Thursday, September 11, 2014

Cầu cứu chữa cháy, bị công an đánh nhập viện

Theo Nongnghiep.vn-11/09/2014, 08:52 
Gọi điện cho lực lượng CA thị trấn 2 lần nhưng không thấy đến chữa cháy và chạy đến trụ sở công an phản ánh thì anh Vương lại bị đánh nhập viện. 
Cầu cứu chữa cháy, bị công an đánh nhập viện
Anh Thủy Hoàng Vương điều trị tại BV
Tiếp đó, lực lượng CA có mặt tại bảo vệ hiện trường thì một chiến sĩ CA bị người dân đánh trọng thương.
Vào lúc 19 giờ, ngày 9/9, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà ông Dương Văn Thành (tổ 11, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Sau khi phát hiện vụ cháy, bà con xóm làng tiến hành dập lửa, tuy nhiên phía trong nhà có rất nhiều hương (gia đình ông Thành SX hương) nên rất khó khăn.
Theo anh Thủy Hoàng Vương (SN 1990, cháu ruột của ông Thành, trú cùng tổ 11) khi phát hiện vụ cháy, anh gọi điện cho lực lượng CA thị trấn Hà Lam nhờ giúp đỡ. Sau chừng 30 phút cũng chưa thấy lực lượng CA có mặt, Vương tiếp tục gọi điện một lần nữa. Và đến hơn 20 giờ có một chiến sĩ công an đến hiện trường thì lúc này ngọn lửa đã được khống chế. “Người công an này nói hết lửa thì dập làm gì nữa”, Vương cho biết.
Thấy vậy, Vương chạy xe đến đồn CA thị trần Hà Lam phản ánh sự tắc trách của CA, thì lúc này, chiến sĩ CA Trần Quốc Hồng, đang trực tại trụ sở CA thị trấn Hà Lam cùng 5-6 công an viên đang xem đá bóng.
Thấy Vương to tiếng phản ánh về việc CA không tham gia chữa cháy, anh Hồng bảo nhiệm vụ chữa cháy không phải của công an thị trấn, nhiệm vụ này thuộc công an huyện. Chưa bằng lòng về việc này, Vương có lời qua tiếng lại thì Hồng dẫn Vương vào phòng và đòi còng tay Vương lại.
“CA Hồng dùng dùi cui đánh, dùng tay đấm, còn công an viên ngăn không cho tôi chạy thoát. Sau chừng 15 phút bị đánh đập thì tôi bảo nếu không phải việc của CA thị trấn thì xin lên huyện để báo cáo. Lúc này, tôi mới chạy thoát ra ngoài và được mọi người đưa đi cấp cứu với nhiều vết thương bầm tím trên cơ thể”, anh Vương, đang điều trị tại BV Đa khoa huyện Thăng Bình kể.

Lực lượng CA đang điều tra nguyên nhân vụ cháy
Tiếp đó, Lực lượng CA huyện Thăng Bình xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời có anh Trần Quốc Hồng, CA thị trấn đi cùng, lúc này người dân có xua đuổi anh Hồng.
Hậu quả vụ cháy khiến vật dụng trong nhà ông Dương Văn Thành thiêu rụi. Hàng chục tạ hương, máy móc làm hương cháy sạch. Ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Chiều ngày 10/9, trao đổi với NNVN, Thượng tá Nguyễn Quang Minh, Trưởng CA huyện Thăng Bình cho biết: Thông tin ban đầu nắm được là có sự việc anh Vương đến báo cáo vụ cháy nhưng vụ cháy đã xử lý xong. Khi đến trụ sở CA thị trấn Hà Lam, anh Vương trong tình trạng có uống rượu, tại đây anh Vương lăng mạ, xúc phạm đến lực lượng CA và hai bên có đụng chạm.
Sau đó CA huyện cử lực lượng xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời anh Hồng, CA thị trấn Hà Lam đi cùng, trong quá trình đi thì anh Lâm (anh trai của Vương) lấy một cục gạch táng vào mặt đồng chí Hồng bị toác mặt và gãy răng giờ đồng chí Hồng đang được điều trị tại BV Đa khoa Đà Nẵng. Đồng chí Hồng bị khâu 3 mũi ở gò má, gãy một cái răng.
“Cả ngày này đang tập trung điều tra, bảo vệ hiện trường, tìm nguyên nhân vụ cháy chưa có điều kiện điều tra hết. Hiện vụ việc đang được CA huyện điều tra làm rõ. Nếu chiến sĩ vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của ngành”, Thượng tá Minh nói.
ĐẮC THÀNH

Cuộc sống xa hoa của ‘vua bạc’ gốc Việt bị bắn ở Australia

(Theo Zing)11/09/2014 08:08

Đến Australia từ thập niên 90 và không có người thân thích, Peter Tan Hoang trở thành nhân vật nổi bật ở các sòng bài lớn tại xứ chuột túi.
Peter Tan Hoang đến Australia vào thập niên 90. Anh đã nhập quốc tịch để trở thành công dân Australia. Theo Daily Telegraph, bố mẹ nuôi của Hoang sống tại Việt Nam nên anh liên tục về thăm quê hương ít nhất 12 lần từ năm 2000 tới nay. Khi khai với cảnh sát trong các cuộc điều tra sau này, Hoang một mực khẳng định anh chỉ làm các công việc thu nhập thấp. Nhưng trong giới bài bạc ở Australia, Hoang nổi tiếng với tư cách một tay chơi hào phóng. 
Cuộc sống xa hoa 
Jennifer Nguyen là nhân viên chuyên tiếp những khách hàng cao cấp tại sòng bài Crown. Cô làm việc liên tục 7 ngày, tiếp khoảng 40 đến 60 khách VIP tại sòng bạc mỗi tuần. "Hoang là một trong những người chơi hào phóng nhất, có lẽ là một trong những khách hàng đại gia nhất của chúng tôi từ Sydney", Jennifer nói. 
Nissan Skyline, vua bạc gốc Việt, Peter Tan Hoang
Do vậy, Crown đã dành những dịch vụ xa xỉ nhất để tiếp đón Hoang và những người bạn. Các chế độ chăm sóc "thượng đế" của Crown gồm vé máy bay hạng thương gia miễn phí từ Sydney đến Melbourne, một căn hộ cao cấp để nghỉ ngơi, rượu và thức ăn miễn phí khi chơi bài. Theo Jennifer, người chơi cần tiêu ít nhất một triệu USD tại sòng bài nếu muốn hưởng những dịch vụ cao cấp. 
Craig Walters, người quản lý hoạt động của sòng bài Crown, xác nhận Hoang rất nổi tiếng vì luôn sẵn sàng "đốt tiền" vào trò đỏ đen. Hoang tiêu rất nhiều tiền nhưng cũng thu về những khoản lớn. Theo Walters, thỉnh thoảng Hoang rời cuộc chơi với hàng triệu USD tiền mặt. Một lần Hoang chỉ mang 75.000 USD đến Crown nhưng thắng đậm tới 13 triệu USD! 
Với tiếng tăm sẵn sàng đốt bạc triệu USD vào sòng bài, Hoang nhanh chóng trở thành đối tượng tình nghi của chính quyền vì anh chẳng những không khai báo thuế thu nhập mà còn nhận trợ cấp xã hội. Cụ thể, tài liệu từ tòa án ở Melbourne cho biết Hoang nhận 50.000 trợ cấp của chính phủ Australia từ năm 2001 đến 2007. Anh luôn khẳng định anh chỉ là nhân viên bán hàng cho tập đoàn viễn thông Telstra và thỉnh thoảng làm bồi bàn. 
Nissan Skyline, vua bạc gốc Việt, Peter Tan Hoang
Sòng bạc Crown, nơi Hoang là một trong những "thượng đế" quen thuộc. Ảnh: Newdaily
Nguồn tiền không minh bạch 
Tháng 10/2012, cảnh sát liên bang bắt Hoang tại nhà vệ sinh của sòng bạc Crown ở Melbourne. Họ phát hiện Hoang mang theo số tiền mặt 1,5 triệu USD. Do lượng tiền quá lớn nên các nhà điều tra nghi nó có nguồn gốc bất chính và Hoang đang rửa tiền. Hoang một mực phủ nhận cáo buộc trong những lần thẩm vấn và điều trần trước tòa. 3 năm tù là hình phạt tối đa cho tội danh giao dịch tiền từ các hoạt động tội phạm ở Australia. 
Khi công bố bảng phân tích tài chính của Hoang, công tố viên Andrew Buckland nói Hoang không thể nêu ra bất kỳ nguồn thu nhập chính đáng nào để giải thích cho sự thành công tài chính và thói tiêu tiền khủng khiếp của anh tại các sòng bạc.  
"Điểm then chốt của vụ án chính là Hoang sở hữu một khoản tiền rất lớn không rõ nguồn gốc để đánh bài trong những năm qua", ông Buckland phát biểu. 
David Grace, luật sư của Huang, biện hộ trước tòa án rằng chơi bài là nghề chính của thân chủ. Theo Grace, Hoang tiêu nhiều tiền nhưng cũng thắng rất lớn. Luật sư Grace viện dẫn Hoang từng thắng 2,5 triệu USD tại sòng bài SkyCity Adelaide vào khoảng đầu năm 2014. Trước đó, Hoang hai lần trúng giải sổ xố Tattslotto năm 2013 với tổng giá trị giải thưởng 600.000 USD. Do vậy, luật sư Grace nói phân tích của phía công tố viên chưa đầy đủ vì không theo dõi mọi cuộc đánh bạc của Hoang. Grace yêu cầu tòa án hủy lệnh cấm Hoang rời khỏi đất nước và trả lại hộ chiếu để Hoang về Việt Nam thăm bố mẹ nuôi. 
Tuy nhiên, công tố viên Buckland phản đối đề nghị của luật sư vì lo Hoang sẽ không quay trở về Australia để tiếp tục cuộc điều tra. Theo Buckland, Hoang không sở hữu nhà tại Australia, cũng chẳng có gia đình hay người thân nào tại đây. 
Người đàn ông gốc Việt sống trong một căn hộ cho thuê khiêm tốn ở Bankstown (New South Wales) và sử dụng một xe Lexus đời năm 2006. 
Nissan Skyline, vua bạc gốc Việt, Peter Tan Hoang
Xe Nissan Skyline màu đen mà Hoang đã lái khi gặp những kẻ sát hại anh. Ảnh: Daily Telegraph
Ngày 10/9, cảnh sát xác nhận người chết vì đạn ở đường Dunmore, thành phố Sydney là Peter Tan Hoang. Họ chưa bắt giữ nghi phạm nào nhưng đang truy lùng hai gã đàn ông đi cùng Hoang vào thời điểm vụ án xảy ra. 
Theo mô tả của nhân chứng, một nghi phạm mặc áo khoác và một tên lái xe màu bạc. Cảnh sát đang điều tra khả năng Hoang liên quan đến những băng tội phạm hoặc nhóm buôn ma túy.  "Nạn nhân là người mà cảnh sát biết rất rõ vì nghi ngờ anh tham gia các hoạt động tội phạm", một nguồn tin biết rõ về cuộc điều tra nói với Brisbane Times.

