Friday, February 27, 2015

Ôtô tông sập nhà, bé trai 3 tuổi trọng thương

Đông Sơn-08:54 ngày 28 tháng 02 năm 2015
TPO - Chiếc ôtô bán tải lao lên vỉa hè, húc đổ hai cây xanh, cán nát 5 xe máy sau đó ủi sập phần trước căn nhà, khiến bé trai 3 tuổi bị thương nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tai nạn kể trên xảy ra vào 4h20 hôm nay (28/2) trên đường Hưng Phú, quận 8, TP.HCM. Các nhân chứng cho biết, vào khoảng thời gian kể trên, xe ô tô bán tải mang biển số 51C – 329.16 do tài xế Nguyễn Huỳnh Anh Vũ (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) điều khiển lưu thông trên đường Hưng Phú theo hướng cầu Chánh Hưng về cầu Chữ Y.

Khi đến đoạn qua địa bàn phường 9, quận 8, tài xế Vũ đánh tay lái để tránh một ô tô ở chiều ngược. Hệ quả là chiếc xe của Vũ lao lên vỉa hè,  húc đổ hai cây xanh, cán nát 5 chiếc xe gắn máy của người dân đang dựng trước cửa nhà sau đó tông mặt tiền căn nhà số 542 Hưng Phú.



Vào thời điểm đó, trong căn nhà bị nạn có ba người là chủ nhà Nguyễn Thị Ngọc Bạch (40 tuổi), con trai Nguyễn Hoài Đức (3 tuổi) và em trai của chị Bạch. Vụ tai nạn khiến, bé Hoài Đức bị chấn thương nặng ở đầu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Quan sát tại hiện trường, năm chiếc xe máy bị hư hỏng nặng, trong đó một chiếc bị cuốn vào gầm chiếc xe gây tai nạn. Căn nhà bị ô tô tông vào sập phần phía trước; nhiều đồ đạc, tài sản hư hỏng nghiêm trọng.  Phần đầu chiếc ô tô gây tai nạn bị biến dạng hoàn toàn.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng công an quận 8 có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc theo quy định.

Trộm cắp, đốt nhà phi tang


Sau khi trộm cắp nhiều tài sản, tên đạo chích đã châm lửa đốt nhà của nạn nhân để xóa dấu vết.

Ngày 26/2, Công an TP Pleiku đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Mai Ánh Ngọc (24 tuổi) ở xã Gào, TP Pleiku về hành vi trộm cắp và hủy hoại tài sản.

Theo điều tra, lợi dụng lúc gia đình anh Trần Văn Chỉnh (39 tuổi), trú ở làng C, xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai đi vắng, Mai Ánh Ngọc đã đột nhập vào chòi rẫy trộm cắp 1 máy cắt cỏ, 11 bao phân bón các loại, 120 lít dầu diesel và nhiều tài sản khác đem bán lấy tiền tiêu xài.

Sau khi gây án, Mai Ánh Ngọc đã châm lửa đốt nhà của nạn nhân để xóa dấu vết.

14:35 ngày 27 tháng 02 năm 2015
Theo Báo Công an Nhân dân

Nhiều nghi ngại về dự án xây phi trường Long Thành

HÀ NỘI (NV) - Ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải Việt Nam vừa cho biết, sau khi tính toán lại, dự án xây dựng phi trường Long Thành chỉ cần... 15.8 tỷ Mỹ kim.


Một đoàn công tác lien bộ khảo sát về khu vực dự kiến xây dựng phi trường Long Thành. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trước đây, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam xin đến 18.7 tỷ Mỹ kim để thực hiện dự án xây dựng phi trường Long Thành. Sau khi dự án này bị nhiều giới phản đối vì tính khả thi thấp, chi phí quá cao trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ nần chồng chất, cơ quan này “tính toán lại” và chi phí đầu tư cho phi trường Long Thành bớt đi ... 2.9 tỷ Mỹ kim!

Ông Thăng giải thích, sở dĩ vốn đầu tư cho việc xây dựng phi trường Long Thành bớt đi được 2.9 tỷ Mỹ kim vì việc mức độ chính xác của các tính toán trước đó “chưa cao.” Quy mô của dự án cũng đã được tính lại và nay, dự án xây dựng phi trường Long Thành chỉ cần 2,750 héc ta đất chứ không cần thu hồi đến 5,000 hécta đất như trước.

Dẫu chi phí đầu tư cho dự án xây dựng phi trường Long Thành đã giảm, song Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam vẫn tỏ ra nghi ngại về dự án này khi nghe ông Thăng “báo cáo bổ sung về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.”

Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam, cho rằng, cần cân nhắc thật kỹ xem dự án xây dựng phi trường Long Thành có cần thực hiện ngay hay không, trong bối cảnh, đường cao tốc Bắc-Nam chưa đủ tiền để hoàn thiện, hệ thống đường sắt thì lạc hậu, cần phải làm lại.

Ông Hiển cũng nói thêm là cần làm rõ về cơ chế tài chính cho dự án xây dựng phi trường Long Thành. Đó là cấp vốn không hoàn lại hay là cấp vốn cho doanh nghiệp kinh doanh? Vay vốn ODA để cấp hay để cho vay lại? Chưa kể những khoản mà tổng công ty Hàng Không Việt Nam vay thì chính phủ Việt Nam có phải bảo lãnh hay không? Việc quản lý các nguồn vốn và cách thu hồi vốn sẽ là thế nào?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tổng công ty Hàng Không Việt Nam, Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam và chính phủ Việt Nam vẫn cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục Quốc Hội Việt Nam chấp thuận cho thực hiện dự án xây dựng phi trường Long Thành, kể cả dối trá!

Hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái, đại diện Đại Sứ Quán Nhật tại Hà Nội khẳng định với BBC rằng, thông tin về việc Nhật cam kết cho vay 2 tỷ Mỹ kim để xây phi trường Long Thành là “sai sự thật.”

Kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành được soạn thảo cách nay khoảng 10 năm, sau khi có dự đoán rằng, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020. Khi hoàn thành, phi trường Long Thành sẽ có bốn phi đạo, công suất 100 triệu hành khách mỗi năm, gấp bốn hoặc năm lần công suất của phi trường Tân Sơn Nhất, có thể thay thế hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất và trở thành phi trường trung chuyến cho các chuyến bay quốc tế qua khu vực Đông Nam Á và giúp tăng nguồn thu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mong muốn vừa kể khó khả thi, bởi lâu nay, những phi trường ở Thái Lan và Singapore đã được các hãng hàng không quốc tế chọn làm điểm trung chuyển.

Chưa kể những phi trường hiện có tại Việt Nam như Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh vốn đã là phi trường quốc tế, các hãng hàng không có thể sắp xếp để phi cơ của họ bay thẳng tới đó, họ sẽ không cần phi trường Long Thành như một điểm trung chuyển nữa.

Ngoài ra, theo một báo cáo của tỉnh Đồng Nai, nếu thu hồi 5,000 héc ta đất cho dự án phi trường Long Thành, chính quyền sẽ phải thu hồi đất của 5,400 gia đình, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sinh kế của 17,000 người.

Bên cạnh đó, do chi phí quá lớn (tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án ngốn hơn 18 tỷ Mỹ kim), việc xây dựng phi trường Long Thành sẽ khiến nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.

Bất chấp ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và kinh tế, hồi đầu tháng 10 năm ngoái, chính phủ Việt Nam vẫn chấp thuận dự án xây phi trường Long Thành.

Tuy nhiên khi thay mặt chính phủ Việt Nam trình bày dự án xây dựng phi trường Long Thành với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam, ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải, không thuyết phục được ủy ban này về nguồn tiền và tính hiệu quả của dự án khi sẽ phải lấy một khoản tiền lớn từ ngân sách và vay một khoản không nhỏ từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong bối cảnh nợ nần của Việt Nam đang tăng nhanh và ngân sách mất cân đối nghiêm trọng vì thất thu.

Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam nhấn mạnh sự lo ngại về việc chính phủ Việt Nam chưa làm rõ sẽ tìm từ đâu nguồn tiền khổng lồ để thực hiện dự án.

Sau đó đến trung tuần tháng 10, ông Phạm Quý Tiêu, thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải, chủ động thông tin cho báo giới rằng, dự án phi trường Long Thành là một hình thức “đảm bảo khẩn nguy về an ninh hàng không” thành ra “nhà nước phải đầu tư.” Cũng vì vậy, phải vay vốn. Về nguồn vay, ông Tiêu “tiết lộ,” Nhật đã “cam kết” cho Việt Nam vay 2 tỷ Mỹ kim để xây dựng phi trường Long Thành. Ông Tiêu bảo là “cam kết” đó được Nhật đưa ra từ cuối năm ngoái khi thủ tướng Việt Nam gặp Thủ tướng Nhật. “Nhật quan tâm và sẽ dành 2 tỷ mỹ kim chi dự án phi trường Long Thành.”

Ngay sau đó, ông Hayashi Hiroyuki, bí thư thứ nhất phụ trách về việc cho vay vốn của Đại Sứ Quán Nhật tại Việt Nam, khẳng định, Nhật chưa có quyết định nào về khoản đầu tư vào phi trường Long Thành nên “chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam.” (G.Đ)

02-27- 2015 4:58:24 PM

'Jihadi John,' từ một sinh viên trở thành kẻ giết người tàn bạo

Trong số hàng ngàn người bị tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo tàn sát trong vòng gần một năm vừa qua, có khoảng 200 người bị hành quyết theo cách man rợ là chặt đầu. Hầu hết các nạn nhân này là dân Syria, Iraq, Afghanistan,... không phải dân Âu Mỹ nên dư luận quốc tế ít biết đến vì hình ảnh nếu có được phổ biến chỉ bằng tiếng Á Rập.

 
Sau khi Washington Post và BBC công bố tên của Jihadi John, kẻ cầm dao cắt đầu các con tin của IS, truyền hình Sky News ở Anh đưa ra hình ảnh đầu tiên của Mohammed Emwazi lúc còn là sinh viên và khi làm một tên khủng bố tàn bạo. (Hình AP/Sky News)

“Đao phủ thủ” bịt mặt cầm dao trong các đoạn băng video rùng rợn do IS công bố, với cái tên “Jihadi John” do các con tin đặt ra, xuất hiện lần đầu tiên tháng 8 năm ngoái khi giết một con tin là nhà báo Mỹ James Foley. Sau đó người ta lại thấy đao phủ này trong những vụ hành hình nhà báo Mỹ Steven Sotloff, và các nhân viên cứu trợ Anh David Haines, Alan Henning -  Mỹ Abdul-Rahman Kassig - Nhật Kenji Goto Jogo,  Haruna Yakawa.

Hôm Thứ Năm, cả thế giới biết tên tuổi của Jihadi John là Mohammed Emwazi, công dân Anh gốc Kuwait, qua sự loan tin của báo Washington Post và kế đó là đài BBC. Các cơ quan an ninh Anh, Mỹ  từ lâu đã tìm ra lý lịch của Jihadi John nhưng không công bố trong khi còn cần theo dõi điều tra. Theo đài truyền hình Channel 4 ở Anh, FBI đã biết Jihadi John là ai từ tháng 9 năm ngoái, và hiện nay không có người dân Mỹ nào bị IS bắt làm con tin, cho nên Hoa Kỳ cũng không cần thiết phải giấu kín tên Jihadi John.

