặt, theo đó cử tri Hồng Kông được tự do chọn lựa người lãnh đạo, với điều kiện, các ứng cử viên phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

Vì sao Trung Quốc lưỡng lự đưa hồ sơ Biển Đông ra Tòa án Công lý Quốc tế ?

Theo RFI-ngày 29-06-2015 12:07

Cựu Bộ trưởng Malaysia, Hiệu phó danh dự trường Đại học Mở Wawasan Malaysia, tiến sĩ Koh Tsu Koon, đặt câu hỏi : Vì sao Trung Quốc lại không muốn đưa hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, nếu Bắc Kinh thực sự có bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình.

Hôm qua, 28/06/2015, trường Đại học Mở Wawasan Malaysia đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề « Xung đột ở Biển Đông và Hợp tác An ninh ». Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Koh Tsu Koon, hiệu phó danh dự, được hãng thông tấn Bernama trích dẫn, nhấn mạnh : « Về triển vọng của ASEAN, với tư cách là các nước nhỏ, chúng ta lo ngại về các cuộc xung đột ở Biển Đông và các yếu tố địa chính trị trong vùng, cũng như các vấn đề này sẽ tác động đến chúng ta ra sao ».

Theo quan chức này, nếu các cuộc xung đột không thể giải quyết được qua đàm phán thì cần đưa ra trước Tòa án Công lý Quốc tế. Ông Koh đặt câu hỏi : « Nếu Trung Quốc rất tin tưởng vào những cơ sở lịch sử và pháp lý về những đòi hỏi của mình tại các vùng biển có tranh chấp, tại sao họ lại lưỡng lự đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế như vậy ? »

Ngày 27/06, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Trung Quốc là một quốc gia hàng hải từ một nghìn năm nay, do vậy, chắc chắn là Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa, với tên gọi là Nam Sa.

Theo tiến sĩ Koh, tất cả các nước ASEAN đều chấp nhận Tòa án Công lý Quốc tế như là một định chế chung để giải quyết các vấn đề.

Ông Barry Desker, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho biết, mặc dù Singapore, Indonesia và Cam Bốt không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng các nước này cũng có cùng quan điểm như vậy.

Theo chuyên gia này, cho đến nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã giải quyết các vấn đề về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge liên quan đến tranh chấp giữa Malaysia và Singapore cũng như các tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zonge) nói rằng các nước ASEAN đã thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Bộ Luật ứng xử ở Biển Đông - COC. Thế nhưng, Philippines lại đưa hồ sơ tranh chấp với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc trong lúc các cuộc đàm phán về COC đang được tiến hành.

Về điểm này, theo tiến sĩ Koh, cho dù ASEAN là một hiệp hội nhưng khối 10 này không có lập trường mạnh mẽ ủng hộ Philipines. Mặt khác, đa số các đại diện những nước ASEAN tham dự hội thảo đều cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông có thể gây ra xung đột trong khu vực.

ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông – DOC- năm 2002, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cuộc đàm phán về COC, mang tính ràng buộc pháp lý.

Công an vào vũ trường ẩu đả, nổ súng thị uy

CẦN THƠ (NV) - Cảnh sát 113 liên tiếp nổ súng chỉ thiên để ngăn chặn cuộc xô xát giữa bảo vệ vũ trường V18 Club, quận Ninh Kiều và đoàn du khách là công an Hà Nội.


Bên ngoài vũ trường V18 Club, nơi xảy ra cuộc xô xát. (Hình: VnExpress)

Truyền thông Việt Nam đồng loạt loan tin, chiều 29 tháng 6, 2015, công an thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp báo thông tin về vụ ẩu đả xảy ra tại vũ trường V18 Club, đường Hai Bà Trưng, quận Ninh

Kiều, vào khuya ngày 28 tháng 6 làm náo loạn cả khu vực Bến Ninh Kiều.

VnExpress dẫn lời ông Trần Ngọc Hạnh, giám đốc công an thành phố Cần Thơ, cho biết, có vụ xô xát xảy ra, có hai người bị thương nhẹ ở trán và tay, công an có nổ 5 phát súng trong khi thi hành công vụ.

Theo ông Hạnh, “Việc nhóm công an phía Bắc nổ 5 phát súng là để nhân viên bảo vệ vũ trường mở cửa cho công an bên ngoài vào làm nhiệm vụ.”

Sáng cùng ngày, trên các trang mạng xã hội xuất hiện clip dài 2 phút 27 giây ghi lại cảnh xô xát, hỗn loạn tại vũ trường V18. Trong đó có nhiều tiếng súng, la ó, chửi thề; cảnh nhiều người xô đẩy, đánh

nhau...

Một bảo vệ ở công viên bến Ninh Kiều cho phóng viên VnExpress biết, vụ hỗn chiến diễn ra từ phía trong kéo đến ngoài cửa vũ trường, kéo dài hơn 20 phút mới kết thúc khi công an địa phương nổ nhiều phát súng chỉ thiên.

Một lãnh đạo công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết, cảnh sát phải nổ súng để kiểm soát tình hình, ổn định trật tự. Hàng chục người tham gia vụ đánh nhau được xác định là lực lượng bảo vệ vũ trường và đoàn du khách là công an Hà Nội đến Cần Thơ vui chơi.

Tin cho biết, sau khi đi du thuyền trên sông Cần Thơ, đoàn du khách này đến vũ trường V18 Club tiếp tục vui chơi. Trong đó, nhiều người đã say. Do vũ trường có một số khu vực giới hạn, trong khi đoàn khách công an này kiên quyết vào nhảy nên bảo vệ ngăn cản, xảy ra ẩu đả. Sự việc khiến một số người bị thương nhẹ, nhiều vật dụng tại vũ trường hư hỏng.

Công an quận Ninh Kiều đang lấy lời khai những người có liên quan. “Những người trong đoàn khách tham gia xô xát tại vụ trường V18 Club là công an một tỉnh phía Bắc vào Cần Thơ chơi. Đoàn khách có tất cả 47 người,” lãnh đạo công an quận Ninh Kiều xác định.

Tuy sự việc khá nghiêm trọng, nhưng để dập tắt dư luận ông Hạnh cho biết, “Do không có bị hại, thiệt hại vật chất không đáng kể nên công an chưa xử lý gì.” (Tr.N)
06-29- 2015 2:33:48 PM

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘uốn lượn’ là ngụy biện

HÀ NỘI (NV) - Giới chuyên môn và người dân cho rằng giải thích đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông “uốn lượn” được thiết kế theo nguyên tắc “vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc” là ngụy biện.

Rất dễ nhận thấy độ mấp mô bất thường của đường sắt Cát Linh-Hà Đông. (Hình: báo Lao Động)

Theo tờ Lao Động, trước dư luận cho rằng, đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao Thông Vận Tải làm chủ đầu tư nhiều đoạn mấp mô, ông Lê Văn Dương, phó tổng giám đốc Ban Quản Lý Dự An Đường Sắt, lý giải thích, “Việc đường sắt ‘uốn lượn’ để bảo đảm tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng. Khi vào ga, đoàn tàu phải giảm tốc độ do đó thiết kế theo hướng lên dốc để giảm tốc, hạn chế phanh hãm và giảm tiêu thụ năng lượng. Ngược lại, khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc nên thiết kế xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.”

Ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cũng cho rằng, việc đường sắt “lượn sóng” hoàn toàn theo đúng thiết kế của dự án, khoảng cách bảo đảm theo thông lệ quốc tế (800m - 1.2 km), không ảnh hưởng đến vận tốc của tàu và bảo đảm an toàn cho người dân.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường đại học Xây Dựng, để phát huy tốc độ và an toàn, đường sắt phải bằng, thẳng và phẳng. Nếu tốc độ cao mà đường không thẳng bị vồng lên có thể sẽ “bốc bánh” dẫn đến trật bánh, lật tàu. Ngoài ra, còn chưa tính đến việc đường sắt cứ lên xuống như vậy hành khách liệu có bị say xe, chóng mặt...

Nếu vận hành đoàn tàu trên cao mà tính toán tiết kiệm như kiểu xe hơi trôi dốc chạy theo quán tính khi khởi động để tụt xuống, rồi dừng đoàn tàu bằng cách leo dốc để hạn chế hãm phanh thì với một đoàn tàu có tải trọng lớn có cần thiết phải như thế hay là vì một lý do nào khác? Vả lại đoàn tàu chỉ có mấy toa liệu có cần thiết phải tạo gia tốc cho đoàn tàu hay chỉ là sự ngụy biện cho đoạn đường tàu đang gây mất thẩm mỹ của cảnh quan khu vực này.

Ông Hùng cũng chỉ rõ: Tại sao lại chỉ có một đoạn đường sắt trên cao ở ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến có đường vồng rất cao, uốn lượn, còn một số đoạn khác lại thẳng?

Dư luận chung cũng cho rằng, sự giải thích của các ngành chức năng thiếu thiết phục, bởi ngay cả các nước có hệ thống đường sắt trên cao tương tự như Cát Linh -Hà Đông, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cũng không có đường nào “uốn lượn” như vậy. (Tr.N)

06-29- 2015 2:17:34 PM 

Sáu tháng, Trung Quốc uy hiếp, tấn công 34 tàu cá Việt Nam

QUẢNG NGÃI (NV) .- Từ đầu năm đến nay, 34 tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc”uy hiếp, tấn công”, trong đó có 23 tàu của tỉnh Quảng Ngãi.

 
Một trong những tàu cá của Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm vỡ mạn. (Hình: Dân Trí)

Ông  Lê Quang Thích,  Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Ngãi, cho hay như vậy trong cuộc họp “trực tuyến”. Tính trung bình, mỗi tháng có 4 tàu đánh cá của tỉnh này bị phía Trung Quốc tấn công khi hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa mà báo điện tử VietnamNet thuật lời ông gọi kẻ tấn công là “nước ngoài”.

