Monday, June 9, 2014

Búa liềm và Internet

Nước Việt Nam cộng sản thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí, nhưng thuộc vào trong số những địch thủ tàn bạo nhất của tự do ngôn luận. Các nhà hoạt động trong Internet mạo hiểm rất nhiều.

Chuyến đi ra tự do của ông chỉ kéo dài có 24 phút. Nguyễn Văn Đài ngồi trong một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội. Nhạc pop ngọt ngào vẳng ra từ radio, ông kể lại, khi là một luật sư trẻ tuổi ông đã giảng dạy cho các sinh viên luật, rằng quyền con người cũng có hiệu lực cho những người bất đồng chính kiến. Và rồi năm 2007 bị kết án bốn năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” như thế nào. Ông sống qua những tháng từ đầu tiên với nước lã và cơm, xung quanh có cho tới 32 bạn tù. “Mùa đông thì ổn, nhưng mùa hè thì rất nóng.”
 
Đọc tin tức trong quán cà phê. Hình: Getty Images

Nguyễn vừa mới nói, tình hình chính trị trong nước ngày nay đã ‘tốt hơn một chút’, thì gian phòng đã đầy những bộ đồng phục màu xanh và comlê đen. 13 nhân viên an ninh chìm và trật tự địa phương bao quanh người luật sư như một cái hàng rào. Sợ hãi, ông vội quay trở về căn hộ của ông, và trong quán cà phê, một bài hát nhạc pop khác ca ngợi chiến thắng của tình yêu.

Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đi dây thành công một cách đáng ngạc nhiên. Đất nước này thuộc trong số những địch thủ tàn bạo nhất của tự do báo chí và tự do ngôn luận, và đồng thời lại thúc đẩy du lịch. Hầu như không một chế độ nào sợ các truyền thông mới nhiều hơn là Đảng Cộng sản ở đó – và đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí trong nước. Trên những bức tường dán áp phích, búa liềm đập vào mắt bên cạnh quảng cáo cho chiếc máy tính bảng mới nhất.

Chính phủ cùng đọc

Ai xa rời các quy định phát ngôn được trung ương đưa ra, người đó có nguy cơ bị án tù cho tới 20 năm. Human Rights Watch ước đoán con số tù chính trị lên đến 200. Chỉ riêng 2013 đã có 63 người bị kết án và giam cầm vì những lý do về chính trị. Trong Chỉ số Tự do Báo chí của Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam tiếp tục trượt xuống – hạng 174 của 180 nước. Tổ chức phi chính phủ này nhận định, Việt Nam “ngày nay là nhà tù lớn thứ hai cho blogger và công dân mạng sau Trung Quốc”

Thế tại sao luật sư Nguyễn lại nói ngày nay tình hình ở Việt Nam đã ‘tốt hơn một chút’? Câu trả lời có liên quan tới chính sách lớn, với những người được gọi là thấp cổ bé miệng – và Internet.

Ông vẫn bình thường, Nguyễn nhắn tin vài giờ sau cuộc gặp bị phá vỡ. Ông không bị đánh đập, nhưng hẳn là không được phép rời khỏi căn hộ của ông trong vài tuần. Tin này đến với thế giới bên ngoài qua thư điện tử. Chính  phủ Việt Nam có lúc chận các trang mạng và có lẽ cũng cùng đọc thư điện tử. Mặc dù vậy, các nhà hoạt động dân chủ như Nguyễn vẫn tìm được cách để cất tiếng nói trong mạng.

Tranh chấp với Trung Quốc đánh lạc hướng

Bầu không khí trong nước dường như vẫn còn thiên về phía chính phủ. Từ khi các cải cách kinh tế thị trường bắt đầu trong những năm 80, tổng sản phẩm nội địa đã tăng liên tục. Du lịch, xuất khẩu nguyên liệu, nhà máy may mặc và điện tử góp phần để cho nó tăng hàng năm từ 5 tới 8,5 phần trăm trong vòng mười lăm năm vừa qua. Nhưng cùng với sự thịnh vượng, một nhận thức về những tình trạng bất cập trong xã hội cũng hình thành ở nhiều người Việt.

Nông dân trên khắp nước chống lại những nhân viên nhà nước muốn đuổi họ ra khỏi đất đai của họ bằng các thủ đoạn chính quyền. Các tiếng nói khác phê phán cách xử lý của giới lãnh đạo trong xung đột với láng giềng Trung Quốc to lớn là quá mềm yếu. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền những phần lớn của quần đảo Trường Sa. Họ phỏng đoán có những nguồn tài nguyên to lớn ở đó. Cũng vì vậy mà giới lãnh đạo ở Hà Nội đã cho phép những cuộc biểu tình mới đây lâu tới như vậy: để phô trương sức mạnh với Bắc Kinh và để lấy đi bớt áp lực trong nước.

Nhưng áp lực từ người dân đang tăng lên. Và cùng với nó là phản áp lực từ trên xuống. Đất nước 90 triệu dân này có hơn 850 tờ báo và tạp chí, 66 đài truyền hình và phát thanh và 80 tờ báo trực tuyến. Tất cả họ đều chịu dưới sự kiểm soát trung ương của ban tuyên giáo ở Hà Nội. Nghị định 72 có hiệu lực từ tháng Chín 2013. Nghị định này cấm người Việt loan truyền thông tin có thể ‘gây hại cho lợi ích quốc gia’. Người dùng Internet không được phép lan truyền ‘thông tin chung’ trong thư điện tử, trên blog hay trong các mạng xã hội nữa. Tờ tạp chí Mỹ Time giật tít gọn: “Hãy chỉ quan tâm tới chuyện của người nổi tiếng thôi”

Có nghĩa là gì, khi chính cuộc sống của mình nằm hoàn toàn trong tay của sự độc đoán nhà nước, điều này thì Phạm Bá Hải biết rất rõ. Phạm, một người đàn ông cường tráng độ bốn mươi lăm có đầu cạo trọc, đã thách thức giới lãnh đạo nhà nước trước đây tám năm.



Phạm Bá Hải (đứng), và những người bạn. Nguồn: vietnamhumanrightsdefenders.net

Cùng với 117 nhà hoạt động khác, ông công bố trong Internet dưới tên ‘Khối 8406’ một ‘Tuyên ngôn Dân chủ và Tự do cho Việt Nam 2006’. Trong đó họ tố cáo ‘chính quyền cộng sản độc tài’ tham nhũng, và đàn áp người dân. Họ yêu cầu đa nguyên, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Một cuộc tấn công trực tiếp vào Đảng Cộng sản.

Phạm bị bắt giam. Lúc hỏi cung, nhân viên nhà nước đặt hàng chồng giấy lên bàn: toàn bộ trao đổi thư từ điện tử của ông, được in ra đàng hoàng. Hacker của chính phủ đã giật quyền kiểm soát máy tính của ông. Phạm bị bắt tạm giam 25 tháng, ngay cả theo các quy định lỏng lẻo của Luật Hình sự Việt Nam thì cũng là quá lâu. Cuối cùng, một tòa án tuyên xử ông năm năm tù. Sau khi được trả tự do là hai năm quản thúc tại gia. Mãi cho tới tháng Chín 2013, Phạm mới được phép đi lại tự do.

Để không bị như Nguyễn Văn Đài, ông tiến hành những biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi đi trong một chiếc taxi qua những con đường đông đúc của Sài Gòn. Chiếc xe dừng lại trước một quán cà phê hiện đại trong thành phố. Khách du lịch uống cà phê đá của họ ở đây bên cạnh người bản xứ, nhạc pop vang ra thật to từ những cái loa.

Luôn mã hóa

“Chừng nào mà kinh tế còn phát triển, thì phần lớn người Việt sẽ không càu nhàu”, Phạm nhận định. Thế nhưng cả nền kinh tế mẫu mực của Đông Nam Á cũng đã bắt đầu có khủng hoảng. Từ khi Việt Nam bước vào Tổ chức Thương mại Thế giới, ranh giới của nền ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ đã lộ ra. Tăng trưởng kinh tế không còn đủ để tạo 1,2 triệu việc làm mới hàng năm cho một dân số đang tăng bất chấp chính sách hai con. Lạm phát làm hao mòn tiền tiết kiệm của giới trung lưu, và cái nghèo hầu như không còn co lại nữa, vì lương tăng rất ít.

Phạm Bá Hải chắc chắn: lần này thì các yêu cầu của những nhà hoạt động nhân quyền sẽ thành công nhiều hơn là trước đây vài năm. “Ngày nay, tình hình đã tốt hơn nhiều, vì có Internet”, Phạm nói.
Trước đây, tin một blogger bị bắt hay bị tuyên xử tới được với giới công chúng quan tâm trong vòng nhiều ngày hay nhiều tuần. Ngày nay, nhờ Facebook và blog mà chỉ cần vài giây. Các nhà hoạt động không còn nói với nhau qua điện thoại di động nữa, mà là qua Skype. Nhiều người sử dụng đường dây Internet được mã hóa. Liệu điều đó có thật sự bảo vệ chống lại được sự giám sát được hay không thì không ai biết chính xác.

“Tôi cảm thấy bị đe dọa”

Trong lúc nói, Phạm vẫn quan sát dãy cửa sổ nhìn ra đường. Ở đây thì không ai có thể bắt được ông mà không có ai đó đưa hình hay video của họ lên Internet. “Tất nhiên là tôi cảm thấy bị đe dọa”, ông nói. Nhưng ông nghĩ rằng ông tương đối được an toàn, vì ông lưu tâm tới một đường lối rõ ràng: “Trong công việc của tôi, tôi chỉ tập trung vào nhân quyền, không tập trung vào quyền chính trị.” Ông yêu cầu thực thi những quyền cơ bản đã được đưa ra trong Hiến Pháp. Ví dụ như các điều kiện giam giữ.
Chiến thuật của ĐCS dường như đã rõ ràng: Cho tới chừng nào mà sự độc quyền thống trị của chúng tôi không bị hoài nghi thì chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ. Tại sao chính phủ không ngăn chận vĩnh viễn việc truy cập tới những trang mạng mà họ không thích?

Lời giải thích của Phạm Bá Hải thật đơn giản: vì họ hưởng lợi từ sự tồn tại của chúng. Những trang mạng như trang Defend the defenders phục vụ như là bằng chứng cho sự khoan dung của chế độ. Thêm nữa, các cơ quan nhà nước biết được những người hoạt động nhân quyền đang nghĩ gì. Cho tới chừng nào mà họ không kêu gọi hành động thì những người giám sát cứ để cho các blogger hoạt động.