NHẬT KÝ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA NHÀ SỬ HỌC TRẦN HUY LIỆU

Cuộc đấu tố thí điểm địa chủ Nguyễn Văn Bính, tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ ngày 18-5-1953.
 


Nhưng mình không dự hội nghị, mà đi dự cuộc đấu địa chủ Nguyễn Văn Bính tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ… Theo lối rẽ vào xã Trung Thần, đã thấy từng tốp người từ các ngả đường kéo đến…, trong đó có cả những bà bồng bế con thơ… đôi người đàn bà mặc quần mới. Lũ trẻ con giành nhau chạy trước. Một thanh niên leo lên cây me vệ đường rung cây cho quả rơi xuống để mọi người nhặt… Mình có ấn tượng như đi xem hội ở vùng quê. Họ không nói chuyện gì về đối tượng sắp đem tranh đấu cả.

Vào một nhà tập hợp. Những ủy viên chấp hành nông hội xã và cán bộ đội công tác đương tíu tít về những công việc tổ chức. Ban tiếp tế nấu từng chảo cơm, bày từng dãy mâm cơm cho những “tân khách”, ai muốn ăn thì ghi tên vào với giá tiền 3.000 đồng một bữa. Mình mặc dầu đã mang cơm nếp đi theo cũng ngồi vào ăn. Dọc đường đi đến trường sở ở trong rừng, có dân quân du kích và công an xã vác súng đi lại canh gác. Từng chòm người ngồi xúm xít dưới gốc cây hay trong một chiếc nhà trống. 

Một chị phụ nữ bán xôi và bánh khúc tha hồ đắt hàng. Nhưng cho mãi đến gần 11 giờ, cuộc đấu mới bắt đầu. Vì thôn nọ phải chờ thôn kia, xóm nọ phải chờ xóm kia. Có người đi từ sáng sớm, chưa kịp ăn cơm. Có người gần trưa mới tới. Ban tổ chức đã không giao trách nhiệm chặt chẽ những người phụ trách các khu vực hướng dẫn quần chúng đến cho được đúng giờ hay ít nhất là không chậm trễ quá. Mình cố ý ngồi lẫn vào từng đám quần chúng để nghe ngóng dư luận, nhưng không thấy gì. Một anh bạn hỏi người ngồi bên thì y nói: “Tôi đối với ông ấy (chỉ địa chủ Tổng Bính) cũng không có chuyện gì”. Ban tổ chức đi gọi người nào có “vấn đề” với địa chủ thì vào trước. Một số lững thững đi vào. Có người không chịu vào trước, nói: “Tôi có ít thôi, để nói vào cuối cùng”. Nhưng có ai biết được người tố cuối cùng sẽ là ai? 

Trường sở tranh đấu tại một khu rừng thưa, gần cánh đồng, bên một cái đình. Không có hầm hố tránh máy bay gì cả. Cũng may trời nắng ráo. Mưa thì sẽ ra sao? Ngoài lá quốc kỳ và ảnh Hồ Chủ tịch, những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Triệt để giảm tô, kể cả thoái tô. Thực hiện giảm tức, phát triển sản xuất. Thực hành tiết kiệm” và một chiếc băng dài đề “Đả đảo và trừng trị xứng đáng tên địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Văn Bính”. Mình nhận thấy không có một khẩu hiệu phản đế nào. Một thói quen trong lúc này là người ta mải nhìn vào địa chủ phong kiến mà quên kẻ thù đương phải tranh đấu bằng vũ trang là đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Trước mấy chiếc bàn để dành cho chủ tịch đoàn và ban thư ký, một chiếc bục kê lên cho địa chủ quỳ và đằng sau có những biển quy định chỗ ngồi: “địa chủ ngoan cố”, “địa chủ đã thanh toán”, “phú nông nói láo”, “phú nông chưa thành khẩn” và “những người phú nông”. Số quần chúng đến dự độ 700 trở lại. Có cả một số bộ đội và nhân viên cơ quan ở gần. Ban điện ảnh Nha Thông tin có đến quay phim. Theo lời căn dặn của chủ tịch đoàn, thì, khi máy quay phim kêu sè sè, mọi người không nên nhìn vào, mà phải “căm thù địa chủ”. Lễ khai mạc bắt đầu. Trên ghế chủ tịch đoàn là ban chấp hành nông hội, nghĩa là bần, cố, trung nông. Có cả một phụ nữ và một thương binh. Phát ngôn nhân của chủ tịch đoàn cũng dõng dạc mạnh bạo, không kể vô số những sai lầm về danh từ cũng như về văn phạm. Nhưng những lời tuyên bố đầu tiên đã lộn xộn giữa phú nông và địa chủ. Người ta không nói ngay đến địa chủ thủ phạm, mà đã kể đến từng “tên” phú nông thuộc các loại, do du kích áp giải “mời” đến hội trường. Chủ tịch truyền lệnh cho cử tọa hễ thấy địa chủ vào thì hô đả đảo. Một việc làm không cần đến mệnh lệnh. Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, những người ngồi gần lối y vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu.

Mình đã đọc hồ sơ của B., biết rõ tội ác của B. B. trước làm lý trưởng rồi phó tổng hồi Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám, B. làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã rồi UBHCKC huyện. B. cũng là đảng viên cộng sản đầu tiên ở đây. Một số người vào tố đầu tiên buộc tội B. đã làm tay sai cho Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên ngày trước, để lùng bắt Việt Minh và đồng chí Chu Văn Tấn. 



Tuy vậy, ngoài một người ra, hầu hết những người khác đều không đem được ra những bằng chứng cụ thể. Có người không nói được rõ cả việc xảy ra ở đâu ngày tháng nào. Kết quả là B. chỉ nhận sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, có nhiều trộm cướp xảy ra, mình làm tổng lý phải đem lính dõng và tuần phiên đi canh gác, thế thôi. Đến lượt tố các vấn đề kinh tế. Một điểm đáng chú ý là trong khi đấu tố địa chủ mà không nổi bật lên cái gì là chiếm đoạt ruộng đất hay tô tức. Người ta chỉ len vào những việc phụ khác như ăn hối lộ, quỵt tiền công, tham ô, đánh người… Có một số người mà phần nhiều là phụ nữ tố tên B. bằng một giọng kể lể tự nhiên thì được công chúng nghe rõ ràng và thấm thía. Một bà đau xót vì chồng bị B. đánh 3 cái ba toong và khi B. vào nhà bà sục bắt cán bộ thời bí mật, cán bộ chạy làm vỡ một rổ bát để nhà bà không có cái bát mà ăn. Một chị ở giơ cái chân khấp khểnh vì bị sâu quảng để truy nguyên vì B. mà què chân. Một anh ở khác tố cáo vì B. không cấp thẻ thuế thân trong thời Pháp thuộc nên không đi đâu được. Tuy vậy, có bà kể lể vì bị quỵt 3 nồi thóc, đi tới kết quả là con ốm bị chết để kết luận bằng câu: “Vậy mày có trả tao 3 nồi thóc không?”. Cũng một bà khác có anh ở cho B. ốm chết, rồi cũng suy luận theo kiểu trên để đi tới đòi mấy nồi thóc tiền công. Một chị chấp hành nông hội, ngồi ghế chủ tịch đoàn là chị Bân đã tố B. cướp một con trâu với tinh thần căm tức dào dạt, nhưng chị vừa nói vừa vỗ tay xỉa xói vào mặt B. khiến mình có cảm tưởng như nghe cuộc cãi nhau của một mụ bán hàng chua ngoa ở chợ Đồng Xuân.