Tổ chức nhân quyền CAGE, trụ sở ở London, nói rằng một phóng viên của Washington Post đã tiếp xúc với họ đầu tuần này và đã tìm ra Mohammed Emwazi. CAGE là tổ chức nhân quyền bênh vực cho những dân Hồi Giáo gặp khó khăn với các cơ quan chính quyền do vấn đề chống khủng bố.Theo Washington Post, bạn bè và những người quen biết xác định rằng tên khủng bố cầm dao cắt đầu các con tin “có những nét rất giống với Emwazi”, tuy nhiên họ không thể nào chắc chắn 100% vì đầu che kín chỉ thấy hai con mắt.

Asim Qureshi, giám đốc nghiên cứu của CAGE, xác nhận rằng Emwezi đã có những tiếp xúc với tổ chức trong một khoảng thời gian hai năm về vấn đề “quấy rầy” của MI5, cơ quan anh ninh và phản tình báo quốc nội Anh. MI6 là cơ quan mật vụ và tình báo phụ trách vấn đề ngoại quốc. Báo Washingon Post dẫn lời Qureshi nói có tiếp xúc trước khi Emwazi qua Syria. Hôm Thứ Năm CAGE đưa ra một thông cáo hạ thấp vai trò của Qureshi trong sự nhận diện Emwazi.

Mohammed Emwazi sinh năm 1988 ở Kuwait, tới 6 tuổi qua London, sống tại Queen's Park phía Tây Bắc thành phố,  khu nhà của những gia đình khá giả chứ không phải dân nghèo khó. Emwazi  lớn lên và được giáo dục ở Anh, tốt nghiệp đại học Westminster University năm 2009 ngành thảo chương trình điện toán. Trong cuốn băng video hành quyết nhà báo Mỹ, người ta đã nhận thấy Jihadi John nói tiếng Anh với giọng rất chuẩn.

Tháng 8 năm 2009, Emwazi tới Dar-es-Salaam, Tanzania, với mục đích nói là đi xem thú rừng Phi Châu cùng các bạn, nhưng bị chặn lại ở phi cảng và bị bắt đưa về Amsterdam, Hòa Lan. Tại đây một nhân viên MI5 thẩm vấn và tố giác Emwazi định đi Somalia gia nhập nhóm khủng bố al-Shabaab. Trở về Anh, Emwazi là đối tượng bị theo dõi và MI5 báo cho biết rằng anh có tên trong danh sách khủng bố không được phép đi tới bất cứ một quốc gia Hồi Giáo nào. Emwazi nạp đơn lên cơ quan Independent Police Complaints Commission khiếu nại về sự đối xử này và đây chính là thời gian anh bắt đầu tiếp xúc với CAGE nhờ can thiệp.

Cũng có nguồn tin nói rằng MI5 muốn tuyển dụng Emwazi nhưng anh từ chối và sau đó đã bị MI5 thẩm vấn hay tạm giữ hàng chục lần. Tiếp đó Emwazi chuyền sang Kuwait và xin được việc làm ở một hãng computer. Tháng 6 năm 2010 trở về thăm London, Emwazi lại bị các viên chức chống khủng bố bắt và không cho phép trở lại Kuwait nữa.

Theo tờ USA Today, Emwazi đã trở thành một phần tử  quá khích và đi theo con đường của các nhóm chiến binh tàn bạo vì liên tục bị làm rầy trong cuộc sống bởi các cơ quan an ninh, mà theo anh chỉ vì một lý do là dân Hồi Giáo. Các bạn của Emwazi tin rằng anh  có tư tưởng cực đoan là do vụ Tanzania. Nhưng Channel News 4 nói các giới chức an ninh biết anh đã được tiêm nhiễm tư tưởng quá khích từ khi còn ở trường đại học.

Khi về London và bị cấm trở lại Kuwait, trong các e-mail gởi cho CAGE, Emwazi than phiền rằng cảm thấy sống như tù nhân, mất việc làm ở Kuwait và người bạn gái ở đây hủy bỏ cuộc đính hôn.

Trong buổi họp báo hôm Thứ Năm, Qureshi của CAGE cho rằng: “Khi chúng ta coi một cá nhân như người ngoài thì đương sự sẽ cảm thấy xa lạ với xã hội ấy và tìm tới một hướng khác”. Nhưng Sir John Sawers, giám đốc MI6 từ 2009 đến 2014 bác bỏ lập luận cho rằng các cơ quan an ninh đóng một vai trò trong việc đẩy những người như Emwazi từ một sinh viên bình thường trở thành phần tử quá khích.

Năm 2013, Emwazi đổi tên thành Mohammed al-Ayan tìm cách trốn sang Kuwait một lần nữa nhưng không thành công. Ba tuần lễ sau cơ quan an ninh Anh ghi nhận Emwazi biến mất và 4 tháng sau cảnh sát báo cho gia đình biết Emwazi đang ở Syria. Có lẽ Emwazi đã đi qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không rõ Emwazi gia nhập IS từ khi nào và mau chóng trở thành một phần tử quan trọng trong các chiến binh Jihad của tổ chức quá khích này ra sao. Người ta cũng không biết nhiều về gia đình Emwazi vì họ từ chối yêu cầu phỏng vấn của Washington Post, viện lý do khuyến cáo về mặt pháp lý của các luật sư.

Emwazi thuộc một nhóm thanh niên ở West London đã bí mật sang Syria trong thời gian 2012. Các cơ quan an ninh Anh chó biết khoảng 600 công dân Anh đi theo các nhóm chiến binh quá khích ở Trung Đông và nhiều người đến nay đã chết. Channel 4 News hôm Thứ Sáu thực hiện một phóng sự về sự liên hệ của khu vực Tây-Bắc London với những phần tử khủng bố.

Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc từ chối không xác nhận và cũng không phủ nhận người bịt mặt trong cuốn băng hành quyết con tin của IS có những điểm giống với một người ở London. Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder trong cuộc phòng vấn của ABC News tuyên bố Hoa Kỳ “vẫn đang tìm cách bắt sống hay hạ sát Jihadi John, kẻ phải chịu trách nhiệm về những tội ác man rợ”.

Tờ Telegraph tại Anh dẫn lời một nữ phát ngôn viên của Thủ Tướng David Cameron: “Chúng tôi không thể xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến tình báo. Nhưng như Thủ Tướng đã khẳng định, chúng tôi quyết tâm đưa kẻ phạm tội ác ra trước pháp luật”. Được hỏi thêm rằng Downing Street, phủ thủ tướng Anh, có quan tâm gì về việc tên của Jihadi John bị tiết lộ, bà nói: “Tôi không thể đi vào chi tiết cuộc điều tra của cảnh sát và cơ quan an ninh. Chúng tôi để họ làm việc bằng bất cứ cách nào bắt được tội phạm và bảo vệ an ninh cho dân chúng”.

Theo Telegraph, dù MI5 và FBI đã biết rõ lý lịch Jihadi John từ tháng 9 nhưng không tiết lộ vì sự an toàn của các con tin và vì ngại gia đình Emwazi có thể bị trả thù.
02-27- 2015 6:23:18 PM
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov bị bắn chết

Tùng Dương-08:12 ngày 28 tháng 02 năm 2015
TPO - Bộ Nội vụ Nga vừa xác nhận cái chết của một người đàn ông có tên Boris Yefimovich Nemtsov tại trung tâm Thủ đô Moscow vào đêm qua (27/2). Nghi phạm đã nã đạn liên tiếp vào Boris Nemtsov khi ông này đang đi bộ dọc cầu Bolshoi Moskvoretsky.

Lãnh tụ đối lập Boris Yefimovich NemtsovLãnh tụ đối lập Boris Yefimovich Nemtsov
Hãng Lenta dẫn nguồn tin từ các cơ quan chức năng Liên bang Nga cho biết, nạn nhân là lãnh tụ đối lập Boris Yefimovich Nemtsov, 55 tuổi, từng là phó Thủ tướng trong chính phủ Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsi.
Ủy ban điều tra Liên bang Nga rạng sáng nay (28/2) cũng xác nhận cái chết trên và cho biết họ đang mở cuộc điều tra hình sự.
Một nguồn tin giấu tên từ cơ quan điều tra Nga cho biết, một người ngồi trên chiếc xe ô tô đã nã đạn liên tiếp vào Boris Nemtsov khi ông này đang đi bộ dọc cầu Bolshoi Moskvoretsky.
Nemtsov bước lên vũ đài chính trị Nga khi trở thành người đứng đầu khu vực Nizhny Novgorod ở miền Trung nước Nga.
Ông trở thành phó Thủ tướng Nga vào những năm 1990 dưới thời chính quyền Boris Yeltsin, và được xem là một ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của Liên bang Nga.
Rời quốc hội năm 2003 sau khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga, Boris Nemtsov hỗ trợ việc thành lập vài đảng phái đối lập và thường xuyên lên án chính quyền đương nhiệm cũng như chính sách của điện Kremlin.
Boris Nemtsov hiện là thành viên của hội đồng thành phố Yaroslavl, gần Moscow, và kể từ năm 2012, ông là đồng chủ tịch của Đảng Cộng hòa Nga – Đảng Tự do nhân dân (RPR-PARNAS).
Cái chết của ông Nemtov diễn ra ngay trước một cuộc diễu hành lớn sắp diễn ra vào ngày 1/3.
Hiện trường cựu Phó thủ tướng Nga bị bắn chết
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngay lập tức ra thông báo chỉ trích vụ giết người tàn bạo này, đồng thời chỉ đạo thành lập một ủy ban điều tra vụ việc hoạt động song song với các cơ quan thực thi pháp luật của Nga.
Cùng ngày, Mỹ cũng lên án vụ sát hại chính trị gia Boris Nemtsov và kêu gọi các nhà chức trách Nga tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, khách quan và minh bạch đối với tội ác này.
Theo Lenta/Sputnik

Bỏ Trung Quốc, Microsoft sẽ chuyển nhà máy về Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Nhận thấy tập đoàn Samsung mở nhà máy sản xuất điện thoại di động khá thuận lợi với nhiều ưu đãi từ nhà cầm quyền, tập đoàn Microsoft tuyên bố sẽ bỏ Trung Quốc sang Việt Nam. 


Trụ sở tập đoàn Microsoft tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Hình: Vietnam Plus)

Trang Vietnam Plus dẫn tin từ trang mạng thời báo Seattle (Seattletimes) đăng ngày 27 tháng 2, cho biết, trước đó một ngày người phát ngôn của tập đoàn Microsoft, Hoa Kỳ khẳng định, vào tháng 3, 2015, tập đoàn này sẽ đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Kinh và thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc, mà họ mua được từ hãng điện thoại Nokia.

Với việc đóng cửa hai nhà máy trên, tập đoàn Microsoft sẽ loại bỏ 3/6 cơ sở sản xuất điện thoại trọng yếu mà Microsoft mua được hồi tháng 4, 2014 trong thương vụ trị giá $7.5 tỷ từ hãng điện thoại Nokia của Phần Lan.