Và vì vậy mà giới blogger Việt Nam dao động giữa lạc quan và hoài nghi, giữa vui mừng và sợ hãi. Đất nước của họ phát triển theo hướng nào, điều này thì có thể là cả ĐCS trước đây toàn năng cũng không biết.
Phạm Bá Hải đi về. Khi rời quán cà phê, ông nhìn quanh xem có người theo dõi hay không. Ông chìa tay cho người khách tới thăm và nói, ông hy vọng sớm gặp lại. “Có thể liên lạc với tôi vào bất cứ lúc nào.”
Matthias Lohre- Phan Ba dịch
Từ Thời Báo (Die Zeit)
www.nguoi-viet.com

Thôi rồi - Việt Nam

Những gì Trung Quốc đã và đang làm với Việt Nam trên biển Đông về bản chất và cung cách cũng không khác mấy với những gì nhà cầm quyền Việt Nam làm với dân chúng của mình ở trong đất liền lâu nay 
Phạm Ngọc Cương

1- Những gì Trung Quốc đã và đang làm với Việt Nam trên biển Đông về bản chất và cung cách cũng không khác mấy với những gì nhà cầm quyền Việt Nam làm với dân chúng của mình ở trong đất liền lâu nay. Cùng ngỗ ngược luôn cho mình là cha thiên hạ, coi trời bằng vung, một mình một chợ, ức hiếp người ngay, chà đạp kẻ yếu... Trung Quốc nổ súng chiếm, đảo, biển Việt Nam, đánh đập ngư dân Việt, cắt cáp tàu thăm dò Việt, đe nẹt các công ty nước ngoài muốn kết hợp với công ty Việt, kéo dàn khoan, đâm hỏng nhiều tàu, gây thương tích cho các lực lượng bám biển… của Việt Nam.
Dân oan Việt Nam đang bị ai bịt mồm, cướp đất phải hàng hàng lớp lớp kêu cầu khiếu kiện, bị đánh đập, tù tội, triệt đường sống vì chỉ lên tiếng đòi quyền làm người cho ra con người. Mượn lời ông Thủ tướng “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” mọi người Việt có nhận thức và trải nghiệm đều thấy rằng những gì mà ĐCSVN làm cũng thật khác rất xa những gì mà đảng nói.
2- Nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay đang thể hiện sự kém cỏi và bất lực của họ trước kẻ thù. Không cảnh tỉnh, sớm nắm bắt được ý đồ chiến lược của địch. Ngay cả khi giặc lù lù trong sân nhà cũng không dám ra tay diệt giặc. Đâu rồi cái tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”? Kẻ cướp vẫn ngày càng nghêng ngang đi lại và thao túng. Về mặt chiến lược TQ lại tạm thắng. Nhà cầm quyền VN hôm nay hành xử không khác gì một anh chồng hèn và bạc nhược, lăng quăng, xin xỏ lòng tốt của chính kẻ tình địch cắm sừng lên đầu mình.
3- Việt Nam cùng với giàn lãnh đạo yếu kém hiện nay đang tự mình làm mình mất giá. Với vị thế của mình, trong cả hơn tháng qua đáng phải có những động tác mạnh mẽ hơn. Chỉ có kiện hay không mà còn thập thò mãi nói gì đến đánh đấm. Nói gì đến ra tối hậu thư buộc TQ phải rút. Việt Nam nếu không tác động nổi Ấn Độ để chặn các tầu dầu của Trung Quốc từ Trung Đông về qua ngả Ấn Độ Dương hay tác động Philippines cùng khoá biển Đông thì ít nhất cũng phải cố tạo được căng thẳng quốc tế ở vùng biển Việt Nam có thực lực. Với cuộc xâm lược bằng các lực lượng quân sự trá hình của TQ khi TQ “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” Việt Nam cần tính cả tới đòn quân sự phủ đầu. Cái giàn khoan này không quá một vài quả tên lửa tầm gần. TQ sẽ phải lưỡng lự và ở vào thế cùng gây chiến với hàng loạt nước khác khi TQ trả đũa vào các công ty liên doanh dầu khí của Việt Nam. Ít nhất khi tình hình chớm căng lên sẽ rung lắc toàn bộ các thị trường tài chính, dầu hoả, bảo hiểm, bất động sản, đầu tư… của TQ. Ai cũng biết rằng trong cuộc chiến này sẽ không có kẻ chiến thắng. Nhưng kẻ mất nhiều hơn sẽ là TQ. Chỉ riêng cuộc chiến tâm lý thị trường thôi sẽ khiến nền kinh tế nhiều ngàn tỷ $ vì rúng động sẽ thiệt hại gấp nhiều lần nền kinh tế hơn $100 tỷ. Sự đổ nát của Hà Nội, Sài Gòn là không ai muốn, nhưng nếu là nước cờ cuối thì tổng thiệt hại cũng không thể so với sự tan nát của Hồng Kong, Macau, Quảng Đông, Thượng Hải... Và đó là điều có thể khiến những cái đầu nóng nhất ở Trung Nam Hải phải nguội lạnh lại.
4- Đại trà trong người Việt Nam hôm nay lưu thông một tư duy dễ dãi. Một ông thủ tướng có thành tích làm cho quốc gia ngày càng lún sâu, phụ thuộc nặng nề vào TQ, kinh tế be bét, tham nhũng vô độ nhưng chỉ cần nói một câu có dũng khí là được gần như cả nước tung hô và ủng hộ. Thành tích của ông thủ tướng cho đến giờ là nói được rất nhiều cái hay, đáng lưu ý, nhưng làm thì còn thật nhiều cái dở. Không ai có thể phủ nhận rằng ông cũng có thể thay đổi để thành một lãnh đạo tầm vóc hơn nhưng cái quan trọng hơn là chính mỗi người Việt cũng cần tự thay đổi để nhận chân các vấn đề, đừng hi vọng một cách dễ dãi để rồi lại sớm gánh thất vọng ê chề. Tính cách nào thì có số phận ấy. Một lần nữa người Việt cần hỏi chính mình là sao chúng ta có một số phận nghiệt ngã như vậy. Một dân tộc mạnh là phải gồm một tổng thể những công dân mạnh mẽ chứ không phải chỉ trông chờ vào một lãnh tụ lớn.
5- Lớp người theo đuổi lý tưởng cộng sản như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, …để giải phóng đất nước và phát triển dân tộc có thể được lịch sử biện minh là do tầm nhìn chiến lược hạn chế nên đã chọn sai đường đi và đặt cược số phận dân tộc vào nhầm bên thua cuộc. Tuy nhiên từ năm 1986 một người giáo điều như Trường Chinh cũng đã choàng tỉnh và bước chân vào con đường đổi mới. Ngày nay không ai còn hồ nghi gì về sự hung bạo của chủ nghĩa đại Hán hay sự bế tắc của chủ nghĩa cộng sản mà ĐCSVN còn bám vào đó thì họ, bằng một cách không thể rõ ràng hơn, đã tự chứng minh là những kẻ phản bội lại quyền lợi dân tộc với đầy đủ ý thức và chủ đích.
6- Nhìn ông tổng “lú” ngậm hột thị về chuyện TQ cả hơn tháng nay, hay sự im lìm qua cả một hội nghị trung ương đảng mới thấy sinh khí trong thượng tầng của đảng hôm nay thảm hại chừng nào. Chỉ có thể hiểu rằng TQ đang nắm chắc gáy các vị. Các vị đấu đá nhau ra sao, bài vở các vị thế nào, long thể các vị “trong sạch” dường nào, của chìm của nổi các vị đang chôn cất những đâu đều không lọt qua cặp mắt cú Trung Nam Hải. TQ quá hiểu rằng mấy ai trong quí vị hôm nay vì quyền lợi bản thân, gia đình và phe nhóm đủ dung khí dám nói “KHÔNG” với món lợi mang tên Trung Hoa. TQ quá hiểu rằng dưới sự thao túng của quí vị sau 39 năm dân tộc này vẫn chưa giải xong nổi bài toán hoà giải và sa lầy trong bài toán phát triển. Cả mấy năm nay các vị giăng lưới lẫn nhau qua nghị quyết 4 mà quyền lực ngày càng tan nát, mất tập trung. Học mãi theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà nhìn quanh chỉ thấy quan… tạng Dương Chí Dũng. Một lần nữa, muốn có sự phát triển là phải biết nhìn về phía trước. Không kẻ nào muốn tiến mà đầu luôn ngoái về phía sau. Chỉ các triều đại phong kiến mới luôn xiển dương công đức các tiên đế mà thôi. Nếu nước Mỹ cứ phát động học theo tư tưởng và đạo đức Washington thì xã hội Mỹ hôm nay không chắc khá hơn so với ngày họ lập quốc.
7- Nhân loại luôn khao khát hướng tới một nền chính trị quảng đại và chính nghĩa nhưng thực tế là nền chính trị thực dụng đang tràn lan. Trong nền chính trị thực tiễn và thực dụng này thì chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh. Kẻ yếu sức nhưng chính nghĩa, theo hy vọng cuối cùng sẽ thắng, nhưng nhất thời kẻ mạnh dù phi nghĩa vẫn luôn ở thế chủ động. Nhà cầm quyền Việt nam luôn tuyên bố rằng Việt Nam yêu hoà bình, luôn kiềm chế, không gây chiến, nổ súng trước. Những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cũng tuyên bố là họ đang theo đuổi con đường bất bạo động. Tuy nhiên chuyện Việt Nam và Trung Quốc cả hàng ngàn năm nay vẫn chuyện gươm đao và súng đạn quyết định hơn thua là chủ yếu. Khi các quốc gia trên toàn thế giới chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ cũng luôn thấy đổ máu, chỉ có đổ nhiều hay đổ ít mà thôi. Qua mấy vụ biểu tình bạo động vừa qua đủ thấy rằng sẽ còn nhiều tang thương đang trực chờ sẵn nơi ngưỡng cửa Việt Nam nếu không sớm chuyển hoá từ đảng trị sang pháp trị.
8- Năm 1979 sau khi VN đưa quân vào Cambodia, TQ tấn công VN và VN chịu sức ép nặng nề ở hai đầu đã không dẫn đến một thay đổi nào về nhân sự hay thể chế. Năm 1989 khi cả phe XHCN tan rã VN vẫn kiên định con đường XHCN. Năm 2011 khi cả thế giới Ả Rập rung chuyển, VN kiên trì độc tài đảng trị. Và 2014… Không thấy có gì để hi vọng VN sẽ sớm thay đổi. Và người Việt, đa phần, như thường lệ, luôn trông chờ và nuôi hi vọng vào sự thay đổi của chính ĐCS. Cũng ấu trĩ và vô vọng như như lãnh đạo ĐCSVN hi vọng và trông chờ vào sự tử tế của chủ nghĩa đại Hán. Trong chuyện quyền lực, chưa có ĐCS nắm quyền nào trên thế giới biết cách hoá thân và lột xác cả. Không sớm có một đảng chính trị đủ sức cạnh tranh quyền lực với ĐCS, chuyện Việt Nam vẫn chỉ vậy mà thôi.
9- Nếu các yếu tố từ đất liền vẫn như hôm nay thì Việt Nam chẳng hi vọng gì để thay đổi cục diện trên biển. Kinh tế TQ đã qua giai đoạn phát triển bùng nổ và sắp tới nhiều khả năng là sẽ không bị đổ vỡ lớn mà đi vào điều chỉnh, cân đối và phát triển chiều sâu. Kinh tế VN khẩn kíp cần những cải cách thể chế quyết liệt để tăng trưởng. Cùng là hai kẻ độc tài mà chất trí tuệ của Trung cộng xem ra thật khác xa Việt cộng. Một lần nữa Việt Nam lại lỡ tàu.
10- Liệu có con cháu Uỷ viên TW hay Bộ chính trị nào trong các lực lượng canh giữ đảo, cảnh sát biển, kiểm ngư hay ngư dân? Những lực lượng mà nếu chiến sự xảy ra sẽ nhanh chóng bị đối phương xoá sổ trong những giây phút đầu tiên. Sau bao nhiêu năm đảng tận tình tẩy não và nhồi nhét binh sỹ ngộ nhận rằng Đảng và Nước là một. Tướng quân đội làm kinh tế giàu như thế, lính tráng nghèo như thế làm sao “sỹ tướng một lòng phụ tử” nuôi chí chống Tàu được. Hơn nữa thử hỏi trên đất nước này có cửa nào mà tiền Trung Quốc không bôi trơn được. Các vụ lộ hàng hối lộ với các đối tác như Úc, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Nhật… làm bọn tham quan càng bám chặt vào các đối tác Tàu chịu chi và kín tiếng. Một quân đội chủ yếu là gồm những con em của các gia đình không lo lót nổi cho ở chỗ nào khác ngoài đời thì những cái gì đang được chứng kiến trên biển Đông đã là quá may mắn cho một thể chế mà tương lai đã mất màu sinh khí.
11- Không có các khoa học gia hàng đầu nước Nga với một dân số có hơn 142 triệu không thể xưng bá địa cầu. Năm 1947 giữa núi rừng Việt Bắc trong những năm đầu gian khổ toàn quốc kháng chiến kỹ sư Pháp đào tạo Trần Đại Nghĩa đã chế tạo thành công bazooka đánh Pháp. Sau ngần ấy năm thử hỏi mái trường XHCNVN đã đào tạo ra những tinh hoa gì cho đất nước? Hãy thử nhìn chặng đời của một công dân trong vườn ươm tài tình sáng suốt và tuyệt đối của đảng: vừa chào đời có thể chết vì đủ loại đại dịch (sởi…), lớn tí nữa thì không chết cũng dễ thương tật vì tai nạn giao thông, vào đến trường đại học thì bội thực vì quá nhiều món vô dụng như Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Duy vật lịch sử, Duy vật biện chứng, Lịch sử đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ra trường thì nhiều phần không đủ sống nếu không lọt vào dây của các nhóm lợi ích chuyên giành giật và vơ vét tài sản và cơ hội quốc gia. Chịu làm lụng lương thiện thì đến già hưu bổng, y tế vẫn chật vật mới đủ tồn tại. Tìm đâu đủ sinh khí và nội lực để khắc tinh kẻ láng giềng mạnh thừa tham tàn và hung bạo?
12- Bảng phong thần Việt Nam từ cổ đến nay chủ yếu gồm các anh hùng chống Tàu. Nếu Việt Nam không sớm nói “KHÔNG” với chủ nghĩa cộng sản thì chắc chóng tới ngày những kẻ rắp tâm đổi sang họ Tập ở Việt Nam kịp chốt sổ danh sách này.
5/6/2014
Phạm Ngọc Cương
Mai Anh chuyển
Nguồn:HNPĐ