Lần đầu tiên, người ta thấy có thống kê đưa ra về những lần tàu đánh cá của Việt Nam bị  tàu Trung Quốc tấn công, uy hiếp ở những khu vực biển đảo Việt Nam vẫn xác định chủ quyền và cũng là các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Trước đây, thỉnh thoảng người ta mới thấy tin từng vụ tàu đánh Việt Nam bị phía Trung Quốc tấn công. Hầu hết đều nói trống không là “tàu nước ngoài” chứ không giám viết thẳng là tàu tuần Trung Quốc mà ông Thích nói “ảnh hưởng khá nhiều đến tài sản và tinh thần của ngư dân.”

Theo báo cáo của ông Thích, không những tàu đánh cá mà cả tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng xâm phạm rất nhiều lần các vùng biển của Việt Nam. Ông kể ra cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, “đã có 8 tàu hải cảnh, 180 tàu cá của Trung Quốc, 3 ca-nô hoạt động vi phạm”.

"Trong đó có những trường hợp áp sát huyện đảo Lý Sơn 15 đến 16 hải lý. So với cùng kỳ năm 2014, điều hết sức đáng lưu ý là tăng 6 lượt tàu hải cảnh và 140 lượt tàu cá TQ xâm phạm", ông Lê Quang Thích được dẫn lời trên Vietnamnet.

Hồi Tháng 9 năm ngoái, một bản báo cáo đọc trong “Hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc” nói rằng trung bình mỗi năm có tới 1,200 vụ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền đánh cá của Việt Nam “khai thác trái phép”. Không thấy nói gì đến các tàu hải giám hay hải cảnh xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Mới cách đây hai tuần lễ, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở tỉnh Quảng Bình báo cáo về việc 2 tàu cá của tỉnh này bị Trung Quốc bắt giữ ngày 16/6/2015. Mấy ngày sau mới thấy Thông Tấn Xã Việt Nam nói ngày 19/6/2015, Cục Hải cảnh của Trung Quốc có thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là có bắt giữ 17 ngư dân cùng 2 tàu cá QB93694TS và QB93480TS, kéo về đảo Hải Nam.

Điều oái oăm là Trung Quốc chỉ thả 17 ngư dân của hai tàu rồi dồn tất cả lên tàu cá QB93480TS bắt chở về Việt Nam, giữ lại hết hải sản, ngư cụ và một tàu. Hơn thế nữa, nhà cầm quyền Trung Quốc còn bắt ngư dân Việt Nam ký vào các tờ giấy “công nhận chủ quyền của Trung Quốc”. (TN)

06-29- 2015 2:25:00 PM

Ông Nguyễn Văn Linh với dân tộc, đất nước và miền Nam

Ông Nguyễn Văn Linh.
Ông Nguyễn Văn Linh.
Trần Phan
Theo VOA-28.06.2015

Ngày 22/6/2015, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Linh, cố tổng bí thư đảng CSVN, tại Tp HCM, thành ủy đảng CSVN, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp HCM tổ chức cuộc hội thảo có tên là “Đồng Chí Nguyễn Văn Linh với Cách Mang Miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, Tp HCM” nhằm “khẳng định và tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đảng, của dân tộc, đất nước và của miền Nam”. Nhiều tham luận tại hội thảo có cùng nhận định: cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với thời kì đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến cứu nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1).

Bài viết này nhằm thảo luận về “đóng góp to lớn của ông Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đất nước và của miền Nam”, không đề cập tới sự đóng góp của ông Linh đối với đảng của ông. Bài viết xin nói về 1) giai đoạn kháng chiến cứu nước thời kì 1954-1975 (chống Mỹ) và 2) giai đoạn xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam từ năm 1975 tới khi ông Linh mất.    

Phần 1: Giai Đoạn Kháng Chiến Cứu Nước (chống Mỹ) thời kì 1954-1975

Quả thật, ông Linh có vai trò rất lớn trong cuộc cuộc “kháng chiến Chống Mỹ Cứu Nước”, cuộc chiến thường được các nhà quan sát chính trị nước ngoài gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Ông là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất tại miền Nam thời gian đó.

Cuộc kháng chiến đã đi tới thắng lợi hoàn toàn: đánh bại chế độ Miền Nam ngày 30-4-1975, thống nhất toàn bộ đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ đó.

Để xem các đóng góp của ông cho Miền Nam, cho Dân tộc lớn như thế nào, ta cần nhìn mục tiêu của cuộc chiến.

Nếu mục tiêu là Mỹ rút ra khỏi Việt Nam và chế độ Miền Nam thua trận, thì quả thật ông Linh đã lập công rất lớn và rất đẹp cho Miền Nam, cho Dân tộc.

Nếu mục tiêu là dân chúng Miền Nam ấm no và hạnh phúc, đất nước Việt Nam phát triển thì chúng ta đánh giá kết quả việc làm của ông như thế nào?

Hai mươi năm nội chiến từng ngày, nhiều tác giả, nhiều tài liệu đã nêu lên các con số kinh hoàng về người chết, về làng mạc, thành phố bị tàn phá, người viết không lặp lại đây. Chỉ biết bom đạn ngày đêm tàn phá khắp Miền Nam suốt 20 năm dài, người Việt giết người Việt với “lòng hận thù ngất trời”, rất rất nhiều gia đình có người thân ở hai bên nổ súng vào nhau. Cuộc thảm sát Huế - Mậu Thân mà tới bây giờ chính quyền còn giấu giếm cho thấy mức độ vô nhân đạo kinh hoàng của người giết người, người có súng giết người tay không, anh em, bằng hữu, xóm giềng giết nhau. Tại Huế, các chiến binh của ông Linh đã giết khoảng năm ngàn người tay không, nghe mà tưởng chuyện của thời quân Mông Cổ chiếm thành của một dân tộc khác tám thế kỉ trước! Đạo lí nào, truyền thống nào của dân tộc cho phép con dân nước Việt làm như thế? Các chính ủy của ông Linh đã tuyên truyền thế nào mà người Việt có thể căm thù người Việt tới vậy?      

Trước khi cuộc chiến mà ông Linh góp phần quan trọng lãnh đạo bùng lên, Miền Nam đang giàu có, dân chúng đang sống thanh bình no ấm. Năm 1960, GDP/người của Miền Nam tự do là 223 USD, cao gấp 3 lần con số 74 USD của Miền Bắc cộng sản.

Lúc ấy chiến tranh vừa chấm dứt vài năm, hai miền Nam Bắc vừa khắc phục hậu quả chiến tranh và bắt tay tạo dựng cuộc sống thanh bình. Thay vì dốc sức xây dựng Miền Bắc cho đời sống dân chúng khá lên, ông Linh và các đồng chí ông lại đưa cán binh Cộng sản từ Miền Bắc nghèo kém vào đánh phá Miền Nam sung túc. Hậu quả của cuộc chiến đó là kinh tế Miền Nam ngày càng tuột dốc nhanh. Miền Nam càng tuột dốc, càng tan nát, ông và các đồng chí càng phấn khởi, vui mừng. Càng gia tăng đánh phá, đào mô, phá cầu, giựt mìn, pháo kích, ám sát…

Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Khi làm như vậy, ông Linh và các đồng chí ông có yêu thương dân chúng Miền Nam không? Có yêu thương dân chúng Miền Bắc không? Có tấm lòng ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển Dân tộc không? Nếu nói rằng có, ắt chúng ta cũng nên làm một cuộc thăm dò xem dân chúng Miền Nam có thích được yêu thương như vậy không.

Cuộc chiến tàn khốc mà ông lãnh đạo giương cao ngọn cờ “Chống Mỹ Cứu Nước”, bởi vì “Mỹ là giặc cướp nước”. Bây giờ, ai cũng thấy Mỹ không cướp nước Việt Nam. Nếu ông và các đồng chí không đánh Miền Nam từ cuối những năm 1950, Mỹ đã không đổ quân vào Việt Nam năm 1965. Ông Linh lo sợ Mỹ khai thác tài nguyên của Miền Nam, bóc lột dân chúng? Không biết ông có cặp mắt nhìn gần quá không, nhưng thời đại đã khác xa rồi. Mỹ là nước giàu mạnh nhất thế giới, tổ chức xã hội hữu hiệu nhất thế giới, là nước dẫn đầu Thế giới Tự do. Quyền lợi của Mỹ nằm ở chỗ bảo vệ Thế giới Tự do chống lại làn sóng đỏ Cộng sản. Để yên cho Miền Nam thanh bình xây dựng kinh tế và làm đồng minh của Mỹ có lợi biết bao: kinh nghiệm xây dựng xã hội Tự do Dân chủ, thiết lập các giá trị sống tiến bộ, hệ thống luật pháp, trình độ quản lý, đầu tư, khoa học, công nghệ… bao nhiêu là tri thức trao đổi và chuyển giao cho Miền Nam. Thời đại đó, kích thước và tính chất dân số đó, tài nguyên đó… bao nhiên là điều kiện cho Miền Nam phát triển, đến nỗi ông Lý Quang Diệu bên Singapore phải thèm thuồng, mơ ước!

Miền Nam phát triển mạnh cũng có nghĩa là tổ quốc Việt Nam của dân tộc Việt Nam mạnh. Năm 1960, xã hội Miền Nam văn minh, chất lượng cuộc sống dân Miền Nam tươi đẹp và đầy triển vọng. Tốt đẹp hơn Miền Bắc, và tốt đẹp hơn Trung Công rất nhiều. Thay vì gìn giữ hòa bình cho dân tộc, tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hai miền để Nam và Bắc Việt Nam cùng giàu mạnh, thì chiến binh Miền Bắc mang vũ khí Trung Cộng trùng trùng lớp lớp tiến công Miền Nam gây thảm cảnh nồi da xáo thịt, đất nước tan tành!    

Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Khi làm như vậy, ông Linh và các đồng chí của ông có nhìn được cục diện chính trị, khuynh hướng phát triển của thế giới không? Có thấy được dã tâm Trung Cộng thúc đẩy hai Miền Việt Nam chém giết nhau để tự hao mòn nguyên khí không?

Cần biết rằng lúc đó Việt Nam đã có những nhà trí thức, nhà hoạt động chính trị nhìn sự việc rõ như ban ngày, đã phân tích và đưa ra các tiên đoán tình hình thế giới và quan hệ Trung Quốc-Việt Nam mà ba mươi năm sau thực tế cho thấy rất chính xác. Ông Ngô Đình Nhu, trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, từ năm 1960 đã nói: Nếu các nhà lãnh đạo Miền Bắc không thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản thì: a) sự phát triển của dân tộc sẽ bế tắc, và b) mở cửa đưa các thế hệ sau này vào vòng lệ thuộc rồi bị xâm chiếm bởi Trung Cộng.

Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Ông Linh và các đồng chí ông có đủ tầm nhìn của một “nhà lãnh đạo tài năng, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam”, như ông Lê Thanh Hải ca tụng (2), để thấu hiểu các lời tiên đoán chính trị rất đúng đắn của ông Nhu không? Và nếu ông Linh có tầm nhìn đó, thì ông có mục tiêu gì khi lãnh đạo cuộc chiến “Chống Mỹ Cứu Nước” tàn phá Miền Nam? Mục tiêu đó có đồng hành với mục tiêu phát triển đất nước lâu dài không?

Phần 2: Giai Đoạn Xây Dựng, Bảo Vệ Tổ Quốc Việt Nam Từ Sau Năm 1975

Sau khi Việt Nam được thống nhất bằng bạo lực và đặt dưới quyền toàn trị của đảng CSVN, toàn bộ đất nước suy sụp nhanh chóng.

Sự suy sụp bắt đầu từ việc chính quyền thắng trận, bằng các thủ đoạn mang tính lừa gạt, lùa viên chức chính quyền và quân đội chế độ Miền Nam vào các trại cải tạo, thực chất là các nhà tù, giam cầm và đày ải họ suốt những năm dài sau đó. Trong khi đó, bên ngoài trại cải tạo, dân chúng bị tước đoạt tài sản qua các chiến dịch đánh Tư sản mại bản, cải tạo Công Thương Nghiệp, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ…    

Những chứng nhân thời cuộc những năm 1975-1985 còn nhớ cảnh tượng kinh hoàng của một xã hội từ Tự do và Công bằng trở thành Toàn trị và Phân biệt đối xử, từ có cơm ăn áo mặc trở thành ăn độn, rách rưới, từ nề nếp và đạo đức trở thành xô bồ với mọi giá trị đảo lộn… chỉ trong vòng vài năm!

Khi xã hội suy thoái cùng cực, tên tuổi ông Linh được gắn với bút danh NVL kí dưới các bài báo “Những Việc Cần Làm Ngay” nêu lên những sự kiện trong xã hội và yêu cầu sửa đổi.

Thực ra các bài báo ngắn với bút danh NVL đó chỉ để giải quyết một vài cách làm quá tệ hại của đảng CSVN đang cầm quyền. Những việc nêu lên nhỏ quá so với tầm của một nhà lãnh đạo cỡ ông. Các bức xúc mà chúng đề cập chỉ như những chiếc lá nhỏ ngoài đầu cành con, không hề động tới các nhánh bên trong, tới thân cây hay gốc cây.

Việc tham gia giải quyết thiếu lương thực… cho thành phố cũng vậy. Nó chỉ giúp cho lòng dân tạm dịu cơn bất bình và đảng của ông kéo dài thời gian thống trị trên đất nước bị kìm hãm mà giàu tiềm năng này.

Buổi đầu, ông được mọi người nhìn như một nhà đổi mới. Nhưng khi các vấn đề xã hội và đất nước bắt đầu cần các thay đổi căn bản hơn một chút thì ông dần dần bộc lộ là một người bảo thủ, rất bảo thủ. Bảo thủ với ý nghĩa ông là một nhà lãnh đạo “luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của đảng”, luôn kiên định lập trường “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (3).

Trước hết ông chống lại tất cả các chính sách cởi mở hơn, nới rộng hơn quyền tự do cho dân chúng. Ông chống lại Tự do báo chí và quyền ra báo tư nhân.

Ông chống lại các khuynh hướng đổi mới tư tưởng trong nội bộ đảng của ông. Ông chống tất cả những yêu cầu mang lại Tự do hơn cho dân chúng, chống tất cả những yêu cầu giảm tính toàn trị trong sự thống trị của đảng ông trên đất nước này. Ông là nhân vật quan trọng tham gia hạ bệ ông Trần Xuân Bách, người đồng chí trong Bộ Chính trị có tư tưởng hướng về đa nguyên.

Bởi vì ông biết chắc chắn rằng, khi người dân có quyền tự do hơn, có kiến thức hơn về cách tổ chức xã hội, về quyền con người của đa số các quốc gia trên thế giới, thì cái mặt nạ “của dân, do dân và vì dân” của chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt hoàn toàn bị lột ra trước công chúng. Những điều gian trá đảng ông đã làm trong quá khứ sẽ bị phơi bày. Điều này được một hậu duệ của ông tuyên bố thật thà: “Bỏ điều 4 Hiến pháp nghĩa là chúng ta tự sát”. Do đó, ông rất kiên định trong việc tăng cường tính lãnh đạo của đảng, đồng nghĩa với việc không cho dân chúng hưởng bất cứ một quyền tự do căn bản nào. Quả thực, ông rất kiên định với mục tiêu không gì lay chuyển được cho “đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi lãnh đạo nước Việt Nam” như ông đã từng tuyên bố.        

Khi hệ thống Cộng sản thế giới rung rinh và sắp sụp đổ cuối thập niên 1980, ông Linh càng thể hiện là người mong muốn cứu vãn hệ thống ấy trên thế giới. Những vận động cuống cuồng và nháo nhào của ông trong thế cờ tàn của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở mức độ toàn cầu cho thấy tầm vóc tri thức, tư tưởng thảm hại của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đau đớn thay cho Việt Nam, vào thời điểm rất quan trọng của lịch sử thì lại có một người lãnh đạo thiếu kiến thức như thế! Vậy là, trong khi các nước Đông Âu và Liên Xô, những nước Cộng sản hùng hậu và tiêu biểu nhất thế giới, quyết định từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản để mà tổ chức xã hội theo mô hình Tự do Dân chủ, Tam quyền phân lập và từ đó đưa đất nước họ ngày càng ổn định và giàu mạnh, ấm no hơn, thì Việt Nam, sẵn lợi thế có một Miền Nam nhiều kinh nghiệm của thế giới Tự do, lại bị đẩy sâu hơn vào thể chế toàn trị Cộng sản. Trong việc này, ông Nguyễn Văn Linh có “cống hiến to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đảng”. Nhưng với Nhân dân, với Miền Nam thì ông Linh đã mang lại những tác hại to lớn lâu dài cho tương lai dân tộc.

Bởi vì, để giữ thể chế toàn trị Cộng sản lỗi thời trên tổ quốc Việt Nam, ông đã cùng với dàn lãnh đạo cao nhất nước sang Thành Đô phủ phục trước đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc. Tác hại của Hội nghị Thành Đô đó khủng khiếp tới mức ông Nguyễn Cơ Thạch, một đồng chí trong Bộ Chính trị của ông phải thốt lên: “Một thời kì Bắc Thuộc mới đã bắt đầu!”

Trước Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc đã tiến đánh Việt Nam. Cuộc chiến biên giới giết chết mười vạn quân dân Việt Nam, san bằng các thành phố họ đi qua. Sau đó là cuộc chiến ngoài biển giết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, chiếm của Việt Nam một số đảo mà hiện nay là căn cứ quan trọng để Trung Quốc uy hiếp toàn bộ lãnh thổ nước ta. Dư âm các cuộc chiến còn vang vọng, máu của dân ta còn nhỏ tươi dòng, lòng dân ta còn căm phẫn, chỉ vì ích kỉ bảo vệ đảng Cộng sản lỗi thời của riêng mình, ông Linh nỡ tròng cái ách nô thuộc của Trung Hoa lên đầu dân tộc!

Trước Hội nghị Thành Đô, dù tiến đánh Việt Nam, Trung Hoa chỉ là người hàng xóm hung hăng ngoài cửa. Sau Hội nghị Thành Đô, họ là thầy, là cha chú của Việt Nam. Nhìn họ cười ngạo nghễ trước giới cầm quyền Việt Nam khúm núm, nhìn họ hung hăng lấn chiếm và chính quyền Việt Nam hèn yếu cúi đầu, nhìn họ ra lịnh và chính quyền Việt nam vâng lời đàn áp dân chúng… lòng người Việt Nam nào không đau? Họ đã bước vào bên trong Việt Nam qua các vùng lãnh thổ Tây Nguyên, các tỉnh địa đầu biên giới, các vùng đất hiểm yếu của Việt Nam. Người dân tin rằng họ đã nằm trong giới cầm quyền cao cấp của đất nước…

Các tham luận cùng nhận định cho rằng ông Linh đã cống hiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp “xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tôi không hoài nghi và cũng không thảo luận nhận định này.

Người viết xin được nêu lên một câu hỏi rất nghiêm túc với buổi hội thảo: Trong khi “xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” ông Linh có làm hại cho việc xây dựng và bảo vệ “tổ quốc Việt Nam chung của dân tộc chúng ta” không?