Hồi tháng 7, 2014, ông Stephen Elop, người đứng đầu chi nhánh kinh doanh thiết bị của Microsoft cho hay, tập đoàn này đang chọn Hà Nội làm địa điểm xây dựng nhà máy mới nhất mà họ đã mua được trong thỏa thuận với Nokia.

Ông Elop nhấn mạnh, khâu chính trong quy trình sản xuất điện thoại của tập đoàn này sẽ được tập trung tại Hà Nội, Việt Nam. (Tr.N)

02-27- 2015 2:35:04 PM

Việt Nam đề phòng khi Trung Quốc nói 'Biển Đông nhiều cá'

HÀ NỘI (NV) - Từ 26 tháng 2, các kiểm ngư viên của Việt Nam sẽ được trang bị thêm nhiều phương tiện cá nhân vốn chỉ dành cho lực lượng cảnh sát cơ động và quân nhân.


Một trong hai con tàu trị giá 50 triệu Mỹ kim/tàu được cấp cho lực lượng kiểm ngư hồi tháng 8 năm ngoái. (Hình: Giao Thông)

Kiểm ngư là lực lượng dân sự do Cục Kiểm Ngư của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn chỉ huy. Mới đây, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Bộ Công An Việt Nam đã ký kết một thông tư lien tịch nhằm tăng trang bị cá nhân cho kiểm ngư viên.

Theo đó, kiểm ngư viên sẽ được trang bị thêm mũ chống đạn, áo giáp, khiên, còng, các loại dùi cui (cao su, kim loại, điện), các loại lựu đạn (khói, cay), các loại súng bắn đạn cao su, đạn hơi cay. Chưa kể lực lượng kiểm ngư được trang bị thêm thiết bị lặn, thiết bị dò chất nổ, đèn pha công suất lớn, vòi rồng.

Việc tăng trang bị cá nhân cho lực lượng kiểm ngư diễn ra ngay sau khi một số cơ quan nghiên cứu hải dương của Trung Quốc công bố kết quả thăm dò về trữ lượng cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nằm trong khoảng từ 73 đến 173 triệu tấn. Còn tại khu vực quần đảo Trường Sa, con số này khoảng 1,8 triệu tấn mà 500,000 tấn trong số đó có thể khai thác ngay. Chưa kể tại khu vực quần đảo Trường Sa có khoảng 20 loại cá quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã biến kiểm ngư thành lực lượng có vũ trang. Ngoài các loại vũ khí trang bị cho cá nhân (súng ngắn, tiểu liên), các tàu kiểm ngư còn có trung liên, đại liên.

Trước đó, lực lượng kiểm ngư của Việt Nam chỉ “tuyên truyền, bảo vệ pháp luật trên biển.”

Trong cuộc đối đầu giữa lực lương thi hành công vụ của Việt Nam với cảnh sát biển và kiểm ngư Trung Quốc, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7, các tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam thường xuyên bị các tàu của Trung Quốc rượt đuổi, đâm vào hông, vào mũi, tấn công bằng vòi rồng.

Theo một thống kê do lực lượng kiểm ngư của Việt Nam công bố hồi cuối tháng 6 năm ngoái, trước khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa khoảng nửa tháng thì chỉ trong hai tháng đối đầu, có tám tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam bị hư hại nặng: Vỡ kiếng, mất antenna - mất liên lạc, vỏ tàu bị móp, thủng. Ngoài ra còn có ba kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương ở các mức độ khác nhau vì vòi rồng.

Đó cũng là lý do chính quyền Việt Nam đầu tư thêm tàu cho lực lượng kiểm ngư. Trong hai tháng sáu và bảy năm ngoái, công ty đóng tàu Hạ Long của Việt Nam đã hạ thủy hai con tàu, mỗi tàu trị giá 50 triệu Mỹ kim và cả hai con tàu đã được chuyển cho lực lượng kiểm ngư.

Cả hai con tàu vừa kể được đóng theo thiết kế của tập đoàn đóng tàu Damen - Hà Lan. Mỗi tàu dài 90 mét, rộng 14 mét, cao 7 mét, có bãi đáp trực thăng, với 4 máy, công suất 12.000 mã lực, tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, có thể hoạt động trong phạm vi 5,000 hải lý, có thể chịu được sóng từ cấp 9 đến cấp 12.

Theo báo chí Việt Nam, hai tàu, một mang số hiệu KN 781, một mang số hiệu KN 782 là những con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Mỗi tàu được trang bị hai súng bắn nước có tầm hoạt động lên đến 150 mét và hệ thống LRAD. LRAD là hệ thống âm thanh do tập đoàn LRAD ở Hoa Kỳ sản xuất, vừa có thể dùng để phát các thông báo, vừa có thể dùng để tấn công bằng âm thanh như một loại vũ khí phi sát thương.

Cũng hồi đầu tháng 7 năm ngoái, thủ tướng Việt Nam loan báo thêm là sẽ trích 11,500 tỷ trong số 16,000 tỷ, từng được loan báo là sẽ dùng hỗ trợ ngư dân, để đóng 32 tàu cho cảnh sát biển và kiểm ngư. Theo đó, khoản tiền dành cho ngư dân đổi tàu vỏ gỗ thành vỏ sắt chỉ còn 4,500 tỷ.

Việc điều chỉnh cách thức sử dụng 16,000 tỷ được cho rằng vẫn bảo đảm mục đích của gói hỗ trợ. Đó là nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền, vừa bảo vệ sự an toàn của ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.

Báo chí Việt Nam giải thích nỗ lực trang bị thêm tàu cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam và vũ trang cho lực lượng này nhằm “tăng cường khả năng cho lực lượng chấp pháp trên biển trước chính sách xâm lấn chủ quyền quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.” (G.Đ)

02-27-2015 4:06:18 PM

Cà Mau: Một cán bộ xã bị cho thôi việc vì “ém” tiền vận động xã hội hóa

Dân trí Ngày 27/2, nguồn tin từ chính quyền địa phương xã Tân Lộc Đông cho biết, đơn vị này vừa kỷ luật đối với một cán bộ xã với hình thức cho thôi việc.

Vị cán bộ nói trên tên Nguyễn Thị Nga là cán bộ hộ tịch xã. Bà Nga bị buộc cho thôi việc về hành vi vận đồng tiền xã hội hóa của người dân rồi bỏ túi riêng.
Trước đó, nhiều người dân địa phương đã đến gặp ông Trần Chí Cường (Chủ tịch UBND xã) phản ánh hành vi nói trên của bà Nga. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, lãnh đạo xã đã thành lập tổ kiểm tra, xác định phản ánh của người dân là đúng sự thật.
“Khi thành lập tổ kiểm tra, bà Nga kiên quyết không thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, Tổ làm việc gồm có 4 thường trực của xã đã xác định phản ánh của người dân là đúng sự thật. Nhưng bà Nga vẫn không thừa nhận sai phạm nên lãnh đạo xã đã phải áp dụng hướng xử lý kỷ luật với hình thức cho thôi việc”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, do bà Nga là cán bộ hợp đồng, không phải công chức nên lãnh đạo xã đã ra thông báo cắt hợp đồng và đã có báo cáo đến Phòng Nội vụ huyện Thới Bình. 
Thứ Sáu, 27/02/2015 - 11:08
Tuấn Thanh

Dẹp chợ, công an xã lạm quyền còng dân, cấm khách

HẢI PHÒNG (NV) - Lộng quyền, để dẹp chợ tự phát, công an xã Trường Thành đã còng tiểu thương như tội phạm. Chưa hết, khách mua hàng cũng bị cấm không được mua.


Công an xã Trường Thành ngăn cản người mua hàng dù các tiểu thương đã dời vào bán bên trong nhà. (Hình: Kiến Thức)

Theo báo Kiến Thức vào chiều 25 tháng 2, ông Nguyễn Duy Miện, chủ tịch xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng thừa nhận, lực lượng công an xã này có khống chế và còng tay bà Nguyễn Thị Thước bằng còng số 8. Đồng thời, công an xã có lập hành lang trước cửa nhà ông Long để cấm người dân đỗ xe mua hàng, nơi bà Thước, bà Xinh và bà Thu bán hàng, lúc đi dẹp chợ tự phát (chợ lề đường) tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thước (34 tuổi), trú thôn Ngọc Chử, xã Trường Thọ, An Lão, người bị công an xã còng tay bằng còng số 8 kể lại, “Tôi có bán hàng rau trước cửa nhà ông Đặng Văn Long, thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành, An Lão. Trước Tết khoảng 1 tháng, xã Trường Thành thông báo cấm bán hàng trên vỉa hè, tôi đã tuân thủ nên đã cùng chị Hoàng Thị Xinh và Lê Thị Thu thuê địa điểm nhà ông Long để tiếp tục bán hàng mà không vi phạm những quy định của địa phương.


Bà Nguyễn Thị Thước, người bị công an xã còng tay khi dẹp chợ. (Hình: Kiến Thức)

Thế nhưng, chiều ngày 16 tháng 1, 2015 công an xã Trường Thành vào tận trong nhà ông Long thu giữ toàn bộ số hàng hóa là rau, củ rồi ném ra đường và đập phá toàn bộ số hàng tôi đang bán.

Trong lúc phản ứng để bảo vệ tài sản của mình, tôi bị 4 công an khống chế. Một người phụ nữ túm tóc tôi giật ngược ra đằng sau. Một người lấy còng số 8 xích tay tôi lại.

Người dân địa phương khi chứng kiến vụ việc đã bất bình quay lại clip lực lượng công an xã Trường Thành khống chế người dân rất hung bạo.

Tuy nhiên, khi phóng viên Kiến Thức hỏi về việc công an xã khống chế người dân bằng còng số 8 có biên bản gì không, ông Miện và cả ông Nguyễn Đức Nhuần, phó trưởng công an xã Trường Thành, đều cho biết không có biên bản hiện trường vụ việc này. “Vụ việc xảy ra gấp nên không thể có biên bản và không thể có thông báo trước được,” ông Nhuần chống chế. (Tr.N)

02-27- 2015 2:55:57 PM

Người mẫu bị bắt vì chửi công an

HÀ NỘI (NV) - Công an phường Hàng Buồm, thành phố Hà Nội, bắt giữ người mẫu, diễn viên Trang Trần để tiếp tục điều tra hành vi được cho là “lăng mạ và đạp cán bộ công an.”

Người mẫu, diễn viên Trang Trần bị bắt khẩn cấp về hành vi chống người thi hành công vụ. (Hình: VnExpress)


Báo điện tử VnExpress đưa tin, “Tối 27 tháng 2, cơ quan điều tra công an quận Hoàn Kiếm, bắt khẩn cấp Trần Thị Trang (30 tuổi), tức diễn viên, người mẫu Trang Trần để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.”

Báo này dẫn lời ông Phạm Trung Thành, trưởng công an phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm cho biết, “Đêm 26 tháng 2, Trang Trần cùng một người bạn đi taxi từ phố Ngô Văn Sở về khách sạn. Khi đến phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, tài xế đi vào đường ngược chiều nên bị công an phường Hàng Buồm chặn xe, kiểm tra giấy tờ.”