DƯ LUẬN VIÊN

Trước đây, người ta chưa gọi là “Dư luận viên”. Thường vẫn gọi là cán bộ tuyên huấn. Cấp huyện là có ban tuyên huấn rồi. Mấy ông trong ban này lúc ấy oai lắm. Các ông thường đi nghe tuyên huấn tỉnh, sau về nói lại với cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở huyện 


Tác giả: Dương Đình Giao
I.
Trước đây, người ta chưa gọi là “Dư luận viên”. Thường vẫn  gọi là cán bộ tuyên huấn. Cấp huyện là có ban tuyên huấn rồi. Mấy ông trong ban này lúc ấy oai lắm. Các ông  thường đi nghe tuyên huấn tỉnh, sau về nói lại với cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở huyện. Nội dung thường thấy trong các buổi nói chuyện này là tin thời sự, đặc biệt là tin chiến thắng khắp nơi từ bắc tới nam (không bao giờ có tin ta thất bại, dù chỉ là tạm thời), và nghị quyết các loại (lúc ấy có người đã đề xuất nước ta nên xuất khẩu nghị quyết để nâng cao đời sống nhân dân cơ mà).
Báo chí hiếm, đài lại càng hiếm hơn nên được nghe cán bộ tuyên huấn nói chuyện là niềm vinh hạnh lớn. Những lời của các ông ấy nói là  “những lời như chân lý sinh ra” (thơ Tố Hữu). Công bằng mà nói, các cán bộ tuyên huấn đã góp phần không nhỏ vào việc động viên toàn dân tham gia đánh Mỹ giành thắng lợi cuối cùng.  Muốn làm tuyên giáo thì phải nói giỏi, trơn tru, lưu loát, có thế mới hấp dẫn được người nghe. Nhưng nghe mấy ông tuyên giáo huyện thì chán lắm.
Nhiều ông nói ngọng. Lại cứ hay dở “chiêu” : “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ, các đồng chí đừng …” (ý là vấn đề này rất bí mật, các đồng chí là người rất đáng tin cậy tôi mới nói). Người nghe thấy sướng quá, hóa ra mình cũng là người quan trọng được biết những điều  “bí mật” mặc dù những điều các ông ấy nói, BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ… nó nói lâu rồi. Nhiều ông tuổi còn trẻ nhưng hay gọi lãnh tụ bằng “anh”, ý “mình với các “anh ấy” gần gũi lắm”. Mở miệng là “anh Duẩn, anh Đồng, anh Giáp… “. Cũng là học lẫn nhau cả thôi. Tỉnh đi nghe trung ương nói, thấy trung ương gọi bằng “anh”, khi về nói cho huyện cũng gọi như thế, rồi huyện thấy tỉnh gọi thế, cũng bắt chước. Người bình thường thấy gọi bằng “anh” nghe “oai” lắm. Nhưng người có tí hiểu biết thì thấy vừa “xấc”, vừa “hợm”. Khi nào phải nghe các ông ấy nói chuyện thì tốt nhất là kiếm một góc mà ngồi, mang theo quyển sách.
Từ khi về Hà Nội, nơi tôi làm việc có quan hệ với trường Nguyễn Ái Quốc (bây giờ là Học viện Hồ Chí Minh gì đấy!), cơ quan tuyên huấn cỡ lớn. Chi bộ quan tâm đến tình hình tư tưởng của anh em nên thỉnh thoảng vẫn mời mấy vị ở đấy về nói chuyện. Trình độ cấp trung ương, nên câu chuyện cũng có hấp dẫn hơn. Nhưng vẫn không chừa được cái bệnh: “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ…”. Và nhất là vẫn  cái bệnh của tuyên huấn, thường nói lấy được, bất chấp sự thực khách quan.Vì cứ nghĩ người nghe không biết gì. Hoặc người ta có biết nhưng không thể “cãi” được. Nói mà tin rằng không có ai phản bác thì muốn nói gì chẳng được?
Một lần, khoảng 1995 , 1996, một ông đến nói về công cuộc đổi mới. Ông ấy nói đại ý: Chúng ta phải biết ơn đảng nhiều lắm vì nhờ đảng mới có đổi mới, nhờ đảng, cuộc sống của chúng ta mới được cải thiện như ngày hôm nay. Rồi ông ấy lấy thí dụ chứng minh cho cái điều ấy: Cách đây 10 năm, chúng ta phải mang chai đến cơ quan chia nhau mỗi người  một ít xà phòng nước để giặt quần áo, bây giờ thì đủ loại xà phòng; tết Trung thu (hôm ấy sắp đến rằm tháng Tám), mấy người mới được một cái bánh đem cắt ra chia nhau mang về cho các cháu. Bây giờ thì bánh nướng, bánh dẻo ê hề, chỉ sợ không có tiền mà mua…
Mình nghe, “lộn hết cả ruột”.
Đến giờ nghỉ giải lao, ông ấy vào phòng khách ngồi uống nước cùng mấy người nữa. Mình cũng giả vờ vào xin chén nước. Sau vài câu xã giao, mình hỏi:
-         Anh chắc năm nay cũng khoảng năm mươi tuổi?
-         Vâng, tôi năm nay năm mốt.
-         Xin lỗi, thế anh quê tỉnh nào?
-         Cám ơn anh hỏi thăm. Tôi quê Thái Bình, tỉnh năm tấn xưa đấy.
-         Anh hơn tôi một tuổi, nhưng vì anh quê ở Thái Bình nên có thể anh không biết. Từ năm 1959 về trước, thỉnh thoảng cứ sau ngày lĩnh lương, bố tôi thường đến nhà bà bác có cửa hàng tạp hóa, mua một hòm xà phòng giặt, mỗi hòm khoảng vài ba chục bánh. Khi nào dùng hết, lại đến chở. Chẳng có ai phân phối hay phải chia bôi gì. Còn cái bánh Trung thu ấy, cứ trước ngày Tết độ nửa tháng, bố mẹ tôi lại dẫn mấy anh em đi dọc các phố hàng Ngang, hàng Đường, Đồng Xuân xem người ta làm bánh trung thu. Vào dịp này, cửa hàng nào cũng làm bánh ngay bên ngoài, người mua có thể chứng kiến đủ mọi công đoạn ra đời của một cái bánh. Mấy ông thợ làm bánh khoác tạp dề, đội mũ vải trắng nhào, trộn, vỗ khuôn chan chát…
Người ta cứ làm, mình cứ xem, không ai chào mời. Đó cũng là cái tử tế của các nhà buôn thời ấy. Rất cần khách hàng, nhưng vẫn giữ tự trọng,  không khúm núm, xun xoe mời chào. Xem một lúc lại đi hàng khác. Khi nào chán rồi, mỏi chân rồi, thì mua một hộp, hai hộp. Mua bao nhiêu cũng được, mua  nhiềuthì được rẻ hơn. Chỉ có từ sau 1960, chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội nên mới không có xà phòng mà giặt, phải dùng chất tẩy mà người ta gọi là  xà phòng nước, bánh trung thu cho trẻ con mà phải cắt từng cái làm hai ba phần chia nhau.
Ông tuyên giáo tỏ vẻ ngạc nhiên:
-         Thế ạ?
-         Chắc vì anh ở Thái Bình nên không biết. Tôi xin “tiết lộ” với anh cái sự thật ấy. Ta bây giờ nếu có vui thì là vui vì cuộc sống của chúng ta đã được trở về với những quy luật vốn có. Có “mới” gì  mà “đổi”, phải không anh? Còn biết ơn thì lại càng không. Chẳng lẽ cái anh nó bóp cổ mình cho đến khi sắp tắc thở mới buông ra, mình lại phải biết ơn?
Sau lần ấy, cứ mỗi khi đến buổi nghe báo cáo thời sự, tôi lại được thủ trưởng giao cho một công việc gì đấy để không phải tới nghe. May quá!
II.
Mấy năm nay, in-tec-net có ở khắp nơi, các trang web ngoài luồng phát triển tới mức không kiểm soát nổi, lại thêm cái anh Phây-xờ-búc ngày càng bung ra, khiến các vị tuyên huấn xoay như chong chóng không chống đỡ kịp những lập luận thuyết phục, những sự thật vốn được giấu kín nay được phơi bày. Thế là mấy chục nghìn các DLV ra đời. Có mặt các DLV này, dư luận trên mạng thêm rộng đường, người nói phải, người nói trái, anh nói ngược, chị nói xuôi, phân tích, chứng minh, lý giải… khiến người nghe càng có điều kiện phán xét để rồi tin vào một ý kiến nào đó, thoát khỏi tình trạng “như vịt nghe sấm” hay định hướng một chiều. Để cho các cuộc tranh luận, thảo luận lành mạnh, bổ ích, tôi xin đề nghị các bạn DLV:
Xin các bạn có tên thật. Nhân vật chèo xưa, mỗi khi bước ra sân khấu đều hỏi: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” Hỏi thế thôi, chứ chỉ chờ nghe tiếng đế trong hậu trường “không xưng danh thì ai biết là ai!” là tên tuổi, thậm chí quê hương bản quán được công khai. Tôi để ý thấy tất cả các bạn chẳng ai có cái tên thật, cái ảnh đại diện cũng không. Chẳng lẽ các bạn tự nhận mình là người không chính diện (tức là “phản diện”)? Chỉ riêng điều này, các bạn đã tỏ ra không chính danh rồi. Mà “danh bất chính thì ngôn bất thuận”. Làm sao thảo luận được với người không chính danh, làm thế là tự hạ thấp bản thân mình.
Thậm chí, cái không chính danh của các bạn còn khiến người ta nghĩ đến hành động “ném đá giấu tay”. Hay là các bạn cũng chưa đủ tự tin vào những điều mình nói, thậm chí còn thấy hổ thẹn vì những điều ấy nên không dám “xưng danh”? Cho nên thái độ của tôi cũng như của nhiều người thường là coi như không thấy gì mỗi khi đọc ý kiến của những người không chính danh.
Lập luận của các bạn  đều cũ rích. Với ý kiến nào cũng chỉ có bấy nhiêu lý lẽ. Trên FB tuần qua đã có một chàng trai  thống kê những lập luận quen thuộc đến nhàm chán của các DLV, tôi không nhắc lại để khỏi làm mất thời gian của mọi người. Hình như các bạn phải đợi khi nào có đợt tập huấn mới có một chút mới mẻ do cấp trên “gà” cho. Nhưng cũng chỉ mới mẻ được vài hôm thôi. Cuộc sống  luôn luôn vận động sao chỉ với những lập luận xói mòn ấy có thể bác bỏ được biết bao những câu chuyện, lý lẽ, phản bác đầy sức thuyết phục?
Muốn cho cuộc tranh luận thêm hấp dẫn, nói đúng hơn là để ý kiến còn có người đọc, xin đề nghị các bạn chịu khó học hỏi thêm. Cái khi học ở trường, muốn lên lớp, có thể chỉ cần bỏ ra ít tiền cho vào cái phong bì là xong. Nhưng cuộc sống phức tạp hơn nhiều lần khi đi học. Không học, không làm ăn gì được đâu. Nhất là lại làm người chuyên tranh luận, làm việc bây giờ lại có lương, có thưởng. Mà lại tranh luận với một số lượng người khổng lồ, trong đó không ít người “thông kim bác cổ”, tuổi đời có khi đáng tuổi, cha tuổi ông các bạn. Quả là chẳng dễ dàng gì!
Để không khí bàn luận tránh bị ô nhiễm, giữ được sự trong sạch cần thiết, đề nghị các vị (giờ thì tôi không thể gọi “các bạn” được nữa)  nói năng sao cho có văn hóa. Các vị  nói tục nhiều quá, văng bậy nhiều quá. Xem những dòng chữ của các vị, tôi hình dung ra mấy anh thanh niên, tóc nhuộm xanh đỏ, cổ đeo cái dây xích to tướng, ngực áo phanh rộng, khuôn mặt bạc đi vì thiếu ngủ, rít thuốc liên tục,bên cạnh cái gạt tàn đầy những đầu mẩu thuốc lá,  ngồi trước máy vi tính chăm chú với các màn súng nổ, gươm đâm…thỉnh thoảng lại hét lên, lại văng ra những lời tục tĩu để giải tỏa sự bức xúc vì thua cuộc. Hình như các vị thấy thua kém về lý lẽ, bèn đem cơ quan sinh dục của cả hai giới thay cho cái trí não ít học, lười học. Vẫn biết chúng đều là những bộ phận trong cơ thể con người cả, bộ phận nào cũng quan trọng, không thể thiếu, nhưng cái nào có việc của cái ấy. Nhiều lần, tôi đã nhắc nhở các vị “nói năng sao cho lịch sự”, hay “cần chứng tỏ mình là người có giáo dục”.
Nhưng hình như các vị  không phải là những người như thế nên văng tục chửi bậy là ngôn ngữ thường thấy trong các comment của các vị. Nghe như lời ăn tiếng nói của những kẻ chuyên hành nghề “đâm thuê chém mướn”. Hay các vị đang hành nghề này bằng bàn phím? Chẳng hiểu các bậc sinh thành ra các vị, vợ con các vị mỗi khi đọc được những dòng ấy họ sẽ nghĩ gì về công lao dưỡng dục ngần ấy năm trời, nghĩ gì về cái người mà hàng ngày họ vẫn “đầu gối tay ấp”, nghĩ gì về người bố, người mẹ của mình? Cũng có thể đây chính là lý do để các vị  không dám chính danh?
Vài lời đề nghị, chỉ muốn những cuộc trao đổi thú vị hơn.
http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/du-luan-vien.html
Nguồn:HNPĐ

Việt Nam bỏ lỡ cơ hội được quốc tế bảo vệ

Để cho bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá bị phá hỏng, kiện Trung Quốc tại một Tòa án Việt Nam (Tòa án Nhân dân Đà Nẵng), Việt Nam có thể đã tự tước đi cơ hội của ngư dân Việt Nam khởi kiện Trung quốc tại Tòa án Luật biển quốc tế (ITCLOS), để được quốc tế bảo vệ một cách tốt nhất, lâu dài nhất. 


Vợ chồng chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa tuyên bố đang củng cố hồ sơ để khởi kiện phía Trung Quốc. Con tàu bị đắm chìm (ảnh nhỏ). Nguồn: vtv.vn

Hành động Trung Quốc dùng tàu lớn đâm trực diện, phá hỏng, nhấn chìm tàu cá cùng toàn bộ ngư dân VN không chỉ là hành động gây nguy hiểm đến tính mạng con người nói chung và ngư dân Việt Nam nói riêng, mà là ‘hết sức nguy hiểm’, vì hành động này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu ngang ngược coi thường các nguyên tắc ứng xử quốc tế, không tuân thủ các nghĩa vụ mà họ trong tư cách là một nước thành viên Liên Hợp quốc, một nước đã ký Công ước Luật biển của Liên Hiệp quốc phải thực hiện.

Tuy vậy, điều quan trọng nhất, cấp bách nhất lúc này là phải đảm bảo an toàn tính mạng, phương tiện cho ngư dân đánh bắt tại vùng biển Trung quốc có thể xuất hiện quấy phá.

Về lý thuyết, bà Hoa có thể kiện tại một Tòa án có thẩm quyền của Việt nam, Tòa án Đà Nẵng chẳng hạn, theo thủ tục hình sự và cả dân sự. Vì nơi xẩy ra hành vi hủy hoại tài sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển mà Việt Nam có chủ quyền và toàn quyền tài phán.

Để vừa khẳng định hành vi phá hoại tài sản, vừa buộc Trung Quốc bồi thường thiệt hại, trước tiên bà Hoa phải làm đơn tố cáo yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Thủ tục tố tụng hình sự sẽ được tiếp tục khi cơ quan điều tra xác định được có dấu hiệu phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội là ai.

Hàng loạt khó khăn xuất hiện trong quá trình điều tra, đặc biệt là xác định thủ phạm, sẽ khiến việc khởi tố bị can và đưa ra xét xử rất dễ trở thành bất khả thi.

Nếu chỉ muốn bồi thường thiệt hại, bà Hoa có thể trực tiếp khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Đà Nẵng theo thủ tục dân sự. Thủ tục này cũng vấp phải những trở ngại lớn, trong đó có việc xác định bị đơn là ai? và liệu Tòa án Việt Nam có thẩm quyền hay không?
Dù thắng kiện, bà Hoa cũng rất khó nhận được tiền bồi thường. Việc thi hành án, kể cả ở Việt Nam, là rất khó khăn. Về lý thuyết, cơ quan thi hành án Việt Nam có quyền phong tỏa tài sản của Nhà nước Trung Quốc tại Việt Nam để buộc họ phải trả tiền bồi thường cho bà Hoa.

Nhưng hậu quả chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc do sự phong tỏa này gây ra sẽ lớn hơn, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với số tiền cần thi hành án, khiến không cơ quan nào dám cho phép thi hành án cả.