“Tổ quốc Việt Nam chung của dân tộc chúng ta”, ý của người viết muốn nói tổ quốc Việt Nam từ thủa bình minh của những bộ tộc Việt trên châu thổ sông Hồng, qua hai ngàn năm lớn lên, tiếp theo một ngàn năm Bắc thuộc, rồi giành lại độc lập tới giờ hơn một ngàn năm nữa. Tổ quốc đó, được bảo vệ và phát triển qua bao đời, từ xa xưa tới nay, thành một dãy đất hình chữ S kéo dài từ ải Nam Quang tới mũi Cà Mau, ngoài khơi có các đảo Cát Bà, Cái Bàn, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc… Trên dải đất đó, dân tộc Việt Nam thấm nhuần truyền thống lòng hiếu thảo, tình đồng bào, tình làng nghĩa xóm và tinh thần chống ngoại xâm, cái họa ngoại xâm thường trực đến từ láng giềng phương Bắc. Hai chữ Tổ quốc đó, vài dòng không diễn hết ý, mà ngàn trang cũng không đủ, chỉ biết đối với những người Việt nặng lòng với đất nước tổ tiên thì tâm tình Tổ quốc luôn rào rạt trong từng mạch máu, và réo sôi khi vận nước nguy nan.
----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1) HỒNG HIỆP. Bài Học Về Tư Duy Đổi Mới Và Gắn Bó Với Dân. SGGP, số 13668, ngày 23-6-2015, trang 2.

2), 3) LÊ THANH HẢI. Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo tài năng, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. SGGP, số 13668, ngày 23-6-2015, trang 3.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trước chuyến đi Mỹ của ông Trọng: Nhà báo Phạm Chí Dũng bị công an đàn áp như thế nào?

Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)
Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)
Minh Nguyệt
Theo VOA-30.06.2015

Loại trừ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Từ đầu tháng 6/2015, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần liên tiếp gửi giấy triệu tập đối với Nhà báo Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN) về “làm rõ nội dung các bài viết đăng lên Internet liên quan Nguyễn Quang Lập”.

Sau khi nhà báo Phạm Chí Dũng từ chối đến Cơ quan ANĐT cả 3 lần vì lý do sức khỏe, ngày 25/6/2015, khoảng 20 nhân viên an ninh đã ập vào trường Tuổi Thơ 7, quận 3, TP HCM - là nơi gửi con của nhà báo Phạm Chí Dũng - để bắt giữ và cưỡng chế thô bạo ông về Cơ quan ANĐT tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, giữ người đến cuối giờ chiều mới thả ra.

Ngày 26/6, nhà báo Phạm Chí Dũng lại một lần nữa bị các nhân viên an ninh ép xe trên đường, cưỡng bức đưa về Cơ quan ANĐT, giữ người đến cuối giờ chiều mới thả ra.

Mặc dù lý do làm việc của Cơ quan ANĐT là về vụ án Nguyễn Quang Lập, nhưng hầu hết các câu hỏi thẩm vấn đều xoáy vào IJAVN, trang web của hội này là Việt Nam Thời Báo và các bài viết trên báo nước ngoài của tác giả Phạm Chí Dũng. Cơ quan ANĐT đòi hỏi trang web Việt Nam Thời Báo phải ngừng hoạt động.

Ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2015, Cơ quan ANĐT lại tiếp tục phát giấy triệu tập đối với Nhà báo Phạm Chí Dũng để “hỏi rõ nội dung một số bài viết ông Dũng đăng lên mạng Internet”. Có thể hiểu là đến lúc này, mục đích của chính quyền và công an không chỉ muốn ngăn chặn và loại bỏ hoạt động của IJAVN mà còn nhắm tới việc ngăn chặn và loại bỏ vai trò chủ tịch hội của nhà báo Phạm Chí Dũng.

Triệu tập trái pháp luật

Với 2 giấy triệu tập ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2015 do Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn ký tên, Cơ quan ANĐT đã lạm quyền khi sử dụng giấy triệu tập không đúng với qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An về việc chỉ “Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự” mới có quyền hạn “triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”. Tức chỉ sau khi khởi tố vụ án, phân công điều tra viên, những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới được điều tra viên triệu tập.

Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) cũng qui định: nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mặc dù được yêu cầu là “người làm chứng”, nhưng nhà báo Phạm Chí Dũng luôn bị Cơ quan ANĐT đe dọa là “từ nay trở đi sẽ cưỡng chế triệu tập bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu”. Sỹ quan an ninh thẩm vấn trực tiếp còn có hành vi ép buộc nhà báo Phạm Chí Dũng phải ký tên vào biên bản ghi lời khai cùng cản trở quyền đón con nhỏ của ông.

Món quà nhân quyền ông Trọng mang đến Mỹ?

Từ cuối năm 2013 sau khi tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập IJAVN đến nay, Nhà báo Phạm Chí Dũng liên tục bị cơ quan công an tổ chức theo dõi, tịch thu hộ chiếu cấm xuất cảnh, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, gần 20 lần bị triệu tập, một số lần bị bắt giữ trái phép.

Những động tác triệu tập, đối xử thô bạo, nội dung thẩm vấn và hành vi sách nhiễu khác của Cơ quan ANĐT trong thời gian qua khó có thể được hiểu khác hơn là nhằm mục đích muốn loại trừ IJAVN và vai trò chủ tịch IJAVN của Nhà báo Phạm Chí Dũng, bất chấp thiện chí của IJAVN là phản biện ôn hòa với nhà cầm quyền về chính sách và việc thực hiện chính sách để cùng hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã hội.

Những hành động trên của Công an TP.HCM là một bằng chứng rõ ràng về việc Nhà nước Việt Nam đã rất thiếu tôn trọng những cam kết của họ trong vai trò một thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Những hành động trên lại chỉ xảy ra ít ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ dự kiến vào ngày 7/7/2015 của người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng, một chuyến đi mang ý nghĩa rất quan trọng về quân sự, kinh tế, nhưng cũng có thể không tránh được các chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và người Việt hải ngoại về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của chế độ Việt Nam.

Trước nguy cơ bị nhà cầm quyền đe dọa và có thể dẫn tới đàn áp nhằm xóa sổ IJAVN - một tổ chức xã hội dân sự mặc nhiên được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 và 2013, các nhà báo độc lập của IJAVN đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động sách nhiễu, đối xử thô bạo và có thể tiến tới bắt giam của Công an TP HCM đối với không chỉ Chủ tịch IJAVN Phạm Chí Dũng trong thời gian qua mà còn có thể xảy ra với một số thành viên IJAVN trong thời gian tới.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nước ngập và lòng người cũng ngập


Cao Huy Huân
Theo VOA-28.06.2015

Mấy hôm nay, chỉ sau vài cơn mưa không quá hãi hùng nhưng lòng người đã trở nên hoang mang thấy rõ vì những dòng nước xoáy cứ xuất hiện như thể chuyện thường tình. Nhiều tuyến đường trọng điểm và khu dân cư thường xuyên ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đối mặt với nguy cơ ngập lụt do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã làm thu hẹp, ảnh hưởng nhiều dòng chảy thoát nước tự nhiên.

Nhấn chìm miền Trung, ngập tràn miền Nam

Chuyện mưa ngập đường, ngập sá vốn chẳng còn là câu chuyện nóng hổi được đưa lên trang bìa chính của những tờ nhật báo. Tuy nhiên, cảnh người dân rơi nước mắt, đổ mồ hôi, và sôi cái đầu vì những dòng nước đục ngầu không khỏi khiến mọi người cũng nao lòng. Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực trung tâm TP được xác định còn 68 điểm ngập, so với năm 2011 số điểm ngập trên nhiều hơn 10 điểm. Công tác chống ngập thời gian qua cứ loay hoay với câu chuyện xóa, giảm điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập khác, thời gian qua tại TP đã phát sinh tới 29 điểm ngập. Năm ngoái miền Trung ruột thịt khóc than vì trận lụt lịch sử do quá trình quy hoạch và tổ chức thủy điện chứa đựng quá nhiều rủi ro không được lường trước. Để rồi đêm đêm, trong giấc ngủ ai nấy cũng chập chờn chờ chạy lũ vốn có thể ập đến bất kể lúc nào, nhất là khi báo chí thường xuyên đưa nghi án nhà đầu tư “lén xả lũ thủy điện vào ban đêm”, càng khiến lòng dân hoang mang cực độ, chẳng biết những cột nước hung thần sẽ tìm đến gia đình, vườn tược, hoa màu của mình khi nào.

Và rồi năm nay, những tuyến đường khắp các tỉnh Nam bộ bắt đầu trở thành nạn nhân kế tiếp của hai chữ “quy hoach” thị thành. Người dân chẳng biết nói gì. Họ chỉ biết khóc, chỉ biết cùng nhau chung tay chống đỡ trước dòng nước ngày một cao, rượt đuổi việc họ nâng nhà, có khi lên đến cả mét vẫn còn rượt đuổi. Dường như tất cả sự giận giữ từ những dòng nước “không chỗ thoát” đã đổ hết lên đầu người dân, lên cả cái số phận vốn đang mệt nhoài của họ vì chuyện áo cơm, chuyện mưu sinh trong một xã hội vốn muốn sống tốt cũng không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là khắc nghiệt.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, nguyên nhân ngập quốc lộ 13 một phần do việc thi công hệ thống cống băng ngang quốc lộ làm dòng chảy bị thu hẹp tạm thời, nhưng cũng có nguyên nhân do đây là điểm ngập có sẵn từ nhiều năm trước. Nhưng cho đến nay, cũng như thường ngày, chẳng một ai lên tiếng xác định trách nhiệm, hoặc tuyên bố sẽ tìm hiểu về những dòng nước vốn chẳng hề bình thường, đúng hơn không phải “tự dưng mà có” khiến dân chúng lao đao.

Nhưng nếu có ai lên tiếng hoặc buộc phải lên tiếng, có lẽ câu chuyện sẽ không thể nào đi xa hơn việc diễn giải, biện hộ, hay bao biện theo hướng “chúng tôi đã làm đúng quy trình”. Không tin xin hãy nhìn về những chuyện cũ nhưng chỉ mới “hôm qua”. Chuyện thủy điện xả lũ đúng quy trình bất chấp dân hạ nguồn lãnh đủ. Chuyện quan chức quản lý thủy điện vẫn ung dung trên chiếc xe hơi cao cấp đi thị sát dân tình, tỏ lòng thông cảm rồi quay đi; để lại phía sau một mớ hỗn độn, mọi thứ lộn xộn, và lòng người cũng rối như tơ vò.