“Các giới chức yêu cầu tài xế về trụ sở công an làm việc. Tuy nhiên, lúc này Trang Trần bước ra khỏi xe taxi đã phản ứng và xảy ra tranh cãi. Cô được cho là tỏ thái độ bất hợp tác, coi thường và có lời lẽ lăng mạ, thậm chí còn đạp vào cán bộ công an phường Hàng Buồm đang thi hành nhiệm vụ.”

Vẫn theo VnExpress, “Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an đã yêu cầu Trang Trần và những người liên quan về trụ sở để làm việc. Tại trụ sở công an phường, người mẫu này tiếp tục chửi các cán bộ công an. Hành vi này đã được ghi lại trong một đoạn clip dài hơn một phút.”

Theo phóng viên VnExpress, chiều 27 tháng 2, có một số người mẫu, diễn viên và bạn bè của Trang Trần có mặt ở trụ sở công an phường Hàng Buồm để hỏi han tình hình, đưa đồ ăn cho cô.

Trang Trần là người mẫu tự do và diễn viên. Cô ít khi trình diễn catwalk mà chỉ tham gia một vài show diễn của nhà thiết kế có mối quan hệ thân thiết. Năm qua Trang Trần khá nổi với vai nữ phụ trong phim Hương Ga. Cô cũng là chủ của một vài quán ăn khá đông khách ở Sài Gòn. (Tr.N)
02-27- 2015 3:17:31 PM 

Hà Nội: Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo thuốc trong trụ sở

(ĐSPL) - Trong lúc tiếp nhận thông tin về hiện tượng đèn chiếu sáng bất hợp lý xảy ra trên địa bàn, Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo hút thuốc, gây mất hình ảnh của một cán bộ nhà nước.
Đường sáng trưng giữa ban ngày
Gần đây, nhiều người dân qua lại khu vực đường Trung Văn, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc phản ánh về hiện tượng lãng phí điện chiếu sáng xảy ra trên địa bàn.
Theo phản ánh, mặc dù chưa đến thời gian phải thắp điện và trời cũng chưa tối nhưng gần một tháng qua nhiều cột đèn cao áp tại khu vực đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội) đã “trưng sáng”, trong khi nhà nước cùng người dân đang thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, thể hiện rõ qua chương trình “giờ Trái Đất”.
Theo người dân, hiện tượng trên không chỉ xảy ra một, hai lần mà kéo dài cả tháng trời nhưng không thấy có chuyển biến.
Hà Nội: Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo thuốc trong trụ sở - Ảnh 1
Hà Nội: Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo thuốc trong trụ sở - Ảnh 2

Dãy đèn cao áp sáng trưng giữa ban ngày trên đường Trung Văn.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn phường này vào ngày 24/2, trong khoảng thời gian từ 16h10 đến gần 16h40 vào mỗi buổi chiều hàng ngày các bóng đèn cao áp ở đây đã được bật sáng trưng. Ngoài ra nhiều bóng đèn cao áp chạy xung quanh khu đô thị Trung Văn (gần đoạn đường) cũng được bật sáng giữa ban ngày, một số bóng đèn lại bị tắt nằm xen kẽ với các bóng đang chiếu sáng làm cho người đi đường cảm thấy khó hiểu.
Chủ tịch, phó chủ tịch liên tục vắng mặt vì lễ hội?
Trước sự việc xảy ra PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ tới lãnh đạo UBND phường Trung Văn để thông tin, thế nhưng liên tục trong hai ngày 25 và 26/2/2015, cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch UBND phường này đều vắng mặt tại trụ sở.
Lúc 14h chiều 26/2, có mặt tại trụ sở phường Trung Văn, PV ghi nhận việc vắng mặt của Chủ tịch lẫn 2 vị Phó chủ tịch phường này. Trong khi phòng Chủ tịch phường khóa kín cửa thì phòng 2 phó chủ tịch dù mở cửa nhưng cũng không có người.

Hà Nội: Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo thuốc trong trụ sở - Ảnh 3

Ảnh chụp lúc 14h20, phòng mở cửa - bật điện nhưng Phó chủ tịch vắng mặt.

Đến gần 14h20, thông qua điện thoại một nhân viên, ông Nguyễn Tùng Lâm  - Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết đang vắng mặt vì bận đi dự lễ hội trên địa bàn.
Đến 17h ngày 26/2, tiếp PV trong phòng làm việc, ông Lâm cho biết, không có người dân phản ánh xã cũng không ghi nhận tình trạng này. Sau đó, qua hình ảnh người dân cung cấp, ông này cho hay nơi xảy ra hiện tượng trên là khu đô thị đang xây dựng không thuộc trách nhiệm của phường.
Ông Lâm cũng cho hay, lý do lãnh đạo phường vắng mặt là vì tại phường có lễ hội nên tất cả phải đi dự. Sau đó, phải tổ chức họp, kỉ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam.
Phì phèo điếu thuốc tại trụ sở công
Lúc 17h tại phòng Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn, ông Lâm thản nhiên châm thuốc hút và ngồi trao đổi với PV về vấn đề người dân phản ánh.
Hà Nội: Phó Chủ tịch phường Trung Văn phì phèo thuốc trong trụ sở - Ảnh 4

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch phường Trung Văn hút thuốc ngay tại phòng làm việc (trụ sở cơ quan nhà nước).

Việc ông Lâm hút thuốc lá trong phòng làm việc đã vi phạm Điều 11 - Luật số 09/2012/QH13 của Quốc hội (Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá) quy định Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
Theo khoản 2, điều 11: “2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: a) Nơi làm việc; b) Trường cao đẳng, đại học, học viện; c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này. 3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.” Như vậy, hành động của ông Lâm đã vi phạm điều Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Với cương vị là lãnh đạo của phường, thế nhưng ông Lâm lại ngang nhiên vi phạm luật.
Ngoài ra, lý do vị lãnh đạo phường đi vắng, tham dự lễ hội cũng cần phải làm rõ.
Tại công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi tiếp tục thông tin vụ việc.
LÂM ANH

"Hòa hợp hòa giải": những âm mưu, những lòng Bến Hải, những nhịp cầu

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Theo nguyên tắc, chính phủ là do dân bầu ra để nhận lãnh trách nhiệm điều hành đất nước. Cá nhân, những tập hợp của một đảng chính trị nào không đáp ứng được mong đợi của người dân trong trọng trách này thì bị loại bỏ bằng lá phiếu. Đó là quan hệ cốt lỏi giữa dân và chính quyền. Do đó,không có chuyện "hòa hợp hòa giải" giữa người dân với một chính phủ, và lại càng không có chuyện đó với bất kỳ một đảng chính trị nào.

Mọi thông điệp, chủ trương "hòa hợp hòa giải" nào có bóng dáng một đảng cầm quyền, một nhà nước đang cai trị, kêu gọi hòa hợp với phía bị trị đều là một âm mưu chính trị mang tính mỵ dân và lừa đảo.

I. Âm mưu

1. Ngôn từ bị ăn cướp, ý niệm bị bôi đỏ

Cách mạng, giải phóng, đảng... dưới sự toàn trị của đảng CSVN sau nhiều thập niên đã không còn được cảm nhận theo những ý nghĩa nguyên thủy độc lập của nó. Tiến trình dài của sự nhân danh, lợi dụng, lạm dụng và khai thác những ngôn từ này cho mục tiêu chính trị riêng tư bởi đảng CSVN đã làm cho người ta dị ứng với những cụm từ vốn mang những ý nghĩa tốt đẹp.

Điều này cũng đã xảy ra với bốn chữ "hòa hợp hòa giải". Hòa hợp hòa giải đã được sử dụng cho một chiến dịch mị dân, chỉ đạo bởi Nghị Quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ban hành vào ngày 26 tháng 3 năm 2004

Ý niệm Hòa hợp hòa giải đã bị ăn cướp và sau đó bị hãm hiếp bởi đầu não đảng CSVN để đẻ ra một quái thai đẹp đẽ bên ngoài nhưng đầy dẫy tế bào ung thư bên trong mang tên "Hòa hợp Hòa giải Dân tộc".

2. Quyền sở hữu về ý niệm bị thuộc về đảng độc tài

Ngày hôm nay, rất nhiều người chỉ cần đọc, nghe đến bốn chữ "hòa hợp hòa giải"là thấy ngay bóng của búa, dáng của liềm và mưa sa trên màu cờ đỏ: đó là âm mưu của đảng CSVN. Điều này dễ hiểu và là một thái độ chính trị thực tiễn, dựa trên kinh nghiệm xương máu của nhiều năm tháng chứng kiến những trò lừa đảo không bao giờ ngưng nghĩ bởi chế độ.

Đã có hàng ngàn bài viết, bình luận, phân tích về Hòa hợp Hòa giải. Đa phần rơi vào "hệ quán tính" - paradigm khung suy nghĩ mà Bộ Chính trị đảng CSVN muốn:"Đảng" là chủ nhân, là người khởi xướng và là chủ thể chính trong "công cuộc" hợp và giải này.

Hệ quán tính đó phải được phá vỡ. Tình trạng ngôn từ bị cướp và chấp nhận bị cướp phải được chấm dứt. Triện son đóng dấu Bộ chính trị đảng CSVN phải được tẩy rửa ra khỏi ý niệm hòa hợp hòa giải. Có thế chúng ta mới bình thản trao đổi với nhau về việc  hay không nhu cầu của hòa hợp hòa giải, tính khả thi của nó mà không quy kết ngay lập tức: đây là âm mưu của đảng cầm quyền.

Vì thế, nhìn về tương lai, tiền đề cho thảo luận cần thiết cho hòa hợp hòa giải là lời mở đầu của bài viết này:

Chính phủ là do dân bầu ra để nhận lãnh trách nhiệm điều hành đất nước. Cá nhân, tập hợp của một đảng chính trị nào không đáp ứng được mong đợi của người dân trong trọng trách này thì bị loại bỏ bằng lá phiếu. Đó là quan hệ cốt lỏi giữa dân và chính quyền. Do đó, không có chuyện "hòa hợp hòa giải" giữa người dân với một chính phủ, và lại càng không có chuyện đó với bất kỳ một đảng chính trị nào. Mọi thông điệp, chủ trương "hòa hợp hòa giải" nào có bóng dáng một đảng cầm quyền, một nhà nước đang cai trị, kêu gọi hòa hợp với phía bị cai trị đều là một âm mưu chính trị mang tính mỵ dân và lừa đảo.

II. Mục tiêu và chủ thể của "Hòa hợp hòa giải" (HHHG) trong ngoặc kép

Nếu loại đảng độc tài ra khỏi phương trình "HHHG" thì còn lại những chủ thể nào trong bài toán này?

Đó là những nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị, cùng có một mục tiêu chung là xóa bỏ độc tài để xây dựng dân chủ.