Tuy nhiên điều đặc biệt nguy hiểm ở đây lại là: a) nếu bản án có hiệu lực của một Tòa án Việt Nam (Tòa Đà Nẵng cho đơn kiện của bà Hoa, chẳng hạn) đã có thể tuyên buộc Trung Quốc phải bồi thường được, thì toàn bộ các trường hợp ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc làm thiệt hại trong tương lai đều bắt buộc phải do Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam xét xử (nguyên tắc “Hết quyền tài phán quốc gia” trong công pháp quốc tế); b) Tương tự, một sơ hở khi dùng từ ngữ trong bản án của một Tòa án Việt Nam có thẩm quyền, cũng có thể  loại trừ quyền khởi kiện của ngư dân Việt Nam tại một Tòa án quốc tế (Tòa án luật biển quốc tế, chẳng hạn).

Tất nhiên bà Hoa cũng có thể khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án luật biển quốc tế yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại và thực hiện các yêu cầu khác của bà.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa án luật biển quốc tế chỉ có hiệu lực và giá trị đối với bà Hoa chứ không phải cho tất cả ngư dân Việt Nam.

Yêu cầu khởi kiện của bà Hoa là yêu cầu của một ngư dân bị Trung Quốc phá hoại tài sản, cản trở mình đánh bắt hải sản. Mục đích của bà Hoa, do đó, cũng khác với mục đích khởi kiện của ngư dân Việt Nam muốn được đảm bảo tự do đánh bắt trên vùng biển mà họ được quyền đánh bắt; muốn được bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi hành nghề đánh bắt hải sản.
Phán quyết của Tòa án biển quốc tế chỉ có hiệu lực đối với nguyên đơn là bà Hoa, nên cũng không buộc được Trung Quốc phải bảo đảm tự do đánh bắt, bảo đảm an toàn cho ngư dân Việt Nam.

Để bảo vệ ngư dân lâu dài và toàn diện, có 03 hướng khởi kiện - đều khả thi cả - tại Tòa án luật biển quốc tế (ITCLOS): (1) Ngư dân khởi kiện thông qua đại diện của mình là Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng, với điều kiện quyền khởi kiện quốc tế này không bị bản án vụ bà Hoa làm vô hiệu, và Hiệp hội được sự cho phép của đảng, chính phủ Việt Nam ; (2) Nhà nước khởi kiện yêu cầu tòa này ra phán quyết xác định (declaratory judgement) việc Trung Quốc dùng tàu đâm tàu Việt Nam, phá hoại phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam là hành vi sử dụng vũ lực; và (3) Kết hợp một cách khéo léo cả hai hình thức khởi kiện trên.

Thủ tục khởi kiện, tố tụng xét xử tại Tòa án luật biển quốc tế khá phức tạp. Điều cần lưu ý đặc biệt là các thủ tục này hoàn toàn xa lạ và khác hẳn thủ tục tố tụng tại Việt Nam. Ngay cả việc thu thập chứng cứ, chuẩn bị hồ sơ cũng theo các chuẩn mực không giống như Việt Nam vẫn quen thuộc.



Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Nguổn: RFI

Trình tự tố tụng trong khuôn khổ ITCLOS gồm giai đoạn: Tố tụng văn bản và tố tụng trực tiếp (tranh luận tại phiên Tòa). Sau khi quyết định thụ lý đơn kiện, Tòa ITCLOS (hoặc Tòa trọng tài theo phụ lục VII của ITLOS), sẽ cho nguyên đơn 06 tháng lập hồ sơ và trình bày chi tiết chứng cứ, các cơ sở pháp lý và lập luận cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa sẽ tống đạt toàn bộ hồ sơ và lập luận của nguyên đơn cho bị đơn; bị đơn cũng có 06 tháng để trình bày chứng cứ và lập luận phản bác. Mỗi bên đều có quyền xin gia hạn thời gian trình bày lập luận.

Về nguyên tắc, không có giới hạn thời gian hai bên tranh luận bằng văn bản. Khi nhận thấy các bên đã trình bày đầy đủ lập luận và chứng cứ của mình, Tòa sẽ quyết định kết thúc giai đoạn tố tụng văn bản. Từ lúc này, bên nào muốn đưa thêm chứng cứ mới phải được sự đồng ý của bên kia và của Tòa. (Việt Nam hoàn toàn không có tố tụng văn bản. Thậm chí bị đơn muốn xem hồ sơ, chứng cứ chống mình cũng phải làm đơn xin xem và sao chụp. Tòa án có quyền không cho sao chụp).

Trong vòng 06 tháng sau khi kết thúc tố tụng văn bản, ITCLOS phải mở thủ tục tố tụng trực tiếp và sau đó sẽ ra phán quyết. Trong quá trình tố tụng trực tiếp, các chứng cứ mới trình bày sẽ không được chấp nhận. (Tại Việt Nam, việc giữ bí mật chứng cứ để trình bày trong phiên tòa xử công khai rất phổ biến và là một trong các yếu tố quyết định thắng kiện). Kết thúc mỗi giai đoạn tranh tụng, các thẩm phán sẽ thảo luận kín và yêu cầu các bên giải thích, làm rõ các vấn đề pháp lý cần thiết. Trong quá trình tố tụng, một sai lầm về hình thức cũng có thể dẫn đến hậu quả phải kéo dài quá trình tố tụng, hoặc thậm chí bị đình chỉ vụ án. Như vậy, trong mỗi giai đoạn của qúa trình xét xử tại ITCLOS đều có những trở ngại và ẩn chứa nguy hiểm có thể dẫn đến thất bại.

Muốn thắng kiện, phía Việt Nam chắc chắn phải được một công ty luật nước ngoài chuyên về Luật biển quốc tế tư vấn và đại diện trước Tòa án luật biển quốc tế.

Ngay cả khi có nhiều khó khăn, trở ngại như thế, ngư dân Việt Nam cũng nên nộp đơn kiện lên Tòa án luật biển quốc tế. Vì ngay từ khi Tòa án quốc tế này nhận đơn khởi kiện, ngư dân ta đã được bảo đảm an toàn rồi.

Kể từ thời điểm đơn kiện được thụ lý, Trung Quốc có nghĩa vụ không được tiếp tục thực hiện những hành động làm hiện trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Nghĩa là không được tiếp tục phá hoại phương tiện, cản trở ngư dân ta đánh cá nữa.

Nếu Trung Quốc vẫn làm, nguyên đơn (Hiệp hội nghề cá) có quyền yêu cầu Tòa án luật biển quốc tế quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Trung Quốc hoặc phải rút tàu ra khỏi vùng biển có ngư dân Việt Nam đánh bắt, hoặc phải bảo đảm các tàu của Trung Quốc giữ một khoảng cách an toàn xác định đủ để các tàu ngư dân Việt Nam an tâm đánh bắt.

Thoạt nhìn, việc chỉ đạo bà Hoa khởi kiện tại Tòa án Đà Nẵng với sự trợ giúp của một văn phòng luật sư địa phương, cho thấy dường như Việt Nam đang lúng túng, chưa biết cách sử dụng công cụ pháp lý nào cho hiệu quả. Nhưng, khi để ý Việt Nam đã ngay lập tức cam kết bồi thường, giảm thuế cho các doanh nghiệp Trung Quốc bị phá hoại tài sản trong đợt biểu tình chống Trung Quốc tại Bình dương; đồng thời còn nhanh chóng hơn nữa khi đưa ra xét xử, kết tội những người biểu tình trực tiếp phá hoại, thì có thể nói Việt Nam đã có một chiến lược trước sau như một đối với Trung Quốc.
06-09-2014 11:44:51 AM
GS TS Nguyễn Vân Nam

Kính thưa các “đồng chí chưa bị lộ”…

TS. DƯƠNG XUÂN THÀNH 10/06/14 06:06  
(GDVN) - Câu nói trào phúng: “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” đã có được một minh chứng hùng hồn, giấy trắng mực đen, lại còn thêm dấu đỏ hẳn hoi.

Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi đi các nơi trong đó có Báo Giáo dục Việt Nam, hồi đáp về chuyện cán bộ trong tỉnh dùng bằng “không hợp pháp”. 

Văn bản có đoạn: “ UBND huyện, thành, thị kiểm tra, rà soát việc sử dụng bằng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn và xử lý nghiêm cán bộ, công chức sử dụng văn bằng không hợp pháp (nếu có); báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, chỉ đạo”.

Ông Lê Đình Lý – Phó giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: “Việc kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức cấp xã của UBND tỉnh là nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Hiện UBND tỉnh đã gửi văn bản yêu cầu các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh kiểm tra, rà soát bằng cấp cán bộ cấp xã”.
Ảnh minh họa.

Có vẻ như tỉnh Nghệ An đang có quyết tâm cao trong việc bài trừ tệ dùng văn bằng không hợp pháp, song nghĩ kỹ một chút sẽ thấy câu nói trào phúng: “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” đã có được một minh chứng hùng hồn, giấy trắng mực đen, lại còn thêm dấu đỏ hẳn hoi. Không khó để nhận thấy vì báo chí mới chỉ nêu một vài cán bộ cấp xã, nên tỉnh chỉ yêu cầu “kiểm tra, rà soát việc sử dụng bằng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã”?

Điều này có nghĩa là gián tiếp Nghệ An khẳng định, cấp huyện và cấp tỉnh không có ai dùng “bằng rởm”? Động chạm đến “quan huyện, quan tỉnh” là chuyện khó, báo chí chưa có điều kiện tìm hiểu nên còn nhiều đồng chí “chưa bị lộ”, từ giờ đến lúc bị lộ người dân vẫn còn phải “kính thưa” hoặc tức lắm thì cũng phải “thưa các đồng chí chưa bị lộ”. Nếu làm đến cấp tỉnh, cấp huyện e rằng “rút giây động rừng” ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ cán bộ lãnh đạo, ảnh hưởng đến truyền thống quê hương?

Như vậy lỗi là do báo chí chưa phanh phui để tỉnh ra văn bản chứ không phải tại tỉnh không nhiệt tình!

Nghệ An vốn nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng, đất truyền thống cách mạng, sao lại đến cơ sự này? Câu hỏi này phải dành cho Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Nếu các đồng chí bận nhiều việc quá chưa có điều kiện rà soát đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện thì cũng nên công khai xin khất dư luận để dịp khác chứ đừng chơi trò “thí tốt” mấy anh/chị quan xã, tội cho mấy vị ấy thấp cổ bé họng!