Có người trong cơn khó bất giác than thở vài câu để lòng được nhẹ. Nhưng rồi lời than của họ cũng như những câu chửi cha, chửi mẹ, chửi ông trời của thằng Chí phèo ở cái lò gạch cũ. Chẳng ai nghe, chẳng ai lên tiếng, chẳng ai chịu trách nhiệm. Lời than trách cứ thế theo gió lốc, theo nước xoáy bay đi rồi tan biến nhẹ nhàng đến tàn nhẫn, xót xa hết cả cõi lòng. Ở kiếp nhà mình, mấy vị quan nào dám chịu trách nhiệm “nhân tai”, trong khi đó “thiên tai” thì đầy rẫy. Họ cứ bảo thiên tai, đến nỗi có khi trời giận quá, trời càng trút thiên tai xuống thật. Thủy điện, đường sá, lô cốt, đô thị,… nếu biết nói, chắc cũng ngán ngẫm lắc đầu vì “ai đặt đâu, chúng tôi nằm đấy”. Có tội là tội cho dân, vì người ta đặt để không đúng chỗ, bao nhiêu vấn nạn nước ngập, kẹt đường, sụp lún,…dân mình lãnh hết.

Có người vẫn trông chờ vào những hành động đẹp, như kiểu quan chức từ chức vì nông nghiệp mất mùa hay không được giá; hay như ông kỹ sư tự sát để giữ lòng tự trọng sau vụ sập cầu dù không người nào bỏ mạng; hay hàng loạt vụ “trả mũ từ quan” của những người ở bên Tây – điều mà dân nhà mình gọi là văn hóa từ quan khi để dân tình chịu cảnh lầm than khổ cực. Anh làm “quan phụ mẫu”, dân chúng khổ thì anh phải gánh phần, phải sẻ chia trách nhiệm ngay cả khi thiên tai bất khả kháng. Ở Tây, quy hoạch đô thị mà để ngập úng, không kể vì bất kỳ lý do nào (mưa lũ hay thiên tai đổ xuống), quan chức không trả mũ thì lòng chẳng an; thậm chí có khi dân còn nổi lên mà đòi lại mũ quan vốn được họ bỏ tiền thuế ra để mua sắm và nuôi sống.

Rượt đuổi phận người

Ông bà nhà mình hay nói “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm, trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”. Cứ tưởng câu ca dao ám chỉ đúng vào những ngày mông muội, khi người nông dân chỉ có đôi tay cần lao và khối óc cần cù. Chẳng ai ngờ trong cái xã hội đang mạnh dạn lên tiếng “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” suốt bao năm qua, dường như cũng đang phải bám víu theo câu ca dao có từ trăm năm trước.

Bất kể những tòa cao ốc đua nhau mọc lên mà không theo một bản đồ quy hoạch tổng thể nào từ khi đặt móng những viên gạch, viên đá đầu tiên; bất kể những hệ thống cống rảnh tốn tiền tỷ; bất kể những xa lộ rộng lớn khiến ai nấy cũng mơ về một cuộc sống phồn thịnh… hàng triệu người vẫn đang vật lộn với sự thiếu an ninh ngay tại đất Sài Gòn vốn được xem là điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư công nghiệp, dịch vụ. Và giờ đây, “giấc mơ Sài Gòn” càng trở thành ác mộng vào những ngày mưa, ngày gió.

Ai cũng sợ con đường tan ca chiều trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Ai cũng lo cảnh phải dắt chiếc xe máy nặng trịch, ì ạch lội nước cao tới bẹn ngay giữa phố Sài Gòn. Ai cũng hoảng hốt khi một mình trơ trọi chống chọi với dòng nước vốn chẳng hề biết ai là kẻ ác, ai là người ngay. Cái cảm giác lọt thỏm giữa Sài Gòn và bất lực trước chiếc xe đạp hoài không thể nổ, còn dòng nước cứ chảy xiết vô tình chỉ khiến người ta muốn hét lên thật lớn và vỡ òa giữa chốn đông người nhưng lạnh lẽo đến lạ lùng.

Thế mới nói người dân thời hiện đại mà vẫn phải trông vào trời đất, thần linh để mưu sinh, để sống còn. Nghe nói ở Biên Hòa, Bình Dương hay nơi nào đó ở Sài Gòn, cột nước vẫn đang rượt đuổi người dân. Nhưng nước ơi, nước còn rượt đuổi số phận vốn đã đen đủi của họ cho đến bao giờ?

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đi với Mỹ có mất Đảng?

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 1/6/2015.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 1/6/2015.
Nguyễn Hưng Quốc
Theo VOA-30.06.2015

Ở Việt Nam lâu nay có một câu nói nổi tiếng thể hiện hai khả năng chọn lựa trái ngang của đảng cầm quyền: “Đi với Trung Quốc thì mất nước; đi với Mỹ thì mất Đảng.”

Sự thật thế nào?

Tôi không tin Trung Quốc có tham vọng đánh chiếm Việt Nam. Họ chỉ cần chiếm đảo và biển. Nhưng khi đã chiếm đảo và biển, cộng với những ảnh hưởng chằng chịt về cả kinh tế lẫn xã hội, Trung Quốc cũng dễ dàng khống chế Việt Nam. Lúc ấy, họ muốn gì Việt Nam cũng đều tuân theo. Không cần tốn đạn và không phải đối diện với rất nhiều rủi ro của chiến tranh, họ vẫn có thể có một chư hầu và vẫn đạt được tất cả những gì họ muốn.

Nhưng còn mệnh đề thứ hai? Liệu nếu đi với Mỹ trong trận chiến đối đầu với Trung Quốc, đảng Cộng sản có mất quyền lãnh đạo độc tôn tại Việt Nam?

Tôi ngờ là không.

Mỹ thường xây dựng các chính sách ngoại giao của họ trên hai nền tảng chính: nhân quyền và tinh thần thực tiễn luận (realism).

Trong các cuộc đối thoại với các nước khác, chính phủ Mỹ vẫn thường xem việc tôn trọng nhân quyền như một trong những điều kiện đầu tiên để nhận được viện trợ cũng như để trở thành đồng minh của Mỹ. Điều này có ba lý do chính. Thứ nhất, người ta tin là để trở thành bạn, cả hai bên phải chia sẻ với nhau một số bảng giá trị chung. Trong số các bảng giá trị ấy, nhân quyền được xem là một giá trị có tính phổ quát nhất, được nhiều người tin tưởng và ủng hộ nhất. Thứ hai, nền chính trị của quốc gia chỉ thực sự bền vững khi những người cầm quyền biết tôn trọng nhân quyền, nghĩa là, với những mức độ khác nhau, được dân chủ hoá. Và thứ ba, ở Mỹ, không ai có quyền tuyệt đối. Ngay cả tổng thống Mỹ cũng chịu nhiều áp lực đến từ nhiều nguồn, trong đó, đáng kể nhất là ngành lập pháp, đảng đối lập, giới truyền thông, và sau cả ba, là dân chúng. Mà dân chúng Mỹ thì, theo truyền thống, vốn ưa chuộng tự do và đề cao tinh thần dân chủ, ở đó, các quyền làm người phải được tôn trọng. Dưới các áp lực ấy, dù muốn hay không, chính phủ Mỹ cũng xem nhân quyền là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc thiết lập các bang gia quốc tế.

Nhưng nền tảng thứ hai, tinh thần thực tiễn luận, lại mâu thuẫn với nền tảng thứ nhất. Nói chung, các chính trị gia ở Mỹ hiếm khi là những người sùng bái ý thức hệ (ideologist). Người Mỹ, bắt chước câu châm ngôn của Lord Palmerston, một chính khách người Anh, thường nói: “Không có bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu.” Nói một cách vắn tắt: Họ chơi với bất cứ ai mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Vì những lợi ích ấy, họ sẵn sàng nhân nhượng và hy sinh những đòi hỏi về nhân quyền và dân chủ. Điều này giải thích lý do tại sao trong quá khứ cũng như trong hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn xem một số nhà độc tài là đồng minh thân cận. Trong quá khứ, họ từng ủng hộ các chính quyền quân phiệt ở Guatemala, Brazil, Nicaragua, Chile (thời Augusto Pinochet), Nam Triều Tiên (thời Park Chung-hee), Indonesia (thời Suharto), Tây Ban Nha (thời Francisco Franco), v.v… cũng như các chế độ độc tài ở Philippines (thời Ferdinand Marcos), Pakistan (thời Muhammad Zia-ul-Haq và Pervez Musharraf), Ai Cập (thời Hosni Mubarak), Tunisia (thời Zine El Abidine Ben Ali), v.v… Hiện nay, trong số các đồng minh gần gũi của Mỹ cũng không hiếm quốc gia vẫn còn nằm dưới các chế độ chuyên chế hà khắc, trong đó, tiêu biểu nhất là Saudi Arabia, Yemen, Oman, Equatorial Guinea và Turkmenistan.

Trong các quốc gia vừa nêu ở trên, có thể lấy Turkmenistan là ví dụ. Tách ra khỏi khối Liên bang Xô Viết và trở thành một quốc gia độc lập từ năm 1991, cho tới năm 2012, dưới thời tổng thống Saparmurat Niyazov và sau đó, Gurbanguly Berdymuhamedov, Turkmenistan vẫn là một quốc gia độc tài độc đảng, nơi mọi quyền tự do công dân đều bị hạn chế ngặt nghèo. Theo bảng xếp hạng về tự do của tổ chức Phóng viên không biên giới năm 2014, Turkmenistan đứng hàng thứ 178 trong số 180 quốc gia, tức gần chót, về các quyền tự do ngôn luận. Nó được xem là một trong 10 quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới. Hơn nữa, chính phủ Turkmenistan còn có những chính sách kỳ thị chủng tộc đến độ các học sinh có tên họ không phải người Turkmenistan đều bị gạch tên, không cho vào đại học. Thế nhưng bất chấp sự độc tài và kỳ thị ấy, Mỹ vẫn xem Turkmenistan là một đồng minh và vẫn viện trợ vũ khí cho Turkmenistan. Tại sao? Lý do chính là vì Mỹ cần sự hợp tác của Turkmenistan để làm cầu nối từ đó, chuyên chở vũ khí và các thiết bị quân sự phục vụ cho chiến trường ở Afghanistan.