"Hòa hợp hòa giải" (HHHG) trong tình hình của Việt Nam ngày hôm nay khác với bối cảnh của Nam Phi khi Nelson Mandela thiết lập thể chế dân chủ và có nhu cầu hàn gắn những xung đột giữa những sắc dân, giữa những nạn nhân của một chính sách kỳ thị chủng tộc kéo dài nhiều thập niên. Với Việt Nam trong bóng đêm độc tài ngày hôm nay, "HHHG" khó có thể khai triển theo nội dung Hòa hợp hòa giải Dân Tộc của Nam Phi sau khi đất nước họ bước vào ánh sáng dân chủ. "HHHG" của Việt Nam cần được nhìn như là một nhu cầu chính trịKết hợp để gia tăng sức mạnh của những thành phần bị trị có chung mục tiêu là muốn xóa bỏ ách cai trị độc tài của đảng CSVN.

Và đây là phương trình HHHG với những chủ thể, mục tiêu và đối tượng tranh đấu rõ ràng:

Bị trị A + Bị trị B + Bị trị C + Bị trị... = xóa bỏ độc tài cai trị của ĐCSVN

Tách bạch 2 vế giữa = thì bất kỳ hình bóng, thủ đoạn, âm mưu, tính toán, thông điệp nào có chủ thể nhà nước, đảng CSVN lọt vào vế bên trái phải được loại trừ. Đối tượng bị tấn công không thể nằm trong tập hợp của những người tấn công. Khi điều này xảy ra thì phương trình trên trở thành công thức thỏa hiệp để nuôi dưỡng hay cứu vãn vị trí cầm quyền của những kẻ độc tài.

III. Những nhịp cầu

Có được sự kết hợp của Bị trị A + Bị trị B + Bị trị C + Bị trị... hay không?

Ngày 19 tháng 1 năm 2014 một cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cầm cành hoa trắng khóc tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Bên cạnh ông có những cựu chiến binh khác đã một thời từ bên này chiến tuyến vượt dòng Bến Hải chĩa súng vào đồng đội của những người mà ngày hôm nay họ thắp nén nhang lòng tưởng niệm. Dưới tượng đài của đức Lý Thái Tổ, vọng về tiếng sóng Hoàng Sa, phảng phất anh linh của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa là những người đã từng là đảng viên cộng sản, những người phục vụ trong guồng máy của chế độ, những người sinh ra và lớn lên ở phần đất phía trên của vĩ tuyến 17.

Họ là những nhịp cầu nối liền phần nào những ngăn cách, những chia lìa, những rạn vỡ của một thời.

Chính họ, không ai khác, đã làm nên buổi Tưởng niệm những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngay tại thủ đô Hà Nội, trung tâm đầu não của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây, của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ.

Và dẫm đạp lên những nhịp cầu này vào ngày 19 tháng Giêng là những tên cắt đá, cắt lòng yêu nước. Phương trình "HHHG" đã được thể hiện phần nào trong ngày Tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa: Bên này là hình ảnh những người lính QĐND, những chiến sĩ VNCH đã chết hay còn sống; bên kia là hình ảnh của tập đoàn cộng sản bán nước - hèn với giặc, ác với dân.

Trong những ngày tết Giáp Ngọ, nhà văn Phạm Đình Trọng đứng trước bàn thờ của Đại úy Hạm phó Hải quân VNCH Nguyễn Thành Trí, thắp nhang gửi đến người lính từng ở bên kia chiến tuyến lời khấn nguyện. Nhà văn Phạm Đình Trọng từng là đảng viên đảng cộng sản với quân hàm đại tá trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhân dịp tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, blogger Phạm Thanh Nghiên - dù đang bị tù quản chế - vẫn thực hiện một loạt bài phỏng vấn, qua đó người ta đọc được những ân tình của bà Ngô Thị Hồng Lâm - ra đời năm 1957 tại Hà Nội - cái nôi cộng sản xã hội chủ nghĩa, từng là một cán bộ công tác chuyên ngành nghiên cứu lịch sử đảng; của ông Ngô Nhật Đăng - một cựu chiến binh QĐNDVN; của bà Nguyễn Thị Kim Chi - người đã vượt Trường Sơn vào chiến trường "giải phóng miền Nam" vào năm 1964 và được đảng và nhà nước CSVN phong tước hiệu Nghệ sĩ Ưu tú - về những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân bảo vệ biển đảo 40 năm về trước.

Ngày 22 tháng 1 năm 2014, Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời. Ông là đảng viên đảng cộng sản cho đến gần cuối đời. Người miền Nam xếp ông vào thành phần "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Tại chùa Xá Lợi, bao quanh quan tài của ông, người ta thấy những vòng hoa phúng điếu của Truyền thông và Văn phòng Công Lý & Hòa Bình Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, có nhạc sĩ Tô Hải, người đã từ lâu lên án ông Lê Hiếu Đằng đã giúp một tay cho xã hội Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đến tiễn ông Đằng lần cuối về bên kia thế giới.

Trong đám tang ông Lê Hiếu Đằng, bên cạnh những đảng viên cộng sản bây giờ lên án đảng và chống lại những sai trái của đảng, bên cạnh những blogger tranh đấu cho nhân quyền, những thành viên No-U Sài Gòn một lòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, những dân oan mất đất, có cả vòng hoa phúng điếu của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ - tên đế quốc xâm lược trước đây mà ông Đằng đã cùng với đảng cộng sản tranh đấu để đánh cho nó cút.

Như ở tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày 19 tháng Giêng với những tên cắt đá, hiện hữu giữa những kết nối của những người đang sống trong lần tiễn đưa người đã chết này là những tên giật băng rôn, cướp vòng hoa phúng điếu.

Dù muốn dù không, dù có xem hay không xem đó là "hòa hợp hòa giải" theo bất kỳ ý nghĩa nào, đã có những tấm ván nối với nhau thành nhịp cầu bởi một số người. Cho dù đá có bị cắt, hoa có bị cướp từ thành phần côn đồ mang thẻ đỏ, cho dù có sự không đồng tình, phản đối từ những người tin rằng không thể bắt tay nhau với những người không dứt khoát 100% theo quan điểm của mình, con số của phía bên này phương trình Bị trị A + Bị trị B + Bị trị C + Bị trị... sẽ mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là thực tế. Thực tế này là mối đe dọa to lớn cho tham vọng cai trị độc tôn và muôn năm của đảng CSVN.

IV. Những lòng Bến Hải

Điều gì xảy ra nếu mới ngày hôm qua, nhiều người sống ở bên này vĩ tuyến 17 cảm động đến rơi lệ theo hình ảnh người lính QĐND khóc cho những chiến hữu VNCH của mình dưới tượng đài Lý Thái Tổ, ngày hôm nay chợt thấy chân dung của Hồ Chí Minh treo trang trọng trong phòng khách của người bộ đội ấy?

Cũng giống như cách đây gần 2 năm, khi những người căm ghét mọi thứ thuộc về đảng cộng sản, trước đây ủng hộ cụ bà Lê Hiền Đức tranh đấu cho Dân Oan, sau đó đã có những phản ứng khác nhau khi nhìn chân dung của "Người" đã tặng cho bà cái tên Lê Hiền Đức được treo trong nhà của bà.

Cũng không bỏ qua được sự kiện nhiều người không chấp nhận và lên án ông Lê Hiếu Đằng lúc ông còn sống, đến lúc thi hài ông vẫn còn nằm ở chùa Xá Lợi về lời tuyên bố của ông với nội dung hàm ý đảng cộng sản ngày xưa tốt, bây giờ mới xấu, lý tưởng thời trai trẻ của ông là cao đẹp.

Và sẽ luôn có những người không chấp nhận ông Phạm Đình Trọng, cho dù ông có thắp ngàn nén nhang gửi đến anh linh những người lính miền Nam, cho dù ông viết cả trăm bài không thể chê vào đâu được như bài "Sự vỗ ngực kể công vô lối"mới đây... cho đến khi ông công khai viết bài lên án ông Hồ Chí Minh.

Cách nào để cùng cất bước đi trên con đường xóa bỏ, chấm dứt tội ác cùng với những người tôn thờ những thủ phạm của tội ác!?

Làm sao có thể nắm tay nhau khi tang thương cuộc đời của người này lại là hệ quả đến từ lý tưởng được cho là cao đẹp bởi người kia!?

Có thể nào một người dân xứ Huế tiếp hơi với những người đang lên tiếng tranh đấu cho sự thật, nhưng im lặng không nghe được một tiếng thở trước chiến dịch của đảng cộng sản bóp méo sự thật về tội ác Mậu Thân được trình bày qua phóng sự của đạo diễn Lê Phong Lan!?

Và tin nhau sao được trong viễn ảnh tương lai muốn đạt đến khi tương lai của người bạn đồng hành là ước mơ trở lại một thời nào đó có "đảng vinh quang", có những "người cộng sản chân chính", có những người lãnh đạo mà "tư cách" cả nước phải học, sống, chiến đấu theo gương!?

Đó là những lòng Bến Hải. Con sông với chiếc cầu Hiền Lương ấy đã không còn xẻ đất Mẹ làm hai nhưng lòng người sau hơn nửa thể kỷ vẫn mang nặng những nhánh sông khác biệt về quan điểm, nhận thức. Chính vì thế mà phương trình Bị trị A + Bị trị B + Bị trị C + Bị trị... = xóa bỏ độc tài cai trị của ĐCSVN tưởng chừng đơn giản, dễ dàng để giải nhưng thật sự là bài toán trầy da tróc vảy, sứt đầu bể trán với nhiều cuộc bút chiến, những lời lên án, những sỉ vả lẫn nhau giữa những người đang bị đảng cộng sản trói vòng kim cô màu đỏ lên đầu.

Làm thế nào để có thể chấp nhận được những khác biệt, những cái nhìn khác nhau về lý tưởng của đời tôi, đời bạn, đời anh, đời chị về những tội ác / công lao, về cha già / tội đồ dân tộc... để chúng ta có thể gầy dựng sức mạnh kết đoàn nhằm đối phó với cả một tập đoàn cai trị khổng lồ?

Câu hỏi chung nhưng những trả lời sẽ rất riêng.

V. Những con người phải sống cho tương lai

Để kết thúc bài viết này, xin gửi đến bạn đọc hình ảnh của một nhóm người. 

Họ rất trẻ. Có bạn, cha là cựu tù "cải tạo" miền Nam. Có bạn, bố đang là đảng viên cộng sản. Họ có mặt cùng nhau trong những lần biểu tình chống Tàu khựa. Họ kéo nhau đến đồn công an cứu người khi một bạn trong nhóm bị bắt. Họ đồng hành tặng quà tết cho dân oan. Họ rủ nhau thả thuyền hoa tưởng niệm các anh bộ đội hy sinh ở chiến trường Việt Trung vào mỗi tối 17 tháng Hai. Họ cùng nhau thắp nhang nhớ đến chú Ngụy Văn Thà và đồng đội của chú trong ngày 19 tháng Giêng. Họ đại diện nhau gặp Sứ quán nước ngoài để trao Tuyên bố 0258, cùng vận động ký tuyên bố của Công Dân Tự Do. Có bạn khi ngồi lại với nhau sau một ngày dài "đả đảo tàu khựa xâm lược" đã nâng ly chúc Minh râu sống mãi trong quần. Có bạn khi nhắc đến "cha già" vẫn luôn có Bác kính cẩn chống gậy đi trước, Hồ lẻo đẽo theo sau. Bạn này khi nói đến cuộc chiến trước 75 vẫn hồn nhiên với cụm từ "chiến tranh chống Mỹ chống Ngụy". Bạn kia khi nhắc đến các anh bộ đội - mà ngày hôm nay ai cũng nhận ra cũng là những thanh niên thiếu nữ phải trả giá thê thảm nhất cho đời mình trong sự nghiệp "ta đánh là đánh cho Trung Quốc, Liên Xô" của đảng cộng sản - bằng hồn nhiên câu nói của thời hậu 75 khi biểu tượng của người lính miền bắc bị vô tình đồng hóa với đảng CSVN: việt cộng răng hô mã tấu. Có bạn hãnh diện đưa cao lá cờ đỏ sao vàng trên đường phố Hà Nội. Có bạn âm thầm viết bài tung lên mạng chứng minh đó là cờ tàu cộng Phúc Kiến - nhưng khi bạn mình bị côn an xé cờ, đánh đập vẫn xông vào cứu bạn.