Nói thế chứ Nghệ An cũng đừng buồn, đây là căn trọng bệnh của cả 64 tỉnh thành phố, của cả mấy chục Bộ, Tổng cục, Tập đoàn… chứ không phải riêng Nghệ An. Đặc biệt, nó cũng liên quan đến cả Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa. Chẳng thế mà đã gần năm nay, người ta đã đưa ra các chứng cứ pháp lý đầy đủ về chuyện vài vị lãnh đạo đại học Chu Văn An (Hưng Yên) dùng “bằng rởm” nhưng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng người dân tố cáo sai sự thật, Cũng nhờ đó mà tỉnh Hưng Yên vẫn ung dung chống lưng để cho cái đội ngũ “Giám hiệu rởm” của trường đại học này thả sức tung hoành.

Đã có quá nhiều ý kiến về chuyện “chuẩn hóa trình độ” của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước. Nhưng “phổ cập đại học” cấp xã  hình như lại là một tiêu chí thi đua, cũng như “phổ cập tiến sĩ” mà Hà Nội dự kiến không chỉ là thi đua mà còn để “làm gương” cho cả nước. Vì thế, chuyện “bằng rởm” (Nghệ An nói văn hoa là ‘văn bằng không hợp pháp”) trở thành một phần của “văn hóa nhạy cảm”, biết thì để đấy chứ đừng bới ra lại tốn khẩu trang.

Người làm hàng rởm, hàng nhái có thể bị bỏ tù vì kiếm lời bất chính, những người tự làm hoặc kiếm cho mình bằng rởm để có một chức vụ trong bộ máy công quyền thực chất cũng là kiếm lời bất chính, có điều khi bị lộ thì chỉ bị phê bình cảnh cáo, chuyển công tác, chưa có bất kỳ ai bị bỏ tù vì sử dụng bằng rởm. 

Đây không phải chỉ là sự nương nhẹ giữa các đồng chí với nhau, đây còn là cách mà các “nhóm lợi ích” dùng để tập hợp lực lượng. Điển hình nhất là “nhóm lợi ích thân hữu”. Chỉ cần con, em, bạn bè có cái bằng (đại học thì càng tốt) là có thể bố trí vào cơ quan, một thời gian sau chắc chắn sẽ trở thành “ông nọ, bà kia” như trường hợp mà báo chí đã nêu về con trai, con rể một vị lãnh đạo ở tỉnh Hải Dương.

Để tránh sự “tọc mạch” của dư luận, người ta tạo nên các “thân hữu chéo”, nghĩa là gửi người thân vào cơ quan của chiến hữu và nhận con cháu chiến hữu vào cơ quan mình. Chiêu bài này ai cũng biết nhưng chẳng ai làm gì được.

Nói đến chuyện bằng cấp, gần đây lại rộ lên chuyện ngược đời,  khá nhiều huyện ủy, ủy ban huyện ở Thanh hóa bổ nhiệm lái xe không có bằng cấp tương ứng vào chức vụ Phó chánh văn phòng. 

Ngược dòng thời gian vào năm 1966, một số cán bộ, đảng viên trẻ là công nhân, nông dân được tuyển chọn vào học tại đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Chế tạo máy có ba lớp A, B, C  mỗi lớp khoảng một trăm sinh viên. Sau một học kỳ nhiều người trong số đó không theo kịp các sinh viên khác, những sinh viên này được tập trung thành một lớp riêng mà bạn bè gọi vui là lớp “D còng”, số khác được chuyển về học trường Nguyễn  Ái  Quốc để đào tạo giảng viên các môn chính trị.  

Vậy là ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước đã có quan niệm, rằng không theo học được khoa học kỹ thuật thì học khoa học chính trị. Nói cách khác, các môn chính trị học “dễ” hơn các môn khoa học kỹ thuật. Có phải vì học dễ hơn nên việc làm luận án tiến sĩ hay phong hàm giáo sư, phó giáo sư cũng dễ hơn, chính vì thế số giáo sư, tiến sĩ lĩnh vực này mới chiếm một tỷ lệ đáng kinh ngạc tại Việt Nam.

Người dân ở xã P.T.  huyện Gia Lâm, Hà Nội ai cũng biết chuyện ông N. V. B, Chủ tịch xã bị tố cáo, thậm chí còn có tờ rơi khắp địa bàn về chuyện học vấn, người này sau đó chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã. 

Báo Hanoimoi.com.vn ngày 1/4/2014 đưa tin: “Năm 2014, theo quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của Bộ GD-ĐT, số được miễn học phí có sinh viên chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, học sinh, sinh viên, học viên theo học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh”.  

Không biết những người làm công tác tổ chức, tư tưởng, đặc biệt là các sinh viên theo học hai chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có cảm thấy chạnh lòng không khi họ được xếp ưu tiên cùng các chuyên ngành “lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh” . Câu hỏi đặt ra là tại sao phải ưu tiên sinh viên hai chuyên ngành đó trong khi phó văn phòng huyện ủy chẳng cần bằng cấp gì? 

Có một cách đơn giản là tuyển chọn trong số các đảng viên được kết nạp trong trường đại học, cho họ đi bồi dưỡng một hai năm về lý luận, vừa có người giỏi, vừa không làm cho người học mủi lòng, tại sao không làm? 

Từ việc đề bạt cán bộ văn phòng cấp huyện của Thanh Hóa (và chắc chắn còn ở những nơi khác nữa) có thể thấy, cách thức đào tạo và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ Đảng từ nhiều thập kỷ qua không hẳn là căn cứ vào bằng cấp, trình độ hay khả năng tiếp thu tri thức. Với những người được đào tạo theo cách thức như thế, được bổ nhiệm theo kiểu như thế, đòi hỏi họ ở vị trí tiên phong lãnh đạo dường như là một sự hoang tưởng.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, rằng đang tồn tại một quan niệm rất sai về đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, cũng như vai trò của văn phòng Đảng và chính quyền cấp huyện. Nên nhớ, hầu hết các cuộc “xuất đầu lộ diện” trả lời báo chí, truyền thông chính là cấp phó chứ không phải là cấp trưởng!

Sáu mươi năm qua, sự nghiệp giáo dục, đào tạo (trong đó có việc đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận, chính trị) có quá nhiều bất cập. Một đội ngũ giáo viên yếu về chuyên môn sẽ  ảnh hưởng đến tương lai đất nước, một đội ngũ cán bộ chính trị yếu về năng lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, điều này có thể lãnh đạo cấp cao đã nhận thấy nhưng sao vẫn để tồn tại?

Giải tán đảng cộng sản để thoát Trung cộng


Nguoiduatin (Danlambao) - Trước việc Tàu cộng xâm phạm lãnh hải VN, cắm dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển VN kèm theo hành động biểu dương quân lực, và cả những hành động đe dọa cho thấy không có từ nào khác ngoài hai chữ xâm lược dành cho chúng. Mất biển đông, đồng nghĩa với VN sẽ "chết khô" ngay trên lãnh thổ mình. Ngay như người Mỹ, họ ở tận nửa vòng trái đất cũng khẳng định biển đông là lợi ích cốt lõi và sẵn sàng "nói chuyện phải quấy" với Tàu cộng nếu cần. Không cần là một chính trị gia, chúng ta vẫn thấy rõ điều đó qua ý đồ Tàu cộng xâm lược VN với sự tiếp tay của một "bộ phận không nhỏ" trong đảng cộng sản.

Một ngàn năm Bắc thuộc là bài học không được phép quên của người VN, dù ở đâu trên trái đất này, có mang bao nhiêu quốc tịch, thì dòng máu VN bất khuất trước giặc ngoại xâm vẫn ngàn đời lưu truyền trong huyết quản. Người VIỆT NAM không bao giờ cúi đầu trước giặc Tàu như đảng cộng sản đã từng chỉ vì muốn giữ đảng, cam tâm bán rẻ non sông Tổ Quốc mà cha ông người VN đã phải đổ biết bao xương máu, gìn giữ qua hàng ngàn năm nay. Nếu hành vi của Hồ Chí Minh chỉ đạo Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14 tháng 09 năm 1958 thừa nhận Hoàng Sa thuộc China là nỗi nhục bán nước thì Hiệp Ước Thành Đô là đại họa mất nước của người VN, đã được cảnh báo trước từ nhiều năm nay. Tiếc thay, đảng cộng sản luôn đặt sự tồn tại của đảng lên trên sự tồn vong của cả một dân tộc.

Giải trừ Tàu cộng, không chỉ nằm ở hàng hóa độc hại made in China đã và đang tràn ngập VN, đang giết lần mòn người VN qua con đường thực phẩm có nguồn gốc bên Tàu. Chính người Việt cũng gián tiếp giết người Việt bởi lòng tham lợi nhuận và cả bằng nhận thức nông cạn bởi nền giáo dục vong bản thiên về hưởng thụ và hận thù giai cấp của đảng cộng sản. Giặc Tàu chuyển hóa chất độc hại vào VN bằng đường chính ngạch, ẩn vào dây chuyền sản xuất ra đồ dùng sinh hoạt và thực phẩm, kể cả đồ chơi trẻ em, chưa nói tới việc nhân viên bộ y tế "chích lầm" thuốc ngừa, làm chết trẻ sơ sinh, và sách giáo khoa phải nhờ Tàu "in hộ" vì lý do gì đó chưa ai biết. Người VN kinh doanh để sống trong nỗi chết chực chờ của tầng lớp cùng đáy xã hội, người nghèo không có điều kiện lựa chọn thực phẩm sạch, dù cũng biết tử thần luôn ẩn sau những thứ "giúp" họ qua cơn đói lòng. Còn gì buồn hơn khi biết thực phẩm độc hại mà buộc phải tiêu dùng để sống mà chờ... chết. Số người đã và đang bị ung thư tràn ngập bệnh viện trung tâm ung bướu, là lời cảnh báo sự diệt vong bởi độc dược của Tàu cộng, đi song song với hành động xâm lược. Tàu cộng dùng lao động phổ thông gốc China lập làng, lập phố như ở Bình Dương, Bauxite Tây Nguyên, lấy vợ VN, bám trụ để xóa sổ VN bằng thủ đoạn đồng hóa VN qua hôn nhân hợp pháp như chúng từng làm hàng thế kỷ trước trước. 