Việt Nam có thể được xem là ngoại lệ trong bang giao quốc tế của Mỹ như là Turkmenistan?

Có thể. Nếu Trung Quốc xem việc chiếm cứ Biển Đông là một “lợi ích cốt lõi”, với Mỹ, Biển Đông cũng có một tầm quan trọng không kém. Đó là một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất trên thế giới. Chiếm trọn Biển Đông, Trung Quốc không những khống chế được Việt Nam mà còn khống chế hầu hết các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á, trong đó, có nhiều nước là đồng minh hoặc đối tác thương mại của Mỹ. Mất Biển Đông, vị thế siêu cường quốc của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, về phương diện quân sự, Mỹ cũng có nguy cơ bị Trung Quốc uy hiếp. Bởi vậy, bằng mọi cách, chắc chắn Mỹ sẽ bảo vệ Biển Đông. Nhưng việc bảo vệ ấy chỉ có hiệu quả với hai điều kiện: Một, Việt Nam phải cương quyết chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc và hai, chính quyền Việt Nam phải mạnh mẽ và sinh hoạt chính trị tại Việt Nam phải ổn định. Điều kiện thứ hai này là một thuận lợi cho Việt Nam: Mỹ sẽ không mưu tính thay đổi chế độ tại Việt Nam.

Dĩ nhiên, Mỹ cũng sẽ vẫn lên tiếng và gây sức ép để Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Một mặt, đó là nguyên tắc ngoại giao họ thường theo đuổi. Mặt khác, để đáp ứng các đòi hỏi của các tổ chức nhân quyền và đặc biệt, của dân chúng Mỹ, trong đó, có nhiều người vẫn còn mang nặng những ký ức cay đắng về cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng trước năm 1975. Những sức ép ấy, cuối cùng, tuy không làm thay đổi thể chế chịnh trị tại Việt Nam, nhưng ít nhất, chúng cũng làm cho Việt Nam được dân chủ hơn. Dù là thứ dân chủ có giới hạn.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ..

Tăng giá điện, người nghèo khốn khổ

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-06-29
Dây điện chằng chịt luôn là nỗi ám ảnh của người dân
Dây điện chằng chịt luôn là nỗi ám ảnh của người dân- RFA

Việt Nam, ngành điện lực do nhà nước quản lý, hay nói cách khác là ngành độc quyền của nhà nước, mọi sự biến thiên tăng hay giảm về giá điện đều liên quan đến đời sống của người dân. Trong đợt thu tiền điện trên toàn quốc vừa qua, giá điện đột ngột gia tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí có nhiều gia đình phải trả gấp ba số tiền trước đây mặc dù mức độ sử dụng điện không hề thay đổi.

Điều này tạo ra một cơn sốc phòng vệ trên toàn quốc và nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ tạo nguy cơ hoàn toàn bất ổn cho nền kinh tế nói chung và tâm lý người dân nói riêng.

Tăng giá tùy tiện và vô lý

Một cư dân Sài Gòn tên Thiện, hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân về lĩnh vực địa ốc và dầu khí, chia sẻ: “Giá điện tăng chung mà, nếu mà tính lũy tuyến lên thì nhà ai vượt quá số điện trên đầu người thì nó tăng tiền. Điện tăng giá, xăng tăng giá thì các thứ khác cũng tăng giá.”

Theo ông Thiện, với những qui định hiện tại, ngành điện sẽ còn nhiều khuất tất khó mà khắc phục được. Và một khi ngành điện có vấn đề, người chịu thiệt thòi lớn nhất bao giờ cũng là người dân tiêu thụ điện. Bởi ngành điện vẫn là ngành chủ lực của nhà nước, do nhà nước quản lý nên động cơ tham nhũng rất cao, hoàn toàn khác với doanh nghiệp tư nhân trong thời buổi kinh tế thị trường nhắm đến khách hàng như một thượng đế đúng nghĩa và lấy uy tín của công ty, lấy thiện cảm của khách hàng làm mục tiêu phát triển.

Chỉ riêng vấn đề tính lũy tuyến trong số kilowat tiêu thụ, đã có khối vấn đề để nói. Vì giá điện hiện tại chỉ tăng 7,5% so với trước, nghĩa là một trăm ngàn đồng thì khách hàng phải trả thành một trăm lẻ bảy ngàn năm trăm đồng. Đó là trên lý thuyết, thực tế hoàn toàn khác.
Cách tính lũy tuyến và phạt sử dụng điện năng quá mức qui định là một cái bẫy với người tiêu dùng. Hiện tại, ngành điện lực qui định mỗi gia đình chỉ được sử dụng đúng 50 kilowat, trong đó sử dụng giờ bình thường tính giá như đang qui định, nếu sử dụng giờ cao điểm lại tính theo giá khác và sử dụng vượt mức cho phép, số tiền sẽ bị đánh phạt từ 150% đến 200%, thậm chí có trường hợp bị phạt đến 400% nếu vượt quá 200 kilowat. Và mức phạt sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu như số kilowatt vượt quá 250. Và với đà tính lũy tuyến kiểu này, người dân hoàn toàn thiệt thòi.

Ngay cả việc qui định về giờ cao điểm và giờ bình thường cũng hoàn toàn vô lý, người ta qui định ngày bình thường thì từ thứ hai đến thứ bảy, từ bốn giờ sáng đến chín giờ rưỡi sáng. Riêng ngày chủ nhật thì từ bốn giờ sáng đến mười giờ đêm. Riêng giờ cao điểm thì từ thứ hai đến thứ bảy, bắt đầu từ chín giờ rưỡi sáng đến mười một giờ rưỡi sáng. Trong khi đó, đồng hồ của người dân chỉ có thể chạy được con số bao nhiêu klilowat chứ không có nhật ký về giờ sử dụng điện, hơn nữa, đồng hồ lại mắc trên trụ điện, nhân viên điện lực đến ghi số, không hề có sự giám sát của người sử dụng.

Giá điện tăng kéo theo đời sống nặng nề
Giá điện tăng kéo theo đời sống nặng nề. RFA

Nhìn chung, tất cả các hoạt động của ngành điện lực đều rất quan liêu, bao cấp, hoàn toàn không xem người sử dụng điện là khách hàng. Thêm một chuyện nữa là người đi ghi chỉ số điện và nước ở Việt Nam nói chung chứ không riêng gì một tỉnh thành nào, đều có tác phong và cung cách làm việc giống nhau, hết sức cẩu thả, tùy tiện và vô nguyên tắc, vô kỉ luật.
Sở dĩ phải nói họ vô nguyên tắc, vô kỉ luật bởi vì họ không tôn trọng định mốc thời gian đã đề ra, ví dụ như tháng trước ghi số điện tiêu thụ vào ngày 10 thì tháng sau bắt buộc phải ghi đúng ngày 10 hoặc trước đó một ngày. Bởi đồng hồ điện không có nhật ký ngày sử dụng điện, chỉ có số liệu điện năng tiêu thụ, nếu ghi trễ một ngày, con số tiêu thụ rất có thể nhảy vọt qua mức phạt thay vì mức bình thường nếu ghi đúng ngày.

Và người ghi chữ số điện phải biết điều tiết, chia tất cả các trạm đồng hồ thành một lịch trình hẳn hoi để cứ đến ngày đến giờ lại ghi. Đó là nguyên tắc bắt buộc. Nhưng không, người ghi điện và nước trên khắp đất nước này đều không có nguyên tắc đó. Có thể tháng này ghi vào ngày 10, tháng sau lại ghi vào ngày 20, tháng sau nữa chọn lui lại ngày 10 rồi tính lũy tuyến theo nửa tháng… Cuối cùng, cách gì người dân cũng bị phạt vì sử dụng quá mức cho phép.

Rừng chết, người chết, điện vẫn cứ tăng giá

Ông Hà, cư dân quận Gò Vấp, Sài Gòn, bức xúc:“Không biết tăng bao nhiêu phần trăm nhưng mà như tháng trước mình sài khoảng một trăm tám, một trăm chín chục ngàn thì tháng này lên ba trăm ba, ba trăm bốn chục ngàn. Điện sản xuất thì nó tính theo lũy tuyến, một trăm chữ điện đầu thì khác, rồi hai trăm chữ, rồi hơn… đều tính khác. Điện sản xuất, kinh doanh nó tính cao hơn nữa.”
Theo ông Hà, vấn đề tăng tiền điện đột ngột tại Sài Gòn nói riêng và tại Việt Nam nói chung đã tạo ra cơn sốc phòng vệ trong nhân dân. Bởi đây là nguồn năng lượng sử dụng thường xuyên, hằng ngày của mỗi gia đình. Nói trên một nghĩa khác thì hiện tại, vấn đề điện và nước đã trở thành vấn đề an ninh tâm lý của xã hội. Chỉ cần liên tục cúp điện hoặc cúp nước sẽ dẫn đến khủng hoảng tâm lý cục bộ trong xã hội.

Và một khi giá điện tăng đột ngột, điều này chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt thứ hàng hóa khác tăng giá theo bởi mọi ngành sản xuất đều có liên quan đến điện năng. Trong trường hợp này, tâm lý của người dân sẽ bị khủng hoảng, họ không những không tin vào nhà nước mà còn cảm thấy nhà nước giống như một con quái vật không thuần tính, vui thì nó nhởn nhơ, buồn thì nó quay sang gây nguy hiểm cho con người. Tình trạng tăng giá điện độ ngột hiện tại được xem là trạng thái gây nguy hiểm của con quái thú này.