Họ chấp nhận, hay tạm thời chấp nhận sự khác biệt của nhau. Bởi vì trong đơn độc, trong lẻ loi, trước những áp lực hàng ngày, bước ra đường là thấy cú vọ côn an, bởi vì khát vọng phải thay đổi tương lai cuộc đời của chính họ và của thế hệ mai sau, họ phải nắm tay nhau.

Nắm tay nhau, đối với họ, trong thực tế đời sống đầy bụi bặm, khói xe, giữa những tiếng còi không còi nào chịu nghe còi nào, và tràn ngập đường phố những băng rôn đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, họ không thể thu mình trong những thảo luận trên những bàn phím yên tĩnh và sạch sẽ để nói về hòa và giải. Nắm tay nhau đã trở thành nhu cầu sống còn, để có thể bước được thêm một bước trên con đường gian nan mà các bạn ấy chọn, con đường mà các bạn chia sẻ chung một đích đến: xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ

Và họ tin rằng sự thật, chân lý chỉ thức tỉnh bởi tự mỗi người - theo thời gian, theo quá trình nhận thức, bởi ánh sáng thông tin và sự tự giải phóng của cá nhân ra khỏi tấm sương mù dày hơn nửa thế kỷ được cất công xây dựng bởi bộ máy tuyên giáo khổng lồ và nền giáo dục nhồi sọ của đảng búa liềm.  

Trong số họ, nhiều người đã từng "bị" mời vào ngồi đối diện với những tên cắt đá, những kẻ cướp hoa. Chẳng có gã cướp hoa, thằng cắt đá nào nào hỏi họ rằng "đứa nào tin yêu vào bác Hồ vĩ đại" hoặc đứa nào nghe lời xúi dại của "thằng" Thiệu"đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm". Tất cả, dù là con "ngụy" hay cháu chít đảng viên đều được phát không cho một cái mũ với 2 chữ: "phản động". Nhưng mỗi người trong họ đều bước ra khỏi đồn côn an với nụ cười rất phản động trên môi, vì đang luôn chờ đón họ là những người bạn đồng hành có những hệ lụy quá khứ khác nhau nhưng tương lai là một.

Họ nắm tay nhau để nương nhau sống còn và "hòa hợp hòa giải" đối với họ chỉ là những ngôn từ, chỉ là những bài viết vô bổ - như bài viết này.


Hòa hợp mồi Đầu tư - Hòa giải cuỗm Kiều hối

Phạm Trần (Danlambao) - Chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 40 năm còn ngổn ngang trăm mối tơ vò lại rối ren thêm vào dịp Tết qua phát ngôn thiếu xây dựng và không đúng sự thật của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và báo Quân đội Nhân dân. 

Trước hết hãy bàn về Bài viết “Suy ngẫm đầu Xuân” của ông Sang đăng trên Tạp chí Quê Hương Online, Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, phổ biến đúng ngày Mồng một Tết (19/02/2015).

Ông viết: “Trong thời kỳ Đổi mới, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận động nhiều nước gỡ bỏ hàng rào cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; nhiều kiều bào trở thành cầu nối gắn kết, dẫn dắt các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam. Với tấm lòng đau đáu vì sự phát triển của nước nhà, nhiều kiều bào trực tiếp về nước làm chuyên gia tư vấn, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đầu tư công sức và tiền của để sản xuất kinh doanh, thành lập các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa...” 

Hoàn toàn sai với trường hợp của Mỹ. Hàng rào cấm vận Việt Nam từ 1975 đến 1994 do Hoa Kỳ chủ động và lãnh đạo nhằm cấm các nước có quan hệ với Mỹ giúp Việt Nam. Các Tổ chức quốc tế chịu ảnh hưởng lớn của Hoa Thịnh Đốn, tiêu biểu như Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Money Fund, IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng bị chi phối. 

Lệnh cấm vận của Mỹ nhằm 2 mục đích chính: trừng phạt Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã xé bỏ Hiệp định Paris 1973, dùng võ lực đánh chiếm Việt Nam Cộng hòa, đồng minh của Mỹ. Thứ hai là chống cuộc xâm lăng chiếm đóng Campuchia 1978 -1992 của quân đội CSVN.

Theo tài liệu chính thức, đến năm 1993, Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm các nước khác cho Việt Nam vay tiền trả nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế. Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai quốc gia. Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 

Như vậy, điều mà ông Chủ tịch Trương Tấn Sang bảo là đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận động nhiều nước gỡ bỏ hàng rào cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam”, trong trường hợp nước Mỹ là không có cơ sở. Bởi vì vào thời gian từ 1975 đến 1995, hoạt động của nhóm thiểu số được gọi là “người Việt yêu nước” thân Hà Nội ở Hoa Kỳ chỉ đếm trên đầu ngón tay và không có bất cứ khả năng vận động nào với Chính quyền Mỹ về chuyện bỏ cấm vận. 

Có chăng là cuộc vận động tích cực của một số các Nhà lập pháp Mỹ cựu chiến binh Việt Nam, trong số có hai Nghị sĩ John McCain và John Kerry để đổi lấy hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong công tác tìm kiếm quân nhân Mỹ còn mất tích tại 3 chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Ông Sang khoe nhiều kiều bào trực tiếp về nước làm chuyên gia tư vấn, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, nhưng số này không quá 200 người đi về qua nhiều giai đoạn từ khi có Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Phần lớn người về giúp Việt Nam thuộc các tổ chức viện trợ Quốc tế hay giáo dục của các trường Đại học. 

Ông Sang còn biểu dương: Kiều hối không ngừng tăng, trở thành một trong những nguồn ngoại lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có thể khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự góp phần không nhỏ vào thành công của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự vươn lên bắt nhịp mạnh mẽ của Việt Nam với khu vực và thế giới những năm qua.”

Sở dĩ người Việt ở nước ngoài gửi nhiều tiền về Việt Nam vì Nhà nước không đánh thuế trên khoản tiền này, đồng thời giúp thân nhân có thể đầu tư vào ba ngành: dịch vụ, địa ốc và du lịch, hoặc gửi vào ngân hàng để lấy lời.

Nhưng nếu ông Sang cho rằng: “Những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào đó của kiều bào ta đối với Tổ quốc xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân đất Việt, kết tinh trong truyền thống quý báu hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam từ thuở Vua Hùng lập nước” thì đó là một ngộ nhận không phản ảnh trung thực mục đích giúp gia đình có cuộc sống khá hơn là chính. 

Bởi vì “yêu nước” hay hướng về quê cha đất tổ luôn luôn là định hướng không bao giờ phai nhạt, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng nếu coi hành động mỗi năm có hàng ngàn người Việt về thăm quê hương, dòng tộc, thăm mồ mả tổ tiên cũng đồng nghĩa với “yêu xã hội chủ nghĩa” hay chấp nhận đảng CSVN là một ý nghĩ cường điệu và sai lầm.

Đầu tư và kiếu hối 

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 51/63 tỉnh, thành phố trong nước có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 3,600 doanh nghiệp kiều bào với tổng số vốn đầu tư lên tới 8,6 tỉ USD.

Con số 8,6 tỉ USD không nhỏ, gần bằng một nửa nguồn vốn doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Invesment, Đầu tư trực tiếp từ Nước Ngoài) vào Việt Nam năm 2014. (theo báo Giáo Dục Việt Nam, 19/02/2015).

Trong khi đó, số Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, Năm 2009 là 6,83 tỷ USD, năm 2010 đạt mức 8,6 tỷ USD, năm 2011 là 9 tỷ USD, năm 2012 đạt 10 tỷ USD, năm 2013 đạt gần 11 tỷ USD. (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV ngày 20/09/2014).

Theo báo Giáo dục Việt Nam thì khoản Kiếu hối lớn lao này đã “bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại. Trong năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn có sự bứt phá, chạm mốc 11 tỷ USD. Hiện Việt Nam nằm trong số 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới.”

Các chuyên gia tài chính ở Việt Nam ước tính từ năm 1991 đến năm 2014, tổng số tiền 90 tỷ USD đã được người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam, chiếm 1/3 tổng số vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. 

Phần lớn số tiền này do khối người Việt từ miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) ra đi từ năm 1975 đang định cư ở các quốc gia có nền công nghệ và giáo dục cao như Mỹ, Châu Âu, Canada và Úc Đại Lợi. Số còn lại là của khoảng 500,000 lao động Việt Nam được Nhà nước gửi ra nước ngoài làm việc, nhiều nhất tại Nam Hàn và Đài Loan. 

Nhưng ở Việt Nam doanh nhân Việt kiều không có các dự án kinh tế lớn, đáp ứng nhu cầu tốt, mang lại lợi nhuận cao vì nhiều địa phương đã dành các địa bàn thuận lợi, lưu thông tốt, gần thành phố, các ngành dễ kiếm tiền cho các doanh nghiệp trong nước và của nhà nước. 

Vì vậy nhiều doanh nhân Việt kiều không muốn “mang tiền đi đổ sông Ngô” vì nhà nước CSVN vẫn dành nhiều ưu đãi cho các nhóm lợi ích trong đảng. 

Ngoài ra thủ tục hành chính rườm rà lại hay thay đổi, áp dụng tùy tiện, cán bộ coi Việt kiều như những con mòng béo mập nên làm gì cũng phái nạp tiền “bôi trơn” hay “phong bì” thì mới xong khiến doanh nhân nản chí.

Báo Giáo dục Việt Nam, GDVN (19/02/2015) phản ảnh: “Ông Phạm Văn Thắng - một Việt kiều Đức trở về đầu tư trong nước 12 năm cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là dịch vụ, du lịch. Các cơ chế đầu tư ở Việt Nam khá thông thoáng, chi phí sinh hoạt rẻ, công nhân Việt Nam khéo tay, có năng suất lao động cao, với những người được đào tạo, không kém các nước khác. 

Những khó khăn của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư vào trong nước chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính, chính sách cần có định hướng lâu dài bền vững... Chính vì gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong vấn đề thủ tục hành chính, những công nghệ ông Thắng đưa về Việt Nam không được lắng nghe áp dụng vì vậy doanh nhân này đang tính đường quay trở lại Đức để kinh doanh.” 