Giải trừ Tàu cộng là xóa bỏ 16 chữ vàng (mã) và 4 chữ tốt (nước sơn) giả tạo, là loại bỏ hẳn đường lối cai trị rập khuôn Tàu cộng của đảng cộng sản tại VN, tính từ HCM. Nhìn lại những mốc lịch sử quan trọng khởi đi từ thập niên 40 của thế kỷ trước, đối chiếu với những gì tuyên giáo cộng sản tuyên truyền, chứng minh rằng đảng cộng sản, đứng đầu là Hồ Chí Minh không thật tâm thống nhất đất nước, thậm chí còn bỏ qua đến những mấy lần cơ hội VN thống nhất thật sự, sau khi kết thúc đại chiến thế giới lần II, Pháp trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, trong đó có VN, mà không cần có đảng cộng sản do HCM lãnh đạo can dự. Thảm họa bắt đầu từ việc HCM/CS cướp chính phủ Trần Trọng Kim để đảng cộng sản nắm quyền cai trị theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản lúc bấy giờ (Đọc: HCM Toàn Tập. Tập II. Sách do chính cộng sản ấn hành. HCM làm công ăn lương của QTCS) Cần nhắc lại năm 1953, Mao Trạch Đông khởi động bước "đại nhảy vọt" khiến hàng triệu người China chết đói và bị giết oan uổng, thì đến năm 1954-1956 hàng trăm ngàn người VN cũng chết thảm tương tự trong cuộc "cách mạng đêm long trời, ngày lỡ đất" do chính Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện. "Ai có thể sai, chứ Mao và Staline không thể sai được". Đó là câu nói để đời đáng nguyền rủa của Hồ Chí Minh. (Đọc: Hai bức thư HCM gởi Staline. Nguồn: Cục lưu trữ quốc gia Nga).

Lần lại lịch sử. Tuyên giáo cộng sản tuyên truyền Hồ Chí Minh có công đánh đuổi thực dân Pháp? Điều này cần được xem lại bởi các nhà viết sử. Ngày 19 tháng 05 chỉ là cái cớ để Hồ Chí Minh rước Pháp trở lại VN, bức thư HCM gởi Tổng Thống Truman xin viện trợ, không được hồi đáp vì người Mỹ biết rõ Hồ Chí Minh chính là tên cộng sản đội lốt dân chủ, dù cố tình dấu cái đuôi cộng sản để thực hiện ý đồ nhuộm đỏ Đông Dương cho QTCS, được thể hiện qua thơ của HCM khi thăm đền Đức Thánh Trần "...Bác đưa một nước qua nô lệ - Tôi dẫn Năm Châu đến đại đồng"

Còn rất nhiều tài liệu chứng minh Hồ Chí Minh là thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, không ngoài mục đích Hán hóa VN. Chưa nói đến việc dùng trẻ em tham dự chiến tranh xâm lược Miền Nam VNCH, với bản chất hiếu chiến cộng sản Bắc Việt sẵn sàng đánh Mỹ đến người VN cuối cùng, sẵn sàng đốt cháy cả dãi Trường sơn, chỉ để đánh cho Liên sô và Trung cộng như chính miệng Lê Duẫn thú nhận. Nhìn vào thực tế hôm nay, điều gì cộng sản chối bỏ nơi "Mỹ - Ngụy" thì lại cần Mỹ - Ngụy hơn bao giờ, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Đảng cộng sản đeo bám nghị quyết 36/CP kêu gọi HGHH để đảng có đô la nhiều hơn, bởi người Việt tỵ nạn cộng sản gởi về nước mỗi năm trên 10 tỷ đô cũng chưa đủ để đảng nuôi đám sai nha chỉ biết còn đảng còn mình, để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, vừa tận dụng được chất xám tuyệt hảo của thế hệ hai - ba của "tàn dư" VNCH, cũng nhờ ơn bác đảng đánh đuổi mà có được. Kêu gọi Mỹ bán vũ khí sát thương, van nài Mỹ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa hành động xâm lược của Trung cộng, nhưng liệu đảng cộng sản có thực lòng trên môi miệng? Câu trả lời, cố TT VNCH đã nói từ mấy chục năm trước...

Điều mỉa mai và bất nhẫn là tuyên giáo cộng sản lại nhồi sọ tuổi trẻ, VNCH là tay sai "đế quốc Mỹ", là bán nước, là đàn áp giết dân, đọc lại lịch sử, hóa ra những gì tuyên giáo cộng sản ngậm máu phun VNCH thì chính đảng cộng sản thực hiện với đầy đủ bằng chứng những điều vu cáo cho chính thể VNCH, đảng cộng sản chẳng những là tay sai QTCS, còn bán nước có chứng từ công hàm, do chính quan thày Tàu cộng công khai trưng dẫn ra trước thế giới, để chứng minh đảng cộng sản tại VN từ lâu đã thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa là của China. Và dàn khoan HD 981 của Tàu cộng có quyền khoan thẳng vào lãnh hải VN như chúng đã tuyên bố. Không thể đổ tội cho ai, đảng cộng sản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Nhân dân và lịch sử về họa ngoại xâm giữa hai đảng "anh em" thầy trò Trung cộng và Việt cộng. 

Về những món nợ đảng cộng sản vay mượn Liên sô - Trung cộng để được mua vũ khí thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam VNCH. Nhân dân VN không có trách nhiệm liên đới vì những lý do sau:

1. HCM/CS cướp chính phủ Trần Trọng Kim theo chỉ thị QTCS, cụ thể là Liên sô và Trung cộng, gạt bỏ những cơ hội thống nhất đất nước mà không cần phải đổ máu, khi Pháp tự nguyện trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, áp đặt chế độ cộng sản không do dân bầu chọn, chỉ thông qua hình thức mị dân, đảng cử dân bầu thành phần quốc hội. Vị trí chủ chốt thỉ đảng cộng sản tự bầu bán lẫn nhau. Giành quyền độc tài cai trị cho đến tận ngày nay, có ghi rõ trong điều bốn HP nước CHXHCNVN. Đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo (không chia sẻ quyền lực với bất cứ đảng phái nào) lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng HCM làm kim chỉ nam cho hành động. Căn cứ vào lời nói của Lê Duẫn khi xua quân xâm lược Miền Nam VN chỉ để đánh cho Liên sô và Trung cộng. Như vậy, đảng cộng sản VN và đảng cộng sản China và Liên sô (Nếu đảng cộng sản VN còn nợ) tự giải quyết với nhau trên tinh thần QTCS, như các đảng cộng sản đã từng khẳng định với nhau. Nhân dân hai nước Việt Nam và China hoàn toàn vô can.

2. Hồ Chí Minh mờ ám chỉ đạo Phạm Văn Đồng ký công hàm 14.09.1958 không thông qua quốc hội VNDCCH, dù là quốc hội bù nhìn cũng không được biết, thì đồng bào VN có quyền phủ nhận tất cả những Mật ước của riêng hai đảng cộng sản ký kết với nhau. Tất nhiên kể cả Hiệp ước Thành Đô 1990.

Kết luận: Nhân Dân Việt Nam đủ thừa tư cách phủ nhận công hàm Phạm văn Đồng và Hiệp ước Thành Đô 1990, cùng tất cà các công hàm, chứng từ ký kết tương tự. Nhưng đảng cộng sản thì không đủ tư cách, bản lĩnh lẫn cơ sở để "nói ngược" với đàn anh Tàu cộng. Ngày nào đảng cộng sản còn cầm quyền, thì VN còn hệ lụy lẫn những hậu quả khó lường, trước các văn bản, công hàm bán nước mà đảng cộng sản đã ký kết với giặc Tàu một khi chúng công bố thêm. Cách tốt nhất, nếu không nói là duy nhất để thoát Trung cộng là phải giải tán đảng cộng sản, vừa thoát được lệ thuộc Trung cộng vừa xóa được hoàn toàn món nợ khổng lồ mà đảng cộng sản vay để chi cho cuộc chiến tranh phi nghĩa, suy cho cùng Tàu cộng là tên đại lưu manh chính trị, cho đàn cộng sản em vay chỉ để phục vụ ý đồ bành trướng của chúng, lại mang thêm món nợ lịch sử không thể nào trả nỗi.

Tàu cộng sẽ gây chiến tranh nếu đảng cộng sản tuyên bố giải tán vì không đòi được nợ? Có cho kẹo Tàu cộng cũng không dám động binh, nếu đảng cộng sản không còn tại vị. Phục hồi ngay lập tức chính thể VNCH làm đối trọng với Tàu cộng trên trường Quốc tế, liên minh với Mỹ như Nhật và Phi Luật Tân đã làm để chống lại sự bành trướng của Tàu cộng ngoài biển đông. Thế hệ hai VNCH là nguồn lực mạnh mẽ để vực dậy một VN vốn đã chìm quá sâu vào tăm tối cộng sản. Những quân nhân Mỹ gốc Việt từ cấp tá đến tướng lãnh trong Quân Lực Hoa Kỳ, các nhà khoa học cũng vậy, với họ Tổ Quốc của họ đã là nước Mỹ, nhưng dòng máu VIỆT NAM thì bất biến. Chắc rằng họ sẽ không quay lưng khi nhìn thấy gót giày Tàu cộng, một lần nữa đạp lên đầu, lên cổ người VIỆT NAM. Và nhìn vào thực tế hiện nay, việc tái thiết đất nước thời hậu cộng sản, chưa có đảng phái chính trị nào có đủ tư cách, bản lãnh, tài lực và vật lực hơn thế hệ hai của VNCH. 

Đảng cộng sản phải can đảm nhìn vào sự thật, ra đi sớm chừng nào thì tội nhẹ chừng ấy, cố đeo bám vào sự hoang tưởng "quang vinh muôn năm" đến khi nước mất thì đảng cũng tan xác pháo, chẳng ai tin dùng kẻ phủ nhận chính dân tộc của nó. Thời thế tạo anh hùng. Kẻ bản lãnh tạo nên hoàn cảnh, kẻ nhu nhược yếu hèn, hoàn cảnh tạo nên hắn. Lưu danh muôn thuở hay ngàn năm xú uế, tùy thuộc rất nhiều vào các tướng lãnh quận đội của chế độ còn có lòng với dân tộc và đất nước VIỆT NAM. Xin hồn thiêng sông núi phù trợ những quân nhân biết yêu nước thương nòi hoàn thành trách nhiệm trước Dân tộc và lịch sử.



___________________________________

Tài liệu tham khảo

-  Những mốc lịch sử quan trọng khởi từ thập niên 1940. Tác giả Dân Nam    .trinhanmedia.com/2012/10/nhung-moc-lich-su-quan-trong-khoi-tu.html

- Những sự thật cần phải biết (phần 17) - Ngu dân và mị dân để giữ đảng. Tác giả Đặng Chí Hùng. danlambaovn.blogspot.com/2013/08/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-17-ngu.html

- Công hàm Phạm Văn Đồng. 

- Quả lừa lịch sử: HCM / CSVN-CSTQ cướp chính quyền VN. 

- Về hội nghị cấp cao việt - trung tại Thành Đô - Trung Quốc. Hồi ký "Hồi Ức và Suy Nghĩ" của Trần Quang Cơ. Nhà báo Trần Quang Thành giới thiệu. 