Trong khi đó, biết bao nhiêu diện tích rừng Việt Nam đã bị tàn phá chỉ để dành chỗ cho ngành thủy điện được phát triển, có biết bao nhiêu khu vực bị ô nhiễm nặng nề vì nhiệt điện. Nhiệt điện, thủy điện và phong điện phát triển đầy rẫy trên đất nước, thậm chí người ta còn hướng đến sử dụng điện hạt nhân. Và hậu quả của thủy điện, nhiệt điện để lại hết sức thảm khốc cho các vùng đồng bằng vốn trong lành và bình yên. Sự hy sinh của núi rừng, khí quyển và con người hoàn toàn vô nghĩa khi các công trình thủy điện, nhiệt điện mọc ra từ tiền thuề của nhân dân lại tiếp tục giơ đôi tay lông lá ra bóp lấy cuống họng nhân dân bằng cách liên tục tăng giá điện.

Với mức thu phí tiền điện hiện tại, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những lao động nghèo. Họ không có đủ điều kiện để sử dụng những dụng cụ cao cấp, ít tiêu thụ điện năng nên phải mua những dụng cụ tiêu thụ điện năng cao nhưng có giá thành vừa phải. Và với đà phạt lũy tuyến như đang thấy, có khi một tháng lương của công nhân chỉ đủ để trả tiền điện và tiền nước.
Nói đến đây, ông Hà nói rằng nhà nước phải xem lại gấp giùm cho ông, đừng treo miệng người lao động nghèo như ông bằng giá điện và giá nước hằng tháng!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/electr-price-hike-worse-the-poor-06292015073831.html/06292015-electr-price-hike-worse-the-poor.mp3

Xô xát tại biên giới Việt Nam-Campuchia

Sơn Trung, thông tín viên RFA, Campuchia
2015-06-29
Đoàn ngừơi Việt (bên trái) dàn hàng ngang ngăn cản đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia (bên phải) không cho vào phần đất ranh giới của hai nước.
Đoàn ngừơi Việt (bên trái) dàn hàng ngang ngăn cản đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia (bên phải) không cho vào phần đất ranh giới của hai nước.-Photo by Sơn vũ, RFA
Xô xát diễn ra khi một nhóm khoảng 200 người Campuchia gồm Dân biểu, tu sĩ, thanh niên đến kiểm tra khu vực biên giới giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An vào ngày hôm qua 28 tháng 6 năm 2015
Một nhà sư Khmer Krom cùng tham gia đoàn kiểm tra biên giới cho biết một nhóm bộ đội và một nhóm người Việt mặc thường phục dùng vũ lực ngăn cản không cho họ đến kiểm tra đường biên giới. Sư chia sẽ:
Bộ đội biên phòng khoảng hai chục người, và mấy người mặc đồ thường khoảng từ năm chục đến sáu chục người. Mấy người mặc đồ dân thường thì có cầm cây gậy có đóng đinh trên đó, còn bộ đội trong tay có cầm súng. Ban đầu Dân biểu đi trước rồi bộ đội biên phòng qua nói đây là đất của Việt Nam. Ban đầu là xô đẩy nhau, bên Việt Nam, mấy người mặc đồ thường, thấy đa số là người ở đó say sỉn không. Mình đi vào xô đẩy nhau rồi bên kia cầm gậy đánh đập lại mình, nhưng mà trong bên mình không có gì trong tay hết. Bên dân Việt Nam đánh trúng dân biểu bên Campuchia, và mấy sư và mấy thanh niên bị thương cũng nhiều lắm”.
Hoạt động được nhà sư Khmer Krom mô tả như vừa rồi là một trong các chiến dịch kiểm tra biên giới của dân biểu, tri thức và người dân Campuchia tại các địa điểm mà những người này nghi ngờ có việc Việt Nam lấn chiếm bắt đầu diễn ra từ tháng 5 năm 2015.
Cột mốc số 203
Cũng có mặt trong đoàn kiểm tra biên giới, ông Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Kampuchea Krom, cho biết phía Việt Nam ngang nhiên đi vào sâu trong lãnh thổ của Campuchia ngăn cản không cho họ đi đến khu vực biên giới. Ông Thach Setha: “Bên biên phòng của Campuchia nói đây là đất của Campuchia, cho tụi tui đi chỗ đó. Công an Việt Nam, có nhân dân Việt Nam cầm dao, có súng nhiều không cho vô, không cho đi coi chỗ biên giới đó. Thấy như vậy là xâm phạm lãnh thổ bên nước Campuchia rồi bởi có súng, có nhân dân nhiều ở đó cấm không cho nhân dân Campuchia đi trong đất nước Campuchia”.
Bên biên phòng của Campuchia nói đây là đất của Campuchia, cho tụi tui đi chỗ đó. Công an Việt Nam, có nhân dân Việt Nam cầm dao, có súng nhiều không cho vô, không cho đi coi chỗ biên giới đó
Ông Thach Setha
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quan, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã xác nhận rằng trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, lực lượng chức năng và người dân Việt Nam có xảy ra mâu thuẩn với nhóm người Campuchia, tuy nhiên sự kiện này diễn ra trên lãnh thổ của Việt Nam.
Đoàn ngừơi Việt theo sát đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia ngăn cản không cho vào phần đất ranh giới của hai nước.
Đoàn ngừơi Việt theo sát đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia ngăn cản không cho vào phần đất ranh giới của hai nước.
Ông Quan phát biểu: “Cột mốc mà các anh muốn đi khảo sát còn đang đi sâu vào đất Việt Nam đang quản lý do đó chúng tôi xác định vị trí này là ở đất Việt Nam quản lý. Và nếu tương lai, hiện nay đã phân định, nếu mà phân định ra thì cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam quản lý. Cái này xác định lãnh thổ là lãnh thổ Việt Nam rồi, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa”.
Tuy vậy, trong thông cáo báo chí của Tòa Thị chính Svay Rieng, chính quyền địa phương này khẳng định sự kiện diễn ra tại cột mốc số 203 nằm trên địa bàn ấp Thlok Thmey, xã Thnaot, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng của Campuchia.
Đảng Cứu Quốc Kampuchia lên tiếng
Sáng ngày 29 tháng 06 năm 2015, ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Quốc đã lên tiếng phản đối hành vi bị ông này lên án là ‘bạo lực’ của Việt Nam.
Sự kiện này cũng gây bức xúc đối với nhiều người dân Campuchia. Tiến sĩ khoa học chính trị Sok Touch cho rằng là hai nước láng giềng, cách hành xử này của Việt Nam là kém văn minh và không phù hợp với xu hướng cộng đồng chung ASEAN sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
Thứ nhất, hành vi của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, thứ hai là Việt Nam đi ngược lại Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á, khi chúng ta xậy dựng cộng đồng chung, chúng ta sẽ phải mở cữa biên giớ thôi, thứ ba là các tính chất lịch sử, Việt Nam không phải làm như vậy, Việt Nam đã lấy đất Khmer nhiều lắm rồi, giờ chúng tôi chỉ đi kiểm tra biên giới, trong khi người Việt không chỉ đến biên giới mà còn đến sống đầy trên đất Campuchia. Tôi thấy rằng Việt Nam vẫn còn kém văn minh, sử dụng luật rừng và thiếu nhân đạo. Tôi yêu cầu Việt Nam giáo dục quân đội và nhân dân của mình về luật láng giềng cũng như các điều khoản của cộng đồng chung ASEAN. Làm sao mà có cộng đồng chung được khi mà các anh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân như vậy”.
Tiến sĩ Sok Touch còn cho rằng việc quân đội và người dân Việt Nam mang vũ khí tiến vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một việc làm không thể chấp nhận được. Ông gợi ý chính quyền Phnom Penh phải ra thông cáo báo chí ngoại giao đính kèm những hình ảnh về hành vi bạo lực của người Việt Nam để người dân trên thế giới biết được vấn đề.
Tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia trở thành đề tài nóng trong quan hệ giữa hai nước. Hồi ngày 12 và ngày 14 tháng 6 vừa qua, Campuchia đã ra hai công hàm phản đối Việt Nam tự ý đào ao mương thủy lợi trên lãnh thổ Campuchia nhưng phía Việt Nam vẫn chưa có phản ứng về vấn đề này.
Đến ngày 27 tháng 6, đảng Cứu Quốc đã cho công bố 26 tấm bản đồ tỷ lệ 1/100000 được Chính quyền Pháp vẽ trong khoản năm 1933 đến năm 1953 liên quan đến biên giới Việt Nam và Campuchia. Hiến pháp Campuchia thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia được căn cứ theo bản đồ tỷ lệ 1/100000 này, theo đó đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia có khả năng bị thay đổi nếu phía Campuchia thấy rằng biên giới thực tế không đúng với bản đồ.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.