Trong một bài viết đăng trên báo GDVN ngày 24/02/2015, ông Thắng thổ lộ: “Cách đây 12 năm khi trở về Việt Nam đầu tư, tôi ấp ủ nhiều dự định triển khai các công trình về công nghệ. Trong đó có công nghệ gia cố đất làm đường bằng phụ gia của Đức, công nghệ làm sạch, công nghệ làm vật liệu không nung của Đức... nhưng tất cả đều thất bại. 

Thất bại vì nhiều lý do, trước hết phải khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước rất khuyến khích, rất mở. Tuy nhiên cơ chế tổ chức vận hành của toàn bộ cơ sở hạ tầng này vẫn ì ạch, trì trệ, không đáp ứng được với những yêu cầu của những doanh nhân Việt kiều. Chúng tôi quen cách làm việc hiện đại thông thoáng của những nước tiên tiến...

“...Cũng là kinh doanh nhưng bên kia không phải động tác phong bì... còn bên mình thì doanh nghiệp phải lo quá nhiều cái, mà không thế không được... Về đầu tư, văn bản pháp luật, chính sách thay đổi liên tục doanh nghiệp khó chạy theo, muốn làm cũng khó. 

Tuy nhiên khi khoe khoang quá lố công lao của đảng trong công tác Việt kiều, ông Sang đã sai lầm khi nói rằng: “Để có được những thành công đó, chúng ta tự hào có Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn quan tâm tới bộ phận máu thịt không thể tách rời là 4,5 triệu người con Việt Nam ở bốn phương trên khắp địa cầu. Vai trò và vị trí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được ưu tiên trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai nhằm mục đích tạo thuận lợi nhiều nhất cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”

“Ưu tiên”, “quan tâm” và “tạo thuận lợi” cho Kiều bào ra sao thì ông Sang hãy đọc những lời trăn trở để rút khỏi Việt Nam của thương gia Phạm Văn Thắng.

Ông Sang cũng cần nhìn ra sự thất bại của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, sau 10 năm thi hành Nghị quyết 36, đã không sao lôi kéo được thế hệ Việt kiều thứ hai ra đi sau 1975 mà cả với thế hệ thứ ba và thứ bốn sinh ra ở nước ngoài cũng không ai muốn về nước sống chung với chế độ Cộng sản còn tiếp tục tước đoạt các quyền tự do cơ bản của người dân. 

Do đó, ông Chủ tịch nước cũng không nên hờn giỗi nói rằng: “Mỗi dịp Xuân về, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về quê hương, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Đó là truyền thống, đạo lý quý báu của ông cha ta truyền lại qua ngàn đời, được cả dân tộc gìn giữ và nâng niu. Nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi hàng chục triệu lượt kiều bào đã trở về thăm Tổ quốc, thì vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa một lần về lại quê cha đất Tổ kể từ khi cất bước ra đi. Họ vẫn còn định kiến, mặc cảm của quá khứ. Họ có hiểu chăng đất mẹ luôn mở rộng vòng tay nhân ái cho mọi người con trở về trong đùm bọc và yêu thương. Tôi mong rằng sẽ sớm có một ngày 4,5 triệu người Việt Nam nước ngoài đồng lòng như một, hướng về Tổ quốc, chung tay góp sức làm rạng rỡ cho non sông gấm vóc Việt Nam.” 

Ông Sang bảo chỉ “còn một bộ phận nhỏ” trong số 4.5 triệu Kiều bào không muốn thân thiện với nhà nước và đảng CSVN thì hoặc ông đã bị cấp dưới nịnh hót báo cáo sai, hay ông đã không dám nhìn vào sự thật để thất vọng thấy rằng nếu có một cuộc trưng cầu ý kiến thì sẽ thấy số người Việt ở nước ngoài muốn về Việt Nam sinh sống không có bao nhiêu vì có ai dại để đánh mất tự do bao giờ?

Lý luận Dương Trung Quốc

Bài viết thứ hai cần bàn tới là của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 

Ông Dương Trung Quốc, quê quán xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, sinh năm 1947 và lớn lên tại Hà Nội.

Ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng được đảng chọn là Đại biểu Quốc hội của Tỉnh Đồng Nai từ các khóa XI, XII và XIII. Ông cũng là một trong số rất hiếm người đã có những phát biểu thẳng thắn trong các kỳ họp quốc hội. 

Ông còn là một trong số 2 Đại biểu Quốc hội “không bấm nút chấp thuận bản Hiến pháp sửa đổi 1992 sáng ngày 28/11/2013”, với lý do ông đứng về phía những người dân “có ý kiến khác”, nhất là việc Quốc hội đã “luật hóa” Cương lĩnh của Đảng gọi là “Xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa”. 

Với tiêu đề “Hòa hợp dân tộc là quy tụ được nhân tâm” đăng trên báo Lao Động điện tử, Cơ quan của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 19/02/2015 (Mồng Một Tết), ông Quốc viết: “Hiệp định Genève (20/07/1954) được ký kết tạm thời chia cắt đất nước, nhưng rồi sự tạm thời ấy không thể giải quyết vấn đề thì chúng ta lại phải tiếp tục sự nghiệp chiến đấu, ngay cả khi Mỹ can thiệp vào, chúng ta phải tiến hành kháng chiến chống Mỹ.”

Thiết nghĩ, là Nhà Sử học thì ông Dương Trung Quốc biết rõ hơn mọi người về sự khác biệt giữa “tiếp tục sự nghiệp chiến đấu” cho chính nghĩa hay “kháng chiến chống Mỹ” như “chống Pháp giành độc lập” trước đây. 

Khác với cuộc chiến chống Pháp của toàn dân chứ không của riêng người Cộng sản, chủ trương “xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa” của đảng CSVN ở miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sau Hiệp định Geneve 1954, là nguyên nhân của cuộc nội chiến nồi da xáo thịt đồng bào kéo dài 20 năm, 1955 -1975. 

Ông Dương Trung Quốc đã thần thánh hóa nhóm chữ “sự nghiệp chiến đấu” và“kháng chiến chống Mỹ” để xóa đi tội ác xâm lược miền Nam của đảng CSVN. Từ Chính quyền Quốc gia Việt Nam sau Hiệp định Geneve 1954 (Ngô Đình Diệm) đến các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau này (1956-1975), chưa khi nào Quân đội của miền Nam đã vượt Vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước để trả đũa các cuộc tấn công của Bộ đội miền Bắc.

Ngược lại chính quyền Cộng sản miền Bắc đã bịa đặt ra chuyện đồng bào ruột thịt nhân dân miền Nam bị kìm kẹp trong gông cùm của Mỹ-Ngụy nên đã xâm nhập người và vũ khí vào Nam để mở ra chiến tranh dưới chiêu bài “giải phóng”!

Miền Bắc cũng đã mời 320,000 quân Trung cộng vào giúp bảo vệ miền Bắc để cho bộ đội rảnh tay mang súng đạn của các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa do Nga Sô lãnh đạo vượt Trường Sơn vào đánh phá VNCH. 

Nhưng chắc ông Dương Trung Quốc, Nhà biên sử, làm sao có thể quên câu nói để đời của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.”? (theo Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 422, phần chú thích).

Như vậy thì chính nghĩa “giải phóng” cho ai và vì ai đã rõ chưa mà Đại biểu Dương Trung Quốc vẫn viết rằng: “Trong sự kiện 30.4.1975, ta dùng chữ “giải phóng” là rất đúng, nhưng giải phóng là hướng tới mục tiêu không chỉ độc lập dân tộc, mà quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là thống nhất quốc gia. Ngày nay, rõ ràng chúng ta đang nối tiếp sự nghiệp ấy bằng việc bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ, kể cả biển đảo. Tôi cho rằng, đương nhiên một cuộc chiến tranh có kẻ thắng người thua, nhưng quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu. Mục tiêu không phải chúng ta chiến thắng đối phương, mà đó chỉ là phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước.

Lý luận con loăng quăng của Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chỉ để giảm thiểu tính giả dối của hai chữ “giải phóng” và phủi trách nhiệm lịch sử đối với những người, ở cả hai bờ chiến tuyến, đã nằm xuống. 

Trong suốt 20 năm chiến tranh, dù phải đối phó với cuộc xâm lăng tàn bạo của bộ đội Cộng sản miền Bắc và du kích quân Cộng sản trong Nam do miền Bắc chỉ huy, nhân dân miền Nam chưa hề bao giờ bị ai “kìm kẹp, áp bức, bóc lột sức lao động hay thiếu ăn, thiếu mặc và nghèo nàn” như đồng bào miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.

Nếu ông Quốc bình tĩnh lấy kính hiển vi soi lại mức sống và tình trạng xã hội của miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ông sẽ thất vọng khi biết đã có những người lính bộ đội bật khóc khi vừa đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ của miền Nam, trong ngày được gọi là “giải phóng” vì đến lúc đó họ mới biết đã bị đảng đánh lừa đẩy vào cuốc chiến vô lý.

Câu nói nổi tiếng nhất trong họ là của bà Dương Thu Hương, Nhà văn gốc Bộ đội:“Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại.” 

Bằng chứng lịch sử đã nói nhiều về sự khác biệt giữa hai xã hội Nam-Bắc khi họ bước chân vào Thủ đô Sài Gòn và các thành thị miền Nam mà không cần phải biện giải thêm.

Hơn thế nữa, theo theo 4 định nghĩa của “Đại từ điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin năm 1998 thì nghĩa của “giải phóng” là: 

1.- Làm cho thoát ách áp bức, được tự do: giải phóng đất nước. 
2.- Làm cho thoát khỏi những ràng buộc bất hợp lí: giải phóng phụ nữ. 
3.- Làm cho hết mọi cản trở để thực hiện mục đích: giải phóng mặt bằng. 
4.- Làm cho chất này được thoát khỏi chất khác: Phản ứng hóa học đã giải phóng chất khí.

Như vậy, sự kiện 30.4.1975 không thể gọi là “giải phóng” như ông Dương Trung Quốc đã bẻ cong tiếng Việt cho phù hợp với tư duy chính trị của Đại biểu Quốc hội, thay vì phải trung thực và trong sáng trong quan điểm của nhà viết sử.

Đồng bào miền Nam không cần miền Bắc giải phóng. Đảng và quân đội CSVN đã xâm lược và chiếm đóng Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đất nước bằng võ lực để sau đó gây ra thảm trạng ngụy trang “học tập cải tạo” dành cho hàng trăm ngàn quân và dân miền Nam.

Cũng vì hai chữ “giải phóng” lừa bịp mà hàng chục ngàn con dân Việt Nam vô tội khác đã phải bỏ mình ở Biển Đông trên đường vượt biển tìm tự do.

Hai chữ “giải phóng” cũng đã bần cùng hóa nhân dân đô thị miền Nam đang từ no cơm ấm áo xuống hàng nô lệ bần cùng trong chiến dịch đuổi dân đi vùng “kinh tế mới” và “cải tạo tư sản miền Nam” hay “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam”, bắt đầu từ ngày 04/09/1975 chủ động trên giấy tờ bởi chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Sau đó, giai đoạn 2 từ ngày 15/07/1976, làm theo Nghị quyết 254/NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau này đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam) quy định “về những công tác trước mắt ở miền Nam, hoàn thành việc xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.”