Ngoài ra, không thiếu những điều vô lý đến phì cười Có người tố B. đã quyên tiền của mình để đóng cho Việt Minh trước cuộc Cách mạng tháng Tám mà không nói rõ B. đe dọa nếu không quyên thì sẽ bị giết. Có người tố B. đã làm chết hai du kích chỉ vì B. đã phái đi bố trí trong khi quân Pháp tiến lên Thái Nguyên năm 1947. Có người còn tố B. đã làm thịt lợn đãi du kích mà con lợn đó là lợn nhà của B. Một anh tự xưng là bộ đội Anh Bắc trước cuộc cách mạng trong khi tố B. đã không quên “quảng cáo” cho B. là B. đã đốt bằng sắc của thời Pháp thuộc. Một anh phu phà nhắc lại chuyện năm xưa đã bị B. đánh một cái tát vì té nước vào quần B. rồi cứ sừng sộ mãi: “Mày có phải là cán bộ không?”. Nhiều người tố giác B. đã thừa cơ ăn cắp vải, đồng hồ, súng lục… khi quân ta đánh chiếm Thái Nguyên tháng 8-1945. Rồi sau khi nghe B. phân trần, người ta vẫn cứ truy mãi: “Thế còn đạn mày lấy ở đâu?”. Cuộc tranh đấu càng kéo dài, những vấn đề đem ra tố càng trở nên lung tung, tản mạn. Một chị phụ nữ là y tá của một cơ quan cũng lăng xăng chạy vào hỏi chiếc bút Pắc-ke bị mất năm trước khi cơ quan còn đóng ở nhà B. Một người khác kể tội B. khi dạy học đã dùng thước đánh mình. Nói tóm lại, người ta không còn thấy gì là tính chất giai cấp đấu tranh của nông dân chống địa chủ nữa.

Nếu mình hôm ấy chỉ là một người xa lạ đến dự thì sẽ không biết B. có phải là địa chủ cường hào gian ác không và vì sao phải đem ra đấu tố? Khuyết điểm là chủ tịch đoàn, trước khi đem tố, không giới thiệu tóm tắt những tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ ra để chứng thực. Những phần tử cốt cán đem ra tố, đã bị bồi dưỡng theo một kiểu cách sai lệch đến lố bịch. Đại đế anh nào chạy ra cũng đầu tiên vỗ ngực bằng một câu hỏi: “Mày có biết tao là ai không?” và “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, “Đéo mẹ tiên sư mày, không nhận tao đánh bỏ mẹ bây giờ”… bằng những cử chỉ hùng hổ và quát tháo om sòm, lại không có lý lẽ gì cũng như không đem được ra chứng cứ. Ngu ngốc đến nỗi khi nhắc đến những việc làm thời Pháp thuộc của B, rồi hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, là có ý chỉ vào thế lực đế quốc cái đó đã đành. Tới khi hỏi những việc làm của B. bằng danh nghĩa chính quyền của ta, cũng cứ gạn hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”. Và nếu quên hỏi câu này thì lại có người nhắc hỏi. Đã thế, không cho “phạm nhân” được trả lời, vì trả lời tức là “ngoan cố”. Những tiếng quát tháo: “Mày còn chối tao đánh bỏ mẹ bây giờ” và những tiếng hò hét của công chúng ở ngoài: “Không cho nó nói”, “Không cho nó phân trần” chỉ tỏ ra những hèn kém, yếu ớt không tin được vào lý lẽ của mình. Sau khi chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được tội trạng của B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra từ 11 giờ đến 4 giở rưỡi chiều. Mỗi khi tội nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng thét từ xung quanh lại vang lên: “Quỳ cao lên!”. Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọi một báng súng mỗi khi thấy phạm nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân. Có lúc chủ tịch đoàn ra lệnh cho B. được ngồi xuống một tí thì người tố và quần chúng lại bắt quỳ cao lên. Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên, người ta đã đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu, người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài. Có người đã thoi vào mang tai tội nhân. Có người đã đá phốc lên bụng. Trong khi ấy, chủ tịch đoàn hay một vài người ở ngoài chỉ khuyên bằng một câu nhè nhẹ “Không cần đánh nó!” hay “Đánh nó thêm bẩn tay!”. Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: một anh, cứ cách năm, mười phút lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc đấu tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm nay, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ cao và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ “đấu lực” bằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân. Hiện tượng xấu xa này còn do ở những cán bộ của chúng ta, trong khi huấn luyện trong lớp cũng như nói ngoài quần chúng, là: “Kỷ luật thì cấm đánh ẩu, giết ẩu, nhưng nếu nông dân người ta căm thù quá độ mà đánh tát một vài cái thì cũng không sao”. Câu nói này đã trở nên như một châm ngôn. Nó gợi bảo quần chúng là có thể đánh một vài cái được, miễn là đừng đánh chết. Rồi đó, những kẻ lưu manh đã thừa cơ đánh để trả thù hay đánh để chơi, đánh cho thích. Mình thật không muốn thấy nhục hình khôn nạn còn diễn ra dưới chính quyền dân chủ nhân dân này!

Hôm ấy, còn diễn ra một cảnh tượng nữa là người trong gia đình tên B. cũng được áp giải ra hội trường. Trong đó có một bà cụ già khọm, mẹ của B, và một đứa trẻ độ 3, 4 tháng nằm trên bàn tay vợ của B. Chủ tịch đoàn gọi vợ B. lên khuyên chồng thú nhận tội lỗi. Cảnh này chỉ gây cho công chúng rủ lòng thương những kẻ mặc dầu đã sống vào bóc lột và áp bức đương bị trả thù!

Sau trận đấu, chủ tịch đọc bản cáo trạng và cho phép B. được ngồi nghe. Đến lượt cho nói, B. phân trần là trước kia làm tổng lý thì sự áp bức bóc lột nông dân là điều không tránh khỏi. Nhưng sau khi giác ngộ thì B. đã thấy rõ cuộc cách mạng của ta là đánh đổ phong kiến và đế quốc, làm cách mạng ruộng đất. Trên con đường tiến của Liên Xô vĩ đại, B. không dại gì đi vào con đường chết. Từ sau Cách mạng tháng Tám, B. đã tích cực phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nếu có những việc lặt vặt xảy ra, thì nó chỉ là bột phát, không chủ ý. Nếu nhân dân giết y thì y chịu, chớ y không chịu nhận là phản cách mạng, mưu bắt cán bộ. B. nói có thực không, đó là một chuyện. Điều đáng ghi ở đây là cuộc đấu hôm nay đã không đạt được mục đích yêu cầu và không làm cho B. khuất phục. Tuy vậy B. vẫn phải ký vào bản cáo trạng kể trên.

*
Đến lượt Phùng Thái Ký, một Hoa kiều địa chủ kiêm công thương nghiệp. Từ sáng, Phùng vẫn ngồi dưới tấm biển đề “địa chủ ngoan cố”. Thực ra Phùng không phải mục tiêu định đem đấu hôm nay. Nhưng chủ tịch đoàn vừa gọi ra chất vấn, Phùng nói líu tíu khó hiểu, thì mấy nông dân Hoa kiều đã ồ lại thoi đánh túi bụi con của Phùng. Đến đây thì trật tự bị mất hẳn. Chủ tịch đoàn bị động.

Cuộc chất vấn trở thành cuộc đấu. Những việc đem ra tố đều thuộc về hiềm thù cá nhân, xích mích xóm giềng giữa một số Hoa kiều, không có gì là tính chất của nông dân đấu địa chủ. Hầu hết mọi người lại chỉ nhằm vào thằng con của Phùng, một thanh niên ngỗ ngược. Khác với Nguyễn Văn Bính, thằng con của Phùng không thể quỳ cho người ta đánh, mà lăn ra khóc hu hu. Cuối cùng, hai bố con Phùng cũng phải ký vào bản cáo trạng, nhận bồi thường cho nông dân.

*
Ngoài hai địa chủ, đến lượt một số phú nông. Từ sáng, một số phú nông đã phải ngồi theo từng loại.

Khi mà cuộc đấu tố B. đến lúc quyết liệt nhất thì chủ tịch đoàn truyền lệnh cho đem những “phú nông” chưa chịu thanh toán ra một chỗ bắt phải nhận bồi thường cho nông dân. Mà ai cũng thấy rõ là một hình thức uy hiếp phú nông rõ rệt, vượt quá phạm vi “trung lập phú nông” theo sách lược của Đảng.