Tự do báo chí hay là Cứu cánh biện minh cho phương tiện?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-29
Báo chí vẫn là công cụ của đảng
Báo chí vẫn là công cụ của đảng-File photo

Ngày báo chí hay ngày báo chí cách mạng
Đến hẹn lại lên, hàng trăm tờ báo Việt nam do đảng cộng sản lãnh đạo kỷ niệm ngày 21/6, được gọi một cách chính thức là ngày Báo chí Việt nam. Đôi khi ngày này cũng được gọi là ngày Báo chí cách mạng.
Không hẹn mà gặp, nhà báo Bùi Tín và blogger Kami đều có nhận xét về chữ cách mạng dùng cho ngày 21/6.  Ông Bùi Tín người từng là Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, hiện sống ở Pháp như một nhà bất đồng chính kiến, đặt câu hỏi cách mạng là gì? Ông trả lời rằng cách mạng là thay đổi tận gốc, là đổi đời. Blogger Kami ở trong nước cũng cho rằng khái niệm cách mạng phải được hiểu là: quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó. Ông Kami viết trong bài về báo chí tư nhân trên trang blog của mình rằng nếu cách mạng là như thế thì báo chí hiện nay ở Việt nam không phải là báo chí cách mạng, vì báo chí Việt nam hiện nay không phục vụ cho một sự tiến bộ mà phục vụ cho đảng cầm quyền của những người cộng sản.
Blogger Song Chi thì thêm rằng nền báo chí Việt nam hiện nay là nền báo chí không phục vụ nhân dân mà phục vụ giai cấp cầm quyền và những người có tiền. Song Chi là một người bất đồng chính kiến với những người cộng sản, hiện đang sống như một người tị nạn chính trị tại Na Uy. Điều trớ trêu là những người cộng sản cũng là những người hay nói đến giai cấp trong cuộc đấu tranh của họ. Nhưng khi họ cầm quyền thì họ biến thành một giai cấp mới nói theo Milovan Djilas, người từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư. Trình trạng cầm quyền của những người cộng sản Việt nam lại càng phức tạp hơn khi họ công nhận một số nguyên tắc của kinh tế tư bản từ 30 năm nay, và điều đó sinh ra một tầng lớp giàu có. Tầng lớp này có thể lũng đoạn báo chí như blogger Song Chi đề cập, hay một cách tổng quát hơn trong lời phó ban tuyên giáo của Đảng, họ có thể cấu kết với giai tầng cầm quyền để trở thành những nhóm lợi ích đầy quyền lực, trong đó có cả quyền lực truyền thông.
Nền báo chí Việt nam hiện nay là nền báo chí không phục vụ nhân dân mà phục vụ giai cấp cầm quyền và những người có tiền
Blogger Song Chi
Sự xuống cấp của báo chí và sự tự do
Năm nay báo chí chính thống không chỉ ca ngợi mà đăng cả những lời than phiền, điển hình là lời than phiền của ông Hữu Thọ một nhà báo có nhiều danh vọng trong bậc thang phẩm hàm của đảng cộng sản. Ông Thọ nói là ông rất buồn lòng vì tình trạng báo chí hiện nay.
Nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh đáp lời:
Bên cạnh đó ông còn chịu trách nhiệm đúc ra hàng loạt những cán bộ tư tưởng tuyên giáo nữa, một trong những sản phẩm do ông góp phần tạo ra là ông Nguyễn Phú Trọng mới rồi đã tuyên bố nhân ngày báo chí cộng sản: "báo chí là công cụ tuyên truyền, là công cụ đấu tranh giai cấp của đảng" thì còn đâu là báo chí của sự thật nữa ông.
Đã tuyên truyền là phải dối trá.
Blogger Nguyễn Đình Ấm, cũng từng là một nhà báo phát biểu tương tự như ông Chênh, rằng xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy.
Tác giả Hà Linh Quân thì đặt vấn đề là phải chăng “Sự xa rời những tiêu chuẩn làm báo tất yếu phải dẫn đến sự xuống cấp của nhiều nhà báo.”
Cây bút Đinh Liên trả lời Hà Linh Quân:
Nhưng tiêu chuẩn đặt ra là gì? Đó có phải là sự thật, là khách quan, là trung thực? Hay nói trắng ra là vì tiêu chuẩn báo chí bị hạ thấp bởi chính “nhiệm vụ chính trị”, cái thứ làm nên một nền báo chí tự do trong khuôn khổ mà Đảng “quy hoạch.”.
Nhà báo kỳ cựu Mạnh Kim tiếp lời về khái niệm Tự do trong nền báo chí do đảng cộng sản lãnh đạo rằng “Tự do” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.
Báo chí là công cụ tuyên truyền, là công cụ đấu tranh giai cấp của đảng
TBT Nguyễn Phú Trọng
Mạnh Kim viết tiếp về hai bài báo trên báo chí chính thống trong ngày 21/6:
Có một điều mà ít ai chú ý, nhưng rất thật, là cả hai bài viết về báo chí cách mạng đều không có chữ "tự do". Hoàn toàn không nhắc đến khái niệm "tự do báo chí". Có đáng ngạc nhiên không? Có lẽ khái niệm đó không tồn tại trong nền "báo chí cách mạng."
Cũng trong ngày 21/6 một tờ báo chính thống lại đăng bài chỉ trích nền báo chí của chế độ Việt nam cộng hòa tại miền Nam trước năm 1975. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng những tờ báo mà ông biết ở miền Nam trước đây phần lớn là của tư nhân, và họ thường xuyên chỉ trích chính phủ. Trong khi đó nhà nước cộng sản Việt nam hiện nay tuyệt đối không cho phép tư nhân tham gia lĩnh vực báo chí, một điều mà trớ trêu thay, chính người sáng lập đảng cộng sản Việt nam đã từng lên tiếng chỉ trích người Pháp thời thực dân về điều đó.
Một công nhân đang đọc báo đảng bên canh cờ đảng ở Hà Nội
Một công nhân đang đọc báo đảng bên canh cờ đảng ở Hà Nội
Giáo sư Tuấn trích nguyên văn lời ông Hồ Chí Minh trong cuốn sách của ông có tên là Bản án chế độ thực dân Pháp:
Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.  Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy
Viết giữa hai dòng chữ
Giáo sư Tuấn bình luận tiếp về bài báo chỉ trích báo chí Việt nam cộng hòa:
Nghĩ thật trớ trêu: một nền báo chí bị xếp hạng tự do 174/180, đứng chung với những nước "đầu trâu mặt ngựa" như Tàu, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea, v.v. mà chê bai một nền báo chí tự do hơn mình! Nhưng cũng có thể người viết phải viết như thế để có dịp gửi một thông điệp về tự do báo chí đến bạn đọc, và như thế thì là một việc đáng phục.
Nghi vấn mà Giáo sư Tuấn đặt ra được nhiều blogger xác nhận. Bà Song Chi gọi những nhà báo đó là những anh hùng
Họ là những nhà báo vẫn đang làm việc cho một tờ báo của nhà nước, nhưng cố gắng không trở thành bồi bút hoặc không góp phần “ xả rác” vào xã hội bởi những tin bài của mình.
Tôi vô cùng khâm phục những nhà báo tử tế, chân chính còn sót lại giữa làng báo thiếu vắng tự do dân chủ và tràn ngập những cướp, giết, hiếp, mông đùi hở hang…như ở VN.
Có người nhận xét sự can đảm đó ít hay nhiều mang tính bi kịch như những nhà nho khẳng khái thời phong kiến, những người phải ý tại ngôn ngoại để người đọc hiểu ra thông điệp về sự thật.
Nghĩ thật trớ trêu: một nền báo chí bị xếp hạng tự do 174/180, đứng chung với những nước "đầu trâu mặt ngựa" như Tàu, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea, v.v. mà chê bai một nền báo chí tự do hơn mình!
Giáo sư Tuấn
Cứu cánh biện minh cho phương tiện
Người ta cho rằng những người cộng sản hoàn toàn ý thức được sức mạnh của báo chí như là một quyền lực thứ tư cho nên họ một mực phải kiểm soát, không cho nó rơi vào tay những người đối lập. Do đó nó đã trở thành công cụ cho sự cầm quyền của họ, mục tiêu tối thượng của họ.
Tương tự như vậy là luật pháp.
Trong bài tìm hiểu về pháp luật hiện tại ở Việt nam, blogger Nguyễn Thị Từ Huy so sánh điều luật chống phản cách mạng ngày ông Hồ Chí Minh còn sống, và những điều luật phản dân chủ ngày nay của pháp luật Việt nam. Bà thấy rằng nội dung của nó không khác sau thời gian dài nửa thế kỳ. Nguyễn Thị Từ Huy viết rằng Luật pháp là để bảo vệ đảng cầm quyền chứ không phải để bảo vệ người dân.
Nhưng tất cả những hành động dựa trên quan điểm cứu cánh biện minh cho phương tiện đó đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho nước Việt hiện nay.
Nguyễn Thị Từ Huy đặt câu hỏi là tại sao ông Hồ Chí Minh lại đánh đồng Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội trong luật của ông! Rồi đến một ngày đảng của ông đứng trước thế lưỡng nan là không thể cứu Tổ quốc đồng thời với chủ nghĩa xã hội, một lý tưởng chung với kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc.
Một hệ lụy khác trầm trọng hơn là sự tan rã của xã hội.
Blogger Nguyễn Vũ Bình viết rằng hiện nay lòng tin là sự xa xỉ, không có lòng tin ở cái chung, những cá nhân xây dựng riêng cho mình những lòng tin khác nhau, tránh chuyện nhạy cảm và do vậy không ai chịu ai, lòng người ly tán.
Sự ly tán của Nguyễn Vũ Bình cũng chính là sự tan rã của nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi nói về quyển sách của mình, mà blogger Tưởng Năng Tiến trích lời
“Tôi chỉ có thể tóm tắt lại như thế này, đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi thời sự tan rã. Tan rã trong hệ tư tưởng, tan rã trong quan hệ sản xuất, nghĩa là tan rã trong ý thức hệ, tan rã trong quan hệ giữa người với người.”
Nhưng còn đảng cầm quyền?
Cánh Cò viết bài Hội chứng đảng, trong đó tác giả cho rằng những người cầm quyền ở Việt nam đang mắc một hội chứng đảng, và đang biến mình thành những con bệnh vì đang tin vào những điều sáo rỗng và mù quáng.
Người bị trị và kẻ cai trị  cũng đều có thể có số phận bi kịch vì như blogger Viết từ Sài gòn bình luận:

Bởi suy cho cùng, bất kỳ phương tiện nào đi đến mục đích có tính chất gian manh đều cho thấy mục đích chẳng tốt đẹp của nó.