Sau chiến dịch sai lầm tận diệt tư sản - mại bản trong Nam, kết thúc năm 1978, nhân dân cả nước lâm vào đói kém khiến đảng phải “đổi mới hay là chết” tại kỳ Đại hội đảng VI năm 1986.

Đó là bài học “giải phóng”, không phải cho người dân miền Nam, phe bại trận mà cho chính những kẻ chiến thắng ngạo mạn chưa bao giờ biết rằng “lịch sử cũng biết nói”.

Rất tiếc Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc không muốn dừng ở đây. Ông Quốc nhìn nhận lòng người trong-ngoài vẫn còn phân tán nhưng không quy trách nhiệm cho ai đã gây ra tình cảnh như bây giờ, 40 năm sau cuộc chiến chấm dứt.

Ông viết: “Chúng ta luôn tự hào nói về một cộng đồng hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng thực sự khiến cho cộng đồng ấy gắn bó với tổ quốc ta và chế độ chính trị của ta là một quá trình phấn đấu lâu dài. 

Vì thế tôi cho rằng, năm nay kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta nên xác định và chia sẻ nhận thức ấy để thấy điều quan trọng hiện nay là phải quy tụ được nhân tâm vì đất nước... Trong hòa hợp dân tộc, nói về sự phân tâm chúng ta biết rằng nó gắn với những biến cố chiến tranh. Quy luật chiến tranh rất khắc nghiệt, có máu đổ xương rơi từ cả hai phía, có những chính sách khắc nghiệt để lại những vết hằn khó lành.”

Không làm được-tại sao?

Nhưng tại sao lại “khó lành” thì người Việt Nam ở nước ngoài và rất nhiều người trong nước, đặc biệt là giới Trí thức và cựu đảng viên biết rất rõ, sau khi đã cả đời hy sinh mà cuộc sống bây giờ vẫn còn hẩm hiu hơn kẻ hậu sinh chưa mất một giọt máu trên chiến trường.

Những người này đang ngày đêm đấu tranh đòi dân chủ và tự do cho con cháu và cho thế hệ mai sau, nhưng lại bị đảng đàn áp và cô lập, có người đã hết cả đường kiếm sống thì Nhà nước CSVN muốn hòa hợp và hòa giải với ai?

Do đó khi nghe ông Dương Trung Quốc kêu gọi người bỏ nước ra đi vì không còn đường sống với người Cộng sản “cũng phải hiểu tại sao lúc đó chúng ta phải tiến hành những chính sách cứng rắn như thế. Nhìn lại quá khứ ta thấy rằng, chiến tranh vừa kết thúc, nền kinh tế còn chưa khôi phục, kẻ thù cũ vẫn cấm vận và chống phá, lại xuất hiện những kẻ thù mới vốn là đồng minh của mình, mà cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc thể hiện những khó khăn chồng chất ấy. 

Trong bối cảnh đó, những người cầm quyền cũng không còn cách nào khác, buộc phải đối xử bằng một chính sách rất khắc nghiệt. Nếu chúng ta chia sẻ được với hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì sẽ giảm đi phần nào những mặc cảm, hận thù.”

Ông Quốc phát biểu như thế vì ông chưa hề bao giờ là nạn nhân của kẻ chiến thắng. Câu chuyện không đơn giản như rủ nhau ngồi vào chiếu rượu để uống cho say bí tỉ rồi bắt tay nhau cười vang “đoàn kết, đại đoàn kết” là xong.

Không hiểu Nhà sự học Dương Trung Quốc còn nhớ câu nói của ông Nguyễn Đức Bình, Giáo sư triết học, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một thời đã nói chủ trương của đảng là “đổi mới nhưng không đổi màu”, “hòa hợp mà không hòa tan”?

Chân lý cực kỳ bảo thủ này vẫn đang được học tập và áp dụng sâu rộng trong đảng, nhất là khi Ban Tuyên giáo nói về “hòa hợp-hòa giải dân tộc”, tuy màu mè, hào sảng nhưng “trăm voi không được bát nước xáo”!

Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Quốc nêu ra ý kiến: “Trong vấn đề hòa hợp dân tộc, cái chưa được là sự chênh lệch giữa những con người ở hai phía. Trong đó, một phía muốn đi nhanh hơn, còn một phía vì nhiều lý do mà muốn phải đúng mực. Như vậy, cả hai bên phải cùng thúc đẩy phải có sự trao đổi để gặp nhau.”

“Tôi thấy một nguyên lý của người xưa rất đúng là phải đặt vào địa vị người khác mới hiểu được người ta. Tôi suy nghĩ về việc có phải đây là sự chìa bàn tay của người chiến thắng với kẻ thua hay đây là trách nhiệm chung đối với tương lai, con cái của mình.” 

Thiện ý của ông Quốc rất đáng để tâm, nhưng chưa ai quên được những cố gắng “hòa hợp-hòa giải” thất bại của hai Việt kiều nổi tiếng là nguyên Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc sĩ Phạm Duy. 

Hai ông đã đem về Việt Nam cả sự nghiệp và danh dự cá nhân cốt để “người chung một nước phải thương nhau cùng”! Nhưng sau 7 năm trăn trở đi-về giữa Mỹ và Việt Nam từ 2004 đến ngày qua đời ở Kuala Lumpur (Mã Lai Á) 23/07/2011, ông Kỳ đã không làm được gì cho đúng với “biểu tượng của hòa hợp dân tộc” mà phía chính quyền Cộng sản đã tặng cho ông.

Nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam sinh sống từ ngày 17/05/2005 cũng với ý tưởng “người Việt hãy ngồi lại với nhau”, nhưng sau 8 năm rong hát đó đây từ Nam ra Bắc như ông tự coi mình là “lá rụng về cội”, Phạm Duy qua đời tại Sài Gòn ngày 27/01/2013, hơn một tháng sau khi người con trai cả của ông, Ca sĩ Duy Quang qua đời tại California ngày 20 tháng 12 năm 2012.

Sự ra đi của 2 mẫu người trong chuyện “hòa hợp-hòa giải dân tộc” tưởng là chuyện thường sinh-lão-bệnh-tử, nhưng đằng sau vẫn có một hố ngăn cách để giải thích tại sao chuyện “con cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” vẫn còn nhiều kẻ muốn đá giò lái khi ngoài miệng thì vẫn nói cười hòa hợp trơn hơn mỡ lợn! 

Báo Quân đội Nhân dân

Đó là những gì mà Tác giả Thiện Văn của báo Quân đội Nhân dân đã viết trong bài “Cầu đồng tồn dị", vì mục tiêu tốt đẹp của đất nước”, ngày 23/02/2015

Tác giả khoe: “Thấm nhuần tư tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, một mặt, dân tộc Việt Nam dám đánh, quyết đánh và đánh đến cùng bọn xâm lăng cướp nước; nhưng mặt khác, dân tộc ta cũng rất khoan dung, độ lượng. Khi giặc đầu hàng, không những không trả thù, mà ngược lại còn đối đãi tử tế và cấp phương tiện, lương thảo cho chúng trở về nước. Hiếu sinh mà không hiếu sát, căm thù quân xâm lược mà không giết hại khi chúng thất bại là truyền thống nhân nghĩa cao cả của dân tộc ta. Với con người Việt Nam, sau khi “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”! 

Bài báo nói vậy mà không phải vậy khi đảng CSVN, một mặt phỉ báng những ai nghi ngờ sẽ có “tắm máu, trả thù ở miền Nam” sau ngày 30/04/1975, nhưng lại đánh lừa hàng trăm ngàn quân-cán-chính thất trận của VNCH đem đi đày ải cực hình tại các trại tù lao động mệnh danh “học tập cải tạo”.

Rất nhiều nạn nhân của chế độ mới đã bị chết mất xác, bị đổi xử tệ bạc và bị hành hạ thân xác trong các nhà giam bị bỏ đói, bị chết khát, bị còng tay chân đến mang thương tật cả đời và bệnh tật không được chữa trị. 

Thế mà báo Quân đội Nhân dân vẫn tự khoe những điều không có thật: “Mang trong mình phẩm chất, tâm thế ấy từ hàng nghìn đời nay, dân tộc ta luôn mở rộng vòng tay để đón bạn bè khắp năm châu bốn biển, trong đó có cả những người Việt đã từng một thời “lạc lối lầm đường”. Với những người như thế, Đảng, Nhà nước ta luôn lấy tình đồng bào để cảm hóa họ, giúp họ hướng về điều hay lẽ phải và những giá trị, niềm tin tốt đẹp của cội nguồn, dân tộc. Trong mấy chục năm qua, nhất là sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986), Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp và lực lượng trong xã hội với thái độ “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung nhất, lớn nhất để cùng chung sống hòa thuận, gắn bó với nhau, không vì cái nhỏ, cái khác biệt trong suy nghĩ, phong tục, tập quán, lối sống mà gây chia rẽ, mất đoàn kết; đồng thời chấp nhận sự khác biệt giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước ta và người Việt ở nước ngoài, nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Nhưng khi nói rằng đảng “chấp nhận sự khác biệt giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc sinh sống trên đất nước ta và người Việt ở nước ngoài, nhưng không trái với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” thì đó là điều kiện tiên quyết không cần bàn cãi mà trên hết phải tuân hành, chấp nhận “chủ nghĩa xã hội”, hay chủ nghĩa Cộng sản cũng thế!

Như vậy là chỉ có đảng có lẽ phải, ai muốn “hòa hợp” thì chui vào, không có quyền bàn cãi phải trái?

Thiện Căn cũng không ngại lên giọng: “Đối với những người “đi theo phía bên kia” trong các cuộc chiến tranh trước đây, chúng ta sẵn sàng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hồi hương, thăm thân và hợp tác làm ăn cùng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Từ Cương lĩnh của Đảng đến Hiến pháp của Nhà nước đều khẳng định: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Từ chủ trương đúng, chính sách nhất quán và thái độ ứng xử trước sau như một, hằng năm số Việt kiều về thăm quê hương ngày càng đông, góp sức người, sức của cho Tổ quốc ngày càng nhiều.”

Nhưng về thăm quê hương đâu có nghĩa là cuốn gói đi theo đảng? Việt kiều gửi tiền giúp gia đình cũng không đồng nghĩa với “giúp nước” của người Cộng sản?

Sau khi khoe “Chỉ tính 4 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về nước liên tục gia tăng. Nếu như năm 2000, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam mới đạt 1,3 tỷ USD, thì mười năm sau, năm 2011 con số này lên tới 9 tỷ USD. Ba năm qua (2012-2014), lượng kiều hối tăng dần từ 10, 11 đến 12 tỷ USD”, bài báo tự vẽ ra điều được gọi là “niềm tin” của Kiều bào với nhà nước: “Đó là những “con số biết nói” thể hiện niềm tin của bà con Việt kiều đối với môi trường hòa bình, ổn định của đất nước và những triển vọng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển.” 

Có đúng như Thiện Căn và báo Quân đội Nhân dân tự biên tự diễn về một sự đồng thuận chính trị nào đó đã gắn kết đảng CSVN với người Việt Nam ở nước ngoài, hay cũng chỉ là câu chuyện “hòa hợp để mồi đầu tư và hòa giải để được thêm kiều hối”? 

(02/015)