*
Sau cùng là những lời tuyên bố không phải của chủ tịch đoàn, mà của anh NQC, trưởng đội công tác xã Dân Chủ. Anh hoan hô cuộc thắng lợi của nông dân và nhắc nhở về việc củng cố nông hội.

Nhưng cái điệu lệch của cán bộ là chỉ nhắc đến Hồ Chủ tịch, đến Đảng, mà không nói đến chính quyền dân chủ nhân dân. Những khẩu hiệu hô trước khi mít tinh giải tán cũng thiếu hẳn khẩu hiệu chống đế quốc.

*
4 giờ rưỡi, mít tinh giải tán, mình ra về trong đám quần chúng, nhưng không nhặt được một dư luận nào thêm. Nhọc mệt. Bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình.
.......

Nhật ký ngày 31-5-1953

31-5-1953

Sáng sớm, mình xuống xã Dân Chủ cùng hai người trong tổ kiểm tra để kiểm tra việc thoái tô, thoái tiền công và chia quả thực. Nằm ở nhà một bần nông, sáng và chiều vùi đầu vào trong đám giấy tờ của đội công tác để tìm ra vấn đề. Một điều nhận thấy là giấy tờ lộn xộn quá, vì kém văn hóa và thiếu khoa học. Thiếu đến cả những hình thức thông thường. Nhiều tài liệu phải vừa đọc vừa hỏi mới biết rõ sự việc. Trong khoản nông dân bắt địa chủ và phú nông bồi thường có cả khoản trâu bò phá hoại hoa màu từ mấy năm trước. Đến cả bần, cô nông với trung nông cũng thanh toán cả món nợ từ năm nảo năm nào. Có anh cố nông năm nay 39 tuổi khai bị một địa chủ quỵt công ở 25 năm, sau đem bình nghị phải giảm xuống 15 năm. Sau cùng là 9 năm. Có người đòi công ở 2 năm tới 86 nồi thóc (mỗi nồi 22 cân) trong khi công ở mỗi người nhiều nhất trong một năm chỉ có 20 nồi. Hơn nữa có anh bần nông bắt đến địa chủ bắn chết một con lợn 15 cân từ năm 1935 là 8 nồi thóc. Nếu tính theo giá hiện thời: 300 đồng bạc ngân hàng một cân thóc thì con lợn 15 cân ấy (kể cả lòng lẫn cứt), giá bồi thường mỗi cân tới 3.520 đồng, trong khi thời giá chỉ có 2.700 đồng. Ấy là chưa kể con lợn hồi ấy, địa chủ, người bắn chết, có ăn thịt không hay con lợn vẫn về nhà có lợn. Đại để những việc như thế đã nói rõ sự lạm quyền thế mới lên và sự tham lam trắng trợn của một số bần, cố nông chưa được giáo dục.

Buổi tối, mình dự một tổ nông hội bàn về mấy nguyên tắc chia ruộng công. Trong gian nhà bức, nóng, người đến dự vừa đau mắt, vừa buồn ngủ, mỏi mệt, uể oải sau một ngày làm việc dưới nắng hè để sáng mai lại phải dậy sớm đi làm. Trong khi ấy, chủ tọa buổi họp là một cố nông không biết điều khiển gọn ghẽ, cứ hỏi đi hỏi lại, bắt mọi người đều phải phát biểu ý kiến. Có nhiều vấn đề trở đi trở lại mãi. Thêm vào đấy, mấy phần tử cốt cán cứ nói theo giọng cán bộ, tuôn một tràng dài những lý luận và danh từ không cần thiết. Rồi, sau đó, cũng làm đủ mọi phương thức: phê bình hội nghị, duyệt y biên bản, kéo tới 11 giờ khuya.

Nguồn: Trần Huy Liệu – Cõi người. Tác giả: Trần Chiến.
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2009

Nguồn:http://anlacminh.blogspot.ca/

Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác? Phần II

Thật ra, trước khi đến tham dự cuộc Triễn lãm này, hẳn nhiên là mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ không ai không ít nhất một vài lần trong đời đã được nghe, được nói đến sự rùng rợn, sự bất nhân trong cuộc CCRĐ đã từng xảy ra trên đất nước ta. Thế nên, việc người ta đến, để xem, để tham quan, tham dự không chỉ là việc xem nó ra sao, mà điều cơ bản là để xem thái độ nhìn nhận với những tội ác đã gây ra như thế nào.
Như trên đã nói, việc trưng bày hiện vật tại cuộc Triển lãm này, gợi nên một cuộc đấu tố mới, mà nạn nhân là oan hồn của hàng trăm ngàn người đã chết, đã điêu đứng, đã tán gia bại sản trong biến cố cả xã hội lên đồng cướp đoạt có tổ chức mang tên CCRĐ.
Hiện vật xưa và hiện thực nay: Chân mình cứt lấm bê bê
Những vật dụng đời thường của người dân xưa kia được mua sắm bằng sức lao động, trí tuệ và công sức mồ hôi, nước mắt của họ được đưa ra như những bằng chứng tố cáo họ đã "bóc lột người dân Việt Nam hết sức thậm tệ" mới có những thứ này. Đó là sập gụ, tủ chè, nồi đồng, áo quần đẹp.. bên cạnh người nông dân bị bóc lột là tấm áo vá chằng vá đụp, ngôi nhà tranh vách đất được tạo dựng lại. Nhìn những vật dụng này, nó gợi cho người xem lòng căm thù bọn bóc lột. Sự bóc lột đó ra sao? Đó là những chiếc thùng hai đáy, khi người vay đến đáy trên và khi trả thì phải trả đáy dưới. Thế là bóc lột, thế là ngồi mát, ăn bát vàng. Mặc dù việc vay, trả là thỏa thuận giữa người vay và người cho vay.
Thế nhưng, khi xem những hiện vật kia, những câu hỏi sau đây hiện ra cần lời đáp. Đó là vì sao, ngày xưa Đảng nhất định phải lãnh đạo nhân dân lật đổ địa chủ thống trị, cướp bóc, bắn giết họ và tiêu diệt họ?
Nếu những vật dụng như đang trưng bày kia đã nung nấu căm thù của người dân? Vậy thì ngày nay người dân sẽ xử lý thế nào với những cán bộ cộng sản đi những chiếc xe trị giá 3.000 con trâu? Những ngôi biệt thự giá hàng ngàn cây vàng mà cán bộ cộng sản "mượn" của dân nhưng không trả trong khi dân còn phải tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học?
Nếu vì những chiếc thùng hai đáy kia làm cho người dân khốn khổ. Thì nhân dân Việt Nam ngày nay cần phải làm gì khi họ nghiễm nhiên bị trấn lột từ phía nhà nước từ tiền viện phí, học phí, giá cả, xăng dầu, các loại thuế, phí từ cầu đường, cho đến nhà vệ sinh... và cả nghĩa địa. Thậm chí ngay cả nhà cửa đất đai cha ông họ đổ máu xương mới xây dựng lên được mà đảng thích áp đặt ra sao thì buộc người dân phải chịu như vậy, nếu không thì đã có... nhà tù và súng đạn?
Nếu người nông dân phải vùng lên lật đổ chính quyền phong kiến ngày xưa, vì quan lại sống trong những ngôi nhà đẹp đẽ trái ngược với những ngôi nhà đất xiêu vẹo, thì ngày nay, sau hơn hai phần ba thế kỷ theo sự lãnh đạo của đảng đi cướp phá giai cấp bóc lột, họ sẽ phải làm gì khi những đảng viên đang sống trong những biệt thự xa hoa, lộng lẫy?  còn người dân sống trong những"đặc khu ổ chuột giữa Sài Gòn",  Hà Nội, thậm chí bị cướp mất đất đai nhà cửa khi phải lưu vong trên chính quê hương mình?
Phải chăng, tội lỗi của địa chủ, quan chức phong kiến ngày xưa là ở chỗ họ không biết cách có cô em nuôi cho tiền xây biệt thự  lộng lẫy như Tổng Thanh tra Chính phủ, không biết cách dán hộp các tông ngoài giờ kiếm tiền mua nhà khủng như Thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy, không biết cách trồng cao su xây biệt thự như Chủ tịch Bình Dương hoặc không biết đẻ con nhiều tiền để xây dinh cơ khổng lồ như Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương?
Thực chất, những địa chủ khi xưa, những quan lại phong kiến thời đó, họ chỉ thiếu và thua một điều: Họ không đủ khả năng và không có cơ hội để trơ trẽn và bất chấp liêm, sĩ, nhân cách như những đảng viên ưu tú kia của Đảng CS. Có lẽ, cái hạn chế của bọn đế quốc, phong kiến so với đạo đức, văn minh CS là chỗ đó, tức là đã không tạo ra được những cán bộ ưu tú như "Đảng ta". Và kết cục là đã thua, "đảng ta" đã cướp được chính quyền từ họ.
Bên cạnh tôi, các nhà báo, đài truyền hình đua nhau phỏng vấn, ghi hình những người nói lên cảm xúc khi thăm triển lãm, ca ngợi cuộc CCRĐ vĩ đại. Một người đang "chém gió" hăng say trước máy quay truyền hình rằng: "Nhiều tác phẩm như Tắt Đèn, Kim Lân... nhưng bây giờ tôi mới thấy một chiếc áo nông dân vá chùm vá đụp...". Tôi hỏi ông ta:
Thưa ông, ông nghĩ gì cuộc CCRĐ để nhằm "đưa lại ruộng cày cho nhân dân", giờ ruộng đất lại vào tay quan chức của nhà nước, của đảng. Vậy ông nghĩ gì và liệu có phải làm lại cuộc CCRĐ đó không?
Câu trả lời của ông ta là: Chính sách đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, là nọ, là kia... nhưng ruộng đất bây giờ ai chiếm hữu thì... tôi không biết.