- Vũ Ngự Chiêu: Những nghiên cứu lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh. Tác giả Nguyễn Vĩnh Châu & Vũ Ngự Chiêu. 

- M ở hồ sơ tội ác Hồ Chí Minh: Xin Đừng Quên! Nửa Thế Kỷ Trước : Vấy Máu Cải Cách Ruộng Đất. Tác giả Nguyễn Minh Cần. 

- Hai bức thư Hồ Chí Minh gởi Stalin xin Chỉ thị để giết dân Việt Nam trong chiến dịch "Cải Cách Ruộng Đất" và xin vũ khí Nga để giết dân Việt.vietlist.us/SUB_Nannhancs/nannhancs21.shtml
Nguồn tài liệu: Cục lưu trử quốc gia Nga: 

- Hồ Chí Minh Có Chống Pháp Không? Tác giả Bút Sử.mousekeymakehistory.wordpress.com/2010/01/15/h%E1%BB%93-chi-minh-co-ch%E1%BB%91ng-phap-khong/

- Tại sao có ngày sinh nhật 19 5 1946 của HCM tại Hà Nội? Tác giả Bút Sử.mousekeymakehistory.wordpress.com/2011/05/07/t%E1%BA%A1i-sao-co-ngay-sinh-nh%E1%BA%ADt-195-c%E1%BB%A7a-hcm-t%E1%BA%A1i-ha-n%E1%BB%99i/

- Lá Thư Ngày 28/2/1946 của Hồ Chí Minh Gửi TT Truman. Tác giả Bút Sử.mousekeymakehistory.wordpress.com/2013/08/05/875/

Nguyên bản Anh Ngữ. Ho Chi Minh’s Letter marked February 28, 1946, to President Truman.mousekeymakehistory.wordpress.com/2013/08/12/ho-chi-minhs-letter-marked-february-28-1946-to-president-truman/

- Hồ chí Minh gây nội chiến và chủ trương chiến tranh trường kỳ. Tác giả cố giáo sư Hứa Hoành. 

- Những sự thật cần phải biết (phần 10) - Cộng sản Việt Nam: Trẻ em là một con bài trong chiến tranh. Tác giả Đặng Chí Hùng. 

- Những sự thật cần phải biết (phần 14) - Trường Chinh - Kẻ vong bản. Tác giả Đặng Chí Hùng. danlambaovn.blogspot.com/2013/08/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-14.html

Bầu Kiên - con chó và kẻ đi săn


Phó Ngoáy (Danlambao) - Hôm nay, sự kiện bầu Kiên cùng đồng bọn bị tòa án "nhân dân" tuyên án 30 năm tù giam và phạt tới 75 tỉ đồng với 4 tội danh - trốn thuế, làm trái qui định nhà nước, kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân - là đề tài được báo chí và dư luận đặc biệt chú ý, không phải tại thời điểm này, mà nó diễn ra trong suốt thời gian bầu Kiên bị bắt tạm giam, cho tới ngày nghị án.

Việc bầu Kiên có chống án lên tòa phúc thẩm hay không, còn phải chờ xem, nhưng ẩn chưa đằng sau vụ án này có rất nhiều điều khiến mọi người quan tâm đến thời cuộc, phải bận tâm suy nghĩ.

Luật pháp hay luật đảng

Thật vậy, sau hơn 10 ngày xét xử, với những tình tiết và chứng cứ phạm tội, ngoài luật sư của bị cáo, những người am hiểu pháp luật đều thừa nhận những cáo buộc với 4 tội danh gán cho bầu Kiên là vô căn cứ. 

Thứ nhất là tội "làm trái qui định nhà nước" trong việc ủy thác tiền gửi mà trước đó, ngày 6/8/2012 thống đốc NHNN đã khẳng định là được phép và không vi phạm qui định của NHNN. 

Thứ hai là tội kinh doanh trái phép cổ phiếu, cổ phần, thì người ta thấy không có bất kỳ cơ quan cấp phép nào trên lãnh thổ VN cấp phép cho bất cứ tổ chức cá nhân nào được kinh doanh cổ phần cổ phiếu. Công dân, tổ chức được phép làm những gì luật pháp không cấm, hoặc nếu bầu Kiên bị khép vào tội đó thì có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tổ chức cá nhân cũng dính vào tội danh trên. 

Thứ 3 là tội trốn thuế. Với một thứ luật pháp lỏng lẻo như VN thì bất kỳ ai cũng có thể chế biến các khoản thu chi để trốn thuế một cách dễ dàng, cũng như luật đã nêu rõ, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, từ 2-3 năm đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập để khấu trừ đầu tư và tái đầu tư cơ sở hạ tầng, thì việc bầu Kiên bằng cách này hay cách khác, chế biến số tiền lãi là điều đương nhiên. Dưới chế độ XHCN tươi đẹp này, chỉ có thằng cực ngu mới ngoan ngoãn, thật thà nộp cái thuế TNDN "trên trời" cho ông nhà nước. 

Cuối cùng là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, một loại tội phải có yếu tố người bị hại. Mà người bị hại ở đây là bạn thân (Trần Đình Long) của bị cáo và không hề có đơn tố cáo, nhưng ở đây nhà nước pháp quyền XHCNVN đã quá tốt, sốt sắng kiện hộ nạn nhân. Nhưng lạ một điều là trước tòa, nạn nhân lại khẳng định không hề bị thiệt hại. Ô là là, tuy không bị thiệt hại nhưng người ta xử hành vi (quá lố bịch, tội này nếu khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại còn được xem xét tình tiết giảm nhẹ) lừa đảo, còn bị thiệt hại hay không người ta không thèm quan tâm.

Qua những so sánh và phân tích tội danh của bầu Kiên trên, người ta thấy cái gọi là "nhân danh" nhà nước CHXHCNVN, căn cứ vào luật rừng, hay nhận chỉ thị từ luật đảng, để khép tội cho bầu Kiên thì đúng hơn.

Luật đảng là luật gì?

Trước hết luật đảng phải dựa trên tính giai cấp. Trong xã hội VN hiện nay đang hình thành và đã hình thành hai thành phần, hai giai cấp. Đó là thành phần bóc lột và thành phần bị bóc lột và giai cấp cai trị và giai cấp bị trị. Vậy đâu là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Điều hết sức đơn gian lý giải điều này, đó là những người hưởng tiền ngân sách, hay còn gọi là viên chức nhà nước được coi là thành phần bóc lột, là giai cấp cai trị và phía bên kia, những kẻ bị bóc lột, phải đóng thuế, hay những kẻ không có ân huệ hưởng kho lẫm của chùa là giai cấp bị trị. Một điều không may cho Kiên, là Kiên lại nằm trong thành phần bị trị (không hưởng lương ngân sách) và đương nhiên luật đảng phải xử nghiêm minh thành phần không phải "bần cố nông".

Bầu kiên thật sự bị tội gì!

Một câu hỏi đặt ra khiến mọi người phải suy ngẫm, sau khi lắng nghe 40 phút nói lời sau cùng của ông bầu nổi tiếng một thời. Rằng thành tích của ông ta cũng thuộc loại đáng kình nể đấy chứ! Theo lời ông ta kể thì đầu những năm 90 sau khi nhà nước Liên Xô tan rã, ông ta đã được lãnh đạo đảng, nhà nước nhờ cậy dàn xếp với Nga Xô để xóa nợ, để mua vũ khí và ông ta còn có công đưa được 4 tổ máy của thủy điện sông Đà về VN. Đáng lẽ ra với những thành tích như vậy ông ta phải là loại người được sủng ái chứ đâu phải đến nỗi bị thất sủng và bị trừng phạt như ngày nay. Nhưng than ôi! Bầu Kiên giỏi về làm kinh tế, giỏi biện luận những lại rất ngây thơ khờ dại về chính trị. "Nhờn chó, chó liếm mặt" đã là thân phận con chó thì đừng bao giờ dám nhờn liếm mặt chủ, tuy rằng nó chỉ hạn hẹp trong cái sân chơi giải trí thể thao, nhưng nó lại dám giương vây, lên cơn khuỳnh, dám vượt mặt, thách thức cả đảng, để cho ra đời cái tổ chức bóng đá gọi là VPF. Thế là toi đời rồi, giờ G đã điểm và thằng này đáng lên thớt. Nếu không xử nó ngay thì đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho một chế độ toàn trị, hậu quả do nó gây lên sẽ là khôn lường.

Huống chi đây là thời điểm vở kịch "con chó và người đi săn" đã đến hồi kết. Không để nó khinh lờn, không để nó lấn sân và "vỗ nó như vậy là béo rồi đã đến lúc làm thịt nó thôi" Đó là bài ca muôn thủa của đảng ta đã từng vặt lông cắt tiết những con vịt béo như Nguyễn Văn Mười Hai, hay Tân Trường Sanh. Khánh Trắng, Năm Cam cũng là những nạn nhân tương tự của đảng và việc bới tội nó hay bất kỳ thằng nào trên cái đất nước "Ngoạc mồm khóc than" này có khó gì đâu. Ti tỉ tội, phương châm của đảng ta là "Không có tội, biến nó thành có tội. Tội ít biến nó thành tội nhiều. Tội hôm qua sẽ thành tội hôm nay" xét xử nó đàng hoàng, đừng thủ tiêu nó mà mang tiếng.

Kết luận: 

Vì vậy phải chỉ đích danh tội trạng của bầu Kiên là tội "Khuỳnh" mới là đúng tội và đây cũng là bài học cho những ai còn mơ màng, mụ mị chưa tỉnh giấc. Hôm qua là tên gian thương, tên địa chủ, hào phú, tên tư sản bóc lột, bị mang ra đấu tố, bị phỉ nhổ, bị lên án v.v... Hôm nay đảng lại trìu mến, vỗ về thân ái gọi là những doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, yêu nước, sáng tạo v.v... và rồi một lúc nào đó con thú đã hết, thì đến lượt con chó sẽ làm mồi cho ông chủ CS là điều đương nhiên. Hãy cứ cúc cung tận tụy, phục vụ ông chủ đi, cố gắng tiếp cận, cố gắng làm thân, cố gắng luồn cúi để được nâng đỡ, để được che ô, che dù đi, hãy cố gắng làm một doanh nhân giỏi thành đạt đi hỡi các nhà doanh nghiệp, để rồi không biết ai trong các vị sẽ là vật tế thần như Nguyễn Văn Mười Hai trước đây và bầu Kiên hôm nay. Bài học này xin hãy tỉnh ngộ hỡi các doanh nhân VN.

Hà Nội, 9/6/2014