 Chiếc đấu hai đáy, công cụ bóc lột của địa chủ ngày xưa và cái gọi là "Luật" công cụ cướp đoạt đất đai ngày nay.
 

Nạn nhân ca ngợi thủ phạm và mơ ước tiếp tục CCRĐ
Với súng, đạn, sắt thép và nhà tù cùng với hệ thống loa tuyên truyền triền miên, dai dẳng mọi nơi mọi lúc, thật sự đảng CS đã làm được một điều kỳ diệu: Tẩy não người dân.
Cái gọi là Cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa của Cộng sản thành công đến mức các nạn nhân tự nguyên tung hô, ca ngợi thủ phạm. Đau đớn và xót xa cho thân phận những kẻ cả tin và mê muội đến tận cùng. Tôi đã từng nghe về những nạn nhân cho đến khi bị đảng chặt đầu vẫn hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm" hay "Đảng CS muôn năm" mà không thể nào tin nổi.
Thế nhưng, đời lắm sự bất ngờ.
 Trong phòng triển lãm, một ông già, ngực đeo mấy tấm huân chương tự xưng là con địa chủ, xúm quanh là các phóng viên truyền hình. Ông đang say sưa kể cho các phóng viên về truyền thống mấy đời yêu nước của nhà mình. Nào là ông cậu của bố ông là ông Hai Hiên, người làm đầu bếp đã đầu bỏ thuốc đầu độc cả Trung đoàn lính Pháp tại Hà Nội trong vụ Hà Thành đầu độc nổi tiếng trước đây và bị chặt đầu, còn ông thì đi bộ đội chiến đấu vì đảng, vì nước. Tôi hỏi ông:
- Bác cho biết, cuộc trưng bày này có ý nghĩa gì không? khi mà quan chức nhà nước giờ còn nhiều đất đai hơn cả địa chủ ngày xưa?
- Nếu bây giờ có CCRĐ, thì bác sẽ xung phong làm đao phủ để đi chém những thằng đã chiếm lại đất đai, tài sản của nhân dân, của những người nghèo. Hiện nay còn nhiều tầng lớp ăn trên ngồi trốc.
- Vì sao?
- Vì bây giờ nó bóc lột dân tợn quá.
- Bây giờ vẫn còn bóc lột sao?
- Bóc lột quá đi chứ.
- Xin hỏi bác thêm một câu: Vừa rồi, bác nói một câu là nhờ có "bác Hồ". Vậy "bác Hồ" là người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không? Hay mấy giọt nước mắt đó ông đã phủi hết trách nhiệm về tội ác của CCRĐ?
- Nói thế thì... hôm nay tôi không mang một tài liệu của Hoàng Tùng nói về việc này...
Vậy đấy, với những nạn nhân, họ vẫn luôn coi "bác Hồ" và đảng vô tội. Đó mới là thành công, mới là ngoạn mục.
Tò mò, tôi gặp lại ông sau triển lãm. Ông cho biết: Ông tên là Lê Đình Phúc, năm nay 73 tuổi. Bố ông là Lê Đình Hàm, một người có công với đảng và tuyệt đối tin tưởng "bác Hồ". Thế nhưng, khi cơn bão CCRĐ do đảng CS đưa đến, lưỡi hái của đảng đã không chừa cả người bạn của đảng là bố ông. Ông Lê Đình Hàm bị bắn chết cùng một lúc với bà Nguyễn Thị Năm vào ngày 09/7/1953 tức là 29/5 âm lịch.
Điều mà ông tâm đắc là cho đến nay, là ngay khi bị bắn chết, bố ông vẫn hô to: "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Đảng Lao động VN muôn năm" và coi đó như hành động vẻ vang chứng tỏ sự vô tội của bố mình. Tiếc thay, dù đã hô thật to cả Đảng và "Bác" thì cái mạng cũng không thể bảo toàn. Nghe ông say sưa kể, tôi chợt nghĩ: Không rõ, nếu có "Bác" ở đó, thì liệu "bác" có cứu Cụ Lê Đình Hàm khỏi lưỡi hái của đảng hay không?
Và từ đó đến nay, ông đi khiếu nại từ trung ương đến địa phương, nhưng chưa có chỗ nào giải oan cho bố ông, ngoại trừ ông Trần Đức Lương cấp cho bố ông Huân Chương kháng chiến. Ông đưa tấm ảnh ba cái đầu đặt trên đất nói rằng: Đây là đầu của Hai Hiên, cậu bố ông đã bị Pháp giết man rợ khi đầu độc nhà bếp của chúng. Tôi buồn cười bảo:
Đầu độc giết cả trung đoàn của Pháp mà nó giết thì có man rợ bằng bây giờ dân không làm gì mà đưa vào đồn công an ra còn cái xác và được báo là tự tử không ông?
Ông ngẩn mặt nhìn tôi rồi nói: "Anh nói đúng, nhưng... thẳng thắn quá".
 Video: Phỏng vấn tại Triển lãm CCRĐ:


(Còn nữa)
Hà Nội, Ngày 10/9/2014
·      J.B Nguyễn Hữu Vinh

Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra ‘bốn tôn trọng’ đối với tranh chấp Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

VOA-11.09.2014
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, khi tham dự Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Trung Quốc-Australia hồi gần đây ở Sydney, đã nói đến "bốn tôn trọng" cần được tuân thủ về vấn đề Biển Đông.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cho biết bốn tôn trọng này bao gồm tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng luật pháp và quy định quốc tế, tôn trọng đối thoại trực tiếp và tham vấn giữa các nước có liên quan, và tôn trọng những nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Một bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng “bốn tôn trọng” này là để đáp lại hành động của Philippines đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế, và điều mà bài báo nói là sự can dự của Mỹ ở Biển Đông.
Bài báo cũng bác bỏ lời kêu gọi của Thủ tướng Australia kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Bài báo nói Trung Quốc có rất nhiều cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông và nhấn mạnh cần phải tôn trọng sự thật lịch sử này, nói rằng những nước khác nên từ bỏ ý tưởng phi thực tế là tìm kiếm sự phân xử trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông.
Nguồn: fmprc.gov.cn, english.peopledaily.com.cn

Trung Quốc mời thầu 25 lô dầu khí ở Biển Đông

Bản đồ lãnh hải tranh chấp
Bản đồ lãnh hải tranh chấp
VOA-11.09.2014
Tập đoàn dầu khí hàng đầu của nhà nước Trung Quốc CNOOC mời gọi các công ty nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí ngoài khơi Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Thông cáo của công ty cho biết CNOOC trong năm nay sẽ mời thầu 33 lô dầu khí trên diện tích tổng cộng hơn 126 ngàn cây số vuông.
Trong đó có 25 lô ở Biển Đông, 4 lô ở Biển Hoa Đông, và các lô còn lại ở Hoàng Hải.
Mỗi năm CNOOC đều chào hàng các hợp đồng mời thầu.
Bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam, hồi năm 2012, công ty này từng thông báo chào thầu quốc tế hàng chục lô dầu khí ở Biển Đông trong đó có nhiều lô Hà Nội nói nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải là khu vực có tranh chấp.
Nguồn: Brecorder.com/CNOOC website

Đàm phán TPP tiến bộ nhưng nhân quyền vẫn là trở ngại lớn với Việt Nam

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Trà Mi-VOA-11.09.2014
Trưởng đàm phán của Hoa Kỳ về Hiệp định Tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Barbara Weisel, loan báo có tiến bộ sau vòng đàm phán mới đây ở Hà Nội, nhưng giới quan sát trong nước cho biết nhân quyền vẫn là một rào cản lớn đối với ngưỡng cửa TPP của Việt Nam.
Sau 10 ngày thương thảo (1-10/9), đại diện 12 nước tham gia cho biết đã tháo gỡ được nhiều vấn đề gúc mắt và đang tiếp tục thu hẹp những khoảng cách còn lại.
Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam nhận xét trở ngại gay go nhất với Hà Nội là các yêu cầu về công đoàn độc lập, cải cách nhân quyền và quyền của người lao động chưa có dấu hiệu được giải tỏa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từng làm cố vấn cho nhiều đời lãnh đạo Việt Nam, đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về con đường TPP của Việt Nam sau vòng đàm phán vừa kết thúc tại Hà Nội.
TS Lê Đăng Doanh: Ký kết TPP sẽ mở rộng các thị trường rất lớn cho hàng Việt Nam như da giày, thủy sản, dệt may, lâm sản. Thứ hai, TPP sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy cải cách; nâng cao năng lực cạnh tranh; thống nhất các quy trình về hải quan, mua sắm và tăng cường sự công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng. Thứ ba, với việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng nguồn lao động giá đang còn rẻ, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ hiện đại và học tập thêm phương pháp quản trị kinh doanh hiện đại. Các yếu tố đó sẽ thúc đẩy kinh tế Việt tăng trưởng cao hơn.
VOA: Với các triển vọng đầy hứa hẹn như vậy, ông dự đoán TPP của Việt Nam liệu sẽ hoàn tất trước cuối năm nay hay chăng?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức nhưng hiện nay việc ký kết TPP vẫn còn có một số trở ngại. Một là Hạ viện Hoa Kỳ tới nay chưa trao cho chính quyền của Tổng thống Obama quyền ‘fast track’ tức là đàm phán nhanh. Không có việc chấp thuận ‘fast track’, Hiệp định TPP mà chính phủ Hoa Kỳ ký kết rất có thể sẽ bị Hạ viện xem xét và bắt tu bổ điểm này, điểm kia, hoặc bắt đàm phán lại. Lúc bấy giờ sẽ có nguy cơ các bên đối tác sẽ lại phải đàm phán một quá trình rất khó khăn. Vì vậy, các bên đàm phán hiện nay vẫn giữ một dư địa để phòng ngừa, nếu như có phải đàm phán lại thì mình vẫn có thể có cái dư địa để đàm phán tiếp. Thứ hai, Hiệp định TPP có các điều kiện rất mới và rất khó khăn như mở cửa thị trường, các nội dung về sở hữu trí tuệ, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, hay như đối với Việt Nam là quyền tự do thành lập công đoàn. Tổng thống Obama mong muốn ký kết TPP vào cuối năm nay, nhưng tôi không biết thời gian còn lại có thể tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết được không. Nếu để sang 2015 khi Hoa Kỳ bắt đầu bước vào giai đoạn bầu cử, tôi e rằng không khí chính trị lúc đó sẽ ưu tiên cho bầu cử nhiều hơn là thúc đẩy TPP.
VOA: Nói về rào cản với Việt Nam trong vấn đề TPP, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay mà giới lập pháp Mỹ rất quan tâm là vấn đề nhân quyền gắn liền với quyền của người động và quyền lập công đoàn. Với các rào cản mà phía Mỹ muốn Việt Nam dỡ bỏ đó để rộng đường Việt Nam tiến vào TPP, theo ông, liệu có khả năng Việt Nam sẽ nhượng bộ các đòi hỏi đó hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Tới nay, tôi chưa thấy dấu hiệu gì Việt Nam nhượng bộ về việc này. Từ trước tới nay, Việt Nam không muốn thay đổi về nội dung này và đã có viện dẫn một số trường hợp có ngoại lệ, như trường hợp Australia ký Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ với một số ngoại lệ. Không rõ trong trường hợp TPP của Việt Nam có được áp dụng những ngoại lệ hay không.
VOA: Là một nhà cố vấn kinh tế, ông thấy Việt Nam nên hay không nên có sự nhượng bộ này, và lý do vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi là rất nên tiến tới có một lộ trình hợp lý để đi đến có quyền thành lập các công đoàn và có các tổ chức công đoàn cạnh tranh với nhau. Có như vậy sẽ giúp bảo vệ các lợi ích hợp pháp cần thiết của người lao động. Nhưng đối với Việt Nam, nên có một lộ trình nhất định để Việt Nam có thời gian thích nghi với các chuyển biến như vậy.
VOA: Với các lợi ích kinh tế từ sự nhượng bộ này, vì sao Việt Nam vẫn còn lưỡng lự, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, sự cân nhắc đó là vi e ngại có thể sẽ có những bất ổn chính trị và rất muốn duy trì sự lãnh đạo toàn diện-tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam đối với một tổ chức công đoàn mà thôi, đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nếu chấp nhận nhiều tổ chức công đoàn thì sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đấy sẽ được thực hiện như thế nào_đó có lẽ là các điều cân nhắc. Theo tôi, nên chấp nhận một lộ trình để có thể thích nghi với các điều kiện như vậy.
VOA: Khi thương lượng được cái này thì có thể phải mất cái kia. Vào được TPP, Việt Nam được rất nhiều quyền lợi như ông vừa phân tích, nhưng những cái có thể mất đối với Việt Nam trong tiến trình này là gì, thưa Tiến sĩ?
TS Lê Đăng Doanh: TPP là một bông hồng có rất nhiều gai và hoàn toàn không dễ dàng. Việt Nam muốn tiếp cận thị trường các nước thì cũng phải mở cửa thị trường của mình trong một loạt các lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, gà, heo..v..v...Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh rất gay gắt. Hiện nay, thịt bò của Australia đang lấn át thịt bò các nước. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải cải cách nâng cao chất lượng chăn nuôi bò, heo, gà, vịt. Đó là những việc Việt Nam hiện cần phải làm. Những khó khăn, thách thức đó sẽ giúp thúc đẩy cải cách, khiến Việt Nam phải tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả nền kinh tế lên. Nó như một đòn kích thích, một xung điện để thúc đẩy kinh tế năng động hơn, mọi người phải nỗ lực cao hơn để cải cách cho phù hợp với các yêu cầu của quốc tế. Qua đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định hơn và năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn.
VOA: Nếu có 3 điểm ưu tiên nhất cần nêu lên, ông sẽ kiến nghị điều gì cho lộ trình TPP của Việt Nam?
TS Lê Đăng Doanh: Trước hết là các yêu cầu về hàm lượng xuất xứ của hàng hóa để đảm bảo cho hàng Việt Nam có thể tiếp cận được với các thị trường bên ngoài. Thứ hai, lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng cần phải được làm rõ để không ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp của Việt Nam như ngành công nghiệp dược hay các ngành công nghiệp thuốc thú y. Thứ ba, vấn đề về quyền tự do lập công đoàn của công nhân. Đó là những điểm, theo tôi, đối với Việt Nam là rất đáng lưu ý. Cho tới nay, tự do lập công đoàn là điều Việt Nam khó chấp nhận.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với TS Lê Đăng Doanh

Tại sao Việt Nam không dám kiện Trung Cộng ra tòa?


Phạm Trần (Danlambao) - Bài này không nhằm trả lời câu hỏi tại sao cho đến giờ này, sau khi Trung Cộng đã rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước ngày 15/07/2014, mà Việt Nam vẫn không dám đưa Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế dù Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông. Đó là trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử của đảng và nhà nước CSVN.

Mục đích bài viết này chỉ tập trung nói về những “sợi dây thòng lọng” của Trung Cộng đã tròng vào cổ lãnh đạo Việt Nam khiến Hà Nội phải nằm im trong quỹ đạo của Bắc Kinh.

Những tuyên bố “khua chuông gõ mõ” từ phía Nhà nước Việt Nam chẳng hạn như câu nói “viển vông” của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp của Chính phủ ngày 16-07-2014 rằng: “Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế” chẳng có nghĩa lý gì đối với Tổng Bí thư-Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình, người đã khẳng định kiên trì lập trường bất di bất dịch “biển của ta, gác lại tranh chấp cùng khai thác” với Việt Nam do lãnh tụ “mở cửa” Đặng Tiểu Bình để lại từ năm 1979.

Lập trường làm chủ hầu hết diện tích 3.5 triệu cây số vuông Biển Đông mà Trung Hoa gọi là “Nam Hải” (South China Sea)” đã do các chính phủ Trung Hoa từ thời chính phủ Trung Hoa Dân Quốc năm 1948 (Tưởng Giới Thạch) tự vẽ mà không cần chứng minh bằng bản đồ “Đường 11 đoạn”, hay còn gọi là “Đường lưỡi bò”. Sang thời Cộng sản Mao Trạch Đông từ 1949 thì Trung Hoa đã tự ý bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ vào năm 1953 mà không có lời giải thích nào. 

“Đường 9 đoạn” này được giữ cho đến cho đến nửa đầu năm 2014 thì Chính phủ Tập Cận Bình lại công bố “bản đồ dọc” có thêm 1 đoạn thành 10 vào ngày 25/06/2014 sau khi Trung Cộng đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 02/5 và rút đi ngày 15/07/2014.

Trong thời gian có khủng hoảng giàn khoan HD-981, rất nhiều chuyên viên, học giả Việt Nam trong và ngoài nước, Quốc tế và cựu đảng viên Lãnh đạo đã khuyên nhà nước Việt Nam hãy chộp lấy cơ hội vàng này để kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế.

Rất tiếc Bộ Chính trị đảng CSVN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định mọi việc, vẫn “bình chân như vại”. Theo phân tích của một số chuyên gia, khuynh hướng phải kiên nhẫn chịu đựng và tiếp tục duy trì quan hệ tốt với láng giềng “không thể bỏ được Bắc Kinh”, cầm đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng, chiếm đa số trong tổng số 16 Ủy viên Bộ Chính trị nên Việt Nam nằm im chịu trận.

Vì vậy khi người ta nghe ông Thủ tướng Dũng nói sẽ sử dụng “sức mạnh tổng hợp” để “bảo vệ chủ quyền” mà không thấy đưa ra giải pháp cụ thể nào để thoát lệ thuộc kinh tế vào Trung Cộng thì ai cũng biết ông “chỉ nói cho có nói” hầu tránh mất lòng người hàng xóm dù bất đắc dĩ nhưng “quá hậu hỹ” với cá nhân ông trong 90% vụ trúng thầu các dự án kinh tế của Việt Nam mà ông đã dành cho các công ty Trung Cộng từ khi lên làm Thủ tướng ngày 27/06/2006.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng biết rõ như thế vì nếu Việt Nam có hành động chống Trung Cộng, dù chỉ bằng “các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế” rất mênh mông thì Trung Cộng sẽ không ngần ngại đưa ra các biện pháp trừng phạt rất tai hại cho Việt Nam.

Bởi vì vào lúc giàn khoan HD 981 đang hoạt động thì báo chí, một số tướng trong Quân đội và nhà bình luận diều hâu của Trung Cộng đã đe dọa sẽ có biện pháp quân sự và kinh tế trừng phạt Việt Nam nếu Hà Nội theo chân Phi Luật Tân kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế.

Lời đe dọa này đã khiến nhà nước Việt Nam không dám coi thường vì sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào nguyên liệu và máy móc phải nhập cảng từ Trung Cộng.

Nhưng quan trọng hơn vì lãnh đạo CSVN không đủ bản lĩnh và nghị lực để tìm cách kết thân với các nước có quân sự và nền kinh tế hùng mạnh Tây phương và trong vùng Á châu-Thái Bình Dương, đặc biệt là Hoa Kỳ, để thoát ra khỏi sự khống chế của Bắc Kinh.

Đe dọa chồng chất

Thêm vào đó, trước ngày ông Dương Khiết Trì, Quốc vụ viện Trung Cộng đến Hà Nội ngày 18/6/2014 để khuyến cáo các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng-Bộ trường Ngọai giao Phạm Bình Minh về hoạt động của gián khoan HD 981 mà họ Dương nói “hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc” thì Xinhua (Tân Hoa Xã), hãng tin chính thức của Trung Cộng, đã đưa ra “lệnh 4 không” buộc phía Việt Nam phải làm, đó là:

1Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).

2Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).

3Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.

4Không được phá bỏ mối quan hệ Việt-Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Và tại cuộc họp với ông Phạm Bình Minh, ông Dương Trì đã trân tráo nói, theo tường thuật của Tân Hoa Xã, Xinhua: "Đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan

Điều bức xúc nhất hiện nay là Việt Nam cần phải đình chỉ quấy nhiễu đối với sự tác nghiệp của Trung Quốc, đình chỉ thổi phồng bất đồnggây ra tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt xảy ra tại Việt Nam cách đây không lâu, đồng thời bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc tại Việt Nam. Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn.”

Đó là áp lực về chính trị, kinh tế thì lép vế ra sao mà khiến lãnh đạo Việt Nam phải “ngậm tăm”?

Báo Thanh Niên cho biết: “Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, có 16 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỉ USD trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường mà VN đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 18,64 tỉ USD. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đứng thứ 2 với 3,81 tỉ USD. Tiếp theo là Anh 3,13 tỉ USD, Hồng Kông 3,06 tỉ USD, Campuchia 2,42 tỉ USD, Hà Lan 2,26 tỉ USD, Nhật Bản 2 tỉ USD... 

Tuy nhiên, do nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn, tới 23,7 tỉ USD nên đã "nuốt" gần như toàn bộ thành tích xuất siêu từ các thị trường này.” (Thanh Niên, 14/05/2014)

Báo này viết tiếp: “Những tháng đầu năm 2014, tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Tổng cục Hải quan cho biết, quý 1/2014 Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 4,4 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng trong quý 1, Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc 4,5 tỉ USD.

Điều đáng nói là, với cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công và xuất khẩu, chúng ta thực ra đang xuất khẩu giùm nước này và phần giá trị gia tăng được hưởng rất ít ỏi. 

Theo Tổng cục Hải quan, cả năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 17,95 tỉ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập tới 14,81 tỉ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc 5,56 tỉ USD. 

Công thức là, Việt Nam nhập nguyên liệu của Trung Quốc về gia công và xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, EU. Ở hoàn cảnh tương tự là điện thoại các loại và linh kiện, Việt Nam xuất được 21,24 tỉ USD cả năm 2013 nhưng phải nhập khẩu 8 tỉ USD, riêng Trung Quốc gần 5,7 tỉ USD...

Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn tiêu thụ công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2013, Việt Nam nhập từ Trung Quốc tới 36,8 tỉ USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu… Riêng 3 tháng đầu năm, nhóm hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với tổng trị giá là 1,58 tỉ USD, tăng 29,7%.”

Trước đó, theo báo Dân Trí ngày 18/12/2013 thì: “Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 diễn ra ngày 17/12, Bộ Công thương cho biết, nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD thì đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD.

Như vậy, sau hơn 10 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng hơn 76 lần. Theo thống kê mới nhất Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 11 vừa rồi, Việt Nam thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc lên tới hơn 2 tỷ USD.”

Trung Cộng nắm hầu bao Việt Nam

Lý do nhập siêu tăng nhanh vì tất cả nguyên liệu, máy móc để sản xuất dệt may, giầy dép, hàng điện tử và đồ thông dụng khác đều phải nhập cảng từ Trung Cộng trong khi Việt Nam không tự sản xuất được, kể cả đồ phụ tùng thay thế cũng phải mua từ Trung Cộng.

Trung Cộng cũng đã kiểm soát 90% nền kinh tế của Việt Nam, quan trọng nhất là các nhà máy điện, xi măng, khoáng sản, xây cất đường xá, bến cảng bên cạnh dự án khai thác Bauxite đang sa lầy, giết vốn nghiêm trọng ở Tây Nguyên tại hai Tỉnh Lâm Đồng (Nhà máy Tân Rai) và Dăk Nông (Nhà máy Nhân Cơ).

Tiến sỹ Tô Văn Trường là một trong số chuyên viên đã báo động: “Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường... hai dự án bôxit Tây Nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ) đã phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ còn nặng nề hơn, dự kiến 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng vv...

Thực tế bi đát của dự án này là điều có thể thấy trước và không làm ai ngạc nhiên. Nói theo nhà Phật thì “quả báo nhãn tiền” đã có ngay chứ không cần đợi đến kiếp sau.”

Ông cảnh cáo tiếp: “Nguy hiểm hơn, có vẻ như những người quyết định và đang theo đuổi dự án này đã lỡ ngồi trên lưng hổ rồi, nên cứ tiếp tục liều mạng bất chấp cái giá mà nhân dân và đất nước phải trả trong điều kiện nền kinh tế đang suy kiệt hiện nay. Việc cố tình che dấu tội lỗi thường mang lại hậu quả lớn hơn nhiều tội lỗi ban đầu.” (theo VNCOLD, 17/04/14)

Trong khi đó chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban quản lý dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) thì nói thẳng: “Chúng ta phải nói vì sự thật là dù thí điểm nhưng với hai nhà máy, TKV đã “giúp” bổ sung vào nợ công VN hơn 1,2 tỉ USD. Nếu cứ “quyết liệt” làm nốt Nhân Cơ, tổng nợ công sẽ tăng thêm gần 2 tỉ USD. Để trả nợ cho hai dự án thí điểm này, gần 140.000 lao động của TKV, theo tính toán, sẽ phải làm việc cật lực 20 năm may ra mới “xong”.” (báo Tuổi Trẻ,13/05/2013)

Nhưng tại sao biết là thua lỗ và tương lai rất mù mịt, không kể những tai họa hồ chứa “bùn đỏ” có thể bị vỡ nguy hiệm cho tính mạng và tài sản người dân ở hạ nguồn sông Đồng Nai, mà Việt Nam vẫn cứ lao đầu vào cuộc phiêu lưu?

Lý do vì hai Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (khóa VIII) và Nông Đức Mạnh (hai khoá IX và X) đã không có bản lĩnh chống lại đòi hỏi của Trung Cộng để họ tham gia vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vùng đất chiến lược quốc phòng của Việt Nam.

Sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 167 ngày 01 tháng 11 năm 2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

Hàng ngàn chuyên viên, đảng viên, cựu Lãnh đạo, Tướng lãnh - kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Phó chủ tịch Nước bà Nguyễn Thị Bình, trí thức, văn nghệ sỹ, kể cả Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Địa phận Vinh và người dân trong nước là chính đã gửi thư yêu cầu ngưng hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ vì có hại nhiều hơn lợi kinh tế cho Việt Nam nhưng nhà nước cứ làm.

Đến khi có quặng ở Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) để xuất cảng thì Trung Cộng là khách hàng chính mua hàng của Việt Nam để sử dụng với giá thấp hơn rất nhiều so với tổng số vốn sản xuất ra 1 tấn quặng. Vì khi tính lời lỗ thì Nhà nước không tính tiền phí tổn làm đường, sửa đường, chuyên chở nên thua lỗ đã không tránh được như các chuyên viên đã vạch ra.

Áp lực chính trị

Trên lĩnh vực chính trị, vì bị ép buộc phải cam kết với Trung Cộng tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 để được nối lại bang giao với Bắc Kinh, theo lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc Kinh từ năm 1974 đến 1987, mà Việt Nam không được nhắc đến vụ Trung Cộng chiếm Hòang Sa năm 1974 và cũng phải im luôn, không được nhắc nhở dưới bất cứ hình thức nào, kể cả truy điệu những người Việt Nam đã chết trong 2 cuộc tấn công của Trung Cộng qua biên giới từ năm 1979 đến 1989. Có khoảng 45 ngàn quân và dân 6 tỉnh biên giới đã tử thương, mất tích và bị thương trong cuộc chiến bi thảm này.

Do đó, trong tất cả các cuộc nói chuyện đôi bên về chủ quyền biển đảo Trung Cộng luôn luôn nhắc cho Việt Nam nhớ những điều đã cam kết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng ở Thành Đô năm 1990. Ngoài ra Việt Nam còn ở vào thế yếu khi phải tranh cãi với Trung Cộng về Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù đã nhiều lần các học giả, chuyên viên Việt Nam và báo chí đảng lý luận rằng Công hàm Phạm Văn Đồng “không hề đề cập đến Hòang Sa và Trường Sa”, cũng như Công hàm khi đó của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có tư cách pháp lý thay mặt cho nhà nước thực sự kiểm soát 2 quần đảo này là Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Vỹ tuyến 17 nên bảo ông Phạm Văn Đồng đã thừa nhận quyền chủ quyền của Trung Cộng đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hòan toàn không có cơ sở pháp lý.

Phía nhà nước Việt Nam Cộng sản còn lập luận rằng sở dĩ khi Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974 mà Hà Nội không có phản ứng nào vì khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt cần sự giúp đỡ của Trung Cộng và các vũ khí của khối Liên Sô và các nước Cộng sản Đông Âu gửi cho Hà Nội để theo đuổi chiến tranh xâm lăng miền Nam Việt Nam chỉ có thể đến miền Bắc qua lãnh thổ Trung Cộng cho nên nhà nước phải chọn nhu cầu “đánh thắng miền Nam để thống nhất đất nước” làm ưu tiên và cần thiết hơn việc đưa ra lời tuyên bố phản đối Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam mà chẳng đi đến đâu.

Nhưng lời bào chữa này của CSVN có xuôi tai không và tại sao Nhà nước Việt Nam từng bác bỏ lập luận “do lịch sử để lại của Trung Quốc” mỗi khi họ nói đến chủ quyền của họ trong “Đường lưỡi bò”, đã không kiện Bắc Kinh ra tòa để thách đố Trung Cộng chứng minh bằng các “văn kiện lịch sử” hợp pháp?

Vì vậy mà Trung Cộng đã tự do hành động, tuyên truyền như “múa gậy vườn hoang” tại các diễn đàn trên thế giới, trên báo chí, tài liệu ngọai giao, sách giáo khoa và bản đồ du lịch, giấy Thông hành v.v...

Tại Hội nghi an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2014,

Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) đã oang oang cho rằng: "Bản đồ "Đường lưỡi bò" phản ánh 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, và do đó nó có trước Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Từ đó, ông Vương cho rằng khu vực này không phù hợp để áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong khi công ước này ra đời để áp dụng chung cho việc giải quyết mọi tranh chấp mà không hề nêu ra ngoại lệ.” (Tài liệu Bách khoa tòan thư mở).

Còn vụ Tầu tấn công và chiếm 8 đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988 thì sao?

Vẫn theo tiết lộ của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh (sau làm Chủ tịch Nước), người có lập trường thân Trung Cộng, đã ra lệnh cho binh lính bảo vệ đảo “không chống lại quân xâm lược Trung Cộng”.

Và khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười cũng “ngậm miệng như hến” không dám quyết liệt chống lại Trung Cộng vì, theo lời một chuyên gia Việt Nam trong vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nói với tôi (Phạm Trần) “vì khi đó đảng CSVN sợ cũng sẽ bị tan rã” như các nước Đông Âu và sau đó là nước Nga Cộng sản nên im luôn để hy vọng sẽ cùng với Trung Cộng tái lập lại Thế giới Cộng sản”, như đã thấy diễn ra ở Hội nghị Thành Đô năm 1990!

Nhận định của vị Giáo sư Đại học chuyên về Chính trị Ngọai giao Thế giới trùng hợp với việc Việt Nam đã “quên luôn” chuyện đem quân lấy lại những nơi bị mất ở Trường Sa, mặc dù Việt Nam gần Trường Sa hơn Trung Cộng đi từ đảo Hải Nam xuống.

Cho đến tháng 9/2014 thì Trung Cộng đã biến đảo Gạc Ma thành một căn cứ quân sự có bến cảng và sân bay ngắn. Trung Cộng cũng đã biến một số bãi đá tranh chấp chiếm được của Việt Nam và Phi Luật Tân thành các đảo nhân tạo để chuẩn bị đưa người, quân đội đến sinh sống và đồn trú hầu xác nhận chủ quhyền và kiểm soát an ninh hàng hải từ Hòang Sa xuống Trương Sa trong chu vi “Đường lưỡi bò”.

Trong khi đó, tính về số đảo ở Trường Sa thì Việt Nam kiểm soát lối 25, Trung Cộng và Phi Luật Tân bằng nhau từ 7 đến 8 đảo, Mã Lai Á chiếm 4 và Đài Loan làm chủ đảo Ba Bình, lớn nhất trong quần đảo này. Tuy nhiên nói về lực lượng quân sự thì Trung Cộng luôn luôn ở vào thế thượng phong và đang ngày đêm củng cố và khuếch trương những khu vực chiếm đóng.

Nước bọt nhạt nhẽo

Trước thái độ hung hăng đe dọa chiếm đóng chủ quyền biển đảo của Việt Nam ngày một lên cao của Bắc Kinh, những người cầm quyền Việt Nam chỉ biết phản đối bằng nước bọt như họ vẫn làm từ trước đến nay.

Gần nhất vào ngày 09/09/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng: “Theo thông tin xác minh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong các ngày 1 và 14/8 vừa qua, các tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96416 TS và QNg 96674 TS trong khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị một số tàu Trung Quốc khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản.

Nghiêm trọng hơn, ngày 15/8 vừa qua, trong khi đang hoạt động bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị hai canô cao su cùng số hiệu 207 của Trung Quốc khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.”

Ông Bình bảo: “Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam” (TTXVN, Thông tấn xã Việt Nam)

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng đã dã man như thế mà từ năm 2005 đã có hàng trăm vụ tầu cá và ngư dân VN bị lính và cảnh sát biển Trung Cộng đán áp đẫm máu, bắt tù chuộc tiền và tịch thu tài sản ở Biển Đông.

Cũng ngạc nhiên là khi Trung Cộng đối xử với Việt Nam như thế thì chưa bao giờ thấy Cảnh sát biển Việt Nam dám bắt tầu cá hay giữ ngư dân Tầu khi họ công khai xâm nhập sâu vào đánh bắt tự do tại các vùng biển Đà Nẵng, Phú Yên, Vũng Tầu, Côn Đảo, An Giang mà chỉ dám khuyên bảo hoặc “xua đuổi hòa bình” ra khỏi khu vực.

Thậm chí đã có một thời gian rất dài cho đến khi xẩy ra vụ gìan khoan HD 981 thì Ban Tuyên Giáo Trung ương mới bật đèn xanh cho báo đài được phép nói trắng ra “tầu Trung Quốc”, thay vì “tầu lạ” hay “tầu nước ngòai” đã tấn công, đánh chìm tầu cá Việt Nam v.v…

Như vậy thì vì đâu mà Nhà nước CSVN phải chịu áp lực đến xấu hổ, bôi nhọ danh dự của Tổ quốc và xâm hại nhân phẩm của ngư dân Việt Nam như thế?

Có phải trong số Lãnh đạo đã có những người đã được “nuôi ăn cơm Tầu” và nhận lương bằng “đồng Nhân tệ” hàng ngày nên mới sợ hãi đến nhục nhã như vậy?

Hay là như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đảng Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của ông Nguyễn Phú Trọng đã sang Bắc Kinh làm việc từ 26 đến 28/8 để“thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Chính phủ Việt Nam” thì đã đủ chưa để giải thích tại sao “các sợi giây thòng lọng” made in China đã quấn chặt lấy cổ các Lãnh đạo Việt Nam để họ không thể rút đầu ra khỏi lệ thuộc Trung Cộng?

(09/014)